Thật ra đường lối tu tập Tịnh độ tông phát triển ở Ấn Độ nhưng không lập thành tông phái, chỉ đến khi các kinh điển Tịnh độ từ Thiên Trúc được truyền sang Trung Hoa, pháp môn niệm Phật mới được thành lập tông phái và ngày càng lớn mạnh.
Chúng ta vẫn biết, dù Phật giáo truyền vào Trung Hoa từ cuối thế kỷ thứ I nhưng phải đến đầu thế kỷ thứ II, những kinh luận về Tịnh độ mới xuất hiện. Đầu tiên, vào năm 252, khi ngài Khang Tăng Khải từ Ấn độ đến Trung Hoa, đã dịch bộ “Kinh Vô Lượng Thọ”ra chữ Hán, giai đoạn này là vào thời Ngụy (250); kế đến thời Tôn Quyền, cư sĩ Chi Khiêm phát tâm phiên dịch bộ đại A Di Đà Kinh; mãi đến thế kỷ thứ IV, vào đời Diêu Tần, ngài Cưu Ma La Thập mới bắt tay vào dịch bộ kinh “Phật Thuyết A Di Đà Kinh” còn được gọi là “Tiểu Bản Kinh A Di Đà” mà ngày nay giới Phật tử chúng ta thường đọc tụng. Tiếp theo, các ngài Phật-đà-bạt-đà-la (Giác Hiền) dịch Tân Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Niệm Phật Tam Muội Kinh; ngài Trí Nghiêm dịch Tịnh Độ Tam Muội.
Sang thế kỷ thứ V, vào thời Lưu Tống, ngài Cương Lương Da Xá phiên dịch bộ “Kinh Quán Vô Lượng Thọ”. Đặc biệt, bộ “Vãng Sanh Tịnh Độ Luận” đã được ngài Thế Thân giảng luận rất sâu sắc, tinh tế. Đây là bộ luận rất có giá trị cho những người tu theo pháp môn Tịnh độ. Trước sự ra đời của ba bộ kinh: “Vô Lượng Thọ ”, “Tiểu Bản Kinh A Di Đà” và “Quán Vô Lượng Thọ” kết hợp với bộ “Vãng Sanh Tịnh Độ Luận” cùng vô số kinh điển Đại thừa ca ngợi, xiển dương Tịnh Độ làm cho Tịnh Độ ngày càng khởi sắc. Ngồi ra từ căn bản của những kinh sách Tịnh Độ đã được phiên dịch ra chữ Hán, các bậc cao Tăng thời bấy giờ còn trước tác nhiều bộ luận quan trọng về Tịnh Độ. Có thể nói bước sang giai đoạn này thì Tịnh Độ tông không những đã có nền móng vững chắc mà còn phát triển rực rỡ tại Trung Hoa.
Về sau, đến thời Đông Tấn, Pháp sư Đạo An đã trước tác bộ “Tịnh Độ Luận” có nội dung khẳng định Tịnh Độ tông là một chánh tông trong Phật pháp. Cũng trong thời Đông Tấn, ngài Huệ Viễn đã quy tụ trên 130 người gồm cả Nho, Lão, và Phật tử mở ra hội “Bạch Liên Xã” ở núi Lô Sơn, tỉnh Giang Tây. Hội này chuyên ròng niệm Phật, phát nguyện vãng sanh về Tây phương Cực Lạc. Đức hạnh của Huệ Viễn Đại sư và những thành viên trong hội này đã làm dân chúng trong vùng hết lòng kính ngưỡng, và học theo phương pháp niệm Phật của Ngài.
Kế tiếp sau đó là ngài Đàm Loan sống vào thời nhà Ngụy, trước tu pháp “Trường sinh” của đạo Tiên, nhân được ngài Bồ Đề Lưu Chi từ Ấn Độ sang, trao cho Ngài bộ kinh “Quán Vô Lượng Thọ”, nhờ vậy mà Ngài đã bỏ đạo Tiên quay sang đạo Phật, xiển dương Tịnh Độ. Ngài Đàm Loan trước tác bộ “Vãng Sanh Luận Chú”, có thể nói đây là bộ luận danh tiếng của Tịnh Độ tại Trung Hoa thời bấy giờ. Sau ngài Đàm Loan là ngài Đạo Xước (đồ đệ của ngài Đàm Loan) sống vào đời Đường, hoằng truyền pháp môn Tịnh Độ. Thường nhật Ngài chuyên giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ tại chùa Huỳnh Trung, công phu niệm Phật của Ngài có nhiều thọ dụng nên hiển hiện ra nhiều điều linh ứng. Ngài trước tác tập “An Lạc” có nội dung ca ngợi sự linh ứng của pháp môn niệm Phật, qua đó tăng trưởng Tín Hạnh Nguyện cho người tu theo pháp môn niệm Phật.
Sau ngài Đạo Xước là ngài Thiện Đạo trụ trì chùa Quang Minh ở Trường An, ngài Thiện Đạo rất tinh chuyên niệm Phật và ra sức hoằng dương giáo nghĩa Tịnh Độ. Ngồi ra Ngài còn trước tác ra những bộ luận quan trọng như: Quảng Kinh Tứ Nhiếp Sớ, Đại Sớ và Tịnh Độ Pháp Yếu. Đây là những bộ luận giảng về tông chỉ Tịnh Độ rất sâu sắc thiết thực. Trong hàng đệ tử của ngài có Đại sư Hồi Cảm, rất giỏi về Pháp Tướng Tông, nhưng về sau chuyên tu theo Tịnh Độ. Ngài Hồi Cảm có soạn cuốn “Quyết Nghi Luận”, nội dung phá nghi, làm sáng tỏ giáo nghĩa Tịnh Độ.
