Thực ra không phải tới lúc niệm Phật chúng ta mới có phiền não, hoặc nhận biết ra chúng ta đang có, thậm chí quá nhiều phiền não, mà nói cho đúng: phiền não đã có trong chúng ta từ vô lượng kiếp tới nay. Nói khác là phiền não đã hằn sâu, gắn chặt trong tâm của chúng ta và chúng ta đã nguyện chung sống với chúng như một người bạn. Cũng vì lẽ đó mà chúng ta mới có mặt trong cõi Ta-Bà này.
Khi chúng ta hiểu rõ được căn nguyên, nguồn gốc của phiền não tất chúng ta sẽ dần dần, dễ dàng tìm ra phương cách để đối trị và hoá giải. Tâm lý thông thường chúng ta hay nghĩ: Khi chúng ta vui, sung sướng, hạnh phúc… chúng ta sẽ không có (hoặc ít) phiền não. Hiểu theo lẽ đời thường và đơn giản có lẽ là vậy. Nhưng nếu dùng giáo lý của Phật để lý giải thì cái mà chúng ta gọi là vui, sung sướng, hay hạnh phúc đó cũng chính là phiền não (vạn vật không bất biến, không trường tồn). Tại sao? Trong Pháp Bảo Đàn Kinh Tổ Huệ Năng nói: “Phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ-đề”. Phàm phu là ý chỉ người chưa giác ngộ. Không lẽ người chưa giác ngộ mà Tổ lại ví như Phật? Hoàn toàn không phải vậy, mà phàm phu tổ nói ở đây không dùng để đánh giá học vấn (trí thức) hay cả một quá trình phấn đấu của một con người. Trái lại tổ chỉ thẳng vào sự nhận diện sự việc (giác ngộ hay trí tuệ) của người đó trong từng niệm.
Tổ cắt nghĩa về Phàm phu và Phật như sau: Một niệm ngu tức phàm phu, một niệm trí tức Phật. Thế nào là một niệm ngu? Ví thử ta ngồi niệm Phật, người nhà cứ đi qua, đi lại, rồi có người lại buông một câu: “Dào ôi! Sống còn chẳng ăn ai, giờ còn ngồi lầm rầm như ma ám.” Hay: “Thích niệm Phật sao không lên chùa, hay kiếm nơi khỉ ho, cò gáy nào đó mà niệm có tốt không? Ngày nào cũng làm một đống chềnh ềnh giữa phòng, làm ảnh hưởng, mất hết tự do của người khác .v.v.” Gặp trường hợp như thế chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ nổi sân? Sẽ quát mắng người chê bai, dè bỉu hay đàm tiếu chúng ta khi chúng ta đang công phu? Hay chúng ta sẽ ráng… im lặng, nhưng rồi ngồi để hậm hực niệm Phật? Khi cả hai trạng huống đó xuất hiện thì chúng ta đều là phàm phu mất rồi. Nghĩa là chúng ta chấp chặt những lời đàm tiếu của người xung quanh và cho đó là thật, làm ảnh hưởng tới mình hay hạ thấp đạo cách của mình. Khi niệm chấp đó nổi lên tổ gọi đó chính là niệm ngu (niệm của phàm phu chưa giác ngộ). Nhưng nếu trường hợp nói trên xảy ra, chúng ta không khởi tâm phân biệt, không khởi niệm chấp (chấp chặt, chấp có, chấp chết) mà chúng ta chỉ cần nhận biết: À, lại có người trêu chọc, quấy phá, hay muốn “nắn gân” mình rồi. Chỉ cần khởi niệm biết có người quấy phá là đủ. Niệm biết khởi lên với cái tâm hoan hỉ (không có tâm chống đối, giải thích, hay sân hận) rồi quên ngay những lời quấy phá trên để những lời đó thoảng qua tai hay tự lặng trong tự tánh. Ngay lúc ấy niệm biết chính là niệm trí.
Như vậy từ phàm phu tới Phật khoảng cách chỉ trong vòng một niệm. Nếu như trong suốt buổi niệm Phật ta giữ được niệm trí như vậy thì những niệm đó tổ gọi là niệm của Phật (niệm của ta và Phật tương đồng). Như vậy ta là phàm phu hay ta là Phật vốn không bị phụ thuộc vào hoàn cảnh xung quanh (đối cảnh nhưng không nhiễm cảnh), trái lại phụ thuộc vào sự quán chiếu (Trí-Giác) trong từng niệm của chính mình.
Vậy phiền não tức Bồ-đề là gì? Bồ-đề hiểu giản nghĩa là: giác ngộ, tự tại, hỉ lạc hay còn gọi là minh tâm kiến tánh và thanh tịnh bình đẳng giác. Trở lại ví dụ trên: nếu chúng ta đem tất cả những chấp kiến vào trong tâm, rồi vừa ngồi niệm Phật vừa “nhâm nhi”, nghiền ngẫm chúng, rồi để chúng chế ngự tâm của chúng ta khiến tâm chúng ta rối lên như mớ bòng bong, người chúng ta căng cứng, đầu óc quay cuồng, hoặc thân rũ ra như tầu chuối héo thì đó là chúng ta đã tự chuốc phiền não cho chính mình, tự nhận khổ làm vui, nhận giặc làm bạn. Nhưng nếu chúng ta nhận ra ta trót nhận phiền não làm bạn để chúng khuấy đảo khiến chúng ta thân, tâm cũng điên đảo theo mất, ngay khi chúng ta nhận biết đó là phiền não, và kiên quyết cự tuyệt những phiền não đó, không nuôi dưỡng, không để chúng chế ngự trong tâm (tâm không chấp) thì cũng chính ngay lúc ấy chúng ta đã tìm lại được tự tánh thanh tịnh của chính mình, đã giác ngộ. Nhưng sự thanh tịnh và giác ngộ lúc này mới chỉ là nhất thời (trong vòng một niệm). Do vậy để cho tự tánh của chúng ta được thanh tịnh trong suốt buổi niệm Phật đòi hỏi chúng ta phải mỗi niệm đều phải niệm trí và niệm giác. Có được như vậy phiền não lúc này sẽ chính là Bồ-đề.
Trở lại với chuyện niềm vui, sung sướng, hạnh phúc cũng chính là phiền não. Đức Phật đã từng nói: “Hãy nhìn vào tất cả các vật thể chung quanh xem có vật thể nào trường tồn hay chăng? Có vật thể nào không phải là những cấu hợp sinh ra hay không? Tất cả sẽ gẫy nát, tan rã và phân tán.” (Lời dặn dò cuối cùng của Phật). Nếu ta quán chiếu lời Phật dạy, ta thấy: Phiền não và Bồ-đề là duyên sanh, thì tương tự, Bồ-đề-Phiền não cũng chính là duyên sanh. Có sanh, tất có diệt. Có diệt tất có sanh. Làm thế nào để đoạn diệt Phiền não và Bồ-đề luôn phát khởi trong tâm, điều này phụ thuộc vào sự quán chiếu và giác ngộ tâm của mỗi chúng ta.
Hãy lấy một ví dụ nhỏ để chúng ta cùng suy ngẫm. Ví thử có ai đó tặng chúng ta một món quà rất quý và mắc tiền, điều mà nhiều khi chúng ta còn đang phải mơ ước để có được. Nếu đơn giản người tặng hoan hỉ tặng, người nhận cũng hoan hỉ nhận. Xong rồi thì thôi, hẳn đôi bên lúc ấy đều cảm thấy rất vui, sung sướng, và tự hào khi làm được một việc hữu ích cho nhau khi nhận được món quà đó. Nhưng người tặng quà chúng ta lại không làm điều đó, mà khi trao món quà cho chúng ta họ kèm thêm một lời đề nghị: Cô, bác, anh, chị… nhớ nhé! Món quà này quý và mắc tiền lắm đấy! Tôi phải thế này, tôi phải thế nọ mới có, mới mua được. Vì thế cô, bác, anh, chị… phải ráng giữ gìn cho cẩn thận nghe. Đừng có bán, cũng đừng cho ai mượn hay làm hỏng hóc nó. Để thỉnh thoảng gặp lại, tôi còn được nhìn thấy nó. Khi tâm chúng ta đối với cảnh huống đó, chắc chắn niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào sẽ vội qua mau. Thế vào đó là cảm giác nhột nhạt (vui-buồn) lẫn lộn diễn ra trong tâm. Không lấy thì sợ người tặng mình phật lòng, rồi bảo mình nghèo, không có còn sĩ diện. Nhưng lấy rồi cũng giống như người bị mắc nợ, và cũng bị cái điều kiện nêu trên ràng buộc, rồi nhiều khi cũng chẳng còn đủ tự tin để xử dụng món quà quý hiếm đó nữa. Còn người tặng chúng ta với tâm trạng muốn người khác phải làm theo ý mình, lo sợ món quà mình tặng sẽ không được gìn giữ như ý, tất nhiên trong lòng không thể nói sung hỉ được. Vậy là ý niệm vui (hỉ lạc trong tâm) giữa người Cho và Nhận mới chỉ kịp nhen nhóm, mới chỉ kịp khởi lên thôi, chưa kịp định hình thì ngay lập tức niềm hỉ lạc đó đã bị chính mình dập tắt. Nói khác đi là khoảng cách giữa vui (hỉ lạc) và buồn (phiền não) vốn chỉ trong một niệm, gang tấc. Do vậy người Trí-Giác là luôn biết quán chiếu vạn vật trong từng niệm. Một niệm ngu khởi lên là niệm phàm phu. Ta nhận biết đó là niệm phàm phu và chỉ cần buông xả ngay cái niệm đó, không chạy theo, nắm giữ, truy cầu, hay suy diễn tất tâm chúng ta sẽ tịnh lặng. Niệm niệm quán chiếu được như vậy, tất niệm niệm ấy là Trí-Giác, là niệm niệm tương ưng với Phật và lúc ấy Phật tánh sẽ hiện tiền (cảm giác thân nhẹ, an nhiên, tự tại, cảnh vật xung quanh hoàn toàn tịch lặng). Khi cảnh giới này xuất hiện là lúc chúng ta đã tìm lại được tự tánh của chính mình.
