Năm Dân quốc 50, nhân Tinh Vân pháp sư được mời đến Hổ Vĩ giảng kinh, chúng tôi (nữ ký giả Lý Ngọc của báo Kim Nhật Phật Giáo) cùng vài vị cư sĩ tháp tùng đến Hổ Vĩ. Khi pháp sư giảng kinh thì chúng tôi đến thăm ni sư Trí Hạo ở Mạch Liêu. Mạch Liêu là một địa phương ở ven biển, giao thông không tiện lợi, lại không có thắng cảnh nào để xem. Chúng tôi đến thăm ni sư Trí Đạo ở Tố Vân Tự rồi, định trở về Hổ Vĩ, thì vị trụ trì mời ở lại độ ngọ. Trong khi trò chuyện thì vị Hứa cư sĩ có kể cho nghe chuyện mượn xác hoàn hồn, xẩy ra vài năm trước ở Mạch Liêu. Những người trong chuyện không nói, thành ra chỉ có người ở Mạch Liêu biết mà thôi. Những người ở vùng khác có nghe cũng không tin cho là chuyện thần kỳ quái đản không thể tin được.
Nghe xong chuyện chúng tôi quyết định sau khi thọ trai sẽ đến phỏng vấn những người trong chuyện. Nhân vật trong chuyện là ông Ngô Thu Đắc, ở số nhà 95 đường Trung Sơn, chủ một tiệm bán vật liệu xây cất. Khi mới gập ông có vẻ không vui, sau vài lần hỏi han, ông mới chịu thố lộ :
-Năm Dân quốc 48, tôi có tham gia việc xây cất ở Hải Phong Đảo, khi làm việc tôi ít về nhà. Khi tôi đi thì bệnh nhà tôi đã đỡ, nhưng rồi bệnh càng ngày càng nặng, tinh thần không bình thường. Chúng tôi định đưa bả đi Dưỡng trí viện. Hai ba người định lôi bà đi, nhưng bà kháng cự lại, và còn nói:
-Tôi không điên, đừng đưa tôi đến Dưỡng trí viện. Tôi là Chu Tú Hoa, người Kim Môn, mượn thây hoàn hồn đó.
Vợ tôi chính tên là Lâm Cương Yêu mà bà lại nói cái gì là Chu Tú Hoa. Tôi không tin là thân bà đã bị một hồn khác chiếm cứ. Nhưng khẩu âm của bà thì đổi khác. Khi ở Hải Phong đảo, mỗi khi đạp xe về nhà, tôi cảm thấy trên vai như nặng hơn, nhưng tôi nghĩ có lẽ là do đường không tốt, nên không để ý. Sau này tôi mới biết là do cô gái ở Kim Môn ngồi sau xe cùng tôi về nhà.
Nói tới đây, ông kết thúc và đi pha trà mời khách. Hứa cư sĩ là người kể chuyện và dẫn chúng tôi đến đây ra ngoài tìm Chu Tú Hoa. Khi ông Ngô đi pha trà thì cháu vợ ông, một thanh niên khoảng 20 tuổi bảo:
-Khi dì ba tôi bị bệnh, tôi giúp dượng ba săn sóc dì. Có lúc dì khóc, có lúc lại lẩm bẩm nhưng chúng tôi không hiểu dì nói gì ? Có lúc dì nhỏm dậy chúng tôi cố ghì dì xuống nhưng không thể được mà còn bị dì xô ra. Một người phụ nữ không thể nào khỏe như thế, có lẽ dì có bạn giúp sức. Khi chúng tôi biết dì là người khác thì chỉ đành để dì dưỡng bệnh. Mới đầu dì dường như không quen. Khi dượng ba tôi kêu dì là A Cương thì dì bảo:
-Tôi tên Chu Tú Hoa, không phải là A Cương.
Khi bà ngoại và dì hai tới, dì cũng không nhận ra.
-Tôi không biết các người, các người là ai?
Dĩ nhiên là hàng xóm của chúng tôi dì cũng đều không nhận ra. Nói đến đây, cậu liếc mắt vào bên trong sợ ông cậu đi ra, hạ giọng kể:
-Dượng ba là một người có trách nhiệm với gia đình, nhưng với dì ba cũ (Lâm Cương Yêu) không hợp. Tuy nhiên ông không có lăng nhăng với bà nào khác. Khi ông làm việc ở Hải Phong Đảo có nhiều công nhân nói thấy bên cạnh ông luôn có người con gái. Lúc tán gẫu thường đem chuyện này ra nói, khen ông có số đào hoa. Mỗi lần dượng nghe nói, đều phủ nhận, nhưng chẳng ai tin.
Cậu lại thêm:
-Làm công việc xây cất thường hay xẩy ra tai nạn, không lớn thì nhỏ khiến công nhân bị thương. Nhưng lần làm việc ở Hải Phong đảo này thì rất thuận lợi, như là có người phù hộ.
Lúc đó ông Ngô bưng trà ra mời khách. Cậu cháu nói:
-Nói quý vị không tin, nhưng khi dì hơi khỏe, nói có khách đến chơi, bảo chúng tôi lấy ghế và đốt thuốc. Chúng tôi chỉ thấy dì cười cười, nói nói và ghế tre có tiếng cọt kẹt như có người ngồi trên di động vậy. Ít lâu sau thì không có khách nào tới thăm nữa. Khi dì hoàn toàn khỏe mạnh rồi thì dì thay đổi hẳn. Lúc trước, thịt cá gì dì cũng ăn, nhưng giờ thì hoàn toàn ăn chay. Lúc trước, thổi cơm, làm bếp là công việc của dì nay dì không làm nữa, nói là không biết. Nhưng những việc khác thì dì làm được cả. Lúc trước dì mù chữ, nay có thể coi việc sổ sách, làm ruộng, làm những việc nặng nhọc đều được cả.
Cậu lại chỉ lên bàn thờ Phật:
-Lúc trước, dượng tôi chỉ thờ cúng ông bà, nay dì mới xin thờ Phật.
Tới đây thì Hứa cư sĩ đi tìm Chu Tú Hoa về, ông nói:
-Cô ấy không chịu về, chỉ khóc.
Tôi cùng một chị bạn bèn ra ngoài mời; khi chúng tôi tìm đến thì cô đang đứng dựa vào cột, 2 mắt nhắm lại, 2 dòng lệ chẩy dài xuống má. Tôi nghĩ cô đứng đây khóc đã lâu. Chúng tôi đến an ủi và mời cô về nhà. Có lẽ chúng tôi đến phỏng vấn khiến cô nhớ đến Kim Môn nên bị cảm xúc. Hôm đó cô chỉ cho chúng tôi biết sơ lược cô tên Chu Tú Hoa, sống ở Kim Môn, cha cô là Chu Hải Thanh, mẹ cô là Sái Diệp. Năm đó cô 18 tuổi, vì Kim Môn bị pháo kích, lúc hỗn loạn cùng nhiều người khác xuống thuyền đánh cá ra khơi lánh nạn. Về sau vì thuyền mất phương hướng, hết lương thực, nước uống, nhiều người chết đói, chết khát. Sau thuyền trôi đến Đài Tây, được lay tỉnh nhưng ngư phủ đoạt hết tiền bạc trên thuyền rồi xô cô xuống biển. Nói tới đây, cô ôm mặt khóc chạy vào trong nhà. Chúng tôi định hỏi thêm nhiều nữa nhưng không tiện, đành cáo từ ra về, hẹn lần sau sẽ đến tặng cô một chưỗi tràng hạt. Khi đưa chúng tôi ra bến xe, Hứa cư sĩ kể thêm:
-Gia đình ngư phủ cướp của giết người đó, không lâu theo nhau mà chết, chỉ còn lại một đứa con bị bệnh thần kinh. Khi Chu Tú Hoa khỏe mạnh rồi, có người dẫn đứa nhỏ bị bệnh thần kinh ấy đến gập Tú Hoa. Thực lạ, Chu Tú Hoa ngăn không cho vào nhà, lại mắng:
-Người nhà mày hại tao chưa đủ à ? Mày còn đến đây làm tao thương tâm nữa sao?
