Chúng ta sống trong thế giới hữu vi, hữu lậu mà lại tu hành theo đạo pháp vô vi, vô tướng để xuất ra khỏi tam giới thì đúng là việc làm nghịch lưu với dòng đời; cho nên, thật là một điều vô cùng khó khăn, trắc trở. Bởi lẽ, cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày của chúng ta đều bị thế duyên chi phối, cho nên thường thuận lưu theo dòng đời ô nhiễm trần cấu, khó bề buông xả việc đời, thế sự mà gìn giữ tịnh niệm tiếp nối, để rồi niệm niệm xa dần Tự tánh vốn sẵn thanh tịnh của mình.
Người Phật tử tại gia tu đạo xuất thế của Phật là người đi ngược lưu giữa dòng đời mà không nghịch lưu ngoài dòng đời; cho nên, đòi hỏi sự giác ngộ triệt để giáo lý của nhà Phật và ý chí kiên cường dõng mãnh trước những chướng ngại của thế giới hữu vi. Phật dạy, muốn xả ly trần cấu, tịnh niệm tiếp nối thì “Giới” cần phải được thực hiện trước tiên. Hành giả tu được “Giới”, tức là xả ly trần cấu, tự nhiên gìn giữ tam nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh thì mới hòng có được tâm thanh thản an lạc; tức là tâm giải thoát. Nếu chưa xả ly trần cấu thì dù có hạ thủ công phu khổ nhọc đến đâu thì cũng chỉ là việc trồng cây trong bụi rậm mà thôi. Khi tam nghiệp thân khẩu ý được thanh tịnh thì dù ở xa Phật cũng hóa gần, nhược bằng buông lung tam nghiệp, thuận lưu theo vọng tình dục nhiễm thì dù gần Phật cũng hóa xa.
Khi chúng ta giữ giới ôm pháp Tịnh tu thì sẽ thấy tâm ta chao động rất nhiều. Đó không phải là tại pháp tu của Phật không có công hiệu mà ngược lại nó rất hiệu quả; vì khi tâm đã tịnh thì dù chỉ một ý niệm nhỏ khởi động là liền nhận thấy ngay. Ví như khi ném một hạt cát nhỏ bé vào trong mặt nước ao hồ phẳng lặng thì liền thấy rõ sự chuyển động của làn sóng nước; ngược lại, dù ném một cục đá to vào trong biển sóng lớn nhưng lại vẫn không thấy mặt biển nước bị đá làm động; ấy không phải là do đá không làm biển động, mà thật ra sóng biển đã thường động như vậy rồi nên khó hòng thấy được sư dao động do cục đá làm ra. Trạng thái nhận biết của tâm cũng giống như thế, khi tâm thanh tịnh thì dù là một sự cố nhỏ xảy ra, tâm liền nhận biết rõ ràng đến mức tinh vi; còn nếu như khi tâm loạn động thì dù biến cố to lớn đang xảy ra xung quanh mình, tâm vẫn không nhận biết được hoặc chỉ nhận biết một cách mơ hồ, sai lầm.
Pháp môn niệm Phật là thâm diệu thiền, dùng quả giác của Phật A Di Đà làm nhân tâm để chứng ngộ triệt để nguồn tâm của mình; do đó, người tu pháp Tịnh nghiệp sẽ sớm được thanh thản an lạc và mau chứng được đạo quả tối cực. Vì thế, hai vị đại sư Liên Trì, Linh Phong đều dạy: “Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn chẳng thể chẳng thành Phật”.
Điều trọng yếu của pháp môn Tịnh độ nói riêng, hay của tất cả các pháp môn khác của Phật nói chung, đều là “buông xả”. Tâm tùy thuận và bằng lòng với mọi sự, mọi vật, mọi hoàn cảnh xung quanh là tâm không còn phiền não và chướng ngại. Tâm không còn chướng ngại là tâm buông xả; tâm buông xả là tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh là tâm thiền định; tâm thiền định là tâm lắng trong; tâm lắng trong là tâm hết ô nhiễm; tâm hết ô nhiễm là tâm đoạn dục; tâm đoạn dục là tâm trí tuệ; tâm trí tuệ là tâm giải thoát; tâm giải thoát là tâm thanh thản an lạc vô sự.
