Vì sao thế giới này khác hẳn? Thưa quý vị, cảnh chuyển theo tâm đấy! Do vậy, kinh Hoa Nghiêm mới dạy chúng ta: “Tình dữ vô tình, đồng viên Chủng Trí” (Hữu tình và vô tình cùng viên thành Nhất Thiết Chủng Trí). Chẳng phải là cảnh giới chuyển tâm, mà là tâm chuyển cảnh giới! Nếu quý vị thật sự biết “tâm chuyển cảnh giới” thì còn có Phong Thủy hay chăng? Hiện thời chúng ta nói đến Địa Lý, Phong Thủy, có đấy! Từ đâu mà có? Do cái tâm biến hiện ra. Tâm chuyển Phong Thủy, chứ không phải là Phong Thủy có thể chuyển biến chúng ta. Phong Thủy chuyển chúng ta thì chúng ta đáng thương quá! Vật do chính mình biến hiện, mà kết quả chính mình lại bị nó trói buộc, giống như con tằm kéo kén để tự nhốt mình trong ấy, còn có gì ngu si hơn nữa? Thật sự hiểu rõ đạo lý này, còn có Phong Thủy hay không? Có! Quả thật có! Nhưng chúng ta có cần phải kiếm [một nơi] có Phong Thủy và Địa Lý tốt đẹp hay chăng? Không cần thiết! Tu từ cái tâm của quý vị! Tâm quý vị tốt đẹp, quý vị đi đến chỗ nào, Phong Thủy sẽ chuyển theo tâm quý vị. Quý vị đến ngồi nơi chỗ Phong Thủy xấu, hai ngày sau nó sẽ chuyển biến thành tốt đẹp! Nếu tâm quý vị không tốt, tìm một chỗ Phong Thủy tốt, quý vị ở đó chưa đầy hai ngày nó đã chuyển thành xấu. Phong Thủy chuyển theo tâm của quý vị mà!
Đại hoàn cảnh do cộng nghiệp của chúng sanh cảm thành. Trong đại hoàn cảnh, tâm địa của đại đa số con người trong thế giới này không thanh tịnh, đều là phàm phu, cho nên mới có cõi khổ, bùn, cát, rừng gai. Tâm địa của con người nơi Tây Phương Cực Lạc thế giới thanh tịnh, chẳng có tham, sân, si! Tâm địa ai nấy đều thiện lương, vì ai nấy đều phát Bồ Đề tâm. Chẳng phát Bồ Đề tâm, sẽ chẳng thể vãng sanh thế giới Tây Phương. Thế giới Tây Phương là Đại Thừa Phật pháp, nhất định phải phát Bồ Đề tâm [mới có thể vãng sanh]. Vì lẽ đó, người trong thế giới Tây Phương ai nấy đều thanh tịnh, chân thành, từ bi; bởi vậy, hoàn cảnh vật chất do cộng nghiệp cảm thành cũng hết sức thù thắng. Đấy là do tâm phân cấu – tịnh mà hai thế giới khác nhau.
Tâm chuyển theo cảnh là phàm phu. Ngày nay qua báo chí, chúng ta thấy nhân viên ngân hàng thụt két đều là do mắc lừa bởi những kẻ giả danh quỷ thần, bị ngoại cảnh xoay chuyển. Phong Thủy, tướng mạng có hay không? Thật sự có, nhưng những thứ ấy có thể biến đổi theo tâm của chính mình, tướng chuyển theo tâm mà! Tâm quý vị thay đổi, tướng sẽ thay đổi, mạng cũng thay đổi, Phong Thủy cũng thay đổi theo. Chỉ có kẻ ngu si mới cầm tiền đưa cho thầy Phong Thủy xin giúp sửa đổi Phong Thủy. Có đổi được hay không? Tuyệt đối chẳng thể thay đổi được! Thay đổi từ chỗ nào? Thay đổi từ tâm địa của quý vị thì mới thật sự có thể thay đổi. Không chỉ những kẻ ấy chẳng có năng lực thay đổi, mà thiên thần, quỷ thần, chư Phật, Bồ Tát cũng đều chẳng có năng lực giúp quý vị thay đổi. Phật, Bồ Tát bảo cho quý vị biết nguyên lý là muốn cho quý vị thay đổi vận mạng của chính mình, nhất định phải hiểu đạo lý này!
