Pháp môn này có ba bậc công phu:
- Công phu thượng đẳng là Lý nhất tâm bất loạn, tương đương từ Sơ Trụ đến Thập Địa trong Viên Giáo, đều là Lý nhất tâm. Trong Lý nhất tâm, công phu có sâu hay cạn khác nhau. Công phu sâu thì đăng địa (chứng từ Sơ Địa trở lên), công phu cạn thì là Thập Trụ, Thập Hạnh, đều là hạng công phu thượng đẳng, thành tựu thượng đẳng.
- Thành tựu trung đẳng là Sự nhất tâm bất loạn. Nếu dựa theo các địa vị Bồ Tát trong Viên Giáo để nói, [Sự nhất tâm bất loạn] sẽ tương đương với các địa vị Bồ Tát từ Thất Tín cho Thập Tín, gồm bốn cấp.
- Công phu hạ đẳng là công phu thành phiến, từ địa vị Ngũ Phẩm cho đến địa vị Lục Tín trong Viên Giáo đều thuộc công phu thành phiến, đều là đới nghiệp vãng sanh, chúng ta có thể thành tựu [công phu này] trong một đời.
Người niệm Phật đã niệm đến mức công phu thành phiến rồi sẽ có thể vãng sanh. Khi ấy, sẽ nên làm như thế nào? Có phải là ngay lập tức vãng sanh hay không? Đi ngay cũng được! Có thể đi được, chứ không phải là chẳng đi được. Nếu quý vị thật sự thông minh, quý vị có thể không đi, quý vị vẫn ở trong thế giới này để nâng cao phẩm vị của mình; bởi lẽ, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới đương nhiên cũng là thành Phật ngay trong một đời, nhưng thời gian dài lắm, không có thành tựu nhanh chóng như trong thế giới này. Kinh đã từng dạy: Người công phu theo đúng đường lối, tu hành một ngày trong thế giới Sa Bà bằng tu hành một trăm năm trong thế giới Cực Lạc. Do vậy, ở nơi đây dụng công mười năm, hai mươi năm, có thể nâng công phu thành phiến lên Lý nhất tâm bất loạn. Nếu tu hành trong cõi Đồng Cư của Tây Phương Cực Lạc thế giới, quý vị muốn đến cõi Thật Báo, thời gian [tu tập] ấy khá dài, chúng ta tốn thời gian mấy chục năm ở đây tu hành thành công, hễ vãng sanh liền sanh vào cõi Thật Báo Trang Nghiêm của Tây Phương Cực Lạc thế giới, tự tại nhiều lắm!
Vì vậy, tự hành, dạy người, tự lợi, lợi tha, chúng ta quyết định chẳng vứt bỏ, chỉ cần có cơ hội sẽ nhất định phải làm, trừ khi thọ mạng đã đến thì chẳng có cách nào. Nếu thọ mạng chưa hết, nhất định phải lợi dụng thời gian này để nâng cao phẩm vị của chính mình. Những phương pháp tu hành đều có trong kinh sớ, chúng ta phải nghiêm túc nghiên cứu, thảo luận. Trong một đời, từ địa vị phàm phu sát đất, từ địa vị hiện thời của chúng ta có thể đạt thành Địa Thượng Bồ Tát (hàng Bồ Tát từ Sơ Địa trở lên).
Trích A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa
Lão pháp sư Tịnh Không giảng
Theo như lời cố HT Thích Trí Tịnh thì bất niệm tự niệm là bậc thấp nhất của nhất tâm bất loạn. Còn HT Tịnh Không thì cho rằng niệm Phật thành phiến là bậc hạ đẳng của nhất tâm bất loạn. Như vậy niệm Phật thành phiến và bất niệm tự niệm là một phải không, kính thưa các bậc thiện hữu tri thức?
Niệm Phật thành phiến và bất niệm tự niệm, theo tôi thì không phải là một.
