Lập mưu hiểm giết hại người,
Đời đời thọ thân cá voi.
Lúc đức Như Lai ở thành Xá-vệ, Đại A-la-hán Tôn giả Mục-kiền-liên thường dùng sức thần thông hiện đến các cõi địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, nhân gian, thiên giới để quán sát sự an vui hay thống khổ của chúng sinh trong những cõi đó, ví dụ như sự thống khổ vì lạnh tê người, hay nóng đến cực độ, và nhiều cảnh tàn sát ở chốn địa ngục; ngạ quỉ chịu sự thống khổ vì đói khát; súc sinh chịu sự thống khổ ăn nuốt và hành hạ lẫn nhau; hoặc các nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết ở nhân gian; cho đến nỗi thống khổ trước khi chết của chư thiên.
Quán sát như vậy xong, Tôn giả trở về nhân gian kể lại cho mọi người nghe, làm cho ai nấy đều biết được những nỗi thống khổ của chúng sinh trong các cảnh giới khác, nhờ đó liền sinh tâm chán lìa, muốn thoát ly sinh tử luân hồi.
Ngày kia, Tôn giả Mục-kiền-liên đang ở trong thành Xá-vệ, bỗng nhiên đại chúng không còn nhìn thấy thầy đâu nữa. Thì ra thầy đã bay đến một đại dương trong cõi súc sinh. Biển lớn này chia làm ba tầng:
Tầng biển thứ nhất nước sâu 28.000 do-tuần, trong đó có loài cá voi lớn, dài đến 700 do-tuần. Những con cá voi lớn này, mỗi khi đói liền há miệng ra, ngay tức khắc nước biển và toàn bộ động vật trong vùng biển đó đều bị nuốt vào bụng chúng. Khi chúng đã no liền phun nước biển trở ra. Loài cá voi lớn này chuyên ăn những sinh vật nhỏ sống trong biển để duy trì mạng sống; mà những sinh vật nhỏ bị nó ăn vào thì quay trở lại ăn nội tạng của nó để sống.
Tầng biển thứ hai nước sâu 25.000 do-tuần, cá voi lớn trong đó dài đến 1.400 do-tuần. Khi nó đói liền há miệng ra, nuốt toàn bộ sinh vật sống trong tầng biển thứ nhất.
Tầng biển thứ ba nước sâu 2.500 do-tuần, có cá voi lớn dài 2.100 do-tuần. Những con cá voi ở tầng biển này lại chuyên ăn những sinh vật ở tầng biển thứ nhất và thứ hai để sống.
Trong tầng biển thứ ba có một con cá voi rất lớn, trên thân có rất nhiều loài sinh vật biển đang ăn, cắn nó; thân thể bị xé ra thành từng mảnh từng mảnh, có mảnh lớn, mảnh nhỏ; có mảnh lớn một do-tuần, hai do-tuần; cũng có mảnh bằng một ngọn núi nhỏ… Những vết thương lớn nhỏ này làm nó phải thường xuyên đau đớn tưởng chừng như không thể chịu nổi.
Để giảm bớt sự đau đớn, cá voi ấy liền bơi vào bờ. Nhưng vì nghiệp lực nên lúc nào cũng có 500 con quỷ dạ-xoa dùng các loại binh khí, như rìu, búa… chờ sẵn để chặt, cắt thịt trên lưng nó, làm cho máu chảy thành sông… Không thể chịu nổi nữa, nó phải lặn trở lại vào biển, máu loang đỏ cả một vùng biển lớn.
Sau khi bơi trở lại biển, các loài sinh vật lớn nhỏ trong biển lại tranh nhau ăn thịt, cắn rỉa, khiến cho nó đau đớn không chịu nổi, đành phải bơi trở lại vào bờ. Nhưng khi vào bờ lại bị bọn quỉ dạ-xoa cắt xẻo…
Cứ bơi ra bơi vào mãi như vậy mà không lúc nào được tạm ngớt sự đau đớn, chịu hết thổng khổ này đến thống khổ khác. Nhiều khi nó không chịu đựng được nữa phải gầm rống lên vì đau đớn.
Tôn giả Mục-kiền-liên sau khi nhìn thấy tình cảnh như vậy, liền dùng trí tuệ Thanh văn của mình, nhập Tứ thiền định để quán sát nhân duyên đời trước của con cá voi này: một đời, hai đời, ba đời…
Khi quán sát như vậy, Tôn giả Mục-kiền-liên dùng nhãn quan Thanh văn chỉ thấy được những đời trước của con cá voi này đều là súc sinh. Tôn giả biết sự quán xét như vậy của mình là chưa rốt ráo, và Tôn giả cũng biết chỉ có tuệ nhãn của đức Như Lai mới có khả năng thấu triệt không ngăn ngại. Tôn giả liền trở về thỉnh vấn Như Lai về nhân duyên đời trước của con cá voi lớn kia. Sau khi nghĩ như thế, chỉ trong nháy mắt Tôn giả đã về tới thành Xá-vệ.
Lúc đó, đức Như Lai đang thuyết giảng giáo pháp giải thoát cho rất nhiều đệ tử. Tôn giả Mục-kiền-liên nhận thấy nếu ngay lúc này thỉnh vấn đức Phật sẽ có thể làm lợi ích cho nhiều chúng sinh. Do đó, Tôn giả liền đến trước Đức Phật, cung kính chắp tay thưa hỏi:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Con thường xuyên vào trong năm đường luân hồi để quán sát các nỗi thống khổ của chúng sinh, rồi trở về nhân gian kể lại cho mọi người nghe, giúp họ sinh khởi tâm ghê sợ, chán lìa luân hồi, đạt được lợi ích lớn. Lần này con đến bên bờ biển, thấy trong biển lớn có một con cá voi dài 2.100 do-tuần, có nhiều sinh vật lớn nhỏ tranh nhau ăn nuốt, cắn rỉa thân thể nó, đau đớn thống khổ không thể chịu nổi, do đó phải bơi vào bờ, nhưng vừa đến bờ lại có 500 quỷ dạ-xoa chực sẵn để cắt xẻo thân nó, máu chảy ra loang đỏ cả nước biển. Con thấy nó phải chịu nhiều thống khổ không chút gián đoạn như vậy, liền dùng tuệ nhãn Thanh văn quán sát nhân duyên đời trước của nó, nhưng chỉ nhìn thấy trước đó một đời, hai đời, ba đời…, vì nhãn quan của hàng Thanh văn không có khả năng quán sát được nhiều đời nhiều kiếp, chỉ thấy các đời trước của nó toàn là làm thân cá voi lớn.
Kính bạch đức Thế Tôn! Rốt cuộc con cá voi này trước đây đã gây tạo nghiệp ác gì mà phải chịu quả báo như vậy? Ngưỡng mong đức Phật từ bi nói rõ nhân duyên đó, tất cả chúng con đều rất muốn nghe.
Đức Như Lai nhìn đại chúng một lượt, rồi đáp lời Mục-kiền-liên:
– Đây đều là do nghiệp lực từ rất nhiều đời trước của nó. Vào thời đức Sơn Vương Như Lai còn trụ thế, có một vị cư sĩ phát tâm quay về nương tựa Ba ngôi báu và thọ trì năm giới cấm trong giáo pháp của đức Sơn Vương Như Lai. Một hôm, vị cư sĩ đó nói với vợ:
– Hiền thê! Nàng đã xinh đẹp lại hiền đức giỏi giang, chúng ta cũng đã có được cuộc sống hết sức sung túc hạnh phúc. Nhưng bây giờ ta đã phát tâm quay về nương tựa Ba ngôi báu và thọ trì năm giới cấm trong giáo pháp của đức Sơn Vương Như Lai, cho nên từ đây về sau chỉ có thể chăm sóc cuộc sống ăn mặc của nàng mà thôi chứ không thể có cuộc sống ái ân như trước, vì làm như vậy sẽ phạm vào giới cấm. Hay là ta cho phép nàng tìm người đàn ông khác để cùng sinh sống nhé!