Câu hỏi được đặt ra: Ai cướp, đánh mất tự tánh của chúng ta? Câu trả lời: Chính chúng ta chứ không ngoài ai khác. Điều này chúng ta nhận ra được và nhận ra một cách rõ nét nhất là khi chúng ta ngồi xuống để niệm Phật. Nếu niệm Phật mà đầu đau như búa bổ, cổ họng bỏng rát, môi khô, thân đau nhức… thì lúc ấy tự tánh (tánh Phật) trong chúng ta đã bị vô minh (tham-sân-si-chấp trước, ngã mạn) che lấp. Ngược lại chúng ta có được cảm giác an lạc, nhiều khi ngỡ mình đang lạc vào thế giới khác để rồi hoặc là giật mình hoảng sợ, hoặc là tham đắm, đeo đuổi cảnh giới đó đến độ cảnh giới đó vụt tan biến mất. Do vậy người niệm Phật khi gặp được cảnh giới đó cũng không cần phải quá hoan hỉ hay lo âu. Trái lại chỉ cần quán khởi một niệm biết: À ta đã tìm lại được tự tánh của chính mình rồi. Hay: À, ta đã xua tan vô minh, giúp cho tự tánh của ta hiện tiền lại rồi. Vậy là đủ! Và tiếp tục nhiếp tâm để niệm Phật. Nếu như chúng ta có thể giữ được sự Trí-Giác như vậy trong suốt buổi niệm Phật, niệm niệm nối tiếp, ngày ngày nối tiếp tất những phiền não trong tâm chúng ta sẽ dần dần biến mất. Những phiền não trong tâm của chúng ta đã được chính chúng ta dùng Trí-Giác để hoá giải, thế vào đó là tự tánh của chúng ta đã hiện tiền.
Chúng ta tu hành theo pháp của Phật không ngoài một chân nghĩa nào khác đó là thắp sáng lại tự tánh – tìm lại Phật tánh bị vô minh che lấp trong mỗi chúng ta. Do vậy việc chúng ta tìm lại được tự tánh của chính mình không phải là một phát minh, hay chứng đắc gì cả mà nó chỉ mang một ý nghĩa vô cùng giản đơn: Ta Đã Tìm Lại Được Chính Mình.
Dĩ nhiên để làm được việc đó không chỉ ngày một, ngày hai là chúng ta đã đạt được, trái lại nó là cả một quá trình tu-hành không mỏi mệt mà chúng ta phải dũng mãnh vượt qua. Người tu sau chưa chắc đã là người đến chậm. Người niệm Phật là người biết tìm cách để hoá giải những phiền não – những Người Bạn Không Hiền – đã gắn chặt với chúng ta từ vô lượng kiếp tới nay chứ không phải tìm cách để trốn chạy những người bạn này.
Tự tâm chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Tự tâm phiền não vô biên thệ nguyện đoạn
Tự tánh pháp môn vô tận thệ nguyện học
Tự tánh vô thượng Phật Đạo thệ nguyện thành
(Tứ Hoằng Thệ Nguyện – Tổ Huệ Năng)
Chúng sanh là ai? Là chính chúng ta, là một niệm vô minh Tham-Sân-Si-Chấp trước-Ngã mạn trong mỗi chúng ta mà chúng ta phải tự độ, nguyện độ và nguyện đoạn cho chính mình.
Thiện Lợi
08.2013
Nam mô A Di Đà Phật.
Chào cư sỉ Viên Trí.
Tôi đã có lần tâm sự và nhờ Cư sỉ chia sẽ kinh nghiệm tu tập, tôi đã thực hành theo và cảm thấy rất an lạc, để tăng trưởng lòng từ bi khắc phục tánh sân hận của mình mỗi tuần tôi đã thực hành hạnh phóng sanh (khi thì con cá, ếch..). Tôi thật sự cản thấy rất vui.Tôi thành tâm cảm ơn Cư sỉ.
Thời khóa niệm phật của tôi chia làm 2 thời sáng và tối. Trong lúc niệm phật tôi luôn giử tâm thanh tịnh, rất hoan hỷ và tinh tấn. Tuy nhiên tôi không hiểu sau có lúc tâm tôi cảm thấy mệt mõi và chán nản muốn xã công phu hoặc cứ nhìn thời gian trong cho mau hết thời khóa. Tại sao có lúc niệm phật tôi rất tinh tấn nhưng cũng có lúc tôi lại giải đãi. Mong Cư sĩ từ bi chỉ dẫn. Nam mô A Di Đà Phật.
Xin chào Thiện Phúc,
VT vẫn còn nhớ lần trước đã có tâm sự với bạn ở đây. Hôm nay khi nghe bạn nói:” tôi đã thực hành theo và cảm thấy rất an lạc…” làm VT cũng cảm thấy vừa hoan hỉ mà vừa cảm động…
“Tuy nhiên tôi không hiểu sau có lúc tâm tôi cảm thấy mệt mõi và chán nản muốn xã công phu…” Điều này VT nghĩ cần xem lại ở hai khía cạnh: thân và tâm.
Thân: Nếu như vì quỳ lâu, đau đầu gối thì mình có thể lót tấm nệm bên dưới, nếu như vì ngồi kiết già hay bán già bị tê chân thì mình có thể thay đổi tư thế thành xếp bằng hay “tự do già”. Nếu như không thể quỳ lâu hay ngồi lâu thì mình có thể đứng chắp tay hướng về Đức Phật (nếu không có bàn Phật thì hướng về phương Tây) hoặc đi kinh hành…
Tâm: Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm như họa sỉ khéo, vẻ thế giới muôn màu, không pháp nào không tạo”. Hay “Nhất thiết duy tâm tạo”. Cho nên muốn về Tây Phương Cực Lạc là cũng do nơi tâm này và bị sa xuống địa ngục cũng do nơi tâm này. Nói cho dể hiểu hơn thì nơi tự tâm mình có tánh ma và tánh Phật. Khi xưa, không biết Phật Pháp thì mình sống với tánh ma (tham, sân, si, mạn, nghi,…nói chung là xấu ác). Khi biết Phật Pháp thì mình quay về sống với tánh Phật (từ bi hỉ xả,…nói chung là thanh tịnh, thuần thiện). Khi tâm Phật của mình chưa đủ lớn mạnh thì tâm ma sẽ khiến cho mình thối lui. Khi tâm mình cảm thấy mệt mõi và chán nản muốn xã công phu thì tức là cuộc chiến giữa tánh ma và tánh Phật đang bắt đầu. Nếu như mình lập tức xả bỏ công phu thì chứng tỏ là tâm ma đã thắng rồi. Cho nên Phật nói:“Chiến thắng trăm quân không bằng chiến thắng bản thân mình”. Bản thân mình ở đây ý nói là tâm ma, trong trường hợp này cụ thể cho thấy đó chính là ma giải đãi. Nếu như ý niệm giải đãi, chán nản vừa khởi lên, mình liền biết ngay và không chạy theo, tiếp tục niệm Phật, thì chứng tỏ tâm Phật đã thắng. Cho nên muốn đối trị giải đãi thì phải dùng tinh tấn. Muốn tinh tấn thì Hành Giả Niệm Phật Phải Có 2 Tâm: Ưa Và Chán. Vì chán cõi Ta Bà nên mới ưa thích Tịnh Độ, vì ưa thích Tịnh Độ nên phải ưa thích niệm Phật. Muốn ưa thích niệm Phật thì có nhiều cách nhưng tạm thời thì VT nghĩ hay là mình có thể dùng phương tiện là Nhạc Niệm Phật.
“Hoặc cứ nhìn thời gian trông cho mau hết thời khóa.” Càng trông thì sẽ càng thấy lâu, nếu không có để ý đến thời gian thì thời gian trôi qua lúc nào mình không hay biết. Cũng như người đi du lịch, hưởng tuần trăng mật với người yêu thì thoáng chốc đã hết ngày nhưng đối với người bị bệnh mà rán để đi làm thì cứ nhìn đồng hồ, 5 phút mà dài thăm thẳm như cả tháng (vì trông cho tới giờ để về). Khi có tâm trông cho mau hết thời khóa chứng tỏ là thời khóa công phu đối với mình như là một cực hình? Nếu tiếp tục như thế thì chỉ còn là thân quỳ trước bàn Phật, khẩu niệm Phật nhưng tâm đã không còn hướng Phật nữa rồi. Điều này có phải đã chứng minh là mình chỉ niệm Phật trong thời khóa mà thôi, còn ngoài thời khóa thì không có niệm Phật? Có phải mình đã đặt ra thời khóa quá dài nên theo không nổi? Nếu mà như thế thì mình có thể sắp lại cho thích hợp. Ví dụ như mình lở đặt ra thời khóa buổi tối là 6000 câu niệm Phật thì bây giờ mình chia lại thành 3000 câu rồi nghỉ giải lao khoảng 30 phút, sau đó lại tiếp tục 3000 câu nữa, như vậy có thoải mái hơn không?
Đối với VT thì thời khóa có nghĩa là khoảng thời gian đó mình mặc áo choàng, quỳ trước bàn Phật với nhang đèn nghi ngút và niệm Phật có tiếng hoặc ngồi (kiết già, bán già, tự do già) hướng về phương Tây niệm Phật trong tâm. Trong thời khóa thì thân khẩu ý đều hướng Phật và ngoại cảnh thì thanh tịnh cho nên có thể nói đây chính là tu trong thuận duyên. Thời khóa buổi sáng cũng như là mình khởi động (lấy đà, bắt trớn) để câu Phật hiệu theo mình trong suốt quá trình làm việc từ sáng đến tối. Thời khóa buổi tối cũng như là mình khởi động (lấy đà, bắt trớn) để câu Phật hiệu theo mình đi vào giấc ngủ vậy.
