Sáu Pháp Ba La Mật là con đường mà người con Phật phải đi qua như sau:
- Chân thật niệm Phật, buông xả thân tâm thế giới, tức là đại bố thí.
- Chân thật niệm Phật, không sanh khởi tham sân si, tức là đại trì giới.
- Chân thật niệm Phật, không chấp nhân ngã thị phi, tức là đại nhẫn nhục.
- Chân thật niệm Phật, liên tục không để gián đoạn, tức là đại tinh tấn.
- Chân thật niệm Phật, không tán loạn vọng tưởng, tức là đại thiền định.
- Chân thật niệm Phật, rõ biết, không bị các duyên làm mê hoặc, tức là đại trí huệ.
Chúng ta thử tự kiểm điểm, nếu đối với thế giới thân tâm mà chưa buông xả, niệm tham sân si còn hiện khởi, tâm còn đeo mang nhân ngã thị phi, vọng tưởng lăng xăng chưa trừ diệt, tâm trí mê hoặc rẽ theo pháp khác thì không thể gọi là người chân thật niệm Phật.
Người tín nguyện trì danh, nếu nghiệp chướng tiêu trừ, mang nghiệp vãng sanh thì liền sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ.
Người tín nguyện trì danh, nếu đoạn tận kiến hoặc, tư hoặc mà vãng sanh thì liền sanh cõi Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ.
Người tín nguyện trì danh, nếu phá trừ một phần vô minh mà vãng sanh thì liền sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ.
Người tín nguyện trì danh, nếu trì đến chỗ cứu cánh, đoạn tận vô minh mà vãng sanh thì liền sanh cõi Thường Tịch Quang Tịnh Độ. Cho nên trì danh niệm Phật có khả năng lên bốn cõi, thật chính xác không sai.
Pháp môn niệm Phật không chi kỳ lạ, chỉ tin sâu, nguyện thiết, gắng sức thật hành mà thôi. Điều cần yếu là tin cho thấu đáo, giữ cho bền lâu, một lòng chuyên niệm, mỗi ngày đêm hoặc mười muôn, ba muôn, hay năm muôn câu, lấy số quyết định không thiếu làm lệ. Hành trì như thế trọn một đời, thề không thay đổi, nếu không vãng sanh, thì chư Phật ba đời thành ra nói dối. Một khi được vãnh sanh, tất không còn bị thối chuyển, bao nhiêu pháp môn đều được hiện tiền.
Rất tối kỵ là tâm không thường hằng, hôm nay thế này, mai thế khác, thấy ai nói pháp chi huyền diệu liền xu hướng chạy theo, thì không môn nào thành thục được cả. Đâu biết, nếu một câu A Di Đà Phật niệm được thuần thục, thì ba tạng, mười hai phần kinh, những giáo lý rút gọn đều ở trong đó; ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, ba tụ tịnh giới cũng ở trong đó.
Muốn được cảnh giới Nhất tâm, “một lòng không loạn”, cũng chẳng có phương chước gì lạ chi cả. Lúc mới dụng công, cần phải lần chuỗi ghi số, mỗi ngày đêm định khóa là bao nhiêu câu, đừng cho thiếu sót. Giữ đúng như thế, lâu ngày niệm lực sẽ thuần thục, thành ra cảnh giới “không niệm mà tự niệm”, chừng ấy ghi số hay không cũng được. Nếu lúc ban sơ muốn vội nói lời cao siêu, muốn không chấp trước vào tướng, muốn học viên dung tự tại thì niệm lực khó thành. Như thế là tin không sâu, hành trì không hết sức, dù cho có tài giảng nói được mười hai phần giáo, hiểu được một ngàn bảy trăm công án, đều là việc bên bờ sống chết luân hồi, khi lâm chung quyết định không dùng được.
Nhạt một phần tình đời, tự nhiên đắc lực thêm một phần Phật pháp. Xem nhẹ chuyện kiếm sống trong cõi Ta Bà một phần, phương tiện sanh về Tây phuơng ổn đáng một phần. Điều này mình chỉ tự hỏi lòng, đừng hỏi bạn tri thức. Tri thức cũng chỉ khuyên nhạt bớt mùi đời, coi nhẹ chuyện làm ăn, chuyên tu Đạo xuất ly Thế Gian cốt yếu mà thôi.
Lời dạy của Ngẫu Ích Đại Sư (Tổ thứ 9)
Khi đi cúng đám ma, mình tụng 1 biến Bát nhã ba la mật tâm kinh có ích gì cho người mất không?
A Di Đà Phật – Xin chào Tuấn Châu,
VT nhớ lúc trước có một người hỏi về “thùy miên tâm sở” không biết có phải là Tuấn Châu này hay không? VT cũng cảm nhận được hình như Tuấn Châu nêu câu hỏi này là vì người mà hỏi chứ chẳng phải vì mình, do vậy VT biết tới đâu thì chia sẻ tới đó thôi, phần còn lại thì hy vọng sẽ có các liên hữu khác cùng bổ sung ý kiến đóng góp nhé.