Kế đến có Thiền sư Pháp Chiếu cũng xiển dương Tịnh Độ tông, Ngài từng thấy đức Văn Thù, đức Phổ Hiền và Thiện Tài Đồng Tử. Mọi người cho rằng Ngài là hóa thân của Hòa thượng Thiện Đạo. Sau Thiền sư Pháp Chiếu có Pháp sư Thiếu Khương, là người thông suốt Luật tạng, chuyên nghiên cứu kinh Hoa Nghiêm, lãnh hội yếu chỉ Pháp Tướng tông, trí tuệ siêu việt, về sau Ngài cũng tu theo pháp môn niệm Phật, thường khuyên mọi người phát nguyện cầu vãng sanh về Tây phương Cực Lạc.
Ngài Trí Giả ở Thiên Thai, ngài Cát Tạng trụ trì chùa Gia Tường, ngài Pháp Thường ở chùa Phổ Quang, ngài Nguyên Hiểu, ngài Cảnh Hưng vv… đều là nhũng bậc Đại sư lãnh hội yếu chỉ Phật pháp, dù các ngài có phát huy tông phái riêng của mình nhưng vẫn một lòng xiển dương Tịnh Độ. Hầu hết các Đại sư này đều xác tín Tịnh Độ là một pháp môn hợp mọi căn cơ, phù hợp với thời đại và làm lợi ích cho chúng sanh thời mạt pháp.
Căn cứ vào những sử liệu hiện nay đang có thì các ngài Huệ Viễn, ngài Thiện Đạo, ngài Thừa Viễn, ngài Pháp Chiếu, ngài Thiểu Khương, ngài Diên Thọ, ngài Tỉnh Thường, ngài Châu Hoằng được người đời sau suy tôn là tám vị Tổ sư đầu tiên của Tịnh Độ tông tại Trung Hoa. (có tài liệu ghi rằng ngài Thạch Chí Hiểu sống vào đời nhà Tống đã thừa hành các bậc cao Tăng thạc đức thời bấy giờ lập theo thứ tự truyền thừa để suy tôn).
Đến đời nhà Minh, ngài Ngộ Khai đề cử ngài Ngẫu Ích làm Tổ thứ chín kế thừa ngài Châu Hồng. Sau đó, ngài Ấn Quang đã họp các bậc cao Tăng thạc đức tu pháp môn niệm Phật tại đạo tràng Linh Nham. Tại đây chúng hội đã suy tôn ngài Hành Sách làm Tổ thứ mười, suy tôn ngài Thật Hiền lên ngôi vị thứ mười một và Tế Tỉnh Đại sư lên ngôi vị thứ mười hai. Sau khi Đại sư Ấn Quang viên tịch, các liên hữu đã suy tôn Ngài lên ngôi vị Tổ thứ mười ba của Tịnh Độ tông.
Riêng tại Việt Nam, pháp môn niệm Phật chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người con Phật. Ngay từ ngày đầu du nhập, câu “Nam mô A Di Đà Phật” đã ăn sâu vào tâm thức người Việt Nam, do bởi ngay trong câu Phật hiệu này, đã nói lên tấm lòng từ bi bao dung độ lượng của người con Phật, nó rất gần gũi với nếp sống hiền lương của người dân Việt.
Pháp môn Tịnh Độ du nhập vào Việt Nam trước thế kỷ thứ III, thế nhưng mãi đến thế kỷ thứ V, Tịnh độ tông mới thật sự phát triển. Giai đoạn này, các bộ kinh “Vô Lượng Thọ” và “Quán Vô Lượng Thọ” đã được nhà sư Đàm Hoằng người Trung Quốc mang vào nước ta, điều này đã giúp cho sự lưu thông của pháp môn Tịnh Độ thêm phổ biến.
Sang đến thế kỷ XI, vua Lý Thánh Tông (1023-1072) tuy thuộc thế hệ thứ nhất dòng thiền Thảo Đường, nhưng vẫn thường trì danh niệm Phật. Vào năm 1066, vua Lý Thánh Tông đã cho tạc một pho tượng Phật A Di Đà rất đẹp, tôn thờ tại tháp chùa Vạn Phúc. Ngày nay pho tượng này vẫn còn lưu giữ tại chùa Phật Tích (Vạn Phúc tự) tỉnh Bắc Ninh.
Đến thế kỷ XII, có Thiền sư Tịnh Lực (1111-1175), tuy thuộc thế hệ thứ mười Thiền phái Vô Ngôn Thông, nhưng Ngài vẫn âm thầm mật tu Tịnh độ và thâm chứng “Niệm Phật Tam Muội”. Đặc biệt, vào thế kỷ XIII, vua Trần Thái Tông (1218-1277) đã dành hẳn thiên “Niệm Phật Luận” để bàn về niệm Phật trong “Khóa Hư Lục”, nội dung nói về lợi ích của pháp môn niệm Phật, qua đó khẳng định sự thù thắng nhiệm mầu, phù hợp mọi căn cơ của pháp môn niệm Phật.