Lúc trước Lâm Cương Yêu chưa bao giờ đến Đài Tây, và đứa trẻ điên đến nhà cũng không ai biết trước, vậy mà Tú Hoa lại biết.
Mấy tháng sau, nhân Năng cư sĩ đến Hổ Vĩ để dạy các liên hữu xướng Phật tán, chúng tôi lại theo cư sĩ đến Mạch Liêu. Năng cư sĩ đã từng ở Kim Môn một khoảng thời gian, cho nên ông biết nhiều về phong tục, tập quán, kiến trúc ở Kim Môn. Hôm đó trời mưa phùn nên khi đến nhà Chu Tú Hoa thì cô ở nhà không ra làm ruộng. Vì nhóm chúng tôi có vài người nên cô hơi do dự mãi mới chịu ra. Gập chúng tôi cô gật đầu mỉm cười. Chúng tôi đưa tặng cô sâu chuỗi rồi nói chuyện gẫu. Vì có kinh nghiệm lần trước nên chúng tôi chỉ nói về Phật sự. Chu Tú Hoa nói:
-Từ nhỏ tôi đã tin Phật, ăn trường chay. Bây giờ dù bận mấy, sớm chiều tôi đều lễ Phật. Tôi biết Phật nói không sai. Mọi người phải làm việc lành, đừng làm việc ác, làm ác sẽ bị ác báo.
Tôi đã nghe nhiều người nói cô chăm lễ Phật, có lẽ cô được sống trở lại cũng là do nguyên nhân này. Tôi nhân cơ hội hỏi :
-Cô nói cô tin Phật, vậy ở Kim Môn có niệm Phật đường không?
-Tôi không biết, nhưng nhà tôi có thờ Phật, tôi chỉ lễ Phật ở nhà.
-Bây giờ cô còn nhớ chuyện gì ở Kim Môn không?
Cô thở dài:
-Nhớ thì nhớ được, nhưng chuyện qua rồi còn nhắc lại làm gì?
-Nếu có người tìm giùm cha mẹ cô thì cô có chịu không?
-Đương nhiên, nhưng mà ai giúp tôi, nhưng dù có giúp sợ rằng cha mẹ tôi cũng không nhìn ra tôi. Thân tôi bây giờ không phải là thân tôi khi lìa Kim Sơn.
Nói tới đó mắt cô đỏ lên, nhưng cô giữ không khóc. Tôi chỉ Năng cư sĩ ngồi bên cạnh:
-Đây là Năng cư sĩ, ông cũng tin Phật, đã từng ở Kim Môn, ông hãy còn nhiều bạn bè ở đấy, có thể giúp cô dò hỏi tin tức. Như quả tìm ra cha mẹ cô thì cô có nhận ra họ không?
-Đương nhiên rồi ! Nhưng lúc đó cô có dám theo tôi tới Kim Môn không?
Cô hỏi lại và đợi tôi trả lời.
-Dám chứ.
(Về sau, ông Ngô có nhờ bạn đến Kim Môn dò tìm tin tức song thân Chu Tú Hoa theo địa chỉ cô nói, người bạn về cho biết quả có gia đình Chu Thanh Hải thật, nhưng sau khi cộng quân pháo kích thì toàn gia đã thất tích. Do đó Chu Tú Hoa không cách gì về Kim Môn nhận người thân nữa).
Tôi lại nhân cơ hội hỏi cô khi lìa Kim Môn như thế nào ? Cô nói:
-Sự tình phát sinh năm đó, tôi không biết là năm nào. Lúc đó tôi 18 tuổi, có người nói quân đội định rút lui, do đó dân chúng đều đổ xô xuống thuyền đánh cá để trốn. Tôi cũng theo người ta xuống thuyền.
-Cha mẹ cô không đi cùng sao?
-Không ! Vì lúc đó rất hỗn loạn, cộng quân pháo kích, nhà chúng tôi là nhà buôn bán, không có thuyền, tôi theo mọi người xô đẩy mà xuống thuyền, lạc cha mẹ không ngờ lại là vĩnh biệt. Bữa đó cộng quân pháo kích rất dữ, mọi người xuống thuyền cũng chẳng biết đi đâu. Bình thời dân chài cũng chỉ đánh cá ven bờ. Khi ra biển lớn chẳng biết phương hướng gì, về sau cứ mặc cho sóng biển đưa đẩy. Qua bao ngày, nhiều người chết đói, chết khát. Một hôm thuyền trôi đến hải đảo, có một thuyền ngư dân cập vào. Có người phát hiện ra tôi, họ lay tôi tỉnh lúc đó tôi mới biết đã đến Đài Tây của Đài Loan. Họ hỏi tôi nguyên nhân ra biển. Tôi kể thật cho họ hay, về sau . . .
Nói tới đó cô thổn thức không ra lời. Tôi bèn góp lời:
-Nghe nói họ cướp tiền của cô, lại xô cô xuống biển. Về sau cả nhà họ bị chết, chỉ còn lại một đứa con dở điên, dở khùng có phải không?
-A! thì ra cô đã nghe nói rồi ! Sự thực không phải vậy. Tiền của không phải hoàn toàn của tôi, tôi chỉ có một phần, còn là của tất cả những người trên thuyền. Họ cướp tiền và cả nhà họ chết là sự thực. Tôi tuy thấy họ không có lương tâm, nhưng tôi là người tin Phật, tôi không muốn kết oán thù. Đó là những người cùng thuyền bất bình mà thôi.
-Trước khi cô đến ở nhà ông Ngô thì cô ở đâu?
-Tôi ở Hải Phong Đảo, chỗ đó cây xanh, biển xanh đẹp lắm.
-Cô có thích chỗ đó không ?
-Thích, tôi ở đó ít lâu. Khi bị ném xuống biển thì hồn du Hải Phong đảo, quanh quẩn ở đó chừng 10 ngày thì bị Trương Lý Mạc Tam Phủ Vương Bang thâu làm môn hạ. Vương Bang công cho biết thọ mạng của tôi chưa hết, có thể mượn thây của vợ Ngô Thu Đắc để hồi dương, hãy tạm trú ở Vương Bắc miếu. Không lâu, may gập Ngô Thu Đắc đến Hải Phong Đảo làm việc, liền theo Ngô Thu Đắc. Khi Ngô Thu Đắc làm xong việc về nhà nhà bèn về theo chờ cơ hội. Được vài hôm Lâm Cương Yêu bệnh tình trầm trọng, hồn về Ly hận thiên, tôi liền thừa cơ mượn thây hoàn hồn. Nhưng mượn thây không phải là dễ. Để vào nhục thể người khác là một việc rất khổ não, may có Vương bang công giúp đỡ, khoảng 20 ngày sau mới hoàn thành.