Người vợ không chút do dự, bình thản đáp:
– Thưa phu quân! Chàng đã phát tâm quay về nương tựa Ba ngôi báu và thọ trì năm nguyên tắc giới cấm, thiếp cũng không muốn chung sống với người khác, do đó thiếp nguyện vẫn mãi mãi theo hầu hạ bên chàng.
Thế là, hai vợ chồng họ cùng nhau sống cuộc đời thanh tịnh.
Do nhan sắc của người vợ quá đẹp, cho nên có một vị đại thần là Đại Tị Tử rắp tâm mơ tưởng, muốn chiếm hữu nàng.
Một hôm, đại thần Đại Tị Tử dẫn theo một người, mang rất nhiều vàng bạc châu báu đến nhà vị cư sĩ, nói với chàng:
– Hôm nay có việc xin làm phiền anh! Số vàng bạc châu báu này xin nhờ anh giữ hộ vì tôi sắp phải đi gặp vua nhận nhiệm vụ, nếu mang theo bên mình e không tiện lắm, cho nên để lại đây, khi nào xong việc tôi sẽ trở lại lấy!
Vị cư sĩ rất thật thà nhận lời. Đại thần Đại Tị Tử còn cố ý chỉ vào người mình dẫn đến làm nhân chứng về việc đưa vàng bạc châu báu cho vị cư sĩ.
Qua một thời gian sau, đại thần Đại Tị Tử một mình đến nói với cư sĩ:
– Mấy hôm trước tôi có gửi vàng bạc châu báu nhờ anh giữ hộ, bây giờ cho tôi xin lại, thật cảm tạ ơn đức của anh.
Vị cư sĩ thật thà chất phác chẳng biết gì cả, bèn đem y nguyên số tiền ông ta gửi đưa trả lại, không ngờ rằng bên trong lại có uẩn khúc.
Lại qua một thời gian nữa, đại thần Đại Tị Tử dẫn người làm chứng hôm trước đến nhà cư sĩ, nói với anh:
– Hôm nay, tôi dẫn người làm chứng đến xin lại số vàng bạc châu báu gửi anh hôm trước, xin anh vui lòng trả lại cho.
Vị cư sĩ kinh ngạc hỏi:
– Cái gì? Chẳng phải tôi đã trả lại cho quan lớn rồi sao?
Đại thần Đại Tị Tử giả bộ tức giận chửi mắng:
– Không ngờ ông là người như vậy hay sao? Hôm đó, rõ ràng hai người chúng tôi có đưa cho ông một số vàng bạc châu báu, hôm nay đến lấy, chẳng những ông không trả lại, mà còn nói dối là đã trả lại rồi. Nếu đã trả rồi, sao tôi còn đến đây nữa, thật là vô lý!
Hai người họ tranh luận mãi vẫn không ngã ngũ, cuối cùng đưa nhau lên vua, thỉnh cầu quốc vương xét xử. Song, Đại Tị Tử là quan đại thần, lại có nhân chứng rõ ràng, nên vị cư sĩ thật thà cuối cùng thua kiện.
Đại thần Đại Tị Tử lợi dụng cơ hội đó dùng dây trói và đánh vị cư sĩ một cách dã man, cho đến chết, sau đó cắt thịt của cư sĩ ra thành từng miếng từng miếng, cuối cùng lấy búa chặt đầu và xương ra từng phần riêng biệt. Tuy thống khổ khôn cùng, nhưng nhờ có được năng lượng tu tập nên chàng vẫn luôn nhớ nghĩ đến Phật, Pháp, Tăng, nhờ đó được sinh về cảnh giới lành.
Sau đó, đại thần Đại Tị Tử đến nói với vợ cư sĩ:
– Tất cả những gì ta làm đều là vì muốn chiếm được nàng. Chồng nàng đã chết, vậy hãy đồng ý lấy ta nhé! Ta hứa nhất định sẽ đối xử tốt với nàng, chúng ta có thể vui vẻ sung sướng cả đời.
Lúc đó, người vợ cư sĩ cố nén nỗi căm phẫn, nói với hắn:
– Đợi thiếp hỏa táng thi thể của chồng xong, rồi chúng ta sẽ cùng chung sống.
Đương nhiên đại thần Đại Tị Tử vui vẻ đồng ý, lại giả bộ làm ra vẻ nhân từ giúp nàng đưa thi thể cư sĩ vào rừng Thi-đà hỏa táng. Chờ lúc lửa cháy dữ dội nhất, thấy hắn không để ý, nàng lao mình vào lửa đỏ chết theo chồng để thủ tiết.
Khi đó, đại thần Đại Tị Tử không những chẳng có được người phụ nữ mình thầm thương trộm nhớ và tốn nhiều công sức, ngược lại tạo ra ác nghiệp cực lớn, hối hận không kịp.
– Này các tỳ-kheo! Đại thần Đại Tị Tử thuở ấy chính là con cá voi lớn đang thọ báo ngày nay. Trước tiên nó đã phải chịu khổ báo cực lớn trong vô lượng kiếp ở địa ngục, sau đó mới chuyển sinh làm cá voi lớn, đến ngày nay vẫn còn phải thọ khổ liên tục như vậy.
Tôn giả Mục-kiền-liên liền thưa hỏi:
– Kính bạch đức Thế Tôn! Con cá voi lớn đó đến lúc nào mới có thể thoát được ác báo này?
– Sau này, vào thời đức Đạo sư thiên nhân, Như Lai, Chính Đẳng Chính Giác, Thiện Ý Thế Tôn thị hiện ra đời nó mới được chuyển sinh làm người, được xuất gia sống đời tỉnh thức trong giáo pháp của đức Thiện Ý Như Lai, chứng đắc quả A-la-hán.
Rất nhiều vị đệ tử có mặt khi ấy được nghe đức Như Lai nói rõ nhân quả như vậy, tất cả đều sinh tâm xa lìa, chán ghét, sợ hãi đối với cuộc luân hồi. Đức Thế Tôn quán sát biết trong đại chúng này có nhiều vị có thể trở thành những bậc tài ba lỗi lạc trong việc hoằng pháp lợi sinh sau này, bèn thuyết dạy những giáo pháp giải thoát thích hợp với họ. Nhờ đó, có nhiều vị đạt được Noãn, Đảnh, Nhẫn và Thế đệ nhất pháp của Gia hạnh đạo; có những vị đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán; có người được vương vị Kim luân; có người được giai vị Phạm thiên và Đế-thích thiên; có những vị chứng được quả vị Duyên giác; có vị gieo trồng nhân Vô thượng Bồ-đề; tất cả những người còn lại đều phát khởi niềm tin thanh tịnh, chân thật vào Ba ngôi báu và phát tâm quay về nương tựa Ba ngôi báu.
Trích Những chuyện nhân quả
Pháp sư Thích Hải Đào
Dịch giả: Đạo Quang
Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến
A Di Đà Phật
Thân chào các liên hữu.e có một chuyện nhỏ mong cả nhà hãy giúp e với ạ.là do công việc sắp tới của e.là nấu ăn cho người ta.nhưng e đang ăn chay.nên hơi khó cho em.vậy em có thể nấu và nêm nếm ko? Nhưng em không ăn. Vậy em có phạm vào giới cấm sát sanh không ạ? Vì chuyện này mà em cứ do dự hoài. Vì em cũng không biết làm việc nào để vừa sức khỏe của em nữa ạ. Xin cả nhà giúp em với.
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật xin các liên hữu giúp e giải nghi với ạ…
A Di Đà Phật – Chào bạn Quảng Niệm:
Chẳng đặng đừng thì mới phải chọn nghề là làm đầu bếp – nấu đồ mặn. Nếu mình không chọn nghề này thì chắc cũng sẽ làm được một việc khác như phụ giúp công việc nhà, làm osin, phục vụ, bán hàng siêu thị, hoặc xin làm đầu bếp trong nhà hàng chay thì cũng tốt 🙂
Con người luôn luôn đứng trước sự chọn lựa, nếu khéo chọn thì sẽ chẳng đến nỗi tạo ra nhiều nghiệp bất thiện. Việc gì mình đang làm mà cứ làm cho tâm mình bứt rứt hoài thì chắc hẳn mình cũng nên xem lại.