Người tu Tịnh nghiệp thì trước tiên phải thường luôn niệm Phật. Niệm niệm tiếp nối nhau không hề gián đoạn là để cho vọng niệm không có chổ hở mà khởi sanh, nhờ đó mà mau tỉnh giác, và cũng nhờ sức tỉnh giác nên có thể áp dụng Giới Luật vào đời sống hằng ngày để tu hành đạo đức giải thoát. Nói cách khác, tu tỉnh giác là buông xả ác pháp chướng ngại trong tâm mình để giải thoát tâm, dứt trừ tâm ác độc, tâm đau khổ; muốn giải trừ tâm ác độc, tâm đau khổ thì chúng ta phải nhiếp thủ sáu căn, trụ tâm nơi câu Phật hiệu, tiếp nối nhau không gián đoạn.
Niệm Phật ký số là phương pháp rất thông dụng giúp hành nhân có thể chú ý từng câu niệm của mình. Nương vào mỗi niệm đếm số rõ ràng, muốn đếm số rõ ràng thì phải nhớ rõ từng niệm số, vừa đếm xong số nầy thì phải nhớ số khác tới và phải hình dung số tới… Cứ đếm mỗi niệm như vậy, không cho sai thì tự nhiên nhiếp phục vọng tưởng, dần dần sẽ diệt trừ được những vọng tưởng, tư niệm lăng xăng. Khi tâm đã thuần thục và thanh tịnh an lạc rồi thì có thể ngừng đếm số mà chỉ cần tự nhiên niệm Phật một cách thung dung tự tại. Lúc bây giờ tâm không còn bị tưởng thức lừa gạt nữa.
Hành giả thực hiện cách niệm Phật bằng đếm số, ý tứ từng câu niệm rõ ràng minh bạch thì sẽ có một sức tập trung chú ý rất mạnh vào câu Phật hiệu trong một thời gian khá dài; tâm không bị lảng xao hoặc chạy theo các đối tượng khác; do sự tập trung không xao lảng mới phát xuất được trí thông minh, nhờ đó mới hiểu Kinh, giữ Giới và hành trì Giới một cách chu đáo và tường tận, không bị phạm một lỗi nhỏ, và nhờ hàng rào Giới này mới vào được Định. Lúc bây giờ nguồn tâm mới thanh tịnh, mới an lạc, mới được vô sự mà mới có thể phát sanh Trí Huệ Bát nhã và đưa đến giải thoát ra khỏi sanh, già, bệnh, chết.
Thế nhân khổ đau chỉ là vì sống bằng ý tưởng, càng có ý tưởng nhiều thì tham sân si càng nhiều, tham sân si nhiều thì mạn nghi nhiều, nghi mạn nhiều thì đau khổ nhiều. Người tu tỉnh giác tức là người sống trở lại với Thật trí của mình và gạt bỏ tưởng thức qua một bên.
Còn nếu như cứ mãi buông lung phóng túng để cho ý tưởng của mình tự do thuận lưu theo dòng đời ô trược vô thường biến đổi mà tạo tác các nghiệp nơi thân và khẩu thì dù có khổ công niệm Phật lâu năm cũng chỉ là luống uổng công phu.
Buông xả quan trọng lắm! Muốn vãng sanh Cực Lạc, giải thoát nạn lớn sanh tử thì chẳng thể chẳng buông xả thế giới này. Cổ đức thường bảo, một sự vật nhỏ như đầu kim, ngọn cỏ của thế giới này cũng là chướng ngại vô cùng cho việc vãng sanh, nên trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật khuyên răn chúng sanh phải thường luôn: “chí xả như hư không”, “niệm đạo tự nhiên”, “tự nhiên gìn giữ chân chân tinh khiết, chí nguyện vô thượng, tịch định an lạc”.