Còn những lúc đi đứng nằm ngồi và làm công việc khác thì bên ngoài đã gặp phan duyên, bên trong lại có vọng tưởng cho nên câu Phật hiệu chỉ còn là 3 chìm 7 nổi nhưng cũng phải cố gắng duy trì càng lâu và càng nhiều càng tốt. Lúc này thì thân và khẩu không thể hướng Phật, chỉ còn là nơi tâm ý mà thôi cho nên có thể nói đây chính là tu trong nghịch duyên vậy. Nhưng cho dù là ở bất cứ nơi đâu, gặp bất kỳ hoàn cảnh gì, cũng nên cố gắng giử câu Phật hiệu nơi tâm mình, xem như đó chính là bổn mạng, nguyên thần, chớ nên để lạc mất đi. Như là đoạn sau đây được trích từ phần Xứng Pháp Hạnh trong bài Phương Thức Hóa Giải Chướng Duyên:
“Tại sao có lúc niệm phật tôi rất tinh tấn nhưng cũng có lúc tôi lại giải đãi?” Lúc tinh tấn là vì tâm Phật lớn hơn tâm ma, lúc giải đãi là vì tâm ma lớn hơn tâm Phật. Có lẻ đó cũng là Chướng Duyên Của Người Niệm Phật hay Ma Chướng Khi Niệm Phật. Nhưng dù sao thì nói tóm lại Không Nên Giải Đãi Trên Đường Tu. Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát, Ma Ha Tát.
Nam Mô A Di Đà Phật
Chào Viên Trí!
Mình cũng gặp vấn đề giống như Thiện Phúc vậy, có VT giải đáp giúp mình được phần nào sáng tỏ. Nhưng mình có một vấn đề nữa mà mình nghĩ thật buồn cười nhưng cũng thật là khó chịu là mỗi khi mình niệm Phật, thì mình lại “ngáp” cho dù là có buồn ngủ hay không.Trong ngày khi làm việc ở cơ quan, buổi trưa mình thường ngủ dc 1 chút ( khoảng 15p) để chiều làm việc cho khỏe. Có bữa bận quá ko ngủ được thì mình nghĩ phải uống 1 ly cafe để ko thôi tối ngồi niệm phật lại ngáp, nhung cũng ko tránh khỏi.
Bình thường ko niệm phật thì ko ngáp, mình cũng ko thấy buồn ngủ, nhưng hễ ngồi vào niệm phật là ngáp, có khi mình ngáp muốn trẹo cái hàm luôn vậy, bữa nào bị ít nhất thì mình cũng ngáp 2-3 lần. VT có thể giải đáp vấn đề này giúp mình dc ko/ và có cách nào chỉ mình khắc phục?
Nam mô A Di Đà Phật
Xin chào Liên Kim,
Thành thật xin lỗi bạn vì mãi cho tới hôm nay VT cũng vẫn chưa gọi điện thoại cho người dì của Kim. Hôm nay gặp lại, khiến VT càng thêm xấu hổ (nhờ có chút việc mà làm cũng không xong, thật là hổ thẹn lại càng hổ thẹn). Hiện tại thì VT không có dùng điện thoại nhưng đây cũng không phải là lý do chính đáng để từ chối người ta vì còn có thể mượn điện thoại của người khác để dùng. Vậy lý do chính là gì? Thôi thì hôm nay VT thú thật cho bạn biết thật sự là vì VT rất ngại khi phải trả lời qua điện thoại, từ trước đến giờ VT chỉ trả lời trên web mà thôi. Sự khác biệt là ở chỗ này:
Khi trả lời trên trang web thì câu nào mình không biết thì khỏi trả lời, nếu khó quá mà miển cưởng thì có thể đi search thông tin ở nhiều nơi, có thời gian để suy nghĩ, nghiền ngẫm, tra cứu kinh điển, sau đó lựa lời chọn ý, dùng từ đặt câu, trao chuốt sửa tới sửa lui lâu lắm mới thành một phần trả lời hoàn chỉnh.
Khi trả lời câu hỏi Phật Pháp qua điện thoại thì chưa bao giờ VT gặp qua nên không có kinh nghiệm. Nếu lở như không biết mà nói “đại” lở sai thì mang tội với Tam Bảo. Ở trên mạng thì có sơ sót gì còn có các liên hữu khác trợ giúp bổ sung ý kiến đóng góp nhưng khi qua điện thoại thì mình đơn thân độc mả, lở như “bí quá” nói không biết thì “quê độ” mà “ấp a ấp úng” hoài thì cũng không hay. Vả lại ít nhiều gì thì giữa Kim và VT có thể thông cảm cho nhau nhưng người dì của Kim thì mới gặp lần đầu hơn nữa dì của Kim là ở thế “trưởng bối” cho nên VT cũng có phần hơi e dè. Cho nên nếu như Kim có thể cho VT khất cái vụ này thì VT cũng đở áy náy phần nào. Hy vọng là Kim có thể thông cảm dùm.
Còn về việc muốn giúp cho dì của Kim có thể hiểu thêm nhiều về pháp môn Tịnh Độ mà ở nhà không có dùng internet thì VT nghĩ có những cách sau đây:
Thông tin liên lạc: Minh Huệ.
2744 Excalibur Dr. Grand Prairie TX 75052 USA
Tel:(972)602-7639. (817)343-7367. (214)901-0686
8703 Fairbanks N Houston Rd, Houston, TX 77064
Tel:(713) 856-7802
Còn về việc trong thời khóa công phu cứ hay bị “ngáp” thì tạm thời VT nghĩ có thể là do: “bạn nghĩ rằng mình đang trong thời khóa niệm Phật, mình chỉ là tập niệm Phật, trước mặt mình chỉ là hình tượng Phật A Di Đà mà thôi, mình chỉ trông cho xong thời khóa để đi ngủ, không thích niệm Phật, niệm cho lấy có mà thôi (đủ số công cứ là xong), niệm hoài thấy cũng vậy…”.
Bây giờ mình hãy đổi lối suy nghĩ lại thành như thế này:”Tuy Phật ở Tây Phương Cực Lạc nhưng khi mình niệm Phật thì Ngài sẽ phóng quang gia bị hay nói cách khác là Phật đang nhìn mình, cụ thể hơn cứ xem hình tượng Phật ở trước mặt chính là Phật thật vậy.”
Khi mình niệm Nam Mô A Di Đà Phật thì mình phải hiểu ý nghĩa của câu nói này và tâm mình phải tương xứng với câu nói đó, có nghĩa là:
Con xin thành tâm cung kính đảnh lể Đức Phật A Di Đà
Con xin quay về nương tựa nơi Đức Phật A Di Đà
Con xin ủy thác, giao phó thân tâm tánh mạng nơi Đức Phật A Di Đà
…
Mỗi khi ngáp xong thì sanh lòng hổ thẹn, sám hối. Luôn vững niềm tin rằng thế giới Tây Phương Cực Lạc và Đức Phật A Di Đà là có thật, mình có đủ điều kiện và khả năng để được vãng sanh, không còn bao lâu nữa thì mình sẽ được đặt chân đến thế giới Tây Phương Cực Lạc (vui sướng hơn cõi trời rất nhiều). Từ vô thủy đến nay mình chỉ ở trong lục đạo luân hồi mà thôi, khi đặt chân đến Tây Phương Cực Lạc là lần đầu tiên, đây là chuyện lớn, quan hệ trọng đại vì không phải chỉ trong một đời mà là chấm dứt sanh tử luân hồi, nghĩ như thế để mình có được tâm “hân nguyện Tịnh Độ”.
Hy vọng giúp ích phần nào cho bạn nhé.
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật.
Chào Cư sĩ.
Những lời của cư sỉ chỉ bảo làm tôi rất vui và cảm động. Thật tình mà nói thì từ khi biết được trang này tôi không bỏ qua bài pháp nào và thường đọc những ý kiến của các bạn đồng tu, đặc biệt hầu như không bỏ xót những lời góp ý nào của cư sĩ đối với tôi cũng như các bạn khác. Những ý kiến giảng giải đã giúp ích cho tôi rất nhiều.
Đúng như lời cư sỉ chỉ dạy. Lúc tôi giải đãi tôi đã hạ quyết tâm phải chiến thắng tâm ma trong tôi, không thể thua được. Hai ngày hôm nay tôi tự nhũ như thế nên đã khắc phục được mặc dù vẫn còn tâm niệm giải đãi nhưng rất yếu ớt. Cám ơn cư sĩ, cám ơn các bạn thiện tri thức đã giúp cho tôi học hỏi rất nhiều điều.
Tôi tự nhận biết nghiệp chướng của tôi quá sâu dày cho nên tôi luôn cố gắng hành trì theo thời khóa (mỗi thời khóa gần 1 tiếng) khi đi làm tôi chỉ niệm phật khi chợt nhớ ra mà thôi.(tôi niệm một lát rồi lại quên, quên rồi lại nhớ). Tôi thật thấy hổ thẹn. Tôi rất sợ mình sẽ không vượt qua được với cám dỗ của thế gian, mê đắm ngũ dục và sẽ mất đi cơ hội vãng sanh. Tôi rất lo, lo lắm vì do công việc những người mà tôi giao tiếp hằng ngày chẳng ai tin Phật pháp cả. Tôi xin lỗi vì đã làm phiền cư sỉ rất nhiều, đã được cư sỉ hết lời hướng dẫn, chỉ dạy mà tôi vẫn còn mê muội chưa chuyển biến được tâm mình. Tôi ăn chay đã 1 năm, phát tâm niệm phật cũng với thời gian như vậy nhưng tôi tự biết bản thân mình chẳng tiến triển được gì. Tôi buồn lắm.