Nếu mình nghĩ phải chết trong 3 tháng nữa hay thậm chí ngay ngày mai thì mình có cam lòng làm cái việc này mỗi ngày không?
Hơn nữa mình là 1 người ăn chay trường, đang ăn chay thì cũng chẳng nên tham gia vào quy trình sát sanh, dù là gián tiếp cho đến trực tiếp.
Nhưng có 1 ngoại lệ là các phụ nữ nội trợ phục vụ cho gia đình thì được, vì đây là bổn phận của họ, họ phải làm, họ ko làm thì ko được, họ không có lựa chọn nào khác, họ chẳng thể bắt mọi người trong gia đình ăn chay giống họ, chẳng lẽ họ vì bất đồng việc ăn chay ăn mặn mà gia đình họ xào xáo, ly tan? Cho nên họ chỉ biết mua thịt chết trong siêu thị về mà nấu nướng cho gia đình, vừa làm vừa niệm A Di Đà Phật hồi hướng cho các con vật chết kia, họ cũng khéo léo tăng cường rau củ, đậu hũ, nấm nhiều hơn trong mỗi buổi ăn, nêm nếm gia vị thật thơm, làm các món rau đậu kia trở nên rất cuốn hút, bắt mắt, khiến mọi người trong nhà sanh tâm hoan hỉ khi ăn chay 🙂 rồi lâu dần biết đâu gia đình họ chuyển sang ăn chay hết thì sao? Họ là có cái tâm này. Đây cũng là thực hành hạnh Nhẫn nhục của Bồ Tát. Còn nếu mình có sự chọn lựa cho nghề nghiệp của mình thì Tịnh Thái kính khuyên bạn nên đổi một nghề khác thì sẽ tốt hơn. Nếu Tịnh Thái là bạn thì Tịnh Thái sẽ chọn 1 nghề khác, không chịu làm đầu bếp nấu đồ mặn đâu 🙂
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật,
Thật lòng em rất cảm ơn lời khuyên của huynh Tịnh Thái lắm ạ. Và cũng như hồi chuông cảnh tỉnh cho lời nguyện của em chỉ còn ba tháng nữa thôi. Thật ra ở chỗ của e không có quán chay nên em mới xin ngay nhà hàng ở khu du lịch để phụ bếp như: lặt rau và dọn dẹp phòng nhưng họ nói đang mùa vắng khách nên e phải trực tiếp nấu ăn cho hai người vệ sĩ ở đó. Vì em rất sợ không có tiền để đóng tiền nhà cho người ta nên em mới đi hỏi việc làm và phụ Dũng một tay, vì Dũng đã thất nghiệp – vừa đi phụ hồ được hơm nay, chỗ làm trước kia thì không có dư và đang mùa vắng khách nên ko làm được nữa huynh ơi. Còn khu vực mũi né nàỳ chủ yếu họ đi biển bắt cá hay phân loaị cá cơm nên em không làm được vì em cũng không muốn vướng vào những công việc đó nữa, em đi hỏi phân loại ve chay thì họ không nhận, còn đi phụ quán phở để rửa tô thì họ không tuyển người…Sao cuộc đời của em sao cứ túng quẩn mãi như vậy? Cuộc đời của em sao mãi trớ trêu như vậy? Em bây giờ lại rơi vào cảnh 7 năm trước và thời gian của em chỉ còn ba tháng mà thôi.
Xin huynh giúp em thêm một điều cuối cùng nữa thôi ạ: Ví dụ em đang mạnh khoẻ như vậy, em mong được vãng sanh vào tháng 11 tới. Vậy em có thể nhờ ban hộ niệm giúp em vãng sanh được không ạ? Xin hãy giúp em.
A Di Đà Phật.
Phúc Bình tò mò muốn hỏi Quảng Niệm ý tưởng mong vãng sanh vào tháng 11 tới là từ đâu đến ạ?
A Di Đà Phật – Chào bạn Quảng Niệm:
Nghe bạn nói cậu Dũng có nghề phụ hồ thì cũng mừng cho cậu ấy, riêng Quảng Niệm cũng nên tích cực xin thử vào làm tạp vụ, hay dọn dẹp ở các khu du lịch, khách sạn, resort ở Mũi Né xem sao…biết đâu lại tìm được việc làm, Mũi Né là trung tâm du lịch nên có nhiều cơ hội việc làm tay chân lắm, ko sợ thiếu đâu. Người niệm Phật chân thật chết còn không sợ, huống gì sợ khổ, sợ nghèo, hay sợ ko có tiền đóng tiền nhà 🙂 chớ nên sợ hãi những việc như vậy, tâm còn sợ được sợ mất quá thì chướng ngại cho việc vãng sanh lắm. Nhìn thấy rõ đời mình khổ quá rồi, nay khổ 1 chút cũng ráng cắn răng rồi thì cũng qua, chứ quyết ko tạo thêm ác nghiệp, tức ko làm việc sát sanh hại vật dù trực tiếp hay gián tiếp, tức ko lo sầu thế sự, lo sự được mất của bản thân, tức ko đắm lụy vào tình ái nam nữ,v.v…một ngày chẳng phải chỉ cần cơm ăn 2 buổi cũng no rồi, nếu chẳng có nhà thì xin vào chùa làm công quả cũng là sống được qua ngày, có chỗ tu hành, có cái chỗ che mưa che nắng cùng chăm lo Phật sự với quý Thầy, quý Cô…vậy thì quá tự tại. Chỉ sợ tâm ta chẳng dám rời xa tình ái nam nữ, vốn là cái dây buột chặt ta trong luân hồi từ vô lượng kiếp đến nay…Dũng cũng là một người đàn ông tốt của mình, vừa có cái “của mình” thì tình chấp liền dâng cao, tình chấp cao như vậy thì liệu có đủ nghị lực buông xả được để về Tây phương vào ngay hôm nay ko? Hôm nay ko buông xả được tình chấp thì đợi đến tháng 11 tới có buông xả được ko? Hiện tại là nhân, tương lai là quả – Hiện tại chẳng chịu buông xả tình chấp, chẳng chịu buông xả cái được mất giả tạm của thế gian thì tương lai làm sao buông xả được đây? Do đó, nói buông xả là buông ngay bây giờ, trong tâm ko dính mắc, ngoài thì hiện tướng an nhàn, tận hết bổn phận, chẳng có chút lo lắng gì hết…Quảng Niệm còn quá nhiều lo lắng, đây là dấu hiệu chưa chịu buông xả, nếu còn lo như vậy thì chưa thể nói đến việc vãng sanh được đâu.
Hãy buông cái tâm lo lắng xuống, hãy an nhẫn mà sống qua ngày, thi thoảng cũng nên gọi điện hỏi thăm Mẹ, hồi hướng công đức niệm Phật cho Mẹ…Giờ Mẹ của Quảng Niệm sống như thế nào, Quảng Niệm có biết ko? Có ai quan tâm đến ko? Ko thể nói Mẹ có lỗi lầm thì ta là phận làm con thì chẳng thể quan tâm, chẳng thể bao dung…Mẹ dù thế nào chăng nữa cũng là Mẹ của mình. Hiện hoàn cảnh mình chưa cho phép mình thường về nhà thăm Mẹ nhưng trong tâm vẫn phải biết tri ân đến Mẹ, vẫn phải thỉnh thoảng gọi điện thăm hỏi Mẹ, trong kệ hồi hướng cũng phải thường nhắc đến tên Mẹ & Cha, vì tâm Hiếu là tâm Phật, hạnh Hiếu là hạnh của Phật. Hiếu tâm – hiếu hạnh mình còn khiếm khuyết quá nhiều thì làm sao tương ứng với tâm Phật A Di Đà đây? Làm sao cảm được Phật A Di Đà đến rước?
