Cầu lúc lâm chung không bệnh khổ, có cầu được không? Nhất định có thể được. Cầu lúc lâm chung đứng mà vãng sanh cũng có thể được. Một là lúc lâm chung tự tại, không chút bệnh khổ. Hai là như vậy để khuyến khích tâm nguyện của người khác. Làm cho người ta nhìn thấy chúng ta ra đi như vậy, họ cũng sẽ sanh tín tâm kiên định với pháp môn niệm Phật. Ðây chính là “hóa tha”. Tự hành, hóa tha đều làm được rốt ráo viên mãn. Chúng ta không cầu thứ gì khác trên đời này, chỉ cầu một việc này, nhất định vãng sanh. Nói thật ra, phải tự tại vãng sanh, đừng bị bệnh tật, bệnh tật thì không đảm bảo. Thật sự vãng sanh thì không có bệnh, ngồi mà đi, đứng mà đi, biết trước ngày giờ, biết lúc nào Phật đến tiếp dẫn mới là chắc chắn vãng sanh. Hôm nay chúng ta cầu điều này, có thể cầu được không? Nhất định cầu được. Chỉ cần bạn làm được những điều trong kinh dạy, thì không có gì mà không cầu được. Ðây là sự thật.
Chúng ta học Phật, tương lai vãng sanh nếu có bệnh thì khó coi lắm. Người ta đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh. Chúng ta không thể đứng vãng sanh thì cũng phải ngồi vãng sanh. Hết sức rõ ràng, vô cùng minh bạch, không có bệnh mà đi, thì mới không phụ lòng [của Phật]. Bạn chỉ cần tu học theo lý luận, phương pháp trong bộ kinh này thì chắc chắc làm được việc đó. Nói thật ra, danh văn lợi dưỡng thế gian, tất cả sự giàu sang, người thông minh đều không cần, mà cần sức khỏe và sống lâu, bản thân phải không sanh bệnh. Trong Phật môn có rất nhiều người lúc chết không sanh bệnh. Lúc vãng sanh, đứng mà ra đi, ngồi mà ra đi, trước khi ra đi còn chuyện trò vui vẻ với mọi người, sau khi trò chuyện xong thì nói với mọi người: “tôi phải đi rồi, các bạn niệm Phật tiễn tôi”. Niệm chưa đến mười phút, mười lăm phút thì ra đi rồi, tự tại biết bao! Phải dựa vào cái gì? Chính là tất cả thiện căn, hết lòng hồi hướng, nguyện sanh Tây Phương. Ðem tất cả thiện căn đều hồi hướng cầu sanh Tây Phương, ở thế gian thì cầu khỏe mạnh sống lâu, những cái khác đều không cần.
Vị đệ tử của lão pháp sư Ðế Nhàn, sau khi vãng sanh đã đứng ba ngày, lão Hòa Thượng mới làm hậu sự cho ông ấy. Người này không biết chữ. Ông ta có hoằng pháp không? Hành trì của ông chính là hoằng pháp. Ông hiện thân nói pháp, đấy là dùng chiêu lâm chung. Thì ra niệm Phật dễ như vậy: “niệm mệt rồi thì nghỉ, nghỉ khỏe rồi lại niệm”. Ông ta làm mẫu cho chúng ta xem. Chúng ta có thể học được điểm này thì hiệu quả còn thù thắng hơn đọc Ðại Tạng Kinh, lợi ích còn lớn hơn. Nghe được câu chuyện của ông ấy, tín tâm chúng ta kiên định, một chút nghi ngờ cũng không có. Ông ấy làm tấm gương cho chúng ta, hiện thân nói pháp. Ông ta có thành tựu như vậy, chúng ta ai ai cũng đều có thể có thành tựu giống như vậy. Then chốt ở đâu? Tâm ông ấy thanh tịnh, lão thật niệm Phật, niệm mệt rồi thì nghỉ, nghỉ khỏe rồi lại niệm. Cả ngày từ sáng đến tối ngoài A Di Ðà Phật ra, không có vọng niệm, không có phân biệt, chấp trước.
Còn chúng ta thì ngoài một câu “A Di Ðà Phật” này ra, còn suy nghĩ đủ thứ, còn thêm tham, sân, si, mạn, danh văn lợi dưỡng, vậy là tiêu rồi. Thật sự có thể buông xả hết ngũ dục lục trần, danh văn lợi dưỡng, giống như ông ấy, nhất hướng chuyên niệm, thành tựu chắc chắn không thua gì ông ấy. Người sáng lập Niệm Phật Ðoàn Liên Hữu ở Ðài Bắc trước đây, lão cư sĩ Lý Tế Hoa, ngày ông vãng sanh, ông ấy cùng vợ ngồi xe xích lô tới tham gia hội cộng tu tại Niệm Phật Ðoàn. Trên xe lão cư sĩ Lý nói với vợ: “Tôi sẽ vãng vanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, bà ở lại một mình có cảm thấy cô quạnh không?” Vợ ông lại không biết hôm đó ông vãng sanh, vì thế trả lời ông rất hùng hồn: “Vãng sanh là việc tốt, ông có thể vãng sanh, thì đừng lo cho tôi nữa.” Người vợ đồng ý rồi. Hôm đó đến lượt ông Ngụy giảng khai thị, ông nói với ông Ngụy: “Hai người chúng ta đổi lại một chút, hôm nay để tôi giảng.” Ông lên bục giảng được một tiếng rưỡi, hết sức khẩn thiết khuyến khích mọi người niệm Phật vãng sanh Tịnh Ðộ. Sau khi giảng xong thì cáo từ mọi người, nói phải về nhà rồi. Lão cư sĩ đã hơn tám mươi tuổi, giảng một tiếng rưỡi, mọi người nghĩ là ông ấy mệt rồi, phải về nhà nghỉ ngơi. Không ngờ, ông ấy bước xuống bục, vừa ngồi xuống ghế sô pha trong phòng khách, thì vãng sanh rồi. Ông ấy về nhà Tây Phương Cực Lạc Thế Giới. Ðây là câu chuyện mà Quý đồng tu lúc đó tham gia niệm Phật tận mắt nhìn thấy. Lúc đó tôi ở Ðài Trung, cư sĩ Từ Tỉnh Dân làm phóng viên báo Tân Sanh ở Ðài Bắc, cũng có tham gia hội niệm Phật, hôm sau viết thư gởi nói cho tôi biết: niệm Phật vãng sanh là thật, không hề giả, ông ta tận mắt nhìn thấy.
Trích từ sách Niệm Phật Thành Phật
Pháp sư Tịnh Không
Các Phúc Đáp Gần Đây