-Cảm giác cô lúc ấy thế nào?
-Rất tự nhiên, nhưng không được quen mấy (ám chỉ lúc trước là một thiếu nữ, nay là phụ nữ có chồng).
-Mạch Liêu so với Kim Môn như thế nào ?
-Kim Môn toàn nhà gạch, đường xá ngay hàng thẳng lối, chứ không lộn xộn như ở đây, cái thò ra, cái thụt vào.
Năng cư sĩ đồng ý với những gì cô nói, theo như ông tính thì đó là năm Dân quốc 43. Nhiều người thấy quân đội vận chuyển súng đạn đi tưởng quân đội rút lui, nên xuống thuyền di tản.
Lần trước chúng tôi đã biết ông Ngô đối với vợ cũ (Cương Yêu) không hợp lắm, nay đối với Tú Hoa thì rất hợp. Cô săn sóc con của Cương Yêu như con mình vậy. Hơn nữa từ khi Tú Hoa đến nhà, gia cảnh càng ngày càng khá hơn. Cô vốn quen buôn bán nên cô bảo buôn bán thứ gì, không buôn bán thứ gì đều đúng cả.
-Cô ở Mạch Liêu gần 2 năm đã quen chưa?
-Cô nghĩ coi, tôi ở căn nhà cũ có quen không? Không những thế còn phải chăm sóc con cái, làm việc nhà . . . Lúc chưa đến đây tôi còn là con gái, nay là vợ là mẹ người ta. Tôi từng bảo ông Ngô để tôi ở Niệm Phật đường, nhưng ông không chịu.
-Nghe nói mẹ chồng và các con đều khen cô.
-Đúng rồi ! Họ đối xử tốt với tôi, làm sao tôi không tốt với họ cho được?
Cô đỏ hồng đôi má. Nếu tính tuổi thì cô mới chừng mười mấy đôi mươi lại có con sấp sỉ cùng tuổi kêu mẹ, thật khó mà quen. Lúc từ biệt ra về, tôi cầm tay cô:
-Mọi người đối với cô tốt, cô cũng nên quên đi chuyện cũ. Phật giáo nói tất cả đều là nhân duyên. Cô và Ngô gia có duyên, vì vậy mới từ nơi xa xôi là Kim Môn mà tới đây chung sống.
Cô gật đầu.
-Hơn nữa, mỗi ngày cô đều niệm Phật. Dù ở đâu cũng thế thôi, cần gì phải ở Niệm Phật đường. Phật giáo chủ trương lợi tha rồi mới cầu tự lợi. Cô vì gia đình họ khó nhọc là làm công đức đấy.
Cô im lặng nghe. Tôi lại thêm:
-Nếu cô thích đến Niệm Phật đường thì khi nào rảnh tôi sẽ dẫn cô đến Hổ Vĩ. Hy vọng từ đây cô an tâm không còn thấy khổ não nữa.
Cô cảm kích nắm tay tôi cảm tạ. Khi từ biệt thì Ngô Thắng Ngạn, con trai của ông Ngô Thu Đắc đưa chúng tôi ra bến xe. Vừa đi tôi vừa hỏi anh nghĩ gì về mẹ anh. Anh nói:
-Mẹ tôi sanh trưởng ở Mạch Liêu, chưa hề đi Đài Tây hay Kim Môn bao giờ. Khi khỏi bệnh trở thành một người khác. Sự thực tôi không tin. Tuy xác thân là mẹ nhưng bà cương quyết không nhận là Cương Yêu, thân bằng quyến thuộc bà đều không nhận biết. Tôi thật không biết sao.
-Bây giờ thì sao?
-Dĩ nhiên tôi vẫn kêu bà là mẹ.
-Anh có tin chuyện mượn xác hoàn hồn không?
-Lúc trước thì tôi không tin, nhưng khi tham dự trại họp bạn Hướng Đạo ở Phi Luật Tân, trong đoàn có một anh người Kim Môn, có giọng nói y hệt khi mẹ tôi khỏi bệnh. Do đó, tôi tin bà là người Kim Môn.
Trích Những Chuyện Nhân Quả
Dịch Giả: Dương Đình Hỷ
Theo Nhân Quả Dữ Luân Hồi
- Lời bình:
Ở VN mình có câu chuyện con gái ông Cả Hiêu làm rúng động một thời. Trong cuốn Những Bí Ẩn Về Tiền Kiếp của giáo sư Đoàn Văn Thông có ghi lại câu chuyện này.
Thượng Tọa Thích Thiện Hoa đã nêu lên một số bằng chứng về hiện tượng luân hồi, những bằng chứng nà được ghi lại trong cuốn Phật học Phổ Thông xuất bản tại Việt Nam vào cuối năm 1990. Sau đây là một trong những bằng chứng ấy:
Câu chuyện có thật này sảy ra tại làng Tân Việt ở Cà Mau (vùng Ðầm Giơi). Ở đây có một gia đình gồm hai vợ chồng và 3 người con. Người cha trong gia đình này là ông Cả Hiêu. Cô con gái trong gia đình được ông Cả Hiêu cưng chìu như trứng mỏng nhưng không may, cô bị bệnh và qua đời lúc 19 tuổi. Cả nhà ai cũng đau buồn thương xót, ông Cả Hiêu thì như điên như dại.
Câu chuyện không chấm dứt ở sự qua đời của cô gái mà lại là chuyện bắt đầu vì do sự trùng hợp nào đó, (mà sau này người trong hai vùng này mới tìm thấy thêm chi tiết). Ở cách làng Tân Việt cũng có một cô gái bị bệnh (cùng thời gian với cô con gái ông Cả Hiêu) và qua đời. Người nhà khóc lóc, lo việc tẩm liệm thì bất ngờ ngày hôm sau cô gái sống lại làm mọi người vừa mừng vừa sợ. Cô gái tự nhiên mạnh khỏe, như không có gì gọi là đau ốm bệnh hoạn cả. Ðiều lạ lùng là từ khi sống lại, cô gái này cứ một mực đòi người trong gia đình đưa cô đến nhà ông Cả Hiêu. Mọi người trong nhà đều hết sức ngạc nhiên vì không biết ông Cả Hiêu là ai. Khi hỏi cô gái thì cô cho biết cha của cô chính là ông Cả Hiêu người làng Tân Việt. Người nhà nghỉ rằng cô gái có lẽ bị ma nhập, quỷ ám nên lo sợ, đi tìm thầy về cúng và trừ tà. Nhưng cô gái vẫn khăng khăng đòi đi gặp cha mình và bảo rằng cô biết rõ đường đến nhà ông Cả Hiêu. Cô mô tả đường đi, tả ngôi làng, tả cái nhà, số nhà từng chi tiết và kể về những người nhà ông Cả Hiêu nữa. Cô gái bảo ông bà Cả Hiêu là cha mẹ ruột của mình. Cuối cùng cha mẹ cô gái buộc lòng phải cùng đi theo chuyến xe đò đến làng Tân Việt để tìm hiểu thực hư.
