Vạn ngàn lần phải nhớ “Không khởi lên các vọng tưởng về tham, sân, si, dục”, đó là tu hành thật sự. Một mặt thường niệm “A Di Đà Phật”, một ngày niệm mấy chục lần “Kinh Vô Lượng Thọ” nhưng trong tâm vẫn là tham, sân, si, mạn thì kể như tất cả công đức đều hết. Tụng kinh, niệm phật phải đem tham, sân, si, mạn niệm cho quên đi thì mới là công phu.
Chân tu hành thì phải đoạn tham, sân, si. Tu hành thật sự câu Phật hiệu ngày đêm không gián đoạn, đó là tinh tấn. Còn một tí tham niệm về pháp thế gian thì không phải là tu hành chân chính.
Phật nói trong Kinh Đại Thừa: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai” (Một niệm sân khởi lên thì cả triệu cánh cửa chướng ngại mở ra.) Dù hoàn cảnh không như ý cũng không khởi lên tâm sân giận, cần hiểu rõ nhân quả, lý sự bên trong đó. Khởi tâm sân giận, không làm chướng ngại người khác mà thật ra chỉ chướng ngại tự mình. Người học Phật thấy kẻ khác hơn mình, trong lòng đố kỵ thì lập tức phải giác ngộ. Tâm đố kỵ của ta khởi dậy, phá hoại lòng thanh tịnh của mình, làm trở ngại Giác, Chánh, Tịnh của ta, đó là ma chướng. Ma của ngoại cảnh không đáng sợ, đáng sợ là ma ở trong tâm ta, nên nói “phiền não ma, ngũ ấm ma” là đáng sợ nhất. Nếu có thể đoạn dục vọng, bỏ ưu phiền, dù ma ở ngoại cảnh nhiều hơn nữa, mạnh hơn nữa, đối với người tu hành vẫn không bị tác động… Thấy việc tốt của người khác, mình phải tán thán, đồng thời hết lòng hết sức giúp đỡ đem việc tốt của họ nhân rộng ra.
Hôm nay có thể giảm bớt một phần hưởng thụ trong sinh hoạt của mình, đi cứu giúp những chúng sinh khổ nạn, đó cũng là “thay chúng sanh chịu khổ”. Chúng ta muốn sắm thêm quần áo, nghĩ lại không thêm cũng được, dành lại tiền ấy để giúp đỡ chúng sanh. Hôm nay mình muốn ăn một bữa, cũng có thể giảm ít lại, ăn những món tàu hũ, cải xanh, đem số tiền giành dụm được để giúp đỡ họ, đều là cúng dường “thay chúng sanh chịu khổ”.
Nhà Phật thường nói: “Vạn thứ đều không đi, duy chỉ có nghiệp theo mình”. Thực sự không một thứ gì là của ta cả, trước mắt nếu có cơ hội nên làm thêm nhiều việc tốt, tích thêm nhiều đức, đó là thứ duy nhất có thể mang theo.
Quý vị đọc truyện ký của Phạm Trọng Yêm, hay (Nghĩa Điền Ký) trong “Cổ văn quán chỉ”, xem ông ta một đời hành trì, sự nghiệp công lao to lớn, quan to chức lớn. Khi quốc gia hỗn loạn, ông là đại tướng quân, thống soái, khi về đến triều đình, ông là phó tể tướng. Nhà Nước ban cho ông bổng lộc hậu hỷ, nhưng tự ông lại kiệm ăn kiệm dùng, lấy bổng lộc của mình nuôi sống hơn ba trăm mấy gia đình, lại mở lớp học miễn phí, thấy những con em của những hộ nghèo có thể đào tạo thì tìm đến để chu cấp cho đi học, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, không vì bản thân nên được quả báo thù thắng. Ông có năm người con trai, trong đó có hai người làm quan đến chức tể tướng, một người thì làm ngự sử đại phu, tương đương với viện trưởng viện hành chánh, viện giám sát bây giờ. Khi ông mất, không mua nổi cỗ quan tài, tiền đã đi đâu? Đều bố thí làm việc tốt cả. Vì thế gia đình họ Phạm mãi đến đầu năm dân quốc, hơn tám trăm mấy năm, gia đạo không hề suy thoái.
Trước đây khi tôi theo thầy Lý, ông quy định tiền sinh hoạt một tháng của tôi là 150 đồng. Thầy Lý nói: “Cậu xài vượt hơn 150 đồng thì không giống người xuất gia”. Ông nói câu này với tôi, vì ông là người làm gương. Một ngày tôi ăn cơm hết 3 đồng, còn ông một ngày chỉ tiêu 2 đồng. Do đó, cái gì ông ấy nói, tôi đều tâm phục khẩu phục, không sao tranh luận với ông được. Tất cả khoản thu nhập của ông đều đem đi làm sự nghiệp về Phật giáo. Áo quần ông mặc là quần áo cũ của ba bốn chục năm trước. Áo lót, vớ được vá đi rồi vá lại nhiều lần. Nếu có dịp đến miền Trung Đài Loan nên đến tham quan nhà kỷ niệm của thầy Lý. Áo của ông lớn lớn nhỏ nhỏ đều vá đi vá lại. Ông không phải không có tiền, không phải không mua sắm nổi, trái lại thu nhập rất hậu hỷ. Ông lại không có gia quyến mà chỉ có một mình. Thành thật mà nói, điều kiện sống và sinh hoạt của ông có thể thoái mái hơn ai hết. Đấy là người tu hành chân chính. Có thể chịu đựng, sống một cuộc sống cực khổ thanh đạm, sống như một vị tu sĩ khổ hạnh. Ông ấy đã thật sự có thể đoạn tuyệt lòng tham.
Trích Niệm Phật Thành Phật
Pháp Sư Tịnh Không
Các Phúc Đáp Gần Đây