Mỗi người sinh ra trên đời đều đã có những số phận khác nhau do nghiệp quả chiêu cảm trong vòng luân hồi. Nhưng mỗi số phận đều có chung một điểm tựa tinh thần, đó là đời sống tu tập nội tâm.
Đối với những người có nhân duyên với cửa Phật thanh tịnh, họ thọ Tam Quy y dưới sự chứng minh của Tam bảo và hành trì Ngũ giới, họ rất nên khẳng định với mọi người và với cuộc sống rằng, họ là phật tử; những người con của Phật có thể khẳng định cho được đạo lý của mình đang sống và đang tôn thờ, tổ chức của chúng ta đang tham gia, lý tưởng của chúng ta đang phục vụ.
Hành động của phật tử không phải là để đồng hành với thời đại, vì bất cứ thời đại nào cũng bất cập với cuộc sống, và đều sẽ bị cuộc sống đào thải, nên hoạt động của phật tử là để đồng hành và thâm nhập Phật lý.
Phật lý thì không sinh diệt, không mới cũ, không dư thừa, không thiếu hụt, không bên này, không bên kia, không thuận theo, không chống lại. Phật lý hiện hữu như chính nó đã hiện hữu mà đức Phật đã giác ngộ.
Người phật tử hành động theo Phật lý, thì tự thân của chính Phật lý là lúc nào và ở đâu cũng khế cơ và khế thời. Khế cơ để hướng dẫn quần sinh, và khế thời là để vạch hướng và dẫn dắt cho thời đại tương thích với khế lý, và hội nhập chân lý an bình của cuộc sống mà đức Phật đã dạy.
Trong kinh Phúc Đức, Phật đã để lại những lời dạy như vậy:
“Có học có nghề hay
Biết hành trì giới luật
Biết nói lời ái ngữ
Là phúc đức lớn nhất”
Bởi vì, trong cuộc đời mà số phận con người như hạt mưa bay vào đài các, hạt sa ruộng cày, một người có đủ khả năng và điều kiện ăn học đến nơi đến chốn, không những vậy, họ còn có thể kiếm thêm thu nhập một cách chính đáng để phụ giúp gia đình tiền ăn học, mai này kiến thức và trải nghiệm sống ấy hữu ích cho sự nghiệp vững bền của mình.
Trên đường công danh sự nghiệp, trong đời sống với bao nhiêu bon chen và cám dỗ, vậy mà người phật tử vẫn có thể hành trì giới luật như giới cấm trộm cắp, cấm tà hạnh, cấm nói dối, cấm dùng chất gây nghiện, điều đó vô cùng đáng quý. Một người giữ được bản thân mình tự trọng trong mọi hoàn cảnh cuộc sống như vậy, hẳn họ đã có phúc duyên với Phật pháp vun trồng từ nhiều kiếp sâu xa trong quá khứ.
Cuộc sống có những lúc va chạm, có những thử thách ngọt ngào đặt ra trước cái tôi bản ngã ở những lời khen vô tình và hữu ý; vậy người phật tử vẫn biết thu nhỏ cái bản ngã lại, dẹp nó sang một bên để nhường lối cho những lời nói khiêm cung, từ hòa, phúc đức không chỉ dành cho riêng ai, đó chính là sự vui vẻ, hoan hỷ trong những mối quan hệ tốt đẹp vững bền giữa người và người.
Người phật tử sống theo chính Pháp như vậy sẽ hội đủ duyên lành để thành tựu tâm nguyện tự độ – độ tha của mình. Ai đó đã đúng khi quan niệm rằng, con người cần biết yêu thương chính bản thân mình trước mới có thể biết cách yêu thương những người khác. Yêu thương bản thân có nghĩa là biết tu tập để thân này làm nên nhiều việc có lợi ích cho người khác, để những lời nói hòa nhã phát ra từ tâm ý bình an và từ ái có thể giúp người khác lấy lại niềm tin và hướng đi đúng.
Bởi “càng quan tâm đến hạnh phúc của người khác, chúng ta càng thấy an lạc” (Dalai Lama), vậy nên những người biết yêu bản thân đúng cách nhất là những người biết tu tập nội tâm sao cho an lạc. Chính vì yêu thương mọi người xung quanh, ta cần học cách để yêu thương từ một tâm thái bình an, sáng suốt, để tình thương yêu ấy đem lại hạnh phúc cho người khác.
