Nguyễn Từ Tâm (1912 – 1972) nguyên quán tại ấp Bình Hưng II, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Cha là Nguyễn Văn Tú, mẹ là Lê Thị Hạnh. Song thân đều mất sớm, tục danh thường gọi là ông Hai Chư. Đến khi trưởng thành, ông lập gia đình, sinh được một người con là Nguyễn Thị Nhuận.
Vì thức tỉnh cuộc đời giả tạm, kiếp sống không lâu, vui ít khổ nhiều thiên tai nhân họa, bệnh lão hành thân, nên ông quá chán ngán cho kiếp phù du, phát tâm Bồ Đề bèn ly gia hành đạo.
Ông vào chùa Từ Quang, chuyên lo tu niệm, chùa này cũng ở xã Bình Mỹ, nơi ông cư trú.
Ông có đức tánh chân thật, hiền lành, hòa ái, vui tươi nên từ lớn chí nhỏ, từ các bạn đồng tu trong chùa cho đến ngoài thôn xóm, từ gần đến xa, ai ai cũng đều cảm mến. Ông hành trì giới luật tinh nghiêm, trường chay chính chắn, chơn chất tu hành, thiết tha trên con đường giác ngộ giải thoát.
Sau một thời gian nghiên cứu tận tường Phật Pháp, trao đổi giáo lý với các bậc cao minh cùng quý thiện tri thức, ông quyết định chọn pháp môn Tịnh Độ làm nơi quy hướng. Có người hỏi:
– “Tại sao huynh lại chọn pháp môn Tịnh Độ để tu?”
Ông đáp:
– “Sở dĩ tôi chọn pháp môn nầy để tu là bởi vì pháp môn nầy dễ hành, dễ thành. Vấn đề trì danh niệm Phật ai cũng làm được: “Sáu chữ nam Mô A Di Đà Phật: đi đứng, nằm, ngồi ráng niệm chớ quên không đợi gì thời khắc…”.
Hơn thế nữa, tu môn Tịnh Độ ngoài vấn đề tự lực ra, chúng ta còn được diễm phúc nhờ đến phần tha lực rất nhiều, do 48 lời đại nguyện của Đức Từ Phụ A Di Đà. Từ xưa đến nay, đã có vô số người đới nghiệp vãng sanh. Điều đó đủ để hùng biện chứng minh rằng lời đại thệ nguyện của Đức Phật A Di Đà là chơn thật ngữ vậy! Bao nhiêu sự tích từ xưa đến nay, đều đã được vãng sanh là động cơ mãnh liệt, giúp cho chúng ta thêm niềm tin sâu đậm về pháp môn này.
Còn thời gian tu chứng thì nếu ai thiện căn sâu đậm có thể đắc tam muội hiện tiền, còn chậm hơn thì cũng:
“Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc,
Hưởng công niệm Phật rất yên lành!”
Tóm lại, dù căn cơ thế nào, dù nhanh hay chậm gì cũng:
“Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.”
Do tham khảo rõ ràng, suy nghiệm kỹ càng minh bạch nên tôi quyết định chọn pháp môn Tịnh Độ này để tu.”
Đức hiền của ông không riêng chỉ cảm hóa nhiều người kính mến, mà luôn đến loài vật cũng cảm ái vô cùng.
Như có một mùa nước nọ, nơi cây cầu tắm rửa, ở ngang hông chùa phía Đông Bắc, có một con cá lóc lớn độ nửa cân thường nằm ở đấy. Vì nước trong dễ thấy, ông Từ Tâm thấy cá lóc dạn quá, dễ thương, bèn lấy tay rờ thử, cá cũng không chạy tránh. Kể từ đó, ông dùng tay nâng nó lên khỏi mặt nước cho người xem, cá vẫn nằm im không giẫy giụa, rồi ông thả cá về nước.
Tin này được đồn lan, khách đến viếng chùa từ nhỏ tới lớn đều yêu cầu ông Hai bắt cá cho xem. Ông đến cầu lấy tay búng mặt nước vài cái và gọi:
– “Lóc! Lóc! Lóc!”
Lóc liền nổi lên, ông dùng tay nâng cá lên cao cho mọi người xem.
Ai nấy trầm trồ:
– “Ngộ quá! Thật ngộ quá!”
Ở phía Tây Nam chùa có cây phượng vĩ to cao, hoa khá đẹp và nhiều cây vú sữa cành lá sum xuê. Chiều nào cũng có các đàn chim bay về để ngủ, trước khi ngủ nó reo vang, như đàm thoại cùng nhau rất lý thú, nhất là các chú chim sẻ. Thấy có một con chim đậu thấp ông Từ Tâm bèn lấy tay rờ thử, nó vẫn không bay.
