Phật răn đe chúng sanh:“Ta bảo các ông, năm ác, năm khổ, năm thiêu như thế, luân chuyển sinh nhau, nếu phạm điều này, phải trải đường ác”
Chúng sanh trong ác đạo ba độc quá nặng; thường lấy “năm ác” làm nhân, “năm khổ” làm quả. Đức Phật đã nhiều lần giảng rõ về nhân ác, quả khổ để chúng sanh biết mà kiêng sợ. Ngài lại thường luôn tận tụy chỉ bày, khuyên lơn chúng sanh phải nên đoan chánh thân tâm, đoạn ác tu thiện, chẳng nên quên lãng công phu Tịnh nghiệp, chiết phục ác nghiệp để khỏi phải hối hận về sau.
Bởi do ba độc (tham, sân, si) lừng lẫy luôn xoay vần luân chuyển, hộ trợ lẫn nhau, nên nếu không trừ ác, thì ác chẳng tuyệt, khổ quả chẳng dứt. Đời này bị đau khổ, đời sau bị thiêu đốt; điều này làm cái nhân để sanh ra điều kia cứ thế mà luân chuyển sanh nhau, không có chổ ngừng dứt. Trước hết, điều ác sanh ra nỗi đau khổ và thiêu đốt; tiếp đó, từ thiêu đốt lại sanh ra các điều ác và đau khổ khác. Cái này, cái kia lần lượt sanh ra nhau không lúc nào ngớt; giống như gà đẻ ra trứng, trứng lại nở ra gà… Ác, đau khổ và thiêu đốt lần lượt sanh lẫn nhau nên kẻ dám phạm vào ngũ ác thì ắt sẽ mãi mãi lăn lóc, trải thân trong đường ác.
Phật nêu lên tướng trạng của khổ quả để răn đe chúng sanh; ngõ hầu khiến họ dứt bỏ nhân ác, quả khổ. Quả khổ là trong hiện đời, trước phải bị lãnh chịu các thứ bệnh tật không chửa trị được, hoặc các ương họa như thủy tai, hỏa tai, hình phạt v.v…. Sầu khổ muôn mối dồn dập, chẳng thoát khỏi được; đến mức mong sống chẳng được, cầu chết cũng không nổi; cốt là để làm gương chỉ cho đại chúng đều nhận biết rành rõ là: Nhân quả chẳng dối, khổ chính cái quả do việc ác chiêu cảm, mà sanh lòng kiêng sợ. Nhưng, đấy cũng chỉ là hoa báo trong đời hiện tại mà thôi, đến lúc mạng chung, lại còn bị đọa vào ba đường ác đạo phải chịu lắm nỗi lo buồn, đau đớn thảm thiết nhất, ví như ngọn lửa địa ngục dữ dội thiêu cháy thân tâm; đó mới chính là quả báo, tức là năm sự thiêu đốt vậy!
Trong trận lửa địa ngục, oan gia lại gặp gở nhau; kẻ ác vì đau đớn quá mức nên nổi cơn sân hận, đâm ra tàn sát, đả thương lẫn nhau. Ðó chính là trong khi bị thiêu đốt lại gây thêm tội ác, kết thành đại oán cừu, oan oan tương báo, đòi nợ lẫn nhau. Từ bé xé ra to, nổi khổ quá mức kịch liệt, càng lúc càng tăng thêm phiền toái, khốc liệt, chẳng lúc nào hết. Bởi vì chúng sanh đã bị lọt vào ác đạo rồi mà vẫn còn làm ác chẳng thôi, nên khiến cho các khổ càng thêm tăng trưởng, tai họa càng thêm sâu nặng, nên lâu ngày kết thành cái khổ lớn lao quá mức.
Các nhân ác đều là do lòng tham đắm, nhiễm trước tài, sắc mà gây ra; hoặc là do tham tiền tài của cải, hoặc là do tham sắc tình nam nữ, hoặc là tham cả hai thứ ấy. Kinh Bảo Tích dạy: “Tà niệm sanh ra tham đắm, tham đắm sanh ra phiền não”.