Nếu là đạo tràng tu Tịnh Độ thì chắc là sẽ tụng kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, hoặc niệm Phật…nhưng nếu là đạo tràng khác thì mình cũng tùy duyên thôi. Thông thuờng thì ở chùa theo VT nhận thấy thì bài kinh bát nhã được phổ biến trong tất cả các thời khóa tụng niệm, cho dù là tụng kinh gì thì trong phần nghi thức ở lúc đầu có chú Đại Bi còn ở cuối thì có bài kinh Bát Nhã. Nếu như chỉ tụng duy nhất bài kinh Bát Nhã này thôi thì có lẻ là rất đặc biệt vì VT cũng chưa từng thấy qua trường hợp như vậy.
Người mất có được lợi ích hay không thì tùy thuộc vào nhiều yếu tố:
1. Nếu người mất nghe được, hiểu được thì sẽ biết buông xả cái Ta và cái của Ta thì như vậy sẽ dể dàng siêu thoát hơn so với người không biết cứ mãi bám víu vào xác thân tứ đại, nhà cửa, tài sản, sự nghiệp…
2. Nếu người mất không nghe được, không hiểu được nhưng nhìn thấy con cháu đối trước Tam Bảo vì mình mà tụng kinh lể Phật khiến cho người mất sanh một ý niệm hoan hỉ, thành kính, quy y Tam Bảo thì đó cũng là một sự lợi ích cho người mất.
3. Có thể là người mất sẽ được lợi ích từ câu thần chú ở cuối bản kinh nhưng điều này rất khó có thể giải thích được vì thần chú là mật ngữ.
4. Nếu người mất không nghe được, không thấy được, hoàn toàn không biết gì cả nhưng người còn sống nghe được, hiểu được thì người sống được lợi ích. Khi mà người sống được lợi ích vậy thì người tụng cũng sẽ có công đức nhiều hơn. Người tụng sẽ dùng công đức này mà hồi hướng cho người mất thì người mất cũng sẽ được một phần lợi lạc.
Văn tự bát nhã tuy ngắn gọn nhưng trí tuệ bát nhã lại quá cao siêu còn thật tướng bát nhã thì phải vào sâu trong thiền định mới nhận ra được. Do vậy người còn sống nếu chỉ nghe văn tự bát nhã một vài lần thì chỉ là gieo duyên mà thôi. Phải trãi qua tu tập một thời gian dài thì mới lãnh hội được phần nào về trí tuệ bát nhã. Chẳn hạn như câu:”sắc tức thị không, không tức thị sắc” người sơ cơ mới phát tâm nghe qua làm sao mà hiểu được? Do vậy cần phải hiểu về nhân quả trước, sau đó biết đời là vô thường rồi tiến lên một bước nữa, tập phát tâm đi phóng sanh và đi bố thí. Khi nào có được cái tâm hoan hỉ khi phóng sanh và bố thí thì người đó tuy chưa học văn tự bát nhã nhưng họ cũng có được phần nào trí tuệ bát nhã. Tại sao lại như vậy? Là bởi vì khi đi phóng sanh hay bố thí thì họ sẽ phải bỏ tiền ra, họ nghĩ rằng tiền này sẽ không mất đi mà nó được chuyển hóa thành phước báo. Cái phước báo này sẽ không mất đi mà khi nào đủ duyên thì nó sẽ tự động biến thành tiền trở lại. Như vậy thì với con mắt nhục nhãn của mình mà nhìn thì tiền là sắc (vì có sắc tướng mới có thể nhìn thấy bằng mắt thường), phước báo là không (vì không nhìn thấy bằng mắt thường). Nhưng với con mắt trí tuệ bát nhã (huệ nhãn) thì phước báo khi đủ duyên sẽ biến thành tiền trở lại (như trường hợp người trúng vé số chẳn hạn). Như vậy thì đối với người này mà nói thì tuy chưa từng đọc qua câu “sắc tức thị không, không tức thị sắc” nhưng họ có thể hiểu được “tiền tức là phước, phước tức là tiền” (tiền thì nhìn thấy, phước thì không nhìn thấy). Cho nên có thể nói câu:”sắc tức thị không, không tức thị sắc” là nguyên thủy của Phật Giáo (nhưng rất khó hiểu) còn cái câu “tiền tức là phước, phước tức là tiền” là một ví dụ điển hình, mang tính minh họa hay “hiện đại hóa” (khiến cho người thời nay dể hiểu hơn). Cũng tương tự như vậy, HT Tịnh Không đã hiện đại hóa một số từ nguyên thủy của Phật Giáo khiến cho người thời nay dể hiểu hơn như:
1. Kiến tư phiền não = chấp trước.
2. Trần sa phiền não = phân biệt.
3. Vô minh phiền não = vọng tưởng.
4. Phát Bồ Đề Tâm = Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi
5. Nhất hướng chuyên niệm = nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật.
…
Qua đó chứng minh cho thấy bài kinh Bát Nhã đối với người còn sống dù đọc tụng mỗi ngày còn khó có thể lãnh hội được thì người mất liệu chỉ nghe một lần mà có thể hiểu được là điều rất khó vậy.
