A Di Đà Phật từ bi vô tận, 48 đại nguyện của Ngài thấu cảm đến vô lượng chư Phật; cho nên chư Phật mười phương đồng thanh xưng tán và gia hộ cho kinh Vô Lượng Thọ trụ thế thêm 100 năm nữa sau khi chánh pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật ở thế gian này bị tận diệt. Sự việc này đã chứng minh rằng kinh này khế lý khế cơ cho hết thảy các chúng sanh trong các thời đại, xuyên suốt từ các thời quá khứ cho đến hiện tại và tương lai. Nhẫn đến sau khi kinh Vô Lượng Thọ bị diệt, nếu chúng sanh nghe được danh hiệu “A Di Đà Phật” mà phát lòng tin ưa, niệm Phật cầu vãng sanh cũng đều được siêu độ giải thoát.
Ta nhận thấy, thời nay khoa học tri thức phát triển mạnh mẽ. Xả hội hiện tại khuyến khích con người phát triển tri thức, từ đó có thể phát minh và sản xuất ra vật chất và tài sản. Sự cạnh tranh về kinh tế, khoa học và kỷ thuật là nguyên nhân chánh yếu đưa đến chiến tranh, động loạn khiến cho con người càng ngày càng bị trói buộc sâu vào trong thế gian trí, ta gọi là “thế trí biện thông”. Những sự kiện này làm chướng ngại cho việc tu đạo xuất thế, bởi vì chúng ta ngày nay khó bề xả bỏ những kiến hoặc và tư hoặc để nhiếp thủ sáu căn, tịnh niệm tiếp nối đúng theo như lời Phật dạy. Bởi thế cho nên, trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật khuyên răn chúng sanh phải: “Tự thân cần tinh tấn, nỗ lực tự cầu đạo”, “tự nhiên gìn giữ chân chân tinh khiết, chí nguyện vô thượng, tịch định an lạc” là có ý bảo chúng ta phải tự cứu lấy mình.
Hòa Thượng Tịnh Không bảo, các đạo tràng niệm Phật nên xây dựng cách xa chổ đông người, như trong rừng núi, nơi không có phương tiện lưu thông qua lại thì người tu tịnh nghiệp mới tránh khỏi bị lôi cuốn và quấy nhiểu bởi những sự động loạn của xả hội hiện đại đương thời. Nếu không thể làm được như vậy, thì trong bất cứ công việc và hoàn cảnh nào chúng ta đều phải chộp lấy thời cơ mà một lòng niệm Phật, không để tâm mình rời khỏi câu Phật hiệu “A Di Đà Phật”. Đấy là người biết phối hợp Phật pháp và thế gian pháp một cách dung thông vô ngại.
Trong kinh Phật dạy, tất cả vật chất đều có đầy đủ năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Tức là tất cả vật chất đều có tánh linh. Bởi vì mọi sự vật xung quanh ta đều có tánh linh, nên ta chẳng thể lừa gạt được ai, vậy làm sao chúng ta có thể lừa gạt được quỷ thần và Phật Bồ Tát? Do đó, người tu tịnh nghiệp mà mang tâm phân biệt chấp trước, khởi tâm động niệm trong những sự đối vật tiếp người là giả tu, là lừa gạt chính mình và Phật Bồ Tát nên chẳng thể vãng sanh. Cổ đức có dạy: “phải làm chủ lấy cái tâm của mình, đừng để cái tâm của mình làm chủ mình”, bởi vì cái tâm của phàm phu đều là hư vọng.
Trong Tịnh Độ Đại Kinh Khoa Chú, Tập 4, Hòa Thượng Tịnh Không nhắc nhở đồng tu: “Lúc lâm chung phải tự mình làm chủ, không nên có ý cầu người khác trợ niệm cho mình… Trợ niệm không đáng tin. Trợ niệm có thể gây nhiểu loạn người lúc lâm chung. Hòa Thượng Hải Hiền lúc sắp lâm chung, chờ lúc mọi người ngũ hết rồi mới vãng sanh, do đó, chẳng bị quấy nhiểu. Nhất định phải chính mình làm chủ việc vãng sanh mới không gặp trở ngại”.
Hòa Thượng lại kể: “Mẹ của Hòa Thượng Hải Hiền là một cư sĩ tại gia, lúc tuổi già vẫn khỏe mạnh không cần người chăm sóc. Bà niệm Phật chẳng thua gì Hòa Thượng Hải Hiền. Trước lúc lâm chung, bà biết trước ngày giờ, nhưng không báo cho con cháu biết, chỉ tụ tập họ lại làm bánh “xỉu cảo” cho mọi người ăn. Sau bữa ăn xong, bà mới tuyên bố với họ là bà phải ra đi, rồi bà lập tức vãng sanh một cách tự tại”. Hòa Thượng nói: “Bà chẳng báo cho ai biết trước việc vãng sanh là để tránh sự quấy nhiểu việc vãng sanh của bà”.
Trong bài “Hỏi Đáp Trợ Niệm Khi Lâm Chung”, soạn trích từ nhiều bài giảng của Hòa Thượng Tịnh Không, có viết: “Phút lâm chung là thời khắc vô cùng quan trọng đối với đời người, vì một niệm sau cùng lúc lâm chung có quan hệ rất lớn đối với nơi sẽ đi đến của kiếp sau. Nên trợ niệm cũng là cơ hội cuối cùng, giúp cho người hấp hối sanh khởi chánh niệm, có thể chuyển đổi cảnh giới để thọ sanh về cảnh giới tốt đẹp hơn!”
