Không nhìn người khác, chỉ nhìn bản thân mình, tâm sẽ định lại. Định thì mới có thể sanh ra trí tuệ. Nói chuyện lỗi lầm của người khác thì vĩnh viễn không định được, vậy là bạn tổn thất quá lớn rồi. Bạn niệm Phật, nhìn thấy lỗi lầm của người khác, bạn nhất định không thể được nhất tâm bất loạn. Không những không đạt được nhất tâm bất loạn mà tiêu chuẩn thấp một chút là công phu thành phiến cũng đều không đạt được. Công phu thành phiến không đạt được thì không có hy vọng vãng sanh, tổn thất quá lớn rồi. Lục Tổ nói “người thật sự tu đạo thì không thấy lỗi thế gian” thật là lời dạy quý báu, nhất định không được quên đấy nhé.
Bệnh nặng nhất của phàm phu là cứ thấy người này không đúng, người kia cũng không như pháp, làm hư hỏng hết tâm thanh tịnh của bản thân mình. Không cần nói một đời không thể thành tựu mà đời đời kiếp kiếp đều khó thể thành tựu. Hễ tự cho là mình đúng, người khác không đúng thì là gốc của tội. Chỉ cần có gốc thì tất cả tội nghiệp đều sanh ra từ trong cái gốc này. Chỉ nhìn thấy lỗi người, không thấy lỗi mình, đây chính là “nhất xiển đề” [người cắt đứt mọi thiện căn] mà trong kinh Phật thường nói. Nhất xiển đề là tiếng Phạn, ý nghĩa là không có thiện căn. Sao lại không có thiện căn? Không biết lỗi lầm của bản thân mình. Người biết lỗi của mình thì tâm người đó là tâm giác ngộ. Vì thế biết lỗi của mình chính là giác ngộ, sữa chửa lỗi lầm của mình, đó là chân tu.
Tự cho là trì giới rất giỏi, người khác đều không bằng mình, bọn họ phá giới, tương lai phải đọa lạc. Sanh ra cái phân biệt, vọng tưởng, phiền não này thì dù có trì giới thì cũng không thanh tịnh. Lục Tổ nói rất hay: “người thật sự tu đạo thì không thấy lỗi thế gian”. Phải nhớ kỹ điều này. Còn nhìn thấy lỗi của thế gian thì chứng tỏ tâm không thanh tịnh, giới cũng không thanh tịnh.
Công đức không rời khỏi tam học (giới, định và tuệ), rời khỏi tam học thì không có công đức. Nếu trì giới mà không đắc được định thì trì giới thành phước đức, không phải là công đức. Nếu trì giới mà đắc được định thì giới có công, định có đức. Vậy nên người thật sự tu học là tu sửa bản thân mình, không tu sửa người khác. Nếu luôn thấy lỗi người khác, thì cùng lắm là có chút phước đức, không hề có công đức nào. Trong “Đàn Kinh” Lục Tổ nói rất hay: “người thật sự tu đạo thì không thấy lỗi thế gian”. Sao lại không thấy lỗi người? Thấy lỗi người chính là bản thân phạm lỗi, tự mình lại sanh ra phân biệt, lại sanh ra chấp trước, lại sanh ra vọng tưởng, không có chút định nào rồi. Tâm bạn thanh tịnh thì tâm là tâm định, làm sao lại có phân biệt, vọng tưởng, chấp trước chứ? Vì thế trên đường bồ đề chỉ có mình ta là phàm phu, là học sinh; ngoài ta ra, tất cả mọi người, mọi vật, mọi việc đều là chư Phật, Bồ tát, ta đều phải cung kính, khen ngợi, cúng dường, thành tựu tam học giới, định, tuệ của bản thân mình. Đấy là chân tu. Luôn thấy cái không đúng của người khác thì bản thân sẽ không nỗ lực tu học.