Từ thế kỷ XVII trở về sau, pháp môn Tịnh Độ phát triển rất mạnh mẽ tại Việt Nam. Trong giai đoạn này, một số trước tác về Tịnh Độ tông có giá trị như: “Bồ Đề Yếu Nghĩa” của Pháp sư Viên Văn Chuyết Chuyết (1590-1644), “A Di Đà Kinh Sớ Sao” của Đại Sư Minh Châu Hương Hải v.v… Đến thời cận đại chúng ta, đa số chư vị Hòa thượng đều xiển dương pháp môn Tịnh Độ, có thể kể đến: Hòa thượng Phước Huệ, Hòa thượng Khánh Anh, Hòa thượng Thiên Hoa, Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Thiền Tâm v.v… các Ngài đều là những bậc cao Tăng thạc đức, hết lòng phụng sự đạo pháp, suốt một đời chuyên tu Tịnh Độ và khuyên người niệm Phật.
Trích từ sách Chân Thật Niệm Phật Cực Lạc Hiện Tiền
Thích Thiện Phụng
A Di Đà Phật
Nếu ai còn chưa biết về công đức của niệm Phật nhiều như thế nào,thì hãy đọc bài kệ sau trong kinh Hoa Nghiêm để có thể hình dung được phần nào về công đức niệm Phật.
Mười phương tất cả các chúng sanh
Tất cả đồng thời thành Chánh giác
Ở trong một Phật hay hiện khắp
Bất khả ngôn thuyết tất cả thân.
Một thân trong số bất khả thuyết
Thị hiện ra đầu bất khả thuyết
Một đầu trong số bất khả thuyết
Thị hiện ra lưỡi bất khả thuyết
Một lưỡi trong số bất khả thuyết
Thị hiện âm thanh bất khả thuyết.
Một thanh trong số bất khả thuyết
Trải qua kiếp trụ bất khả thuyết.
Như một, tất cả Phật đều vậy,
Như một, tất cả thân đều vậy,
Như một, tất cả đầu đều vậy,
Như một, tất cả lưỡi đều vậy,
Như một, tất cả tiếng đều vậy,
Bất khả thuyết kiếp thường khen Phật,
Bất khả thuyết kiếp còn hết được
Công đức khen Phật không hết được.
Bất khả thuyết là một con số rất lớn.Đối với người tu tịnh độ thì khen Phật chính là niệm danh hiệu A Di Đà Phật.Vì thế không biết được điều này thật là đáng tiếc,có thể tin nhận được điều này,thật là có đại phước báo.
A Di Đà Phật.
Nam mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật.
Lá Thư Tịnh Độ – Ấn Quang Đại Sư
“….Pháp môn Tịnh độ, như thông hiểu được, vẫn là điều rất quí, bằng có chỗ chưa rõ, cũng cứ tin chắc lời của Phật, Tổ chớ nghi ngờ, nghi thì cùng với Phật cách xa, khi lâm chung quyết khó được tiếp dẫn. Cổ đức cho rằng: “Pháp môn Tịnh độ chỉ có Phật với Phật mới rõ cùng tận, bậc đăng địa Bồ tát cũng không thể thấu hiểu hết”. Như bậc đăng địa Đại sĩ còn không thể thấu hiểu hết, ta đâu nên đem tâm lượng phàm phu mà ức đoán sai lầm ư?
Nếu muốn nghiên cứu, nên xem Tịnh Độ Thập Yếu; quyển này do Ngài Ngẫu Ích Đại sư rút những tinh hoa trong các kinh sách Tịnh độ soạn ra, rất hợp thời cơ, đáng liệt vào bậc nhất. Mở đầu quyển là tập Di Đà Yếu Giải, từ trước đến giờ về Kinh A Di Đà, chỉ có những lời chú thích này là siêu tuyệt, phải tuân giữ không nên khinh thường…”
Nam mô A Di Đà Phật.
Nam-mô A-Di-Đà Phật, Kính bạch thầy. Lúc trước con có đọc đâu đó, hình như HT Thích Thiền Tâm có nói mà con không nhớ rỏ: nếu Phật Tử nào tự phô trương cái hay của mình và dìm chê cái hay của người khác thì sẽ phạm tội ba-la-di gì đó, vậy tội ba-la-di là tội gì? Có người nói là bị chặt đầu, có đúng không? Nếu lở phạm thì phải làm sao?
Trong 48 đại nguyện của Phật A Di Đà thì Nguyện thứ 18 nói: Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương chí tâm tin ưa muốn sanh về nước tôi nhẫn đến mười niệm, nếu không được sanh thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác (trừ những kẻ phạm tội ngủ nghịch thập ác và phỉ báng chánh pháp). Có một số nơi không có ghi đoạn trừ những kẻ phạm tội ngủ nghịch thập ác và phỉ báng chánh pháp. Như vậy thì cái đoạn sau là có hay không? Nếu có vậy thì ngủ nghịch thập ác và phỉ báng chánh pháp là như thế nào? Nếu lở phạm thì phải làm sao?
Kính mong quý thầy, quý cư sĩ hoan hỉ giải đáp dùm. Con xin cám ơn ạ. Nam-mô A-Di-Đà Phật.
A Di Đà Phật
Bạn Ngọc Châu thân mến!
