Nhiều người bảo: Không được đâu! Tôi còn nhiều tham, sân, si lắm! Quy Y Tam Bảo làm sao được? Nếu Thọ Ngũ Giới nhỡ tôi không giữ được để tôi phải chịu thêm tội à?
Nếu đây là những lời bao biện để tìm cách lánh xa đạo, thiết nghĩ không có gì đáng phải bàn thêm. Nhưng nếu do chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa của việc Quy Y Tam Bảo và Thọ Trì Ngũ Giới, thì những lời trên cũng rất đáng để chúng ta bàn thảo.
Hãy tạm gác chuyện Quy Y Tam Bảo và Thọ Trì Ngũ Giới ý nghĩa và mục đích như thế nào? Mà chúng ta hãy cùng tìm hiểu: Tham, Sân, Si là gì? Trong Kinh Đại Thừa Kim Cang Luận Đức Phật nói: Tham, sân, si là ba độc và Bồ tát Văn Thù Sư Lợi hỏi Phật: Sao kêu là ba độc? Đức Thế Tôn nói: Ngu si tà kiến là một độc, tham lam chẳng đủ là hai độc, sân nộ tật đố là ba độc. Ba độc này còn hoài thì người ấy phải đọa trong tam đồ, một khi mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng.***
Vậy Tham là gì? Là tham lam. Gộp chung lại là những ham, muốn, ưa, yêu, thích, chuộng, say mê, tôn thờ, vui thú… một cách thái quá. Là con người ai trong chúng ta cũng có những ham muốn: nhà lầu, xe hơi, giàu sang, phú quý, tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, địa vị, chức tước, bổng lộc… tiêu xài nhiều đời không hết. Những tham muốn này giống như một dòng lũ chảy xiết mãi mãi không ngưng nghỉ. Cũng vì sự tham lam vô độ không có sự kiểm soát này đã khiến cho mọi giá trị đạo đức, tình người, nhân cách trong gia đình, xã hội bị đảo lộn và ngày càng băng hoại.
Trong đời có năm món dục lạc (còng gọi là ngũ trần dục lạc) mà con người chúng ta ham luyến nhất: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ. Năm món dục lạc này sẽ đưa chúng ta đi vào những con đường bất chính, và cũng là nhịp cầu để đưa mọi chúng sanh trôi lăn vào con đường sanh tử luân hồi không ngưng nghỉ.
Sân là gì? Hiểu giản đơn là sự nóng giận, tức tối hay còn gọi là bốc hoả trong lòng. Thông thường cơn giận thường ập tới mỗi khi chúng ta không hài lòng, hay thấy khó chịu, tức tối trước những lời nói (chê bai, chỉ trích, phê phán…), việc làm hay những động thái của người xung quanh đối với mình và đi ra ngoài ý muốn của mình. Khi cơn sân nổi lên chúng ta thường có tâm (có ý nghĩ) muốn la, hét, chửi, mắng, nhục mạ hay đập phá, đánh, giết cho thoả giận.
Si là gì? Là sự si mê, người đời thường gọi là ngu khờ hay dốt nát – chỉ cho những hành động, lời nói không có lý trí, không biết phân biệt phải-trái, trắng-đen, lợi-hại, thiện-ác… Cũng vì sự ngu tối về lý trí này đã dẫn đến những trở ngại trong mọi hành vi (hành động và lời nói) từ đó dẫn đến những hệ quả tai hại, không tốt đẹp cho chính bản thân, gia đình và xã hội.
Giờ chúng ta cùng đặt câu hỏi: Hệ quả của Tham, Sân, Si với một người không tu đạo (không Quy Y Tam Bảo, và không Trì Giới) và một người tu đạo (Quy Y Tam Bảo và Thọ Trì Ngũ Giới) có gì khác biệt? Câu trả lời: Hoàn toàn không có gì khác biệt.
Vậy Tam Bảo là gì? Thọ Trì Ngũ Giới là gì?
Tam Bảo: Bảo là quý. Tam là Ba. Nghĩa là 3 vật quý báu hay còn gọi là chân bảo. Ba vật báu là gì: đó là Phật, Pháp, Tăng.
Phật là đấng giác ngộ, người đã buông bỏ tất cả những dục lạc thế gian để tìm ra chân lý bể khổ, nguồn mê và tìm con đường giải thoát cho chúng sanh muôn loài.
Pháp là tất cả những giáo lý mà đức Phật đã vận dụng, tuỳ theo sự mê, ngộ của chúng sanh mà giáo hoá, giúp cho chúng sanh muôn loài đều được giác ngộ, tu hành và tiến tới giải thoát.
Tăng là những người xuất gia (còn gọi là Tỳ Kheo – chỉ người nam; Tỳ Kheo Ni – chỉ người nữ) – những người đã nguyện xả bỏ duyên trần, đi theo con đường của Đức Phật và nguyện dùng những giáo pháp của Phật để hoằng pháp, độ sanh.
Chính vì thế, Tam Bảo còn được gọi là những gì chân quý nhất của thế gian hay còn gọi là Nhất Thế Tam Bảo. Trong Kinh Đại Thừa Kim Cang Luận khi Ngài Văn Thù Sư Lợi hỏi Phật: Sao kêu là nhất thế Tam Bảo? Đức Phật nói: Cái tánh là Phật bảo, thường thường chẳng động; cái tâm là Pháp bảo, tỏ sáng công chánh; cái thân là Tăng bảo, trai giới trong sạch.***
Thọ Trì Ngũ Giới là gì? Ngũ là 5. Giới gọi giản đơn là luật định hay những quy chế để kiểm soát, ngăn chặn, phòng ngừa những hành vi tạo tác bất thiện của một cá nhân (Tu sĩ và cư sĩ)hay một tập thể (Tăng đoàn và đại chúng tại gia).
Năm Giới đó là:
– Không sát sanh
– Không trộm cắp
– Không tà dâm
– Không nói dối
– Không uống bia rượu và dùng những chất kích thích (thuốc phiện, heroin)
Câu hỏi được đặt ra: Người không Quy Y Tam Bảo và Không Thọ Trì Ngũ Giới (gọi tắt là Tam Quy Ngũ Giới) và người thọ Tam Quy Ngũ Giới khi tạo nghiệp – giả sử nghiệp sát sanh – có gì khác biệt?