Cám ơn cư sỉ đã cho tôi những lời khuyên bổ ích. Cầu mong mọi người đều phát tâm niệm Phật và gặp duyên lành được biết đến trang web này, được các bạn thiện tri thức ở đây giúp đở tiến tu.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Hữu Minh có chút ý kiến vắn tắt với anh như vầy nhé. Trường hợp như anh chỉ là một lỗi nhỏ thường gặp của những người mới phát tâm tu Tịnh nghiệp. Đó là đặt thời khoá công phu quá nhiều, hay quá lâu cho mỗi thời. Chính vì thế nên lâu ngày sẽ sanh tâm ngán ngẫm rồi dần dẫn đến giải đãi. Vì vậy nên anh nên tự đặt thời khoá lại cho phù hợp. Bây giờ thì mỗi ngày khoảng nửa tiếng. Vài tháng sau hãy tăng dần lên 45 phút, rồi 1 tiếng, 1 tiếng rưỡi…
Để tránh tâm giãi đãi, anh hãy cố gắng nghe pháp mỗi ngày và tìm cách gần gũi bậc thiện tri thức, hay đến cộng tu cùng đại chúng. Lực của đại chúng và sự trợ duyên của bậc thiện hữu tri thức sẽ giúp anh rất nhiều.
A Di Đà Phật.
Hôm bửa cư sỉ VT có dạy mình cách bỏ tham sân si mà nói thiệt là mình bỏ không được nghe ai nói chuyện với mình mà chửi thề là mình tức trong người à tuy không chửi người ta lại nhưng trong đầu cứ suy nghĩ chửi người ta lại hoài tới lúc ngồi niệm phật mà củng không quên dược chán thiệt
Xin chào Hoàng An Khang,
Không sao đâu, chưa được thì từ từ sẽ được. Dục tốc bất đạt, vạn sự khởi đầu nan, chớ nên nản chí. Như phần trên VT có nói sơ qua, người tu thì trong tâm luôn có cuộc chiến giữa tánh ma và tánh Phật. Nếu tâm Phật mình nuôi dưởng cho lớn mạnh (ra sức dụng công) thì từ từ sẽ “bào mòn” được tam độc (tham sân si)…còn nếu mình buông xuôi bỏ cuộc thì tánh ma sẽ lấn áp tánh Phật, lúc đó tham sân si mạnh quá cũng có thể sẽ “bào mòn” 3 món tư lương (Tín Hạnh Nguyện) của mình.
Đối với người đời thì khi nghe chữ tham thì liền nghĩ ngay là tham tiền nhưng đối với người tu thì chữ tham rộng lớn lắm, tham tiền chỉ là một khía cạnh mà thôi. Có thể mở rộng thêm là ngủ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) và lục trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp). Để diệt trừ tâm tham thì trợ hạnh chính là mình tập bố thí để buông xả bớt, còn chánh hạnh vẫn là niệm Phật. Tại sao niệm Phật lại có thể trừ được tâm tham? Là bởi vì khi mình niệm Phật tức là mình nghĩ rằng mai này mình sẽ về nơi Tây Phương Cực Lạc, ở nơi đó mọi thứ đều có đầy đủ, tốt hơn ở đây rất nhiều cho nên khi ở cõi Ta Bà này mình không có mong tiền chôn bạc chứa chất đầy kho làm gì mà chỉ cần có thể tạm “vừa đủ xài” là được. Giống như là câu chuyện sau đây:
Cách đây vài năm về trước, VT có dịp về VN chơi thì khi gần tới lúc về, còn dư một số tiền VN chưa xài hết, lúc đó VT đang ngồi trong quán nước bên vệ đường thì có cậu bé bán vé số đi đến mời:” Chú ơi chú, chú mua giúp dùm con vài tấm đi chú “. VT nhìn thấy cậu bé dáng vẻ tội nghiệp nên lấy ra một xấp tiền VN, không đếm cũng không biết là bao nhiêu, trong lòng chỉ nghĩ là “bố thí” để giúp cho cậu bé này mà thôi. Cậu bé thơ ngây liền đưa xấp vé số ra ngay trước mặt VT và nói:” Chú lựa đi chú “. VT xua tay và nói:” Thôi, không lấy đâu, cho em hết đó “. Cậu bé lại nói tiếp: ” Biết đâu chiều nay nó trúng thì sao chú? “. Thật tình mà nói lúc đó không phải là VT đã hết tâm tham đâu nhưng tâm tham của VT đã đặt ở nơi khác, VT chỉ thích tiền đô la Mỉ mà thôi, còn tiền VN và vé số VN thì VT không thích, lấy để làm gì. VT chỉ thoáng nghĩ như vậy rồi trả lời: ” Nó không có trúng đâu mà nếu nó trúng thì cho em hết luôn đó “. Cậu bé nói lời cám ơn rồi quay đi, có lẻ trong lòng nghĩ rằng VT giàu lắm…
Qua câu chuyện trên thì VT xin tạm mượn dùng làm ví dụ, nước VN như là cõi Ta Bà, nước Mỉ là Tây Phương Cực Lạc, hành giả tu Tịnh Độ như Việt Kiều về quê chơi cho nên mình chỉ cần biết đủ (vừa đủ xài) là được, nếu có dư thì bố thí bớt, khi sắp đến ngày về nước (vãng sanh) thì xả bỏ hết mọi thứ không một chút gì lưu luyến. (Vì khi về Tây Phương Cực Lạc thì mọi thứ đều có đầy đủ, tốt hơn ở đây rất nhiều).
Phật dạy:”thiểu dục, tri túc” (ít muốn, biết đủ). Người không biết đủ thì cho dù có trở thành triệu phú cũng muốn cố gắng làm sao cho trở thành tỷ phú rồi lo sợ bị tổn thất, mất mát cho nên phát sanh phiền não. Người biết đủ thì có cơm ăn (thanh đạm) nhà ở (đủ che mưa che nắng) áo mặc (đủ ấm, không cần mới) thì đã là đủ. Nhờ biết đủ cho nên không có bôn ba vất vả để kiếm thêm cho thật nhiều, nhờ thế mà tâm trí thảnh thơi, thuận lợi cho việc tu hành.
Nói tóm lại, muốn diệt trừ tâm tham thì cách tốt nhất chính là niệm Phật. Khi niệm Phật thì tâm mình sẽ hướng về Phật nên mọi thứ ở thế gian đều không màng đến nữa. (Chỉ cần vừa đủ xài là được, dư thì bố thí bớt).
“Ai nói chuyện với mình mà chửi thề là mình tức trong người” Nghe câu này làm VT nhớ đến câu chuyện của sư cô Như Thủy trong quyển “Cõi Bụi Hồng” cũng có câu chuyện tương tự. Đối với tiếng chưởi thề thì con mèo con chó nghe không hiểu, người ngoại quốc nghe cũng không hiểu. Người chưởi thề thì nghe rất là bình thường, mỗi khi làm rớt bể đồ hay vấp té thì phản ứng cũng sẽ chưởi thề liền, cũng giống như phản ứng của mình, khi thấy động đất là lập tức niệm Phật ra tiếng liền vậy. Tại sao mình nghe tiếng chưởi thề lại thấy khó chịu? Là bởi vì mình hiểu được ý nghĩa của tiếng đó, rồi sao đó lại tưởng tượng ra, tạo thành vọng tưởng bên trong. Cộng thêm mình chấp danh, chấp ngả, mình nghĩ là người ta khinh thường mình, không tôn trọng mình…cho nên phát sanh phiền não. Người ta có ghét mình hay không, điều đó mình đừng quan tâm chú ý làm gì, quan trọng là mình xem lại tự tâm mình, nếu như tâm mình không có ghét người ta là được rồi. Cho nên muốn dập tắt ngọn lửa sân thì phải dùng nước từ bi. Muốn tăng trưởng lòng từ bi thì nên tập ăn chay và phóng sanh. Đó chính là trợ hạnh, còn chánh hạnh vẫn là niệm Phật.
Tại sao niệm Phật có thể trừ được tâm sân? Nếu như mình nhiếp tâm trụ vào câu Phật hiệu đâu có để ý đến chuyện phiền não của thế gian thì làm sao khởi sân được. Còn nếu như tâm mình chưa đủ định lực thì có thể dùng trí huệ quán xét. Khi mình niệm Phật tức là mai này mình sẽ về Tây Phương Cực Lạc, trở thành bồ tát, trở lại đây để phổ độ chúng sanh. Những chúng sanh này trong đời quá khứ về trước cũng đã từng là ông bà, cha mẹ, anh chị em của mình… Hiện tại người ta chưởi mắng mình, chứng tỏ người ta chưa hiểu Phật Pháp mà người ta chưa hiểu Phật Pháp tức là người ta còn trong lục đạo luân hồi. Người ta còn trong lục đạo luân hồi thì sẽ có một ngày nào đó bị rơi vào tam ác đạo thì khổ không sao kể xiết…Nghĩ đến đây thì tự nhiên mình sẽ tội nghiệp người ta, thương người ta, không còn giận người ta nữa và muốn tìm cơ hội nào đó thuận tiện để dìu dắt người ta hướng về Phật Pháp giống như mình.
Nói tóm lại muốn diệt trừ tham, sân, si, mạn…thì chỉ có một cách duy nhất, tốt nhất chính là chân thật niệm Phật, thường xuyên niệm Phật. Một vị Tổ nói: “Người chân thật niệm Phật chính là người có đại phước báo, đại trí tuệ”. Điển hình là tấm gương Chàng Ngốc Thật Thà Niệm Phật Được Vãng Sanh.
