Bí quyết niệm Phật là “không hoài nghi, không xem tạp, không gián đoạn”, không xem tạp bất kỳ vọng niệm nào. Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát nói với chúng ta trong Tây Phương Xác Chỉ, ngay cả chúng ta tụng kinh, trì chú, lạy sám hối, làm pháp hội đều là xen tạp. Những việc này còn không được huống là việc gì khác. Niệm Phật như vậy mới gọi là nhất tâm.
Pháp môn Tịnh Độ thật như Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát nói trong Tây Phương Xác Chỉ: điều tối kỵ chính là xen tạp. Xen tạp pháp thế gian không thể vãng sanh, xen tạp Phật pháp cũng không thể vãng sanh. Bí quyết là ở chỗ “chuyên tu”. Thật ra pháp môn nào cũng đều phải chuyên, không được tu tạp, không được học quá nhiều. Càng đơn giản, càng chuyên càng tốt vì “chuyên” mới có thể được “từ tâm thanh tịnh” (tâm từ bi thanh tịnh). Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng thì cái gì cũng đạt được. Còn không chuyên thì cái này cũng muốn, cái kia cũng muốn. Không phải Phật Pháp Đại Thừa không tốt, tất cả kinh pháp đều tốt, đều muốn học thì là xen tạp. Một đời này không có nhiều thời gian và sức lực như vậy thì làm sao có thể thành công? Vô lượng kinh điển, vô lượng pháp môn, bạn chỉ có thể học một môn. Điểm này rất quan trọng, vì một môn mới có thể thành tựu “tam muội”, mới có thể đắc định, mới có thể tiêu trừ được vọng tưởng, tạp niệm, phiền não. Dùng tâm thanh tịnh hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ, không ai là không được vãng sanh.
Thật sự muốn thành tựu thì phải quyết một lòng lão thật niệm Phật. Lão thật là từ đây về sau không tu thêm pháp môn khác. Nếu lại đi hành hương, vẫn còn lạy Lương Hoàng Sám thì không lão thật. Lại đi tụng Kinh Kim Cang, Kinh Hoa Nghiêm cũng không lão thật. Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát nói trong Tây Phương Xác Chỉ, người niệm Phật tối kỵ xen tạp. Xen tạp là gì? Ngoài việc tụng Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ ra, tụng kinh nào cũng đều là xen tạp. Trì chú cũng là xen tạp, tập tâm chuyện phiếm thì càng khỏi phải nói nữa. Vẫn muốn thần thông cảm ứng cũng đều là xen tạp. Ngay cả làm pháp hội cũng là xen tạp. Tại sao vậy? Tâm không chuyên, Phật hiệu gián đoạn rồi.
Trích Niệm Phật Thành Phật
Lão pháp sư Tịnh Không giảng
Tịnh Nghiệp chuyển ngữ
Trong niệm phật thập yếu, hòa thượng thỉền tâm cũng có bàn đến phần này:
Chương V: Đệ Ngũ Yếu
Niệm Phật Phải Hành Trì Cho Thiết Thật
Khải Đề:
Lặng ngồi chốn tĩnh lâu
Trăng sáng, gió canh thâu!
Bát Nhã hương lòng nhẹ.
Lăng Già niệm ý sâu
Phật, Tâm chung một vẻ
Thiền, Tịnh chẳng hai mầu
Ngưng chuỗi, thầm riêng hỏi
Hoa đêm điểm điểm đầu…
Mục A. Môn Niệm Phật Với Tứ Đoạt Và Tứ Hạnh
Tiết 26 Hạnh Tinh Chuyên Cũng Là Điểm Không Thể Thiếu
Như trên đã nói, điểm thiết yếu của môn Niệm Phật là phải phát nguyện vãng sanh. Nếu nghĩ rằng: “Ta chỉ cầu niệm hồng danh muôn đức của Phật A Di Đà cho thật nhiều, tự nhiên sẽ có vô lượng công đức; dù không vãng sanh, công đức ấy cũng chẳng mất.” Nghĩ như thế là sai lầm nguy hiểm và thiếu trí huệ. Bởi có hạnh mà không nguyện thì công đức ấy sẽ biến thành phước báo ở đời sau. Đời thứ hai đã hưởng si phước tất dễ tạo nghiệp, sang đời thứ ba nhất định phải bị đọa lạc tam đồ, đó là điều sai lầm, nguy hiểm! Vì thế, ở trên mới gọi tín nguyện là “huệ hạnh”.
* Đã có đủ Tín Nguyện mà thiếu phần Hạnh, ví như chiếc thuyền có lái không chèo, cũng không thể vãng sanh. Có kẻ nghe nói: “Chỉ cần tín nguyện chân thiết, khi lâm chung mười niệm hay một niệm cũng quyết được sanh Tây Phương”, thì liền nghĩ rằng: “Nếu như thế cần chi phải vội gấp, để lúc sắp chết niệm Phật cũng được!” Ý niệm này cũng sai lầm, bởi vì quá xem thường hành môn Niệm Phật. Phải biết, điểm quan yếu để vãng sanh, theo trong kinh văn là: “Người ấy khi lâm chung lòng không điên đảo” (Thị nhơn chung thời tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh A Di Đà Phật Cực Lạc quốc độ – Kinh Phật Thuyết A Di Đà). Như quả lúc lâm chung lòng không điên đảo, thì niệm mười niệm hay một niệm cũng được vãng sanh. Nhưng ai dám bảo rằng: mình khi lâm chung lòng không điên đảo? Nếu lúc bình thời không tinh chuyên dụng công, đến khi mạng chung, bốn đại phân ly, sức nghiệp dồn dập, thân tâm bị sự khổ làm cho kinh hoàng mê loạn, sợ e một niệm cũng không thể thật hành, huống chi mười niệm? Như muốn cho khi lâm chung có phần bảo đảm, lúc bình thời hành giả phải tinh chuyên niệm Phật cho nhiều, và gắng tu tập trình độ “nhứt tâm bất loạn”. Bằng chỉ đợi khi sắp chết mới niệm, trên đạo lý nói ra thì cố nhiên suốt thông, nhưng lại e trên sự thật chẳng phải là đơn giản. Cho nên các hành giả niệm Phật phải gắng dụng công, đừng lơ là khinh thường sự hành trì, mà rước lấy nỗi thất bại.
