Kinh Vô Lượng Thọ có nói: “Ái bảo tham trọng, tâm lao thân khổ.” Tham ái sâu nặng, tâm mệt nhọc, thân khổ sở. Chữ “ái” ở đây là tham ái, chúng ta tham ái vàng bạc, tiền tài, của cải thế gian, tâm tham lam rất sâu nặng, luôn tưởng rằng có thể giữ lấy, giữ chặt, thật ra, cái gì cũng không có được, đó chỉ là khởi vọng tưởng mà thôi.
Người thế gian thường nói: “Sanh chẳng đem đến, chết chẳng mang theo”, vì chúng ta chưa chết nên vẫn còn muốn giữ chặt. Thật ra mỗi người chúng ta, mỗi buổi tối đều phải chết một lần. Khi ngủ say, cái thân này có bị khiêng đi, chúng ta đều chẳng biết, huống chi còn muốn giữ lấy vàng, bạc, châu báu! Thế gian không có một thứ chi là của mình, vì thế, không có một thứ chi có được, bao gồm cả thân thể chính mình đều không có được. Ngay cả thân thể còn không có được, huống chi vật ngoài thân!
Do vậy chúng ta phải giác ngộ, nhất định phải mở rộng tầm nhìn, phải nhìn thấu, khi chúng ta thật sự buông xuống sẽ được đại tự tại, đó mới hạnh phúc khoái lạc thật sự. Vì thế, buông xuống là lẽ đương nhiên, phải buông xuống, vì sao? Chẳng thể có được thứ gì. Nếu đã là thứ gì cũng đều không thể được, vì sao không chịu buông xuống? Nếu có được, dù ta không buông xuống đi nữa, Phật cũng vẫn gật đầu, vẫn tán thành, nhưng dù chúng ta có nghĩ tưởng như thế nào đi nữa, tất cả đều là không, đều chẳng thể được, đều là trống rỗng! Vì thế, Phật dạy chúng ta buông xuống, tuyệt đối là đúng đắn. Vì sao Ngài dạy chúng ta buông xuống? Vì thật sự chúng ta không thể nào có được. Do vậy, người mê hoặc rất tội nghiệp, “tâm nhọc nhằn, thân khổ sở”, những thứ chúng ta không thể có lại muốn có cho được, cho nên mới khổ! Thân lẫn tâm đều khổ.
Hoà thượng Tịnh Không
A Di Đà Phật…
Xin chào Tịnh Thái:
Nhờ Tịnh Thái lý giải dùm Độ câu: Bồ Tát Mã Minh nói: “ly ngôn thuyết tướng, ly danh tự tướng, ly tâm duyên tướng.”??? Cảm ơn TT.
A Di Đà Phật..
A Di Đà Phật
Ly là không dính mắc,không chấp trước
Ngôn là ngôn ngữ
Thuyết là trình bày
1.Ly tâm duyên tướng
Tướng ở đây là lục trần,là huyễn tướng,là tướng giả.
Tâm duyên ở đây là vọng tâm còn gọi là tâm phan duyên tức là cái tâm vọng tưởng,phân biệt,chấp trước rong ruổi theo lục trần. Tâm phan duyên ở đây chủ yếu là nói đến ý thức.Ý thức là tên gọi khác của tâm phan duyên .
Ý thức có công năng rất mạnh nhưng có hạn.
Bên ngoài nó có thể duyên với lục trần,hư không nhưng không thể duyên với thật tướng các pháp,không thể duyên được với nhất chân pháp giới
Bên trong Ý thức duyên vào tận tàng thức Alaida nhưng không thể duyên với được tự tánh diệu minh của chúng sanh
Tóm lại là Ý thức chỉ duyên với huyễn tướng,cho nên muốn thấy được thật tướng thì phải buông xả Ý thức,chuyển thức thành trí
Vì thế mới gọi là ly tâm duyên tướng.
2.Ly tướng ngôn thuyết.
Trên tướng lập ngôn ngữ,lời nói.Tướng là giả thì ngôn cũng là giả.Chẳng hạn khi nói về tướng cái bàn thì nói nó có bốn chân,làm bằng gỗ,…đấy là tướng ngôn thuyết là tướng giả của cái bàn.Thật tướng của cái bàn là vô tướng chẳng thể dùng tâm phan duyên,ngôn ngữ mà nói được.