Thôi thì tiếp tục niệm Phật để “bào mòn” tham sân si…bạn nhé, nếu không thì chính nó sẽ “bào mòn” Tín Hạnh Nguyện của mình đấy. Cố gắng lên! Hy vọng sẽ sớm ngày gặp bạn nơi Tây Phương Cực Lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Các cư sĩ cho con hỏi đôi lời được khong ạ. Nhà con có con mèo, con mèo này có lẽ bị nghiệp chướng sâu dày lắm, từ nhỏ đi lạc bị con khác đánh rồi hỏng bên mắt, sau đó con mang về nuôi. Đến nay nó mới đc 3 tuổi mà bsty xét nghiệm chẩn đoán nó bị viêm gan và thận giai đoạn đầu, ko chữa được và thời gian còn lại rất ngắn. Con thương nó lắm, thương nó vì nó bị nghiệp chướng chất chồng, hay ốm bệnh mà nó hiền, cứ mỗi lần con thắp hương niệm Phật là nó cũng nằm bên cạnh nghe ( rồi ngủ gật). Giờ nó ko còn sống đc lâu nữa, thời gian gấp rút, con muốn niệm Phật và khai thị cho nó để nếu bệnh ko khỏi dc thì nó cũng được Phật đón về Tây Phương. Con có thể sắp xếp để có nhiều thời gian rảnh trong ngày chuyên tâm niệm Phật cứu nó vì ko muốn nó lại tiếp tục cái kiếp súc sanh nữa. Ngạt nỗi con ko có đủ năng lực để khuyên bảo loài vật mà khai thị cho nó.Đối với con, nó như một người thân chứ ko phải là một con vật, con muốn cố gắng hết mức để giúp nó tiêu bớt nghiệp chướng, đc khỏi bệnh hoặc đc Phật tiếp dẫn ngay đời này. Con mong các chú hiểu và chỉ giúp con cách khai thị cho loài vật mà hạng phàm phu thấp kém như con cũng có thể làm, 1 ngày nên niệm bao nhiêu câu Phật hiệu và làm nhg việc thiện gì ( như là đang cứu 1 con người chỉ khác là khó khai thị ạ) . Con sẽ sắp xếp để có được 8 tiếng rảnh niệm Phật hay trì kinh cho nó ạ. Xin giúp con. Con chân thành cảm ơn.
A Di Đà Phật bạn Thúy thân mến,
Bạn quả là người có lòng từ bi khi thương yêu vật nuôi đến thế, yêu thương chăm sóc và nghĩ đến việc cứu giúp nó sau khi bỏ thân súc sinh nữa. Để trả lời câu này cho bạn, TLPT xin trích phần giảng dạy hộ niệm của Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị, Cư sĩ dạy như sau:
“Trong kinh Vô lượng thọ, Phật A-Di-Đà có phát lời thệ rằng:
“Tất cả chúng sanh, cho đến những kẻ ở trong cõi Diêm-ma-la (tức là điạ ngục), trong ba đường ác, sanh về nước Ta, thọ giáo pháp của Ta, ắt Thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chẳng đọa vào tam ác đạo nữa. (Nguyện 1 và 2)”
Như vậy, súc sinh nếu biết niệm Phật cầu vãng sanh cũng được vãng sanh. Chỉ có vấn đề khó khăn là liệu chúng có cơ duyên ngộ ra được đạo lý, niệm Phật cầu vãng sanh hay không mà thôi.
Nuôi con vật trong nhà, nếu ta tập cho chúng niệm Phật, thường xuyên hồi hướng công đức cho chúng, thường đến vuốt ve, tâm sự, khuyên giải, tập cho chúng niệm Phật, cầu cho chúng được vãng sanh… nhiều con vật có linh ứng tốt, chúng cũng hiểu được ý của mình và niệm Phật theo. Nếu được vậy thì mình cũng có thể cứu độ được chúng nó. Kết quả này, xét cho cùng, cũng là nhân duyên của chúng đã đến lúc thoát nạn vậy.
Ví dụ, con chuột lắt của Ngaì Hạ Liên Cư đã vãng sanh cùng ngày với Ngài, nó được Ngài nuôi và mỗi ngày đều theo Ngài đi kinh hành niệm Phật. Khi Cụ đứng vãng sanh, thì trong ngày đó, nó cũng đứng vãng sanh luôn.
Cho nên, khi con vật chết, chúng ta nên niệm Phật cho chúng, khai thị cho chúng, cầu nguyện cho chúng được vãng sanh về Tây phương. Đây là điều nên làm. Thành tâm làm, rất tốt. Còn chúng được vãng sanh hay không thì không ai dám quả quyết.
Hễ nó có linh cảm tốt, chúng biết niệm theo, cầu vãng sanh thì cũng có thể vãng sanh. Còn tâm trí chúng vẫn mê muội, thì hộ niệm sẽ kết thêm chủng tử Phật cho chúng, cầu cho tương lai được duyên lành với Phật pháp, thế thôi.
Ngay cả việc hộ niệm cho một người, đâu phải ai đuợc hộ niệm cũng được vãng sanh đâu! Chỉ người nào tin tưởng, tha thiết phát nguyện, và niệm hồng danh A-di-đà Phật mới được, còn người không tin tưởng, không chịu niệm, hoặc có niệm mà không muốn về Cực lạc thì cũng đành chịu thua!
Phật không độ kẻ vô duyên! Vô lượng vô biên chúng sanh chết bị rơi vào các cảnh giới đọa lạc, chư Phật biết vậy nhưng cũng không thể cứu được, vì họ không có duyên với Phật. Họ chống báng, bài xích, làm điều ngược lại với Phật pháp… Họ là hạng chúng sanh vô duyên với Phật vậy.
Bạn muốn cứu con mèo thì hãy thành tâm hồi hướng công đức cho nó, thành tâm đem hết tình thương mà khuyên giải nhiều lần, cầu mong cho nó được thoát nạn súc sanh, sanh thẳng về cõi Tịnh-độ có lẽ hay hơn cầu sanh làm người. Cứ làm vậy, được hay không, sanh về đâu… thì còn phải tùy duyên của nó.
Phật dạy, tất cả chúng sanh đều có Linh tánh, Hữu Tình thì có Phật tánh, Vô Tình thì có Pháp tánh. Phật tánh hay Pháp tánh đều là tánh linh. Có tánh linh thì có thể giác ngộ. Hữu tình thì có thể tự giác ngộ. Vô tình thì nương theo sự giác ngộ của hữu tình mà được giác ngộ theo.
Trong kinh Hoa Nghiêm Phật nói, Y Báo nương theo Chánh Báo mà chuyển. Bạn hàng ngày đem tâm thương yêu, cứu độ… mà nói chuyện, khuyên giải con mèo thì Bạn là Chánh Báo, con Mèo là Y Báo. Tâm Bạn phải thành khẩn thì mới mong được cảm ứng.”
Hãy cố gắng thử vì lòng từ bi và do cũng có duyên lành khá sâu giữa bạn với con mèo, bạn hãy dùng tâm chân thành của mình vuốt ve khuyên bảo nó niệm Phật theo bạn cầu vãng sanh Cực lạc, lìa khổ được vui. Bạn làm hết mình, còn việc nó có tiếp nhận hay không còn tùy theo căn lành của nó nữa.
Chúc bạn an lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật
TLPT
A Di Đà Phật
Cảm ơn Timlaiphattanh đã hồi âm. Mình rất mong mấy con vật nuôi của mình khi mãn báo thân này đều được sanh về Tây Phương hoặc cõi lành nhưng có lẽ như bạn nói, cũng còn tuỳ thuộc vào nghiệp, và duyên của chúng nữa. Mình vụng về ăn nói nên chẳng biết khai thị sao cho chúng được tỉnh ngộ mà niệm Phật cùng mình, và có lẽ tâm thành chưa khẩn thiết. Một ngày bây giờ mình chỉ ráng niệm được 8000 câu Phật hiệu rồi hồi hướng cho 2 con bị bệnh ( đều bị gan thận như nhau) và khắp pháp giới chúng sanh nữa. Nhưng khi niệm Phật tâm mình còn tán loạn lắm, chẳng biết lợi ích chúng được là bao. Có lẽ tại tâm mình chưa thật chân thành…
Nam mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật bạn Thúy thân mến,
Bạn quả thật có lòng từ bi vô cùng. Một ngày niệm Phật 8.000 câu để hồi hướng cho hai con vật nuôi. Đây cũng là do tiền kiếp chúng có duyên với bạn.
Chúng ta thường nghe các vị Tổ sư khai thị vậy thì “Khai thị” nghĩa là gì? Từ “Khai thị” trong Phật môn: “Khai” nghĩa là mở, là hiển bày bản tâm vốn thanh tịnh nơi mỗi người, mỗi chúng sanh mà bản tâm này cùng với chư Phật vốn không khác. Người người trong tâm đều có bảo tạng, không phải chỉ riêng Phật mới có. Chỉ vì bản tâm chúng sanh mê mờ bị trói buộc bởi tham sân, phiền não, nên bảo tạng không thể chiếu soi được. Tuy nó không được phát hiện, nhưng nó vẫn ẩn chứa trong tâm của chúng sanh, không bao giờ hư hoại. “Khai thị” nghĩa là giúp cho chúng sinh thấy được bảo tạng quý giá của chính mình không cần tìm kiếm bên ngoài. Song, phải tự mỗi người thâm nhập, phát huy bản tâm diệu dụng đó. Ðức Phật không thể thay thế cho chúng sanh làm hiển lộ chân tâm được.
Chúng ta khai thị cho súc sanh nói nôm na cũng dùng cái tâm chân thành thương yêu mà dạy chúng niệm Phật cầu vãng sanh (cũng nói y như mình nói với một người thân của mình), lâu dần chúng cảm được chúng sẽ chuyển theo mình (y báo theo chánh báo mà chuyển). Lấy ví dụ nhà mẹ của TLPT có nuôi hai con chó, cứ mỗi lần qua chơi thì TLPT mới vuốt ve và quy y cho chúng:
“Nè nè Ki Ki, nhớ nhé, phải cố gắng niệm Phật cầu sanh Cực lạc nhé. Niệm A Di Đà Phật cầu sanh Cực Lạc nhé. Bây giờ ta quy y cho hai đứa nghen. Vểnh tai lên nghe nè: “Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng. Quy y Phật không đọa địa ngục. Quy y Pháp không đọa ngạ quỷ. Quy y Tăng không đọa súc sanh (3 lần). Lễ quy y xong rồi. Bây giờ cùng niệm Phật với ta 10 câu nhé”. Thế là niệm 10 câu với chúng.
Có một điều là hai con chó này “sát sanh” chuột khiếp lắm, hễ nghe mùi hay tiếng ở đâu thì chúng dí cho tận nơi và cắn chết mới thôi. Xong rồi lôi ra khoe thành tích. TLPT có bảo chúng đừng làm thế nữa nhưng vẫn y như cũ.