Theo lẽ đời, mọi người sẽ nói: Chắc chắn người đã thọ Tam Quy Ngũ Giới sẽ phải chịu nghiệp nặng hơn người không thọ Tam Quy Ngũ Giới? Đây là một ý nghĩ sai lầm bởi nó chỉ dựa theo luật định, phán xét của xã hội công dân, vì thế nó không đúng với quy luật nhân-quả của đạo Phật. Nhân-Quả là gì? Hiểu giản đơn theo lẽ đời: đó là hệ quả của tất cả những hành vi mà con người là chủ thể gây ra. Nhưng với đạo Phật thì Nhân chính là những hành vi, động niệm, tạo tác (thiện-ác) của mọi chúng sanh; và Quả là kết quả của những hành vi tạo tác mà chúng sanh đó đã gây tạo. Ví như: Một kẻ giết chết một người, dẫu kẻ phạm tội là người tu đạo hay không tu đạo, cả hai đều phải nhận sự truy cứu và phạt hình từ luật pháp.
Luận cứ nhân-quả ngoài đời: hành động giết người đó chính là nhân. Và khung án phạt chính là quả. Giả sử kẻ đó bị phạt tù 20 năm, và khi kẻ giết người chịu hết khung án phạt thì cũng đồng nghĩa kẻ đó đã trả xong án giết người.
Luật Nhân-Quả trong đạo Phật không như vậy: 20 năm án tù chỉ là hình phạt cho cho hành vi sát nhân – hành vi này từ đâu? Do tham, sân, si gây nên. Do vậy dẫu người đó có ngồi hết 20 năm án tù cũng chỉ là chịu đựng hết hình phạt cho hành vi giết người, nhưng cái Nhân (tham, sân, si) vẫn còn đó và cái nghiệp giết người cũng vẫn còn nguyên, chứ kẻ đó không thể trả hết được cái nghiệp sát này (bởi người chết vốn không thể sống lại). Điều này cũng tương tự cho việc sát sanh (bắn, giết thú vật) để ăn thịt. Do vậy việc hai kẻ giết người, hay sát sanh dẫu là tu đạo hay không tu đạo cái nghiệp họ gây ra đều giống nhau chứ không có sự khác biệt, hay kẻ này nặng hơn, kẻ kia nhẹ hơn. Điều này đã được đức Phật trả lời Ngài Văn Thù Sư Lợi trong Kinh Kim Cang Đại Thừa như sau: Nếu người không giữ giới sát sanh ăn thịt thì đoạn dứt hột giống từ bi; người không giữ giới trộm cắp, của người không cho mà mình lấy là đoạn tuyệt hột giống giàu sang; người không giữ giới tà mị dâm dục là đoạn tuyệt hột giống thanh tịnh; người không giữ giới nói dối, nói thêu dệt là đoạn tuyệt hột giống thành thật; người không giữ giới say rượu mê man là đoạn tuyệt hột giống thông minh trí huệ. Cho nên không giữ năm giới là tuyệt đường nhơn thiên, còn năm giới mà giữ được thời đoạn tuyệt ba đường dữ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh); lành dữ tại mình tạo ra mình chịu lấy.***
Tới đây chắc chắn sẽ có người bảo: Nếu thế thì Quy Y và Thọ Giới cũng chẳng để làm gì. Bởi kiểu gì thì khi phạm lỗi, phạm tội, kết quả cũng đều như nhau cả. Hiểu như thế là chưa xác thực và trái với lý Nhân-Quả, bởi người thọ Tam Quy Ngũ Giới có thể tránh được (nếu trì giới nghiêm mật) và tránh đến mức tối đa 5 nghiệp bất thiện cho bản thân – điều mà người không thọ Tam Quy Ngũ Giới không thể hoặc khó có thể làm được. Và cũng nhờ đó mà đem lại 5 điều lợi lạc cho chính bản thân mình: 5 nghiệp bất thiện đó là gì?
1. Nghiệp sát sanh. Thế Tôn nói: Hết thảy trong các tội, sát sanh, ăn thịt tội nghiệp rất nặng. Cớ sao vậy? Như cắt một dao trả lại một dao, giết một mạng phải thường lại một mạng, trăm ngàn muôn đời ăn thịt lẫn nhau không dứt. Cho nên người tu muốn khỏi luân hồi trả quả thời trước hết phải học từ bi, chẳng ăn thịt chẳng sát sanh.***
2. Nghiệp trộm cắp. Thế Tôn nói: Phạm tội trộm cắp lấy của người, hoặc vốn ít lời nhiều, trong ngàn muôn đời phải trả nợ. Cớ sao vậy? Như vật của người chẳng cho mà mình lấy ngang, một đồng tiền, một bụm gạo, kiếp sau đều phải trả nợ. Cho nên người tu muốn cầu giàu sang, của tiền như ý mình thì trước phải bố thí mới đặng, hà huống trộm cắp của người.***
3. Nghiệp tà dâm. Thế Tôn nói: Phạm tội tà dâm, cái ân ái buộc ràng trong ngàn muôn đời chẳng đặng giải thoát. Cớ sao vậy? Sự dâm dục là hột giống cội gốc đường sanh tử. Cho nên người tu muốn ra khỏi sanh tử, trước phải đoạn trừ ái dục.***
4. Nghiệp nói dối. Thế Tôn nói: Phạm tội vọng ngữ, cái khẩu nghiệp nói dối trong ngàn muôn đời, cái phải cái không gạt nhau, việc không nói có, việc có nói không. Do cớ sao? Oan oan tương báo, đời đời đền trả. Cho nên người tu muốn cầu vào đạo, trước phải học thành thật, trừ bỏ việc dối trá.***
5. Nghiệp uống rượu. Thế Tôn nói: Phạm tội uống rượu, hôn mê chân tánh, trong ngàn muôn đời tâm trí tối tăm. Cớ sao vậy? Vì tửu lực làm cho người mê muội ngu si, thân thể nhơ nhớp, say sưa nghiêng ngả. Cho nên người tu muốn cầu cho tâm tánh yên tịnh, trí huệ thông minh thì phải dứt trừ cái nghiệp uống rượu.***
Năm thứ nghiệp đó rất lớn, rất nặng, như người giữ trọn đặng thì thành Thánh, bằng giữ chẳng trọn thì nhiều kiếp trầm luân đọa lạc, hễ mất thân người muôn kiếp khó trở lại đặng.***
Qua những lời dạy nói trên của đức Phật chúng ta thấy: Phật chế ra 5 Giới cho người Phật tử tại gia trong đó lấy giới Sát làm đầu, không phải vì Phật muốn gây khó dễ cho cuộc sống của người tại gia, nên chế ra những giới đó, rồi cấm đoán người Phật tử không được tái phạm; Trái lại sự chế định đó xuất phát từ tấm lòng từ bi không ngằn mé của Phật, và có tác dụng giống như một hàng rào cản nhằm bảo vệ người Phật tử đứng trước những cám dỗ, dục lạc thế gian – nhân của sanh tử luân hồi, nhờ đó hướng người Phật tử tại gia đến con đường chân thiện và giải thoát. Điều này khác hẳn với ý nghĩ của không ít người cho rằng: Tu đạo Phật lợi đâu chả thấy, chỉ thấy cấm nọ, ngăn kia, chuyện gì cũng cấm, chuyện gì cũng ngăn, chuyện gì cũng không cho làm, không được làm. Đây cũng là lý do khiến cho nhiều người lo âu, hoảng sợ mỗi khi nghĩ đến Phật, khi phải đối diện với đạo Phật và chuyện thọ Tam Quy Ngũ Giới. Bởi nhiều người nghĩ: Nhập đạo Phật là không được ăn thịt; là chuyện chăn gối vợ chồng, sanh đẻ con cái đều phải từ bỏ; rồi chuyện bia, rượu cũng bị cấm đoán luôn, như thế thì cuộc đời đâu còn ý nghĩa? Lấy ai để nối dõi tông đường? Hoặc nguyện giữ giới, nhưng nhỡ không giữ được giới thì vô tình lại tạo thêm nhiều nghiệp hơn sao?