Nói tóm lại người mất có được lợi ích hay không còn tùy thuộc vào tâm người tụng có chân thành, thanh tịnh hay không và tâm của người mất có hoan hỉ với việc mình tụng bài kinh đó hay không…Đa phần thì quý thầy thường khuyên tụng kinh Địa Tạng, trường hợp này rất hiếm khi gặp nhưng nếu là tâm nguyện của người mất thì thiết nghĩ cũng hãy nên tùy duyên vậy. Điều quan trọng chính là làm tròn tâm nguyện của họ để an ủi linh hồn họ, tránh làm cho họ nổi sân để bị sa đọa. Nếu như không biết tâm nguyện của họ là gì vậy thì hãy nên tham khảo thêm qua bài Người Sắp Mất Cần Nhất Điều Gì Ở Chúng Ta?
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật – Xin chào TC, Viên Trí và các đạo hữu,
Theo sự hiểu biết nông cạn của HT thì các vị Tổ và Thầy lập ra thời khoá tụng niệm nào cũng bắt đầu Chú Đại Bi và kết thúc qua Bát Nhã Tâm Kinh là vì muốn nhắc nhỡ chúng ta ghi nhớ cho kỹ trên con đường tu tập cho đúng chánh pháp.
Tu đúng chánh pháp là gì? Trước hết phải phát tâm Bồ Đề (Đại Bi), tùy duyên tu hành các Phật pháp tự độ và độ tha mà xa lìa ngã chấp tất cả pháp (Bát Nhã).
Tụng kinh để trở lại tâm thanh tịnh.
Trì chú cũng để trở lại tâm thanh tịnh.
Niệm Phật cũng để trở lại tâm thanh tịnh (tự độ) rồi phát tâm từ bi mong muốn hy vọng tất cả chúng sanh cũng có ngày giải thoát lặng lẽ trở lại tâm thanh tịnh sẵn có (Lý). Còn Sự thì tức là theo nguyện lực vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc được gần Phật A Di Đà, nghe pháp vi diệu, ngày đêm thường đi cúng dường các Đức Phật ở khắp mười phương để sớm trọn viên mãn tâm Bồ Đề đã phát thệ. Cho nên trong kinh A Di Đà tuy ngắn gọn nhưng chứa đầy ý nghĩa thâm sâu vi diệu khó hiểu đừng nghĩ là kinh đó chỉ để tụng khai tâm cầu siêu cho người chết.
Người sống đủ phương tiện thuận lợi chưa chắc đã hiểu các kinh để khai ngộ ra những sự trói buộc huống chi khi chết oan gia nghiệp lực tới đòi nợ tâm thức tán loạn, bị chi phối bởi một chữ “CHẾT” làm sao nghe kinh để khai ngộ mà siêu thoát? Trừ khi người chết đó có chút căn lành gieo trồng trong tiền kiếp đúng duyên mới hy vọng nghe kinh chú mà siêu thoát cảnh giới tam đồ. Nếu là Phật tử mà không nắm vững tin chơn chánh căn bản Lý Sự trong kinh chú thì chúng ta sẽ biến kinh chú thành mê tín. Tụng kinh, trì chú, niệm Phật linh ứng nhiệm mầu tại người mà thôi.
———————————————–
Trích từ 1 vị Thầy vô danh.
Từ xưa đến nay việc siêu độ cho một vong linh rất ít ai làm cho đúng. Vì vậy, mà số vong linh được cứu vớt cũng không nhiều lắm đâu. Cho nên phải biết cách thức để cứu độ vong linh, thì như vậy sẽ đem đến một phước đức vô lượng vô biên.
Muốn cho một vong linh nghe lời của chủ lễ, tôn trọng chủ lễ, thì người chủ lễ trước tiên phải có một tư cách đứng đắn. Kế đến, người chủ lễ phải biết tu tập. Một khi tu tập, là sẽ tạo cho mình một ánh hào quang. Vong linh nhìn vào, thấy rực ánh hào quang, vong linh tức khắc sẽ nghe theo.
Do đó, đường tu tập rất là quan trọng, vì một khi tu tập đến nơi đến chốn, và tu tập một cách chân thành…
Chân thành như thế nào? Là sửa từng lỗi nhỏ, sửa từng tánh nhỏ, sửa từng ý thức nhỏ, sửa từng sự rung động nhẹ của tâm; thì như vậy, từ từ mới có thể tạo cho mình một ánh hào quang.
Khi đã có ánh hào quang thì đương nhiên các vong đều phải kính phục và nghe theo. Vì một người đã phát được ánh hào quang, thì chứng tỏ rằng người đó cũng đã biết tu tập sửa đổi tâm tánh của mình rất nhiều.
Người đời xem trọng giá trị bên ngoài, vong linh nhìn vào giá trị bên trong. Giá trị bên trong phát ra ánh sáng, cho nên tất cả các vong nhìn ánh sáng đó đều sẽ một lòng kinh sợ và cúi đầu nghe theo.