Tiết 27 Niệm Phật Với Tứ Đoạt
Môn Niệm Phật vãng sanh là giáo pháp viên đốn Đại Thừa, bởi người tu lấy sự giác ngộ nơi quả địa làm điểm phát tâm ở nhân địa. Từ một phàm phu trong tứ sanh lục đạo, nhờ Phật tiếp dẫn mà lên ngôi Bất Thối, đồng hàng với bậc thượng vị Bồ Tát; nếu chẳng phải chính miệng Phật nói ra, ai có thể tin được? Bởi muốn vào vị Sơ Trụ lên ngôi Tín Bất Thối người tu các giáo môn khác phải trải qua một muôn kiếp, mà mỗi đời đều phải liên tục tinh tấn tu hành. Nếu nói đến Vị Bất Thối, Hạnh Bất Thối, Niệm Bất Thối lại còn xa nữa! Về môn Tịnh Độ, hành giả đã tin tha lực lại dùng hết tự lực, tất muôn tu muôn người vãng sanh, siêu thoát luân hồi không còn thối chuyển.
Nếu dùng hạnh Niệm Phật để phát minh tâm địa, ngộ tánh bản lai, thì tông Tịnh Độ không khác với các tông kia. Còn dùng Niệm Phật để vãng sanh cõi Phật, thì tông này lại có phần đặc biệt.
Cổ đức bảo:
1. Sanh tất quyết định sanh, về thật không có về: là đoạt cảnh chẳng đoạt người.
2. Về tất quyết định về, sanh không thật có sanh: là đoạt người chẳng đoạt cảnh.
3. Về thật chẳng có về, sanh cũng thật không sanh: là cảnh và người đều đoạt.
4. Về tất quyết định về, sanh cũng quyết định sanh: là cảnh và người đều không đoạt.
Trên đây là bốn câu giản trạch và Tứ Đoạt của môn Tịnh Độ. Chữ “đoạt” có nghĩa là: thông suốt lý thể. Bởi toàn thể pháp giới là nhứt tâm, người và cảnh đều như huyễn, nếu thấy có người vãng sanh, có cảnh để sanh về, là còn chấp nhơn chấp pháp, phân biệt kia đây, nên gọi là “không đoạt”, tức không thông suốt lý thể. Và trái lại, tức là đoạt. Tiên đức nói: “Có niệm đồng không niệm. Không sanh tức là sanh. Chẳng phiền dời nửa bước. Thân đến Giác vương thành”, tức là ý này.
Người và cảnh đều đoạt, là mức cao tuyệt của hành giả niệm Phật. Nhưng y theo ba kinh Tịnh Độ và Thiên Thân Luận (Kinh Phật Thuyết A Di Đà, Vô Lượng Thọ, và Quán Vô Lượng Thọ – Thiên Thân Luận tức Vãng Sanh Luận hay Vô Lượng Thọ Kinh Luận) thì nên lấy “người và cảnh đều không đoạt” làm tông, mới hợp với ý nghĩa hai chữ “vãng sanh”. Bởi đức Như Lai biết hàng phàm phu ở cõi ngũ trược, nhứt là thời mạt pháp này, nghiệp chướng sâu nặng, lập cảnh tướng để cho y theo đó trụ tâm tu hành, còn khó có kết quả nói chi đến việc lìa tướng ư? Phàm phu đời mạt pháp trụ tướng mà tu tất hạnh nguyện dễ khẩn thiết, kết quả vãng sanh cũng dễ đoạt thành. Khi về Tây Phương, chừng ấy lo gì không được chứng vào thể vô sanh vô tướng? Nếu chưa phải là bậc thượng căn lợi trí, vội muốn cầu cao, thích lìa tướng tu hành tất tâm không nương vào đâu để sanh niệm khẩn thiết, nguyện đã không thiết làm sao được vãng sanh. Không vãng sanh chi khỏi cảnh luân hồi khổ lụy? Ấy là muốn mau trở thành chậm, muốn cao trái lại thấp, muốn khéo hóa ra vụng đó! Nhiều kẻ ưa nói huyền lý, thường bác rằng: “Niệm Phật cầu sanh là chấp tướng ngoài tâm tìm pháp, chẳng rõ các pháp đều duy tâm.” Những người này ý muốn diệu huyền, nhưng kỳ thật lại thành thiển cận! Bởi họ không rõ Ta Bà đã duy tâm thì Cực Lạc cũng duy tâm, tất cả đâu ngoài chân tâm mà có? Vậy thì niệm Phật A Di Đà là niệm đức Phật trong tâm tánh mình, về Cực Lạc tức về nơi cảnh giới của tự tâm, chớ đâu phải ở ngoài? Ta Bà và Cực Lạc đều không ngoài tâm, thì ở Ta Bà để chịu sự điên đảo luân hồi, bị ngọn lửa ngũ trược đốt thiêu, sao bằng về Cực Lạc an vui, hưởng cảnh thanh lương tự tại? Nên biết đúng tư cảnh để tôn sùng, duy tâm Tịnh Độ, phải là bậc đã chứng pháp tánh thân, mới có thể tự tại trong mọi hoàn cảnh. Chừng đó dù trụ Ta Bà hay Cực Lạc cũng đều là Tịnh Độ, là duy tâm, là giải thoát cả. Bằng chẳng thế thì dù có nói huyền nói diệu vẫn không khỏi sự hôn mê khi cách ấm, rồi tùy nghiệp luân hồi chịu khổ mà thôi!
Tiết 28 Niệm Phật Với Tứ Hạnh
Sở thích và túc căn của chúng sanh vẫn thường sai biệt cho nên tuy đồng tu hạnh Niệm Phật, sự hành trì chẳng khỏi có điểm không giống nhau. Vì thế, trên đường Tịnh Độ, cổ nhơn đã khái ước chia thành bốn hạnh là: Thiền Tịnh, Giáo Tịnh, Mật Tịnh và Thuần Tịnh.
1. Những vị lấy niệm Phật làm chánh, tham thiền làm phụ, thuộc về hạnh Thiền Tịnh. Đây cũng là lối Thiền Tịnh song tu, nhưng lại lấy sự vãng sanh Tịnh Độ làm yếu điểm chung cuộc, còn việc thấy tánh ngộ đạo chỉ thuộc phần tùy duyên.