Thực tế thì Phật không hề cấm các Phật tử ăn thịt mà Ngài khuyên chúng ta không nên ăn thịt, bởi Phật nói: Tất cả nam-tử là cha ta, tất cả nữ-nhân là mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác-sanh nơi đó. Vì lẽ ấy nên chúng-sanh trong lục-đạo đều là cha mẹ ta. Nếu giết chúng để ăn thịt, thời chính là giết cha mẹ ta, mà cũng là giết thân cũ của ta. Tất cả chất tứ-đại đều là bổn-thân bổn-thể của ta, cho nên phải thường làm việc phóng sanh và khuyên bảo người làm (Kinh Phạm Võng).
Và Ngài cũng không hề cấm hay ngăn cản chuyện chăn gối của Phật tử tại gia như nhiều người ngộ nhận và suy nghĩ, mà Ngài khuyên và chỉ cho chúng ta thấy: ái dục chính là cái nhân dẫn đến sanh tử luân hồi. Vì thế, với người tại gia, chuyện chăn gối của vợ chồng gọi là chánh dâm (tuy nói là chánh nhưng cũng thường được kiểm soát, chẳng nên dùng thân thể của vợ, chồng để hành lạc hay làm trò tiêu khiển); nhưng nếu có vợ, có chồng rồi mà chung chạ với người bên ngoài, phá vỡ hạnh phúc gia đình của người khác, khiến cho người khác phải đau khổ, phải sống trong cảnh sanh ly, tử biệt thì đó là tà dâm. Ý nghĩa của giới sát sanh và tà dâm là như vậy, chứ chẳng phải Thọ Giới rồi, biến mình, biến người thân của mình và thế giới xung quanh trở thành những kẻ tâm thần phân liệt, vô tri, vô giác. Làm gì, nói gì cũng không dám; đụng vào việc gì cũng sợ, rồi đoạn tuyệt tất cả mọi mối quan hệ trong sinh hoạt, gia đình và xã hội. Hiểu và làm như thế vô tình mọi người đã coi Phật như một ông Ác, và đạo Phật giống như một nhà giam khắc nghiệt để quản chế tất cả mọi hành vi, động niệm của con người, biến con người trở thành những giống cỏ cây khô cằn, vô cảm. Nếu đúng như thế thì Phật đâu cần hiện thân nơi cõi Ta Bà này rồi chịu muôn ngàn khổ ải, rời bỏ gác tía, lầu son, xa lìa mẹ, cha, vợ đẹp, con khôn… rồi phải bỏ ra 49 năm miệt mài thuyết giảng cả 84000 pháp môn, giúp cho người ngu, kẻ trí cùng được hưởng lợi pháp?
Để kết thúc bài viết, Huệ Tâm xin được dùng những lời dạy của đức Phật như một lời nhắn nhủ:
Nếu tu hành còn uống rượu mà muốn thành đạo, thì cũng như người uống thuốc độc mà muốn được an vui, không có thể được.
Nếu tu hành mà còn ăn thịt, muốn được thành đạo, cũng như nhận kẻ oán thù cho là con mình, muốn được thân yêu không có thể được.
Nếu tu hành phạm tội trộm cắp, muốn đặng thành đạo, cũng như lấy cái lu thủng đựng nước, muốn nước đầy mãi không có thể được.
Nếu tu hành còn phạm dâm dục, muốn cầu thành đạo thì như nấu cát đá muốn cho thành cơm, không có thể được.
Nếu tu hành chẳng dứt bỏ nói dối, lấy cái dối làm thiệt, muốn cho thành đạo cũng như người thường dân xưng là vị quốc vương, muốn cầu giàu sang không có thể được.
Nếu tu hành mà tâm thường hay giận hờn, tánh thường hay tranh hơn thua, thiếu lòng từ bi bình đẳng mà muốn thành đạo, cũng như mình đi chiếc ghe lủng, muốn qua biển lớn thì phải bị chìm, tại nơi người muốn nên phải bị đọa, chẳng phải đức Phật chẳng cứu.
Nếu như muốn đoạt kết quả tốt đẹp của đạo Bồ đề thì phải giữ gìn trai giới của đức Như lai cho được thanh tịnh, thà là bỏ thân mạng, nhứt định không hủy phạm; đức Phật nhìn nhận người này chắc được thành Phật.***
Đạo Phật dạy chúng ta đoạn tất cả những việc ác, hành tất cả những việc thiện. Năm Giới mà người Phật tử tại gia nguyện thọ trì (nguyện giữ) chính là động lực để nhắc nhở chúng ta hai việc cốt yếu đó.
Tới đây các bạn đã có thể tự hiểu, tự chọn, tự quyết định cho mình: nên hay không nên Thọ Trì Tam Quy Ngũ Giới?
24.07.2014 – Huệ Tâm
Ghi chú: ***Trích từ Kinh Đại Thừa Kim Cang Luận
A Di Đà Phật! Con tên là Nguyễn Thị Nết, hiện con đang là giáo viên, con xin hỏi quý Thầy, con muốn quy y Tam Bảo nhưng công việc của con chưa thể từ bỏ hoàn toàn việc đi giao lưu, ăn uống, vì vậy, con sợ chưa dám quy y. Nếu con quy y mà hi hữu vẫn buộc phải uống rượu, bia (tất nhiên uống tí thôi chứ không phải uống say) thì có sao không ạ? Con mới chỉ thực hiện được việc ăn chay 3 ngày/tháng: ngày 30, 1 và 15. Mỗi ngày con đều niệm danh hiệu Phật hết một tràng hạt 108 biến nhưng con lại không có bàn thờ Phật mà chỉ ngồi trước bàn thờ gia tiên tại gia thì có được không? Và có nhất thiết phải thắp nhang xong mới niệm Phật không ạ? Con muốn quý Thầy chỉ bảo cho con để con đang trong quá trình tu tập được tinh tấn. Nam mô A Di Đà Phật!
