Cuối năm 2009, có biến cố xảy ra trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa tại Hải Phòng. Cô con gái độc nhất bỗng tự dưng không ăn, không ngủ, miệng nói muốn đến chùa đi tu, hành động cử chỉ khác thường, giống như là bị vong nhập. Gia đình đưa đến nhà thờ, nhờ Cha đạo trừ tà. Cha giơ thánh giá lên, “nhân danh Cha và các Thánh thần” … làm đủ mọi cách … Cô gái vẫn không trở lại bình thường. Cha đạo nói rằng con bé bị điên rồi, cho đến Đông Khê đi (giống Châu Quỳ – nhà thương điên ở Hải Phòng). Vừa dứt lời cô gái nói dõng dạc: “ Tôi không điên. Cho tôi đến chùa Vẻn là tôi hết điên”.
Chùa An Biên – còn gọi là chùa Vẻn (244 Tô Hiệu, Hải Phòng). Lần đầu tiên, gia đình chứng kiến đứa con gái theo Đạo Thiên Chúa từ nhỏ của mình chắp tay trước tam bảo quỳ lạy lia lịa, xin được đi tu. Lúc bấy giờ thầy trụ trì Thích Tục Bách đi vắng, 3 hôm nữa mới về. Tiếp đón gia đình là sư thầy Thích Bản Đức (nay là trụ trì chùa Thanh Phong – An Lão – Hải Phòng), cùng thầy sư Thích Bản Tuệ (nay đang học Đại học Phật Giáo trong Huế).
“Tôi thấy có người đàn bà đi theo sau chú”, cô gái nhìn thầy Bản Đức. “Xem nào, à đấy là mẹ chú, bà đi theo đằng sau chú”. Sư thầy Bản Đức giật mình. Khi còn nhỏ, gia đình thầy ly tán, vượt biên trên biển nhưng bị đắm tàu, tất cả đều tử nạn. “Chú có muốn tìm mộ mẹ không, tôi dẫn đi”. Thế là mọi người lên đường. Cô gái chỉ thầy Bản Đức đi đến một làng chài ven biển ngoài thị xã Đồ Sơn. Ra đến một bãi tha ma ở khu 1, có rất nhiều mộ không tên. Cô gái chỉ “đây là mộ mẹ chú, kia là mộ cô X, chú Y…” Ra là hồi đó, xác người chết trên con tàu đắm đã trôi hết về làng chài này. Người dân vớt được đem chôn cả ở đây. (Chuyến tàu định mệnh này chính là vụ Gió Nam nổi tiếng Hải Phòng thời đó)
Sau vụ tìm mộ, cô gái ma nhập bỗng trở thành thầy bói bất đắc dĩ. Rất nhiều phật tử đến nhờ xem bói, hỏi chuyện hên xui… Đêm đến, khi không còn ai đến hỏi chuyện, cô gái này tuyệt nhiên không ngủ, vẫn nhanh nhẹn hoạt bát như bình thường. Cô này chỉ muốn tu Phật, muốn nghe giảng Pháp, muốn nghe kinh Phật. Và người tiếp chuyện là sư thầy Thích Bản Tuệ. Thì ra cô gái bị vong linh của một người không may chết đuối ở sông Tam Bạc nhập vào. Hiện nay vong linh này là quỷ đói dưới sông rất khổ sở, nay nghe tiếng Thượng Tọa Thích Tục Bách ở Chùa Vẻn, muốn đến xin đi tu. Không ngờ ý chí của vong linh này còn rất mạnh, thấy cô gái này phù hợp, liền cướp lấy xác mà dùng. Cả đêm tâm sự, thầy Thích Bản Tuệ đã giảng những gì cơ bản nhất của người tu Phật là giữ Ngũ giới là hành Thập Thiện …
Cuối cùng thầy Thích Tục Bách đã về. Biết chuyện thầy bèn đến nói: nào thế cô xem bói cho tôi ra làm sao. Thầy tiến lại gần, cô gái bỏ chạy vòng quanh, vừa chạy vừa nói: “Trên người thầy có ấn chứng của Phật Tổ, không dám lại gần, không dám lại gần”. Vong linh tiếp tục xin đi tu. Thầy nói, thân người không có làm sao tu. Nay sẽ bố trí lập đàn cúng siêu sinh siêu thoát tại bờ sông Tam Bạc nơi cô này đã chết đuối. Vong linh mừng lắm nói luôn, thế nếu vậy xin siêu thoát luôn cho bạn bè con chết đuối ở đó nhiều lắm, hàng nghìn người. Đàn thành được lập, vải trắng 1 cuộn rất dài thả xuống sông, bắc cầu cho vong linh được thoát ra khỏi đó. Khi khóa lễ hoàn thành, vải vốn nhẹ là thế mà bỗng hóa rất nặng nề, mấy thanh niên to khỏe cùng kéo mới lên được. Mỗi một vong linh thoát ra là một lần cái thân cô gái lại biểu lộ cử chỉ cảm ơn, từ biệt. Người trẻ, trẻ con, người già đủ cả.
Sau cùng, buổi lễ kết thúc. Vong còn lại vẫn không chịu thoát ra khỏi xác, một mực xin ở lại chùa đi tu. Mọi người khuyên bảo thế nào cũng không nghe. Lúc bấy giờ thầy Bản Tuệ lại gần nhẹ nhàng nói, muốn tu Phật mà lại chiếm xác của người khác, như vầy là phạm giới trộm cắp, vầy sao tu. Nghe rồi vong linh thống thiết suốt bái biệt mà siêu thoát. Cô gái ngất lịm.
Con người khi còn sống, chẳng chịu tu tập. Đến khi chết đi mới biết rằng hóa ra luân hồi là có thật, nhân quả là có thật, linh hồn là có thật. Đến khi chết đi mới biết, không phải chết là hết, mà thực ra chỉ là 1 sự khởi đầu của một cảnh giới khác mà thôi. Nhưng lúc đó, biết thì đã quá muộn rồi, đã thành quỷ đói, đã thành súc sanh, đã xuống địa ngục mất rồi. Này quý vị, hãy bắt đầu tu tập, hãy sám hối, hãy hành thập thiện ngay từ hôm nay. Này quý vị, thân người khó được, tu ngay kẻo trễ. Mỗi một ngày trôi qua, là cuộc đời ta đã ngắn đi một đoạn. Con người sinh ra, thật sự là để tu tập.
Liên Hoa Thái Dương
chỉ có đạo phật là giải quyết rốt ráo sinh tử luân hồi,thật ra ra đạo chúa không có thật làm gì giải quyết được chuyện này,đây là vấn đề tế nhị nhưng sự thật vẫn là sự thật đó là chân lý
Đạo Chúa là họ thờ Tứ Đại Thiên Vương, thờ mấy vị thần vị chủ trời Đao Lợi…v..v.. nhưng nếu mất đi cái thân người thì thần thức chỉ có thể được độ thoát nếuQuy Y Tam Bảo và học hạnh theo con đường Phật Pháp, mời các bạn tìm những videos nói về tâm linh của Pháp Sư (Hòa Thượng)Thích Giác Hạnh sẽ biết nhiều hơn về vấn đề tâm linh.
Nam Mô A Di Đà Phật
Theo hòa thượng Thánh Nghiêm (trong Phật Giáo Chánh Tín) thì Thượng đế của Thiên Chúa Giáo tương đương với Phạm Thiên Vương ( cỏi sắc giới)trong Phật giáo. Còn đấng Allah của Hồi giáo và Ngọc Hoàng Thượng đế của Lão giáo thì tương đương với vua trời Đế Thích (trời Đạo Lợi cỏi thứ hai trong Dục giới) của Phật giáo.