Ngộ thay! Loài thú cầm nó cũng có linh tánh, biết người hiền nên vẫn an nhiên không sợ sệt.
Ông Từ Tâm vẫn thường hay bệnh hoạn nhưng không nhiều chi lắm, có lần cô Út Đồng đến hỏi:
– “Thưa huynh Hai! Sao mỗi lần tôi đến viếng chùa, đều thấy huynh đội khăn choàng hầu. Bộ ít khi nào huynh mạnh lắm hả huynh Hai?”
Ông đáp:
– “Tôi ít khi nào mạnh lắm cô à! Nhưng thường đau thì không có gì nặng lắm. Tôi nghĩ đó là do nguyện của tôi từ lúc mới phát tâm tu!”
Cô Út hỏi:
– “Huynh Hai nguyện như thế nào?”
Ông đáp:
– “Tôi nghĩ ai cũng có nghiệp, không nhiều thì ít. Có vay thì tất có trả. Khi vay vui vẻ thì lúc trả cũng phải bằng lòng. Nên tôi nguyện nếu có trả quả thì bệnh lai rai, vừa đau nhưng cũng vừa hành đạo được, chừng nào trả hết nghiệp thì sẽ vãng sanh. Nhưng có điều, khi vãng sanh thì đừng đau ốm gì cả. Vì sợ cực khổ cho đồng đạo chăm sóc cho mình nhiều quá.”
Cô Út lại hỏi tiếp:
– “Như vậy, chừng nào thấy huynh mạnh là huynh sắp tịch phải không huynh Hai?”
Ông cười đáp:
– “Dạ! Chừng nào cô thấy tôi hồng hào, thì tôi sắp vãng sanh đó!”
Năm 1972, cô Út có dịp đến viếng chùa Từ Quang, thấy sắc thái ông Hai ra vẻ hồng hào, tươi nhuận. Cô Út hỏi:
– “Thưa huynh Hai! Độ này chắc huynh khỏe lắm hả huynh Hai”
Ông đáp:
– “Tôi lúc này thật mạnh rồi cô ạ!”
Cô Út liền nhắc lại chuyện cũ:
– “Huynh nguyện khi nào huynh mạnh là sắp tịch! Bây giờ huynh gần tịch chưa? Thưa hiền huynh?”
Ông bèn đáp:
– “Tôi gần tịch rồi cô ạ!”
Sau khi cô Út về không bao lâu, vào mùa đông năm Tân Hợi 1972, ông đi thăm viếng người thân và đồng đạo rất nhiều. Đến đâu ông cũng tha thiết kêu gọi khuyến khích mọi người đều nên niệm Phật, hầu trực vãng Tây Phương, vì nơi ấy rất an lành và vui vẻ lắm!
Ông có đến nhà cô Năm Lý, cô này trường chay đã lâu. Ông khuyến tấn niệm Phật và trao tặng vật lưu niệm. Ân cần dặn dò:
– “Đây là vật kỷ niệm, hễ cô thấy nó là nhớ tôi nhắc niệm Phật, đừng quên nhé!”
* Chúng tôi có ý nghĩ, chắc ông Từ Tâm đã biết được ngày tháng vãng sanh, nên ông đi thăm viếng các nơi, hình như để từ giã chứ bình thường ông ít đi đâu lắm, vì tính ông trầm tĩnh, cẩn thận nên những điều gì biết ông chẳng chịu nói ra. Chừng nghe tin ông mất chư liên hữu mới thốt lời:
– “Hèn chi bữa hổm, ổng nói hình như từ giã thì phải!”
Thiều quang thắm thoát đã đến cuối đông. Đêm mùng 5 rạng ngày mùng 6 tháng chạp năm Tân Hợi 1972, có ông Như Sanh là người bạn tri âm tri kỷ ở trại cây Cần Thơ về thăm.
Đôi bạn thâm tình cùng nhau đàm luận rất vui vẻ, nói chuyện cho đến khi đồng hồ báo hiệu 12 giờ khuya, ông Từ Tâm bảo:
– “Thôi chúng ta hãy trở về chỗ nghỉ vì đã đến giờ tịnh tọa!”
Mọi người đều đồng ý trở về liêu xá của mình, sáng sớm bạn Như Sanh đến từ giã để trở về CầnThơ cho kịp giờ buôn bán. Khi đến nơi liêu xá, bước lên gác lầu thốt lời giã biêt. Không nghe đáp lại, ngỡ bạn ngủ ngon, ông Như Sanh lặp lại lớn hơn nhưng vẫn không nghe trả lời. Ông Như Sanh sinh nghi liền lấy tay sờ thử thì cơ thể cậu bạn Từ Tâm đã lạnh ngắt tự bao giờ.
