Tham dục chính là cội rễ của những nỗi khổ, nên Phật thường luôn khuyên phải đoạn trừ ái dục. Ác nghiệp chính là căn cội của các đường ác, nên Phật khuyên phải đóng lấp nó. Phiền não là nguồn cội của vô minh, nên Phật dạy phải dứt sạch hết cả phiền não, chẳng để cho nó thừa sót lại.
Đứng về phía Phật để bàn luận thì Phật thần thông biến hóa, làm việc gì cũng chẳng cần phải suy tính, không chỗ ngăn ngại. Phật thường thể hội tánh “Không” nên pháp thân Phật hiện hữu trên khắp cả quốc độ. Trên trời dưới thế chỉ có mình Phật là tôn quý nhất nên ngài có thể dạo khắp tam giới, biến hóa tùy ý chẳng bị ngăn ngại, chẳng bị kềm giữ.
Đứng về phía người tu Tịnh độ kiêm cả phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm danh hiệu Phật, sau khi được vãng sanh sẽ nương vào oai thần của Phật du hành mười phương, tuyên thị chánh đạo, diệu pháp Di Ðà viên đốn “Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh”, nhằm dẫn dắt kẻ chưa được độ quy hướng Cực Lạc.
Từ bao kiếp đến nay, tuy chúng ta gặp nhiều đức Phật, phát đại tâm đã bao lần, nhưng việc tu thánh đạo thật sự là quá khó thành tựu, nên chúng ta thường bị chìm đắm, lưu chuyển, mãi đến nay vẫn chưa thoát khỏi sanh tử. Theo đó cho thấy, người gặp được Phật vẫn còn nhiều kiếp trầm luân sanh tử, ưu khổ bất tuyệt thì người chẳng gặp được Phật, ưu khổ còn hơn thế nữa! Bởi đó, nhiều kiếp đến nay, nhân dân mười phương xoay vần trong năm đường, thường đọa vào tam đồ, đau đớn tột bực, không lúc nào hết.
Như lời Hòa Thượng Tịnh Không dạy: “Phật nói, nếu bạn không thể ra khỏi sáu cõi luân hồi thì quyết định thời gian bạn ở trong ba đường ác sẽ dài, thời gian bạn ở trong ba đường thiện ngắn, đặc biệt là ở cõi người. Cho nên ở trong sáu cõi, ba đường ác là quê hương, ba đường thiện chỉ đi lại để tham quan du lịch thôi”.
Ấy là vì sanh, chết, già, bịnh đều rất đau khổ, đều là thuần khổ không vui. Cái thân nghiệp báo của phàm phu “xấu ác, hôi thối, bất tịnh” nào đáng vui chi. Như Kinh Tâm Ðịa Quán bảo: “Tự xem thân mình: ba mươi sáu thứ xấu ác rỉ ra chẳng sạch”.
Thân người phát sanh từ tinh cha, huyết mẹ. Lúc ở trong bào thai hấp thụ tinh huyết của mẹ để sống và nuôi lớn thân mình. Khi sanh ra khỏi bào thai thì phải ăn uống để nuôi thân nên có tiểu tiện nhơ bẩn… toàn thân rốt ráo đều là những thứ bất tịnh. Cả thân mình lẫn thân người khác đều chẳng có chỗ nào đáng yêu nổi, thuần chỉ là khổ, lẽ ra phải biết sớm chán lìa!
Phật dạy, chúng sanh phải có quyết định cắt đứt nhân ác; nhân ác ấy chính là tâm nhơ (tham, sân, si). Trái với ba thứ tâm nhơ ấy chính là tam thiện: vô tham, vô sân, vô si. Phật lại bảo, chúng sanh phải lấy trực tâm là đạo tràng, nói làm trung tín, trong ngoài tương ứng; lời nói chẳng trái nghịch với tâm,tâm và khẩu đồng nhất.
Phật đã nêu ra rõ ràng, sanh tử lưu chuyển ưu khổ chẳng ngớt, khuyên ta phải nhàm chán Sa Bà, cầu sanh Tịnh Ðộ, xuất ly Tam Giới.
Sách Di Ðà Yếu Giải dạy, lấy “chán lìa Sa Bà, vui cầu Cực Lạc” làm Nguyện, lại lấy “Tín Nguyện Trì Danh” làm cái nhân chân thật của Nhất Thừa. Bởi đó, ta thấy rằng: đức Thế Tôn khuyên dụ sách tấn chúng ta cũng chỉ vì một việc rất thiết yếu; đó là việc vãng sanh Cực Lạc.