Cho nên, đã quyết tâm tu tập thì phải nhớ điều này: Phần cốt yếu là làm sao tận tâm, tận lực, tận cường để cho đường tu tập của mình càng ngày càng lên cao, thì như vậy đối với đời, mình vẫn có một tư cách tốt, đối với cõi âm mình vẫn đủ tư cách để có thể giúp đỡ cho các vong linh siêu thoát được. Cho nên, tu tập phải cẩn thận rất nhiều. Người tu tập chân chính, đúng nghĩa, sẽ làm nhiều điều lợi ích cho chúng sanh, sống cũng như chết.
Nam Mô A Di Đà Phật
Mẹ cháu niệm phật xong, rồi quay mặt về hướng nam cầu nguyện. Vậy xin hỏi hướng Nam có cõi gì? vì mẹ cháu theo pháp môn” Vô vi” của thầy Tám.
Người niệm Địa tạng vương Bồ tát lấy hướng Nam hướng cầu nguyện.
A Di Đà Phật.
Nếu tu hành không tin lời Phật dạy thì chắc chắn sẽ dễ chiêu cảm tà ma ngoại đạo. Nhất là trong thời mạt pháp này, vô số pháp môn tà đạo xuất hiện dụ dỗ không đem lại sự giải thoát của bản ngã tí nào. TC phải nên nhắc mẹ điều này mà thức tỉnh. TC cố gắng niệm Phật thành tâm chân thật cầu xin các Ngài gia hộ cho mẹ TC sớm được quay về với Tam Bảo cùng Chánh Pháp.
Niệm phật cũng chỉ là phương tiện chứ không thể là tuyệt đối , tu thế nào đi nữa mà bỏ qua tứ thánh đế thì con đường giải thoát còn xa lắm
A Di Đà Phật – Xin chào bạn Quang Vinh,
Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, nếu có ai nói rằng không cần xây dựng tầng dưới của ngôi nhà, tôi sẽ xây tầng trên của ngôi nhà, sự kiện này không thể xảy ra. Cũng vậy, nếu có ai nói rằng không cần giác ngộ Tứ thánh đế, ta sẽ đoạn diệt khổ đau, sự kiện này không thể xảy ra.”
Nếu bạn chịu khó nghiên cứu kỹ thì pháp môn niệm Phật đã được xây dựng trên nền tảng của tứ thánh đế (tứ diệu đế) rồi. Tuy cụm từ này không được nhắc đến nhưng những gì có trong tứ thánh đế thì đã mang ra ứng dụng thực hành, tạo thành nhiều bài viết có liên quan. Chẳn hạn như bài Niệm Phật Hiểu Theo 37 Phẩm Trợ Đạo.
Ý kiến của bạn có phần giống với bạn Mai Trang mà lúc trước VT có trao đổi tâm sự ở đây.
Cám ơn bạn đã nhắc lại tên gọi của pháp môn nhé. Tuy không biết tên gọi là gì nhưng nếu đã có tu tập qua thì ít nhiều cũng được lợi lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật – Xin chào bạn Quang Vinh,
Tạm thời bạn tham khảo các bài viết dưới đây trước nhé rồi có gì thì hy vọng các liên hữu ở đây sẽ trợ giúp bổ sung ý kiến đóng góp ngỏ hầu giải tỏa gút mắc trên.
1. Phải Chăng Cõi Tây Phương Cực Lạc Chỉ Là Huyễn Dụ?
2. Cõi Tây Phương Cực Lạc Có Thật Không?
3. Tây Phương Cực Lạc Không Có Thật Vì Duy Tâm Tịnh Độ?
4. Nhờ Đâu Chúng Ta Tin Cõi Cực Lạc Là Có Thật?
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật – Xin chào bạn Quang Vinh,
VT nghe nói là do lão cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập gồm 5 bộ kinh, nếu bạn không tin kinh Vô Lượng Thọ thì có thể đến với Tịnh Độ bằng những bộ kinh khác như là Kinh Hoa Nghiêm Với Pháp Môn Tịnh Độ cũng được. Bởi vì Phật Thích Ca Giảng Về Tịnh Độ Pháp Môn Trong 28 Bộ Kinh.
Quan trọng nhất là Trong kinh Đại Tập nói rằng thời Chánh Pháp (gồm 1.000 năm từ lúc Phật thành đạo) tu Giới Luật được thành tựu. Thời Tượng Pháp (1.000 năm kế tiếp) tu Thiền Quán được thành tựu. Thời Mạt Pháp (10.000 năm tiếp theo) tu Tịnh Độ được thành tựu. Hiện nay Phật lịch của chúng ta là năm 2559 (2015 DL) tức là chúng ta đang ở vào thời kỳ Mạt Pháp. Cho nên nếu người tu Phật thời nay muốn thành tựu lý tưởng giải thoát thì nên tu theo pháp môn Tịnh Độ (hay còn gọi là Niệm Phật).