Chỉ Quy Y Phật Pháp và tu hành theo con đường Đức Phật đã nói mới có thể giải quyết luân hồi, mời các vị xem những videos “Những mẩu chuyện tâm linh” của HT.Thích Giác Hạnh để biết nhiều hơn về tâm linh, biết về khi con người bỏ cái thân xác này thì thần thức sẽ ntn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Tại sao vog linh ko có thân xác lại ko tu đc? Mình nghĩ chỉ cần vog linh đó một lòng hướng Phật, niệm Phật là đc mà. Vì mình tu là tu tâm chứ đâu phụ thuộc vào thân xác.
A Di Đà Phật.
Các đạo hữu có thể đọc bài link này để có khái niệm thêm về cõi âm không gian nó phức tạp như thế nào. Trong khi đó chúng ta đang sống trong không gian thân người rất quý và hiếm được có trong 6 nẽo luân hồi mà lại không lo tu hành tăng hoá chuyển tâm linh huớng thượng thì thật đáng tiếc khi mất thân người. Nhất là trong khi thời đại nầy còn có Tam Bảo hoằng pháp khắp nơi để cho tất cả mọi nguời có cơ hội huớng tâm về Phật Pháp Tăng. Khi nào chúng ta không thấy còn một vị “Chân Tu” nào nữa để lảnh đạo thì đó là đã chuyển sang thời mạt pháp thật sự rồi. Khi đó cho dù có thân người có kinh điển có chùa cũng như không vì hầu như vật chất đã làm chủ toàn vẹn rồi lấy tâm gì để mà tu nữa?
Phỏng Vấn Người Cõi Âm
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2014/09/phong-van-nguoi-coi-am/
Luận – Phỏng Vấn Người Cõi Âm (Phần 2 – Hết)
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2014/09/luan-phong-van-nguoi-coi-am-phan-2-het/
====================================
— Kinh Niệm Phật Ba La Mật —
1. Phẩm Thứ Nhứt – Duyên Khởi:
….Trưởng-giả Diệu Nguyệt từ trong đại chúng bước ra, đi nhiễu quanh đức Phật ba vòng. Rồi đến trước Như-Lai, chấp tay quì xuống, gối bên hữu chấm sát đất, cung kính bạch với đức Phật rằng:
“Hi hữu Thế-Tôn ! Hi hữu Thế-Tôn ! Được làm thân người là khó, như con rùa gặp bộng cây nổi, nhưng được gặp Phật ra đời còn khó gấp muôn phần.
Gặp Phật ra đời đã khó, nhưng được nghe Chánh pháp lại còn khó gấp muôn phần. Được nghe Chánh pháp đã khó, nhưng làm thế nào để nương theo giáo nghĩa tu tập lại còn khó gấp vô lượng phần.
===================================
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Bạn Lê Châu hỏi câu rất hay, nhiều người đã hỏi Tịnh Minh như vậy, có người tu lâu năm còn bảo là các vong linh dễ tu hơn chúng ta vì họ không có thân, là chúng sanh vô hình.
Tịnh Minh hồi đó mới tu, nên chỉ biết trả lời ” Cô tụng bài tán Phật, cô thấy ta tụng Phật là Thầy trời người, cha lành chung bốn loài; như vậy chỉ có trời người mới dễ tiếp nhận Phật pháp nên Phật mới là Thầy để dạy dỗ được, mới kiến giải hiều đạo tu được, các chúng sanh khác khó có thể tiếp nhận được Phật pháp mà tu học được.
Sau biết thêm rằng chúng sanh trong ác đạo các căn rất kém khuyết, khó có thể tiếp nhận Phật pháp được như kẻ câm, người điếc vậy không thể nghe Phật pháp mà tu được.
Hai là nếu có nghe phật pháp thì cái linh tánh của họ rất yếu ớt, không có chỗ nương tựa, vọng tưởng trùng trùng điệp điệp nên không thể tự nhiếp tâm mà tu được.
Chúng ta có thân người, đó là cái rất quý giá, cái THÂN nó như bức tường, như lâu đài vững chắc để giữ cái TÂM ta nó ổn định mà tu được. Chỉ cần ta có chịu tu học là tu được, chứ là khi mất cái thân này rồi thì muốn cũng chẳng được.
Tịnh Minh tham gia Tam thời hệ niệm, rất nhiều người chụp ảnh vong linh, trông họ hình như thế nào, trông trên ảnh họ như những chấm hình quả trứng, có mắt, mũi nhưng mỏng manh yếu ớt, trong Kinh có dạy các Vong chỉ nhẹ vài thù, rất bé và yếu.
Vì vậy người đã chết mới cần công đức của người sống để nương tựa, để có thể thoát khổ, chứ cái linh hồn của họ thì hoàn toàn bị nghiệp lực chi phối, chịu khổ không ngừng không thể vùng vẫy được.
Do vậy Niệm Phật công đức mới vô lượng, người sống được lợi người mất cũng nhờ đó mà siêu thăng, đó là nhờ sự gia trì của A DI ĐÀ PHẬT.
Đồng Tu Tịnh Minh trả lời đúnng rồi ! mình rất hoan hỷ tiếp nhận câu trả lời của bạn, chúc bạn và tất cả mọi nguời tinh tấn học Phật niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng, chúc mọi nguời sớm đuợc ngồi đài sen sanh Thuợng Phẩm Cực Lạc,Nam Mô A Di Đà Phật
“Quỷ thần tự do và không tự do ở chỗ là quỷ thần phước báo lớn thì phạm vi tự do của họ lớn tương đương. Quỷ Trung Quốc có thể đi Mỹ quốc, quỷ Mỹ quốc cũng có thể đến Đài Loan. Họ có một số thần thông lực muốn đi đâu liền đến đó. Nhưng có một số quỷ thần phước đức kém, chỉ có thể ở địa phương, chẳng hạn họ ở Bắc Đầu chỉ có thể hoạt động ở khu vực Bắc Đầu. Như ở thành phố Đài Bắc có một khu vực 20 mươi năm về trước là pháp trường xử bắn phạm nhân, hiện nay nơi này đã xây dựng một cơ quan lớn, các nhân viên nhà nước lúc mới dọn đến phát hiện rất nhiều chuyện, chẳng hạn như không ai khởi động thang máy, tự động nó đi lên đi xuống. Có người nghe trong phòng trống có tiếng dọn đồ đạc, ngoài ra có những lúc đột nhiên cúp điện, cũng có lúc nghe tiếng hô khẩu lệnh, tiếng súng bắn, miêu tả đủ thứ chuyện kỳ lạ, do đó có người muốn tôi đến đó xem thử. Tôi đã đến một lần rồi và tin rằng đối với những linh thể đó sẽ có được một ít trợ giúp. Bởi vì tôi đến đó niệm Phật A Di Đà, mời họ về Nông Thiền Tự tham gia niệm Phật thất Thanh minh. Chúng ta dùng công đức niệm Phật để siêu độ họ và kết thiện duyên với họ.
Họ rất đáng thương, vì không có xác thân cho nên rất khó lưu lại đây bảy ngày mà không phải đi. Lúc quý vị niệm Phật, tuy muốn dừng vọng tưởng, nhưng tâm vẫn cứ trôi nổi bên ngoài, cũng như hồn ma trôi nổi Đông Tây, mà thân thể thì vẫn đang ở đây niệm Phật vậy. Thế nhưng, những quỷ thần này rất đáng thương, niệm được vài câu Phật, nghe được vài câu Phật pháp, chỉ một thoáng là bay đi mất. Do phước báo của họ không lớn bằng chúng ta, chính bản thân họ cũng không có biện pháp nào, vẫn phải nhờ chúng ta dùng công đức niệm Phật hồi hướng cho họ. Qua đó đủ biết, nếu chúng ta lúc sống biết niệm Phật, tự tu tự độ là tốt nhất, để đợi chết rồi sau đó nhờ người nhà siêu độ thì cũng giống như những người kia vậy. Phật nói: “Thân người khó được”, chỉ có thân người mới thực sự có đủ điều kiện tu tập. ”
Trích từ Niệm Phật sanh Tịnh độ – HT Thích Thánh Nghiêm
Nam Mô A Di Đà Phật
Cám ơn bạn Tịnh Minh đã giải thích nhưng mình còn một thắc mắc nhỏ. Nếu vong linh đó dẹp bỏ đc vọg tưởng, xả bỏ mọi thứ một lòng chỉ nghĩ đến Phật pháp. Thì vong linh đó có đc giải thoát , có thể đc vãg sanh hay ko?