Niệm Phật thành phiến là niệm nhiều, một hơi niệm hai ba chục câu Phật hiệu (còn gọi là niệm Phật thành khối), và liên tục như thế.
Còn bất niệm tự niệm là miệng mình không niệm mà tâm mình lúc nào cũng phát ra câu niệm Phật mà chỉ mình biết (niệm trong vô thức).
Bạn có thể coi cuốn: Bất niệm tự niệm của Thượng tọa Thích Minh Tuệ. Ngài có chỉ phương pháp niệm Phật để đạt bất niệm tự niệm. Đó là hiểu biết nông cạn của tôi, xin các bậc cao minh chỉ giáo thêm.
Nam mô A Mi Đà Phật
Xin cảm ơn bạn Trần Quang Nguyên đã trả lời câu hỏi của mình. Niệm Phật thành phiến theo như trong bài này thì không phải là niệm một hơi vài chục câu Phật hiệu. Hơn nữa theo pháp sư Tịnh Không có nói ở trên thì các vị từ địa vị Ngũ Phẩm cho đến địa vị Lục Tín trong Viên Giáo đều thuộc công phu thành phiến. Đoạn văn dưới ngài còn nói thêm ai đạt đến trình độ này thì muốn vãng sanh lúc nào cũng được, tự tại vãng sanh. Như thế thì người đạt đến trình độ niệm Phật thành phiến không phải là tầm thường. Chánh Tuân niệm Phật còn non kém lắm vì vọng tưởng cứ xen vào khi niệm Phật. Chỉ biết giật mình khi thấy mình đang miên man trong suy nghĩ, liền tự phản văn quay về câu Phật hiệu đang phát ra từ tâm mình. Kiên trì ngày qua ngày như thế. Mong rằng nước tuy nhỏ giọt nhưng kiên trì không ngừng nghỉ sẽ có ngày tràn ly.
A Di Đà Phật xin chào liên hữu Chánh Tuân,
Câu hỏi này của bạn hay lắm, HT Tịnh Không giảng rằng niệm Phật Công phu thành phiến (hay thành khối) là bậc thấp của Nhất tâm bất loạn. Còn HT Thích Trí Tịnh dạy: “Bất niệm tự niệm là bậc thấp nhất của nhất tâm bất loạn”. Vậy niệm Phật thành khối và bất niệm tự niệm có phải là một không?
Theo trí phàm phu của TLPT thì chính là cùng một ý. Trước tiên xin hãy đọc kỹ lại lời giảng của HT Tịnh Không vài lần:
“…Ngày nay chúng ta không hy vọng quá cao, mà hạ thấp tối đa mức độ xuống “công phu thành khối”. Chỉ cần bạn niệm đến công phu thành khối thì tương lai chắc chắn vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, hay nói cách khác, ngay hiện đời chắc chắn làm Phật. Trong mười pháp giới, sự chọn lựa này là thù thắng nhất.
Đồng tu đến hỏi tôi, công phu thành khối như thế nào? Trong lòng chỉ nhớ Phật niệm Phật. Ngoài nhớ Phật niệm Phật ra, các vọng niệm khác đều không khởi. Vọng niệm là phiền não. Phiền não tuyệt nhiên đoạn được thì cảnh giới đó cao. Việc này không dễ dàng. Chúng ta niệm Phật, nhớ cũng là niệm. Trong lòng tưởng Phật nên sức niệm sẽ mạnh, khiến phiền não bị đè xuống. Phiền não tuy có nhưng không khởi tác dụng, không khởi hiện hành, đó gọi là công phu thành khối. Nếu chúng ta lìa khỏi niệm Phật đường, bước vào cuộc sống thường ngày vẫn khởi lòng tham, gặp việc không vui vẫn khởi tâm sân hận, lúc đó phải biết công phu của bạn chưa đạt trình độ này. Công phu chân thật đạt thành khối thì gặp việc hoan hỉ không khởi tâm tham ái, gặp việc không vui không khởi tâm sân hận. Tâm của bạn vĩnh viễn bình lặng, vĩnh viễn giữ được cảnh giới trong niệm Phật đường. Vào niệm Phật đường rèn luyện, chí ít phải luyện đến công phu này thì mới xem là thành tựu, là niệm Phật đúng cách. Đã đúng cách thì nhất định vãng sanh.