Sau đó thì có một con chó được đem cho ở một nơi khác (cũng một người thân của TLPT). Nó cũng còn bắt chuột. Thời gian tiếp nữa thì ở nhà này TLPT thấy mở đĩa tụng kinh niệm Phật, nó nghe được vài ngày thì tự nhiên bớt hung dữ, rồi có bữa nhìn thấy 2, 3 con chuột mò đến dĩa cơm thừa để ăn nó đưa mắt dòm dòm chứ không hề rượt đuổi gì nữa hết. Có lẽ duyên lành đã chín muồi chăng? TLPT thấy ngộ và hay nên cũng vuốt ve và khuyên nó niệm Phật tiếp. Còn con kia vẫn ở chỗ cũ, cũng còn bắt chuột y như ngày nào. Có nói có khuyên thì cũng không hề sửa đổi. Đúng là mỗi con vật thì ý tứ và căn lành nó khác nhau huống chi con người. Cho nên khuyên thì là khuyên còn tùy vào khả năng tiếp nhận của chúng nữa đó Thúy ạ.
Đó là ví dụ của TLPT nhưng cảm nhận được sự thương yêu bạn dành cho hai con vật bạn rất nhiều vì bạn trực tiếp nuôi lớn nên bạn mới dành nhiều thời gian để niệm Phật cho chúng. Với lòng yêu thương này, TLPT tin rằng bạn có thể cảm hóa được chúng nhanh hơn nhiều.
Chúc bạn luôn tinh tấn và an lạc nhé.
Nam Mô A Di Đà Phật
TLPT
A Di Đà Phật, mình xin cám ơn TLPT lắng nghe câu chuyện của mình. Chuyện này mình không dám kể với ai ngoài người nhà. Mấy cô đồng tu của mình hay người khác biết chắc họ mắng mình lắm vì mấy cổ thường bảo mình đem cho chúng (không sau này nảy sinh niệm thương tiếc chúng mà mất phần vãng sanh), nếu như nay biết mình niệm Phật rồi hồi hướng cho chúng chắc mắng mình dở hơi quá. Nhưng dù sao mình vẫn quyết làm, đôi lời chỉ bảo của TLPT đơn giản mà quí báu quá. Mình phải học theo bạn, kiên trì và thành tâm hơn nữa. Thật cảm ơn bạn, Timlaiphattanh.
Nam mô A Di Đà Phật
Xin chào VT!
Theo như VT nói ở trên thi Kim rất thông cảm. Cho nên Vt khỏi gọi cho dì nữa nhé. Nhìn chung thì dì cũng đã theo đường tu rồi, cũng có thời khóa mỗi ngày, hôm trước dì về thì K cũng có trao đổi với dì rồi. Cũng thật ngại khi nhờ VT. vì K ko ở trong hoàn cảnh của VT nên ko biết, vô tình gây cho Vt khó xử. K xin lỗi nhé.
K cũng cám ơn câu trả lời của VT. K nguyện cố gắng tu tập nhiều hơn để được về thế giới của Đức Phật A Di Đà.
A Di Đà Phật!
A Di Đà Phật.
Các cư sĩ cho con hỏi: Khi ta nguyện niệm câu Phật hiệu với một số lượng nhất định nào đó (như 1000, hay 2000 … câu)hay trì chú Đại bi ( 12 biến, 21 biến, …)thì trong lúc niệm / trì chú có nên đếm hay không? Nếu đếm thì phải chăng tâm ta ko nhiếp tâm, còn nếu ko đếm thì làm sao thực hiện niệm/ trì chú đúng với số lượng đã nguyện.
Dạ, con chân thành cảm ơn.
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật – Xin chào bạn Lotus,
Nếu những người nào theo pháp thập niệm ký số của Ấn Quang Đại Sư thì chỉ nhớ từ 1 đến 10 mà thôi chứ không có nhớ tới số mấy ngàn mấy vạn như vậy được nhé.
Những người niệm mỗi ngày mấy ngàn mấy vạn câu có lẻ là vì họ dùng máy bấm số (niệm 1,3,10 câu thì bấm một cái) hoặc lần chuỗi (niệm 1,3,10 câu thì lần một hạt). Ví dụ như một xâu chuỗi có 108 hạt, cứ niệm 3 câu lần một hạt và quy định một thời khóa lần 10 xâu. Vậy thì trong thời khóa đó sẽ niệm được 3x108x10=3240 câu Phật hiệu.
Bạn nên biết rằng:”Pháp ví như thuyền bè để qua sông, khi chưa qua sông thì phải dùng thuyền bè, khi qua sông rồi thì không cần dùng thuyền bè nữa.” Do vậy đối với người sơ phát tâm thì cần phải lập ra “công cứ” (một ngày phải niệm mấy ngàn câu và sau đó tăng dần hoặc giử nguyên chứ không được giảm). Nương vào “công cứ” này như là chiếc thuyền giúp người ta được tinh tấn mà không giải đãi. Đối với người đã tu lâu rồi, khi tâm đã thanh tịnh, câu Phật hiệu không còn bị gián đoạn nữa, dù cho bất luận đi đứng nằm ngồi gì, câu Phật hiệu vẫn như là bổn mạng nguyên thần, không xen lẫn các tạp niệm khác thì người này xem như đã không cần dùng phương pháp công cứ đếm số nữa vậy. Bởi vì đối với người này thì đâu đâu cũng là A Di Đà Phật, gặp chuyện gì, thấy việc chi dù đúng hay sai cũng đều A Di Đà Phật như vậy thì không cần phải đếm số nữa.
Do vậy mỗi người tùy theo hoàn cảnh, mà tự định ra thời khóa, số lượng công cứ sao cho phù hợp với bản thân. Giống như sợi dây đàn vậy, nếu dây chùng thì không ra tiếng hoặc tiếng không hay, nếu dây quá căng thì dể đứt mà tiếng cũng không hay, cho nên phải điều chỉnh cho vừa tầm cở thích hợp và tương ứng với hoàn cảnh công việc của mình.
Ngẫu Ích Đại Sư dạy:” Được vãng sanh hay không là ở nơi TÍn Nguyện còn phẩm vị cao hay thấp là do Hạnh trì danh sâu hay cạn”. Cho nên chúng ta chỉ cần Tin Sâu Nguyện Thiết Tán Loạn Niệm Phật Cũng Được Vãng Sanh. Do vậy không phải niệm Phật công phu thành phiến thì mới được vãng sanh mà Niệm Phật Công Phu Thành Phiến? là để nắm chắc phần vãng sanh. Tuy nhiên chúng ta niệm Phật là để cầu sanh Tây Phương chứ không phải cầu cho thành phiến. Việc thành phiến là do công phu lâu ngày thì tự nó sanh ra mà thôi.
Vài lời chia sẻ, hy vọng giúp ích phần nào cho bạn nhé.
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật!
Các cô chú và các bạn đồng tu hoan hỷ cho con hỏi ạ.Chú con 52 tuổi,thắt cổ tự vẫn đã một tuuần nay.Hôm chú mất con có khai thị và trợ niệm cho chú 8 tiếng.Từ hôm đó về,con bỗng dưng đổ bệnh.Người mệt mỏi bải hoải,cực kỳ khó ngủ,rất sợ ăn và có khi đang ăn đã nôn ra hết.Bây giờ là ngày thứ 7 rồi nhưng tình trạng đó vẫn không hết.Con vẫn niệm phật 20.000 câu mỗi ngày,phóng sinh,bố thí,cúng chùa…để hồi hướng cho chú.Con phải làm gì để khắc phục tình trạng mệt mỏi mơ hồ này ạ?
Xin cô chú và các bạn chỉ giúp cho con ạ.
A Di Đà Phật – Xin chào bạn Toan,
Bạn có tấm lòng muốn khai thị hộ niệm cho người chú được vãng sanh Tây Phương là điều đáng quý. Việc này bạn đã làm rất đúng giống như trong bài 49 Ngày Sau Khi Chết Gia Quyến Nên Làm Gì?. Tuy nhiên sức của một người thì cũng chỉ có hạn mà thôi cho nên theo VT nghĩ thì việc siêu độ cho người chú bạn nên nhờ quý thầy ở chùa hoặc Ban Hộ Niệm trợ giúp một tay thì sẽ tốt hơn.
Như bạn cũng biết rằng chúng ta còn ở trong biển khổ sanh tử luân hồi vả lại vẫn còn là phàm phu thì thiết nghĩ Phàm Làm Việc Gì Cũng Tùy Duyên Chớ Nên Phan Duyên. Mình có tấm lòng cứu người là điều đáng quý nhưng liệu có cứu được hay không còn tùy thuộc vào thiện căn phước đức nhân duyên của người đó giống như chuyện hai con chó ở phần trên mà TLPT đã kể. Do vậy chúng ta phải lo tự độ trước rồi mới nghĩ đến độ tha sau. Ví như hai người cùng bị rớt xuống sông, nếu mình đủ sức cứu người ta thì là điều đáng quý nhưng nếu nhắm không đủ sức mà vẫn cố gắng thì chỉ e không cứu được người mà chính mình cũng bị chìm theo luôn.
Khi xưa Đức Bổn Sư thị hiện làm Thái Tử Tất Đạt Đa, tại sao Ngài không thành Phật ngay trong vương cung? Là bởi vì nếu làm như vậy những người đời sau sẽ nghĩ rằng phải được hưởng thụ vinh hoa phú quý thì mới đắc đạo. Sau đó Ngài thị hiện sáu năm tu khổ hạnh trong rừng già nhưng vẫn không đắc đạo. Nếu Ngài đắc đạo ngay khi ấy thì đời sau người ta sẽ nghĩ rằng phải biết tu hạnh khổ đầu đà thì mới chứng được đạo quả. Chính vì thế cho nên Ngài đã làm biểu pháp cho chúng ta thấy :”giử trung dung mới đắc đạo” (giống như chuyện sợi dây đàn vậy, căng thì dể đứt mà chùng thì tiếng không hay).