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật.
– Kinh Niệm Phật Ba La Mật –
Phẩm Thứ Nhứt – Duyên Khởi
Trưởng-giả Diệu Nguyệt từ trong đại chúng bước ra, đi nhiễu quanh đức Phật ba vòng. Rồi đến trước Như-Lai, chấp tay quì xuống, gối bên hữu chấm sát đất, cung kính bạch với đức Phật rằng:
– “Hi hữu Thế-Tôn ! Hi hữu Thế-Tôn ! Được làm thân người là khó, như con rùa gặp bộng cây nổi, nhưng được gặp Phật ra đời còn khó gấp muôn phần.
Gặp Phật ra đời đã khó, nhưng được nghe Chánh pháp lại còn khó gấp muôn phần. Được nghe Chánh pháp đã khó, nhưng làm thế nào để nương theo giáo nghĩa tu tập lại còn khó gấp vô lượng phần.
Bởi vì sao ? Theo chỗ con xét nghĩ, thì trong tám muôn bốn ngàn pháp mầu mà Như-Lai đã chỉ dạy, nhằm đưa hết thảy chúng sanh ngộ nhập Phật tri-kiến, phải có một pháp mầu cứu vớt những hạng chúng sanh tội khổ, mê đắm, xấu ác. Hôm nay con phụng vì hết thảy chúng sanh tội khổ nơi thời Mạt pháp, cũng như phụng vì các bậc trưởng-giả, cư-sĩ, bà-la-môn, sát-đế-lợi, thủ-đà-la tại thành Vương-Xá nầy, mà khẩn cầu đức Thế-Tôn rủ lòng thương xót, ban cho chúng con một cách thức tu hành thật dễ dàng để giải thoát, một con đường thật vắn tắt để hoàn thành Phật Trí.
Như đức Thế-Tôn từng chỉ dạy, đời Mạt pháp các chúng sanh trong cõi Diêm-phù-đề cang cường, ngỗ nghịch, tâm tạp, nghiệp nặng, mê đắm ngũ dục, không biết hiếu thuận cha mẹ, không biết cung kính Sư-trưởng, không thực lòng quy y Tam-Bảo, thiếu năng lực thọ trì năm giới cấm, làm đủ mọi chuyện tệ ác, phỉ báng Thánh nhân v.v… Cho nên con suy gẫm như thế này, phải có một môn tu thật giản đơn, thật tiện lợi nhất, dễ dàng nhất để tất cả những chúng sanh kia khỏi đọa vào các đường ác, chấm dứt luân chuyển sanh tử khắp ba cõi, được thọ dụng pháp lạc, sớm bước lên địa vị Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác.
Vì sao như vậy ? Sau khi Như Lai diệt độ khoảng một ngàn năm trở đi, đó là thời kỳ Chánh pháp cuối cùng, các kinh điển dần dần ẩn mất, chúng sanh căn cơ hạ liệt, ám độn, ngã chấp sâu dày, tâm tưởng thô trệ, tà kiến lan tràn, say sưa làm các nghiệp ác để tự vui.
Do đó tự nhiên chiêu cảm động đất, đói kém, tật dịch, binh đao, bão lụt, mất mùa, gió bão, thời tiết viêm nhiệt bức não. Thánh nhân lại không xuất hiện. Tuổi thọ giảm dần. Nếu ai phát khởi tâm chí tu hành, cũng không thể tu tập các môn Giới luật, Thiền định, Trí tuệ, Giải thoát vô lậu. Không thể tu tập Tứ-niệm-xứ, Bát-chánh-đạo, Tứ-chánh-cần. Không thể tu tập Tứ-vô-lượng-tâm, không thể tu tập Sáu-ba-la-mật, hoặc là Bố-thí ba-la mật, nhẫn đến Trí-huệ ba-la-mật, không thể tu tập bằng các phương tiện của Quán Trí để ngộ nhập Phật Tri Kiến. Không thể chứng đắc Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Không thể chứng nhập Sơ-thiền nhẫn đến Tứ-thiền. Không thể chứng nhập Niết-bàn Diệu-tâm. Không thể vào sâu vô lượng Tam-muội, Thần-thông Du-hí của chư Bồ-Tát, nhẫn đến không thể thâm nhập cảnh giới thù thắng trang nghiêm của chư Phật, hoặc rải cỏ nơi đạo tràng, đánh rền trống pháp hàng phục ma quân.
Vì lý do như vậy, mà đệ tử chúng con xét nghĩ nên phát khởi Vô-thượng Bồ-đề-tâm. Khẩn cầu đức Thế-Tôn chỉ dạy giáo pháp nhiệm mầu, mong lợi lạc hết thảy tội khổ chúng sanh ở thời kỳ cuối cùng của Chánh pháp”.