Khi đến bến xe, mọi người xuống xe còn đang bỡ ngỡ không biết đi theo hướng nào để về nhà ông Cả Hiêu thì cô gái nói: “Ðừng có ngại, để con dẫn đường cho”. Thế rồi khi đến cổng nhà ông Cả Hiêu, cô gái tỏ vẻ mừng rỡ vô cùng và chạy nhanh vào nhà. Lúc đó hai vợ chồng ông Cả Hiêu đang ngồi trong nhà. Cô gái chạy lại ôm chầm lấy ông Cả Hiêu vừa khóc vừa nói: “Ba ơi, con đây ba ơi!” Hai vợ chồng ông Cả Hiêu còn đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì sảy ra thì vừa lúc cha mẹ cô gái bước vào nhà kể lại chi tiết câu chuyện cho vợ chồng ông Cả Hiêu nghe. Ông Cả Hiêu lấy làm lạ, cũng kể lại cong gái mình bị bệnh đã qua đời cho cha mẹ cô gái nghe. Ông còn chỉ tay lên bàn thờ có đặt tấm ảnh của cô con gái con ông. Trong khi đó cô gái mới đến cứ đi lại trong nhà tự nhiên như là người đã ở đó từ lâu rồi.
Câu chuyện đến hồi kết thúc khi sự kiện đã rõ ràng; cô gái nhất quyết ông bà Cả Hiêu là cha mẹ mình và ông bà Cả Hiêu cũng chấp nhận điều đó vì cô gái nói rõ những chi tiết mà ngoài con gái ông Cả Hiêu ra khó có ai biết rõ chuyện gia đình ông bà. Thế là hai gia đình kết thân với nhau. Dân chúng hai vùng Cà Mau, Bạc Liêu biết được một chuyện lạ lùng hãn hữu trên thế gian, họ bảo cô gái ấy có hồn là con của ông bà người làng Tân Việt nhưng thân xác lại là con của ông bà người làng Vĩnh Mỹ.
Ông cụ 78 tuổi đầu thai làm heo ở An Giang
Mấy ngày qua, rất đông người dân miền Tây đổ xô về xã vùng sâu Vĩnh Chánh (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) để xem con heo lạ. Câu chuyện bắt đầu từ những giấc mộng kỳ quặc của vợ chồng anh Võ Thành Đẫm (tên thường gọi là Út (43 tuổi) và chị Dương Thị Chơn ở ấp Đông An, xã Vĩnh Chánh. Anh Đẫm kể, đêm đó anh nằm chiêm bao thấy Cha anh báo mộng. Ông là Võ Văn Minh, đã chết cách nay 8 năm, khi 78 tuổi, do bệnh tai biến. Trong giấc mơ đầu tiên vào đêm 21/10/2013, ba anh Đẫm hiện về, kêu:
“Út ơi! Ba chết rồi, đầu thai thành con heo ở xóm ngoài. Trước mũi “của ba” có 2 lằn rạch xuống, đó chính là… râu của ba. Còn ở đùi sau có 1 cái đém đen. Khi nào tới chuồng, thì ba nhảy lên mừng con”.
Sáng ra, anh Đẫm đem giấc mộng kể cho vợ nghe, thì bị vợ kêu là mê tín, không tin. 6 ngày sau, anh Đẫm lại được cha báo mộng y hệt lần trước. Anh cũng không nghĩ nhiều tới giấc mơ bởi cả ngày phải lo làm thuê kiếm sống. Nhà anh thuộc diện hộ nghèo, có 2 đứa con lại bị thiểu năng. 20 ngày sau khi cha báo mộng lần thứ 2, anh Đẫm lại tiếp tục thấy ba về báo mộng. Ổng nói:
“Sao ba báo cho con 2 lần mà con không đi tìm ba? Ba buồn, ba bỏ ăn nên bị người ta… đè ra chích thuốc”.
Vài ngày sau thì ba tui về báo mộng lần cuối. Ổng nói:
“Sao mầy lo nhậu say xỉn hoài mà không đi tìm ba?”
Rồi đêm 22/11, ba tui lại về báo mộng cho bà xã tui. Ổng nói:
“Vợ thằng Út ơi! Đi tìm ba đi. Ba khổ lắm, ba trông đợi lắm!”
Nghe vậy, bà xã khuyên kêu tui đi kiếm con heo. Nhưng tui nói bà đi thì đi, tui bận đi làm mướn. Sáng hôm sau thì tui đi làm hồ và vợ tui thì âm thầm đi tìm… “ông già”, anh Đẫm kể. Sáng 23/11, vợ anh Đẫm bơi xuồng đi tới cái xóm có nhiều người nuôi heo. Khi vợ anh dò hỏi về chuồng heo như được bố chồng mô tả trong giấc mơ, một người dân tại đây đã chỉ tới chuồng nuôi heo của chị Lê Mỹ Hạnh. Trình bày xong với chủ nhà, vợ anh Đẫm liền đi ngay ra chuồng và bất ngờ thấy trong bầy có 1 con heo hình thù y như ông già tả trong giấc chiêm bao. Bà xã tui kể lại sự tình và hỏi mua con heo đó, thì người ta chịu bán với giá 2,5 triệu đồng. Con heo nặng chừng 30kg và là dạng heo bò, có lông màu vàng và nhiều đốm đen. Một điều hết sức lạ là khi gặp bà xã thì con heo liền mừng, nó nhảy lên đưa 2 chân trước. Rồi 2 lỗ tai nó ngoắc ngoắc. Khi đưa con heo lên xe chở về nhà thì nó ngồi êm ru như người ta ngồi xe vậy – Anh Đẫm nói. Chừng 2h sau khi con heo được chở về nhà anh Đẫm, nhiều người kéo tới xem. Khi đem heo thả trước sân thì nó không dám vô nhà. Anh Đẫm ngẫm nghĩ có lẽ là mình quên trình Cửu huyền thất Tổ nên đốt nhang cúng. Cúng xong, anh ra sân nói:
“Ba ơi, con trình Cửu huyền rồi, ba vô đi”. Lập tức con heo phóng lên cửa và chạy tuốt ra sau buồng. Lúc người ta tới coi đông quá, tui nói:
“Ba ơi, ra chào bà con đi” thì ổng chạy ra ủi ủi vô giò nhiều người. Hễ tui kêu ổng đi đâu là ổng đi đó! – Anh Đẫm kể lại.
Bà Phan Thị Sữa – Nhà ở thị trấn Phú Hòa (huyện Thoại Sơn), nghe tin nên đến coi. Bà khẳng định chuyện anh Đẫm thả con heo ra sân nhưng con heo không chịu vào nhà. Sau khi thấy anh Đẫm cúng vái thì kêu con heo liền chạy vô nhà. Chính bà cũng lấy làm lạ về chuyện này nhưng không lý giải được. Anh Đẫm đinh ninh con heo chính là cha mình hóa kiếp, nên anh không dám mua cám cho ăn. Ngày mới đem heo về nhà, anh nấu cháo tàu hũ thì heo ăn chỉ 1 chén là ngưng. Mấy ngày sau, anh ngồi chơi, tiện tay thẩy bánh tây ra sân thử thì con heo chạy tới ăn ngấu nghiến.