MD không phải là thầy, chỉ là cư sỹ tại gia, theo sự học nông cạn mà phản hồi thắc mắc của bạn, nếu có gì chưa chuẩn xác mong bạn hoan hỷ bỏ qua.
Bà la di là tên của 4 giới Bà la di (4 giới khí) trong Tỳ kheo giới. Gồm:
*Thứ nhất là giới đại dâm dục
*Thứ hai là giới đại trộm cắp
*Thứ ba là giới đại sát hại
*Thứ tư là giới đại vọng ngữ
Trong Kinh Vô lượng thọ, nguyện thứ 18 của Phật Di Đà “Lúc con làm Phật, chúng sinh mười phương, nghe danh hiệu con, chí tâm tin vui, có được căn lành, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh nước con, cho đến mười niệm, nếu không được sanh, con thề quyết không giữ ngôi Chánh Giác, duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp.” Cứ theo Kinh Vô lượng thọ thì đúng là có đoạn sau “duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp”
*Ngũ nghịch là 5 tội: Thứ nhất là giết cha, hai là giết mẹ, ba là làm thân Phật chảy máu, bốn là giết bậc A la hán, năm là phá hòa hợp Tăng.
*Thập ác gồm 10 tội:
-Về thân: Sát sanh, trộm cướp, tà dâm
-Về khẩu: nói hung ác, nói đâm thọc, nói dối, nói thêu dệt
-Về ý: tham, sân, si.
*Phỉ báng chánh Pháp là:
-Không tin Tam bảo, không tin kinh điển Phật dạy, đem lời Phật dạy ra phân tích theo ý mình với mục đích xuyên tạc, bôi nhọ chính pháp.
-Không tin kinh điển Đại thừa là do chính Phật nói, lại đặt điều dèm chê; hoặc thấy người đọc tụng, biên chép, thực hành các kinh Đại thừa thì sinh lòng khinh dễ, ghen ghét…
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta từ thân, khẩu, ý đã tạo vô số ác nghiệp, nếu đã phạm thì phải sám hối, mà niệm Phật chính là sám hối. Ngay khi ý niệm ác vừa khởi, liền dùng câu A Di Đà Phật để sám hối. Đó chính là cách để chúng ta đoạn ác tu thiện. Thân này là thân để làm các việc thiện lành, khẩu này là câu A Di Đà Phật không rời, ý này ý niệm Thanh tịnh tha thiết cầu vãng sanh.
Nam mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật !
Con xin cảm ơn Thày Tịnh Thái đã cho con Lời khuyên.
Bạch Thày, Con sống giữa đời thường, nên chỉ có trọn vẹn thời gian Niệm Phật, Tụng Kinh Chú là giữ được ” nhất tâm ” ( không xen tạp )thôi. Hết thời gian đó, con vẫn bận rộn với những công việc hàng ngày. Nhưng con vẫn thường kiểm soát từng suy nghĩ của mình, luôn giữ Tâm Bình Lặng. Hiểu rõ được Khuyết điểm của bản thân, cố gắng ” quán chiếu” để sửa chữa, hạn chế bớt Tính khí của mình ( ví dụ : nóng nảy, ). Con hiểu rằng ” cố giữ Tâm Bình, nghĩa là Tâm vẫn chưa Bình, nhưng nhận ra được “sự không Bình ” đó để giữ gìn ( quán sát nội tâm ) thì vẫn tốt hơn là không tự nhận ra Chính Minh, buông lung Bản thân theo những vòng xoay của Công việc, cuộc sống đời thường ( Cảnh trần bên ngoài ) . Xin Các Thày cho con thêm nhiều Lời khuyên trên con đường tu tập của mình.
Con xin chân thành cảm ơn !
Ngoài việc niệm Phật, tụng Kinh…thì Bạn hãy nên nghe pháp nhiều hơn thì công phu Nhìn Thấu & Buông Xuống được những tập khí của mình sẽ tốt hơn, cho đến công phu niệm Phật của bạn cũng sẽ hiệu quả hơn.
Xin giới thiệu cho bạn một bài pháp rất hay, giản dị mà sâu sắc của HT. Tịnh Không – Nhìn Thấu là Trí Huệ Chân Thật:
http://www.phatam.org/bookMp3/play/nhin-thau-la-tri-tue-chan-that-tac-gia:-ht-tinh-khong-phatam?pid=5&id=350
Bạn hãy nên nghe đi nghe lại nhiều lần, mỗi lần nghe nhất định sẽ có chỗ ngộ khác nhau, càng nghe nhiều lần thì càng thấy “thấm thía”.
A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính thưa các bạn đồng tu. Để niệm phật được dễ thành tựu tôi ngoài lúc niệm Phật, đọc Kinh lúc rảnh tôi nghe các bài giảng của Pháp Sư Tịnh Không về Kinh Vô Lượng Thọ và dựa vào các lời giảng của Pháp Sư mà thực hành rất hiệu quả. Mong các bạn hoan hỉ tham khảo.
Nam Mô A Di Đà Phật
Hiện nay có kẻ tà kiến phỉ báng PS Tịnh Không, dùng các ngôn từ lắt léo bắt bẻ lời giảng của ngài nhưng lại không để cho người khác comment ý kiến. Chỉ một mình anh ta tự comment.
Người này không thật sự hiểu lời giảng của pháp sư, lại còn khoe đã từng giảng kinh thuyết pháp và chê PS Tịnh Không không biết gì về Phật pháp.