Một số đồng tu than khó. Không sai, rất khó, làm gì dễ dàng thành Phật như vậy! Bình thường phải dụng công. Công phu gì? Nhìn thấu buông bỏ. Ngay trong đời chúng ta, đối với tất cả mọi người, mọi việc, mọi vật, phải thấy nhạt đi một chút. Không nên quá chấp trước. Phàm mọi việc phải học lớn hoá nhỏ, nhỏ hoá không. Không nên chấp trước từng ly từng tí thì công phu chúng ta mới có lực. Mọi thứ đều chăm chỉ, so đo tính toán sẽ rất đáng lo ngại, càng không dễ dàng đạt đến công phu cảnh giới này. Việc gì cũng nên qua loa, có thì tốt, không có cũng tốt, thiệt thòi cũng tốt, chịu lỗ cũng tốt,… mọi thứ đều tốt; không nên tính toán, cũng không cần phải hỏi qua; nhiều một việc không bằng ít đi một việc, ít đi một việc không bằng không có việc gì, tất cả tùy duyên qua ngày mới được….”
Còn Bất niệm tự niệm là thế nào? Bất niệm tự niệm là tự động tạng thức nó tự niệm (mình không dụng công tác ý để niệm bằng miệng hay bằng ý). Thức này thường còn hoạt động không ngừng nghỉ, hoạt động toàn thời gian nên lúc nào cũng niệm Phật được nên nói là bảo đảm vãng sanh trong mọi tình huống.
Bất Niệm Tự Niệm là bước đầu để bảo đảm được vãng sanh. Trong Kệ Niệm Phật, Hòa thượng Trí Tịnh nói: “Niệm Phật đến Niệm lực được tương tục mới đúng nghĩa chấp trì danh mà Đức Thế Tôn dạy trong kinh A Di Đà”.
Lời này không phải của Ngài tự nói, mà là lời của Nhị tổ Thiện Đạo và Bát tổ Liên Trì đại sư nói từ ngàn xưa. Niệm Phật khi tâm được thuần thục rồi thì nó có cái trớn niệm Phật nơi tâm. Lúc đó không cần phải tác ý, không cần phải dụng công, nhưng nơi tâm vẫn cứ tiếp tục nổi lên tiếng niệm Phật. Không dụng công tác ý mà nó niệm không gián đoạn gọi là được niệm lực tương tục. Dù không niệm cái tâm nó vẫn tự niệm nên gọi là Bất Niệm Tự Niệm.
Hòa thượng Thiền Tâm dạy: “Nên biết lúc hành giả khởi niệm, thì mỗi câu Phật hiệu đều đi sâu vào tạng thức. Khi sức dồn chứa huân tập đã nhiều, tức câu niệm Phật từ nơi tạng thức tự phát ra trong khi thức hay lúc ngủ. Đây gọi là cảnh giới Bất Niệm Tự Niệm”.
Như vậy thì khi niệm Phật đạt cảnh giới bất niệm tự niệm rồi thì dẫu có gặp cảnh duyên bên ngoài nhưng tự sâu trong tâm vẫn mạnh mẽ phát ra tiếng niệm Phật cho nên phiền não tuy còn nhưng không khởi được tác dụng nữa. Đối diện, tiếp xúc với cảnh duyên bên ngoài nhưng tâm vẫn duyên theo câu Phật hiệu. Thế thì cũng trùng hợp với bài giảng của HT Tịnh Không rồi.