Ông Như Sanh bèn cho các đồng đạo hay. Khi tề tựu đến, quan sát kỹ thì thấy ông Từ Tâm nằm dài, xuôi tay xuôi chân khỏi sửa, gương mặt vui tươi lạ thường, mền mùng xếp để gọn gàng có trật tự. Nơi cây cột vuông phía Tây có để bằng phấn mấy chữ: “Ngày 6 tháng 12 Từ Tâm tịch”
Nên nhớ rằng thời gian này ông không có bệnh hoạn chi cả. Ông hưởng thọ 60 tuổi.
*Phụ Bình:
Xuyên qua sự đi thăm viếng thân nhân và đồng đạo, qua sự đề ngày tịch trên cây cột, qua sự sắp xếp mùng mền để có trật tự và nằm xuôi tay khỏi sửa, qua gương mặt hân hoan kỳ diệu cộng với sự công phu tu hành chín chắn mấy mươi năm trong đời, chúng ta có thể quả quyết rằng ông Từ Tâm đã đắc sanh Tịnh Độ, chúng ta nên mừng và nên noi gương Tịnh hạnh ấy.
Từ Tâm đúng bậc hiền
Cảm hóa khắp láng giềng
Thủy tộc phi cầm mến,
Sự niệm Phật cần chuyên.
**********
Cần chuyên niệm Phật ít rời,
Công phu già giặn biết thời vãng sanh.
Mùng sáu tháng chạp ghi rành,
Viết rõ vào cột cho anh em tường.
Mặt tươi như ngủ nêu gương,
Xuôi tay nằm thẳng Tây Phương hồn về.
Ngự nơi tọa bửu Liên Huê!
*********
Tu niệm cần chuyên mấy chục năm,
Sĩ nhân thâm nhập pháp huyền thâm.
Từ như khởi giác trần gian mộng,
Tâm đắc chân truyền Quan Thế Âm.
Gương tốt lưu đời soi mỹ hạnh,
Hiền lành cảm hóa đến sinh cầm.
Đáng nêu ngôn đức vàng son đẹp,
Kính mến người xưa viết để ngâm.
Từ bi thương muôn loại,
Tâm đức mến vạn nhân.
Đáng ghi trang sử đạo,
Kính cẩn liễn đôi vần.
Tu môn Tịnh Độ rất chuyên cần,
Sĩ quyết về Tây lánh cõi trần.
Từ Phật Bồ Đề tinh tấn xuất,
Tâm không nhiễm tục mãi hoan hân.
Vãng hồi Phật Quốc là chơn nguyện,
Sanh hóa liên hoa ánh rạng ngần.
Cực lực trì danh luôn chẳng dứt,
Lạc bang lai đáo đắc kim thân.
Thuật theo lời Liên hữu Như Quang
Trích Chuyện Vãng Sanh Ở Việt Nam
Nhóm Liên Hữu Miền Nam Đất Việt thực hiện
Bà nội mình sống được 100 tuổi.khi mất cũng chỉ bệnh hơn 1tháng.giá như…mình đang làm gì ?nghĩ gì thế này…
Cả ngày hôm nay phần nhiều thời gian mình niệm PHẬT.chốc chốc thì niệm QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT.nửa tháng rượu bia mình rút ra vài điều.uống nhiều rượu trong người chẳng khác nào như lửa đốt vậy.tư duy xằng bậy.trước đây khi chưa biết PHẬT PHÁP thì còn vô tư nghĩ.giờ biết còn lao vào .giờ đầu mình luôn cãm thấy khó chịu.người luôn rạo rực .mọi người nên vì cái xe đổ này mà nhìn rõ đường của mình đi nhé.
A Di Đà Phật! Cảm ơn đạo hữu nhé!
Mọi người cho mình hỏi phát nguyện vãng sanh và hồi hướng công đức thầm ở trong tâm có được không
Chào bạn Vô thường
Hoàn toàn được bạn ạ, trong từng tâm niệm bạn đều hướng về thế giới An Lạc thanh tịnh sáng suốt kia và phát nguyện rộng lớn tu tập công đức phước thiện vô tướng để hồi hướng trang nghiêm Tịnh Độ,hồi hướng pháp giới chúng sinh thành tựu trí huệ ba la mật và mau sanh về cõi phật Vô Lượng Quang.
Việc đối trước tượng các đức Như Lai và chư Bồ Tát để phát nguyện và hồi hướng thực sự rất cần thiết,bạn nên trình thưa rõ ràng tâm nguyện của mình lên chư Phật Bồ Tát để các Ngài chứng minh.
chúc bạn an lạc.