A Di Đà Phật bạn Lệ Châu,
Trích từ bài tập “Luận – Phỏng Vấn Người Cõi Âm”:
Trong Kinh Địa Tạng, Ngài Địa Tạng Bồ Tát cũng bạch cùng Đức Phật rằng: “Vì lẽ trên đó nên nay con đối trước Đức Phật Thế Tôn cùng với hàng Trời, Rồng, tám bộ chúng, người với phi nhân vv… mà có lời khuyên bảo những chúng sinh trong cõi Diêm-Phù-Đề, ngày lâm chung, kẻ thân thuộc phải cẩn thận chớ có giết hại và chớ gây tạo nghiệp duyên chẳng lành, cũng đừng tế lễ Quỉ, Thần, cầu cúng ma quái… Vì sao thế? Vì việc giết hại cho đến tế lễ đó, không có một mảy mún chi lợi ích cho người chết cả, chỉ có kết thêm tội duyên của người đó làm cho càng thêm sâu nặng hơn thôi”.
Ngài Địa Tạng giải thích như sau: “Cũng ví như, có người từ xứ xa đến, tuyệt lương thực đã ba ngày, đồ vật của người đó mang vác nặng hơn trăm cân, bỗng gặp kẻ lân cận lại gởi một ít đồ vật nữa, vì vậy mà người xứ xa đó càng phải khốn khổ nặng nề thêm”.
Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Nhã cũng đã chứng minh điều đó. Khi ông niệm 108 câu Nam Mô A Di Đà Phật thì không những ông mà cả 7 nhà ngoại cảm có mặt trong nghĩa trang Trường Sơn đều nhìn thấy các vong linh ngồi xuống trong tư thế thiền định niệm theo. Nhà ngoại cảm cho rằng, chỉ có câu Phật hiệu đó là món quà quý giá nhất đối với các chúng sinh ở cõi giới âm. Câu Phật hiệu đó sinh tâm buông xả mọi sự bám chấp và có thể siêu thoát được. Nếu chúng ta cứ lo đốt vàng mã, cúng gà vịt, xây mộ thật to cho người âm là chúng ta muốn họ sống lấu hơn nữa trong thế giới vô cùng khổ sở đó.
Vì đã thoát ra khỏi thân xác nên người âm đọc được hết mọi suy nghĩ của người dương. Họ cảm nhận được những gì mà người khác đang suy nghĩ. Có một chi tiết rất hay: trong khi đang trò chuyện, cô bạn đồng nghiệp (cô cháu gái) nghĩ đến con chó bị ốm ở nhà không ai chăm sóc. Ông Lương bỗng kêu lên sao xung quanh mình thấy toàn chó thế này! Điều này cho thấy, sau khi mất người thân, nếu người trong nhà hàng ngày trì tụng kinh chú Phật và thường xuyên nhớ đến người đã chết thì các vong linh sẽ tiếp cận được Phật pháp. Vì lúc đó họ chưa đi đâu cả vẫn quanh quẩn ở trong nhà.
Những câu thần chú và sự cầu nguyện khuyên giải sẽ tác động vào tâm thức người mất, các vong linh họ sẽ hưởng được sự an lạc và siêu thoát. Đây là một hình thức trợ duyên rất tốt cho người âm. Qua chi tiết này ta thấy vì sao phải luôn giữ sự trong sáng trong tâm. Vì khi ta khởi niệm lên những vọng tưởng không tốt thì thế giới ma quỷ sẽ xâm nhập vì đồng thanh tương ứng, đồng ý tương cầu.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật,
Bất kỳ chúng sanh trong sáu cõi từ Địa Ngục đến cõi Trời nếu có niềm tin vững vàng, chí nguyện thiết tha chân thật muốn được sanh về Cực Lạc, buông xả vạn duyên nhất tâm chuyên niệm A Di Đà Phật thì đến lúc lâm chung nhất định được A Di Đà Phật đến tiếp dẫn về Tây phương Cực Lạc.
Đây là pháp môn Bình Đẳng cho tất cả chúng sanh một đời vãng sanh bất thối thành Phật, hãy tin chắc như vậy.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật!
Chúng sanh Vãng sanh hay không thì y theo Kinh điển như Kinh A Di Đà niệm Phật từ một ngày cho đến 7 ngày nhất tâm bất loạn, Kinh Vô lượng thọ, Đại nguyện thứ 18 thì “Nếu chúng sanh nào nghe danh hiệu ta, chí tâm tin ưa, nguyện sanh về cõi nước của ta, niệm danh hiệu ta, cho đến 10 niệm như chẳng được sanh ta không thành Phật.”
Tịnh Minh chỉ biết vậy, chuyện khác thì TM chẳng biết!
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
nhiều lúc tu học pháp Phật mình thấy khó hiểu lắm, có bài giảng thì nói
Chỉ cần tín nguyện hạnh đầy đủ thì sẽ được vãng sanh
Tín là tin không hồ nghi
Nguyện là nguyện về Tây Phương
Hạnh là trì danh niệm Phật suốt đời không gián đoạn
Nếu nói như thế thì mình thấy tu thực sự là dễ
Nhưng lại có bài giảng tu tịnh độ thì lại nói
Không được cáu người khác, không được nhìn lỗi người khác, không được nói xấu người khác, không được sát sinh (trong suốt cuộc đời có ai là không vô tình dẵm chết kiến, đánh chết muỗi nếu chúng trong nhà quá nhiều), không được hận thù người khác…. nhiều hơn nữa mình không nhớ hêt. Nói đến khía cạnh này mình lại thấy tu Tịnh Độ khó quá
Nhiều khi mình thấy tâm mình tán loạn lắm lúc thấy dễ. lúc thấy khó. mà đối chiếu lại hai trường hợp giảng trên mình thấy mâu thuẫn lắm làm cho tâm mình cũng mâu thuẫn theo. Bởi có lúc khởi lên sự nóng giận, khởi lên cái nghĩ xấu người là mình lại nghĩ mình không vãng sanh được rồi vì mình đã không làm được theo lời Phật dạy. Thế là mình lại khởi nên cái tâm ” Ôi mình đang nghĩ không được vãng sanh có phải mình đang hồ nghi trong pháp Phật hay không”. Thế là mình lại tha thiết xin đức Phật A Di Đà như con xin cha đón mình gia trì Phật lực cho mình để mình không bị rớt lại luân hồi, còn bình thường thì lại nghĩ trong tâm luôn nghĩ đến đức Phật A Di Đà nhất định được người đón phút lâm chung. Có ai rơi vào hoàn cảnh như mình không?
A Di Đà Phật,
Bạn Hướng Về Tây Phương nên đọc Kinh Vô Lượng Thọ nhiều hơn, đặc biệt nên chú tâm đọc nhiều lần cho đến thuộc lòng 2 phẩm quan trọng, 2 phẩm có thể phá tan hết sự nghi ngờ và bất an trong tâm bạn hiện nay. Đó là phẩm 24 Ba Bậc Vãng Sanh và phẩm 25 Chánh Nhân Vãng Sanh.
Cứ đọc đi đọc lại 2 phẩm này mỗi ngày thì tự nhiên mình sẽ hiểu rõ ràng con đường vãng sanh về Cực Lạc của mình, mình sẽ tự tin hơn và mình sẽ “biết cách” tu như thế nào để được nắm chắc phần vãng sanh.