Người đã độ được chính bản thân mình, tức là người đã rửa sạch tâm nhơ, nói làm trung tín, trong ngoài tương ứng. Ðó chính là hạnh tự lợi. Tiếp đấy, lại qua lại giúp nhau, lần lượt cứu độ những người khác, là hạnh lợi tha. Đấy chính là Bồ Đề tâm khế hợp với Tứ Hoằng Thệ Nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”.
Phát được cái tâm to lớn “tự giác, giác tha” màniệm danh hiệu Phật thì mới khế hợp được tông thú của Tịnh tông: “phát Bồ Ðề tâm, một bề chuyên niệm”.
Ðã phát đại tâm thì phải dùng tâm chí thành ấy tích lũy thiện căn để cầu được diệu quả của bổn nguyện (đuợc vãng sanh Cực Lạc); đấy mới chính là phát Bồ Đề Tâm. Thiện căn là nói chung các điều lành, nhưng trong tất cả các điều lành, chỉ riêng việc “xưng danh niệm Phật” là việc lành tối thượng. Bởi vì “xưng danh niệm Phật”, chính là cội lành của việc vãng sanh Cực Lạc. Một bề chuyên niệm “A Di Đà Phật” chính là tích lũy thiện căn.
Phật khuyên người đời: Một đời siêng năng vất vả cũng chỉ như là trong khoảnh khắc, thân sau sanh về Cực Lạc thì cái vui ấy không cùng tận. Sự vui mầu nhiệm vô biên vượt trỗi mười phương chẳng hề chấm dứt, nên cõi nước ấy gọi là Cực Lạc.
Trong tác phẩm Khuyến Tâm Vãng Sanh Luận của sa môn Nhẫn Không, thuộc tông Thiên Thai có câu: “Một trận vinh hoa đời này, kết thành khổ quả ức kiếp. Ðời này siêng tu trong khoảnh khắc, nở nhụy giác tam minh”. Ấy là nhân nhỏ quả to, thọ báo dài lâu. Hễ được vãng sanh thì như kinh dạy: “Vĩnh viễn nhổ tận, cội gốc sinh tử, chẳng còn khổ lo, sống ngàn vạn kiếp, tự tại tùy ý”.
Ngài Linh Chi bảo: “Tịnh độ Di Ðà cảnh giới lạ lùng tuyệt diệu. Thánh hiền cùng hội, nghe pháp ngộ đạo, thọ mạng vĩnh cửu, bất thoái Bồ Ðề, chẳng còn có nỗi vui nào khác hơn được niềm vui này. Chỉ không có cái khổ vô thường đã đáng vui rồi, huống là còn có các sự thù thắng, những sự vui ấy chẳng cùng tận!”.
Bởi thế, Phật mới khuyên chúng sanh cầu sanh về đó!
Thế Tôn rủ lòng từ bi đã khuyên đại chúng chớ nên nghi hoặc mà tự tạo ra tai ương cho chính mình ngõ hầu khỏi phải sinh chốn biên địa, trong thành bảy báu, suốt năm trăm năm, chịu bao khổ nạn. Người sanh vào trong “nghi thành” thì chẳng được gặp Phật, chẳng được nghe pháp suốt cả năm trăm năm, hoa sen chẳng nở. Hoa chẳng nở thì chẳng thể đến mười phương cúng dường chư Phật. Người sanh trong “nghi thành” lấy đó cho là “khổ nạn”. Cõi Cực Lạc chẳng có trái nghịch, chỉ là do tự mình có lòng “nghi hối” nên phải tự cam chịu sanh trong biên địa.
Phật khuyên bảo chúng sanh nên vâng lãnh lời chỉ dạy rõ ràng, sáng suốt của Phật thì sẽ khiến cho đại trí khai phát hiển lộ, không còn nghi hoặc mê lầm. Từ đó mà có thể tinh chuyên tu học, y giáo phụng hành, như kinh Pháp Hoa dạy: “Dần dần tu học ắt đều thành Phật”.
Biên soạn: Diệu Âm Trí Thành (Canada)
(Tài liệu tham khảo: Chú Giải Kinh Phật Thuyết Ðại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Ðẳng Giác do Kim Cang thừa tam muội da giới đệ tử Hoàng Niệm Tổ.)
Các Phúc Đáp Gần Đây