Cuối đời nhà Chu có pháp sư Đạo Phi người làng Quý Trụ, Trường An, tỉnh Thiểm Tây. Từ nhỏ thầy đã nuôi chí nguyện xuất gia, đến năm 7 tuổi thì chính thức xuất gia nhập đạo. Năm thầy 19 tuổi, Trường An xảy ra chiến tranh loạn lạc, thầy đưa mẹ lên Hoa Sơn lánh nạn, hai mẹ con trú trong một hang động. Thời cuộc nhiễu nhương, đời sống khó khăn, việc khất thực hằng ngày thật cũng không dễ dàng, thầy chỉ thường xin được chút đỉnh thức ăn vừa đủ nuôi mẹ, còn phần mình phải ăn rau dại trái rừng đắp đổi qua ngày.
Mỗi bữa ăn, người mẹ đều hỏi thầy:
– Con à! Con đã ăn no chưa?
Mặc dù bụng đói cồn cào nhưng vì sợ mẹ lo lắng nên thầy luôn cung kính đáp rằng:
– Thưa mẹ! Con đã ăn rất no rồi ạ!
Cha thầy trước đây từng tham gia chiến trận và bỏ xác tại Hoắc Sơn. Mẹ thầy vì quá thương nhớ chồng nên rất mong muốn tìm được hài cốt của chồng về an táng. Một hôm, bà nói với thầy:
– Con à! Cha con đã bỏ xác trong trận chiến tại Hoắc Sơn, hiện nay hài cốt vẫn còn không biết đang nằm lạnh lẽo ở nơi đâu. Con hãy đi tìm hài cốt của cha con về an táng để mẹ được sớm hôm nhang khói cho ông.
Pháp sư vâng lời mẹ, lập tức lên đường đến Hoắc Sơn tìm kiếm hài cốt của cha. Nhưng đến nơi rồi, thầy nhìn thấy khắp nơi trên bãi chiến trường toàn là xương trắng, bộ xương nào cũng giống hệt như nhau, không thể phân biệt để biết được bộ xương nào là di cốt của cha thầy.
Thầy liền ở lại ngay trên bãi chiến trường xưa, ngày đêm tụng kinh niệm Phật, phát nguyện rằng:
– Hôm nay con hết lòng muốn tìm lại hài cốt của cha, nguyện cho trong bãi xương trắng này, nếu bộ xương nào có thể tự nhiên chuyển động thì đó chính là di cốt của cha con.
Thầy đem hết tâm ý thiền quán nhiều ngày ngay giữa bãi chiến trường xưa còn đầy sát khí mà lòng không chút nao núng, sợ sệt, chỉ luôn một lòng nghĩ đến việc cố tìm cho được hài cốt của cha. Ban ngày thầy đi lang thang giữa bãi xương trắng, mắt chăm chú nhìn vào từng bộ xương; đêm đến thầy lại chuyên tâm tụng kinh niệm Phật, trải qua suốt nhiều ngày như vậy.
Thế rồi một hôm, trong lúc thầy đang chăm chú nhìn vào một bộ xương trắng, bỗng thấy từng đoạn xương như tự nhiên động đậy. Thầy tiếp tục chú tâm quan sát, lát sau lại thấy nhiều đoạn xương đã văng ra cách đó một khoảng xa cũng tự nhiên di chuyển và cuối cùng ghép lại thành một bộ xương hoàn chỉnh. Thật là kỳ lạ đến mức không sao tưởng tượng được! Thầy tin chắc đó là do tâm thành của mình đã có được sự cảm ứng, nên đây chắc chắn là hài cốt của cha thầy.
Thế là thầy thu nhặt trọn bộ hài cốt đó cho vào một cái túi vải rồi lập tức lên đường về nhà. Lạ thay, chính ngay trong đêm đó mẹ thầy nằm mộng thấy chồng về báo rằng con trai đã tìm được hài cốt của ông.
Quả nhiên, chỉ mấy hôm sau thì pháp sư Đạo Phi đưa hài cốt cha về đến nhà. Cứ theo những sự linh ứng trùng hợp này thì nhất định sự tìm kiếm của thầy đã đạt được kết quả chính xác, không thể có nhầm lẫn. Thầy liền tổ chức lễ an táng hài cốt của cha thật nghiêm trang, kính cẩn.
Về sau, pháp sư Đạo Phi thường được nhà vua thỉnh vào cung thuyết pháp và ngài đã dùng giáo pháp giải thoát của đức Phật để cảm hóa đức vua cũng như nhiều vị quan chức đương triều, giúp họ biết làm lành lánh dữ, tạo phúc cho dân. Vì thế, pháp sư luôn nhận được sự kính trọng đặc biệt của nhân sĩ khắp nơi, từ trong cung cho đến bên ngoài.
Lòng hiếu thảo như pháp sư Đạo Phi thật đáng kính phục thay! Ngài tự mình chịu đói để dành cơm nuôi mẹ, lại dùng tâm chí thành để cảm ứng tìm được hài cốt của cha, thật là bậc đại hiếu, có thể nói là xưa nay hiếm thấy, có thể làm tấm gương sáng để muôn đời noi theo.
Trích Cao tăng truyện
Các Phúc Đáp Gần Đây