A Di Đà Phật!
Chư cổ đức thường nói: “Nếu chẳng Ác, chẳng đọa Sa Bà”. Chúng ta đều là người của cõi Sa Bà nên ắt hẵn là đã từng tạo nhiều ác nghiệp. Nếu không quy y Tam Bảo, gìn giữ ngủ giới, lấy đó làm bước căn bản đầu tiên để đoạn ác, tu thiện thì làm sao có chuyện vãng sanh Cực Lạc, một đời thành Phật.
DATT thấy trên mạng Cư Sĩ Thiện Nhân vừa mới đăng bài viết “Người Tham-Sân-Si Không Thể Quy Y Tam Bảo Và Thọ Trì Ngũ Giới?”, http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2014/07/nguoi-tham-san-si-khong-the-quy-y-va-tho-tri-ngu-gioi/, thật là câu trả lời rất hay cho liên hữu.
DATT cũng đã có đăng bài viết Trược Thế Âc Khổ, http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2014/07/truoc-the-ac-kho/
Liên Hữu nên đọc cả hài bài viết này để tự mình suy nghĩ xem mình đã, đang hoặc sẽ tạo ra những tội ác gì? Nếu không kịp thời quy Tam Bảo, giữ gìn Ngủ Giới thì tam ác đạo là chốn trở về, chớ mong chi chuyện vãng sanh Cực Lạc.
Nếu Liên Hữu muốn vãng sanh Cực Lạc mà lại không muốn quy mạng lễ cùng với Tam bảo, và cũng chưa có quyết định buông xả ngũ dục lục trần, giữ gìn cho thân tâm khiết tịnh thì nguyện này vốn không phải là từ nơi chân tâm, nó chỉ là nhất thời nguyện suông. Vì nguyện này không từ chí thành tâm, không từ thâm tín tâm, cũng chẳng từ hồi hướng phát nguyện tâm nên một ngày nào đó nó cũng theo cái tâm vô thường của mình mà biến mất, chẳng thể duy trì mãi cho đến lúc lâm chung, thì làm sao có chuyện được vãng sanh?
Bàn thờ Phật là phương tiện để liên hữu nhìn mà quán tưởng đến Phật. Nếu nhà cửa nhỏ hẹp, không có chổ lập bàn thờ Phật, thì DATT khuyên liên hữu it nhất phải nên có 1 tấm hình hoặc tượng hình của Phật A Di Đà đặt nơi sạch sẽ, đẹp đẻ nhất trong nhà để thường được ngắm nhìn thấy Phật, thường nhớ Phật và thường niệm Phật … Đây cũng là cách tu quán tưởng Phật.
Đối với ý riêng của DATT thắp nhang không cần thiết. Nhất là nếu nhà cửa nhỏ hẹp, thoáng khí, hít mùi hương khói độc, lâu ngày sẽ sanh bệnh. Nên biết 5 thứ hương thơm mà đức Phật muốn chúng ta thắp cúng dường cho Ngài là: Giới Hương, Định Hương, Huệ Hương, Giải Thoát & Giải Thoát Tri Kiến Hương.
Chúc Liên Hữu Hồng Nết luôn hoan hỷ trên bước đường tìm đến đạo pháp của Như Lai.
A Di Đà Phật – Xin mạn phép trả lời câu hỏi của Chị:
1. Nếu con quy y mà hi hữu vẫn buộc phải uống rượu, bia (tất nhiên uống tí thôi chứ không phải uống say) thì có sao không ạ?
Không sao cả, vì giới cấm uống rượu là giới ngăn ngừa, vì Phật biết con người uống say vào thì sanh đủ thứ tồi tệ, tạo đủ thứ nghiệp ác. Cho nên nếu Chị vì công việc thi thoảng vẫn phải xã giao uống vài ly bia thì ko sao, miễn là Chị đừng để say, và giữ thân khẩu ý đoan chính khi tham dự bàn tiệc.
2. Mỗi ngày con đều niệm danh hiệu Phật hết một tràng hạt 108 biến nhưng con lại không có bàn thờ Phật mà chỉ ngồi trước bàn thờ gia tiên tại gia thì có được không? Được chứ! Chị có tâm niệm Phật thì tốt rồi, niệm Phật cần nhất tâm chí thành, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Cực Lạc, chứ ko chú trọng về hình thức, về hình thức thì tùy hoàn cảnh mà mình tự sắp xếp, như Chị thì ngồi trước bàn thờ gia tiên là được, thắp nhang hay không thắp nhang cũng chẳng ảnh hưởng gì, chỉ cần Chị có tâm thành kính niệm Phật, quần áo trang nghiêm, sạch sẽ, gọn gàng, khi niệm thì để hết tâm trí vào câu Phật hiệu là được.
Chị có thể tham khảo các bài sau thì sẽ rõ hơn về thời khóa niệm Phật tại nhà:
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2011/09/qua-ban-ron-khong-co-thoi-gian-niem-phat/
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2010/07/cai-dung-cua-thoi-khoa-niem-phat/
Nếu đủ duyên, Chị cũng có thể lên Chùa thỉnh một bức hình của Phật A Di Đà và treo phía trên hoặc ở phía trên cao tay phải/trái của bàn thờ gia tiên để thường chiêm ngưỡng, lễ bái, vậy thì lại càng hay.
Nếu Chị có gì chưa rõ, cần hỏi thêm thì cứ mạnh dạn hỏi nhé. Các huynh đệ đồng tu đều sẵn lòng trả lời giúp cho Chị.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Theo tịnh minh nghĩ thọ trì Tam quy và thọ ngũ giới có quan hệ mật thiết nhau nhưng trên sự mà nói thì có nhiều điểm cần chú ý. Thọ trì Tam quy giành cho người sơ phát tâm nhưng thật ra Tam quy cũng bao trùm hết Phật pháp; ngũ giới là bước tiếp theo của ng học Phật, Tịnh Minh nhớ đọc Tổ sư có dạy Thọ giới không phải chuyện dễ nên người muốn thọ giới trước hết phải giữ được giới 1-2 năm rồi mới tham gia khoá lễ thọ giới. Vì giới đây là giới cấm, ta tự nguyện đi thọ giới nên phải thực hiện cho tốt, không giữ đc phải xả giới ngay, không phải chuyện thích thì đi thọ giới trọn chẳng phát tâm giữ giơi sẽ mắc lỗi khinh nhờn phật pháp, thọ đc phước đức vô lượng nhưng phạm thì tội cũng vô lượng nên ng đã thọ thì kiên cố giữ giữ giới.