Vì thế mới gọi là Ly tướng ngôn thuyết
3.Ly danh tự tướng.
Y trên một cái tướng thì lập ra cái danh.Hễ có tướng thì có danh.Ví như mỗi người chúng ta đều gán cho một cái tên.Cả tướng lẫn danh đều là giả.Người Việt thì gọi là cái bàn,người Anh thì gọi là tabble.
Vì sao lại lập ra danh là vì muốn duy trì vọng tưởng của tướng mãi không dừng.Chẳng hạn một người bị chết đi,không còn cái tướng nữa thì để nhắc đến người ấy người ta mang tên của người ấy mà nói,mà nhớ tới mãi không thôi.Người ấy lưu lại trên thế gian một cái danh giả còn thực sự người ấy ở đâu thì không mấy người biết được.
Muốn Ly tâm duyên tướng, Ly tướng ngôn thuyết ,Ly danh tự tướng thì phải dùng một câu A DI ĐÀ PHẬT.Kinh niệm Phật Ba La Mật đã nói rõ.
Nầy Phật tử, danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà Phật có vô lượng vô biên bất khả thuyết ý nghĩa thâm mật vi diệu như thế, dẫu ba đời mười phương chư Phật diễn nói cũng không cùng tận.
Lại nữa, không thể chấp trước nơi ngữ ngôn, văn tự, âm thanh, tri kiến, biện luận … mà bảo rằng danh hiệu Nam-mô A-Di-Đà là hữu niệm hoặc vô niệm. Vì sao vậy ? Bởi vì danh hiệu ấy chính là không tánh, là vô sở đắc, là vô sở ý, vô cấu nhiễm, là vô sở tương ưng, là vô sở bội nghịch, vô công dụng hạnh, là vô sở cầu hạnh.
Khi xưng niệm danh hiệu Phật, hành giả không để Thức nương theo nhân duyên mà dấy động, nên chẳng thành tựu pháp Y-tha-khởi. Vì không có sự tham dự của ngã và ngã sở nên Biến-kế Sở-chấp cũng chẳng tồn tại. Chỉ có danh hiệu Phật vẫn tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng tâm, mà mỗi mỗi sát-na đều biểu hiện Vô-thượng Diệu-viên Thức-tâm Tam-Muội, tức là Chân Duy Thức Tánh.
Tiếp tục hành trì niệm Phật như thế chẳng bao lâu, thì chẳng còn nhìn thấy huyễn tướng của vạn pháp ở bên ngoài và cũng chẳng còn bắt gặp Tám thức ở bên trong. Trong hay ngoài đều giả dối, không thật. Ngay cả tướng Duy-thức cũng chẳng có nữa. Vì ba đời mười phương Như-Lai, vi trần sát quốc độ, hư không, sắc pháp, tâm vương, tâm sở … đều không một thứ nào ra ngoài Chân Duy Thức Tánh mà tự hữu, tự sanh, tự diệt, danh hiệu Phật vẫn tương tục, không gián đoạn, như có, như không, cho đến khi Chân Duy Thức biến mất, Đại Viên Cảnh Trí tự nhiên phơi bày, danh hiệu Phật sẽ dẫn dắt hành giả đi vào tánh Viên Thành Thật, chứng Vô-sanh Pháp-Nhẫn.
Do đó, phải nói rằng Niệm Phật là pháp môn đệ nhất dùng để chuyển thức thành trí, mà chúng sanh thời Mạt pháp phải siêng năng thọ trì.
A Di Đà Phật
con xin chia sẻ 1 chút. theo hoà thượng tịnh không giảng thì chữ “LY” có nghĩa là không chấp. không chấp tướng ngôn thuyết,… a di đà phật
Mình có vấn đề về sự tái sanh về các cảnh giới khác nhau có gì không đúng thì các bạn giải thích thêm nha:mình thấy nếu như dựa vào hình khi lâm chung có đúng không.ví dụ như 1 người hay niệm phật phóng sanh bố thí nhưng người này có bệnh đau tim trước khi chết hình tướng không đẹp hỏi người này đi về đâu?lên trời hay địa ngục hay là vãng sanh?nếu như bị đọa địa ngục diêm vương hỏi tội người ấy đã phạm tội gì nhưng người ấy nói tôi không có tội?diêm vương sẽ xử tội anh ta thế nào khi cái chết đau tim đến bất ngờ?