Hôm nay chúng ta thấy người này không vừa mắt, thấy kẻ khác đáng ghét thì là tự mình sanh ra phiền não, chứ không có quan hệ gì với hoàn cảnh bên ngoài. Người thật sự tu hành phải bắt tay làm từ đây, hễ có hiện tượng này thì lập tức hồi quang phản chiếu – lỗi ở tự mình, không phải do ngoại cảnh. Đại Sư Huệ Năng nói rất hay: “người thật sự tu đạo thì không thấy lỗi thế gian”. Thấy lỗi người khác liền phản tỉnh ngay – lỗi tại tự mình, tuyệt đối không phải do người khác. Dứt làm ác mà làm thiện mới là người thật sự tu hành. Người lão thật niệm Phật chính là như vậy, phải niệm cho đến không nhìn thấy lỗi người mới xem là lão thật.
Thấy điều thiện, tự nghĩ xem mình có không? Nếu không có thì nhanh chóng mà học tập. Thấy điều ác, tự nghĩ xem mình có không? Nếu có thì lập tức sửa đổi bản thân. Vì vậy đối với người tu hành thì người thiện, kẻ ác trong xã hội này đều là thiện tri thức, đều là bạn lành.
Trích từ sách Nhìn Thấu Là Trí Tuệ Chân Thật
Trích lục từ giảng ký của Lão Hòa Thượng Thượng Tịnh Hạ Không
Minh Trí và Mẫn Đạt chuyển ngữ
Như Hòa nhuận văn
“Không nên nhìn lỗi người
Người làm hay không làm
Nên tự nhìn thân ta
Có làm hay không làm”.
Kinh Pháp Cú
“Lời nhắc nhở khuyên nhủ trên đây của đức Phật, nhằm giúp chúng ta khi tu hành không nên nhìn ra ngoài, mà hãy nhìn vào trong ta, kiểm điểm lại ta, quan sát lại ta, tư duy về ta… để tìm ra những lỗi lầm của mình, nhờ có thấy được lỗi lầm, ta mới cố gắng khắc phục làm không cho phạm phải những lỗi lầm đó nữa.
Nếu hằng ngày chuyên cần làm những công việc này, tức là ngăn ác và diệt ác pháp thì tâm ta không còn lỗi lầm. Tâm không còn lỗi lầm là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm thanh thản, an lạc và vô sự là tâm vô lậu, là tâm hết khổ đau.
Lời khuyên:“Không nên nhìn lỗi người”.Biết lỗi người thì tâm ta sinh ra đau khổ. Thường ở đời, người ta đều thấy lỗi người, chứ ít ai thấy lỗi mình, do đó tâm nhiều đau khổ, vì vậy đức Phật khuyên dạy: “Không nên nhìn lỗi người”.
Người làm ác, làm thiện, ta không nên lưu ý đến, họ làm ác thì họ phải chịu mọi sự khổ đau, chứ ta cũng không chịu thế cho họ được, vì vậy, ta không lưu ý đến mọi việc của người khác như lời khuyên này: “Người làm hay không làm”ta không cần biết đến, chỉ“Nên tự nhìn thân ta” xem xét lại ta, coi ta có tạo nên lỗi lầm gì không? Nếu có lầm lỗi thì cố gắng khắc phục, đừng để vi phạm những lỗi lầm đó nữa.
Bốn câu kệ trên đây là dạy chúng ta tu tập Tứ Chánh Cần, các bạn có lưu ý điều này chăng?
Đạo Phật tu tập rất nhẹ nhàng không có ức chế tâm chút nào cả. Phải không các bạn? Tu tập như ngồi chơi mà giải thoát thực sự. Cho nên, không ai ngờ. Người tu hành bây giờ là tu sai vì dụng công quá nhiều, phí năng lượng, phí sức nên bị hôn trầm thùy miên vô ký tấn công.
Hằng ngày, chỉ biết quan sát lại thân tâm mình, tìm xem có những ác pháp nào xâm chiếm vào nó thì phải ngăn và diệt. Còn về tâm cũng vậy, khi có một niệm nào khởi lên lầm lỗi thì phải mau mau diệt. Sống hằng ngày mà nổ lực tu tập như bốn câu kệ trên thì cuộc sống chúng ta có một đời sống an lạc và hạnh phúc tuyệt vời. Chỉ cần sống đúng như bốn câu kệ trên đây thì cũng đã giải thoát rồi, còn gì để tu tập nữa. Phải không các bạn?