Việc khen chê là chuyện vặt vãnh nhưng viết bài tuyên truyền bắt bẻ bậy đăng lên mạng, người hiểu biết thì cười nhưng những người mới tìm hiểu Phật pháp nếu đọc thấy e sẽ sinh thành kiến, do vậy sẽ chướng ngại sự học tập.
Bản thân tôi trước khi học Tịnh độ đã đọc một bài báo nói xấu PS Tịnh Không, do đó tôi bị chướng ngại không tin Tịnh độ và có thành kiến khi nghe các pháp thoại của PS Tịnh Không mặc dù cũng công nhận ngài giảng có lý. Sự chướng ngại này gây ra nhiều khổ sở, lầm lẫn cho tôi và sau đó tôi phải sám hối một thời gian thì chướng ngại mới hết và có thể hoan hỷ nghe pháp thoại của ngài, từ đó đến giờ được rất nhiều lợi ích.
Tôi đã từng bị chướng ngại như vậy do đọc phải những bài viết phỉ báng bậy bạ, do đó nếu ai có cách thì hãy dẹp bỏ những bài viết như vậy để tránh cho người đi sau vấp phải.
A Di Đà Phật
Các liên hữu kính mến,
1/ Việc các cá nhân trong đó có cả hàng tu sĩ đồng loạt lên tiếng, lập diễn đàn công kích, thậm chí phỉ báng pháp môn Tịnh Độ và PS Tịnh Không. Cho rằng Kinh Thủ Lăng Nghiêm là nguỵ tạo. Chú Đại Bi không phải của Quán Thế Âm thuyết. Quán Thế Âm cũng không có thật..v.v… trong thời gian gần đây chúng ta nên coi đó là lẽ thường, vì ngay lúc Phật còn tại thế, giáo pháp của Ngài và bản thân Ngài cũng bị những pháp sĩ ngoại đạo khác phỉ báng. Việc làm này càng khẳng định cho chúng ta thấy pháp môn Tịnh độ đang ngày được củng cố và phát triển vững mạnh. Những cá nhân thốt lời phỉ báng, cho rằng giáo pháp Tịnh Độ và kinh văn nói trên không phải do Phật Thích Ca nói, là do chư Tổ Trung Hoa nguỵ tạo rồi truyền thừa vào Việt Nam, có hai lý do. Một họ không có chủng tử niệm Phật, vì thế không thể phát khởi niềm tin này. Hai họ tự cho mình, pháp của mình mới là chánh pháp, ngoài pháp đó đều là tà pháp. Chỉ riêng niệm khởi chánh, tà thôi cũng nói lên pháp họ đang truyền bá. Nhưng chúng ta không nên tốn thời gian với họ, vì những gì họ phỉ báng, họ sẽ phải đón nhận những quả báo tương ưng khi xả báo thân. Các liên hữu phải hết sức thận trọng, không nên thốt lời phỉ báng khi gặp những thông tin, những bài pháp mang tính phỉ báng trên để không bị cộng nghiệp.
2. Phật đã có lần cầm lá trên tay rồi hỏi Ngài A Nan: A Nan! Lá trên tay ta nhiều hơn so với lá trong rừng hay lá trong rừng nhiều hơn? Ngài A Nan đáp: Bạch Thế tôn! Lá rừng nhiều hơn. Thế Tôn nói: Pháp ta có thể nói cho chúng sanh hiểu cũng giống như lá trên tay ta vậy. Pháp Thế Tôn nói gồm những gì? Là 84.000 pháp môn. Ai đã từng đọc hết 84.000 pháp môn của Phật? Chỉ đọc thôi cũng cả kiếp không hết, đừng nói tới hiểu và hành trì. Một số chư vị biết Phạn ngữ, biết Hán cổ, biên dịch, khảo dịch được một số kinh sách từ tàng kinh, rồi cho đó là đủ, là pháp chính thống, pháp nguyên thuỷ, kế đó dùng trí phàm của mình, phủ nhận những giáo pháp Đại thừa cho đó không phải lời Phật thuyết. Việc làm này không khác người lạc vào rừng, vội vã tìm lối ra rồi phán trong rừng chỉ có vậy, có vậy. Quả thật thấy rừng mà chẳng thấy lá.
3/ Điều quan trọng các liên hữu cần đúc kết là:
a. muốn tu pháp của Phật phải tìm hiểu giáo lý Phật thật chân chánh
b. phải chọn pháp tu cho đúng căn cơ
c. phải tôn trọng nhân quả, hiểu sâu nhân quả báo ứng
d. phải chọn cho mình một vị minh sư để học pháp mình đã chọn, đừng gặp ai cũng tôn làm thầy, gặp pháp nào cũng tu, cũng thử nghiệm, giảng sư nào cũng nghe cả. Pháp sư thì có phàm, có thánh. Thánh thì nhất quyết không tạo nghiệp phỉ báng. Chỉ còn phàm, vì vô minh nên thấy mình cao hơn tất cả nên mới làm vậy. Những người này Phật gọi là thật đáng thương.