Cho nên Đại sư Ngẫu Ích chỉ dám nhận là ưu bà tắc sadi giới Ngài không dám nhận là Tỳ kheo vì cho rằng mình không thọ nhận nổi, đệ tử của Ngài chỉ nhận là ưu bà tắc thọ ngũ giới Đại sư Ngẫu Ích được Đại sư Ấn Quang tán thán là Cổ Phật thị hiện không là A di đà Phật thì Ngài phải là Quán Âm Bồ Tát.
Thế đạo bây giờ nhiều người vội vã đi thọ giới mà không thật giữ thậtđáng tiếc, kính mong mọi ng y theo lời Phật dạy dù cho chưa đủ duyên thọ giới cũng quyết tâm giữ giới cao nhất vì đây là nhân lànhcho chính ta chứ không phải cho Phật cũng không phải cho ng khác. Nhân lành ắt gắt quả lành nhân ác tránh sao đc tai ương
Nam mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Vâng, người muốn tu theo Phật trước tiên phải thọ giới.
Tại gia thì thọ Ngũ giới, xuất gia thì thọ Thập giới hoặc hai trăm năm mươi giới của Tỳ kheo Tăng, hoặc Bồ Tát giới. Giới giống như con bè đưa mình qua sông sanh tử, nên giữ giới được tròn đầy thì phiền não mau quét sạch, hứa hẹn đời sau sẽ được giải thoát.
Cho nên đã lãnh thọ giới Phật thì phải ráng gìn giữ cho tròn. Phật dạy: Sở dĩ chư Phật ba đời được thành đạo không vượt ngoài Giới.
Vì giới mà không thể gìn giữ thì làm sao giác ngộ được mà đòi qua đến bờ kia?
DA Quảng Hồng
A Di Đà Phật
Căn cơ chúng sanh vốn có sâu cạn. Tâm vốn mê ngộ chẳng đồng. Chính vì thế chẳng nên lấy pháp dạy cho hàng thượng căn để chỉ cho người hạ căn; cũng chẳng nên lấy pháp dạy người hạ căn để chỉ cho người thượng trí. Làm thế vừa chẳng đúng pháp, mà cả hai đều chẳng lợi lạc.
Phật pháp tuỳ duyên nhưng chẳng bất biến là chỗ đó và cũng chính là tuỳ cơ nói pháp.
Phật chế 5 Giới cho hàng tại gia là để ngăn ngừa và khuyến tấn, chẳng phải Phật cấm hàng tại gia tuyệt đối không được làm chuyện đó. Do đó nếu cho là Cấm Giới tất chẳng ai dám lại gần và chúng ta đã khiến cho mọi người sanh tâm hoảng loạn, cũng từ đó mà làm thui chột chủng tử Phật trong họ.
Chư Tổ nói: Thọ Tam Quy Ngũ Giới là việc quan trọng nhất của đời người. Người chưa thọ Tam Quy Ngũ Giới mà có thể tự thọ giới từ 1-2 năm – người ấy ắt chẳng phải người thường. Chúng ta chớ nên lầm lẫn lấy những gương đó để áp dụng cho hàng phàm căn. Người thời nay mọi hành vi, động niệm đều là tham, danh, lợi, dưỡng làm trọng. Ngay một lúc bảo họ phải từ bỏ tất thảy những thứ đó còn khó hơn lên trời. Vì thế đừng lấy Giới ra để khuyến dụ họ, mà hãy tìm mọi cách từng bước, từng bước giúp họ thấy được ý nghĩa và ích lạc của việc Tam Quy và Thọ Giới. Người đã thọ Tam Quy Ngũ Giới dẫu họ chẳng giữ đặng 5 giới cũng chưa phải đã hoàn toàn là tai hoạ; hoặc trong năm chỉ giữ được một giới cũng vẫn là điều đáng tán thán. Tại sao? Bởi so với người chẳng thọ Tam Quy Ngũ Giới họ vẫn còn có một chút lợi lạc, và cơ hội để sửa lỗi vẫn còn ở phía trước. Chẳng qua chúng ta chỉ có nhãn quang và trực giác của kẻ phàm, vì thế luôn có sự rạch ròi (phân biệt) về tội-phước. Thực tế pháp của Phật luôn dạy: Tội-phước vốn đồng một thể, chỉ vì mê-ngộ không đồng nên có tội, có phước, có mê, có giác. Một niệm mê thì phước thành tội; một niệm giác từ tội đã thành phước. Mê-Ngộ, Tội-Phước vốn trong một sát na. Tổ Huệ Năng cũng dạy: Phàm phu tức Phật! Một niệm mê tức phàm phu; một niệm trí tức Phật. Phật-Phàm cách nhau cũng trong một niệm.
Tự Độ khẩn ngưỡng mong chư vị đồng tu, chư Thiện Tri Thức thật sáng suốt khi khai ngộ chuyện Tam Quy Ngũ Giới, đặc biệt là cho những đạo hữu mới phát tâm học Phật. Được thế lợi lạc vốn chẳng thể nghĩ bàn.
A Di Đà Phật
Chào bạn Tự Độ,
Tội phước vốn đồng một thể.
Thưa bạn, vẫn biết tâm tướng chúng sanh không có cấu, nên tánh tội nó không tướng. Vẫn biết các pháp không có đối đãi đều là vọng kiến như mộng, như dương điện, như mặt trăng trong nước, như bóng trong gương, chỉ do vọng tưởng sanh. Người nếu hiểu được như thế thời gọi là người khéo giữ giới luật. Nhưng cái lý ‘tội phước’ này chỉ dành cho những kẻ đã minh tâm kiến tánh, hiểu rõ các pháp như huyễn mộng, thấy ý tưởng sanh tử đã diệt, bản thể của phàm hay thánh đều không. Khi trở về Tự Tánh, nhiễm tịnh đều bặt, tâm thanh tịnh, tìm ra không có; nếu tâm không thật có, cuối cùng thì trở về lặng lẽ như như. Tâm đã như như thì các tội cũng như như, chính vậy mà ngay đó tội sẽ thanh tịnh.
Còn chúng ta, khổ từ do đâu mà ra? Phật nói tất cả khổ là từ mê mà ra. Chỉ vì mê nên Tự Tánh biến thành A Lại Da. A Lại Da mê làm kiến văn giác tri biến thành Thọ, Tưởng, Hành, Thức, sanh Trí phân biệt. Một khi đã tạo thành nghiệp tội lỗi, thì kết quả sẽ phải theo nghiệp mà thọ tội lỗi. Hòa Thượng Tịnh Không nói, điều kiện muốn được trở lại làm người hay sanh thiên thì phải đoạn ác tu thiện; chí ít phải đạt được 80 – 90 phần ngũ giới, thập thiện mới mong đời sau có thể giữ được thân người.