Tu tập như các bạn chúng tôi cảm nhận, dường như các bạn tu sai không đúng pháp, nếu qua bốn câu kệ trên đây thì rõ ràng là các bạn đã tu sai pháp. Các bạn nên lưu ý mà sửa lại thì mới thấy lời dạy của Phật là thực tế: “Pháp của Ta không có thời gian đến để mà thấy”.”
Bài viết trên của Phúc Bình được trích từ Những Lời Gốc Phật Dạy (tập 2).
Đúng vậy đạo hữu,vì là trích dẫn nên Phúc Bình đều để trong ngoặc kép, gọi là tìm tòi đóng góp thêm một suy luận về vấn đề chúng ta đang được trang web chia sẻ.
A Di Đà Phật. Khi trích dẫn chúng ta nên ghi rõ tên tác giả hay nguồn gốc, gọi là tôn trọng vậy.
Hình như là đạo hữu Trích dẫn nhìn lỗi Phúc Bình ạ. Mong đạo hữu hoan hỷ bỏ qua, thật sự Phúc Bình cũng không biết nguồn, chỉ là copy trên mạng thôi.
Nam Mô A Di Đà Phật
Chào liên hữu Phúc Bình,
Để tránh mọi tranh chấp về bản quyền, các bài viết tại DVCT đều có ghi kèm nơi cuối bài tựa đề gốc và tên tác giả. Trong trường hợp các bài không rõ tên người viết là ai chúng tôi cũng cẩn thận để lại đường link dẫn đến website được trích dẫn. Như vậy chúng ta vừa tránh được mọi tranh chấp có thể xảy ra sau này nếu có, vừa tỏ lòng tôn trọng tác giả hay website gốc. Phúc Bình nên đón nhận ý kiến đóng góp của đạo hữu trên vì đó không phải là nhìn thấy lỗi người.
A Di Đà Phật
Xin cho tôi hỏi: Khi ta niệm phật theo phương pháp thập niệm ký số (khi ta niệm “Nam mô a di đà phật” thì ta biết là 1, câu kế tiếp ta biết là 2). Vậy cái biết đó có phải là vọng tưởng không? Xin cám ơn.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Hương Sen,
Vậy cái biết đó có phải là vọng tưởng không?
Câu hỏi rất ý nghĩa. Thiện Nhân xin chia sẻ cùng bạn: Có mà Không; Không mà Có.
Tại sao nói Có? Nếu bạn chấp vào con số 1-10 tất cái biết của bạn là Có. Ngược lại bạn chỉ cần dụng nó (con số) để nhiếp tâm niệm Phật=Không. Có-Không trong vòng một niệm.
Tại sao nói Không? Cái „biết“ khi nhớ (đếm) từ 1-10 là cái biết thuần tịnh (chẳng vọng mảy trần). Tại sao nói thuần tịnh? Bởi tâm bạn không phân biệt, không chấp trước vào những con số đó, trái lại chỉ dùng nó như một phương tiện để nhiếp tâm niệm Phật, vì thế nó không bị xen tạp bởi những vọng cảnh khác trong tâm và ngoại tâm dấy khởi=Không. Ngược lại nếu trong lúc đếm từ 1-10 mà vọng tưởng trong tâm và ngoại tâm dấy khởi (căn đối trần sanh thức) và bạn duyên theo những vọng tưởng đó, tất những con số bạn đang đếm sẽ bị đảo lộn=Có. Nếu bạn đã thực hành theo pháp này, hẳn bạn nhận ra rõ rệt?
Các pháp của Phật dụ như thuyền bè, qua sông rồi, ta nên bỏ lại. Pháp thập niệm ký số cũng dụ như vậy. Khi tâm đã thuần nhất, niệm niệm đã nhất như, pháp ký số này cũng không cần nữa. Ngược lại thì nó vô cùng quan trọng và hữu ích.