Chào bạn Học Đạo,
Theo mình hiểu thì “…hay niệm Phật, phóng sanh, bố thí…), chỉ bao nhiêu đó thôi thì người ngoài chẳng ai biết được vị ấy sau khi chết sinh về đâu, ngoại trừ chính vị ấy hay những bậc đã chứng đắc thần thông. Còn “Diêm Vương” cũng do chính tâm thức của vị ấy biểu hiện ra mà thôi, giống như mình thấy những cảnh tượng rùng rợn trong giấc chiêm bao vậy; nếu muốn hỏi thì nên hỏi chính vị ấy là “Diêm Vương đã xữ anh như thế nào?” là chắc ăn nhất! Vị ấy chắc sẽ trả lời đầy đủ chẳng hơn chẵng kém 😀
Mình đọc trong An Sĩ Toàn Thư – Âm Chất Văn giảng rộng. Tiên sinh Chu An Sĩ có trích 1 câu chuyện như sau:
“Đời nhà Thanh, vào niên hiệu Thuận Trị năm thứ nhất, vùng An Huy, huyện Thanh Dương, nhà Ngô Lục Phòng có người giúp việc tên là Ngô Mao, thường giữ Năm giới, làm nhiều việc thiện, niệm Phật không gián đoạn. Gặp lúc Tả Lương Ngọc đưa quân vượt Trường giang, cả nhà Ngô Lục Phòng đều phải đi lánh nạn, chỉ để lại một mình Ngô Mao thay chủ giữ nhà, rốt lại bị quân giặc bắt gặp đâm vào người 7 nhát mà chết. Vừa khi ấy có người em của Ngô Mao đến, Ngô Mao chợt tỉnh lại nói với em: “Anh đời trước tạo nhiều tội nghiệp, lẽ ra phải thọ sinh làm thân lợn trong 7 kiếp. Nay nhờ công đức trì giới niệm Phật nên chịu 7 nhát dao đâm mà giải trừ hết sạch oan nghiệp đời trước. Từ nay anh được vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc.”
Về sau, người chủ là Ngô Lục Phòng có lần hốt nhiên nhìn thấy Ngô Mao trên đường thẳng đến, phía trước phía sau đều có cờ xí trang nghiêm che rợp. Ngô Mao đến trước Ngô Lục Phòng thi lễ rồi nói rằng: “Tôi là Ngô Mao, nhân có việc phải đến cõi trời, tình cờ ngang qua đây.” Nói xong thì biến mất.
Ngô Lục Phòng liền cho người vẽ lại hình tượng Ngô Mao, mỗi ngày đều cung kính lễ bái.”
Vậy Ngô Mao do nhờ niệm Phật nên nghiệp lớn là 7 kiếp làm heo biến thành nhỏ chịu 7 nhát kiếm đâm chết. Tuy máu me đầy mình thân thể chịu nhiều đau đớn mà được vãng sinh. Cho nên từ đây có thể suy ra chuyện bạn nói ở trên.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nhân quả chẳng sai khác đâu bạn ạ, tạo ác thì gặp quả ác, tạo thiện thì gặp quả thiện chứ không thể nào mâu thuẩn được, chúng ta trồng lúa thì dĩ nhiên sẽ được lúa, không thể có chuyện trồng lúa lại được dưa hay bắp, trong vô lượng kiếp đã tạo nghiệp thiện ác khác nhau rất nhiều chứ không phải trong một đời này, và trong nhân quả thì kẻ nào mạnh đến trước, nếu lúc lâm chung tâm bạn sân giận, hận thù khởi lên thì nghiệp ác theo đó mà đến trước chắc chắn cõi đến không tốt đẹp, ngược lại lúc lâm chung tâm bạn chỉ có Phật, thanh tịnh không phiền não chỉ có một mong muốn duy nhất là muốn đến găp Phật Di Đà thì sẽ được vãng sanh. Còn hình tướng lúc chết thì tuỳ duyên bạn ạ, ví dụ thế này nhé: khi mình chuẩn bị đi du lịch đến nơi mình thích mình biết trước thì dĩ nhiên sẽ thấy thoải mái và vui vẻ mà đi, còn ngược lại khi đi đến nơi không thích thì tâm trạng bực bội khó chịu, trường hợp nữa là khi đi mà không biết đi đâu thì hồi hợp lo lắng, hoang mang…trong tái sanh cũng tương tự nếu không biết đi đâu chắc thì rất đáng sợ dễ bị oan gia trái chủ lôi kéo đến nơi xấu lắm.