Diệu Âm Trí Thành (Canada)
A DI ĐÀ PHẬT. Con xin các vị thiện tri thức chỉ dạy. Con hiện nay có công việc ổn định, có được một số vốn nhỏ thôi gửi ngân hàng hàng tháng lấy lãi đủ để làm phương đi lại ăn uống đạm bạc mà tu. Vì vậy con muốn nghỉ việc để chuyên tâm tu. Vậy việc con xin nghỉ làm là Phan Duyên hay Tùy Duyên, là Buông Xả hay yếu đuối mà Trốn Tránh đời vì có người nói tu trên đời mới
Người ta nói tu trong đời mới là hay chứ trốn tránh đời như vậy không tốt sau này tiền bạc đâu mà sống lúc đó có tu nổi không hay chạy đi kiếm tiền nữa. Xin chỉ dạy con A DI ĐÀ PHẬT.
Con xin được nói rõ hơn là con đi tu ở đây không phải là con đi xuất gia làm Tăng vì con ngu độn căn cơ thấp kém phước mỏng nghiệp dày không có đủ đức độ. Ý. Con đi tu ở đây là ngày ngày cùng các cô chú đồng tu cùng nhau lạy Phật niệm Phật sám hối cầu sanh Cực Lạc A DI ĐÀ PHẬT.
A Di Đà Phật
Bạn Sơn thân mến:
Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thế Tôn nói, Tỳ Kheo Pháp Tạng, tức tiền thân của A Di Đà Phật, lúc còn đang tu nhân địa, tích công lũy đức vô lượng vô biên không thể tính kể; do vì Ngài “ở chốn đô thị, thôn quê họ hàng, cùng các trân bảo, đều không chấp trước”. Ý của Phật là: Nếu chúng ta có chấp trước thì dù ở trong chốn không người cũng khó lìa bỏ được. Còn nếu như không chấp trước thì dù ở chốn đông người cũng đều có thể bố thí được hết thảy. Nói cách khác, bố thí chính là buông xả những vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tham, sân, si, mạn, nghi, ganh ghét chất chứa trong tâm của mình. Bởi nếu ta không buông xả nổi các thứ phiền não này thì không thể tiến hành tu năm độ khác: trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định (hay niệm Phật) và trí huệ. Bởi vì tất cả các “độ” này đều lấy không chấp trước làm gốc. Ðấy chính là tông chỉ của kinh Kim Cang: xa lìa bốn tướng, tu hết thảy pháp thiện lành, một cách vô tướng vô vi thì mới có thể chứng đắc quả Bồ Ðề.
Vậy, xin Bạn Sơn chớ nên hiểu lầm ý Phật mà buông xả hết công ăn việc làm của mình đang may mắn có được, mà lở một mai gặp phải các tai nạn vô thường như bệnh hoạn, nước lửa, giặc trộm, oan gia trái chủ v.v… cướp đoạt mất đi hết của cải, tiền bạc dành dụm, lại thêm không có nghề nghiệp mà phải lãnh chịu cảnh không nhà cửa, lang thang đầu đường xóa chợ, thậm chí phải đi ăn xin v.v… Vậy, lúc ấy bạn có thể tu nổi không?
Trong kinh Phạm Võng, Phật nói Bồ Tát Giới Tại Gia trong cuộc sống bình thường mà tu hành Thánh đạo thì khác chi hoa sen mọc ra từ trong đống lửa, đấy mới đáng là bậc đại trượng phu trong đời.
Chúng ta học Phật cũng nên chấp trì “Tứ Y Pháp”; đó là y pháp bất y nhân, y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh, y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức.