Tất nhiên bạn cũng phải nên dành thời gian nghe HT. Tịnh Không giảng pháp, đặc biệt là bộ Kinh này:
http://www.tinhtong.vn/video/Kinh-Vo-Luong-Tho/
Nghe pháp chính là Giải môn, niệm Phật chính là Hành môn. Giải với Hành phải tương ưng thì tu hành mới có tiến bộ thật sự. Hay nói cách khác, giáo lý phải thông đạt thì công phu niệm Phật mới đắc lực.
Chúc bạn niệm Phật & nghe pháp được nhiều an lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật.
Huệ Tịnh xin bổ sung thêm là bạn HVTP nên thành thật thành tâm đối với sự học hỏi Phật pháp và tất cả mọi người. Chẳng hạng như bạn đã vào trang đạo tràng Tịnh Độ này mà lòng vẫn còn nghi ngờ chưa thành thật cho nên bạn không dám đưa tên hay pháp danh của mình lên cho mọi người biết. Đó là cái tánh còn che dấu chưa thành thật muốn lộ ra vì sợ một việc gì đó. Theo HT hiểu muốn bước vô nhà của Như Lai phải có lòng thành thật sám hối (bỏ tánh xấu) mới đạt được Đức Tín chơn chánh. Tâm chưa muốn bỏ hết tánh xấu dễ bị thối chuyển trên bước đường tu hành vì nghiệp chướng chúng ta còn quá nhiều. Lúc nào cũng dễ bị vọng tưởng chi phối bắt bạn chấp cho nó là tâm thiệt của bạn. Tánh xấu sẽ khiến bạn nghi ngờ không vãng sanh trong đầu óc là một trong những vọng tưởng ghê gớm nhất. Nếu bạn không có phát tâm Bồ Đề am hiểu kinh điển sâu xa và có sự thực hiện hành trì để đối trị thì bạn sẽ chịu thua.
Tại sao Đức Phật luôn luôn hết sức khuyên giảng cái quan trọng công đức của việc phát Tâm Bồ Đề? Vì tâm Bồ Đề mới chứa Đức Tín tức là mẹ đẻ ra tất cả công đức để chuyển tâm phàm phu thành tâm Bồ Tát tức sẽ thành Phật. Cho dù nghịch thuận cảnh gì đối diện trước mắt hành giả cũng không bao giờ thối chuyển nghi ngờ chánh pháp của Như Lai. Đức Tín là nguời tu hành có am hiểu kinh điển chơn chánh sâu xa về Phật tánh của mình và chư Phật cùng tất cả chúng sanh đều bình đẳng chơn thiệt ai cũng có. Lý “vạn pháp duy tâm tạo” “tự tánh Di Đà” bạn phải hiểu rõ ràng và nắm vững cho chắc thì công phu niệm Phật (Sự) mới có kết quả lìa được vọng tâm phiền não tà kiến mạn nghi vô ngại.
Vài dòng chia sẻ HT mong bạn thành thật đem tâm Bồ Đề và Đức Tín chơn chánh đọc kinh Vô Lượng Thọ hay kinh A Di Đà thì mới “Hướng về Tây Phương” đem lại kết quả tốt đẹp. Phải tuyệt đối có Đức Tín tất cả chúng sanh sẽ đồng sanh Cực Lạc sẽ đồng thành Phật đạo. HT mong bạn cho tất cả đạo hữu biết tên hay pháp danh đẹp của ban.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Gửi đạo hữu HVTP,
Trong niệm Phật thập yếu, khanhgiac nhận thấy hòa thượng Thích Thiền Tâm (hòa thượng đã vãng sanh Tây Phương Cực Lạc) cũng nhấn mạnh tâm Bồ Đề trong đoạn viết như sau:
“”Làm thế nào để phát Bồ Đề tâm?” Muốn cho lòng Bồ Đề phát sanh một cách thiết thật, chúng ta nên suy tư quán sát để phát tâm theo sáu yếu điểm như sau:
* Điểm thứ nhứt là Giác Ngộ Tâm. Chúng sanh thường chấp sắc thân này là ta, tâm thức có hiểu biết, có buồn giận thương vui là ta. Nhưng thật ra, sắc thân này giả dối, ngày kia khi chết đi nó sẽ tan về với đất bụi, nên thân tứ đại không phải là ta. Tâm thức cũng thế, nó chỉ là thể tổng hợp về cái biết của sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, như một người trước kia dốt, nay theo học chữ Việt, tiếng Anh, khi học thành, có cái biết về chữ Việt, tiếng Anh. Lại như một kẻ chưa biết Ba Lê, sau một dịp sang Pháp du ngoạn, thu thập hình ảnh của thành phố ấy vào tâm. Khi trở về bản xứ có ai nói đến Ba Lê, nơi tâm thức liền hiện rõ quang cảnh của đô thị ấy. Cái biết đó trước kia không, khi lịch cảnh thu nhận vào nên tạm có, sau bỏ lãng không nghĩ đến, lần lần nó sẽ phai lạt đến tan mất hẳn, trở về không. Cái biết của ta khi có khi không, hình ảnh này tiêu, hình ảnh khác hiện, tùy theo trần cảnh thay đổi luôn luôn, hư giả không thật, nên chẳng phải là ta. Cổ đức đã bảo: “Thân như bọt tụ, tâm như gió. Huyễn hiện vô căn, không tánh thật.” Nếu giác ngộ thân tâm như huyễn, không chấp trước, lần lần sẽ đi vào cảnh giới “nhơn không” chẳng còn ngã tướng. Cái ta của ta đã không, thì cái ta của người khác cũng không, nên không có nhơn tướng. Cái ta của mình và người đã không, tất cái ta của vô lượng chúng sanh cũng không, nên không có chúng sanh tướng. Cái ta đã không, nên không có bản ngã bền lâu, không thật có ai chứng đắc, cho đến cảnh chứng thường trụ vĩnh cữu của Niết Bàn cũng không, nên không có thọ giả tướng. Đây cần nên nhận rõ, chẳng phải không có thật thể chân ngã của tánh Chân Như thường trụ, nhưng vì thánh giả không chấp trước, nên thể ấy thành không.
Nhơn đã không, thì Pháp cũng không, vì sự cảnh luôn luôn đổi thay sanh diệt, không có tự thể. Đây lại cần nên nhận rõ chẳng phải các pháp khi hoại diệt mới thành không, mà vì nó hư huyễn, nên đương thể chính là không, cả Nhơn cũng thế. Cho nên cổ đức đã bảo: “Cần chi đợi hoa rụng. Mới biết sắc là không” (Hà tu đãi hoa lạc. Nhiên hậu thỉ tri không).
Hành giả khi đã giác ngộ Nhơn và Pháp đều không, thì giữ lòng thanh tịnh trong sáng không chấp trước mà niệm Phật. Dùng lòng giác ngộ như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề tâm.
* Điểm thứ hai: là Bình Đẳng Tâm. Trong Khế Kinh, đức Phật khuyên dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, là cha mẹ đời quá khứ và chư Phật đời vị lai.” Chư Phật thấy chúng sanh là Phật, nên dùng tâm bình đẳng đại bi mà tế độ. Chúng sanh thấy chư Phật là chúng sanh, nên khởi lòng phiền não phân biệt ghét khinh. Cũng đồng một cái nhìn, nhưng lại khác nhau bởi mê và ngộ. Là đệ tử Phật, ta nên tuân lời đức Thế Tôn chỉ dạy, đối với chúng sanh phải có tâm bình đẳng và tôn trọng, bởi vì đó là chư Phật vị lai, đồng một Phật tánh. Khi dùng lòng bình đẳng tôn kính tu niệm, sẽ dứt được nghiệp chướng phân biệt khinh mạn, nảy sanh các đức lành. Dùng lòng bình đẳng như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề tâm.