Vậy nên chăng, những nữ phật tử sống chậm lại, dành ra một khoảng thời gian nhỏ trong ngày để tự ôn lại, mình đã bao nhiêu lần tự hàn gắn được vết thương lòng? Và vết thương lòng nào đã từng sâu sắc nhất? Đức Phật ca ngợi những ai đáng phục vì họ có thể đứng dậy sau khi vấp ngã để đi về con đường chính.
Để thấy được rằng cuộc đời thật tự nhiên và vô thường, không có nỗi đau và niềm hạnh phúc nào là mãi mãi. Chúng ta không cần phải cố gắng có một động thái gì khi đang đau khổ, hãy cứ khóc cho nhẹ nhõm, cứ chia sẻ trong vòng tay bảo bọc của Tăng thân đồng tu.
Sau khi tâm trạng đã nhẹ hơn phần nào, bạn lặng nhìn cơn bão tố của số phận đi qua, đâu đó ngồn ngang hay trống rỗng, yêu thương và hờn giận rồi cũng sẽ qua, để lại tinh khôi một con người mới mẻ, trưởng thành hơn.
Sau khi bạn đã trải nghiệm về sự vô thường của cuộc sống, và về tính chất vô ngã của mọi sự vật, mỗi con người đều nằm ngoài sự mong đợi của chúng ta, tôi tin bạn đủ bình yên và thanh thản để nhìn người mình yêu hạnh phúc bên một người không phải mình, bằng tất cả tình cảm trìu mến giữa người và người, bạn có thể mở rộng trái tim thầm cầu chúc cho người mình yêu được hạnh phúc không?
Tình người là một điều kì diệu của cuộc sống. Nó làm tâm bạn thêm an lạc, thêm hạnh phúc khi nghĩ cho hạnh phúc của người khác. Là phật tử noi theo hạnh từ bi của chư Phật và Bồ tát, chúng ta không bỏ qua một cơ hội dù nhỏ nhoi để giúp người khác thành tựu mong muốn, chúng ta không ngần ngại để cho đi.
Nếu bạn nghĩ người bạn yêu là tuyệt vời khiến bạn yêu mến, trong khi người khác cũng muốn được như bạn và người bạn yêu cũng đang hướng về người đó, vậy nên chăng bạn quán chiếu người bạn yêu như một món quà bạn trao tặng người khác, để tăng trưởng hạnh từ bi hỷ xả cho mình.
Người khác càng hạnh phúc nhờ vào sự cho đi của bạn, công đức bố thí ấy càng lớn. Là phật tử, chúng ta trân trọng hạnh phúc lâu dài do thiện Nghiệp của chính mình tạo nên, chứ không mong đợi và coi trọng những hạnh phúc tự nhiên mà đến hay do giành giật mà được, trong cuộc đời vô thường này.
Phật tử vẫn sống và yêu trong cuộc đời. Mà phật tử hành động theo Phật lý để có thể hòa nhập vào tình người trên từng bước đi đến chân trời giải thoát. Đức Phật vì yêu thương chúng sinh, nên Ngài để lại hạnh phúc cá nhân và đi tìm chân lý mang lại hạnh phúc cho muôn người.
Nay, người con của Phật cũng vì biết yêu thương rộng khắp, mà không ngại ngần giúp đỡ mọi người xung quanh, cũng như dẹp bỏ cái tôi sở hữu để làm cho người người hạnh phúc theo cách của họ. Đạo Phật là con đường để tinh yêu thương chân thành mang lại hạnh phúc trong cuộc sống.
Diệu Hòa (Theo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam)
A DI ĐÀ PHẬT!
Các bạn đồng tu mình có điều này không hiểu rất mong các bạn hoan hỷ nói cho mình hiểu điều này với.siêu thoát là gì.giải thoát là gì.và niết bàn là gì.những điều này có giống nhau hay khác nhau không
A Di Đà Phật
Bạn Phàm Phu thân mến,
Siêu thoát-giải thoát-niết bàn là gì? Câu hỏi của bạn ngắn mà thật khổng lồ. Trung Đạo ráng dùng chút kiến thức mọn để cùng bạn chia sẻ.
Có hai cách lý giải về Siêu thoát-Giải thoát-Niết bàn: lý giải theo thế gian pháp và lý giải theo Phật pháp.
1. Thế gian pháp:
– Siêu thoát: là con người sau khi chết sẽ được chuyển sang một cảnh giới khác, nhưng cảnh giới đó là gì? Vốn không có lời giải đáp.