Tôi đọc đến nghi vấn của đạo hữu Học Đạo (22-05-2015), khi lấy ví dụ một người đau tim bị chết bất đắc rồi để lại một tướng mạo không đẹp, nên không xác định được cảnh giới thác sinh sau đó.
Nếu đạo hữu tin lời Phật, Tổ: Một người tu hành đúng Pháp, niệm Phật, phóng sanh, bố thí thì dù bị bệnh đau tim hay bất cứ loại bệnh nan y nào, thì sẽ “không bao giờ bị đột tử” hay đau đớn đến nỗi lúc lâm chung để lại một “tướng mặt khó coi”! Tôi từng đi hộ niệm nhiều ca cùng đạo tràng Thanh Liên Nha Trang. Có 1 người ung thư tuyến tiền liệt thời kì cuối, vết ung vỡ ra hôi thối không chịu được và đau nhức vô cùng. Duyên may gặp và mời đạo tràng đến hộ niệm. Con cháu trong nhà rất lo ngại, đề nghị đạo tràng ngồi xa người bệnh ra, rồi dùng trầm hương đốt cho đỡ hôi. Nhưng chúng tôi vẫn không ngại, ngồi sát giường người bệnh và vẫn chân thành niệm Phật để hộ niệm cho ông ta. Và sự kì diệu đã xảy ra. Chỉ qua 2 ngày, mùi hôi không còn và ông ta đã tỉnh táo không thấy đau đớn để cùng niệm Phật với ban hộ niệm. Chưa qua 7 ngày, ông ra đi thật êm ái nhẹ nhàng, sắc mặt hiền hòa thanh thản đẹp hơn lúc sống, tay chân mềm, đỉnh đầu nóng. Chỉ bấy nhiêu đó đủ kết luận nơi chốn mà ông sẽ về ở kiếp sau.
Tôi năm nay đã 69 tuổi, theo Pháp môn Tịnh độ đã lâu, nhưng tôi không giỏi về giáo nghĩa như quý liên hữu khác, chỉ muốn góp thêm câu chuyện nhỏ này để mong đạo hữu và quý liên hữu nên hết lòng tin vào danh hiệu Phật A Di Đà. Hãy thật tâm niệm, sẽ tự thấy lợi ích.
Niệm 1 câu Phật hiệu, lạy 1 lạy chân thành, mọi tội nghiệp từ vô lượng kiếp sẽ tiêu dần, tai nạn bệnh tật sẽ lui bớt. Xin hãy tin như vậy.
A Di Đà Phật.
Mình không hiểu đạo Phật là đạo giải thoát sanh tử hay là đạo đức văn minh nữa hay Phật giáo chỉ nhìn nhận thực tế bên ngoài mà nói về trong kinh sách,cái nào tốt đẹp thì lấy, cái nào dở thì không đúng và cái nhập niết bàn Phật nói có sanh thì có diệt đây quả thật là đúng nhưng nếu như 1 người không sanh thì sẽ không diệt, vậy có phải người đó có phải là không còn tồn tại? có khác gì là chết đâu…
Chào bạn Học Đạo,
Mình cũng mới học hỏi, nên chẳng hiểu gì về đạo Phật, chỉ biết đạo Phật đơn giản là giống như một viên kim cương khổng lồ được cắt gọt nhiều mặt, mỗi mặt mỗi hướng với những màu sắt khác nhau. Đạo Phật không những là đạo giải thoát sinh tử, mà cũng là đạo đức văn minh, là tôn giáo, là triết học, là… phương cách sống, khoa học, tâm lý học, y học, kinh tế, chính trị, kinh doanh…và bao trùm nhiều thứ khác nữa. Phật giáo cũmg giống như một đại dương, chổ nào cũng có vị mặn của muối, nhưng không phải đại dương chỉ có võn vẹn một thứ là muối, hoặc mình chỉ thám hiểm trong một bãi tắm nào đó, rồi nghĩ rằng đại dương chỉ là như thế đấy, thì không chính xác cho lắm.