Do vậy niệm Phật đạt bất niệm tự niệm hay công phu thành phiến là bậc thấp nhất của nhất tâm bất loạn, cảnh giới này tâm không còn bị cảnh chuyển nữa, làm chủ được mình bảo đảm vãng sanh.
Đây chỉ là nhận định thô thiển cá nhân của TLPT. Kính mong nhận được sự chỉ giáo thêm của các liên hữu đồng tu.
Nam Mô A Di Đà Phật.
TLPT
Câu trả lời của TLPT rất thoả đáng và giải đáp hết mọi thắc mắc của Chánh Tuân. Đó là câu trả lời hay nhất mà CT đọc được.
Xin cảm ơn TLPT (Thấy Là Phát Thương :))
Bất niệm tự niệm và niệm Phật thành phiến là một, quý vị có thể đọc “kệ niệm Phật” của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, nói rất rõ từng bước
A DI Đà Phật! Xin quý thầy hoan hỷ cho con hỏi một vấn đề mà con tìm trên mạng mấy ngày nay không ra, con không hiểu được gì cả “Con nghe nói có một số người tu theo Pháp tạng Phật giáo Việt Nam, con không biết hình thức tu nó như thế nào, đại khái như là thờ ai ? có giáo lý, giáo luật như Phật giáo không ? và số người này tu sĩ hay là cư sĩ, họ ăn chay hay ăn mặn và có đến chùa tụng kinh niệm phật không…?”. Xin quý thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con được tỏ tường. A DI Đà Phật!
A Di Đà Phật… 🙂
Ba giai đoạn công phu của pháp môn Niệm Phật
Công phu chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là “công phu thành phiến”. Có thể niệm đến mức công phu thành phiến, quyết định được vãng sanh, nắm chắc vãng sanh thế giới Tây Phương. Chúng ta thường nghe hoặc thấy có người biết trước lúc mất. Công phu tốt đẹp thì biết trước cả năm sẽ vãng sanh ngày nào, chẳng ngã bệnh.
Công phu cao hơn một tầng nữa, sẽ là tự tại vãng sanh: Muốn ra đi khi nào bèn đi khi ấy. Chưa muốn đi, muốn ở thêm mấy năm cũng chẳng trở ngại, hoàn toàn do chính mình làm chủ. Nếu chúng ta hỏi: Công phu như vậy, rốt cuộc là niệm Phật đạt đến mức độ nào? Thưa cùng chư vị, chẳng khó, chúng ta ai nấy đều có thể làm được. Vì công phu ấy của người ấy chẳng quá cao, đó là công phu thành phiến đến mức thượng thừa. Giả sử chúng ta cũng chia công phu thành phiến thành chín phẩm, thì đối với thượng phẩm, công phu [thành phiến] thượng phẩm sẽ tự tại vãng sanh, chúng ta làm được điều này.
Công phu sâu hơn sẽ là nhất tâm bất loạn. Trong nhất tâm bất loạn có Sự nhất tâm và Lý nhất tâm, xác thực là rất khó! Đắc Sự nhất tâm, địa vị của người ấy bằng A La Hán và Bích Chi Phật. Lý nhất tâm sẽ là Pháp Thân đại sĩ, sanh trong cõi Thật Báo Trang Nghiêm của thế giới Tây Phương, là thượng thượng phẩm vãng sanh.
A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA – Tập 239
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Trong bài kệ niệm Phật của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, khi niệm Phật ngày đêm thì qua thời gian, trong tâm tự nổi lên tiếng niệm Phật, đây là bước đầu tiên của bất niệm tự niệm, khi hành giả lắng nghe tiếng niệm Phật trong tâm, đến lúc nào mà trong tâm kết thành một khối, không có tạp niệm xen vào, thì đó là công phu thành phiến, nếu dụng công lâu ngày, tiếng niệm Phật sẽ dẫn dắt hành giả đến trạng thái thiền định, tương đương sự nhất tâm bất loạn.
Như vậy có thể nói, bất niệm tự niệm và công phu thành phiến là một.