Tham đắm là cái tâm tham đến mức kiên cố, chẳng biết chán đủ. Thế nhân có lắm nhiều thứ tham dục, nhưng tài, sắc là hai thứ tham dục lớn nhất. Con người tạo ác, cũng là do bởi tham đắm vinh hoa, tham đắm cái vui hiện tại, không chịu thi ân, đem tài vật ban bố thí cho người nghèo khổ. Chẳng thể bố thí là tướng trạng của lòng keo kiệt, chỉ biết tự cầu sướng thân, tự cầu khoái ý, tự cầu danh văn lợi dưỡng để thỏa mãn tấm lòng tham đắm của mình.
Cội gốc của cái tâm tham dục chính là “si dục”. Do ngu si nên không biết cái gì là phải quấy, cong vạy, cái gì là ngay thẳng. Người có trí huệ thì chẳng hề tham đắm! Còn những kẻ ngu si thì thường nghĩ tưởng đến dục cảnh nên bị ái dục bức bách. Bởi đó mà cứ muốn làm tổn hại người khác để mình được lợi, chỉ ham giàu sang vinh hiển, chỉ cầu khoái ý trong phút chốc, chẳng mong nhẫn nhục tu thiện, tích lũy phước báo cho mai sau. Nhưng oai thế nào còn mãi, phút chốc bị diệt mất. Đạo trời lồng lộng, tự nhiên tỏ rõ. Hễ tạo ác tất nhiên quả khổ sẽ hiễn bày rõ ra; nhân quả báo ứng chỉ là đạo lý tự nhiên.
Do tam độc tạo ra nhân ác, thì nhất định phải chịu lấy ác quả đớn đau, thiêu đốt. Kẻ tạo tội ác, tâm thường hoảng sợ chẳng lúc nào được yên ổn; nên lúc lâm chung kinh hoàng, hoảng hốt, không nơi nương dựa, một mình sống, một mình chết, không người bầu bạn, bơ vơ đi vào năm đường ác đạo; xưa nay đều là như vậy, thật là đau khổ đáng thương!
Biên soạn: Diệu Âm Trí Thành (Canada)
(Tài liệu tham khảo: Chú Giải Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác do Kim Cang thừa tam muội da giới đệ tử Hoàng Niệm Tổ.)
Tôi từng nghe một vị Pháp sư thuật lại câu chuyện thật như sau: Một hôm có người bồng em bé nằm trong nôi đi bái kiến lão Hòa thượng Quảng Khâm. Đứa bé mặt mũi khôi ngô rất dễ thương, ai nhìn cũng thích và muốn nựng em bé, chỉ có lão Hòa thượng vừa nhìn thấy liền hiện vẻ không vui (mặt trầm xuống) và nói với chúng đệ tử: “Nó lại để đòi nợ (chỉ em bé)”. Mọi người đều không hiểu. Lão Hòa thượng mới nói với những người này: “Quý vị làm ăn buôn bán gà đông lạnh phải không? Hãy xem đứa bé!”. Cha mẹ của em vừa khóc vừa gật đầu rồi vạch áo của em ra; em bé tuy có bộ mặt rất dễ thương nhưng phía dưới thân hình lại giống y hệt như thân hình của một con gà! Lão Hòa thượng không ngớt lời khuyên họ nên đổi nghề. Họ nói: “Đã tốn hết 30 triệu đồng trong việc thiết kế hệ thống đông lạnh rất khó mà đổi…”. Tôi nghĩ tiền lời được trong việc làm ăn này có lẽ cũng không đủ trả tiền thuốc men cho em bé, càng không thể bù đắp nỗi những giọt nước mắt chảy ra… (vì tôi biết rất nhiều bệnh nhân có tình trạng giống như vậy). Nhưng phần đông người ta thà chịu khổ, chịu tổn hao tài sản sau này, và còn mất thêm sự hạnh phúc cả đời người nhưng không chịu buông bỏ cái lợi trước mắt, sự thèm muốn của cái miệng và cái bụng của mình. Lão Hòa thượng là người có pháp nhãn, vừa nhìn thì đã thấy rõ nhân quả, hết lòng khuyên nhủ, nhưng có mấy ai tin và chịu làm theo?
Trích đoạn Lắng nghe tiếng hát sông Hằng – Bác sỹ Quách Huệ Trân
Nam mô A Di Đà Phật