Do đó việc cầu vãng sanh vào tháng 11 hãy buông xuống. BHN cũng chẳng thể giúp mình vãng sanh nếu như thiện căn, phước đức, nhân duyên của mình bị kém khuyết, khuyết 1 điều cũng chẳng được vãng sanh huống hồ cả 3 cái đều khiếm khuyết, vì trong Kinh A Di Đà Phật dạy “Chẳng thể dùng chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi nước kia…”. Tham đắm tình chấp nam nữ thì tổn giảm phước đức, chưa thể phát tâm bao dung cho Mẹ, hiếu thuận cha mẹ thật lòng thì thiện căn mỗi ngày một tổn giảm vì trong hết thảy Thiện thì Hiếu là đứng đầu vậy. Mình có nhân duyên biết đến pháp môn Tịnh Độ nhưng kém khuyết thiện căn, phước đức thì khó mà được vãng sanh.
Từ ngay những điều này mà phản tỉnh, sửa đổi thì có thể mỗi ngày tăng trưởng được thiện căn, phước đức của chính mình. Hơn nữa phải tích phước tu thiện, lại thường nghe Kinh do HT. Tịnh Không giảng mỗi ngày thì có thể nhanh chóng tăng trưởng thiện căn, phước đức nhiều lắm…Khi thiện căn, phước đức, nhân duyên chín muồi thì tự nhiên cảm được Phật A Di Đà đến báo trước ngày giờ ra đi, BHN khi đó có cũng được, ko có cũng được, cũng là để cho Phật A Di Đà lo, chứ ta chẳng phải lo. Lại chẳng nên có cái ý là TA tự quyết ngày nào tháng nào muốn vãng sanh rồi áp đặt A Di Đà Phật ngày đó tháng đó phải đến đón con, có cái TA như vậy cũng là chướng ngại lắm lắm, trong cái muốn này có sự si mê, nóng vội, và…chưa hiểu chuyện. Hễ nóng vội trên đường tu tập thì liền dễ đi lạc đường lắm, niệm Phật tâm chẳng được an lạc, chẳng được tự tại. Tốt nhất nên để A Di Đà Phật lo cho mình ngày giờ vãng sanh, còn ta thì chỉ có 1 nhiệm vụ niệm A Di Đà Phật cầu sanh Cực Lạc.
Hi vọng với vài lời thô ý cạn ở trên thì có thể giúp cho Quảng Niệm được một chút. Còn nếu Tịnh Thái nói chỗ nào chưa đúng pháp hay khiến tâm Quảng Niệm có phiền não thì xin Quảng Niệm hoan hỉ bỏ qua, có chỗ nào chưa rõ thì xin Quảng Niệm cứ mạnh dạn bày tỏ để mọi người cùng nhau góp ý cho Quảng Niệm.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Thân chào Phúc Bình. Ý tưởng mong được vãng sanh? Mình không có ý tưởng mà Quảng Niệm rất khát khao để về nhà với đấng cha lành. Khi mình nhận ra tất cả những gì của thế gian này là toàn khổ không sự vui chân thật, chỉ bấy nhiêu thôi ạ. Thân chào Phúc Bình. A Di Đà Phật.
A di đà phật.
Em xin cảm ơn huynh tịnh thái rất nhiều những lời động viên chân thật của huynh. E đã khổ nhiều rồi, em cũng không trốn tránh được quả báo nghèo khổ của em. Huynh biết không? Em đã khuyên Dũng về nhà để lấy vợ, nhưng Dũng không chịu chia tay với em, còn em thì cũng từng nghĩ sẽ đến chùa công quả và ở luôn trong đó. Nhưng em sợ phải vay mượn cơm áo của đàn na tín thí rồi tu không đến chốn rồi phải mang lông đội sừng mà trả nợ.
Em đã quá sợ mượn một trả muôn lần này lắm ạ. Cho nên bây giờ muốn làm gì, em đều phải suy nghĩ trước khi làm, dù là con vật nhỏ em cũng không muốn nó đau khổ. Thật ra em chỉ mới hiểu được sự vô thừơng của thân tứ đại này chỉ vỏn vẹn gần một năm nay thôi. Em cũng nhớ có một vị thầy giảng rằng, đừng chờ tới bệnh mới cầu vãng sanh.mà phải tranh thủ lúc đang mạnh khoẻ mà mau mau cầu vãng sanh, nên em cứ ấp ủ cơ hội này mà chuyên niệm hồng danh đức Từ phụ để được về nhà sớm.
Cũng có nhiều người nói rằng, con kiến còn muốn sống huống chi con người mà cứ đòi chết. Họ chưa hiểu sự vô thường rất khủng khiếp, nên họ mới nói như vậy. Còn riêng em thì rất sợ, khi còn hơi thở của thế giới ta bà nầy.có thể họ nói em sợ nghèo nên muốn chết. Nhưng em quả quyết rằng, em không chết mà em chỉ đi về quê hương với cha mẹ của em, ở nơi đó cha và mẹ đang đứng ngóng đợi em về. Mỗi khi em nhìn đức từ phụ, em có được cảm nhận này rồi em bật khóc. Em cảm nhận được sự xót xa của cha đang chờ những đứa con bỏ nhà đi mà không chịu về nhà. Em không thể nói hết được sự cảm nhận của em cho huynh biết được. Vì vậy mà em không dại gì cứ ở nơi đất khách quê người này đâu ạ.
Em xin cảm ơn lời chỉ dạy của huynh rất nhiều. Và em tin rằng cha sẽ tìm thấy đứa con gái đi lạc của cha. Em xin cảm ơn huynh Tịnh Thái ạ.
A di đà phật.
Bạn Quảng Niệm thân mến, không phải tự dưng mà PB hỏi bạn như vậy. Do cái dự định tháng 11 của bạn nên PB băn khoăn là có phải bạn biết trước được ngày giờ vãng sanh chăng, cũng thể như bạn đã được Phật A Di Đà hẹn ngày đón về cõi Tây Phương vậy. Được vậy thì không còn gì bằng, nhưng PB lại trộm nghĩ không lẽ người đuoc Phật thọ ký vãng sanh vẫn còn thấy cái khổ của nhân gian. Hay là Quảng Niệm đang tự sắp xếp ngày về bằng việc tự diệt đi thọ mạng của mình, hy vọng cái suy luận này của PB là không đúng nhưng PB vẫn phải nêu ra vì trường hợp người tu Tịnh độ vì mê lầm tự cho là việc thực hiện triệt để tinh thần ưa cõi Tịnh, chán cõi uế Ta Bà là ta tự diệt thân mạng mình, với tâm nguyện của mình, với tiếng niệm Phật của ban trợ niệm là thần thức của mình sẽ được hoá sanh nơi cõi Tây Phương Cực Lạc là không phải ít gặp.
Ngài Ấn Quang Đại sư luôn phê bình nghiêm khắc những ai có tư tưởng như vậy. Đó là sự sắp xếp cho cái thân sau của mình làm quỷ nơi tam đồ ác đạo chịu thống khổ không biết ngày nào mới thoát được chứ chẳng phải vãng sanh nào cả. Để cụ thể hơn PB xin trích dẫn một đoạn chỉ dạy của Tổ Ấn Quang trong AQPSVSTT như sau:
“Phàm phu chưa từng đích thân chứng được Phật Tánh, tất cả công đức của Tự Tánh hoàn toàn chẳng được phát hiện và thọ dụng, nên hết thảy phải thuận theo nghiệp. Cái sắc thân trong đời hiện tại gọi là Báo Thân, tức là quả báo của những điều thiện hay ác đã tạo trong đời trước. Người niệm Phật tuy không còn tạo nghiệp sanh tử nữa, nhưng túc nghiệp chưa hết, làm sao có thể được vãng sanh ngay lập tức? Nếu tâm nhàm chán thế gian thiết tha, kiệt lòng thành, tận lòng kính, chuyên chí niệm Phật, cầu Phật rủ lòng từ sớm đến tiếp dẫn thì cũng có người [sớm được vãng sanh]! Nếu tự hủy hoại mạng sống để mong vãng sanh liền thành uổng tử quỷ (quỷ chết oan)! Do người ấy công phu chưa đạt mà tự hủy mạng thì khi đang hủy mạng, tâm đã mất chánh niệm, huống chi nỗi khổ do tự hủy mạng không thể thí dụ được! Tâm mất chánh niệm thì làm sao tương ứng với Phật, được Phật tiếp dẫn? Thứ tà kiến này tự lầm, lầm người, gây hại tột bực! Chớ nói lời ấy để kẻ vô tri khỏi bị hại!”