Trong kinh niệm Phật Ba La Mật Phật dạy Diệu Nguyệt Bồ Tát và bà Vy Đề Hy về cách niệm Phật như sau: “Người niệm Phật chỉ buộc tâm vào danh hiệu Phật, chăm chú lắng nghe, mỗi câu rõ ràng, mỗi niệm phân minh, quên cả thân, quên cả cảnh, quên cả cái ý thức tự biết ta đang niệm Phật. Như thế gọi là Niệm Phật với cái tâm Lìa Bỏ“. Điều này hoàn toàn tương ưng với pháp thập niệm ký số của Tổ Ấn Quang đã dạy.
Chúng ta có thể niệm Phật với cái tâm lìa bỏ hay không? Đây là điều chúng ta cần và luôn phải suy nghĩ và quán chiếu.
Hy vọng những lời chia sẻ này có thể giải toả phần nào hoài nghi trong bạn.
Thiện Nhân
Tôi xin cám ơn Thiện Nhân đã giải đáp giùm thắc mắc của tôi.
Chúc mọi người cùng gặp nhau ở Tây Phương Cực Lạc.
Nam mô A Di Đà Phật
Mình đang có phiền não mong các vị đồng tu có thể giúp đỡ mình.
Cách đây hai năm thì mình phạm tội tà dâm rất nặng. Mình và ông anh họ đã cùng nhau lừa gạt rất nhiều cô gái để thỏa xác thịt. Từ khi tu Tịnh Độ thì mình đã bỏ hẳn nhưng ông anh mình thì không. Mình muốn khuyên anh mình nhưng vì đạo hạnh chưa đủ và cũng có thể anh mình không có duyên với phật.
Anh mình bây giờ lại đi quan hệ với vợ người khác nữa. Tội nghiệp quá nặng. Mình phải làm sao đây? Bản thân mình thì dục tình còn quá nặng. Mình đang ráng dùng lý trí kiềm chế để không đi vào con đường tà xưa nhưng sao khó quá. Không biết mình có làm được. Mình mới phát nguyện rằng sẽ cố gắng tinh tấn để vãng sanh cực lạc và sau này sẽ độ hết tất cả chúng sanh dâm dục.
Nếu còn chúng sanh dâm dục thề không thành phật. Tu mà còn nhìn thấy lỗi của ông anh vậy có đúng không?
A Di Đà Phật – Chào bạn Đức Huy:
Bạn phát lồ sám hối lỗi lầm như vậy trên DVCT thật ko có gì quý bằng, nghiệp dâm dục liền giảm nhẹ đi 1 chút. Nhưng tương lai nó có tăng lên thêm hay giảm đi thì do hiện tại tu hành của bạn có thật dụng công hay ko – bạn chưa hàng phục được dâm dục thì cũng chưa vội đi khuyên người khác vì chắc chắn là 99% sẽ thất bại – “Tự mình chưa độ mà muốn độ người thì ko có lẽ đó” – Đó là lời Phật dạy, rất chính xác.
Theo thiển ý của Tịnh Thái thì bạn có thể đối chiếu với vài điều dưới đây mỗi ngày thì sẽ biết rõ mình đã hàng phục cái tâm dâm dục mình được bao nhiêu phần rồi:
1. Ăn chay: Vì còn ăn mặn thì dục tính trong con vật nó mỗi ngày lại truyền qua mình nên dục vọng của mình nó khởi lên mạnh hơn là ăn chay. Nói như vậy ko có nghĩa người ăn chay thì ko còn dâm dục nhưng cũng là nhẹ hơn người ăn mặn.
2. Không ăn gia vị cay, nồng: Các gia vị cay nồng như hành, tỏi, ớt thường kích thích sinh lý và tăng sự ham muốn, nôn nóng, v.v…
3. Không xem phim, báo chí, Internet: Đặc biệt là xem hình hot girl, cái phim tình cảm từ nhẹ đến nặng.
4. Hạn chế đi chơi với các bạn xấu, hay vào các chỗ ăn chơi buông thả như bar, dance, massage,v.v…
5. Hạn chế đùa cợt, nói chuyện buông thả với các bạn gái, tán tỉnh, cho đến liếc nhìn người đẹp. Khi nói chuyện với người nữ tránh đụng chạm hay ở chung nơi thanh vắng.