– Giải thoát: không nhất thiết để chỉ người đã chết, mà cho cả cuộc sống hiện tại và tương lai. Giả sử một người đang sống rất nghèo khổ, nay có tiền của, quyền cao, chức trọng… mọi người gọi đó là giải thoát – thoát khỏi nghèo khổ. Hoặc cuộc sống gia đình quá bất hạnh, vợ chồng, con cái luôn xảy ra xung đột không có cơ hội tháo gỡ, rồi mỗi người chia tay một nẻo, đồng nghĩa: được giải thoát. Hoặc một người đau, ốm, bệnh tật leo lắt, nhiều năm, nay chết đi, mọi người gọi đó là giải thoát. Với người chết, sự giải thoát cũng mập mờ tương tự. Giải thoát nhưng về đâu? Đều bế tắc trong lý giải.
– Niết bàn: Mọi người cho rằng đó là sự chứng đắc của một bậc giác ngộ. Và sau khi người đó nhập diệt (chết) thì cũng đồng thời kết thúc mọi chuyện.
2. Theo Phật pháp:
– Siêu thoát: là sự chuyển sanh sau khi chết hoặc khi trả hết nghiệp từ một cõi hay các cõi (trong lục đạo) sang các cõi khác cao hơn, ví như: từ người sang A Tu La; Trời. Hoặc từ kiếp địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh sang kiếp người, a tu la, trời. Sự siêu thoát này vẫn chỉ giới hạn trong vòng lục đạo luân hồi.
– Giải thoát: là thoát khỏi vòng lục đạo luân hồi. Giả sử một cư sĩ, thọ Tam quy Ngũ giới, chuyên hành Thập thiện, niệm Phật, phát nguyện vãng sanh Tây Phương cực lạc. Khi nhân duyên tròn đầy (đủ thiện căn, phước đức), khi xả báo thân được vãng sanh Cực lạc. Về Cực lạc đồng nghĩa vĩnh ly sanh tử luân hồi, đồng nghĩa sẽ được quả vị Phật trong tương lai…
– Niết bàn: là không có sanh diệt. Để chỉ cảnh giới của Phật và chư Đại Bồ tát (thường là hoá thân Phật) vì sự hoằng pháp, độ sanh mà các Ngài thị hiện 10 phương pháp giới và cũng tuỳ thuận theo thế gian mà có sanh, có tử, có giác ngộ, tu đạo, chứng đạo và nhập niết bàn.
Phật Thích Ca là một điển hình. Sự nhập niết bàn của Phật Thích Ca cách đây 2559 năm cũng chỉ là biểu pháp cho chúng ta thấy: đời là vô thường, là sanh lão bệnh tử… nếu chúng ta không tỉnh giác rồi dũng mãnh tu đạo, tất cảnh giới chúng ta sẽ đến là cảnh giới của tam ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ngược lại, nếu ngay lúc này chúng ta biết hồi đầu, biết tỉnh giác rồi dấn thân tu đạo=cơ hội giải thoát là có thể đặt ra.
Siêu thoát-Giải thoát-Niết bàn vốn phụ thuộc vào mỗi chúng sanh.
TĐ
Bài giảng rất hay, cám ơn bạn đồng tu rất nhiều. Cầu chúc bạn được muôn vàn phước báu của các Bồ tát ban cho…
Cảm ơn tác tác giả, bài viết rất hay.
A Di Đà Phật,
Chồng con từng ngủ với người khác, hao phí tinh lực, giờ ảnh già nua không thụ tinh nổi. Con phải làm sao? Hay ảnh không muốn sinh con với đứa xấu xí, mặt dúm múi khế, môi tều cổ lắc lư như con? Con xem tướng con xấu tệ hại, bạc về đường con cái, con đã xấu còn điệu nữa có phải nguyên nhân tổn đức không?
Chào bạn TMQQ,
Bạn nên làm các việc sau, may ra sẽ có con.
-Quy y Tam Bảo. Nếu thầy quy y cho bạn không giảng rõ thì bạn hãy tìm hiểu trên mạng để hành trì cho đúng.
– Giữ cho được 5 giới của người tại gia.
– Thường xuyên phóng sanh. Dứt trừ việc sát sanh.
– Ăn chay được thì càng tốt. Giữ thân tâm thanh tịnh đọc, tụng phẩm kinh Phổ Môn và thường xuyên niệm danh hiệu ngài Quán Thế Âm Bồ tát, khi đọc kinh, niệm Phật cần phải chú tâm mới có hiệu quả, không nên làm qua loa.
Hy vọng bạn sẽ sớm được như nguyện.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Thậy hay thật ý nghĩa nhưng có mấy ai làm được.nam mô a di đà phật