“Một ngày ổng ăn hết 1kg bánh. Rồi tui pha nước trà đường cho ổng uống. Trong chiêm bao, Cha tui kêu khi bắt ổng về thì cầu nguyện 3 ngày, rồi giết ổng đi, để ổng siêu thoát. Nhưng con heo là… Cha tui nên tui đâu lỡ giết. Công an xã biết chuyện mời vợ chồng tui lên làm cam kết, không được tuyên truyền mê tín dị đoan và kêu tui phải dời con heo đi chỗ khác. Sáng nay tui đã chở con heo đi gởi chỗ khác rồi” – Ngày 27/11, anh Đẫm chia sẻ với PV.
Câu chuyện ly kỳ về con heo lạ lan nhanh. Dân từ các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Cà Mau, TP.HCM… kéo đến nhà anh Đẫm coi heo cả ngày lẫn đêm.
“Họ còn đồn rằng con heo của tui biết nói, biết hút thuốc lá như con người. Nhưng tui khẳng định hoàn toàn không có chuyện đó. Chỉ vợ chồng tui nằm mộng rồi đi tìm được con heo y như vậy nên tin đó là ba tui thôi. Chứ tui thấy hình dạng con heo bình thường. Chỉ có cử chỉ và hành động hơi lạ, là tui kêu gì làm nấy thôi. Khi tui giăng mùng cho heo ngủ thì cả đêm nó không đái, ỉa gì trong nhà” – Anh Đẫm bộc bạch. Những ngày qua, vợ chồng chủ nhà đi làm thuê, rào kín cửa nên nhiều người thất vọng, đứng lóng ngóng ngoài cửa rào. Trong nhà chỉ còn Võ Thành Đảm (26 tuổi, con trai anh Đẩm) chăm lo cho con heo. Đảm giải thích:
“Không phải là heo mà là “ông nội” đầu thai, tôi mua hộp cơm này về cho ổng ăn nè. Tôi không chỉ cho ổng ăn cơm, mà còn cho uống nước trà, ăn bánh nữa. Mấy món này lúc còn sống ổng thích lắm. Bây giờ đầu thai rồi vẫn… thích ăn” – Vừa nói xong, Đảm đổ hộp cơm vào thau nhôm rồi kêu con heo ra ăn như để chứng minh lời anh nói là đúng.
Bà Phạm Thị Cúc (68 tuổi, mẹ ruột chị Hạnh – người chủ con heo đã bán cho anh Đẫm) kể:
“Con Hạnh nuôi heo nái để đẻ rồi bắt con nuôi lớn, dành bán heo thịt. Hồi đó tới giờ nó không bán heo con. Nhưng hơn 3 tháng trước, trong bầy heo 7 con vừa đẻ thì có 1 con lạ. Nó cứ hay nằm buồn buồn. Thấy vậy, con Hạnh mới sợ nó bệnh nên kêu thú y tới chích thuốc. Khi nó nặng gần 30kg thì tường của cái chuồng cao hơn 1 thước mà heo cứ phóng ra ngoài, nên con Hạnh ghét. Con Hạnh nói, mặc kệ mầy, mầy phóng ra cho muỗi cắn chết luôn. Vậy rồi cứ tới khuya thì con Hạnh thấy nó phóng vô chuồng trở lại. Trong khi cả bầy thì 6 con kia không con nào phóng ra được. Thấy con heo lạ, nên con Hạnh gọi nó là… cóc tinh. Trong đời tui mới thấy con heo lạ như vậy”.
Trụ trì Chùa Phước Ân gần nhà anh Đẫm – Thích Nữ Như Hoa cho biết, bà có nghe chuyện con heo ở nhà anh Đẫm. Anh Đẫm cũng từng tới nhờ nhà chùa cầu siêu cho con heo, nhưng nhà chùa chưa tới. Theo Kinh Phật nói về Luật Nhân – Quả thì những ai ở đời này ăn ở thiếu đạo đức, tạo sát nghiệp thì đời sau sẽ đầu thai thành những con súc vật!
(Tổng hợp theo Vĩnh Sơn – Tuổi trẻ & Đời sống và báo Zing)
“Ông” heo này cũng còn có phước lớn vì còn có thể về kêu con cháu tới cứu, chứ các con heo khác đâu được như vậy.
Tôi tin chuyện là có thật, nhưng có lẽ cô Chu Tú Hoa chỉ là người biết ăn chay, niệm Phật, làm lành chứ chưa biết niệm Phật cầu vãng sanh.Câu chuyện rất hay.
Nam mô A Di Đà Phật!
Thêm một câu chuyện chứng tỏ đầu thai chuyển kiếp là có thật:
Trào Tống, Hoàng Đình Kiên tự Sơn Cốc, người tỉnh Giang Tây, huyện Tu Thủy. Trong Huyện chí có ghi chép truyện về ông. Ông có tài về thi, thư họa, nổi danh ngang với Tô Đông Pha, nên người ta thường nêu danh Tô Hoàng.
Hoàng Sơn Cốc sau khi đậu tiến sĩ rồi được triều đình bổ nhiệm làm tri châu ở Vu Hồ, Hoàng Châu. Khi ông nhậm chức mới 26 tuổi. Một hôm ông đang ngủ trưa, nằm mộng đi ra phố chơi tới một thôn, thấy có một bà cụ đầu tóc bạc phơ đứng trước hương án, trên có để một bát canh miến nấu với rau tần. Miệng không ngớt gọi tên người. Sơn Cốc đến gần xem, thấy bát miến tần tỏa ra mùi thơm ngon, không cưỡng lại được, bèn cầm lên ăn. Ăn xong trở về nhà, bất giác tỉnh dậy. Trong miệng mùi rau tần hãy còn.
Mộng cảnh rất rõ ràng nhưng Sơn Cốc cho là nằm mộng nên cũng không để ý. Ngày hôm sau, lại nằm mộng tương tự, tỉnh mộng, miệng vẫn còn thơm mùi rau tần. Do đó cảm thấy kỳ dị, Sơn Cốc bèn trở dậy lững thững đi ra ngoài tản bộ, tới một chỗ giống như trong mộng. Bèn gõ cửa thì một bà cụ tóc bạc phơ ra mở cửa mời vào. Sơn Cốc ngạc nhiên thấy chính là bà cụ trong mộng. Sơn Cốc hỏi :
-Hôm qua có phải là bà cụ ở trước cửa kêu người đến ăn miến tần không ?
-Dạ phải, hôm qua là ngày giỗ con gái tôi. Lúc sinh thời nó rất thích ăn miến tần, nên ngày giỗ nào tôi cũng nấu miến tần gọi nó về ăn.
-Con gái bà cụ mất bao lâu rồi ?
-Đã 26 năm rồi !
Sơn Cốc nghĩ bụng năm nay mình 26 tuổi, hôm qua là ngày sinh nhật của mình, lại hỏi:
-Ngoài con gái ra, cụ còn ai nữa không?
-Tôi chỉ có một gái, lúc sanh tiền nó thích đọc sách, tin Phật, ăn chay, rất có hiếu, không chịu lấy chồng. Năm 26 tuổi bị bệnh mà mất, lúc sắp mất có nói nó còn muốn trở lại.
-Tôi có thể vào xem phòng cô ấy không ?