Chính vì thế, cái lý ‘tánh tội vốn là không’ chẳng thể vì kẻ sơ cơ tâm hạ phàm mà có thể nói!
Kính,
Diệu Âm Quảng Hồng
A Di Đà Phật,
Về vấn đề Thọ Trì Tam Quy Ngũ Giới thì Tịnh Thái xin mạn phép chia sẻ lại lời dạy của HT. Tịnh Không như sau:
“…Nếu như mức độ tổn hại không lớn, chúng ta vẫn phải nói lời thành thật. Nếu tổn hại trọng đại từ chính mình dẫn đến cho xã hội, dẫn đến quần chúng, vậy thì có thể không nói thật. Điều này ở trong vọng ngữ gọi là “khai duyên”. Giới điều này là khai giới, không phải phá giới, không những không có tội lỗi, mà vẫn có công đức. Việc này trong kinh Phật, Thế Tôn có nêu ra thí dụ để nói. Một người thọ trì ngũ giới thập thiện, gặp một người đi săn ở ngã ba đường. Người đi săn này đuổi theo một con thỏ, muốn giết con thỏ này. Người trì giới này thấy con thỏ chạy về hướng con đường kia.
– Người đi săn hỏi người trì giới: “Anh có nhìn thấy con thỏ không?”
– Người trì giới: “Tôi nhìn thấy”.
– Người đi săn:“Nó chạy về hướng nào?”
– Người trì giới: “Từ con đường bên đây”.
Ông ta chỉ sai phương hướng, đây là vọng ngữ. Việc vọng ngữ này cứu được mạng con thỏ, đây là tâm thiện. Ông lại cứu được người đi săn (người đi săn này sát sanh, tương lai phải chịu quả báo). Ông cứu được cả hai bên. Cho nên, đây gọi là khai duyên, việc này không gọi là phá giới. Chúng ta tu học ngũ giới thập thiện, đây là căn bản, nhất định phải hiểu được khai, giá, trì, phạm. Ở trong tình huống nào phải dùng phương pháp gì là linh hoạt, linh động hoạt bát, không phải khô cứng.
Lại nói về giới trộm cắp, thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ (về sau là tổ sư đời thứ sáu của Tịnh Độ tông chúng ta), trước khi chưa xuất gia, Ngài làm một quan chức nhỏ, là một viên chức ở phòng thuế vụ. Thường ngày ông thu tiền, đó là tiền thuế của quốc gia, là công khoản của quốc khố. Ông thường hay lấy trộm tiền này để phóng sanh. Về sau bị người phát hiện, đem việc này báo lên quan. Quan trên hỏi ông: “Ngươi có lấy trộm hay không?”. Ông rất thành khẩn thú nhận là có lấy trộm. Trộm bao nhiêu tiền, ông thảy đều nói ra hết. Ông bị hình phạt là tử hình. Ông tuyệt nhiên không né tránh, bằng lòng tiếp nhận hình phạt này. Đây là một người thành thật, chắc chắn không có một câu vọng ngữ. Hoàng đế lúc đó gặp được án kiện như vậy, cảm thấy rất kỳ lạ, nhưng vẫn phải chiếu theo pháp luật phân xử, dẫn ông đến hình trường để chặt đầu. Hoàng đế dặn dò quan giám trảm: “Khi chuẩn bị giết ông ấy, nếu thấy thái độ của ông ấy rất thung dung, không hề lo sợ, không hề kinh khiếp, thì khanh hãy mang ông ấy đến gặp ta. Nếu như thấy ông ấy rất lo sợ, rất khủng khiếp, thì cứ giết đi cho xong”. Kết quả, khi Vĩnh Minh Diên Thọ đại sư được dẫn đến pháp trường, thái độ ông rất ung dung, rất hoan hỉ. Quan giám trảm hỏi Ngài: “Tại vì sao ông có thái độ như vậy?”. Ngài nói: “Một mạng của tôi mà có thể cứu được ngàn vạn sinh mạng thì thật là xứng đáng”. Quan giám trảm đem câu nói này trình lên hoàng đế. Hoàng đế triệu kiến, sau đó hỏi chí nguyện của Ngài. Ngài nói, Ngài muốn đi xuất gia. Hoàng đế thành tựu chí nguyện xuất gia của Ngài, làm hộ pháp cho Ngài.
Ngài phạm giới trộm cắp không phải là vì chính mình, mà vì cứu giúp tất cả chúng sanh. Ngài chuẩn bị sinh mạng của chính mình để hoán đổi sinh mạng của những chúng sanh này. Tâm của Ngài phát ra là Tâm Bồ Đề. Nếu như trộm cắp là vì lợi ích chính mình thì đây là đại tội. Vĩnh Minh Diên Thọ làm việc này là thuộc về khai duyên, là vì cứu tất cả chúng sanh. Cho nên, bạn tỉ mỉ mà quán sát, giới điều của nhà Phật là hợp tình, hợp lý, hợp pháp, mọi mặt đều chiếu cố, rất là hoàn thiện…”
(Trích từ Đĩa Giảng: Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh tập 72: http://www.tinhkhongphapngu.net/index.php?option=com_content&view=article&id=398:pht-thuyt-thp-thin-nghip-o-kinh-tp-72&catid=46:thap-thien-nghiep-dao-kinh&Itemid=37).
Do đó, ở trên Tịnh Thái có nói cô ấy nếu đi tiếp khách có thể uống vài ly bia, gọi là hòa đồng cùng đại chúng, nhưng đừng để say là được, lời nói cử chỉ khi tham dự cần đoan chính là được. Đây là khai duyên, đúng như tinh thần của Phật pháp Đại Thừa và lời HT. Tịnh Không đã dạy. Giới chính là Hợp Tình – Hợp Lý – Hợp Pháp. HT. Tịnh Không cũng giảng đĩa này hay lắm, các huynh đệ đồng tu nên xem qua :):
http://www.tinhkhongphapngu.net/index.php?option=com_content&view=article&id=375:gioi-la-hiop-tinh-hop-ly&catid=25:phap-ngu-tinh-khong&Itemid=2
A Di Đà Phật.
A di đà phật!