đ. Nghe pháp phải tư duy quán xét thật kỹ rồi mới thực hành. Những trang mạng, diễn đàn, pháp sư nào không hợp với căn cơ, pháp môn của mình phải tránh xa, bởi nghe nhìn thấy phiền não sẽ khởi và nếu tu theo sẽ khởi tà kiến.
e. đã nguyện một đời lìa sanh tử để về Tịnh Độ, phải thực tâm phát tín-nguyện-hạnh, thực nguyện, thực tu, thực hành, chân chánh bỏ ác, hành thiện, quyết một đời lìa sanh tử để về Tịnh Độ. Mọi phước thiện công đức đều hồi hướng tận hư không giới chúng sanh đồng sanh tịnh độ. Nguyện lâm chung biết ngày giờ, thân không bệnh khổ, tâm không hôn mê, 1 niệm sanh về cực lạc. Dù cho có Phật tái sanh nói pháp đó không phải ta thuyết cũng không mất tín-nguyện-hạnh đã lập, bởi Phật là bậc chân Sư, không nói lời dối gạt, không nói dư thừa, không nói lưỡng thiệt. Nếu chúng ta nhất tâm hành trì như vậy, không về tịnh độ là không đúng vậy.
Mong các liên hữu thật cẩn trọng để không bị lung lạc.
TĐ
A-di-đà Phật ! con thưa quý Liên Hữu ! con muốn tìm hiểu sâu về Tịnh Độ tông cũng như muốn xin Liên Hữu Trung Đạo và Liên Hữu Huệ Tịnh chỉ bảo cho tài liệu viết bài.
Con thì ko biết cách nào để liên lạc với quý Liên Hữu để xin chỉ bảo và tài liệu. vậy nên con xin mạo thất lễ nhắn vậy, kính mong quý Liên Hữu hoan hỷ.
Con rất mong quý Liên Hữu hoan hỷ gửi về sdt zalo của con : 0368874586 hoặc mail: [email protected]
Con xin thành kính cảm niệm công đức quý Liên Hữu nhiều ạ !
A Di Đà Phật
Kính gửi Thầy Thích Thiện Hương,
Con xin gửi tới Thầy Email của con để Thầy tiện liên lạc ạ.
[email protected]
Kính chúc Thầy pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu.
TĐ
Nam mô A di đà Phật.
Quý thiện tri thức cho con hỏi, nếu đối với pháp môn Tịnh Độ tín tâm vẫn chưa đầy đủ, hoặc còn nghi hoặc chưa thể dứt trừ, mà niệm Quán Thế Âm Bồ Tát cầu gia hộ có thể được chăng? Đây là vấn đề rất cấp thiết đối với con hiện tại. Kính mong quý thiện tri thức từ bi chỉ dạy.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Thanh Tịnh,
*Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát có thể coi là pháp trợ duyên nhưng quan trọng vẫn là nơi bạn.
Nguyên nhân nào khiến bạn không thể phát khởi được niềm tin nơi pháp Tịnh Độ bạn phải tìm cho ra thì mới có cơ hội để chuyển hóa.
*HT Tịnh Không dạy: tín tâm chưa đủ phải năng đọc kinh sách tịnh độ, đọc rồi phải tư duy, quán chiếu và năng hành. Hiểu giản đơn: kinh là lý, hành là sự. Lý – Sự phải song hành thì mới có lợi lạc, ngược lại sẽ rất dễ lạc bước.
Chúc bạn tỉnh giác.
TN
Chào bạn Thanh Tịnh,
Bạn có lòng tin với ngài Quán Thế Âm bồ tát là rất tốt, bạn hãy nguyện và niệm như dự định nhé. Mỗi người mỗi duyên khác nhau nên phương tiện cũng sẽ khác nhau. Rất nhiều đồng tu thực hành niệm Quán Thế Âm hoặc chú, hoặc đọc tụng kinh điển song song với việc niệm Phật. Bạn chỉ cần chú ý niệm A Di Đà Phật là chánh để phân chia thời gian cho hợp lý.
Chúc bạn tinh tấn an vui.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam mô A di đà Phật.
*Xin chân thành cảm kích tri ân phúc đáp của thiện tri thức Thiện Nhân.
*Nguyên là, con đọc được lời khai thị của Ấn Quang Đại Sư như sau:
“Còn nói đến chuyện niệm Quán Âm để cầu sanh Tây Phương thì có gì là không được? Chẳng thấy kinh Lăng Nghiêm nói: “Cầu vợ được vợ, cầu con được con, cầu phú quý được phú quý, cầu trường thọ được trường thọ, như thế cho đến cầu đại Niết Bàn sẽ đắc đại Niết Bàn” đó ư? Đại Niết Bàn là lý thể chứng được khi thành Phật. Rốt ráo thành Phật mà còn đạt được, huống hồ vãng sanh Tây Phương ư? Hơn nữa, Quán Âm và Di Đà đều cùng làm một chuyện độ sanh, nào có phân biệt? Nhưng cũng phải sáng tối niệm Phật thì sự lý mới viên dung! Chẳng thấy trong kinh Đại Bi, đức Quán Âm dạy người lễ bái, trì chú thì trước hết phải niệm danh hiệu A Di Đà Phật đó sao?”
Từ đó con mới nghĩ như thế này: Niệm Quán Thế Âm cầu thành Phật, cầu vãng sanh Tây Phương còn có thể được, huống hồ là nay chỉ cầu Tín tâm nơi Tịnh Độ ư?