Trưởng-giả Diệu-Nguyệt vừa dứt lời thưa thỉnh, thì bỗng đại địa chấn động mãnh liệt. Khắp hư không, hoa mạn-đà-la, hoa ma-ha mạn-đà-la, hoa mạn-thù-sa, hoa ma-ha mạn-thù-sa, tuôn rắc như mưa. Từ phương Tây, xuất hiện vô lượng vô số hằng hà sa đám mây ngũ sắc, mây chiên đàn hương, mây y phục cõi trời, mây âm nhạc cõi trời, mây hoa sen báu trắng bạch v.v… Trong những đám mây ấy phát ra tiếng sấm lớn, đồng một lúc chầm chậm bay về, nhóm lại phía trên đỉnh núi Kỳ-Xà-Quật. Tất cả đại chúng đều vui mừng, hớn hở, tự biết ấy là điềm lành chưa từng có.
Bấy giờ, Quốc mẫu Vi-Đề-Hy hoàng thái hậu từ trong đại chúng, bước ra trước Phật đảnh lễ xong, bèn chấp tay thưa:
– “Bạch đức Thế-Tôn, vì duyên cớ gì mà hiện điềm lành nầy ?”
Liền khi ấy, đức Như-Lai từ nơi tướng lông trắng chặng giữa chân mày, phóng ra hào quang chiếu khắp vô lượng vô biên vi trần số thế giới mười phương mà nói lời nầy:
– “Lành thay ! Các thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân ! Nay ta vì lời thưa thỉnh của Ưu-bà-tắc Diệu-Nguyệt, và của Ưu-bà-di Vi-Đề-Hy, lại nương theo Bổn nguyện của vô lượng vô số bất khả thuyết chư Phật, mà tuyên dương giáo nghĩa bí mật vi diệu tối thắng đệ nhất, nhằm cứu độ hết thảy chúng sanh ở trong thời kỳ Phật Pháp cuối cùng.
Giáo nghĩa nầy, chư Phật quá khứ đã nói, chư Phật hiện tại đang nói, và chư Phật vị lai sẽ nói. Tất cả chúng sanh đời Mạt pháp sẽ nương nơi giáo nghĩa này mà được giải thoát rốt ráo, mãi mãi xa lìa các đường ác, hiện đời an ổn, sau khi mạng chung đuợc sanh về cõi Phật, chứng ngôi vị Bất-thối, dần dần tu tập cho đến khi đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam Bồ-đề.
Nầy cư sĩ Diệu-Nguyệt, hãy chăm chú lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói:
– “Diệu-Nguyệt, tất cả các loại chúng sanh chết ở nơi đây, rồi sanh sang nơi kia, sống chết nối nhau không dứt. Mỗi khi sắp mạng chung thì các loại nghiệp lành dữ trong một đời hiển hiện rõ ràng. Chúng sanh nào sống thuần bằng tư tưởng, thì bay lên hóa sanh nơi các cõi Trời. Nếu trong sự thuần tưởng, lại gồm cả phước huệ và tịnh nguyện thì tự nhiên tâm trí khai mở mà được thấy mười phương chư Phật, tùy theo nguyện lực của mình mà sanh về Tịnh-độ.
Chúng sanh nào tình ít, tưởng nhiều thì vào hàng phi tiên, bay đi nhẹ nhàng nhưng không được xa bằng hạng thuần tưởng.
Chúng sanh nào tình và tưởng bằng nhau thì sẽ phát sanh vào cõi người. Bởi vì sao như vậy ? Bởi tưởng là thông sáng, tình là mê tối. Nếu tình và tưởng ngang bằng nhau thì không bay lên và cũng không đi xuống.
Chúng sanh nào tình nhiều, tưởng ít thì sẽ lạc vào bàng-sanh, nhẹ thì làm chim bay, nặng thì làm thú chạy.
Chúng sanh nào có bảy phần tình và ba phần tưởng, sẽ bị đọa làm thân ngạ quỷ, thường chịu nóng bức, đói khát trải qua trăm ngàn kiếp dài lâu.
Chúng sanh nào có chín phần tình và một phần tưởng, thì sẽ đọa vào địa ngục. Nhẹ thì vào nơi địa ngục hữu gián, nặng thì sẽ đọa vào ngục Đại A-tỳ. Nếu ngoài cái tâm thuần tình ấy, còn kiêm thêm các trọng tội như hủy giới cấm của Phật, khinh báng Đại-thừa, thuyết pháp sai lầm, đắm tham của tín thí, lạm thọ sự cung kính, và phạm vào thập ác ngũ ngịch, thì sẽ chiêu cảm quả báo luân chuyển sanh về các ngục Vô-gián ở khắp mười phương.
Nầy Diệu-Nguyệt cư sĩ ! Trong thời kỳ Chánh pháp diệt tận, chúng sanh nơi cõi Diêm-phù-đề tình nhiều tưởng ít, tâm địa bỏn sẻn, tham lam ghét ganh, các căn lành phước báo kém cỏi. Lúc sanh tiền thọ nhận đủ loại nghiệp dữ, sau khi mạng chung sẽ chịu các quả báo đau khổ trong ba nẻo ác dữ với hạn kỳ lâu dài. Vì thế mà chư Phật khắp mười phương xót thương vô cùng, luôn luôn tìm cách cứu trừ khổ não cho các hạng chúng sanh kia.