2. Những vị lấy niệm Phật làm chánh, tụng kinh làm phụ, gọi là tu hạnh Giáo Tịnh. Về phần kinh giáo, có người thích tụng Kinh Kim Cang hay Di Đà; có vị thích tụng Hoa Nghiêm hay Pháp Hoa, hoặc phẩm Phổ Môn hay Phổ Hiền Hạnh Nguyện chẳng hạn.
3. Những vị lấy niệm Phật làm chánh, trì chú làm phụ, đó là tu về hạnh Mật Tịnh. Trong sự trì chú, mỗi người lại ưa thích riêng mỗi môn Đà Ra Ni, như: Đại Bi, Chuẩn Đề, Vãng Sanh, Công Đức Bảo Sơn, Văn Thù Ngũ Thanh thần chú, Lục Tự Đại Minh chân ngôn, hoặc các Đà Ra Ni khác.
4. Những vị chỉ chuyên niệm Phật, không xen tạp môn nào khác, thuộc về các hành giả tu hạnh Thuần Tịnh.
Trong đây các vị căn cơ cao thì theo Thập Lục Quán, còn đại đa số chỉ chuyên về hạnh Trì Danh.
* Thiện Đạo hòa thượng và Vĩnh Minh thiền sư bên Trung Hoa, tương truyền đều là hóa thân của Phật A Di Đà. Nhưng Thiện Đạo hòa thượng chỉ dạy chuyên niệm Phật; Vĩnh Minh thiền sư thị hiện mỗi ngày ngoài việc niệm mười muôn câu Phật hiệu, còn tu các hạnh khác, tất cả gồm 108 môn. Ấn Quang pháp sư đã phê phán: “Đồng dạy về Tịnh Độ, nhưng lối khai thị của ngài Thiện Đạo là để tiếp dẫn hàng trung, hạ căn thuộc về chuyên tu. Còn lối khai thị của ngài Vĩnh Minh để riêng khuyến tấn bậc thượng thượng căn, thuộc về viên tu.” Người đời mạt pháp phần nhiều là bậc trung, hạ căn. Vì thế, với bốn hạnh trên, nếu muốn chắc chắn được vãng sanh, có lẽ nên tu theo đường lối Thuần Tịnh. Nhưng đã nói sở thích và túc căn của mỗi người đều sai biệt, không thể ép buộc được, thì mặc dù có kiêm tu hạnh khác, hành giả Tịnh Độ cũng cần lưu ý đến hai phần chánh và trợ cho phân minh. Mà phần chánh phải luôn luôn lấn nhiều hơn phần trợ. Như thế đường tu mới không mất mục tiêu và sự vãng sanh cũng không bị chướng ngại.
Vậy xin hỏi quý đạo hữu nếu niệm phật mà hành trì thêm các môn khác đều là tu tạp ? Ở chùa các thầy trong các thời khoá có thêm tụng chú, phóng sanh cũng có kèm chú vãng sanh, lạy sám hối cũng đầy đủ kinh nhật tụng, hay đôi khi lễ phật đản có kệ tắm phật, v.v, rằm tháng bảy đọc kinh mục kiền liên báo hiếu cha mẹ, v.v., như vậy có bị xem là tu tạp hay không ? Mong giúp con thông suốt vấn đề này. Nam mô a di đà phật.
A Di Đà Phật.
Thanhtam: “Ở chùa các thầy trong các thời khoá có thêm tụng chú, phóng sanh cũng có kèm chú vãng sanh, lạy sám hối cũng đầy đủ kinh nhật tụng, hay đôi khi lễ phật đản có kệ tắm phật, v.v, rằm tháng bảy đọc kinh mục kiền liên báo hiếu cha mẹ, v.v., như vậy có bị xem là tu tạp hay không ?”
Huệ Tịnh: Các thầy tuỳ thuận chúng sanh trong các thời khoá cho các Phật tử mà tụng các loại nghi thức khác nhau. Mỗi chúng sanh mỗi căn cơ nhơn duyên vô số khác nhau cho nên các thầy phải tuỳ duyên khéo khuyên hướng dẫn các Phật tử về chùa để phát tâm Bồ Đề. Ai có căn ngộ ra pháp lanh lẹ hơn thì cố gắng âm thầm tự chuyên tu theo pháp môn của mình thích để tự giác giác tha. Đừng đem căn cơ của mình ra để chấp phân biệt tui chuyên tu này hay nguời kia là tạp tu không có lợi ích gì cả. Trước khi chuyên tu cũng phải từ tạp mà ra chứ không thể nói một cái là chuyên tu liền đâu. Mỗi người mỗi chủng tử gieo trồng sâu cạn khác nhau tuỳ duyên đừng thị phi đúng sai. Chuyên tu và tạp tu vô phân biệt đó là trung đạo cho hành giả tu niệm Phật.
Tu hành đừng cố chấp vọng tâm căng thẳng quá đi cầu nhất tâm bất loạn vì nghiệp lực của chúng ta rất phức tạp, không cẩn thận dễ bị tẩu hỏa giống vài câu chuyện cư sĩ Diệu Âm kể lại. Vãng sanh TPCL hay không là do “thiện căn phước đức nhơn duyên” của mình đã gieo trồng trong vô số kiếp trước đủ chưa mới sẽ được hái quả trong kiếp này thôi. Nếu chưa đủ điều kiện kiếp này thì làm sao ép để vãng sanh? Thiệt không thể lấy cát để nấu thành cơm. Cho nên ai cũng nghe qua câu phải “lão thật niệm Phật” nhưng mấy ai trong thời mạt pháp có đủ thiện căn phước đức để thực hành cho nổi. Nếu chỉ có thể tiếp tục gieo trồng tăng trưởng thiện căn phuớc đức kiếp này để hy vọng kiếp sau thành tựu như ý thì bắt buộc phải tùy duyên vậy thôi. Cho nên tất cả các phương tiện là chánh pháp của chư Phật ba đời để chúng sanh tùy duyên dùng tưới mát tăng trưởng chủng tử Bồ Đề.