Thọ giới thật không dễ, không phải trên hình thức mà chính tâm mình có phản tỉnh không, có giác ngộ không, nếu ta giác ngộ thì khi ta thọ giới sẽ rất lợi lạc nếu không sẽ khó vượt đc cửa sinh tử này, bạn giữ giới không đi ăn thịt, uống rượu với chúng bạn, không giao lưu … Mọi ng sẽ nói bạn không hay rồi rất nhiều điều tiếng vì bạn chẳng giống ai, nên đa số là thối tâm. Phật dạy đời này ngũ trược ác thế có nghĩa cái ác là hiển nhiên là thiện còn thiện là ác, bạn không có tâm kiên cố bạn chắc chắn phá giới vì duyên ác quá mạnh.
Chú Tịnh Thái có nói khai duyên, tuỳ duyên điều này rất đúng nhưng không phải ng mới phát tâm, người này phải tu học lâu rồi có định rồi các bạn à nên họ không bị nhiễm, phàm phu chúng ta chưa có tu mà làm theo ắt bị ác duyên nó nhấn chìm luôn.
Thế nên Đại Sư Ấn Quang mới nói đừng thấy Tế Công ăn thịt, uống rượu mà bắt chước theo…
Hoà thượng Thích Thiền Tâm cũng nói thà ta chấp chết vào sự bỏ lý còn hơn người chấp lý bỏ sự
Giới là hợp tình hợp lý Hoà thượng Tịnh Không đã dạy là với người thật sự giác ngộ chúng ta nếu còn tâm ham vui rồi nói bậy là tội khai duyên thì gay lắm.
Đường đời như mộng cho dù mọi ng gọi mình là kẻ ntn thì mình vẫn an lạc trong chánh pháp.
Tuy nhiên không phải là giới chết mà nó sống động như các câu chuyện chú Tịnh Thái kể để thuận trong giữ giới chỉ cần thuận theo đúng câu của Tổ dạy ” lợi người là thiện lợi mình là ác” làm con đường của mình đi thì sẽ thấy đ c lơin lạc của giới đạo.
A di đà phật
Quy y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới là bước đầu của người học Phật. Tuy nhiên bảo người hết tham sân si mới quy y thì rất khó, vì người hết tham sân si cũng là người tu đạt quả vị Thánh A Na Hàm hay Bồ tát địa thứ ba. Để cụ thể hơn Phúc Bình xin chia sẻ bài viết của tác giả Khải Thiên sách Buddhism như sau: Phật giáo nguyên thuỷ gồm 4 quả vị thanh văn Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A La hán. Đại thừa bao gồm 10 địa: Hoan hỉ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa, Diệm huệ địa, Cực nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện huệ địa và Pháp vân địa – thành tựu Phật trí, tự tại, giải thoát. Theo đo đạt quả vị Thánh A Na Hàm tương ưng Bồ tát Phát quang địa mới đoạn trừ hoàn toàn tham, sân, si, dứt hết dục lậu và một phần hữu lậu và vô minh lậu. Nam Mô A Di Đà Phật!
Xin chào chú Phúc Bình!
Trước đây Phương có hỏi về việc cứ đọc trang nhà là người lại nổi gai ốc, trở qua xem trang khác thì lại hết. Lúc đó chú Phúc Bình có chỉ dẫn là do Phương còn có tâm ma. Sau đó Phương cố gắng tinh tấn niệm Phật, cầu mong sửa đổi. Thật là kỳ diệu, giờ đây mỗi khi vào trang nhà Phương không còn bị nổi gai ốc như trước (lúc trước vào chùa cũng bị như vậy). Có đôi điều chia sẻ cùng chú Phúc Bình. Chúc chú nhiều sức khỏe!
Tôi xin chuyển quý Phật tử nội dung một câu hỏi mà tôi thấy hay trên internet như sau :
“Mối liên hệ giữa luật Nhân – Quả (thường là xấu xa, tội lỗi) với việc không hiểu gì về Tứ diệu đế của nhà Phật do gây nghiệp xấu có đúng không bạn ??
Ái dục sinh tam độc “Tham, sân, si” qua lục căn (6 giác quan) của con người. Tam độc sinh “Bát khổ” do tương quan qua lại, hỗ trợ nhau giữa lục căn và lòng Ái dục. Ái dục có ba loại ái như sau :
Có nhiều cách phân loại Ái:
1. .Dục ái (zh. 欲愛, sa. kāmatṛṣṇā), ham mê xác thịt.
2. Hữu ái (zh. 有愛, sa. bhavatṛṣṇā), ham muốn tồn tại.
3. Phi hữu ái (zh. 非有愛, sa. vibhavatṛṣṇā), hoặc Đoạn ái, là lòng ham muốn tiêu diệt.
Ba loại ái này là nội dung của chân lí thứ hai (tập đế) trong Tứ diệu đế.
Tóm lại là “Ái dục” sinh “Bát khổ” do gieo nhân quả thường là xấu bởi hình thành tam độc “Tham, sân, si” trong con người chúng ta. Vì chịu cảnh “Bát khổ” do Nhân – Quả xấu bởi lòng “Ái dục” nên là cái gốc của luân hồi đúng như nội dung thứ hai (tập đế) của Tứ diệu đế đã nêu. Đã luân hồi sinh tử vĩnh cửu do còn tham “Ái dục” thì không có chuyện đắc đạo thành Phật mà chấm dứt luân hồi sinh tử vĩnh cửu để hiểu được đạo đế, tiến đến về mục đích đạo đế (đắc đạo thành Phật).
Thế nên gây nghiệp xấu do lòng tham “Ái dục” thì không hiểu gì về “khổ đế” và “tập đế” trong Tứ diệu đế của Nhà Phật mà không theo lời dạy của đức Phật là : “Đời là bể khổ, tình là dây oan” mà cứ kêu rằng : “Trời ơi, sao tôi khổ thế này !!” một cách vô vọng trôi sâu vào sáu nẻo luân hồi.
Mối liên hệ giữa luật Nhân – Quả (thường là xấu xa, tội lỗi) với việc không hiểu gì về Tứ diệu đế của nhà Phật do gây nghiệp xấu có đúng không bạn ??
Bạn nào biết xin chỉ giúp ??
Xin cảm ơn !!
Ghi chú :
1- Tứ diệu đế của nhà Phật :
http://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%A9_di%E1%BB%87u_%C4%91%E1%BA%BF
2- Lòng tham “Ái dục” :
http://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%81i_(Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o)
3- Bát khổ của nhà Phật :
http://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%E1%BB%95_(Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o)
4- Luc căn (6 giác quan) của con người :
http://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C5%A9_u%E1%BA%A9n
Vậy ý kiến của quý Phật tử về nội dung vấn đề này như thế nào ạ ? Xin cảm ơn.
A Di Đà Phật
DAQH xin chào cô Hương Dung,
Trong kinh Vô Lượng Thọ dạy: “Con người vì ái dục nên phải sống chết qua lại sáu nẻo, tự chịu khổ vui, không ai thay thế được.”