* Điểm thứ ba: là Từ Bi Tâm. Ta cùng chúng sanh đều sẵn đủ đức hạnh, tướng hảo trí huệ của Như Lai, mà vì mê chân tánh, khởi hoặc nghiệp nên phải bị luân hồi, chịu vô biên sự thống khổ. Nay đã rõ như thế, ta phải dứt tâm ghét, thương, phân biệt, khởi lòng cảm hối từ bi tìm phương tiện độ mình cứu người, để cùng nhau được an vui thoát khổ. Nên nhận rõ từ bi khác với ái kiến. Ái kiến là lòng thương yêu mà chấp luyến trên hình thức, nên kết quả bị sợi giây tình ái buộc ràng. Từ bi là lòng xót thương cứu độ, mà lìa tướng, không phân biệt chấp trước; tâm này thể hiện dưới đủ mọi mặt, nên kết quả được an vui giải thoát, phước huệ càng tăng.
Muốn cho tâm từ bi được thêm rộng, ta nên từ nỗi khổ của mình, cảm thông đến các nỗi khổ khó nhẫn thọ hơn của kẻ khác, tự nhiên sanh lòng xót thương muốn cứu độ, niệm từ bi của Bồ Đề tâm từ đó phát sanh. Đại khái như trong hoàn cảnh chiến tranh hiện nay, trẻ thơ phải nhờ cha mẹ nuôi dạy, mà cha mẹ lại bị tử nạn thành ra côi cút, bơ vơ. Lại như người già phải nhờ con cái phụng dưỡng, mà con cái đều bị yểu vong, nên phải buồn đau cô khổ. Thấy những cảnh ấy, động lòng xót thương, muốn cứu độ, niệm từ bi của Bồ Đề tâm chưa phát bỗng tự phát sanh.
Những thanh niên thông minh khỏe mạnh, tương lai đầy hy vọng bỗng bị bom đạn làm cho tàn phế. Nhiều thiếu nữ đang hồi xuân sắc, người thân yêu nhờ cậy bỗng bị tử thần cướp mất, khiến nỗi lạc bước sa đọa, hoặc thành cảnh mẹ góa con côi, sanh kế sống còn của ngày mai mờ mịt. Thấy những cảnh ấy, động lòng xót thương muốn cứu độ, niệm từ bi của Bồ Đề tâm chưa phát bỗng tự phát sanh.
Có nhiều người đau yếu, mà vì vật giá cao quý, không tiền thuốc thang, thành ra kéo dài thân bịnh khổ qua năm tháng, đôi lúc lắm kẻ phải quyên sinh. Có những người nghèo nàn thất nghiệp, nay vợ đau, mai con bịnh, rách rưới lang thang, nợ nần đòi hỏi, hằng chịu đói lạnh qua ngày tháng, sống cũng lỡ mà chết chẳng xong. Lại có những kẻ mang nhiều tâm sự buồn khổ không bạn lành khuyên lơn giải thích; những kẻ mê tối tạo nghiệp không biết ngày mai mình sẽ khổ, không gặp Phật pháp để tìm đường lối thoát ly. Thấy những cảnh ấy, động lòng thương xót muốn cứu độ, niệm từ bi của Bồ Đề tâm chưa phát bỗng tự phát sanh.
Nói rộng ra, như trong kinh Hoa Nghiêm, ngài Phổ Hiền đã khai thị: “Bồ Tát quán sát chúng sanh không nơi nương tựa mà khởi đại bi. Quán sát chúng sanh tánh chẳng điều thuận mà khởi đại bi, quán sát chúng sanh nghèo khổ không căn lành mà khởi đại bi. Quán sát chúng sanh ngủ say trong đêm dài vô minh mà khởi đại bi. Quán sát chúng sanh làm những điều ác mà khởi đại bi. Quán sát chúng sanh đã bị ràng buộc, lại thích lao mình vào chỗ ràng buộc mà khởi đại bi. Quán sát chúng sanh bị chìm đắm trong biển sanh tử mà khởi đại bi. Quán sát chúng sanh vương mang tật khổ lâu dài mà khởi đại bi. Quán sát chúng sanh không ưa thích pháp lành mà khởi đại bi. Quán sát chúng sanh xa mất Phật pháp mà khởi đại bi…”
Đã phát đại bi tâm tất phải phát đại Bồ Đề tâm thề nguyền cứu độ. Thế thì lòng đại từ bi và lòng đại Bồ Đề dung thông nhau. Cho nên phát từ bi tâm tức là phát Bồ Đề tâm. Dùng lòng đại từ bi như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề tâm.
* Điểm thứ tư là Hoan Hỷ Tâm. Đã có xót thương tất phải thể hiện lòng ấy qua tâm hoan hỷ. Hoan hỷ đây có hai thứ: tùy hỷ và hỷ xả. Tùy hỷ là khi thấy trên từ chư Phật, Thánh Nhơn, dưới cho đến các loại chúng sanh, có làm được công đức gì, dù là nhỏ mọn cũng vui mừng theo. Và khi thấy ai được sự phước lợi, hưng thạnh, thành công, an ổn, cũng sanh niệm vui vẻ mừng giùm. Hỷ xả là dù có chúng sanh làm những điều tội ác, vong ân, khinh hủy, hiểm độc, tổn hại cho người hoặc cho mình, cũng an nhẫn vui vẻ mà bỏ qua. Sự vui nhẫn này nếu xét nghĩ sâu, thành ra không thật có nhẫn, vì tướng người, tướng ta và tướng não hại đều không. Nên Kinh Kim Cang dạy: “Như Lai nói nhẫn nhục Ba La Mật, tức chẳng phải nhẫn nhục Ba La Mật, đó gọi là nhẫn nhục Ba La Mật.”
Lòng tùy hỷ trừ được chướng tật đố nhỏ nhen. Lòng hỷ xả giải được chướng hận thù báo phục. Bởi tâm hoan hỷ không ngoài sự giác ngộ mà thể hiện, nên đó chính là lòng Bồ Đề. Dùng lòng hoan hỷ như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề tâm.
* Điểm thứ năm là Sám Nguyện Tâm. Trong kiếp luân hồi, mọi loài hằng đổi thay làm quyến thuộc lẫn nhau. Thế mà ta vì mê mờ lầm lạc, từ kiếp vô thỉ đến nay, do tâm chấp ngã muốn lợi mình nên làm tổn hại chúng sanh, tạo ra vô lượng vô biên ác nghiệp. Thậm chí đến chư Phật, Thánh Nhơn, vì tâm đại bi ra đời thuyết pháp cứu độ loài hữu tình, trong ấy có ta, mà đối với ngôi Tam Bảo ta lại sanh lòng vong ân hủy phá. Ngày nay giác ngộ, ta phải hổ thẹn ăn năn, đem ba nghiệp chí thành sám hối. Đức Di Lặc Bồ Tát đã lên ngôi Bất Thối, vì muốn mau chứng quả Phật, mỗi ngày còn lễ sám sáu thời. Vậy ta phải đem thân nghiệp kính lễ Tam Bảo, khẩu nghiệp tỏ bày tội lỗi cầu được tiêu trừ, ý nghiệp thành khẩn ăn năn thề không tái phạm. Đã sám hối, phải dứt hẳn tâm hạnh ác không còn cho tiếp tục nữa, đi đến chỗ tâm và cảnh đều không, mới là chân sám hối. Lại phải phát nguyện, nguyện hưng long ngôi Tam Bảo, nguyện độ khắp chúng sanh, để chuộc lại lỗi xưa và đền đáp bốn ân nặng. Bốn ân đó là: ân Tam Bảo, ân cha mẹ sư trưởng, ân thiện hữu tri thức, và ân chúng sanh.
Có tâm sám nguyện như vậy tội chướng mới tiêu trừ, công đức ngày thêm lớn, và mới đi đến chỗ phước huệ lưỡng toàn. Dùng lòng sám nguyện như thế mà hành đạo mới gọi là phát Bồ Đề tâm.