Người bạn của anh Sơn này nói có lý. Có an cư thì mới lạc đạo
Diệu Âm Trí Thành
Dạ con xin cám ơn cô (chú) con cũng có suy nghĩ như vậy nhưng tại con thấy đi làm tham sân si phiền não đầy mình
Dạ đúng đi làm thì tốt có tiền bạc nhưng lại đầy tham sân si, con biết phải không chấp trước khi ta đối diện đời nhưng con thấy con căn cơ thấp kém hiểu nhưng hành chưa được nên đôi khi trong công việc con quên tu quên niệm Phật vẫn tạo nghiệp tràn ngập. Mà con suy nghĩ làm nhiều tiền sau này khó mà xả bây giờ xả không được mai mốt khi lâm chung có chắc xả được không để Vãng Sanh? Lại nữa đi tu có công đức đi làm có tiền mà tạo nghiệp chính vì nghĩ vậy nên con phân vân. A DI Đà PHẬT đay là những suy nghĩ nông cạn của con xin cô ( chú ) dạy bảo thêm.
Bạn Sơn ơi!
Phật nói, nếu chúng ta có chấp trước thì dù ở trong chốn không người cũng khó lìa bỏ được. Còn nếu như không chấp trước thì dù ở chốn đông người cũng đều có thể bố thí được hết thảy nghĩa là vậy!
Bạn Sơn cố gắng ở trong chốn đông người mà không bị nổi sân si phiền não đầy mình nhé! Mọi người trong thề gian này ai ai cũng phải tu trong hoàn cảnh như vậy thôi.
Trí Thành sắp đăng bài “Ở Cõi Sa Bà Này Khó Tu Lắm”, xin bạn Sơn đón đọc.
Dạ con xin cám ơn và xin tùy hỷ công đức bố thí pháp cuả cô ( chú ). Về việc của con con sẽ suy nghĩ kỹ và cũng cần sự chỉ dạy thêm của các thiện tri thức để khai sáng cho con. A DI ĐÀ PHẬT.
Ráng niệm Phật nhé! A Di Đà Phật
Chúng ta sinh ở thời mạt pháp này vốn đã không phải kẻ thượng căn, may mắn còn chút phước báu mà biết gửi niềm tin nơi đức Phật A Di Đà mà tu tập cầu sanh cõi Tịnh độ của ngài. Chính vì căn cơ thấp kém như vậy nên các Ngài có nói: Ban đầu người tu chúng ta ai cũng phát tâm Bồ tát dũng mãnh, tu tập tinh tấn nhưng một thời gian sau dễ bị thoái lui, tụt dần, tụt dần. Cũng chính vì thế Ngài Ấn Quang Đại sư cũng hết sức vui mừng khi biết cư sĩ từ bỏ ý định xuất gia (Thư trả lời cư sĩ X – Ấn Quang Đại sư Gia Ngôn Lục) vì thời này xuất thế tu đạo rất khó.
Xét đối với trường hợp của liên hữu Sơn, bạn muốn có thời gian đi đạo tràng để tu tập chuyên nhất hơn là điều hết sức đáng tán thán. Nhưng theo ngu ý của Phúc Bình, trước hết liên hữu hãy thử xem sức tu tập của mình đến đâu. Ví như duy trì đều đặn 2 ngày cuối tuần nhập thất tu tập, trong 48 tiếng chỉ có niệm Phật không ngủ – PB được biết có cư sĩ tại gia tu tập tinh tấn như vậy đã tự tại vãng sanh. Tiếp nữa thời gian nghỉ phép trong năm thì tham gia nhập thất hết thời gian đó. Ngoài ra thời gian trong ngày liên hữu có thể liên tục tinh tấn niệm Phật không ngừng mà không sinh tâm giải đãi, thời gian cảm như luôn thiếu thì việc nghỉ làm chuyên tu là hết sức hợp lý. Chư Tổ cũng đã nói người tinh tấn chuyên tu niệm Phật chỉ 3 năm là vãng sanh tuy nhiên liên hữu cũng nên biết rằng nếu tâm lực mình không đủ, không có người hộ thất kinh nghiệm thì có thể bị ma dựa mà phát cuồng.