6. Siêng tập thể dục và giữ gìn nếp sinh hoạt ăn ngủ điều độ.
7. Hạn chế cho đến dứt trừ việc thủ dâm.
8. Thường niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm: Thánh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm có thể giúp giảm trừ tâm dâm dục (trong Kinh Pháp Hoa Phật dạy như vậy).
9. Thường quán tưởng người nữ nhỏ tuổi hơn là em, cháu trong nhà, người bằng tuổi hay lớn hơn là chị, cô dì ruột, là mẹ của mình thì tâm dâm ko còn nữa, lại nghĩ thân này bất tịnh cái đẹp bên ngoài đó chẳng qua là lừa người, trong thân thì hôi thối, dơ bẩn, chẳng phải là chỗ cho ta phải để tâm, vì cái thân hôi thối đó mà tạo nghiệp địa ngục, thật ko đáng.
10. Thường nghĩ khi phạm giới dâm dục thì vĩnh viễn đọa vào địa ngục, chả có ngày ra.
Bạn mỗi ngày thật thường làm được 10 điều trên thì sau 1 năm, cái tâm tham dục 10 phần chắc cũng giảm được 6-7 phần rồi.
Đó là sự thật và được kiểm chứng trên vài vị đồng tu nam, TT cũng ko ngoại lệ.
Hi vọng với vài lời trên có thể giúp cho bạn một chút.
Còn chuyện của ông anh thì tạm thời gác qua một bên, giờ hãy tập trung chuyển đổi chính mình cho thật rốt ráo.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật!
Cư sĩ Viên Trí cho hỏi, khi mình đi công tác phải ở trong phòng khách sạn, nếu lấy ảnh A Di Đà Phật ở iPad rồi đặt tại hướng Tây rồi ngồi đối diện để niệm Phật thì có được không?
Xin cảm ơn VT!
A Di Đà Phật – Chào Xuân Kiên
Phật tại tâm, Phật tại Tây Phương, có lòng thành thì Phật ở khắp mọi nơi không nhất thiết phải là Phật tại hình tượng. Hình tượng Phật là phương tiện trợ duyên, qua đó để mình bày tỏ lòng thành kính đối với Ngài. Chính vì thế cho nên nếu bạn dùng cái ipad làm hình tượng Phật thì cũng tốt, cần nên để nơi trang nghiêm, thanh tịnh. Khi không niệm Phật nữa thì nên đóng lại.
Khi được ở trong khách sạn lớn thì cũng chớ nên sanh tâm tham chấp, luyến ái. Khi bị ở trong nhà trọ nhỏ hẹp (hay bị ngủ vỉa hè, gốc cây…) thì cũng chớ sanh tâm phiền não, giận hờn buồn tủi, đó chính là tự tại tùy duyên vậy. Bởi vì người niệm Phật là chủ yếu giử cho tâm chân thành, thanh tịnh, còn cảnh bên ngoài có thanh tịnh hay không thì phải tùy duyên, chớ nên cưởng cầu.
Đối với những người không có điều kiện thuận tiện thì “tâm bình thế giới thảy đều bình, tâm tịnh thời cõi Phật tịnh”. Giống như hai câu chuyện trong Phim Nghịch Duyên và Bán Khổ Để Vãng Sanh. Tuy là hoàn cảnh không thuận tiện nhưng chỉ cần có lòng thành thì Phật ở khắp mọi nơi.
Còn những người có điều kiện thuận tiện nhưng lại chấp vào đây mà cố tình không thờ phượng trang nghiêm thì…là chuyện khác. Bởi vì “nhất thiết duy tâm tạo”, công đức phát sanh là do tâm thành tất linh. Nếu như lòng thành kính càng nhiều thì sẽ thể hiện qua cách thờ phượng trang nghiêm. Việc này phải tự nơi tâm (tận đáy lòng) mình lưu xuất chứ không thể làm qua loa lấy có được.