Bà lão bèn chỉ phòng con gái:
-Ông cứ tự tiện vào xem, để tôi đi rót trà.
Sơn Cốc vào phòng xem thì ngoài cái giường và bàn ghế ra, ở góc tường có một cái rương lớn. Sơn Cốc hỏi:
-Trong này đựng gì ?
-Toàn là sách của cháu.
-Có thể mở xem được không ?
-Không biết nó để chìa khóa ở đâu nên không mở được.
Sơn Cốc bỗng nhớ ra chỗ để chìa khóa, bảo bà cụ đi tìm, quả nhiên tìm được. Mở rương ra trong đó toàn là vở chép văn thơ. Sơn Cốc giở ra đọc thì toàn là văn thơ của mình. Sơn Cốc lúc đó mới rõ mình đã tìm lại nhà mẹ kiếp trước. Sơn Cốc bèn quỳ xuống kêu mẹ, rồi rước bà lão về nhà phụng dưỡng suốt đời.
Ở vườn trúc sau nhà, Sơn Cốc có xây một cái đình trong đó có để bia, khắc một bài tán :
Giống Tăng có tóc
Giống tục thoát trần
Trong mộng nằm mộng
Ngộ thân ngoài thân.
Do bài tán này chúng ta có thể thấy chuyển thế là thật, không dối.
Theo Thiện Hữu Thiện Báo
Câu chuyện xảy ra ở đâu đó phía Đông của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay. Một vị quan triều nhà Thanh đã cưới cô con gái của một gia đình gia giáo. Cha của cô là một người thông thái. Sau đó, vị quan và vợ sinh được ba người con trai. Người con cả và thứ hai rất yêu thích văn chương Trung Quốc nên giành hầu hết thời gian của mình cho việc đọc sách. Vậy mà người con trai út từ lúc sinh ra đã không nói một từ nào. Mọi người đều nghĩ rằng đứa trẻ này bị điếc và câm. Vị quan này đã từ bỏ và không dạy dỗ đứa con trai út của mình điều gì.
Một ngày nọ, vị quan yêu cầu hai người con trai lớn viết một bài luận văn theo một chủ đề có sẵn trong khi ông ra khỏi nhà thăm họ hàng. Hai người con trai bắt đầu tìm giấy. Họ giành một khoảng thời gian để suy nghĩ làm sao để viết bài luận văn này, nhưng rồi họ vẫn chưa nghĩ ra được. Chỉ đến khi hai cậu con trai thật sự bỏ cuộc, người em út mới bước lại, đột nhiên mở miệng ra và bắt đầu nói. Người em nói với hai người anh trai cách viết bài luận văn như thế nào. Hai người anh trai hết sức ngỡ ngàng. “Chẳng phải em bị câm và điếc hay sao? Làm sao em có thể đột nhiên nói được?” Cậu em trai cố gắng trấn an hai người anh của mình và nói họ đừng hoảng hốt. Cậu em nói mình đột nhiên nhớ ra tiền kiếp của mình và nhờ hai người anh cho mượn một cây viết. Câu em nói: “Hãy để em viết bài luận văn cho hai anh.” Hai người anh tin tưởng ở người em trai mình và đưa em một cây viết. Cậu em cầm viết và bắt đầu viết bài luận văn. Người em viết bài luận văn trôi chảy đến nỗi cả hai người anh hết sức kinh ngạc. Người em đã hoàn thành bài văn một cách nhanh chóng.
Cuối ngày hôm đó, người cha trở về và quyết định kiểm tra bài văn của hai người con trai. Bài văn làm người cha hết sức cảm động, ông nói: “Bài văn này rất sắc sảo; lối viết giống như của ông ngoại các con. Cha không nghĩ các con lại có thể viết được một bài văn xuất sắc như vậy. Hãy nói cha biết các con có sao chép bài văn này ở đâu không?” Hai người con trai quyết định rằng họ không thể giấu sự thật nữa và nói ra bài văn được hoàn thành như thế nào.
Người cha hết sức ngạc nhiên. Ông gọi người con út lại và tiếp tục hỏi về bài văn. Lúc đầu người con út vẫn giữ im lặng, nhưng khi người cha gằn giọng tra hỏi, người con mới mở miệng và trả lời rằng: “Con giữ im lặng suốt những năm qua, nhưng hôm nay con có động lực và hứng thú nên đã quyết định viết ra bài văn này. Con sợ khi phải nói sự thật ra bây giờ. Than ôi, con từng là nhạc phụ của cha trong kiếp trước. Lúc đó, trong một giấc ngủ trưa, đột nhiên linh hồn con rời khỏi cơ thể và đi tới nhà con rể. Ngay khi con vào nhà, con rơi xuống đất và cảm giác lạnh toàn thân. Khi con mở mắt thì nhận ra mình đã là một đứa trẻ trần truồng. Con thấy con gái mình đang nằm nghỉ bên giường sau khi sinh nở. Con nhận ra mình đã vào kiếp luân hồi và đời trước của mình đã kết thúc. Ngay lúc đó, con đã khóc rất to. Nhưng sau đó, con bắt đầu hiểu ra vòng đời của một sinh mệnh là: sinh, lão, bệnh, tử. Đó là lẽ thường cho con người trên trần gian. Điều khiến con không thoải mái là con gái và con rể của mình trong đời trước giờ lại là ba mẹ sinh ra con. Mối quan hệ cha con hoàn toàn làm con đảo lộn, đó là lý do con giữ im lặng suốt những năm qua, nên mọi người nghĩ rằng con điếc và câm.” Người con út khóc lớn sau khi kể cho người cha nghe câu chuyện luân hồi của mình. Người cha cảm thấy bàng hoàng và kể cho người vợ nghe câu chuyện. Người mẹ liền kiểm tra ngày sinh của con trai mình và quả thật trùng với ngày cha cô qua đời. Người mẹ cảm thấy hết sức đau buồn. Sau đó, người con út nói với cha mẹ mình rằng cậu muốn đến một ngôi chùa để trở thành đệ tử Phật giáo; cậu muốn quên đi mối quan hệ cha con đảo lộn. Ba mẹ cậu con trai đồng ý và để cho anh rời đi. Khi Lý Khánh Thần thuật lại câu chuyện, người con trai đã 40 tuổi, đang chuyên tâm tu luyện Phật Pháp trong một ngôi chùa.
Có rất nhiều câu chuyện luân hồi xuyên suốt lịch sử loài người. Ngày nay, khi biết được những câu chuyện chân thực như vậy, chúng ta cần đặt dấu hỏi về học thuyết vô thần đang được rao giảng. Vô thần luận là một học thuyết sai lầm và chúng ta phải từ bỏ điều sai lầm đó để thực sự biết được chúng ta là ai.
Nguồn chanhkien.org
THAY HỒN ĐỔI XÁC
Câu chuyện kỳ lạ này xảy ra tại nhà một người tên gọi Phan Lập Doanh tại thôn Trượng Tử, huyện Thiên Tây thành phố Đường Sơn tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
Vào năm 1942, khi Nhật Bản thực hiện kế hoạch tập hợp các gia đình và các thôn làng tại thôn Trượng Tử, khi đó hai vợ chồng ông Phan Lập Doanh cùng cậu con trai, phải chuyển tới nhà của người cô ở Phòng Quan Doanh để sinh sống. Vào một ngày tháng Bảy, vợ Phan Lập Doanh tên là Dương Phượng Tiên bỗng thấy nhớ nhà ghê gớm, liền thu xếp lên đường về thăm nhà mẹ đẻ ở Can Sài Dụ.