Chúng ta đi làm kiếm tiền, ngoài việc nuôi sống bản thân thì cũng là góp một phần cho phát triển xã hội gọi là báo ơn Tổ quốc, mua đồng quà tấm bánh, sách ấn tống cho bố mẹ gọi là báo ơn Cha mẹ, cúng dường Tam Bảo gọi là báo ơn Tam Bảo và khi thấy minh tu tập có lợi ích chuyển hóa được mọi người xung quanh, khuyên nhủ mọi người bớt sát sanh, làm thiện … gọi là báo ơn chúng sanh. Tứ trọng ân đó mà ta làm được trọn vẹn thì lo gì không vãng sanh. Ai cũng gặp chướng ngại trên đường tu, nhưng rồi khi mình niệm Phật thành tâm, không nhìn lỗi người … hóa giải được dần dần các chướng ngại đó trong công việc, trong gia đình mới thấy hết được sự nhiệm mầu của Phật Pháp.
Đôi lời chia sẻ với liên hữu.
Nam Mô A Di Đà Phật!
A DI ĐÀ PHẬT con xin chân thành cảm ơn và tán thán các cô chú.
con xin kính chào chư vi đai đức tăng ni phât tử .con đang bối rối không biết làm sao để tu hành ,con có nghe pháp của HT. Tịnh Không, con tin có thế giới Tây phương, con tin có Phât A Di Đà, nhưng con vẫn còn sợ con không được vãng sanh dù con biết Phật ́từ bi không bỏ một ai, nhưng con vẫn chưa làm được như lời Phật dạy, con vẫn còn tham ăn tham dục tham ái,vẫn còn sân giận, vẫn còn tham luyến ngũ dục lục trần. Con có tâm ngạo mạn. Con còn giãi đãi nữa. Con có chồng người Nhật không tin Phật pháp và gia đình con dù cũng tin Phật cũng hiền nhưng chẳng tu hành, hiện con đang sống tại Nhật bạn xung quanh chẳng có ai tu…
Con có một bé 15 tháng tuổi, con rất thương bé. Con có nghe pháp biết được gia đình con cái chỉ là do nhân duyên nên đời này mới gặp lại. Con biết vậy nhưng ko nhìn thấu được, không buông bỏ được …vì vây con sợ con không được vãng sanh. Vì con lúc nào cũng quên Phật, không liên tục niệm Phật được, con có nghe pháp nhiều con hiểu được nhưng chưa làm được. Nhưng con rất muốn vãng sanh, con làm sao để có thể buông xả được, làm sao để con khơi được lòng tin sâu không nghi(nghi không được vãng sanh), làm sao để niệm Phật được liên tục không quên niệm Phật, con mong có thiện tri thức chỉ dạy cho con để con sửa được những điều kê trên, để một đời này đầy đủ tín-hạnh-nguyện được sanh về Cực Lạc. Con ngàn vạn lần đội tạ ơn đức A Di Đà Phật. Con mong có thư hồi âm, con sẽ đợi. A Di Đà Phật.
Chị vui lòng đọc lại hồi đáp của Tịnh Thái ở đây nhé.
A Di Đà Phật
Hòa Thượng Tịnh Không thường nhắc nhở đại chúng phải “nhìn thấu, buông xuống”. Vậy là Ngài đã trả lời cho chúng ta rõ ràng trong 4 chữ này rồi; đó là “muốn buông xuống thì phải nhìn thấu!”.
Nhìn thấu tức là hiểu rõ. Nếu không hiểu rõ thì chẳng thể phát sanh Chánh Tín, mà Chánh tín là căn bản nhập môn (tức cánh cửa để vào đạo). Nếu chẳng hiểu mà tin thì cái tin ấy ắt hẵn là mê tín. Khi thấu hiểu giáo pháp của Phật và tin tấn tu hành tự mình thấu rõ chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh (pháp giới tính), thì tâm mình sẽ phát sanh Chân Tín, tức là niềm tin Chân thật do tự tâm mình chứng ngộ, chớ chẳng phải do nghe từ bên ngoài. Như Hoa Nghiêm nói: “Tín mãn thì thành Phật”.