Chúng ta nghe vậy, tưởng chừng như có sự đối lập với lời Phật dạy trong kinh Vô Lượng Thọ: “Tự thân cần tinh tấn, nỗ lực tự cầu đạo” và lời dạy của Hòa Thượng: “Lúc lâm chung phải tự mình làm chủ, không nên có ý cầu người khác trợ niệm cho mình…. Nhất định chính mình phải làm chủ việc vãng sanh mới không gặp trở ngại”.
Hòa Thượng Tịnh Không giải thích việc này như sau:
“Giúp những người lâm chung chưa có hoặc chưa đủ tín tâm, chưa thật nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Với công năng của sự niệm Phật, cùng sự nhất tâm của người trợ niệm, sẽ giúp gia hộ người hấp hối: tai nghe tiếng Phật hiệu, tâm duyên vào Phật cảnh, nhất tâm giữ chánh niệm, họ liền có thể có cảm ứng và được Phật lai nghinh tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Nên việc trợ niệm phải được đặc biệt chú ý vào lúc khẩn yếu này để giúp cho người lâm chung – có phước báu – có được cơ duyên đới nghiệp vãng sanh[1], thoát khỏi sanh tử luân hồi, bất thoái thành Phật!
Riêng đối với người Phật tử, tu niệm Phật, tại sao họ không tự tại vãng sanh, muốn vãng sanh lúc nào thì đi lúc ấy, vì sao vẫn cần có người khác trợ niệm giúp cho?”
Qua lời giả thích này, chúng ta thấy, việc “Tự thân cần tinh tấn, nỗ lực tự cầu đạo” là chánh nhân để vãng sanh của Tịnh tông, “trợ niệm” là phụ thuộc tùy theo nhân duyên, như lời nhắc nhở của Hòa Thượng Tịnh Không: “Lúc lâm chung phải tự mình làm chủ, không nên có ý cầu người khác trợ niệm cho mình…. Nhất định chính mình phải làm chủ việc vãng sanh mới không gặp trở ngại”.
Diệu Âm Trí Thành
[1]Đới nghiệp vãng sanh: Mang theo túc nghiệp (không mang theo nghiệp mới), để vãng sanh qua thế giới Cực Lạc.
Cảm ơn liên hữu Diệu Âm Trí Thành đã trích dẫn lời nhắc nhở của Hòa Thượng Tịnh Không: “Lúc lâm chung phải tự mình làm chủ, không nên có ý cầu người khác trợ niệm cho mình…. Nhất định chính mình phải làm chủ việc vãng sanh mới không gặp trở ngại”.
Nói về tử khổ Kinh Trung bộ, kinh Giáo Giới Cấp Cô Độc chép: “…Thưa Tôn giả Sariputta, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Sự khổ thống của con gia tăng, không có giảm thiểu; sự gia tăng rõ rệt, không có giảm thiểu.Thưa Tôn giả Sariputta, ví như một người lực sĩ chém đầu (một người khác) với một thanh kiếm sắc bén; cũng vậy, thưa Tôn giả Sariputta, những ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu con. Thưa Tôn giả Sariputta, con không có thể kham nhẫn, con không có thể chịu đựng. Những khổ thống của con gia tăng, không có giảm thiểu; sự gia tăng rõ rệt, không có giảm thiểu. Thưa Tôn giả Sariputta, như một người lực sĩ lấy một dây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu rồi xiết chặt; cũng vậy, thưa Tôn giả Sariputta, con cảm thấy bị đau đầu một cách kinh khủng…” Cứ như vậy sự thống khổ về thân thể lúc tan rã khiến cho tâm của trưởng giả Cấp Cô Độc không thể nào an lạc.
Tuy nhiên trưởng giả Cấp Cô Độc là người có phước đức, hộ trì Phật Pháp nên được ngài Xá Lợi Phất, A Nan khai thị khi lâm chung nên khi thân hoại mạng chung được về cõi trời Đâu Suất.
Chúng ta liệu có phước báu để khi lâm chung được hộ niệm hay không ? nếu không phải cố gắng tu tập để tự tại vãng sanh thì mới đúng là không gặp trở ngại.
Nam Mô A Di Đà Phật!
A Di Đà Phật!
Kính thưa liên hữu, Phật dạy người học Phật cần phải biết sữ dụng “Tứ Y Pháp”, đó là: Y pháp bất y nhân, y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh, y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức.
Ở đây ý của Phật & Hòa Thượng dạy chúng ta là phải nên “nổ lực, tự cầu sự chuyên cần tinh tấn nơi chính mình”; bởi lẽ càng có nhiều tự lực thì càng có nhiều tha lực. Nói gọn, tha lực là do lực cảm ứng (tự lực) của mình với Phật, Bồ Tát, Thiện Trí Thức v.v… Người càng tự mình tinh tấn tu hành thì sẽ gặp được nhiều nhân duyên phước báu, dễ thành đạo. Duyên đó là gì? Duyên đó chính là ở cuối đời gặp được Thiện Trí Thức đến hộ niệm cho mình được vãng sanh Cực Lạc; bởi lẽ, người này đã từng tự mình gieo trồng nhiều nhân duyên phước đức ở trong đời này hay đời trước. Đó chính là “thấy quả, biết nhân!”.
Tha lực chẳng cần cầu mà được; bởi vì nó cảm thành bởi do Tự Lực!