=================
“Ít nói một câu chuyện,
Nhiều niệm một câu Phật,
Ðánh chết được vọng niệm,
Pháp thân ngươi hiển lộ.”
Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát khai thị niệm Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Xin đa tạ cư sĩ Huệ Tịnh và những lời khai thị quý báu. Mong chư Phật gia hộ cho cư sĩ luôn tinh tấn và viên mãn đạo tâm.
Nguyện đạo hữu ThanhTâm luôn luôn được mười phương Tam Bảo Oai Thần gia trì tinh tấn niệm Phật tâm không chướng ngại sớm ngày sanh về Cực Lạc thành tựu Đại Nguyện Phổ Hiền Hạnh.
Tuỳ duyên niệm Phật,
Mặc kệ thị phi,
Hơn thua danh lợi,
Chết rồi cũng mất.
Duy chỉ Di Đà,
Không bỏ thân ta,
Nương theo niệm Phật,
Chánh niệm hiện tiền,
Tức đắc vãng sanh,
Tây Phương Cực Lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật!
con rất yêu kinh điển , thường đọc kinh địa tạng và nhân quả 3 đời , còn rất nhiều kinh khác , và muốn đọc thêm để biết đc những lời đức Phật nói/dạy mình , nhưng con k hiểu tại sao làm như vậy là k đúng .
ở đa số chùa con thấy có cả tủ kinh điển to đùng và có những kinh điển chờ phật tử thỉnh về để đọc k phải sao ? và mọi ng đều biết là bỏ tiền ra cho chùa ấn tống kinh điển là đc công đức , nhưng tại vì sao khi tu pháp môn tịnh độ lại cho là k cần đọc kinh ?
niệm phật rất tốt nhưng k đọc kinh thì bỏ xót rất nhiều điều mà Đức phật dạy .. con muốn sanh về Tây phương nhưng ít nhất đời này ngoài niệm phật ra , sự thật là mọi ng còn rất nhiều điều phải làm trong cuộc sống và con muốn sống đúng như lời phật dạy thì chỉ có tìm đến kinh điển học hỏi .
nếu tụng tất cả kinh đều k nên , vậy thời xưa A nan viết lại kinh sách để đời làm gì nhỉ ?
con chỉ nói những lời con nghĩ, những chuyện con thắc mắc , xin chỉ dạy cho con .
A Di Đà Phật.
Xin gửi đạo hữu Gia Gia,
7. Thời khóa niệm Phật: Đại sư Đế Nhàn cho Ôn Quang Hy quyển sách nói rằng: “Nay tặng ông quyển nhật khóa nghi quy, chiếu theo đây mà thực hành thì đánh tan được vọng duyên. Mỗi ngày thực hành đến sáu lần thì đến lúc qua đời yên ổn giữ lấy đài sen, việc dễ như trở bàn tay. Mỗi lần chỉ cần tụng một quyển kinh Di-Đà, ba biến chú vãng sinh, niệm danh hiệu Phật ba nghìn câu, rồi hồi hướng, phát nguyện, lễ bái, tam quy, không nhọc phải quán tưởng, không cần phải tham cứu, khẩn thiết trì danh, thật tâm thật hành, thực hành cho đến lúc qua đời mà cầu cho đạo cảm ứng không giao nhau cũng không thể được.”
Trích Từ Liên Trì Pháp Vũ Tập.
http://www.tinhdo.net/khaithi/56-khac/391-lientriphapvutap.html
Nam Mô A Di Đà Phật!
A Di Đà Phật – Chào đạo hữu Gia Gia,
Bạn có tấm lòng yêu kinh điển là điều đáng quý. Đúng vậy, ở chùa có rất nhiều kinh sách đợi quý Phật Tử thỉnh về đọc, người phát tâm ấn tống những kinh sách đó đều có công đức rất lớn, khi xưa Ngài A Nan để lại nhiều kinh sách là để cho THỜI SAU chúng ta đọc, tìm hiểu nghiên cứu rồi theo đó mà y giáo phụng hành lời Phật dạy. Nếu là người mới phát tâm tìm hiểu Phật Pháp mà không tìm kinh sách để đọc thì làm sao biết trong Phật Pháp có những gì.
VT vẫn nhớ thời còn đi học khi mà mình bị bệnh hay bận việc nhà, nghỉ học một tháng thôi thì khi trở vào lớp học lại sẽ không theo kịp các bạn là tại sao? Bài sau có liên quan từ bài trước. Giả sử như bạn có đứa con nhỏ đang học lớp 1, bạn đưa cháu vào thẳng lớp 6, lớp 7 thì cháu có học được không? Do vậy bài ở trường là có thứ tự. Do vậy bạn có thắc mắc khi đọc bài viết trên thì cũng không có gì là lạ cả. Bài viết trên là HT Tịnh Không đang nói về phần Hạnh trong pháp môn niệm Phật, lại là chỗ cao tột, cái chỗ mà sắp sửa chuẩn bị bước qua giai đoạn niệm Phật thành khối, thành phiến, nhất tâm bất loạn…Do vậy bạn nên biết rằng người mới phát tâm học Phật đâu phải HT nói ngay bài pháp này mà Ngài sẽ hướng dẫn từ đệ tử quy rồi liểu phàm tứ huấn rồi thập thiện nghiệp đạo rồi dần dần mới tới kinh Vô Lượng Thọ…rồi lâu lắm mới tới bài pháp này.
Ở đoạn trên VT đặc biệt nhấn mạnh hai chữ THỜI SAU là vì Trong kinh Đại Tập nói rằng:” thời Chánh Pháp (gồm 1.000 năm từ lúc Phật thành đạo) tu Giới Luật được thành tựu. Thời Tượng Pháp (1.000 năm kế tiếp) tu Thiền Quán được thành tựu. Thời Mạt Pháp (10.000 năm tiếp theo) tu Tịnh Độ được thành tựu. Hiện nay Phật lịch của chúng ta là năm 2559 (2015 DL) tức là chúng ta đang ở vào thời kỳ Mạt Pháp. Cho nên nếu người tu Phật thời nay muốn thành tựu lý tưởng giải thoát thì nên tu theo pháp môn Tịnh Độ (hay còn gọi là Niệm Phật).”