Phật nói có sinh thì có diệt, theo mình hiểu là đức Phật nói về các pháp ở cõi Ta Bà mà mọi loài chúng sanh đang sống, còn niết bàn là cảnh giới bất sanh bất diệt của chư Phật mà ngôn ngữ đời thường không thể diễn tả, và cũng không đủ khả năng để hiểu tường tận, chỉ có chư Phật mới hiểu được thôi, như câu chuyện ngụ ngôn “Rùa và Cá” mà đức Phật kể ra đây để chúng ta có thể hình dung sự khác biệt giữa hai cảnh giới:
“Thuở xưa có một con cá. Cá chỉ biết trong nước và không biết gì ngoại trừ nước. Một hôm, cá mãi mê bơi lội trong ao đầm quen thuộc như mọi hôm thì gặp lại chị Rùa. Hỏi ra thì rày lâu rùa đi dạo trên đất liền.
Cá hỏi: “Chào chị rùa, chị đi đâu mà mấy hôm rày tôi không gặp?”
– Này chị cá, chào chị. Hôm rày tôi đi một vòng lên trên đất khô. Rùa trả lời.
– Đất khô à! Cá lấy làm ngạc nhiên. Chị nói đất khô, vậy đất khô là gì? Đất làm sao khô được? Tôi chưa bao giờ thấy cái gì mà khô. Đất khô chắc là không có gì hết.
Bản tánh ôn hòa, Rùa nhỏ nhẹ đáp:
– Được, tốt lắm, nếu chị muốn nghĩ như vậy cũng tốt. Không ai ngăn cản chị đâu. Tuy nhiên, chỗ mà tôi đi mấy hôm rày đất khô thật.
– Này chị rùa, đâu chị nói rõ lại coi. Đất khô mà chị nói ra làm sao, giống như cái gì? Nó có ẩm ướt không?
– Không, đất khô không ẩm ướt.
– Đất khô có mát mẻ và êm dịu, dễ chịu không?
– Không, đất khô không mát mẻ và êm dịu, dễ chịu.
– Đất khô trong suốt và ánh sáng rọi xuyên qua được không?
– Không, đất khô không trong suốt và ánh sáng không rọi xuyên qua được.
– Đất khô có mềm mại và dịu dàng để mình bơi lội trong ấy không?
– Không, đất khô không mềm mại, dịu dàng và mình không thể bơi lội trong lòng đất.
– Đất có di chuyển và trôi chảy thành dòng không?
– Không, đất không di chuyển và trôi chảy thành dòng.
– Đất có nổi sóng và tan ra thành bọt kông? Cá rất bực mình với loạt câu trả lời “không, không, …” của rùa.
– Không, đất không nổi sóng. Rùa thành thật trả lời.
Cá bỗng nhiên lộ vẻ hân hoan của người đắc thắng và vang lên:
– Thấy chưa, thật quả như tôi đã nói chớ gì nữa! Tôi đã bảo rằng đất khô của chị là hư vô, không có gì hết. Tôi hỏi và chị đã xác nhận rằng đất khô và không ẩm ướt, không mát mẻ, không êm dịu và không trong suốt và ánh sáng không rọi xuyên qua được, không mềm mại và dễ chịu để mình có hể bơi lội trong ấy, đất cũng không di chuyển và trôi thành dòng, cũng không nổi sóng và cũng không tan rã thành bọt. Không phải gì hết thì có phải là hư vô không?
Rùa đáp:
– Được, tốt lắm. Này chị cá, nếu chị quả quyết rằng đất là hư vô, không có gì hết, thì chị cứ tiếp tục nghĩ như thế. Thật ra, người nào đã biết nước và đất liền rồi sẽ nói rằng chị chỉ là con cá dại dột, vì chị quả quyết rằng cái gì mà chị không biết là không có gì hết, hư vô. Nói là hư vô bởi vì chị không bao giờ biết.