Hiện nay đạo hữu theo đạo Phật là do lòng ưa thích; đấy cũng là thiện duyên đưa đạo hữu đến đạo Phật để học tập và thực hành cho đến khi đạo hữu thật sự nhận ra pháp giới tính. Khi ấy đạo hữu mới có niềm tin chân thật.
Vậy, phải dùng phương pháp gì để tu học? Nói thật ra, ổn thỏa, thích đáng nhất, an toàn nhất, mà cũng có hiệu quả nhất là giáo học; tức là đọc kinh, nghe giảng kinh và tu tập theo lời kinh Phật dạy. Chuyện này này thuộc loại tiệm tu, chắc chắn không có khuyết điểm. Còn nếu như không hiểu và không y theo kinh giáo của Phật mà tu, thì như chư cổ đức nói: “rời kinh Phật ½ bước, liền rơi vào ma đạo”. Bởi thế cho nên nhiều người tu hiện này thường bị ma dựa.
Đạo hữu tu theo lời Phật dạy thì sẽ có thành tựu hay không? Chư cổ đại đức đã nói: “Sư phụ hướng dẫn nhập môn, cá nhân phải tự tu hành”.
Kinh giáo là do Phật nói, chú giải là do Bồ Tát soạn. Phật, Bồ Tát thời thời, chốn chốn thường luôn nhắc nhở, nếu chúng ta chịu y giáo phụng hành, chắc chắn có thành tựu. Thành tựu cạn hay sâu, lớn hay nhỏ, mấu chốt chẳng do thời gian tu học lâu/ ngắn mà là do chúng ta có thể buông xuống nhiều hay ít. Nếu chúng ta chẳng thể buông xuống thì dẫu chúng ta tu học nhiều năm, nhiều kiếp, nhưng vẫn chỉ là phàm phu.
Chúng ta muốn nâng cao công phu lên một bước, thì phải xả bỏ một bước. Giống như nếu bước lên cầu thang, nếu chân ta không buông bỏ nấc thứ nhất xuống thì làm sao bước lên nấc thứ hai. Tiếp tục buông bỏ nấc thứ hai xuống thì mới có thể lên được nấc thứ ba. Nếu ta đặt một chân lên nấc trên, còn chân kia chẳng chịu buông bỏ nấc dưới, thì sẽ vĩnh viễn chẳng có cách nào lên cao được! Do vậy, dù bạn có tu hành lâu năm đi nữa, nếu bạn không chịu buông xuống thì cũng chẳng thể thăng tiến lên cao hơn nữa, dù chỉ một nấc cũng chẳng được.
Nhìn thấu 1 phần, thì sẽ có thể buông xuống 1 phần; buông xuống 1 phần thì nhìn thấu thêm 1 phần nữa, cứ thế mà thăng tiến lên cao; như người bước lên nấc thang vậy. Buông xuống trọng yếu lắm!”
Xin nhắc lại những lời chư cổ đức dạy bảo: “Sư phụ hướng dẫn nhập môn, cá nhân phải tự tu hành”, “ông tu ông chứng, bà tu bà chứng”. Sư phụ nói mà chẳng chịu hành thì sư phụ chẳng thể thành tựu. Đệ tử không nói mà thật thà nghe lời và thật làm thì đệ tử sẽ thành đạo sớm hơn sư phụ, xưa nay đều là vậy cả!