Các đức Như-Lai hiện ra nơi đời, mục tiêu chân chánh là không chỉ tuyên dương diệu pháp bí áo sâu xa cho những bậc Thánh giả, hiền nhân – mà mục tiêu khẩn thiết nhất vẫn là nhằm cứu vớt các loại chúng sanh tội khổ, nặng về tình, nhẹ về tưởng.
Chư Phật đã dùng Phật nhãn quán sát khắp mười phương, thấy rõ nghiệp lực chúng sanh lành dữ không đồng đều, thấy thân tướng và cảnh giới của chúng sanh xấu tốt có sai biệt. Nhưng điểm sanh khởi chẳng rời sát-na tâm sanh diệt, chỗ hội quy cũng không rời sát-na tâm sanh diệt. Muốn hàng phục và chuyển biến cái sát-na tâm sanh diệt ấy, thì không có pháp nào hơn là pháp NIỆM PHẬT.
Diệu-Nguyệt cư sĩ, nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào, đủ lòng tin thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu NAM-MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT, suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi, thì hiện tiền chiêu cảm được Y báo, và Chánh báo của Phật A-Di-Đà ở cõi Cực-Lạc. Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm tiếp nối liền nhau, lập tức vào Phổ-đẳng Tam-muội của đức A-Di-Đà được Phật tiếp dẫn về Tịnh-độ Tây-phương. Vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn luân hồi sanh tử. Đó gọi là quả vị Bất-thối-chuyển. Từ lúc ấy nhẫn nại về sau, vượt qua Thập-địa, chứng Vô-thượng-giác.
Diệu-Nguyệt nên biết, đây thật là pháp vi diệu thù thắng đệ nhất, mà chư Phật dùng để cứu độ khắp hết thảy chúng sanh. Đây thật là môn tu thích đáng khế hợp mọi căn cơ mà chư Phật dùng để đưa hết thảy muôn loài xa rời nẻo khổ, chứng đắc Niết-bàn tại thế, thành Phật trong một đời.
——————————————–
(Bồ tát Long Thọ)
Ít nói một câu chuyện
Nhiều niệm một câu Phật
Đánh chết được vọng niệm
Pháp thân người hiển lộ.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Trong Kinh A Di Đà, Phật đã nói trước là pháp môn Tịnh Độ là “nan tín chi pháp”, là pháp khó tin bậc nhất trong Phật pháp. Ai đó không tin là quyền của người đó, cũng chẳng nên vì cái thấy biết của mình hay nghe từ ai đó mà vội vàng phủ nhận Tịnh Độ pháp môn.
Quang vinh chỉ đến với người biết khiêm hạ, người tu niệm Phật có thể tự tại vãng sanh biết trước ngày giờ ra đi, chính mắt họ còn nói với đại chúng là thấy Phật đến rước, việc này trong và ngoài nước đều có, ngay VN ta có HT. Thích Thiền Tâm tự tại vãng sanh vào năm 1992 và nhiều tấm gương vãng sanh ko thể nghĩ bàn khác nữa, muốn đi lúc nào là đi lúc đó, đứng ngồi nằm tự tại không bệnh khổ mà đi…
Pháp môn này đã qua 13 đời tổ sư, từ thời Đại Sư Huệ Viễn lập liên xã ở Lô Sơn cách đây hơn 1500 năm rồi…
Nếu đã có tâm nghi cầu sự rõ ràng nơi nguồn gốc Kinh Điển thì cũng nên phân tìm đến nơi đến gốc của Tứ Diệu Đế do ai dịch, rồi phải đối chiếu với bản Kinh tiếng Phạn đó do ai viết lại, họ viết từ đâu? Cứ vậy truy ngược ra bằng chứng sao cho đến được bản Kinh gốc ở lần hội tập Kinh Điển lần thứ 1 vậy thì mới đáng tin, cái tâm truy cầu sự thật Kinh Điển phải làm như vậy, phải bình đẳng, chứ hà tất chi mà sanh tâm dễ dãi vội tin tưởng với nguồn gốc của Tứ Diệu Đế & Bát Chánh Đạo mà lại sanh tâm phân biệt khắt khe với Tịnh Độ Kinh Điển của Đức Thế Tôn? Cái tâm này há chẳng phải bộp chộp, thiên lệch lắm ư? Còn nếu lại nói ko ưa nước ngoài thì tại sao lại đi học Phật pháp? Phật đâu phải người Việt Nam? Học Phật chẳng phải hướng ngoại rồi sao? Phải nên tìm ông Phật Việt Nam học mới phải. Mà chẳng biết tất cả nguồn pháp đều từ chân tâm bình đẳng, thanh tịnh, trí huệ, từ bi mà sanh khởi ra, mà chẳng cần phải phân biệt trên hình tướng bên ngoài vậy. Hễ còn vì sắc mà cầu pháp, vì thanh mà cầu pháp, kẻ ấy hành đạo tà, chẳng thể thấy Như Lai. Phật pháp chẳng phải hướng ngoại mà cầu, y văn giải nghĩa ba đời chư Phật đều bị hàm oan. Học Phật như vậy chẳng có lợi ích ngay trong đời này được, chẳng qua trồng được 1 chút thiện căn trong cửa Phật cho đời tương lai mà thôi…
Tâm phân biệt, chấp trước là gốc của luân hồi, mà ngay trong Phật pháp lại nảy sanh cái tâm phân biệt chấp trước thành kiến như vậy thì chính mình đang tạo khẩu nghiệp, phỉ báng chánh pháp, phá hòa hợp tăng…Con đường này dẫn mình đi xuống thẳng Địa Ngục A Tỳ ở kiếp tiếp theo, nghĩ đến đây nếu chẳng toát mồ hôi máu mà sanh tâm sám hối thì không còn gì để nói…Có những cái mình không tin nó vẫn tồn tại, vì cái tin, cái thấy, cái biết của mình vẫn còn trong cái NGÃ to đùng chưa phá trừ mà thôi…
Âu cũng là tự mình làm tự mình chịu, chẳng ai thế cho ai được, người niệm Phật thì từ vui vào vui, từ sáng vào sáng, người phỉ báng A Di Đà Phật thì từ sáng vào tối, từ tối lại vào tối hơn…Phật gọi là kẻ đáng thương vậy.