Đến đây, rùa bỏ cá ở lại một mình với ao đầm nhỏ bé, quay đầu lội đi và suy tưởng đến một cuộc viễn du khác trên đất khô, nơi mà cá tưởng tượng là hư vô…”
Vài lời thô thiển cùng bạn, sẽ có quý thiện tri trức trên trang này trình bày cho bạn rõ ràng và chi tiết những gì bạn đang muốn tìm hiểu. Chúc bạn tinh tấn trong tu học.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Chào học đạo
Kinh có câu “sắc tức thị không không tức thị sắc”. Tuy là người không sinh không diệt nhưng trong cái không lại có cái có. Người ngộ vô sinh vô diệt có thể tùy nguyện mình mà tùy ý sinh vào bất cứ nơi nào, bất cứ cõi nào, bất cứ hoàn cảnh nào mà không bị ngăn cản. Sau khi tái sinh vẫn nhớ những nguyện, những chuyện đời trước của mình không hề bỏ sót. Trong tâm họ lại không thấy mình có sự sinh diệt mà thấy rằng đây chỉ là sự thay đổi hoàn cảnh, giống như 1 người ở nơi này không sinh sống được nên chuyển nhà đến nơi khác sống.
“Không tức thị sắc”. Chúng ta tuy vốn là không sinh không diệt nhưng mỗi lần sinh lại quên mất chuyện quá khứ, không nhớ bất cứ điều gì. Ký ức đều được làm lại từ đầu cho nên cho rằng mình mới được sinh ra.
Đó là cái thấy của người ngộ vô sinh vô diệt với người chưa ngộ vô sinh vô diệt. Cho nên vô sinh vô diệt là sự nhận thức chứ không phải là họ không tồn tại nữa mà là họ có thể tùy ý lựa chọn nơi mình sanh và thay đổi hoàn cảnh 1 cách tùy ý. Tứ y pháp nói “y nghĩa bất y ngữ”,”y trí bất y thức” dựa vào nghĩa lý chứ đừng dựa vào từ ngữ trong kinh, dựa vào trí tuệ chứ không dựa vào ý thức để nhận định.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Chào bạn học đạo nếu bạn tin nhân quả tin Phật thì hãy tìm hiểu về Phật rồi theo đó mà học thực hành mới thấy được lợi ích, những gì bạn hỏi không phải của một người tin và muốn học, bạn Lựu ở trên đã đưa một ví dụ rất chính xác về Phật giáo, cho nên mình sẽ không nói thêm gì về câu này, nhưng có một điều mình nhắc bạn bạn muốn biết sự vi diệu của Phật pháp thì phải đi về cái gốc chứ không thể nào leo lên ngọn mà hỏi ở dưới gốc có gì, và chỗ bạn đang đi là đang đến ngọn, chắc chắn sẽ té đau đấy. Đôi dòng bày tỏ với bạn. Mình không có ý nói gì đả kích hay bới móc mà chỉ muốn khuyên bạn thôi nên nếu có thấy không hài lòng thì bỏ qua cho mình nhe.
A Di Đà Phật.
Nên Học Kinh Như Thế Nào?
Khi học kinh ta nên kiểm lại xem mình học kinh với mục đích gì? Nếu nghiên cứu kinh điển, tầm chương trích cú, suy luận diễn giải mà không biết áp dụng vào cuộc sống để tu tâm sửa tánh thì đó chỉ là thâu thập kiến thức, nhiều khi trở thành “sở tri chướng”. Nguy cơ hiện nay là người tu học (trí thức) thường quan tâm đến sự giải thích về con đường tu hơn là chính con đường, thích chú trọng vào những lý thuyết và hình thức khác nhau của Phật giáo thay vì liên hệ đến những kinh nghiệm tu tập của chính mình.
Có những người rất thông minh, biết đủ loại giáo lý, biết về lý Trung Quán, Tánh Không, Bát nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, v.v… nhưng lại không biết mình có những tánh hư, tật xấu nào cần phải sửa. Do đó những cái lý cao siêu kia sẽ mãi mãi chỉ là lý như bao nhiêu triết lý khác, không giúp ích gì được cho việc tu hành chuyển hóa khổ đau.