Đoi lời chia sẻ.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Lại nói về chuyện bạn ăn chay nấu mặn, PB cũng xin có góp ý thế này: Tổ Ấn Quang tận lực khuyên người đời ăn chay, niệm Phật nhưng Tổ không có cho rằng niệm Phật là phải ăn chay. Trong khi bạn vì mưu sinh mà phải nếm thức ăn mặn thì đâu có lỗi lầm gì, đừng khiên cưỡng gò ép mình mà sinh cùng quẫn khổ sở, khổ quá cũng chẳng tu được.
Trong thư trả lời một cư sĩ ở Diêu Duy, Tổ đã viết “Đời có kẻ ngu chẳng biết vì sao Phật là Phật, thường chấp chết cứng lẽ cung kính, chẳng biết biến – thông, [chẳng hạn] như ăn mặn thì chẳng dám niệm. Lại như nữ nhân khi có kinh nguyệt hoặc sanh nở bèn chẳng dám niệm. Phải biết: Ăn chay là tốt nhất, nhưng ăn mặn cũng vẫn niệm được. Có kinh nguyệt thì thường rửa ráy sạch sẽ, đừng dùng tay bẩn chưa rửa chạm vào kinh, tượng và thắp hương v.v¡K Hễ rửa ráy sạch sẽ thì chẳng ngại gì. ”
Đương nhiên bạn làm được như ý huynh Tịnh Thái là tốt nhất, nếu không được bạn hãy lấy lời dạy của Tổ mà chọn hướng đi cho mình.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Thân chào pb.mình rất biết ơn pb đã nhắc nhỡ quảng niệm.thú thật niệm chưa được đức từ phụ thọ ký.vào một ngày nọ mình đang ngồi thơ thẩn nghĩ về cái khổ của ta bà này.và mình rất sợ rồi khóc nức nỡ luôn.rồi phúc chốc mình chạy lên trang thờ phật.mà phát nguyện như vầy.vừa cầm nén hương vừa khóc vừa khấn với đức từ phụ.con phật tử quảng niệm .nay đối trước A Di Đà Phật nói lên lời thệ nguyện.xin cho con được bán hết tuổi thọ còn lại của con đến tay đức từ phụ A Di Đà.nếu như có được chúc ít công đức.xin cho con được hồi hướng tới pháp giói chúng sanh.nhất là những con vật bị người ta lột da hay ăn thịt.và ở nơi con.con nguyện sinh được vãng sanh vào ngày 17 Tháng 11 Năm nay. Nguyện cầu đức từ phụ từ bi gia hộ cho con.và từ đó em nhất tâm cầu vãng sanh là nghiã này.chứ em không có suy nghĩ tự kết liểu đời mình đâu ạ.tại vì em xem được hai cái đĩa “tiếng kiêu cứu” và “lời nói của sóng thần”.em khóc tới ba ngày vì sự bất công của con người đối với loài vật.cái đĩa lời sóng thần muốn nói.thì xác người chết la liệt.và rất nhiều người cảm thấy đau xót và thương tâm.nhưng với cái đĩa tiếng kêu của loài vật.thì có mấy ai chịu thương cảm cho chúng nó.em nhớ hoài cảnh con heo bị đập đầu xuống nền nhà.con hồ ly bị chặc bốn chân .đập đầu.lột da khi nó đang còn sống.và hai hàng nước mắt của nó tuôn theo từng nhát dao rạch da của nó.còn những con người đứng kế bên nó thì cứ cười ha hả.không một chúct thương xót.em cảm nhận được đau đớn của chúng nó nên em quyết tâm bán tuổi thọ của em hồi hướng cho tụi nó được vãng sanh thôi ạ.còn chuyện em đã thề thì em giữ trọn không thất hứa.về chuyện vãng sanh thì em chỉ biết chờ đợi cha đến khi nào tới .thì em mới biết thôi ạ.hihihi thân chào phúc bình ạ A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Bạn Quảng Niệm thân mến!
Người chí tâm học Phật thì Phật dạy, Tổ răn như thế nào chúng ta cứ y cứ như vậy mà hành theo, như vậy mới là chân thật dụng công. Cuộc sống này người tu đạo trên miệng rất nhiều họ luôn tìm các lý do để nguỵ biện cho các hành vi của mình, tự mình đoạn hết các duyên vãng sanh, mặc dù ngày ngày niệm Phật nhưng khẩu niệm mà tâm chẳng hành, lãng phí vô ích một đời.
Đại sư Ấn Quang dạy:
“Chỉ vì con người chẳng biết đặt mình vào hoàn cảnh [của loài vật] để xét lại, đến nỗi đem chuyện khổ sở cùng cực, thảm thiết cùng cực giáng xuống thân loài vật mà lòng vui sướng, tự bảo mình có phước, chẳng biết phước thọ đã vun bồi từ đời trước sẽ bởi đấy mà dần dần bị tiêu diệt, trong vị lai sẽ đời đời phải hứng chịu những nỗi khổ độc chẳng có lúc nào xong! Nếu trong lúc sát sanh ăn thịt mà nghĩ đến chuyện này, dẫu có kẻ đem cái chết uy hiếp buộc phải sát sanh ăn thịt, vẫn chẳng dám làm!”
Ấn tổ đã dạy dù phải chết cũng không dám sát sanh ăn thịt!
Mình hiểu đạo chỉ vì miếng cơm manh áo chưa đến mức bức phải chết ngày mà còn sát sanh cho người khác ăn liệu có phải đạo không.
Bạn muốn Vãng sanh thì cứ coi mình không có việc để làm, không tiền nhịn đói niệm Phật miên mật 3 ngày, 7 ngày … chết thì về cõi Phật! Bạn làm được không, làm được thì Vãng sanh cần gì phải cầu đâu xa. Còn chẳng làm được vẫn mong có điều kiện sống tốt, vẫn mong có việc làm tốt, dù phải sát sanh mà có tiền vẫn hơn vậy mong về cõi Phật với mong muốn cuộc sống cái nào lớn hơn.
Bạn tự nghĩ, bạn sẽ hiểu ngay bây giờ nếu chết bạn về đâu, liệu làm bạn với Quỷ hay làm bạn Bồ tát, liệu bạn có dám chết không.Nhân quả không sai, đã hiểu đạo thì phải thật hành, chết cũng không phá giới đó là lời Phật dạy!
Cuộc sống này Chư tổ dạy từ miếng ăn, chén nước đều do duyên tiền định; vậy sao lại vì miếng ăn mà tạo nghiệp ác đạo.
Người tu đạo là người đi ngược dòng nước, bạn phải tự nghĩ suy mà hành như pháp thì mới gần với Phật được chứ cứ miên man mong cầu mà không thật hành khác gì người vẽ tranh trên cát.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
A di đà phật.Thân chào Phúc Bình. Xin cảm ơn lời động viên của bạn rất nhiều nhưng mình đã quyết định không làm việc đó nữa. Mình sẽ tìm việc khác để thuận tiện hơn. A Di Đà Phật.
Thân chào huynh tịnh minh.em rất cảm ơn lời chỉ dẫn của huynh rất nhiều.như em đã có nói ở trên.em không mong một con vật nào đau khổ vì cơm áo gạo tiền của em cả huynh ơi.họ bắt buộc em phải nấu ăn.nhưng em vẫn chưa nhận lời .và em đã nhờ đại gia đình giải nghi giúp em.và nhờ huynh tịnh thái nói rõ .nên em đã quyết định không nhận lời của họ.và em cũng không có nguỵ biện với lời thệ nguyện của em.đúng hơn là từ lâu em vẫn giữ kín chuyện này.nhưng hôm nay phúc bình hỏi và lo sợ em huỷ hoại thân này một cách mơ hồ.nên em mới nói ra sự thật.để mọi người không nghĩ sai về ý nguyện của em thôi ạ.thân chào huynh.a di đà phật
A Di Đà Phật các đạo hữu.
