Ý Nghĩa Chân Thật Của Quy Y Tam BảoĐồng tu tiếp nhận tam quy không luận là bạn ở đạo tràng nào, không luận là vị pháp sư nào truyền thọ, việc này đều không hề quan trọng, quan trọng nhất là phải hiểu rõ ý nghĩa chân thật của tam quy.

Tam chính là ba điều mục.
Quy là quay lại, hồi đầu.
Y là nương tựa

Tam quy y, danh từ “quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”, vào thời xưa giảng giải, mọi người đều có thể lý giải, không đến nỗi sanh ra hiểu lầm. Hiện tại hiểu lầm, cho rằng Phật pháp là tôn giáo, mê tín, cho nên hiện tại chúng ta đối với Phật-Pháp-Tăng Tam Bảo phải giảng cho thật rõ ràng, tường tận. Vào hơn một ngàn ba trăm năm trước, Đại Sư Huệ Năng – Tổ thứ sáu của Thiền tông chúng ta giảng về “Quy Y” đã không dùng danh từ “Phật-Pháp-Tăng”, mà dùng danh từ “Giác-Chánh-Tịnh”, có thể thấy được cách nói phải khế cơ. Nhất định phải hiểu được khế cơ. Vì sao Đại sư Huệ Năng không nói Phật-Pháp-Tăng? Vì sợ thính chúng sanh ra hiểu lầm, không dễ dàng lý giải, không nhận được hiệu quả thực tế, cho nên Đại Sư Ngài đổi lại thành “Giác-Chánh-Tịnh”; Quy y Giác, Quy y Chánh, Quy y Tịnh. Phật là “Giác” vậy, Pháp là “Chánh” vậy, Tăng là “Thanh Tịnh” vậy. Cách nói này làm chúng ta nghe qua cảm thấy rất là dễ hiểu, hơn nữa ba chữ này đều là lưu xuất ra từ tự tánh. Quy y Giác là tự tánh Giác. Do đây có thể biết, quy y không phải là quy y người khác. Mỗi ngày chúng ta tu thời khóa sớm tối gọi là “Tam tự quy”. Các vị tụng “tự quy y Phật, tự quy y pháp”, không phải là quy y người khác. Chữ “tự” này là nói tự tánh. Phật là “tự tánh giác”, Pháp là “tự tánh chánh”, Tăng là “tự tánh tâm thanh tịnh”. Chúng ta đối với giáo huấn của Phật Đà thật bội phục đến năm vóc sát đất. Phật không hề dạy chúng ta quy y Ngài, mà Phật dạy chúng ta quy y tự tánh Tam Bảo.

Tam quy y này nhất định không phải quy y một vị Pháp sư. Quy y một vị pháp sư, tôi ở lúc trước đã giảng giải rất tường tận, bạn nhất định đọa địa ngục A Tỳ. Tại sao vậy? Bạn đã phạm tội phá hòa hợp tăng. Vị pháp sư này là sư phụ của tôi, vị pháp sư kia không phải là sư phụ của tôi, bạn đang phân hóa tăng đoàn, bạn đang phá hòa hợp tăng, tội lỗi này là A Tỳ địa ngục. Cho nên chúng ta nhất định phải biết, quy y Tam Bảo không phải là quy y một vị pháp sư nào.

Chúng ta là một phần tử trong tăng đoàn Tam Bảo, ra mặt đại diện truyền thọ Tam Quy Y cho mọi người, làm chứng minh cho mọi người. Bạn không thể nói là những người này quy y tôi, tôi sẽ làm ra một đảng phái, sẽ đối lập lại với người khác. Phật pháp cùng quốc gia, cùng chủng tộc, cùng các tôn giáo, cùng tất cả chúng sanh vĩnh viễn là hòa thuận tin cậy, không đối lập.