Với hạng người ko tin A Di Đà Phật thì ko cần giải thích dài dòng, huynh đệ cũng chẳng nên lưu giữ những comment của họ, nhưng comment của phàm phu Tịnh Thái này nên giữ lại để làm tham khảo cho các bạn đọc khác, cũng hi vọng ai đó đọc được thì cũng biết khéo giữ khẩu nghiệp, ko tạo nghiệp phỉ báng, khinh chê Tịnh Độ nữa, vậy thì họ được cứu rồi.
A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật – Xin chào bạn Quang Vinh,
Một câu niệm Phật lặng lẽ trì “Mật”
Một câu niệm Phật nhất tâm “Thiền” định
Một câu niệm Phật thẳng tới “Tịnh” độ
A Di Đà Phật chứa Mật Thiền Tịnh.
Tứ Thánh Đế cũng là trong các phương tiện nhưng không có phương tiện nào bao gồm khắp cả căn cơ bằng phương tiện niệm Phật vì đó là pháp nhất thừa của ba đời mười phương chư Phật để độ chúng sanh. Sự niệm Phật nhìn bề ngoài bạn chưa thực hành qua thì dễ sanh tâm khinh chê.
Tu tập theo Tứ Thánh Đế mà tâm bạn còn phân biệt thô như vậy thì làm sao hy vọng có ngày thấy con đường giải thoát ư?
Chi bằng lão ông già bà già thành tâm cung kính sống từ bi khiêm tốn niệm Phật (tỉnh giấc mộng) tự tại vãng sanh trong sanh tử luân hồi. Đó không gọi là giải thoát chứ là gì? Đạo lý rõ ràng như vậy kẻ có trí tuệ phải nên nhìn thấu chứ bạn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật???
Xin cảm ơn các quý thiện hữu.
Xin cám ơn trí tuệ sáng suốt của quý vị!
Xin cám ơn các nghịch cảnh mình tạo, người tạo!
Xin cám ơn những lỗi lầm của mình của người!
Xin cám ơn tất cả, tất cả!
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
…
???
Xin hỏi các vị đạo hữu, mình cũng đang niệm phật cầu sanh Tây Phương, nhất định trong tâm phải có phật, niệm phật không gián đoạn nhưng thứ nhất, về ăn uống thì mình chay mặn tuỳ duyên nên có lúc khi mình đang ăn mặn liệu có niệm phật được không? Thứ hai, mình đang tu pháp mông Tịnh Độ mà cứ sáng thức dậy có lúc ngủ rất nhiều làm chướng ngại sự thành tựu nên mình phải xử lý ra sao đây? Mong nhận được hồi âm của các vị. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
A Di Đà Phật. Về câu hỏi 1, liên hữu hãy tham khảo bài này:
Người Niệm Phật Có Bắt Buộc Phải Trường Chay Không?
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2012/12/nguoi-niem-phat-co-bat-phuoc-phai-truong-chay-khong/
Về câu hỏi 2, liên hữu hãy tập thói quen như vầy. Mỗi tối khi vừa đặt lưng xuống giường hãy tự nói với mình 3 lần như vầy: “Sáng mai hãy thức dậy lúc 4 giờ sáng.” Cứ nói giống như đang nói chuyện với một người khác vậy.
Tuần đầu tiên liên hữu có thể để đồng hồ báo thức, nhưng sau đó do thói quen tự nhắc nhở, ắt tự nhiên sẽ dậy đúng giờ. Hãy tự nói với mình trước khi ngủ như thế, sau đôi tuần sẽ thành tựu.