Nói tóm lại hoàn cảnh và môi trường trong khách sạn là thuận cảnh hay nghịch cảnh thì VT không được rỏ nhưng cũng không phải là vấn đề đáng quan tâm mà chuyện chính là nơi tâm mình có chân thành, thanh tịnh, chí thành chí kính hay không và nhất là nếu mình y giáo phụng hành lời dạy của Phật thì chư Phật thảy đều hoan hỉ.
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật!
Xin cảm ơn VT nhiều!
Xin chào mọi người,
Em mới chỉ có cơ duyên với Phật pháp gần đây, em đang cố gắng tu tâm tu tánh để sống được hạnh phúc với chồng con, vì em đã bị đổ vỡ 2 lần rồi. Em rất nóng nảy, thường lanh lẹ hơn chồng nên chồng có cảm giác bị lấn lướt, do nóng tính nên em ko có nhường nhịn chồng…chồng la em thì ban đầu em nhịn, nhưng trong lòng lâu ngày bực quá nên tức nước vỡ bờ…nên em bị đổ vỡ. Hai năm nay em lại gặp 1 người mới, người này cũng biết lo cho gđình nhưng cũng nóng tính như anh chồng cũ, nhẹ hơn 1 chút, nhưng anh ấy lại có cái tính ưa hờn ưa giận, em mà làm cái gì đó nhỏ xíu mà anh ko hài lòng là cả ngày hôm đó mặt anh ta nặng xuống 1 đống…ko nói gì cả. Em phải dỗ dành ngọt ngào đến 3, 4 ngày mới chịu yên…mà được 2 ba hôm vui vẻ với nhay thì lại như vậy…em thấy bực tức vô cùng, nghĩ rằng chắc mình điên mất vì phải chịu đựng. em niệm Phật và cầu nguyện cho em đủ kiên nhẫn để khuyên nhủ anh ấy…vì em ko muốn bị đổ vỡ thêm lần thứ 3 nữa nên em cố gắng thay đổi bản thân mình thay vì thay đổi anh ta. Có phải em nhìn ra khuyết điểm của anh ta, em mới là người có tội hay ko? Em đang cố gắng sửa đổi bản thân…nhưng làm sao để em bớt nóng nảy?
Mong mọi người góp ý cho em.
Em xin cảm ơn mọi người.
A Di Đà Phật. Chào Luong ngoc Bich,
Bạn nên bỏ bớt đi cái Tự Ái trong lòng thì sẽ bớt nóng thôi. Cố gắng tập đừng chấp họ sai và đừng chấp cho mình đúng nữa thì cái ngã sẽ nhẹ nhàng hơn. Lấy phương pháp niệm Phật tự soi vào trong tâm mà trì niệm để kèm tiêu diệt đi cái tư tưởng bực tức tự ái trong lòng. Sống chung với gia đình mà tập giữ được tâm bình tỉnh niệm Phật lắng nghe cái vọng tưởng hàng ngày hàng phút hàng giây thì bạn hiểu nguyên nhân của sự sân hận từ đâu mà ra. Làm chủ được tâm thì ngoại cảnh sẽ không chuyển được tâm an lạc niệm Phật của bạn. Bạn thử thực tập như vậy xem có giúp bớt nóng tính hay không nhe.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật,
– Bạn đang bực tức ai đó thì nên niệm “A Di Đà Phật” hồi hướng cho người đó ngay lúc mình đang bực bội. Hơn nữa khi niệm A Di Đà Phật thì nên có 1 tấm hình A Di Đà Phật để mình chiêm ngắm trước mặt, tâm giận sẽ tan biến ngay.
– Tâm muốn được an thì ko nên nhớ lỗi lầm của người khác.
– Hãy nên ăn chay thường xuyên hơn thì tâm sẽ hiền hòa hơn.
– Hãy nên niệm A Di Đà Phật nhiều hơn thì tâm sẽ hiền hơn.
– Và hãy bao dung cho người khác hơn.
Bạn thử thực hành những điều trên một thời gian 1 tháng thôi thì sẽ thấy hiệu nghiệm.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Adidaphat.chào tịnh thái.mình cũng đang có phiền não muốn hỏi câu này.làm sao để nhìn thấy tâm mình.xin cảm ơn trước.