Sau khi ở chơi nhà mẹ đẻ mấy hôm, trên đường về nhà chồng, khi đi qua một bãi tha ma ở gần Trượng Tử, đột nhiên Dương Phượng Tiên ngã nhào xuống đất hôn mê bất tỉnh. Người dân làm đồng gần đó gọi mãi nhưng không thấy cô có phản ứng gì, liền đưa về nhà chồng cô ở Phòng Quan Doanh, tuy nhiên về tới nơi cho dù người nhà làm đủ mọi cách nhưng cô vẫn bất tỉnh nhân sự. Người nhà kiểm tra mắt thấy không còn sự sống, liền đặt cô trên tấm phản, đắp chăn chuẩn bị tiến hành hậu sự.
Khi người nhà đang lo lắng việc tang ma bỗng nhiên Dương Phượng Tiên tỉnh lại. Khi mở mắt nhìn tất cả mọi người xung quanh nhưng không nhận ra một ai. Cô nhìn mọi người với ánh mắt vừa lo sợ vừa tò mò hỏi dồn: “Tại sao tôi lại ở đây? Đây là đâu vậy?”. Sau đó lại sờ lên mái tóc mình hỏi tiếp: “Bím tóc của tôi đâu rồi?”.
Cô luống cuống nhìn lại người mình, nhìn lại bàn chân thô ráp của mình rồi tức giận tự đánh tới tấp vào chân và tiến tới chiếc gương đặt gần đó và giật mình hét lớn: “Đây không phải là tôi, sao tôi lại trở nên xấu xí thế này?”.
Mọi người thấy cô tỉnh lại thì tò mò đứng chật kín quanh và hỏi dồn: “Chị là ai, người ở đâu?”.
Cô lại nhìn mọi người một vòng rồi trả lời: “Tôi là người ở Thuyền Trang, tên là Tiểu Vân, cha tôi tên là Chu Lão Côn, tôi còn có anh trai…”.
Sau đó cô nhất định muốn về Thuyền Trang và thúc giục mọi người đi báo cho gia đình mình ở đó. Nhà mẹ đẻ của Dương Phượng Tiên hay tin con bị như vậy liền vội vàng tìm đến xem xét tình hình, tuy nhiên cô vẫn không nhận ra người thân.
Mọi người trong nhà cô đều cho rằng cô bị ngã nên ăn nói lung tung liền mặc kệ bỏ qua. Tuy nhiên Dương Phượng Tiên không ngừng giục mọi người hãy thông báo cho người nhà ở Thuyền Trang, và còn tức giận nói: “Nếu không gặp được người nhà ở Thuyền Trang thì sẽ tự tử”.
Bố chồng của Dương Phượng Tiên thấy con dâu như vậy, không còn cách nào khác để có thể tìm được người ở Thuyền Trang, bèn mang một cái chiêng đi tới đường Tân Hưu vừa khua chiêng vừa hô to: “Con dâu tôi hôn mê bất tỉnh vừa chết đi sống lại, nó nói nó tên là Tiểu Vân người Thuyền Trang có cha tên là Chu Lão Côn”.
Thật trùng hợp khi đó người anh em chú bác của Tiểu Vân là Chu Cảnh Tăng lên Tân Hưu đi chợ, nghe thấy tên cô gái mà ông cụ kia đang nói trùng với tên cô em họ mất cách đây 35 ngày của mình, bèn hiếu kỳ đi cùng ông cụ về nhà. Để thám thính tình hình thật giả ra sao, Chu Cảnh Tăng giả làm người đi mua lợn đứng ở cạnh chuồng lợn xem.
Vừa lúc đó Dương Phượng Tiên qua song cửa sổ nhìn thấy anh ta liền hô lớn: “Anh hai, anh tới rồi”.
Chu Cảnh Tăng quay đầu lại nhìn thấy một cô gái khoảng 20 tuổi, dáng vẻ cao lớn thô kệch tóc ngắn. Trong khi em họ mình là một cô gái xinh đẹp yểu điệu thục nữ với bím tóc dài sau lưng.
Nhìn kỹ rõ ràng không hề giống như em họ mình, anh ta vừa nghĩ vừa tiến vào trong phòng nói với cô gái: “Cô nhận nhầm người rồi”.
Dương Phượng Tiên nói: “Làm sao có thể nhầm được chứ? Em là người may cái túi đựng thuốc lá cho anh đây mà”.
Nói rồi một hai cứ đòi về nhà với anh mình. Chu Cảnh Tăng thấy vậy bèn nói: “Đợi chút để anh bảo cha em đến đón”.
Tối hôm đó Dương Phượng Tiên dứt khoát nói rằng mình vẫn là khuê nữ không muốn ở cùng phòng với Phan Lập Doanh.
Lại nói về Chu Tiểu Vân, quả thực là có người con gái tên như vậy. Nhà cô ấy ở Tân Tập Phiến, xã Doãn Trang thôn Thuyền Trang, đây là một thôn trang ở bờ tây sông Loan Hà. Cha cô là Chu Lão Côn, là một người giàu có trong thôn sinh được một nam ba nữ. Cậu con trai sớm đã lâm bệnh qua đời, cô con gái đầu và thứ hai đều đã xuất giá chỉ còn Tiểu Vân là khuê các trong nhà. Tiểu Vân còn hai người anh họ sống cùng tên là Chu Cảnh Tường và Chu Cảnh Tăng đều chưa lập gia đình.
Miêu tả thêm một chút về Chu Tiểu Vân, cô vốn là một tiểu thư thông minh lanh lợi, yểu điệu thục nữ, tóc dài tết thành bím, dáng vẻ dịu dàng, lại vô cùng khéo tay, văn hay chữ tốt được mọi người trong gia đình rất mực yêu quý nâng niu như ngọc. Tuy nhiên việc đời thường không như ý, Tiểu Vân bị mắc bệnh và qua đời khi mới 21 tuổi. Khi đó vì thời tiết vô cùng nóng bức nên mọi người không còn cách nào khác, vội vàng mang đi mai táng, gia đình đang tràn ngập bầu không khí bi thương.
Vào ngày cúng tuần “ngũ thất” (35 ngày sau khi qua đời), Chu Cảnh Tăng đi tới Tân Tập thì biết được câu chuyện kỳ lạ này. Sau khi thăm dò, chiều đó về tới nhà, anh bèn kể tường tận đầu đuôi câu chuyện kỳ lạ mình gặp phải ở Phòng Quan Doanh cho mọi người trong nhà nghe. Mọi người trong nhà đều cảm thấy vô cùng kỳ lạ, bán tín bán nghi, lại có người nghi ngờ đó là phụ thể hoặc giả mạo, chín người mười ý không biết nên làm như thế nào.
Tuy nhiên Chu Lão Côn vì nóng lòng tưởng nhớ con gái nên quyết tâm muốn đi tới đó một phen xem kết quả rốt cuộc ra sao. Hôm sau, ông nhờ hai người cùng tuổi và gần giống mình đi tới nhà Phan Lập Doanh và khi vào tới phòng thì đứng giữa hai người kia để dò xét.