Như bạn biết là trong xả hội chúng ta có quá nhiều ngành nghề phải không, ai có duyên với nghề nào thì đi nghề đó và ông bà chúng ta cũng thường nói:”Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Nếu như nghề nào bạn cũng muốn học thì bạn sẽ không đủ thời gian và sức lực để làm điều đó. Ví như người y tá tuy là không biết sửa xe, không biết xây nhà, không biết sửa điện…nhưng cô ta chỉ cần giỏi trị bệnh kiếm được tiền, dùng tiền để mướn người khác sửa xe, sửa nhà, sửa điện…là được rồi, nếu cô ta biết sửa xe, sửa điện nữa thì cũng tốt thôi. Nhưng làm như vậy sẽ tốn thêm thời gian và công sức có khi lại còn ảnh hưởng đến việc chính là nâng cao tay nghề để từ y tá trở thành bác sỉ có phải tốt hơn không? Cho nên HT Tịnh Không mới dạy:” Một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu”.
Đức Bổn Sư để lại tam tạng kinh điển, mỗi bộ kinh đều có chỗ thậm thâm vi diệu không thể nghĩ bàn, nếu không nhờ đọc kinh thì với trí phàm phu của chúng ta không cách gì hiểu được chẳn hạn như cảnh giới địa ngục trong kinh Địa Tạng rồi nhân quả 3 đời…Do vậy Tam Tạng kinh điển như là một rừng giáo lý, người sơ cơ phát tâm học Phật không biết bắt đầu từ đâu và cứ quẩn quanh như đi lạc sâu vào trong rừng rậm, không biết ngỏ ra, không biết muốn tìm thứ gì và mục đích để làm gì? Mãi cho đến khi bạn nhận ra rằng mục đích là để “phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, thoát vòng sanh tử luân hồi” là đúng rồi.
Nói chung người sơ cơ mới phát tâm học Phật thì nên tìm kinh Phật để đọc là đúng rồi. Sau khi đọc kinh xong cần phải nghe lời thầy tổ giảng nữa thì mới có thể hiểu được. Có hiểu được thì mới hành được, có hành được thì mới có lợi ích thiết thực.
Kinh Viên Giác nói :”Pháp là ngón tay chỉ mặt trăng, nương ngón tay để thấy mặt trăng, chớ nhận lầm ngón tay là mặt trăng”. Lại nữa, pháp ví như thuyền bè để qua sông, khi qua sông rồi thì không dùng thuyền bè nữa. Do vậy người sơ cơ phát tâm học Phật ví như người chưa qua sông, cần phải nương thuyền bè là kinh sách để đọc, khi đã đọc nhiều kinh sách, thông hiểu giáo lý rồi thì lúc này chuyển qua giai đoạn chuyên tu thực hành. Trong giai đoạn chuyên tu thực hành này thì bên Tịnh Tông chỉ niệm Phật mà thôi, không đọc kinh trì chú gì cả. Điều này cũng không xa lạ gì với bên Thiền Tông như một vị thiền sư đã nói:
“Phật Pháp lưu truyền tám vạn tư,
Học hành không thiếu cũng không dư,
Đến nay tính lại đà quên hết,
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ”
Bạn đã có duyên lành đến với nơi đây là đạo tràng tu Tịnh Độ và bạn cũng muốn đời này vãng sanh Tây Phương thì VT nghĩ bạn nên tìm kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà mà đọc. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ có một đoạn quan trọng mà VT nhớ hoài, cũng gỏ ra đây không biết bao nhiêu lần: “Phật bảo Vi Đề Hy: Muốn sanh về Cực Lạc PHẢI tu ba thứ phước:
1:Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp.
2:Thọ trì Tam Quy, giử vẹn các giới, đừng phạm oai nghi.
3:Phát bồ đề tâm, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh đại thừa, khuyến tấn người tu hành.
Ba điều như thế gọi là CHÁNH NHÂN tịnh nghiệp của tam thế chư Phật”.
Như vậy thì bài kinh này lại có liên quan với bài kinh trước, muốn phát được cái tâm hiếu dưởng cha mẹ thì bạn nên tìm đọc kinh Vu Lan, Báo Hiếu Phụ Mẫu Trọng Ân. Muốn tu thập thiện nghiệp thì cần tìm kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo mà đọc (để biết thập thiện nghiệp là gì, tu như thế nào), muốn tin sâu lý nhân quả thì tìm kinh Nhân Quả 3 đời mà đọc…
Nếu như bạn chịu khó nghe pháp sư Tịnh Không giảng thì bạn sẽ thấy tuy là giảng kinh Vô Lượng Thọ nhưng có nhiều lúc Ngài cũng dẫn chứng từ những kinh khác, những đoạn quan trọng. Chẳn hạn như kinh Kim Cang:” Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng…Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, Như lộ diệc như điển, Ưng tác như thị quán…” Nếu như người nào đã có đọc qua bộ kinh Kim Cang và nghe giảng qua bộ kinh này rồi thì khi nghe HT Tịnh Không giảng đoạn này chắc chắn sẽ lãnh hội được sâu sắc hơn so với người chưa biết gì về kinh Kim Cang. Có những đoạn Ngài nói đại lượt:” Hãy cẩn thận chớ tin vào ý mình, ý của mình không thể tin được, khi nào chứng quả A La Hán rồi thì mới có thể tin vào ý mình được.” Mới nghe qua tưởng chừng như là lời Ngài nói nhưng thật ra đó chính là lời Phật nói được trích từ kinh 42 chương, ở chương 28: Ðức Phật dạy: “Phải thận trọng, chớ tin ý ông; ý của ông không thể tin được. Phải thận trọng, chớ gần gũi sắc dục; gần gũi sắc dục tất sanh họa. Chứng được A-la-hán rồi mới có thể tin được ý ông.”