* Điểm thứ sáu là Bất Thối Tâm. Dù đã sám hối phát nguyện tu hành, nhưng nghiệp hoặc ma chướng không dễ gì dứt trừ, sự lập công bồi đức thể hiện sáu độ muôn hạnh không dễ gì thành tựu. Mà con đường Bồ Đề đi đến quả Viên Giác lại xa vời dẫy đầy gay go chướng nạn, phải trải qua hằng sa kiếp, đâu phải chỉ một hai đời? Ngài Xá Lợi Phất trong tiền kiếp chứng đến ngôi Lục Trụ, phát đại Bồ Đề tâm tu hạnh bố thí. Nhưng khi chịu khổ khoét một con mắt cho ngoại đạo, bị họ không dùng, liệng xuống đất rồi nhổ nước dãi, lấy chân chà đạp lên trên, Ngài còn thối thất Đại Thừa tâm. Thế thì ta thấy sự giữ vững tâm nguyện là điều không phải dễ! Cho nên hành giả muốn được đạo tâm không thối chuyển, phải lập thệ nguyện kiên cố. Thề rằng: “Thân này dầu bị vô lượng sự nhọc nhằn khổ nhục, hoặc bị đánh giết cho đến thiêu đốt nát tan thành tro bụi, cũng không vì thế mà phạm điều ác, thối thất trên bước tu hành.” Dùng lòng Bất Thối chuyển như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề tâm.
Sáu yếu điểm đã dẫn đại lược như trên, là sự kiện phải có của người phát Bồ Đề tâm. Nếu không y theo đây lập chí thiết thật tu hành, thì dù nói phát tâm chỉ là phát tâm suông, không thể nào đi đến Phật quả.”
Như vậy, KG thấy nếu chỉ niệm Phật suông mà không phát nguyện vãng sanh để tự độ, độ tha, quyết chí tu thành Phật thì dễ bị sụt lùi, tín tâm rất dễ lung lay.
Trước khi tu Tịnh Độ, KG chỉ tập trung trì chú Đại Bi là chủ yếu, nhờ sự cảm ứng quá nhiệm màu nên khi chuyển qua niệm Phật, KG mới cảm nhận được chút gì đó về tự độ, độ tha, nhưng bản thân vẫn còn đầy nghiệp chướng cho nên phải cố gắng tu sửa rất nhiều để mong được về với Phật.
Chúc đạo hữu HVTP, Tịnh Thái và LH Huệ Tịnh giữ thật vững tín tâm (vốn là mẹ của mọi công đức), cùng với nguyện sâu và hành trì thiết thực, sớm ngày thành tựu sự nghiệp vãng sanh Cực Lạc quốc như chúng ta hằng mong cầu.
Nam mô A Di Đà Phật!
Cảm ơn cư sĩ tịnh thái nhiều lắm
Mình chưa có pháp danh, mình biết pháp môn này do chị gái khai thị và nghe hết 31 phần khuyên người niệm phật của cư sỹ Diệu Âm Úc Châu được vài tháng thì sang Nga, ở đây mình vẫn tu 1 mình thôi mình có khuyên 1 số người cộng mình ở bên này nhưng chẳng ai thích nghe, mình cũng chẳng có thời gian nghe giảng pháp hay nghe kinh nữa vì bận 2 đứa con nhỏ, 1 đứa chưa đầy 3 tháng với 1 đứa hơn 2 tuổi. Nói về không tin pháp Phật thì không hẳn vậy vì mình rất thích khuyên người niệm Phật muốn mình và mọi người đều được hưởng phước phần vãng sanh hễ ai không tin mình thấy thương nhất là mẹ mình, mình vẫn hướng cho các con mình học Phật, đứa đầu mình hay lấy ảnh đức Phật A Di Đà cho bé nghe, thỉnh thoảng mình niệm A Di Đà Phật thành bài hát cho cháu nghe để cháu không quên đức Phật và nói với cháu “đức Phật tốt và thương con nhiều lắm lớn lên con nhớ tin Phật như mẹ nhé”. Đứa thứ 2 khi ở trong bụng ngày nào mình cũng niệm Phật và khuyên cháu niệm theo, mình chủ yếu thai giáo cháu bằng Phật pháp. Mình nghĩ mình bị như thế này là do chướng duyên hoàn cảnh chứ ngày nào mình cũng nguyện về tây phương, hoàn cảnh của mình là sống ở nơi đất khách quê người không biết tiếng suốt ngày ở nhà chăm con nhỏ, đời sống bị thu hẹp, sống cùng mẹ và chồng người việt bên này chẳng ai thích nghe Phật chỉ mải kiếm tiền, muốn khai thị Phật pháp cho người thân thì ai cũng khó chịu giờ mình cũng chẳng dám khuyên ai nữa. Gần đây làm ăn khó khăn vừa rồi chợ bên này bị cháy hàng nhà mình cháy hết, mà cuộc sống là như thế đấy cứ khó khăn là nảy sinh mâu thuẫn, mình bị cáu thì mình cáu lại không nhịn được mặc dù biết học Phật là không được như thế, nhiều lúc mình thèm được như các bạn ở miền nam nước mình, có đạo tràng, có bạn đồng tu, rủ nhau vào niệm phật đường để tinh tấn tu hành. Có lúc nóng giận sợ mất phần vãng sanh mình còn khóc xin đức phật thương xót mà cho mình đi, tội lỗi ở kiếp này mình sẽ đền đáp khi về được thế giới của đức Phật.
À mà 2 đứa con của mình cũng dễ chăm lắm trộm vía 2 bé. Bé thứ 1 dễ dạy biết nghe mẹ, thích xem ảnh đức Phật, bé thứ 2 ngoan không bắt bế, ít khóc hay tự ngủ như vậy có phải là do mình khuyên các bé niệm Phật khi ở trong bụng không. Mình thấy nhiều người nhanh nhẹn tháo vát con lại hư và hay quấy còn mình thì hậu đậu vụng về ít hiểu biết mà con lại ngoan và dễ nuôi. Nếu thế thì niềm tin vào Phật pháp của mình càng mãnh liệt hơn.
Cảm ơn bạn đã hồi âm câu hỏi của mình
A Di Đà Phật.
Bạn thấy tinh thần nhẹ nhàng hơn không khi bạn cỡ mở tâm sự ra hết trên trang DVCT này? Bạn hãy xem trang này là cái đạo tràng hàng ngày có thể ra vào tu tập học hỏi cũng tốt lắm. Huệ Tịnh ở xứ Canada thành phố ít có đạo tràng Tịnh Độ để mà tham gia đồng tu cho nên đã xem DVCT như cái đạo tràng Tịnh Độ để mỗi ngày học hỏi cùng các liên hữu. Đa phần HT chỉ tự tu tập một mình khi đi làm lái xe hàng ngày thì nghe băng MP3 các Thầy giảng pháp hay có lúc nghe các Thầy trong xứ Huế tụng kinh A Di Đà và Phổ Môn rất tuyệt diệu khiến cho vọng tưởng tham sân si càng ngày càng yếu bớt. Câu A Di Đà Phật tự nhiên sẽ khởi lên an lạc thanh tịnh hơn đó là vì tâm mình hướng về Tây Phương mà niệm Phật kết quả 100% tiến bộ nhiều lắm. Giống như cái cân, tâm nặng về hướng Tây Phương thì tâm sẽ nhẹ về hướng Đông phương hơn. Nhẹ lòng về cõi Ta Bà này thì tất cả mọi việc trên đời gia đình cha mẹ vợ con, anh em bà con quyến thuộc, tiền tài danh lợi dục vọng đều sẽ từ từ được tháo gỡ ra bớt trong tâm. Coi tất cả không quan trọng nữa. Vì sao phải tháo ra bớt? Vì duy nhất một chuyện đại sự để lỡ khi vô thường đến thì mình sẽ nhẹ nhàng an lạc ra đi theo tiếng niệm Phật cùng Phật A Di Đà và các Thánh chúng ngồi trên đài sen do công đức Tin Nguyện và niệm Phật mà vãng sanh về cõi Cực Lạc.