Bạn nên biết rằng có những vị tu hành nhập thất người ta không ăn (hoặc ăn ít), không ngủ (hoặc ngủ ít) suốt cả một vài tuần mà vẫn khỏe mạnh là bởi vì họ hành trì y như pháp, không có tiêu hao năng lượng. Vả lại sự sinh hoạt trong lúc ấy chỉ đơn thuần là ngồi tĩnh tọa, lể Phật, kinh hành, tụng kinh…đó là vì họ có phước báo nên gặp thuận duyên. Còn chúng ta thời nay ban ngày phải đi làm đầu tắt mặt tối, tiêu hao quá nhiều năng lượng, nếu không ăn uống ngủ nghỉ cho điều độ thì dể sanh bệnh đó là lẻ tất nhiên. Do vậy ứng với từng hoàn cảnh mà chọn lựa pháp tu cho phù hợp, chớ nên “dụng tốc bất đạt” bởi vì “một tinh thần minh mẫn chỉ có trong một thân thể tráng kiện”. Việc niệm Phật nhiều hay ít không hề khiến bạn sanh bệnh mà cái bệnh phát sanh từ việc bạn thiếu ăn, thiếu ngủ rồi phải đi làm và lo lắng đủ thứ…
Nói tóm lại việc cần thiết trước mắt là bạn nên ăn uống, ngủ nghỉ cho bình thường lại để hồi phục sức khỏe, bớt lo lắng lại và nếu cảm thấy mệt thì xin chủ cho tạm nghỉ việc vài ngày để ở nhà điều dưởng (vẫn niệm Phật nhé vì niệm Phật không ảnh hưởng đến sức khỏe).
Chúc bạn sớm bình phục sức khỏe để thân tâm an lạc mà tinh tấn tu hành.
Nam Mô A Di Đà Phật
Minh xin kính chào cư sĩ và các bạn đồng tu,m đang học bài nhưng lại muốn ghé wa trang này để đọc và vì vậy m lại có một số câu hỏi minh thắc mắc,m kính mong cư sĩ giải đáp giúp m với ạ…hj.
M niệm phật được 3 tháng roi ạ…và hiện tại m cảm thấy tốt hơn r ạ…nhưng…m kpit sao m k tha thiết muốn đến dk TPCL,m cảm thấy an lạc hon nhung lại có suy nghi nhu v…khó hiểu à…lúc m ms niệm phật…thì đúng là tâm m hỗn độn hết cả lên,cục mịch lắm,…m thấy sợ…nhưng hay nghĩ đến phật và TPCL lắm ạ,…có lúc m đi hk mà xúc động khóc từ truong về nhà à vì nhớ phật….cảm xúc rất là mãnh liệt…nhiều lúc m cư ngồi ngẩn tò te ra nghe nhạc niệm phạt và hinh dung ngài,m cam thấy vui suong lam…cu nhu v suốt à và m thay rất vui và an lạc…m là ng học hành rất chăm chỉ nhưng tu lúc niệm phật thi khác lám…k muốn học tí nào nua à….đến báy jo vẫn chểnh mảng ạ…và cung luk ms niệm đó m chẳng thấy nhớ cha mẹ j nua…1 tháng m k goi dien ve à…gjo cung như v à…phũ hơn là nhin thây ba mẹ làm vất vả mà chang thấy thuong gj het…m bị lam sao v,hay là m buông xả v…hiện tại m thấy m tinh tâm và k nổi nóng hay lo lắng chuyện gj,1 phần là m quán,nhung cung 1 phan là m niem phật….nhung m k tháy xúc động như hồi ban đầu nua….chi thi thoảng tự nhiên thay vui và an lạc vô bờ bến khi nghi đến phật…nhung lúc thế này m cứ ngồi cười một m nhu bị làm sao ý khi nghi đến phật……buồn cười lắmmm.m kinh mong cu sĩ giúp m ạ….m cảm ơn nhiu nhiu ạ.hj
A Di Đà Phật – Xin chào bạn Hằng,
Nghe bạn kể dường như bạn chỉ niệm Phật để gieo duyên với pháp môn Tịnh Độ, niềm vui có được là vì nhạc niệm Phật nghe êm tai. Như vậy thì không khéo coi chừng bạn rơi vào chấp pháp. Kinh Viên Giác nói:” Pháp như là ngón tay chỉ mặt trăng, nương ngón tay để thấy mặt trăng, chớ nhận lầm ngón tay là mặt trăng.” Lại nữa:” Pháp ví như là thuyền bè để qua sông, khi chưa qua sông thì phải nương nơi thuyền bè. Khi qua sông rồi thì không dùng thuyền bè nữa”. Qua đó có thể nhận thấy bạn chỉ là người nhìn ngón tay, là người ngồi trên thuyền nhưng lại không có bánh lái và hướng đi thì chiếc thuyền chỉ đứng yên một chỗ mà xoay vòng vòng hay trôi dạt theo chiều gió. Do vậy muốn có bánh lái và hướng đi thì Niệm Phật Phải Cầu Sanh Tây Phương Cực Lạc.
Nếu như bạn đã có mục tiêu cầu sanh Tây Phương thì cũng cần nên biết qua về Tam Phúc Của Người Tu Tịnh Nghiệp. Trong tam phúc của người tu tịnh nghiệp lại có hiếu dưỡng cha mẹ cho nên không thể nào thấy cha mẹ khổ cực mà không thương xót, không gọi điện thoại về thăm. Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy:” Trong thời không có Phật ra đời thì hai vị Phật để chúng ta tôn thờ chính là cha và mẹ của chúng ta. Công đức cúng dường hai vị Phật này bằng với công đức cúng dường Phật”. Cho nên cổ nhân nói:” bá thiện hiếu vi tiên” tức là trong tất cả các việc thiện thì chữ hiếu là đứng đầu.
Nếu là người niệm Phật chân chánh thì phải nương theo lời thầy tổ chỉ dạy: “Đôn luân tận phận, nhàn tà tồn thành, lão thật niệm Phật, cầu sanh Tây Phương”. Có nghĩa là:” Giử vẹn luân thường, tận hết bổn phận, giử lòng thành kính, ngăn lòng tà vạy, lão thật niệm Phật cầu sanh Tây Phương”. Như vậy thì bạn đã tận hết bổn phận chưa? Mà bạn có biết Bổn Phận Người Phật Tử Tại Gia là gì hay chưa?
Cũng đồng thời là học sinh nhưng nếu người chưa giác ngộ thì mong sao học hành đổ đạt để có công danh địa vị nhằm hưởng thụ vinh hoa phú quý. Còn người học sinh khi đã giác ngộ thì vẫn đi học đó là tùy duyên và mục đích là để mai này phục vụ cho xã hội cũng tức là phụng sự cho chúng sanh như lời Phật dạy:” Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật.”
Ngoài ra người niệm Phật chân chánh còn phải biết lý sự viên dung. Trong lý thì lại có từ thô tới tế, từ cạn tới sâu. Ở đây xin mạn phép trình bày sơ về phần thô và cạn.
Người niệm Phật thì nhớ Phật, nhớ đến lời dạy của Phật và y giáo phụng hành lời dạy của Ngài. Mỗi một câu niệm Phật như nhắc nhở mình luôn giử tròn 5 giới 10 thiện. Mỗi một câu niệm Phật như nhắc nhở mình luôn lấy tâm CHÂN THÀNH và TỪ BI khi đối người tiếp vật. Như kinh Pháp Hoa nói:” Người nào có tâm từ bi thương yêu hết thảy chúng sanh chính là đã vào nhà Như Lai. Áo Như Lai chính là hạnh nhu hòa nhẫn nhục”. Mỗi một câu niệm Phật như nhắc nhở mình dùng tâm BÌNH ĐẲNG mà đối xử với mọi người, không trọng phú khinh bần, không tham đẹp ghét xấu, dù là người hay súc sanh vẫn có dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn, khi bị giết hại thì sẽ đau đớn vô cùng…Mỗi một câu niệm Phật như nhắc nhở mình xoay về với tâm THANH TỊNH, không vì những cám dỗ (thuận chìu ý mình) mà sanh tâm tham luyến, không vì những thử thách (nghịch ý mình) mà sanh tâm giận hờn buồn tủi, không vì thấy người thua kém mình mà sanh tâm khinh thường ghét bỏ họ, không vì thấy người hơn mình mà sanh tâm đố kỵ, thù hiềm…
Nói tóm lại trong pháp môn niệm Phật hãy còn có rất nhiều thứ cần nên tìm hiểu, do vậy mỗi ngày bạn nên chịu khó đọc những bài viết ở trang mạng này thì từ từ sẽ nhận ra và thu được lợi ích thiết thực. Chứ nếu bằng không thì không phát huy hết tác dụng của pháp môn niệm Phật. Giống như người có xe không biết lái, có tiền không biết đếm, có nhà không có chìa khóa…
Vài lời chia sẻ, hy vọng giúp ích phần nào cho bạn.
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật..Mình cảm ơn Cư sĩ Viên Trí rất nhiều vì đã trả lời giúp mình ạ….m cũng đã hiểu thêm được nhiều điều và mình thấy ngại quá à..hix.Đúng là mình niệm Phật như là gieo duyên thôi à…vậy mình có thay đổi được những điều này không ạ,thưa Cư sĩ…và cho mình xin phép được hỏi thêm rằng mình có nên nghe nhạc niệm phật nữa k ạ?m nghe nhạc vì âm nhạc du dương và rất hay…một lí do nữa là nếu k nghe m k thể tập trung được nhiều vào câu niệm phật ý ạ…Xin cư sĩ giúp mình ạ…
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật – Xin chào bạn Hằng,
Đối với trường hợp của bạn thì VT nghĩ chắc là cần phải giải thích rỏ câu :” Pháp ví như là thuyền bè để qua sông, khi chưa qua sông thì cần phải nương nơi thuyền bè. Khi đã qua sông rồi thì không cần dùng thuyền bè nữa và cũng chẳng có ai vát theo chiếc thuyền đó mà đi tiếp bao giờ (nhưng nếu muốn vát theo thì cũng được chứ không ai cấm nhé 🙂 )“. Như vậy thì pháp ở đây chính là phương tiện. Để cho cụ thể hơn thì VT xin tạm lấy vài ví dụ để bạn dể hiểu:
Ví như có người chưa biết Phật Pháp là gì, thường ngày chỉ mê xem phim bộ kiếm hiệp Hồng Kông như là anh hùng xạ điêu, tiểu lý phi đao…sau đó người thân vì phương tiện khéo nên khuyên người này nên xem các phim truyện Phật Giáo như là Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Bán Cá…rồi dần dần người này như hiểu được chút đỉnh Phật Pháp. Sau đó người này bắt đầu tìm kinh sách Phật để đọc và nghe các bài giảng của quý thầy mà không còn xem phim bộ nữa. Như vậy thì trong ví dụ này chiếc thuyền là tượng trưng cho phim truyện Phật giáo để chở người này từ giai đoạn mê phim kiếm hiệp trở thành mê đọc kinh sách Phật vậy.