Ngược lại với kiến thức là tín ngưỡng, thích thờ lạy, lễ bái, xem kinh như một thứ thần chú hay bùa hộ mạng, tụng kinh để cầu xin điều này điều nọ, không chịu học hỏi để hiểu và tu tập. Nghe ai nói tụng kinh này linh, kinh kia tốt thì làm theo, thành tâm tin tưởng, tụng hết bộ này đến bộ khác. Siêng năng tụng kinh như vậy cũng tốt, vì trong lúc tụng thì miệng không nói bậy, tuy không hiểu nghĩa nhưng lời kinh không ít thì nhiều cũng rơi vào tâm thức chờ một thuận duyên nào đó sẽ nở ra hạt giống trí tuệ.
Học mà không tu (thực hành) là cái đãy đựng sách, là một thư viện biết đi. Tu mà không học là tu mù. Đức Phật có nói: “tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Tại sao vậy? Vì đạo Phật là đạo cứu khổ bằng tuệ giác chứ không phải bằng cầu xin, đức Phật (Buddha) là người giác ngộ chỉ cho ta con đường thoát khổ chứ ngài không thể cứu ta bằng thần thông. Nếu chỉ muốn tin Phật mà không học hiểu thì đó là mê tín, xem Phật là một loại thần thánh ban phúc giáng họa như bao nhiêu thần thánh ngoại đạo. Đó không phải phỉ báng Phật là gì? Học kinh để hiểu Phật, tin Phật và làm theo lời Phật thì niềm tin này là hoa trái, kết quả của tuệ giác, là chánh tín chứ không phải mê tín. Chánh tín là một loại tín ngưỡng trong sạch giúp con người trở nên đạo đức. Những người vô thần, không tin vào thần thánh, nhưng họ tin vào mãnh lực đồng tiền, tin vào quyền lực nên tha hồ làm tội ác. Ngày nay ở Âu Mỹ, người ta có đầy đủ tiền bạc, tiện nghi vật chất nhưng vẫn thấy thiếu thốn và bất an, bởi vì đời sống tâm linh nghèo nàn, không có niềm tin, không biết tin vào cái gì đem lại hạnh phúc thực sự. Là phật tử chúng ta có niềm tin nơi tam bảo, khi khổ đau thì có chỗ trở về nương tựa, đó là một điều may mắn.
Mọi tiến trình tu tập cần trải qua ba giai đoạn: văn, tư, tu. Văn là nghe, tư là suy nghĩ, tu là sửa. Học hỏi kinh điển là văn, tụng kinh cũng là văn vì miệng tụng và tai lắng nghe lời dạy của phật. Nhưng nếu học mà không sửa là kiến thức suông, có văn, tư mà thiếu tu. Còn tụng mà không học hỏi nghĩa lý thì biết đâu mà sửa, có văn mà không có tư và tu, dễ rơi vào mê tín.
Bởi thế cách học đạo thông minh là mỗi khi đọc hay học một kinh nào đó, ta nên suy nghĩ và trả lời những câu hỏi như sau:
– Đại ý kinh này nói gì?
– Làm sao áp dụng kinh này vào đời sống hằng ngày?
– Nếu áp dụng thì được lợi ích gì?
– Có giúp ta bớt khổ hay không?
– Có giúp ta trở nên thánh thiện hơn không?
Nếu một kinh nào áp dụng vào đời sống hằng ngày, giúp ta bớt khổ, chuyển hóa được nội kết và tính xấu thì ta nên đọc tụng thường xuyên để nó đi vào tâm khảm nhắc ta tu hành. Học kinh như vậy mới có lợi ích.
Trích sách “Ý Tình Thân”
(Thích Trí Siêu)
Nam Mô A Di Đà Phật.
Đoạn viết đã giúp mình khai sáng thêm một điều nữa. Chân thành cảm ơn!
A Di Đà Phật.
(Trích từ – Lời Dạy Của Thân Loan)
Trí Tuệ Phát Trong Nghịch Cảnh:
Ai ai cũng muốn bẻ gãy những chướng ngại, nhưng một khi vào đời phải thọ nhận muôn thứ: nào già, nào bệnh, nào chết, nào ái biệt ly, nào oán tắng hội v.v.., dẫu muốn chạy khỏi cũng không làm sao được. Không ai không mong cuộc sống của mình bình an vô sự, thế nhưng phải làm kẻ bị sống trong cuộc sống bất ổn, nên cầu nguyện Thánh, Thần, và chư Phật. Càng tìm cách chạy, càng không thoát và càng lo sợ nhiều hơn. Khổ đau ngày càng chất chồng lên cao nhưng không biết cách nào giải khổ. Dẫu lưu tâm vào cuộc sống cẩn thận đến bao nhiêu, vẫn không biết được việc gì sẽ đến. Dẫu biết việc gì sẽ đến đi nữa cũng không thể giữ tâm bất động.