Mô Phật đạo hữu Quảng Niệm.
Cái ý nghĩa Pháp danh của bạn biểu hiện cho sự dùng tâm Quảng đại luôn luôn Niệm nhớ chúng sanh khổ đau mà phát tâm rộng lớn vô ngại tự tại để phát tâm Bồ Đề không sợ sệt khổ đau để giúp Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng sanh.
Nói giúp Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn chúng sanh là như thế nầy:
Từ khi ta đã phát tâm Bồ Đề trên đền bốn trọng ơn dưới cứu ba đường khổ thì dù cho có bỏ thân mạng nầy mà khuyên được một người phát tâm Bồ Đề tín nguyện niệm Phật vãng sanh về Cực Lạc để họ nương theo oai thần nguyện lực của Phật Di Đà mà hoá sanh trong hoa sen thất bảo thì cũng nên làm. Dùng tâm Quảng đại như vậy để mà Niệm Phật mới tương ứng với tâm Đại Bi của Phật A Di Đà chứ. Đem tâm sợ sệt tiểu thừa làm sao thực hành Bồ Tát đạo gieo trồng công đức lớn được.
Bạn có lòng từ bi nhưng phải biết cách nuôi dưỡng cho tâm Bồ Đề càng ngày càng lớn ra. Hôm nay ta biết đường về quê huơng Cực Lạc nhưng nở nào thấy cha mẹ anh em bà con bạn bè chúng sanh từ con kiến cho đến con voi mà không tuỳ duyên sống cõi Ta Bà khổ đau để chỉ đường họ. Muốn bỏ đi là đi vô tình vậy sao?
Bạn nên hằng ngày thành tâm đối trước Phật A Di Đà nguyện ngài gia trì cho con được phát tâm Bồ Đề kiên cố. Nguyện cho công đức của con hướng về khắp 10 phương pháp giới chúng sanh đều phát tâm Bồ Đề đồng nguyện sanh về Cực Lạc.
Từ Bi và Trí Tuệ phải đi đôi mới hy vọng tự tại bớt sợ sệt trong vòng sanh tử. Càng tự tại càng cảm giác được tuy chưa vãng sanh mà thực ra đang vãng sanh vì thân tứ đại chưa hết duyên. Hiểu được tâm niệm nầy bạn sẽ không lo lắng cầu Phật thọ ký nữa.
http://niemphat.net/Luan/duongvecuclac/chuongnam.htm (rất hay nên đọc)
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật. Mến chào Huệ Tịnh,
Mình biết ơn tới bài pháp mà bạn đã gởi cho. Thật ra Niệm cũng đã trợ duyên cho gia đình rất nhiều nhưng họ cứ nói phải lo cho cuộc sống nên vẫn chưa tu được. Băng đĩa mình cũng tự đem cho họ xem cũng nhiều, như ông anh thứ ba cũng đã từ bỏ nghề đi biển bắt tôm nhưng vẫn chưa chịu niệm Phật. Mình chuyển sang khuyên chị dâu thì có tiến triển hơn một chút và nhỏ em gái thứ năm, nó đã bắt đầu ăn chay cử và niệm Phật vào buổi tối còn mẹ thì mình khuyên không được nhưng nhỏ em nó có thể khuyên mẹ, mình cũng hiểu điều niệm Phật rất là quan trọng nên mình cũng cố gắng hết sức của mình mà khuyên gia đình niệm Phật, mình không vô tình bỏ họ ở lại mà do họ không chịu tin và chấp nhận đức từ phụ đi vào cuộc đời họ thôi…Kinh đưa tới tay mà họ không chịu tìm hiểu để tu học thì mình cũng đành chịu thua.
Nói về bài pháp bạn đã gởi cho Niệm, thì Niệm chỉ nhớ kỹ được hai câu là không vọng duyên và không chấp duyên. Hai câu này rất hay. Cho nên Niệm dám khẳng định rằng Niệm chỉ sống khi có đức từ phụ. Và khi chết niệm cũng chết khi đức từ phụ đến rước về thôi, chứ mình không dám đòi hỏi ở Phật bất cứ một điều nhỏ nào cả, vì có thầy giảng rằng: “làm con Phật đừng nên thất hứa với ai, mình đã hứa thì đừng làm sai với lời hứa của mình”. Riêng Quảng Niệm thì chỉ hiểu được bấy nhiêu. Còn ở nơi Phật pháp thì chỉ có Phật sắp xếp cho mọi người khi đủ duyên thôi, không biết Niệm hiểu như vậy là đã đúng với lời bạn đã nhắc mình chưa? Hay có gì chưa đúng nhờ bạn chỉ mình thêm ạ.
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật. Mến chào đạo hữu Quảng Niệm,
Huệ Tịnh chỉ xin bổ sung theo kinh nghiệm của các bậc Tổ thầy khuyên bạn “chỉ nên tập trung thực hành làm gương sáng cho mọi người thấy trong đêm tối Phật pháp nhiệm màu như thế nào là đã trả ơn chư Phật chư Tổ thầy rồi.” Còn nói về khuyên gia đình phát tu hành để họ tự thấy gương mình tu tập mà tự phát tâm đừng lo lắng quá coi chừng phiền não. HT bị qua rồi rút kinh nghiệm cứ đa phần tuỳ duyên nhắc nhỡ kéo họ ra đường ác đạo vô minh.
Bạn cứ tiếp tục đang gieo trồng thiện căn cho mình và mọi người nhe. HT rất hoan hỉ cho tâm từ bi của bạn. Cứ yên tâm tu tập trong cõi ngũ trược ác thế này. Sau khi mãn khoá hết kiếp duyên này thì Phật Di Đà tới tiếp dẫn về Tây Phương thôi. Cứ hằng quán như vậy trong lòng tự nhiên cảm nhận sự an lạc hết lo lắng vì lúc đó chính là Đức Phật Di Đà đang âm thầm chiêu cảm gia hộ cho bạn rồi.
Khổ do tâm sanh khổ do tâm diệt.
Khổ đau nào bận lòng khi đã thức tỉnh
Tự tại trong sanh tử đợi ngày vãnh sanh
Nam Mô A Di Đà Phật.
A di đà phật
TM không có ý nói quảng niệm tất cả các điều trên, chỉ mượn câu hỏi của đạo hữu thôi, tâm như quảng niệm thật đáng quý.
Niệm phật hãy giữ tâm như tâm Phật!
Nam mô A di đà phật!
Kíng bạch qúy thầy, không liên quan nhưng cho con hỏi là có chồng hay vợ rồi nhưng quen với người khác nhưng không ngủ chung thì có bị phạm vào giới tà dâm không ạ? Còn chưa có chồng hay vợ thì quen nhiều người một lúc nhưng không ngủ chung thì có bị tội gì không hay có bị phạm vào giới tà dâm không ạ? Mong qúy thầy hoan hỉ trả lời cho con biết ạ, con xin chân thành cảm ơn
A Di Đà Phật – Chào bạn Mỹ Nguyên:
1. Đã là có vợ chồng rồi nhưng quen người khác thì ngay trong đạo vợ chồng tự bản thân mình đã thấy có lỗi rồi, còn nếu không có lỗi thì lương tâm đâu có cắn rứt, hoặc giả cũng đâu cần dấu diếm lo sợ chuyện hẹn hò giữa mình với người kia? Mỗi lần đi đâu đó riêng với người kia mình có dám nói với chồng mình biết không? Hay dám để cho người thân quen mình thấy được không? Hay là mình phải nói dối? Thân thì chắc cũng động tay động chân với người ta, mắt thì đã đưa tình, lả lơi, miệng thì nói lời buông lung, mê hoặc…tâm thì tưởng nhớ hình ảnh người ta, đến khi ngủ nhiều khi còn mơ tưởng thấy đủ thứ chuyện tình cảm bậy bạ…vậy là ko phải tà dâm thì là cái gì?