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Xin chào tất cả mọi người. Mình biết đến Phật pháp cũng gần 2 năm nhưng vẫn còn chưa thể nào sống làm sao để hòa hợp giữa đạo và đời. Là thế này nếu như nghĩ về Phật pháp thì chuyện đời mình ko muốn màng đến nói đúng là ko dám ví dụ như mình muốn xem phim hay nghe nhạc thì lại sợ mình thích rồi nhớ nghĩ về nó lại ko muốn niệm Phât. Còn khi mình cứ sống và thoải mái làm những việc của một người trẻ hay làm như facebook,xem phim,… thì khi nhớ nghĩ về Phật pháp lại có cảm giác đạo Phật như là 1 con đường vắng ít ai đi có cảm giác ảm đạm và u buồn và có cảm giác xa với thực tại và cũng có cảm giác mơ hồ mặc dù những lời đức phật nói là sự thật hiển nhiên. Mình nói ra biết là sai vì ai cũng bảo đạo Phật là an vui hạnh phúc và chứa chan đầy ánh sáng tình thương của đức Phật nhưng cái suy nghĩ về phật pháp đầy buồn tẻ và sự liên quan về sự chết đã ăn sâu vào tâm khiến mình ko cảm nhận được niềm vui khi học tập và làm theo lời của đức Phật. Mình phải làm sao để thay đổi suy nghĩ này để nhìn nhận đạo Phật một cách khác tích cực giống như mọi người nói đó là an vui hạnh phúc. Làm sao để mình có thể áp dụng lời Phật vào cuộc sống một cách tự nhiên mà ko thấy nặng nề gò bó vì khi làm mà ko nghĩ về phât pháp mình thấy ko lo sợ nhưng nghĩ đến mình lại sợ mang tội nhiều thứ dù biết thận trọng như vây là tốt nhưng khi sợ mang tội khiến mình thấy bất an kiểu như thà ko biết thì thôi biết rồi thì thấy sợ. A Di Đà Phật mình nói có nhiều điều ko đúng mong mọi thông cảm nhưng vẫn phải nói ra mong mọi người cho mình lời khuyên cũng như mọi người đã tu tập thế nào mà có thể đem lại an lạc.
A Di Đà Phật
Chào bạn Phan Thị Hạ,
Mình cũng mới phát duyên với Phật pháp còn ngắn hơn bạn, xin mạnh dạn trao đổi cùng bạn,
Bạn nói thật khó để hòa hợp giữa đạo và đời ” Ví như nếu sống như một người trẻ tuổi thì còn phải xem phim, xem facebook … và khi như vậy thì không có thời gian hay tâm trí để niệm phật hoặc lúc đó cảm nhận Phật Pháp khô khan, ảm đạm , u buồn…Đó là cảm xúc nhất thời thôi bạn. Nhiều cao tăng đã nói “Phật Pháp khó nghe” , chỉ người có tâm giác ngộ mới hiểu được , nghe đã khó rồi thì nói chi là đến tu tập,và nếu tu tập dễ thì ai cũng thành Phật dễ lắm sao ?
Tìm đến với Phật Pháp cũng phải nhờ cái duyên và cái nhân, khi đến độ chín sẽ tức khắc chân nhận ra, cho nên bạn cần nhìn lại động cơ, nhu cầu của bản thân khi muốn học Phật và tu tập.
Hơn nữa , Có câu Phật tại tâm mỗi người, học Phật , hiểu Phật yêu Phật thì chú tâm làm điều phật dạy , chứ Phật đâu có cấm chúng ta xem phim, xem facebook hay cấm chung ta ngắm nhìn một người phụ nữ đẹp đâu, nếu chúng ta xem phim lành mạnh , ngắm nhìn phụ nữ đẹp nhưng ko phát sinh tà kiến dục vong tội lỗi …
Với Phật tử tu tại gia mình có nghe thầy Thích Trúc Thái Minh giảng là Phật cũng đâu ép chúng ta ăn chay tuyệt đối, cái đó là tùy hỷ và tùy phát tâm của chúng ta cơ mà…
Theo mình bạn chưa nên vội hướng đến các phương pháp tu tập cao siêu mà trước hết bạn hãy chân nhận và trì ngũ giới vì khi trì ngũ giới bạn đã Tâm đã cảm thấy an lạc rồi !
A Di Đà Phật !