Thành ra cái bí thuyết của pháp Tịnh Độ không có gì cao siêu đặc biệt cho lắm mà chỉ do cách mình hướng tâm về Tây Phương khéo hay thôi. Khi hướng tâm về Tây Phương hàng ngày mạnh rồi thì bảo đảm bạn sẽ bớt tham sân si. Cho dù một đứa bé chọc tức bạn ra sao đi nữa khó mà làm bạn bị động tâm. Lỡ giận lên thì liền định tâm trở lại câu A Di Đà Phật chứ đừng có nghe lời tin các vọng tưởng nói trong đầu là bạn không được vãng sanh. Nó lừa bạn thôi vì nó chỉ là tâm lý mặc cảm của tâm u ám vô minh tập khí không cho bạn bỏ chúng nó.
Thật ra đa phần các Phật tử ai cũng có “niềm tin” đối với Phật pháp. Nhưng cái “niềm tin” năng lực của nó không đủ để đối đầu với nghịch hay thuận cảnh và sẽ dễ bị thối chuyển tâm Bồ Đề. Bạn còn nghi là bạn chỉ có niềm tin thôi. Khi nào tâm bạn chuyển niềm tin thành “Đức Tín” thì mới đủ sức không thối chuyển tâm Bồ Đề, cho dù nghiệp chướng xuất hiện ra sao bạn cũng bao giờ khởi lên tâm nghi ngờ có được vãng sanh hay không. Muốn được “Đức Tín” bạn phải thận tin nhân quả rõ ràng như lòng bàn tay và chấp nhận hoan hỷ khi bị quả báo.
“Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả” là cái câu này làm cho mình tháo gỡ những trối buộc trong tâm. Huệ Tịnh từ khi quyết chí tin câu đó mà sống tâm hồn thấy bớt lo lắng sợ sệt tự tại hơn chút. Từ đó mình mới cảm nhận được ra Đức Tín là như thế đó. Chúng ta không sợ nhân mà chỉ sợ quả là cái tánh xấu lâu đời lâu kiếp phải cố gắng tập đi ngược lại nó mới hy vọng một ngày sẽ gặp lại Đức Phật Di Đà ở Tây Phương mà cũng chính là vị Phật trong tâm của chính mình. Hiểu rõ ràng “Lý Sự Vô Ngại” pháp giới thì bạn còn gì để nghi ngờ là không vãng sanh ư.
Tụng kinh, niệm Phật, trì tụng chú, nghiên cứu Phật pháp, ăn chay, làm lành lợi ích cho mọi người và lúc nào cũng vừa A Di Đà Phật vừa sẵn sàng làm cho người ta vui hoan hỷ là nhân thiện nghiệp. Vì còn nghiệp chướng mang nợ nuôi con cái lâu lâu bị stress nổi cơn giận lên thì là nhân ác. Nhưng cái cân nhân thiện nặng hơn nhân ác thì làm sao không được vãng sanh? Luật nhân quả rất rõ ràng công bằng cho nên đừng bao giờ nghi ngờ nữa. Vài dòng chia sẻ chúc bạn luôn luôn được mười phương Tam Bảo gia trì tâm Bồ Đề kiên cố và tiếp tục tu hành khuyên mọi người hướng về Tây Phương Cực Lạc sớm ngày diện kiến Phật A Di Đà và chư Đại Thánh chúng.
Nam Mô A Di Đà Phật.
BỬU TÍCH KINH:
Đức Bổn Sư nói với Phụ vương (Tịnh Phạn Vương):
“Tất cả chúng sanh đều là Phật. Phụ vương nên niệm Tây phương thế giới A Di Đà Phật thường siêng tinh tấn sẽ được thành Phật”. Vương hỏi : “Thế nào tất cả chúng sanh là Phật ?”. Đức Bổn Sư giảng : “Tất cả quyết vô sanh, không động lay, không thủ xả, không tướng mạo, không tự tánh. Nên an trụ tâm mình trong Phật pháp này chớ tin nơi khác”. Bấy giờ Phụ vương cùng bảy vạn người dòng Thích, nghe Phật giảng, tin hiểu vui mừng ngộ vô sanh nhẫn.
Đức Phật mỉm cười mà nói kệ rằng :
Họ Thích có trí quyết định
Thế nên ở nơi Phật pháp
Quyết định tin, tâm an trụ
Sau khi bỏ thân người đây
Được sanh về nước An lạc (Cực Lạc)
Gần gũi Phật A Di Đà
Chứng vô úy thành Bồ-đề.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Chào LH Huệ Tịnh,hiện tôi c̃ung đang ở Canada và rất muốn tìm một đạo tràng gồm những người chuyên tu niệm Phật nhưng vẫn chưa biết ai. Tôi biết đến pháp môn tịnh độ khoảng một năm nay và thực sự rất muốn tìm những người có chung niềm tin vào pháp môn này. Tôi ở Mississauga, nếu bạn không ở quá xa chỗ tôi chúng ta có thể liên lạc được không
câu hỏi của HVTP được rất nhiều bạn chia sẻ, cảm ơn các bạn đồng tu giúp đỡ mình
Huệ Tịnh xin tặng cho bạn HVTP.
Mỗi niệm không tin Phật pháp của người là mỗi niệm Đức Tín trong ta.
Mỗi tiếng khóc của bé là mỗi niệm giác ngộ trong tâm ta.
Mỗi nơi ồn ào là mỗi đạo tràng tu tập cho ta.
Mỗi sự khó khăn là mỗi nước cam lồ tưới tâm Bồ Đề ta.
Mỗi chướng duyên là mỗi ngày ta gần về Tây Phương.
Mỗi người sung quanh là bạn đồng tu của ta.
Mỗi câu niệm Phật là ta gieo chủng tử cho các bé thành Phật.
Phật đường trước mắt ta lại đi tìm nơi đâu.
Tâm ta bình thì nơi nào cũng bình.
Tâm ta vọng động thì đạo tràng nào cũng vọng động.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cảm ơn Huệ Tịnh rất nhiều, lời khuyên của bạn mình xem rồi nhưng lại đọc lại, mình thấy rất bổ ích
A Di Đà Phật.
Gửi bạn Hướng Về Tây Phương: Hòa thượng Tịnh Không dạy khi mình nghe băng giảng, nghe bài giảng đó nhiều lần, lời hòa thượng mình nghe theo nghe bài giảng đó càng nhiều càng hiểu rõ hơn. Cái tập khí nóng giận ai cũng có, nhưng ta vừa biết ta nóng giận ta liền sám hối rồi niệm câu A Di Đà Phật cho thật nhiều. Bạn nghe bài giảng của cư sĩ Diệu Âm Úc Châu đi vì cư sĩ ấy giảng rất dễ hiểu. Nghe đi nghe lại nhiều lần, lòng tin sẽ kiên cố. Bạn chỉ nên nghe bài giảng của cư sĩ Diệu Âm và hòa thượng Tịnh Không, bạn nghe nhiều người giảng quá tâm bạn không biết nghe theo ai. Mình đang nghe cư sĩ giảng bài Hành Theo Ấn Tổ trong web tinhthuquan.com. Bạn không đi làm mà chăm con nhỏ là bạn có phước được ở nhà lo cho con mà được nghe pháp. Bạn nên mua cái headphone gắn vô lỗ tai không có dây, bạn nghe pháp trọn vẹn mà có thể làm việc nhà, lo cho con. Bạn đừng có gắn sát vào lỗ tai mà mang phía trên mang tai. Con bạn khóc bạn cũng nghe. Hòa thượng Tịnh Không nói đời này nhĩ căn của con người nhạy bén lắm. Chúng ta hãy dùng ưu điểm này nghe pháp rồi tu cho đúng chúng ta cùng gặp nhau ở Tây Phương. Cư sĩ Diệu Âm giảng bài Hành Theo Ấn Tổ hay lắm, bài này có 48 buổi tọa đàm, mỗi lần khoảng 15 phút nhưng mình nghe một đoạn cả ngày luôn. Như vậy mới nhớ mà tu. Cư sĩ dặn rất kỹ lưỡng. Bạn thử xem, mình thấy rất dễ hiểu dễ làm khi nghe cư sĩ giảng. Bạn gắn headphone rồi đi lòng vòng trong nhà mà không vướng víu gì cả. Nghe pháp trọn vẹn. Không nghe thì niệm Phật đi đứng nằm ngồi gì cũng niệm được. Hòa thượng Tịnh Không dạy mình lợi dụng khoa học tiến bộ mà học Phật, dùng máy móc để nghe pháp. Tranh thủ nghe rồi tín tâm kiến cố mà không thối tâm niệm Phật.