2. Ngay cả khi chưa phải vợ chồng mà quen nhiều người một lúc, dù không ngủ chung nhưng có tình ý lung tung với nhiều người thì cũng đã tạo cái nghiệp tà dâm rồi. Nếu ko thì sao phải nói dối với người này khi đang đi chơi với người kia, rồi lại buông lung cợt nhã với nhiều người khác nhau, làm cho tâm trí họ mê mờ, chính mình cũng si mê điên đảo, chính mình cũng tổn phước giảm thọ, chính mình cũng đang tạo cái nhân đọa vào Địa Ngục ôm cột đồng sắt mà đâu có hay…Thật là đáng thương.
Phần lớn người đời chìm trong ái dục, chẳng biết ái dục vinh hoa chẳng giữ mãi được, đều sẽ biệt ly, thân tâm bất chánh, ôm lòng tà ác, thường tưởng dâm dục, phiền não đầy người, phong thái tà vạy, vẻ ngoài lả lơi, tham đắm dục lạc. Họ cũng chẳng thể tự thấy được thiện ác, cát hung họa phước, cho nên phóng tâm vào chỗ tham dục, phụ Kinh bỏ Giới, uống khổ ăn độc chưa từng ngừng nghỉ. Khởi từ việc nhỏ, dần thành khổ lớn, đều do tham đắm tài sắc, không chịu bố thí, chỉ muốn tự mình hưởng thụ, không kể phải quấy, si ám thúc giục tranh lợi về mình, phú quý vinh hoa đương thời thỏa thích. Không chịu nhẫn nhịn, không chuyên tu thiện. Uy thế tùy thời, sau liền tiêu dứt. Đạo trời lồng lộng, báo ứng tự nhiên, dù có lo lắng, hoảng sợ bồn chồn cũng vẫn phải đọa vào ba đường ác. Xưa nay như vậy, đau khổ lắm thay! Thọ mạng hết rồi, ác nghiệp đến vây, tên tuổi người ấy ghi tại thần minh, oán cừu dẫn dắt, chẳng thể lìa bỏ. Chỉ do ác nghiệp đã tạo trước kia mà vào vạc lửa, thân tâm tan nát, thống khổ tột cùng. Vào ngay lúc đó, dẫu có ăn năn cũng đã muộn rồi!
Đó chính là lời Phật dạy trong Kinh Vô Lượng Thọ, kính mong hết thảy chúng sanh hữu duyên đọc được, xin hãy mau mau phản tỉnh, mau mau sám hối mà ngưng ngay các hành vi, suy nghĩ tà dâm (nếu có), thì may ra đời này vẫn có thể được cứu.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Theo suy luận của PB đây là trường hợp bạn hỏi về vấn đề ngoại tình tư tưởng đúng không ạ? Chứ quan hệ giao tiếp bình thường thì việc ngủ chung hay không ngủ chung đâu phải suy xét. Để lý giải một phần điều này PB xin gửi bạn một số lời chỉ dạy được sư tầm như sau:
Lời Phật dạy: “Không được sanh tâm tà vạy”
“Người cư sĩ có vợ con thì phải một lòng chung thủy với vợ và với chồng, không nên nhìn ngó người nữ khác hay người nam khác mà chỉ một lòng với vợ hay chồng mà thôi, nếu có vợ, có chồng mà còn nhìn người khác là thiếu đạo đức chung thủy. Khi khởi ý nhìn ngó một người nữ khác hay một người nam khác, khi thấy họ có sắc đẹp và có tài đức mà sinh lòng yêu thích thì biết ngay đó là tâm trạng tà dâm.”
Lời của Đức Chúa Jesus: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Ngươi chớ phạm tội ngoại tình. Song Ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình cùng người rồi.”
Nam Mô A Di Đà Phật!
A Di Đà Phật
Gửi bạn Mỹ Nguyên,
Muốn biết bạn có phạm giới tà dâm hay không, bạn phải nhận biết: Tà Dâm là gì? Tà là không Chánh, không Thuận (trái nghịch); Dâm là phóng túng, vượt quá bình thường. Gộp lại: Tà Dâm là những hành động, lời nói, ý nghĩ phóng túng vượt quá giới hạn cho phép.
Để làm sáng tỏ TN xin nêu 3 VD cụ thể:
1. Người đã có chồng hoặc vợ (gọi chung: đã có gia đình), đứng trước, gần người khác giới nhưng có những hành vi đụng chạm, tiếp xúc, va, quệt để gợi dục=Phạm tội tà dâm.
2. Người đã có chồng hoặc vợ (gọi chung: đã có gia đình), đứng trước, gần người khác giới nhưng có những lời nói phóng túng, khêu gợi (còn gọi lời nói khích dục) khiến kẻ khác giới cũng bị lôi cuốn theo=Phạm tội tà dâm.
3. Người đã có chồng hoặc vợ (gọi chung: đã có gia đình), đứng trước, gần người khác giới nhưng có những ý nghĩ (ý niệm) khơi dục, khích dục, khêu dục… =Phạm tội tà dâm.
Ba hành vi nói trên trong đạo Phật gọi là: Thân nghiệp, Khẩu nghiệp, Ý nghiệp, trong đó thì Ý nghiệp là nguy hiểm và khó kiểm soát hơn cả. Lý do: Bởi thân nghiệp, khẩu nghiệp chúng ta có thể nhìn, nghe thấy, nhưng Ý nghiệp khởi lên nhiều khi chỉ thoáng như bóng chớp nên chúng ta không kịp kiểm soát, vì không kịp kiểm soát nên chúng ta đã tự hợp pháp hoá và cho những ý nghiệp đó là rất đỗi bình thường.
Vậy Nghiệp là gì? Nghiệp hiểu giản đơn nhất là những hành vi về thân, khẩu, ý được tái diễn không ngừng nghỉ. Hành vi có thiện-ác. Vì thế nếu thân, khẩu, ý thường hành tà dâm=thường hành ác nghiệp. Giữ thân, khẩu, ý thanh tịnh=thường hành thiện nghiệp.
Làm thế nào để bạn có thể tránh hay giảm đi, thậm chí đoạn diệt những ác nghiệp đó? TN thành tâm khuyên: Bạn phải thọ Tam Quy Ngũ Giới. Tại sao TN khuyên bạn là PHẢI mà không phải là NÊN? Bởi nếu là NÊN thọ Tam Quy Ngũ Giới, nghĩa là TN mới chỉ dắt tay bạn đến đứng trước cổng chùa, rồi bảo bạn: ráng xem chùa có gì vui mắt. Nhưng PHẢI thọ Tam Quy Ngũ Giới, nghĩa là TN khẳng định với bạn: Bạn PHẢI dũng mãnh vào Chùa – Chùa – hiểu nghĩa giản đơn nhất là nơi tu học, trì giới – chốn thanh tịnh của người xuất gia, nhưng hiểu sâu xa hơn thì Chùa chính là chân tâm thanh tịnh của bạn, của tất cả chúng sanh muôn loài. Do vậy nơi nào bạn giữ được thanh tịnh (thân, khẩu, ý) nơi đó bạn đã đang ở Chùa.
Tà hay chánh; Thiện hay ác; PHẢI hay NÊN vốn do bạn, chính và tuỳ nơi bạn.
A Di Đà Phật
TB: Bạn có tham khảo thêm bài viết này: Thọ tam quy ngũ giới
Con xin thành tâm cám ơn mọi người đã chỉ dẫn. Mấy lâu nay con như người mù đang đi trong biển lửa, không biết mình đang gặp nguy hiểm. Nhưng nay nhờ lòng từ bi của các thầy mà con đã tỉnh ngộ ra. A Di Đà Phật! Con xin thành tâm thành ý cảm ơn mọi người!
Các vị cho phép con được mạo muội hỏi thêm 1 câu. Không biết chỉ nói chuyện, đi chơi, giao tiếp với nhiều người 1 lúc mà không chấp nhận lời quen thì có bị tội hay phạm vào giới tà dâm không ạ?