Lại do hoàn cảnh cá nhân của con, khi thì bận rộn, khi lại chẳng tiện để nghe kinh, vì vậy mà không biết do đâu để sanh khởi tín tâm. Trộm nghĩ khi thọ mạng vừa dứt, tín tâm chưa vững, không thể vãng sanh, đọa lạc tam đồ, xót xa lắm thay. Chỉ thấy niệm Quán Âm vừa giản tiện vừa dễ dàng, hi vọng có thể nhờ đây mà được Bồ Tát gia hộ, đoạn nghi sanh tín.
Tuy ý con là thế, nhưng vẫn mong muốn được thỉnh giáo quý thiện tri thức gần xa.
Nam mô A di đà Phật.
Con có chuyện rất cần sự giúp đỡ từ quý sư thầy..
Ngày xưa nhà nghèo nên con bị gia đình ép lấy chồng ngoại quốc. Nhưng lấy rồi thì con thấy cuộc sống của mình rơi vào vực thẳm, không có hạnh phúc mà chỉ toàn nổi buồn và mệt mỏi. Con đã có một đứa con 3 tuổi. Sau nhiều chuyện sảy ra thì con thấy mình không thể cố gắng vì con được nữa, lúc này con cũng bị trầm cảm nhẹ. Con muốn li hôn và trở về Việt Nam để tìm sự yên bình và bắt đầu lại cuộc đời mình. Nhưng như vậy có phải là tội lỗi với đứa con của mình không ạ? Hay con phải chấp nhận hi sinh quảng đời còn lại sống cảnh không có tình cảm, hạnh phúc để ở bên con mình ạ…
Xin hãy cho con một hướng đi đúng đắn để sau này nhìn lại con không phải hối hận vì quyết định của mình ạ.. Con cảm ơn quý thầy
A Di Đà Phật
Chào bạn Nỗi Buồn Không Tên!
Ly hôn thật sự không là cách giải quyết tốt. Và vì sao thì bạn đã tự có câu trả lời rồi: con bạn sẽ thật bất hạnh. Không chỉ vậy, người ấy (chồng bạn), cả bạn đều sẽ rất bất hạnh, rất đáng thương. Phật pháp không dạy con người trốn chạy khỏi đau khổ của cuộc đời, bởi có trốn cũng không thoát được. Bạn có nghĩ đến viễn cảnh: khi bạn đã ly hôn và về Việt Nam, bạn sẽ gặp phải một nỗi buồn đau khác còn tệ hại hơn hoàn cảnh hiện giờ không?
Kết hôn- nếu bạn đã cho rằng đó là một sai lầm, thì lần này bạn đừng sai lầm nữa, đừng nông nỗi, hồ đồ, suy nghĩ chóng vánh nữa. Chắc chắn mâu thuẫn gia đình thường thì không lỗi ở một bên; chính bản thân mình với những hỷ, nộ, ái, ố đã khiến cho xung đột gia đình gay gắt, tệ hại. Thế nên đừng nói là nhẫn chịu, chúng ta chỉ cần bình tâm lại, nhịn một ít, yêu thương và biết cách chia sẻ một ít- sẽ thấy mọi chuyện trở nên tốt đẹp.
Phật dạy: cảnh từ tâm sanh, cảnh cũng từ tâm chuyển. Bạn mang trong mình một nỗi buồn giận, chia ly. Vậy thử hỏi cái bạn nhận được từ chồng và gia đình chồng là gì? Muốn mọi người thay đổi tích cực, trước tiên ta phải thay đổi trước đã.
Đừng nghĩ tình yêu là màu hồng, là tốt đẹp. Chúng ta hãy nhìn xem đại nạn đang diễn ra lần này: toàn cầu và vô cùng khốc liệt. Thử hỏi mạng sống con người có như ngàn cân treo sợi tóc không? Bạn đã đến một Trang web Phật giáo, hẳn bạn là người có thiện căn. Hãy siêng năng vào diễn đàn này, đọc một ngày một bài Pháp, bạn sẽ thấy tâm an lành, rồi bắt đầu ngày mới với vài câu A Di Đà Phật, bố thí người khốn khổ khi có thể… Hãy làm như vậy đi, trước khi đưa ra quyết định mang đầy nỗi bất hạnh.
Phật pháp là từ bi, trí huệ, giải thoát. Nơi nào có Phật pháp nơi ấy có niềm an lạc. Chúc bạn sớm tìm thấy niềm vui từ bản thân và gia đình.
Nam Mô A Di Đà Phật
Dạ con xin cảm ơn quý thầy đã lắng nghe câu chuyện và gửi phúc đáp đầy chân thành, thiện lành dành cho con.
Sự thật là chồng con 48 tuổi, còn con chỉ mới 23. Khoảng cách tuổi tác dẫn đến sự khác biệt quá lớn trong cách sống giữa 2 thế hệ. Thực sự con cô đơn tủi thân lắm ạ. Thì đúng lúc này con lại vô tình quen biết được một người bạn ở Việt Nam, từ lúc biết họ con cười nhiều hơn, vui vẻ và không muộn phiền..
Mặc dù như vậy con vẫn không nên ly hôn đúng không ạ? Vì con thấy nếu tiếp tục thì con tiếc nuối quảng thời gian còn lại của đời mình. Nhưng buông bỏ mà về quê hương thì có thể con sẽ được yên bình nhưng lại cảm thấy có lỗi với con mình…
Thật ra đây là những tâm sự của con, nếu suy nghĩ của con ngu muội thì xin quý thầy rộng lượng bỏ qua cho con ạ. Con biết con đáng chê trách lắm..