Thế nhân có câu: Ái chẳng nặng chẳng đọa Sa Bà! Ái dục là tình ái, là tham dục, ái dục là cội gốc của sanh tử, chỉ vì ham muốn ái dục mà con người bị trói buộc nơi sự chấp ngã của chính mình mà bị gió nghiệp cuốn trôi, chìm đắm mãi trong biển khổ sông mê không có ngày ngừng dứt, để rồi cứ phải chết đây sanh kia, lưu chuyển vô cùng.
DAQH đọc đến câu, sanh thì trơ trọi một thân đi đến, chết thời riêng một mình ta ra đi, chẳng có ai theo, không ai thay được, mà lạnh cả toàn thân.
Cho nên có thể nói, chúng ta là người có phước báu rất lớn bởi chúng ta có học pháp Phật. Bởi nếu bị mờ mịt không hiểu gì về bản chất của thiện ác, đó là cái khổ to lớn nhất. Vì sao?
Vì cái khổ nơi địa ngục, cũng chưa phải là khổ. Cái khổ ở ngạ quỷ đói khát lang thang, cũng chưa phải là khổ. Cái khổ ở súc sanh, làm trâu cày ngựa kéo, cũng chưa phải là khổ.
Si mê không biết Phật pháp, không biết lối đi, đó mới thật sự là cái khổ. Cớ vì sao? Vì những cái khổ kia, còn có ngày ra khỏi, còn khổ si mê kia không biết bao giờ mới được giải thoát? Không biết Phật pháp, bị chìm sâu trong sanh tử, loanh quanh lẩn quẩn, mê không cùng tận, phải chịu muôn kiếp lưu đày.
Riêng về Tứ Ðế, đó là giáo lý vô cùng căn bản của đạo Phật, không chỉ riêng đối với Tiểu Thừa mà còn cho cả Ðại Thừa nữa. Người tu hành muốn có kết quả vững vàng bước đầu tiên nên học Tứ Ðế.
HT Thiện Hoa giảng, chữ “Ðế” còn có nghĩa là một Sự Thật lớn nhất, cao nhất, bao trùm tất cả các Sự Thật khác, và muôn đời bất di bất dịch, chứ không phải là sự thật hạn cuộc trong không gian và thời gian.
Trong giáo pháp Tứ Ðế gồm có 4 phần:
– Trước hết Phật Thế Tôn chỉ cho chúng sanh thấy sanh già bệnh chết là bể khổ của trần gian.
– Kế đó Ngài chỉ cho thấy cái tập nhân gây ra khổ đau chính là tham sân si… vô minh phiền não, Ngài chỉ rõ ra nguyên nhân của chứng bệnh, và lý do vì sao có bệnh.
– Tiếp theo Ngài mở bày ra cảnh giới an vui sau khi đã diệt hết vô minh phiền não, Ngài chỉ bày cách diệt trừ được những nỗi khổ và những nguyên nhân của sự đau khổ.
– Cuối cùng Ngài dạy cho phương pháp tu hành để đoạn diệt vô minh phiền não.
Tóm lại Tứ Đế Phật dạy là: đây là khổ các ông phải biết, đây là tập các ông phải đoạn, đây là diệt các ông phải chứng, đây là đạo các ông phải tu.
Nếu chúng ta y cứ theo pháp Tứ Đế để tu hành thì sẽ chứng được quả vị A La Hán (nhưng quả A La Hán vẫn chưa thật là diệt độ, vì chưa thật là Niết Bàn).
DAQH chỉ tạm trình bày như vậy, khi nào có dịp sẽ nói rõ hơn.
Kính,
Diệu Âm Quảng Hồng
A Di Đà Phật
Thưa cô Hương Dung,
Thật ra Phật nói có ác có thiện là do Phật nương theo cái thấy ‘nhục nhãn’ của phàm phu mà nói có ác có thiện.
Còn trong mắt của Phật, thật chẳng hề có ác có thiện, có thánh có phàm, có quả vị lớn nhỏ, có Thanh Văn Duyên Giác, có kẻ ngộ người chưa. Bởi Phật pháp vốn là “Vô Ngã Pháp”, chẳng có cái gì cố định cả, tùy căn cơ mà nó biến hiện có lớn có nhỏ. Và Phật pháp vốn là pháp bình đẳng, lớn hay nhỏ thì rốt cuộc đều cùng đồng quy về Nhất Thừa cả!
Vì thế, nếu chúng ta có huệ nhãn mà quán sát thì sẽ chẳng còn nhìn thấy thiện ác, bởi nó chỉ do vọng tâm của chúng sanh biến hiện ra, nên chẳng phải là thật.
Phàm phu muốn vọng tâm dứt bặt, chỉ còn cách niệm Phật thật nhiều, khi tâm duyên theo tiếng Phật hiệu, mới mong tâm ngừng rong ruổi nơi lục trần.
Kính,
Diệu Âm Quảng Hồng
A di da phat
Pháp danh của tôi là Từ Ngoc, là một người mới phát tâm học Phật, rất trân trọng bài viết khai ngộ chuyện Tam Quy – Ngủ Giới của Tự Dộ, kính mong nhận được thêm nhiều sự hướng dẩn và chia sẽ về phật pháp từ TỰ ĐỘ.
A di da phat
Pháp danh của tôi là Từ Ngoc, là một người mới phát tâm học Phật, rất trân trọng bài viết khai ngộ chuyện Tam Quy – Ngủ Giới của Diệu Âm Quảng Hồng, kính mong nhận được thêm nhiều sự hướng dẩn và chia sẽ về phật pháp từ DIỆU ÂM QUẢNG HỒNG.
con năm nay học lớp 10, kính bạch các thầy ,nhà con không thờ tượng đức Phật nhưng hàng ngày con luôn niệm Phật và ăn tam tịnh nhục, con có thể tự mình quy yTam Bảo và phát nguyện ngũ giới có được không ạ ? con tu tại gia ạ.
Nam mô A DI ĐÀ PHẬT.
Nguyệt Ánh luôn niệm Phật là rất tốt. Bất cứ lúc nào,ở đâu,đều có thể niệm thầm trong tâm .
Bây giờ bạn đang ăn tam tịnh nhục,tức là ăn thịt theo nguyên tắc 3 Không.nhưng tốt hơn nữa là bạn tập ăn chay đi. Bắt đầu từ chay kỳ,ít nhất 2 hoặc 4 ngày trong một tháng,rồi nâng dần số ngày ăn chay lên.
Nguyệt Ánh nên đến Chùa hỏi xem bao giờ có lễ Quy Y để bạn đăng ký.
Nam mô A DI ĐÀ PHẬT.