cảm ơn Thu Bùi mình không đi mua được vì không biết tiếng nước ngoài con thì bé quá không ra ngoài được nhưng mình cũng niệm Phật đi đứng nằm ngồi được
Nam mô a di đà Phật
Con năm nay 24 tuổi, con đến với Phật pháp đã được 3 năm và cũng có trì chú đại bi 1 thời gian. cách đây 2 năm trong thời gian con trì chú đại bi thì những lúc ngủ con thường nghe bên tai có những âm thanh rì rào rất lạ, giống như tiếng sóng đài phát thanh không phát ra âm thanh. cứ mỗi lần nhắm mắt là con lại nghe âm thanh đó mà dường như là từ rất xa vọng lại. Con lại hay nhìn vào gương và tự nói chuyện một mình giồng như 2 người hoàn toàn khác nhau vậy đó.
Hiện tại con rất đau khổ và mệt mỏi khi giao tiếp của con không như người bình thường, con không thể nhìn thẳng vào mắt người khác nói chuyện, mỗi hi nhìn thẳng vào mắt người nào đó là con lại có cảm giác sợ và tái mặt đi, điều này làm con khó khăn trong công việc của mình rất nhiều. Và đặc biệt là mỗi lần có ai nói về chuyện chết chóc là con cũng bị nổi da gà và cảm thây lạnh sống lưng, đôi mắt thì đờ đẫn. Con đang rất bối rối, tâm trí của con dường như là 2 phần hoàn toàn khác nhau.
Con cũng nghe lời 1 số Phật tử đi chùa và tụng trì chú đại bi nhưng con không thấy giảm phần nào. Kính mong quý Thầy và quý Phật tử cho con lời khuyên để con thông tỏ. Con vô cùng hoan hỉ!
A Di Đà Phật,
Trong khi niệm Phật hay trì chú hoặc tụng Kinh, nếu nghe hay thấy bất kỳ hình tướng gì đều nên lờ đi, chẳng nên để ý đến, vì đây thường là do vọng tưởng sanh vọng cảnh, là huyễn cảnh chứ chẳng phải chân thật. Nếu dính mắc vào đó thì sẽ phiền phức lắm…rất có thể bị rơi vào lưới ma, hay tẩu hỏa nhập ma ko chừng. Khoa học họ gọi là chứng tâm thần phân liệt, bệnh này khá là nan giải, rất khó trị.
Việc bạn đứng trước gương hay nói nhảm một mình là một dấu hiệu ko tốt, bạn phải nên từ bỏ. Tinh thần của bạn cũng tương đối yếu, dễ bị hồi hộp, lo lắng, sợ hãi, bồn chồn…
Để vượt lên trên những nỗi sợ hãi trên thì bản thân bạn phải phát tâm dũng mãnh cống hiến thời gian sức lực của mình để phụng sự chúng sanh bằng các công tác thiện nguyện, việc này sẽ giúp cho bạn tự tin hơn, và có điều kiện gần gũi các bạn tốt, hơn nữa chỉ có giúp đỡ người khác mới có thể giúp cho bản thân mình thấy cuộc đời ý nghĩa hơn…Đặc biệt nếu đủ duyên bạn hãy phát tâm lên Chùa để phụ làm công quả cho các đạo tràng Phật giáo, công đức vô lượng, hơn nữa bạn hãy phát tâm ăn chay nhé, lại phải nên niệm A Di Đà Phật thường xuyên, nhất là những lúc trong tâm bạn cảm thấy sợ hãi, bất an, lo sợ,…Nhiếp tâm niệm Phật lớn tiếng thì lại càng hay…
Nếu bạn thật sự chịu làm những điều trên thì khoảng 5-6 tháng thì tinh thần của bạn sẽ tốt lên rất nhiều, những hiện tượng kia sẽ ko còn nữa.
Vì tất cả các pháp từ tâm tưởng sanh, nếu tâm mình thường niệm Phật, thường vì chúng sanh, vì mọi người mà phục vụ thì tâm mình ngay đó thanh tịnh, từ bi, hoan hỉ, bao dung…tâm mà thanh tịnh, từ bi, bao dung, hoan hỉ thì làm gì có bệnh được chứ 🙂
Nam Mô A Di Đà Phật.
@Như: Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát!
Nam Mô A Di Đà Phật.
Mình vô tình đọc bài viết! có chút thắc mắc không biết “Liên Hoa Thái Dương” là ai viết bài viết này, Các cư sỹ, quí ni tăng, hoặc phật tử commnet bên dưới bài viết là do tâm hiểu và tâm suy nghĩ của mình trả lời có chứng qua chưa hay chỉ là tâm suy nghĩ.
Xin chân thành cảm ơn
Khi chúng ta tiếp xúc với vạn pháp, nếu có thể giúp bản thân chúng ta khai mở trí huệ, có thể khai mở tâm từ bi, có thể nhìn thấu thật tướng các pháp, hoặc ít nhất có thể cho chúng ta học được 1 điều gì đó hay, thì đấy hết thảy là Phật pháp.
Nhưng nếu ngay trong khi tiếp xúc với cảnh duyên bên ngoài mà tâm ta khởi lên phân biệt, chấp trước, vọng tưởng quá nhiều…thì dẫu Như Lai hiện thân thuyết pháp cho bạn thì bạn cũng chẳng được lợi ích. Vì sao? Vì bạn ko chịu tiếp nhận, vì bạn đang tự cho mình cao hơn người khác, ngay đó bạn có nghiệp chướng.
Người khác tu hành thế nào, chứng ra làm sao, ta có biết cũng vô dụng, vì ai tu nấy chứng, hãy lo việc nhà mình, đừng nên dính vào việc nhà người, hãy xem mọi người như Bồ Tát mà ta chỉ là kẻ phàm phu…Lời dạy của Đại Sư Ấn Quang vẫn còn vang bên tai mà tựa như xa tít mù khơi vậy…Đại sư dạy chúng ta phải nên khiêm hạ, vì Ngài biết rõ tập khí ngạo mạn của chúng ta cao tận trời mây, người tu hành ngày nay đa phần không thành tựu đều do ko thể hàng phục được tâm ngạo mạn.
Thôi học ngu phu ngu phụ, học làm 1 người thật thà, chân tín thiết nguyện niệm A Di Đà Phật cầu sanh Cực Lạc, vậy mà sau này sẽ được nhiều điều hay…
Xin chân thành cám ơn bạn Minh Kiến đã đặt 1 câu hỏi rất hay, giúp bản thân TT thêm 1 lần nữa phản tỉnh về cái tập khí ngạo mạn của mình, vẫn chưa dứt trừ, vẫn là phải nỗ lực nhiều hơn nữa…
Nam Mô A Di Đà Phật.