Nói tóm lại, vạn sự tùy duyên, cũng tùy hoàn cảnh của từng người, người nào còn trẻ, khỏe mạnh có nhiều thời gian thì nghiên cứu thêm kinh điển cũng là việc tốt nhưng nếu đã bước sang giai đoạn “lá vàng trước gió” thì thôi hãy mau mau lão thật niệm Phật cầu sanh Tây Phương, khi về Tây Phương Cực Lạc rồi thì lúc đó muốn nghiên cứu kinh sách gì cũng đều có đầy đủ, lại có nhiều thời gian (vì thọ mạng vô lượng) và lại còn được gần gủi với Phật Bồ Tát để nghe giáo pháp mỗi ngày. Khi xưa có chàng Vương Đầu Ngốc, thời nay có Hòa Thượng Hải Hiền, không biết chữ, chỉ trì niệm một câu Phật hiệu mà vãng sanh biết trước ngày giờ, quả là tấm gương sáng để mọi người noi theo.
Vài lời chia sẻ, hy vọng giúp ích phần nào cho bạn nhé.
Nam Mô A Di Đà Phật
Chào Cư Sỉ Viên Trí ạ,
Cảm ơn người đã giải thích rõ ràng, vì gia gia xưa nay rất thắc mắc vì sao thường đọc những bài viết kêu chúng ta đừng đọc kinh điển nữa, nhưng nay đã hiểu là đó là dành cho những người đã đến bậc rất cao trong việc tu học Phật pháp. Con cũng biết là Ngài A Nan để lại nhiều kinh sách là để cho mình đọc, nhưng những bài viết như vậy đã làm con hiếu kỳ, nhưng con vẫn còn đọc Kinh điển , nhưng tệ hơn là con biết có vài người sau khi đọc những bài như vậy rồi thì nghĩ là ta đây cũng kg cần đọc kinh vì mất thời gian lắm, niệm phật là đc rồi , trong khi đó những người đó kg biết gì về những chuyện đơn giãn như luật nhân quả hoặc chưa bao giờ nghe kinh nói về địa ngục như trong kinh điển thường giảng. Chẳng phải như vậy là thiếu xót rất nhiều sao. niệm phật nhưng vẫn kg sống đúng như lời phật dạy thì cũng hàng ngày tạo nghiệp ..
Nhưng cũng cảm ơn người đã chia sẽ rất nhiều với gia gia.
Gia gia đã học đc rất nhiều !
Con xem qua một số kinh điển tịnh độ thì không hiểu sao trình độ nhận thức của con kém hay sao mà con đọc nhiều không hiểu được bao nhiêu,có một số đoạn thì hiểu,kinh điển tịnh độ mà con đã đọc con thấy khó hiểu nhất là kinh Vô Lượng Thọ trong ngũ kinh tịnh độ,mặc dù kinh Vô Lượng Thọ hay hơn mấy kinh còn lại nhưng con đọc không hiểu,nhất là chỗ “Biên địa nghi thành”,con nghe nói nếu một người nào thật sự phát nguyện vãng sanh về Tây phương cực lạc và niệm hồng danh giáo chủ cõi cực lạc thì nơi ao Liên Trì ở cõi nước cực lạc sẽ mọc lên một cây sen và nêu tên người đó,mỗi lần mình dụng công niệm Phật thì giống như mình tưới nước cho cây sen đó,cho đến cây hoa sen đó được tưới nước đủ thì nó sẽ nở hoa đó cũng chính là lúc người niệm Phật được Phật báo mộng cho biết trước ngày giờ vãng sanh mà an nhiên tự tại về cực lạc.Nói chung là niệm Phật cho đến khi nào hoa sen ở ao Liên Trì nở là được vãng sanh về Tây phương,nhưng con xem kinh thấy có kinh có nói một số người lúc lâm chung được thiện tri thức nói pháp môn Tịnh độ cho người sắp chết nghe,họ chỉ nửa tin nửa nghi ngờ,tức là họ chỉ tin có 50 % thôi,vậy mà họ cũng ráng phát nguyện sanh về cõi cực lạc,kết quả họ vẫn được tiếp dẫn về Tây phương nhưng lại không phải hóa sanh mà lại ở trong thai sanh nơi biên địa nghi thành.Ngoài ra kinh còn nói khi họ dứt hết niệm nghi ngờ pháp môn này thì họ sẽ thoát khỏi Biên địa nghi thành nhập vào hạng Liên hoa hóa sanh ở thế giới Tây phương cực lạc.Như vậy cho con thắc mắc xin hỏi tại sao họ chỉ tin có một nửa (50%)bổn nguyện của Phật A Di Đà thôi mà họ vẫn được vãng sanh,mà con không hiểu tại sao về đến Tây phương rồi mà họ vẫn chưa hết ý niệm nghi ngờ với pháp môn niệm Phật này chẳng những thế họ còn mang theo cả khối nghiệp chướng lên đến tận Tây phương để nhờ Phật,bồ tát,cảnh giới thù thắng của Tây phương tiêu trừ cái khối nghiệp chướng của họ.Xin mọi người hãy trả lời câu hỏi của con tại sao họ được về Tây phương rồi mà nghiệp chướng của họ vẫn chưa tiêu hết,phải trải qua 500 năm tai ách ở Biên địa nghi thành để dần dần tiêu hết nghiệp,tại con cứ tưởng là vãng sanh về Tây phương thì nghiệp chướng của mình nó làm sao mà theo mình lên Tây phương được,mà Tây phương là cảnh giới của chư Phật làm sao nghiệp chướng có thể tồn tại ở cảnh giới đó được.Kính mong mọi người hãy giúp đỡ thắc mắc nhỏ này của con.Cảm ơn nhiều
A Di Đà Phật
Mình chỉ trả lời được 1 ý nhỏ trong câu hỏi của bạn thôi.
Ví như có người ở Việt Nam nợ người khác 100 triệu.Sau đó anh ta sang nước Mỹ,những chủ nợ của anh ta không có khả năng sang được nước Mỹ nên không đòi nợ anh ta được.Sau 10 năm,anh ta trở thành người giàu có và trở vê VN,những chủ nợ biết tin liền đến chỗ anh ta đòi nợ.Vì anh ta rất giàu,anh ta sẵn sàng trả gấp 10 lần,các chủ nợ đều rất vui vẻ hoan hỷ.
Tây Phương thì không có nghiệp ác gì cả,nghiệp chướng không tồn tại ở cảnh giới nay nhưng những gì bạn nợ người ta thì bạn vẫn phải trả.Khi ban trở thành đại bồ tát,bạn quay trở lại thế gian độ chúng sanh thì những gì nợ chúng sanh,bạn vẫn phải trả.Tuy nhiên bạn có năng lực nên việc trả nợ rất dễ dàng tự tại.