Ví như có người đang còn ăn mặn, sau đó người thân vì phương tiện khéo cho nên dùng mì căn làm thành đồ chay giả mặn như là gà xào xả ớt chay (có hình dạng giống như con gà nhưng được làm bằng mì căn), cá kho chay (có hình dạng giống như con cá nhưng được làm bằng mì căn)…Người này từ từ rồi sẽ quen nên không còn ăn mặn nữa, cuối cùng thì trở thành trường chay. Khi đã ăn chay trường lâu năm thì không thèm đồ mặn nữa và bây giờ có thể ăn mì căn không cũng được mà khỏi cần tạo dáng thành con gà hay con cá để làm chi. Như vậy thì chiếc thuyền ở đây chính là đồ chay giả mặn để chở từ giai đoạn ăn mặn sang ăn chay. Khi đã ăn chay trường được rồi thì không cần đồ chay giả mặn nữa, có phải không?
Ví như có người say mê nhạc rock rap, trữ tình lãng mạng, sau đó người thân vì phương tiện khéo nên khuyên người này nên nghe nhạc Phật Giáo. Trong lời nhạc Phật Giáo đã âm thầm chứa đựng những giáo lý của Phật Đà nên từ từ rồi người này như tỏ ngộ được phần nào, sau đó người này bắt đầu tìm đọc kinh sách Phật, nghe thầy giảng pháp rồi dần dần mà thâm nhập kinh tạng. Như vậy thì chiếc thuyền ở đây chính là nhạc Phật Giáo đã chở người này từ giai đoạn say mê nhạc rock rap, trử tình lãng mạng đến chỗ tỏ ngộ được phần nào. Có phải không?
Qua ba ví dụ trên thì chắc hẳn là bạn đã nhận ra được nhạc niệm Phật chính là phương tiện (chiếc thuyền) để đưa một người từ giai đoạn say mê âm nhạc để đến chỗ biết cách niệm Phật. Có phải không? Như vậy thì ngày nào mà cái tâm say mê âm nhạc của bạn vẫn còn thì bạn nên bám theo nhạc niệm Phật chứ đừng nghe nhạc rock rap, trữ tình lãng mạng. Bởi nhạc rock rap trữ tình lãng mạng sẽ dẫn dắt con người ta đi đến sân khấu vũ trường và những nơi ăn chơi sa đọa. Nếu như một ngày nào đó mà cái tâm say mê âm nhạc của bạn không còn nữa thì lúc đó bạn sẽ niệm Phật theo kiểu lần chuỗi hay thập niệm ký số…Lúc đó chính là lúc mà bạn đã qua được con sông “say mê âm nhạc” và không cần dùng chiếc thuyền là “nhạc niệm Phật nữa”. Còn nếu như tâm bạn vẫn còn say mê âm nhạc vậy thì chứng tỏ bạn chưa qua được con sông “say mê âm nhạc” nên vẫn phải nương vào chiếc thuyền là nhạc niệm Phật. Dù sao thì ở trên thuyền vẫn tốt hơn ở dưới nước, có phải không? Hơn nữa cho dù đã qua sông rồi nhưng mình muốn vát theo chiếc thuyền thì cũng được thôi chứ đâu có ai cấm đâu nè. Ví như người đã ăn chay trường rồi, cho họ ăn đồ chay giả mặn thì cũng được chứ có sao đâu nhưng thiết nghĩ bây giờ đã không cần thiết phải làm như vậy.
Nói tóm lại, nếu bạn thích nghe nhạc niệm Phật thì cứ tiếp tục nghe, khi nào không còn thích âm nhạc nữa thì sẽ niệm Phật bình thường cho giống người ta. Người sáng tác ra nhạc niệm Phật âu cũng là phương tiện khéo nhằm hằng thuận tâm của người say mê âm nhạc khiến cho họ vơi đi phiền não mà được pháp hỷ sung mãn vậy.
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật.
Dạ, cảm ơn cư sĩ Viên Trí đã chia sẻ và giúp con hiểu rõ những thắc mắc của con. Con nghĩ viêc sử dụng xâu chuỗi hạt là một cách khá hay để hỗ trợ lúc niệm phật mà trước giờ con lại ko nghĩ đến. Nay con sẽ áp dụng phương pháp này để niệm phật.
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật.
Xin gửi đến bạn Lotus lá thư Tịnh Độ lời khai thị của Ấn Quang Đại Sư để tham khảo thêm nhe. Hôm xưa cá nhân mình cũng lần chuỗi để niệm Phật, nhưng bây giờ y theo lời dạy của Ấn Quang ĐS mà dụng tâm nhớ đếm 1-10 hơi thở (niệm được 3-4 câu/1 hơi thở) làm định thời khoá công phu sáng tối. HT nghĩ tập trung hết sức cho thuần thục nhất tâm bất loạn vào 10 hơi thở thành thói quen là mực đích chuẩn bị tâm lý cho cái chết giữ được tâm bình tĩnh niệm 10 câu Phật hiệu theo hơi thở cuối cùng khi lâm mạng tắt thở mà ra đi. Cho nên mỗi thời khoá nên quán cái chết trước mắt mà niệm tha thiết theo thập niệm ký số theo 10 hơi thở, càng ngày lòng tin vững chắc hơn để dứt nghi tình (bỏ cái ý niệm tâm lý tập khí tự lực niệm Phật).
(Trích từ Lá Thư Tịnh Độ)
http://www.tinhdo.net/sachdao/160-lathutinhdo.html?start=1
Thập Niệm Ký Số là khi niệm Phật phải ghi nhớ rành rẽ từ một đến mười câu, hết mười câu liền trở lại một, cứ như thế xoay vần mãi. Nhưng phải niệm trong vòng mười câu mà thôi, không được hai hoặc ba mươi câu, lại không nên lần chuỗi, chỉ dùng tâm ghi nhớ. Nếu nhớ niệm luôn một mạch mười câu thấy khó, thì phân làm hai đoạn, từ một đến năm, từ sáu đến mười. Nếu hoặc còn thấy kém sức lại chia làm ba hơi, từ một đến ba, bốn đến sáu, bảy đến mười. Cần để ý: Niệm, nhớ và nghe phải rõ ràng, vọng niệm mới không xen vào được. Dùng phép này lâu, sẽ được nhất tâm. Nên biết phép Thập Niệm Ký Số cùng phép Thập Niệm của Ngài Từ Vân, về phần nhiếp vọng thì đồng, phần dụng công lại rất khác. Phép Thập Niệm tùy theo hơi người dài ngắn, không luận được bao nhiêu câu Phật, cứ một hơi kể là một niệm. Về phép này mỗi buổi sớm mai, chỉ dùng trong mười niệm mà thôi, nếu quá số ấy lâu ngày sẽ thành bị lao hơi. Phép Thập Niệm Ký Số thì niệm một câu biết một câu, mười câu biết mười câu, từ một đến mười rồi trở lại, dù cho mỗi ngày niệm cho đến mấy muôn câu cũng ghi nhớ như thế. Niệm như vậy không những trừ được vọng, lại có thể dưỡng thần, vì tùy sức tùy ý, hoặc chậm hoặc mau, không chi trở ngại. Lại, so với cách niệm lần chuỗi ghi số, phép Thập Niệm Ký Số lợi ích hơn nhiều vì lần chuỗi thân mỏi nhọc, tinh thần xao động, còn cách này thì thân nhàn mà tâm an. Chỉ những khi nào làm việc, hoặc khó ký số, nên khẩn thiết niệm suông, đợi lúc xong việc lại nhiếp tâm ký số. Như thế thì vọng tưởng không còn tung hoành, tâm cảnh an trụ vào câu niệm Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Con rất vui vì Cư sĩ thêm lần nữa đã giúp con giải đáp thắc mắc này ạ.Những lời Cư sĩ nói rất hay và đúng ạ….:)))Con rất cảm ơn Cư sĩ…
A di đà phật
A di
cách diệt phiền não?
A Di Đà Phật
Bạn hãy dùng tâm Chân thành, Từ bi đối tiếp với mọi người. Họ đối xấu với ta ta chân thành đối xử tốt với họ, họ chê bai chỉ trích ta ta chân thành tán thán họ!
Có vẻ khó quá! Chẳng khó! Ban đầu chưa quen hơi khó cất lời lâu dần thành quen. Khi đó tâm ta thật an lạc, mà tâm họ từ đối đầu cũng chuyển sang hoan hỉ với ta luôn, họ còn ngạc nhiên cảm động nữa 🙂
Ngoài ra, câu Phật hiệu A Di Đà Phật luôn thường niệm trong tâm.
Chúc bạn an lạc!
A Di Đà Phật
Dẹp bỏ được cái tâm tham ái thì phiền não sẽ chẳng còn. Tất cả phiền não đều khởi nguồn từ chính cái tâm đó. Cái tâm đó không phải do người đem đến cho ta mà do ta để lục căn đánh lừa, tham vui, tham lợi, tham cầu càng nhiều thì chắc chắn phiền não sẽ càng nhiều, nỗ lực xả bỏ cái tâm đó, dùng sức từ bi xả bỏ. Chỉ cần thật sự chịu làm thì chắc chắn phiền não sẽ ngày càng giảm bớt.
A Di thở ra lòng thanh thản
Đà Phật hít vào dạ bình an