Chào bạn Nỗi Buồn Không Tên! Mình hiểu cho hoàn cảnh của bạn, hơn 10 năm trước, mình đã từ bỏ giảng đường Đại học để lấy chồng qua Hàn nhưng do mình tự nguyện chứ ba mẹ không ép buộc nhưng do gia cảnh nghèo khó thiếu trước hụt sau nên mình phải hi sinh thôi. Mặc dù mình biết chuyện lấy chồng ngoại quốc như ván bài 5 ăn 5 thua vậy, bạn biết không chồng mình hơn mình 22 tuổi lại sống trong vùng nông thôn với ba mẹ chồng đã lớn tuổi nhưng họ rất chăm chỉ lao động. Sau nhà mình là núi, phía kia là sông cạn, đồng ruộng cây cối.v.v…cảnh vật buồn và cô đơn , lại thêm không cho mình đi học tiếng, mọi giao tiếp và sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến xung đột cãi vã, từ khi sanh con thì lại bất đồng quan điểm trong cách nuôi dạy con,…cãi vã cũng nhiều bạn ạ, nhưng được cái ông ấy có kinh tế ổn định và giúp cho ba mẹ mình cũng nhiều. Mình không có bạn bè thân thích qua lại bên này, chỉ có kết bạn trên facebook nhưng bạn biết đó, mạng xã hội mà làm sao phân biệt được thật giả tốt xấu? Có nhiều bạn lấy chồng qua đây rồi cũng tương tự như bạn, có người chịu đựng và vượt qua, có người không chịu được nên bỏ ra ngoài trở thành cư trú bất hợp pháp, hoặc theo bạn trai khác.v.v… Nếu làm như vậy thì khó mà có được cái hồi kết tốt đẹp. Nếu bạn biết về Nhân Quả thì bạn sẽ không buồn nữa mà dũng cảm đối mặt với hiện thực cuộc đời này, những gì diễn ra trong cuộc sống chúng ta không phải là ngẫu nhiên. Giả sử nếu bạn li hôn về Việt Nam thì người bạn trai mới của bạn có chấp nhận bạn thật lòng hay không? Có chấp nhận qúa khứ của bạn hay không? Nếu anh ta bảo là có thì lấy gì để chứng minh? Thế gian này là vô thường, lời nói cũng thế hôm nay thề non hẹn biển ngày mai quên tuốt cũng không ai làm gì được.
Bạn có nghe ông bà ta nói ” tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” không? Bằng chứng là chị ruột tôi đây, chị ấy kết hôn lần đầu với người làng dưới, bằng tuổi chị ấy, gia đình không giàu hơn ai nhưng mà họ khinh khi nhà tôi ra mặt, chị tôi bị bệnh thì không lo thuốc than chữa trị, nên chị về nhà mẹ ruột ở, hơn 10 năm sau, chị kết hôn lần thứ hai, lần này gặp phải ông chồng ghen tuông vô cớ, đánh đập chị. Mẹ chồng thì cũng khi và không thương yêu gì chị mặc dù lúc này gia đình tôi đã trở nên giàu có nhờ ba tôi trúng số . Bạn thấy đó, tội nghiệp đã tạo cho dù có chạy đi đâu cũng không trốn tránh được,chỉ có tu tập để chuyển hóa tâm mình mà thôi” tướng do tâm sanh, cảnh tùy tâm chuyên”.
Vài lời chia sẽ cùng bạn để cho bạn thấy rằng không phải chỉ riêng bạn mới rơi vào hoàn cảnh như vậy mà đa số chị em phụ nữa lấy chồng ngoại quốc là đã lường trước được và chuẩn bị tinh thần cho cuộc sống hôn nhân không có tình yêu mà là trên cả tình yêu- đó là tình người. Chồng bạn cũng sẽ rất đau khổ khi mất bạn, con của bạn sẽ như thế nào? Bạn muốn cuộc sống của mình được yên vui hạnh phúc thì bạn phải biết đem đến niềm vui hạnh phúc cho mọi người. Hơn nữa, tình hình dịch bệnh Covid 19 bây giờ cũng khá là căng thẳng, bạn nên suy nghĩ chính chắn trước khi đưa ra quyết định của mình.
Chúc bạn an vui và hạnh phúc!!!
Em cảm ơn chị Lê Kim Thuý nhiều ạ.
Nghe câu trả lời của chị mà em chỉ biết khóc. Kết hôn là ép buộc đến cả ly hôn cũng không được phép. Chắc tại số em phải chịu vậy rồi…
Nỗi Buồn Không Tên! Sao bạn lại nghĩ như vậy? “Ly hôn cũng không được phép”- lời này là suy nghĩ của bạn chứ tôi chỉ nói lên tình hình thực tế và những điều mình biết được mà thôi, bạn có chắc rằng sau khi li hôn bạn có hạnh phúc hay không hay bạn sẽ sống trong sự dày vò của lương tâm? Tôi chỉ là người ngoài cuộc nên không thể khuyên bạn nên hay là không nên mà chỉ khuyên bạn hãy suy nghĩ thật kĩ bởi làm việc gì cũng phải nghĩ đến hậu quả của nó, chỉ khuyên bạn 1 điều là đừng bao giờ nghĩ quẩn mà tìm đến cái chết, tôi xin lỗi vì những lời thật lòng của tôi mà đã làm cho bạn phải buồn và khóc!