Khi ông vừa vào phòng, Dương Phượng Tiên vui mừng chạy tới phía ông mà nói: “Cha đến rồi?”.
Chu Lão Côn nhìn cô gái và nói: “Cô không nhận nhầm người chứ”.
Cô gái ôm mặt khóc nức nở mà đáp: “Là cha mình sao con có thể nhận nhầm được chứ? Cái túi cha đang đeo trước bụng và giày của cha chẳng phải đều là con khâu cho cha hay sao”.
Nói rồi cô gái dứt khoát nắm chặt tay ông đòi theo ông về nhà. Ông Chu nói với cô gái: “Đợi lần sau cha sẽ mang lừa tới đón con về nhé”. Dương Phượng Tiên tần ngần nhìn ông hồi lâu và nói: “Lần sau đến cha nhớ đưa cả Thái Nhi (Cháu của Tiểu Vân khi đó 11 tuổi) cùng đi nhé, con rất nhớ thằng bé”.
Sau khi về nhà Chu Lão Côn lại lần nữa thảo luận với mọi người trong gia đình, ông cho rằng đó không giống như bị phụ thể hay giả mạo. Bàn bạc hồi lâu cuối cùng mọi người quyết định đi mượn một con lừa và để Chu Lão Côn, Cảnh Tường, Cảnh Tăng và Thái Nhi bốn người cùng đi tới nhà họ Phan.
Sau khi tới nơi, Thái Nhi ở ngoài sân chơi đùa với mấy đứa trẻ còn mọi người đi vào phòng. Sau khi nhìn thấy Thái Nhi, Dương Phượng Tiên mừng rỡ như người thân lâu ngày gặp lại chạy tới ôm cậu bé vào lòng. Một lát sau lại dẫn cậu bé đi tìm thứ gì ăn nhưng không tìm thấy, liền chạy tới bẻ một bắp ngô trong vườn và mang vào bếp nướng cho thằng bé.
Khi đưa Dương Phượng Tiên về tới cổng thôn Thuyền Trang, Chu Lão Côn cố ý dắt lừa đi phía sau cùng và những người khác cũng cố ý đi sau Dương Phượng Tiên để thử lại lần nữa. Khi tới cổng nhà mình, như một người đã quen thuộc cô đi thẳng vào cổng mà không đắn đo suy nghĩ.
Vừa nhìn thấy mẹ và mọi người trong nhà, Dương Phượng Tiên xúc động nước mắt dâng trào òa khóc trước cái nhìn đầy lạ lẫm tò mò của mọi người trong gia đình. Cô nói với mọi người: “Mọi người nhìn con không giống phải không, nhưng con chính là Tiểu Vân, con nhận ra mọi người mà”. Những đồ dùng Tiểu Vân từng sử dụng, những bộ quần áo cô từng mặc ở đâu cô đều nhớ rõ và chỉ cho mọi người.
Sự việc kỳ lạ này nhanh chóng lan truyền khắp thôn, mọi người trong thôn tò mò đều tới thăm cô, ai tới tên là gì xưng hô như thế nào cô đều nhớ và nói chính xác. Khi cha cô hỏi cô về trải nghiệm “Mượn xác hoàn dương” cô không khỏi xúc động bùi ngùi mà đáp: “Đó giống như một giấc mơ cha ạ”.
“Trong lúc hốt hoảng con lờ mờ nhận ra bản thân hình như bị hai tiểu quỷ bắt từ trong nhà đi ra. Khi tới một nơi rộng lớn giống như phòng khách, có một người khác trang phục như một vị quan nói với hai tên tiểu quỷ là họ đã bắt nhầm người. Sau đó còn nói rõ: ‘Cô gái này là người ăn chay tôn kính Thần Phật, cô ấy còn hơn 60 năm dương thọ nữa’. Suy nghĩ hồi lâu sau đó vị quan sai nói tiếp: ‘Nhục thân của cô ấy đã không ổn nữa rồi, hai ngươi hãy dẫn cô ấy đi tìm người thay thế để mượn xác hoàn dương đi’.
Trong quá trình hai tên tiểu quỷ dẫn đi tìm người thay thế, con còn nhìn thấy chị cả đang căng khung thêu ngồi thêu hoa trước nhà. Trong thôn có một người lương thiện tên là Phương Điện Trụ đã qua đời, con thấy hồn anh ta tay cầm một cuốn sổ ghi chép gì đó, hình như chuyên quản việc ghi chép mọi việc nhân quả thế gian. Con còn nhìn thấy hồn tên cường hào ở thôn bên cạnh, chân tay đều bị đóng đinh lên tường, đang không ngừng kêu la thảm thiết.
Sau đó con lại được tới một nơi có một bà lão trông coi tên là Mạnh Bà, con nhìn thấy trên bàn đặt ba bát nước, khi đó con khát nước quá không ngần ngại chạy tới bưng bát nước và uống. Vừa uống được một ngụm bà lão cướp lấy bát nước trên tay con và nói: “Đừng uống nữa, cô mà uống nữa sẽ không nhận ra được mẹ và người nhà mình đâu”.
“Trong quá trình đi tìm người thế thân, hai tên tiểu quỷ còn nhờ thần thổ địa giúp đỡ. Khi đó con không tin thân thể mình đã bị hư hại, nhất định bắt họ dẫn đi xem. Vì con cứ yêu cầu nhiều quá không còn cách nào khác họ đành dẫn con tới mộ mình, khi đó con đã đích thân chạy tới thân thể mình để sờ và lay động, thấy thực sự không được nữa mới đồng ý đi tìm người thế thân.
Họ tìm cho con ba người mới qua đời: Người đầu tiên rất to lớn, người thứ hai lại vô cùng nhỏ bé, người thứ ba thì không được thon thả như con khi xưa và thực sự con vẫn chưa vừa ý. Nhưng khi đó có một tên tiểu quỷ nói: ‘Không còn thời gian để tiếp tục đi tìm nữa’.
Thế là một tên tiểu quỷ vỗ một cái vào con, lại vỗ một cái vào thân thể kia, duỗi bàn tay ra thổi một cái hướng con thế thân về phía người kia thế là con đi vào được cái thân thể này”.
Dương Phượng Tiên sống tại nhà mẹ đẻ ở Thuyền Trang một thời gian, sau đó hai nhà Chu – Phan lại tổ chức lại hôn lễ cho hai người. Sau hôn lễ cô lui tới và coi hai nhà ở Thuyền Trang và Can Sài Dụ như nhà đẻ của mình.
Bởi nhìn thấy sự thật mọi việc thiện ác ở âm gian đều có báo ứng nên nửa cuộc đời còn lại, Dương Phượng Tiên vẫn luôn cố gắng ăn chay hành thiện và khuyên can mọi người cần tu tâm tích đức.
Sau đó cô sinh được ba cô con gái, cô con gái đầu lấy chồng ở Tuyền Trang, cô thứ hai lấy chồng ở Tôn Gia Dụ, cô thứ ba là Yến Tử kén chồng về ở rể. Cả cuộc đời Dương Phượng Tiên sống hạnh phúc bình an, mãi cho tới năm 2006 mới qua đời, thọ 86 tuổi.
Theo NTDTV
Kiên Định biên dịch