A Di Đà Phật,
Mỹ Nguyên có thể đi chơi, giao tiếp với nhiều người, miễn sao thân tâm, lời nói, hành vi, cử chỉ của mình đều ĐOAN CHÍNH. Với người trên thì Kính, với người dưới thì Hòa. Với bạn bè thì trung thực, bình đẳng, bạn nam cũng vậy, mà bạn nữ cũng thế, đều cư xử hài hòa như nhau.
Giữ tâm tốt, nói lời tốt, làm việc tốt thì mình mới có thể làm một người tốt được, mình đã là một người tốt thật sự thì sau này mình cũng sẽ gặp được một người đàn ông tốt 🙂 Gọi là “Nồi nào thì vung đó vậy” 🙂
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật,
@Tịnh Thái: Ý đạo hữu nói là người nào đem cái tâm duyên với danh hiệu “A Di Đà Phật” thường xuyên chắc cũng sẽ gặp Phật phải không? Có câu mà cha mẹ ông bà luôn nói rất đúng “Gần mực thì đèn, gần đèn thì sáng”. Ai biết TU niệm Phật thì về Cực Lạc ở gần bên cạnh Phật A Di Đà và Thánh chúng. Ai không biết TU thì cộng thêm dấu huyền trên chữ TU thành ở TÙ trong ba cõi ác đạo khổ đau triền miên.
@Mỹ Nguyên: Nếu bạn đã có phước nhơn duyên thù thắng biết tin và niệm Phật thì cố gắng để tâm duyên với câu “A Di Đà Phật” càng nhiều càng tốt. Nếu buông ra câu Phật hiệu thì nghiệp lực sẽ làm chủ mai mốt đưa mình xuống địa ngục hồi nào không biết. Nhất là khi giao tiếp với bạn bè ở ngoài đời. Nên cố gắng nhớ nghiệp chủng của bạn ra sao thì sẽ chiêu cảm các loại bạn bè như thế đó. Cũng 2 chữ ơn nợ mà khiến mọi nguời gặp nhau để tạo phước đức hay tạo tội. Tiếp xúc bạn bè mấy ai làm chủ được cái thân khẩu ý cho bình an vô sự nếu không có sự thực hành tu luyện đạo lực? Nghiệp lực nó vô hình làm chủ chúng ta từ cái suy nghĩ cho đến hành động một cách khéo léo mà mình chẳng hề biết.
Huệ Tịnh chỉ tóm tắt theo cái kinh nghiệm bị nghiệp lực chi phối hồi còn giao tiếp với bạn bè từ dân trí thức cho đến dân xã hội đen ăn chơi giang hồ, nếu kiếp này HT không có nhơn duyên với danh hiệu “A Di Đà Phật” chắc chắn cửa địa ngục sẽ mở đón chào HT rồi. Nhất là cái giới tà dâm ăn chơi cờ bạc với bạn bè giang hồ. Cũng thiệt là may phước Đức Phật nghĩ ra pháp môn niệm Phật quá thù thắng nhiệm màu đã cho mình dùng thoát cảnh địa ngục chuyển thành cảnh Cực Lạc trong tâm hồn. Bạn cũng nên quy y Tam Bảo để gieo duyên với Phật Pháp Tăng. Khi gặp nghiệp lực nạn ác tới thì các Ngài sẽ âm thầm gia hộ chỉ đường cho mình quay về tâm giác ngộ.
Vài lời kinh nghiệm chia sẻ chúc bạn luôn luôn được duyên lành với danh hiệu “A Di Đà Phật”.
——————————————–
Nam Mô Tận hư không biến pháp giới, quá, hiện, vị lai, Thập Phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nhân Nào Quả Nấy.
Con người ở thế gian này gặp đủ thứ chuyện kỳ lạ, vì sao? Ðó là vì trước kia người ta đã trót trồng cái nhân kỳ lạ nên bây giờ mới sanh ra cái quả kỳ lạ. Nếu các bạn chẳng gieo loại nhân ấy thì sẽ không gặt phải loại quả này. Vì thế, nếu mọi người hiểu được đạo lý nhân quả thì hãy:
Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành.
(Chớ làm điều ác,
Chỉ làm việc lành.)
Trên thế gian này, con người không thể nào tách rời khỏi nhân quả; song le, vì ai nấy đều chỉ thấy quả chứ chẳng thấy nhân nên khi quả báo xảy tới thì cuống quít, hoang mang, không biết nên như thế nào cho phải nữa! Ðó đều là do khi trồng nhân, người ta đã không biết thận trọng, đợi đến lúc phải nhận lãnh những quả báo quái lạ thì họ mới giật mình, sửng sốt!
Chúng ta hiện đang nghiên cứu Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối (Bốn Ðiều Răn Dạy Về Tánh Thanh Tịnh) trong Kinh Lăng Nghiêm. Phần kinh văn này giảng giải rất cặn kẽ những trường hợp nhân quả phức tạp, kỳ lạ của con người. Các bạn muốn hiểu rõ vấn đề nhân quả thì hãy “chớ làm điều ác, chỉ làm việc lành.” Hằng ngày, các bạn không nên chỉ toàn nghĩ tới lợi lộc riêng tư mà hãy tìm cách mang lại lợi ích cho người khác; song, không cần phải huênh hoang: “Tôi thường làm nhiều chuyện lợi ích cho người khác lắm! Tôi sửa chùa tháp, bố thí, giúp đỡ người nghèo…” Những việc như thế không phải để khoác lác hay nói suông, mà cần phải chân chánh thực hành. Hãy lấy việc giúp người làm nguồn vui và xem đó là thiên chức của mình; được như vậy thì thế giới này sẽ tự nhiên trở nên tốt đẹp!
Trích từ Khai Thị – Quyển 3
Hòa Thượng Tuyên Hóa
(Giảng ngày 30 tháng 4 năm 1983)
Nam Mô A Di Đà Phật!
Con xin chân thành cảm ơn tất cả mọi người đã tận tình giải thích những vấn đề nan giải của con. Con sẽ cố gắng trì niệm hồng danh A DI ĐÀ PHẬT để sớm ngày vãng sanh tây phương Cực Lạc. Nhờ có phước lành trong từ nhiều kiếp trước nên con mới gặp được các bậc thiện tri thức như quý vị để khai thị cho con. Nay con đã biết rồi con nhất định sẽ ráng niệm Phật. Còn về phần quy y Tam Bảo con đã quy y rồi và con hứa sẽ cố gắng làm theo lời Phật dạy. A DI ĐÀ PHẬT! Con xin hoan hỉ cảm ơn các vị!
A Di Đà Phật bạn MN.
Bạn cũng cố gắng nhớ niệm Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát để gieo duyên với Ngài gia hộ giúp bạn tu hành niệm Phật tinh tấn vững chắc sớm ngày thành tựu viên mãn đồng sanh Cực Lạc Quốc.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát!
A Di Đà Phật
Gửi bạn Mỹ Nguyên,
TN cùng các Đạo hữu đều vô cùng hoan hỉ trước tấm lòng khiêm kính của bạn – đó là nền tảng để bạn thể nhập vào chánh đạo.
Chúng ta Quy Y Tam Bảo mới chỉ là phát nguyện, còn chúng ta có thực hướng về Tam Bảo hay không đó lại là hành nguyện=Trì giới. Điều này cũng tương tự khi chúng ta phát nguyện sanh về Cực Lạc, nhưng tâm chúng ta có thực hướng về Cực lạc hay không đó phải là: Tin sâu-Nguyện thiết-Thực tâm hành.
TN cùng các Đạo hữu thành tâm chúc bạn vững bước trên đường đời cũng như tu đạo để tự giác, giác tha.
TN chép tặng bạn lời dạy của PS Tịnh Không: Nhìn thấu – buông xả – tự tại – tùy duyên – niệm Phật…
A Di Đà Phật
A DI ĐÀ PHẬT! Con rất chân thành hoan hỉ cảm ơn những lời chỉ dạy tận tình tất cả qúy vị! Chúc mọi người luôn vui vẻ và tinh tấn!
Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi A Di Đà Phật