Thế nhưng, đứng trước những sự chướng ngại và muốn bẻ gãy sự khổ não ấy rốt cuộc rồi cũng không có được một phương cách nào. Vả lại sự khổ nạn ấy và những nguy cơ con người có thật sự muốn vượt qua khỏi để sống như là một cơ duyên chăng? Hay vẫn còn khăng khăng cự tuyệt? Ở đó ta có thể rõ do lập trường của mỗi người hướng đến mà có sự sai biệt. Cũng có thể có người muốn nương theo trí tuệ để vượt ra khỏi kiếp sống của nhân sinh hiện tại.
Nếu đời sống hằng ngày mãi thuận buồm xuôi gió thì cuộc sống chẳng có gì đáng sợ, như thế không bao giờ khởi tâm cần cầu nghe Pháp, mà con người ngày càng lười biếng và cuộc sống không phát triển bao nhiêu. Mấy ai cảm nhận được cuộc sống là bất khả tư nghì! Nghịch cảnh là trợ duyên trở về với Phật Pháp. Kinh nghiệm của một số người cho biết chính khổ đau là trợ duyên thúc đẩy nhiều người niệm Phật. Khi đối diện với nguy cơ của mình hay của người thân, ai cảm nhận cuộc đời là bất tư nghì, người ấy sẽ cảm được giá trị bất tư nghì của cuộc sống ngày càng phát triển, không hạn định.
Cuộc Sống là Đạo Tràng:
Kinh Duy Ma Cật cho rằng “Phiền não tức là đạo tràng” hay “Tam giới là đạo tràng”. Bởi muốn phiền não thương ghét, ngu muội giảm thiểu phải đến giáo lý Phật Đà, để tìm ra con đường chân thật đó là ý nghĩa phiền não là Đạo Tràng. Mọi người ai cũng muốn thoát khỏi tam giới khổ não; nhưng chỉ có chân thật quy hướng Tịnh Độ là cơ duyên ra khỏi tam giới khổ não mà thôi, cho nên tam giới là Đạo Tràng. Giáo lý Phật Đà là những lời giáo lý đưa người vào đạo tràng, xây dựng cuộc sống chân thật của con người. Dẫu kẻ nào xấu đến mức nào đi nữa vẫn có thể tăng trưởng trí tuệ, qua sự giáo huấn của Như Lai.
Đã có thuận cảnh, chắc chắn có nghịch cảnh. Cuộc sống của con người chỉ có ý nghĩa khi vượt khỏi những khó khăn, nhờ tin tưởng và thực hành pháp Phật. Đó chính là đạo tràng rộng mở đón nhận mọi nguồn tâm vào. Không phải là đồ phế thải, cũng không phải không có ý nghĩa khi trong cuộc sống có sự hiện hữu của Như Lai.
Như được biết: “Như Lai hiện hữu trong từng vi trần của thế giới”. Khi mọi việc được lắng nghe một cách chân thành, khiêm cung và tin tưởng, những ngoại đạo tà giáo cũng chuyển thành những thiện hữu tri thức, bởi vì dưới ánh mắt của Như Lai, ngoại đạo tà giáo vẫn hiện hữu bên trong chất liệu trí tuệ của Như Lai, cho nên với Tịnh Độ Chơn Tông, cuộc sống con người không phải chỉ kỳ nguyện sao cho không có nạn tai xảy ra, mà Đức Phật A Di Đà kiên nhẫn dùng năng lực từ bi để hoán chuyển nạn tai biến thành công đức và dùng trí tuệ cứu độ chúng sanh.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Con chào chú Tâm Trí,phúc đáp của chú rất hay,thật đúng như vậy,chúc chú tinh tấn niệm phật,nguyện khi chú lâm chung được sanh lên thượng phẩm.