-Mình xin trích 1 đoạn khai thị của hòa thượng Tịnh Không
Sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, ác nghiệp của đời đời kiếp kiếp đều xoay chuyển lại. Những oán gia trái chủ trong đời quá khứ, nợ mạng của họ cũng được, nợ tiền cũng được, không cần bận tâm để ý. Phải trả không? Đương nhiên là phải trả? Trả bằng cách nào? Làm Bồ Tát đi độ họ, đi giáo hóa họ vì khi sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới rồi, tất cả tánh đức đều bộc lộ, trả tiền rất dễ dàng. Trong tự tánh có vô số của báu, có thể trả gấp nhiều lần cho họ, khiến họ sanh lòng hoan hỉ. Đến Tây Phương Cực Lạc thế giới mới có bản lĩnh này.
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật.
Trích yếu sách Vãng Sanh Tịnh Ðộ Quyết Nghi Hạnh Nguyện Nhị Môn của Từ Vân Sám Chủ Tuân Thức đại sư đời Tống
* Phàm là kẻ bận việc công hay làm chuyện tư, bận rộn công việc, tuy làm việc mà trong tâm vẫn thường chẳng quên Phật, luôn nhớ Tịnh Ðộ. Giống như người đời có chuyện quan trọng phải bận tâm, tuy tính toán, nói năng, nằm, ngồi, làm đủ các sự, nhưng chẳng trở ngại việc thầm nhớ, chuyện bận tâm trên đây vẫn còn y nguyên! Phải nên có tâm niệm Phật như thế! Nếu lỡ quên mất thì phải nhiều lần gom tâm lại, lâu ngày sẽ thành tánh, luôn nghĩ nhớ tùy ý.
Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật, cách Phật chẳng xa; chẳng nhọc phương tiện, tâm tự khai ngộ”.
Ràng buộc tâm như thế sẽ luôn ngăn ngừa các ác một cách tùy ý. Giả sử muốn làm ác thì do nhớ đến Phật nên ác chẳng thể thành. Dù cho có lúc ngả theo điều ác mà làm ác thì tâm cũng luôn rụt rè, giống như thân có mùi thơm sẽ tự nhiên xa lìa chỗ hôi thối.
Hơn nữa, nếu biết tâm vừa mới hơi khởi ác niệm thì liền nhớ đến Phật. Do Phật lực nên ác niệm tự dứt, như kẻ gặp nạn cầu đến cường viện (kẻ cứu viện mạnh mẽ) sẽ được thoát khỏi. Lại như lúc thấy người khác chịu khổ thì do tâm niệm Phật sẽ xót thương kẻ ấy, mong kẻ ấy thoát khổ.
Nếu phải xét xử án tù thì do niệm Phật nên sanh lòng thương xót, tuy vẫn tuân phép vua, nhưng nên thầm nguyện rằng: “Ta tuân hành vương pháp chứ chẳng phải bổn tâm muốn thế. Nguyện khi ta sanh về Tịnh Ðộ, thề sẽ cứu vớt ngươi!”
Khi trải qua hết thảy hoàn cảnh dù thiện hay ác thì do tâm nhớ Phật nên luôn tâm niệm, phát nguyện. Vì thế, đại nguyện vương của đức Phổ Hiền: “Làm hết thảy ác, đều chẳng thành tựu; nếu làm thiện nghiệp thảy đều hòa hợp” phát xuất chính từ ý nghĩa này. Trong tâm luôn niệm Phật liên tục như thế sẽ có thể thành tựu hết thảy công đức nhân duyên Tịnh Ðộ.
Nhận định:
Môn Hệ Duyên này có lợi ích rất lớn, giữ sao cho trong tâm luôn hệ niệm chẳng quên đức Phật; trong hết thảy hoàn cảnh thiện ác đều nguyện và khi làm các việc đều mật trì danh hiệu Phật chẳng sót thì có thể nói là chẳng hề lìa Ðạo trong khoảnh khắc nào.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Gửi bạn Vu Cấm:
Bạn thắc mắc vì sao một người không đủ Tín Nguyện trong pháp môn Tịnh Độ (vẫn còn nghi ngờ ở một mức độ nào đó) mà vẫn được vãng sanh nơi Biên Địa Nghi Thành ở cõi Cực Lạc? Đó là do bi nguyện tiếp độ chúng sanh của Đức Phật A Di Đà. Cũng giống như ở thế gian khi bạn thi vào một trường tuy không đủ điểm đậu ở nguyện vọng 1, nhưng vẫn đủ điểm để đậu ở nguyện vọng 2 vậy.
Trong kinh nói có 2 hạng người vãng sanh nơi Biên Địa Nghi Thành ở cõi Cực Lạc:
1. Người có đủ NGUYỆN mà không đủ TÍN: Những người này tuy có chân thật nguyện vãng sanh nhưng không tin vào việc niệm Phật vãng sanh, mà tin vào việc làm các việc phước thiện khác để hồi hướng vãng sanh. Trong kinh nói họ tin PHƯỚC mà không tin PHẬT TRÍ. Bởi vậy niềm tin của họ không đầy đủ. Nhưng vì họ vẫn làm phước hồi hướng vãng sanh nên họ vẫn đủ tiêu chuẩn sanh vào Biên Địa Nghi Thành.
2. Người có đủ TÍN mà không đủ NGUYỆN: Những người này tuy tin vào việc niệm Phật vãng sanh nhưng đối với việc vãng sanh vẫn còn do dự chứ không nhất quyết. Bởi vậy nguyện vãng sanh của họ không đầy đủ. Nhưng vì họ vẫn niệm Phật hồi hướng vãng sanh nên họ vẫn đủ tiêu chuẩn sanh vào Biên Địa Nghi Thành.
Sau khi sanh vào Biên Địa Nghi Thành thì với sự giáo hóa của 2 vị Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí sau một thời gian (tối đa là 500 năm) họ sẽ có đầy đủ Tín Nguyện để hóa sanh trực tiếp vào trung tâm của cõi Cực Lạc.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT !
Thưa thầy,con là Linh,đang là học sinh mới thi đai học xong,con cũng mới niệm phật được khoảng 7 tháng trở lại đây thôi ạ,khi niệm phật và tìm hiểu về phật pháp con cũng đã nhận ra được rất nhiều điều và từ bỏ những thói xấu theo lời phật tránh sinh lòng đố kị,hẹp hòi,con đã nghĩ thoáng hơn rất nhiều,nhưng có 1 vấn đề không hiểu sao con cứ bị ám ảnh mãi thầy ạ.con cũng buồn lắm bởi vì con có bàn chân khuyết,đứng không chạm đất hoàn toàn,nó không bằng phẳng như nhiều người,thế nên khi nhiều người nhìn vào chân con họ cứ nói “sau này mày khổ lắm,nhìn bàn chân là biết rồi”,”số m khổ lắm,chân khuyết,làm gì cũng lận đận,học mấy cũng thế” , thực sự là con đã cố gắng không nghĩ đến nó,vẫn niệm phật hi vọng, nhưng đến giờ nó cứ lảng vảng trong đầu con,con rất sợ,rất buồn,lại thêm con vừa thi trượt đại học, tất cả giáng xuống,làm con lo lắm,đau khổ,dằn vặt không giúp được ba mẹ.cố gắng không nghĩ tới mà vẫn không thoát được,tĩnh tâm đc, .kính xin thầy cho on 1 lời khuyên và việc sở hữu bàn chân như vậy có thực sự như người ta nói không ạ,con cảm ơn thầy.
1. Chấp nhận sự thật là mình ko thay đổi được…bàn chân dễ thương đó 🙂 Nếu ko có nó thì bạn nghĩ xem, chẳng phải tình hình lại càng khổ sở hơn sao? Bạn nhìn nhiều người ngồi xe lăn, hoặc chống nạn vì cụt chân tay thì mới thấy mình may mắn đến dường nào…
Vậy thì may mắn, bất hạnh chẳng qua nằm trong 1 ý niệm.
Nếu bạn cứ sống mãi trong dư luận, coi tiếng đời thị phi là rất trọng thì bạn sẽ rất khổ tâm, ko nên như vậy.
Bây giờ bạn bình lặng xem bình phẩm của họ có đáng tin ko? Người ko có bàn chân giống bạn, thậm chí rất đẹp mà vẫn phải “hồng nhan bạc phận”, vẫn là rất khổ, nhiều người khác cũng lận đận, học hành cũng vất vả, lao đao cả cuộc đời, dù họ ko có 1 khiếm khuyết gì trên cơ thể hết…vậy thì Khổ của họ là do đâu mà có? Khổ của mình là từ đâu mà sanh?
Phật dạy: Là từ Mê mà có Khổ, người giác ngộ rồi thì hết khổ.
Vậy Mê và Ngộ là từ trong nội tâm mà đặt để, chứ chẳng phải do từ cái thân vô thường này mà tạo thành. Thân này xấu đẹp là bình đẳng, vì sao bình đẳng? Vì đều là tướng hư vọng, là có sanh già bệnh chết, chẳng phải chân thật, cái thân dẫu đẹp cách mấy cũng là như vậy, toàn là đồ giả.
Nay mình học Phật rồi mà lại vì cái thân giả này mà phiền não hay sao? Việc này thiệt là không nên…Chấp cái thân này lại chẳng thể được thì lại càng chẳng thể chấp vào kiến giải phàm phu của người thế tục, tất cả đều là giả dối, chẳng phải lời chân thật.
Khi bạn nhìn thấu điều này thì bạn chẳng còn Khổ vì bàn chân dễ thương kia nữa, mà lại sanh tâm cảm ơn nó, nhờ nó mà ta giác ngộ ra nhiều điều, lại phải cảm ơn nó vì nó giúp đỡ cho ta di chuyển đi lại hằng ngày một cách dễ dàng hơn bao người khác.
Vì vậy, học Phật chính là trọng thực chất, chứ ko trọng nơi hình thức. Hình thức thì tùy duyên, xấu cũng tu được, đẹp cũng tu được, rảnh cũng tu được, bận cũng tu được. Tất cả chỉ cần xem bạn CHUYỂN TÂM của bạn như thế nào mà thôi.
A Di Đà Phật.
Vậy thì thấy người sắp chết ngồi an nhiên niệm phật phải không nhỉ?
Chắc hẳn bạn phải có lý do gì khi hỏi câu hỏi như trên vì đạo Phật là đạo từ bi mà?
Vâng đúng rồi bạn, sao mình thấ phật Tổ ngồi thiền đẻ thành phật mà sao không cứu người đàn ông chết trước mặt, mình không hỉu có j nói sai bạn bỏ qua nha, mong bạn trả lời giúp mình, a di đà phật
Pháp còn nên buông bỏ, huống gì phi pháp. Một người cố chấp, còn tâm ham muốn, yêu thích thì nhất định còn luân hồi. Nên cảng đơn giản, ít xen tạp, càng dễ nhất tâm. Đến thế giới Cực Lạc rồi, lo gì mà không được học hiểu thêm. Giờ ở đây, mình chỉ nên cố gắng để được về Cực Lạc. Còn chuyện hiểu kinh kệ này nọ, chưa phải lúc này. Hiểu mà còn luân hồi thì hiểu làm gì.
A Di Đà Phật.
NIỆM PHẬT THÀNH PHIẾN
Công phu thật sự đắc lực, vọng tưởng, tạp niệm không khởi lên, gọi là “công phu thành phiến” thì quý vị niệm Phật thành công rồi, quyết định được vãng sanh, nắm chắc vãng sanh “Phàm Thánh Đồng Cư Độ”.
Chúng ta thường nghe nói: Người vãng sanh biết trước giờ chết, không sanh bệnh, nói đi là đi, đứng mà đi, ngồi mà đi, muốn đi lúc nào thì đi lúc đó. Xin hỏi thêm, phải niệm đến công phu thế nào? Niệm đến công phu thành phiến là được rồi… Biết trước ngày giờ, tự tại vãng sanh, mỗi một người đều làm được. Ấy là công phu hạ đẳng (cấp thấp), trong tam bối cửu phẩm (ba bậc chín phẩm).
Trích: Niệm Phật Thành Phật
Lão hòa thượng Tịnh Không