Cho nên mọi người cần phải ghi nhớ, hễ người có sự đối lập thì không phải học Phật, thì không phải là đệ tử Phật. Đệ tử Phật cùng với tất cả chúng sanh nhất định không có đối lập, mà hòa thuận cùng sống với nhau, bình đẳng đối đãi, nhà Phật gọi là hòa bình.

Hiện tại ngay trong đồng tu chúng ta, người quy y Tam Bảo rất nhiều, thế nhưng có thọ trì hay không thì chưa chắc. Ở trước mặt Phật Bồ Tát phát thệ, làm nghi thức quy y, nhưng trên thực tế bạn không hề quy, cũng không hề y, bạn chỉ làm hình thức, làm ra dáng vẻ mà thôi, vậy thì không thể dùng. Bạn nhất định phải thọ trì. Thọ là gì? Thọ là hoàn toàn tiếp nhận. Hai chữ “tiếp nhận” này không phải là dễ dàng. Nếu như đối với đạo lý của Tam Quy Y bạn không thông hiểu, không tường tận, không biết hành pháp của Tam Quy chính là tác pháp thực tiễn ngay trong cuộc sống thường ngày thì bạn làm sao học tập? Công đức, lợi ích, cảnh giới, chỗ tốt của Tam Quy Y bạn không biết được thì bạn làm sao có thể sanh tâm hoan hỉ? Cho nên truyền thọ của Tam Quy nhất định phải giảng cho rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo.

Căn bản đại pháp là mười điều cương mục rất dễ dàng ghi nhớ. Người xưa dạy chúng ta phương pháp ghi nhớ là “thân ba, khẩu bốn, ý ba”. Thân có ba thiện là “Không sát sanh, Không trộm cắp, Không dâm dục (đồng tu tại gia Không tà dâm)”. Khẩu có bốn thiện là “Không vọng ngữ, Không hai chiều, Không thêu dệt, Không ác khẩu”. Ý có ba thiện là đối với tất cả pháp thế xuất thế gian “Không tham, Không sân, Không si”. Phải thật làm! Mười điều này bạn làm được rồi, cũng như nói bạn có nền tảng rồi (nền tảng ở đây là đất pháp tánh), thì bạn mới có tư cách học Phật.

Học Phật bắt đầu từ Tam Quy, Ngũ Giới. Mười điều trên bạn làm được rồi thì bạn mới có tư cách quy y Tam Bảo, bạn có tư cách thọ trì chúng giới. Nếu như ngay đến đất pháp tánh, chỗ để đứng bạn cũng không có, thì bạn nương vào cái gì? Đạo lý này chúng ta không thể không hiểu, chúng ta không thể không xem trọng. Bạn học Phật gì, tu đạo gì, mà ngay căn bản để đứng cũng không có, vậy thì bất cứ thứ gì đều không cần nói, đạo của bạn tu là đạo của yêu ma quỷ quái, chắc chắn không phải chánh pháp, chắc chắn không phải Phật đạo. Không những không phải Phật đạo, trên kinh nói được rất rõ ràng, không phải cõi trời, cũng không phải cõi người, vì trời người đều lấy mười thiện này làm nền tảng. Vậy thì bạn có thể biết bạn đi con đường nào, bạn đi cõi quỷ, cõi địa ngục, cõi súc sanh, bởi vì những cõi này không cần lấy mười thiện làm nền tảng. Mười thiện làm nền tảng thì bắt đầu từ cõi người, “nhất thiết nhân thiên, y chi nhi lập”, hay nói cách khác, không tu mười thiện chính là đi ba đường ác. Nếu bạn muốn được sanh cõi trời người, thì bạn phải cố gắng tu “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, bạn mới có thể được phước báo trời người. Đại đạo cứu cánh viên mãn của tất cả Phật pháp chính là viên mãn “Thập Thiện Nghiệp Đạo”.

Trích lời HT. Tịnh Không giảng từ:
– PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 23)
– Tịnh Nghiệp Tam Phước tập 3
– PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH (tập 80)