Trong Phật pháp, chắc chắn không có mê tín. Do vậy, trước hết, quý vị phải tạo dựng lòng tự tín, từ cái tâm mê mà khai ngộ, sau đấy sẽ được thụ dụng tự tại nơi cảnh giới, chẳng cần phải theo đuổi. Nói “thụ dụng tự tại” là tâm có thể an trụ trong cảnh giới, phú quý thì yên phận phú quý, nghèo hèn bèn yên phận nghèo hèn. Đó là đạo. Muốn thay đổi hoàn cảnh của chính mình cho tốt đẹp hơn, ắt phải thay đổi từ nội tâm thì mới có hạnh phúc thật sự, chẳng cầu hết thảy quỷ thần giúp đỡ, đấy mới là chánh pháp. Chúng ta đánh mất lòng tin nơi chính mình, đến khắp nơi cầu quỷ thần, cầu Phật, cầu Bồ Tát, toàn là “mê tâm chạy theo cảnh”, chắc chắn chẳng thể vượt thoát sanh tử luân hồi.
… Con người trước lúc bốn mươi tuổi chịu ảnh hưởng mạnh nhất của nghiệp lực đời trước. Trước khi đầy bốn mươi tuổi bèn chịu quả báo của đời trước. Có những kẻ tuổi trẻ phát đạt, đó là do phước báo từ đời trước. Nếu kẻ ấy lúc phát đạt bèn làm càn làm quấy, chẳng làm chuyện tốt, từ tuổi trung niên trở đi sẽ dần dần suy bại. Thậm chí đến tuổi xế chiều suy sụp chẳng kham, hết sức đáng thương! Do đời này chẳng tu đấy! Phước báo thuộc đời trước, đời này nhất định phải thật sự tu tập tốt đẹp thì tuổi già mới thong dong. Do vậy, từ bốn mươi tuổi trở đi, sẽ chịu ảnh hưởng to lớn bởi [nghiệp lực trong] đời này, sức mạnh của [nghiệp lực] đời trước rất yếu mỏng. Vì thế, tuổi bốn mươi có chuyển biến rất lớn! Tuổi già tốt đẹp là do đời này tu tập, tuổi trẻ tốt đẹp là do đời trước tu tập. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Chính mình nắm giữ vận mạng trong tay, vận mạng do chính mình sáng tạo, chính mình kiến lập, nhất định phải hiểu đạo lý này.
Không chỉ chớ nên làm chuyện ác, mà ý niệm ác cũng chớ nên khởi lên. Vì vậy, pháp môn [Tịnh Độ] này dạy chúng ta đổi mọi khởi tâm động niệm thành A Di Đà Phật, dùng phương pháp này để tu cái tâm thanh tịnh, cái tâm bình đẳng của chúng ta. Nói thông thường, con người sanh tử luân hồi trong lục đạo, chẳng giác ngộ, chẳng nghĩ xuất ly, những người như vậy chiếm số lượng rất lớn. Vì thế, nhân duyên được nghe pháp khá khó khăn, trong kinh, đức Phật đã từng nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”. Được làm thân người, được nghe Phật pháp là có cơ hội thoát lìa sanh tử, vượt thoát luân hồi. Nếu quý vị chẳng được nghe Phật pháp, sẽ chẳng có cơ hội ấy. Người trong thế gian chẳng nghe Phật pháp, chỉ biết sanh lên trời là tốt đẹp, [cho đó] là tối thượng thừa. Mức độ thấp hơn là chuẩn bị làm quỷ, muốn làm một con quỷ có phước báo! Lúc còn sống, thấy tuổi tác đã cao, bèn làm như thế nào? Đốt giấy tiền vàng mã nhiều một chút, chuẩn bị cho tương lai chết đi làm quỷ sẽ có cái để tiêu dùng thoải mái. Kẻ ấy chuẩn bị sẵn tài sản trong ngạ quỷ đạo, đã dự bị cho chính mình ở trong ấy. Trong tương lai, đọa lạc trong quỷ đạo có thể hưởng thụ hay chăng? Rất khó đảm bảo! Những kẻ đó đều là ngu si! Rành rành có lục đạo, vì sao lại tính làm quỷ sau khi chết? Vì sao chẳng tính toán hòng đời sau lại được làm thân người, lại hưởng phú quý trong nhân gian, mà cam tâm tình nguyện làm quỷ? Toàn là ngu si! Tệ hơn nữa còn có địa ngục và súc sanh. Vì thế, phải biết luân hồi trong lục đạo đáng sợ, thật sự đáng sợ! Sanh lên trời chẳng dễ dàng, phải có đủ tư cách để sanh lên trời. Có một biện pháp để vượt thoát luân hồi lục đạo là tu pháp môn này, đới nghiệp vãng sanh, tu các pháp môn khác rất khó!
Trích A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa (phần 28)
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Chuyển ngữ: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa
Mình có chút ý kiến này xin chia sẻ ra đây. Nếu có gì sai sót xin sự góp ý của quý đạo hữu.
Có vị thầy nói rằng cúng dường cho bậc Thánh phước nhiều hơn bố thí cho phàm phu. Điều này thì có lý. Nhưng tôi có suy nghĩ thêm thế này ạ.
Ai ai cũng cúng dường cho vị thánh nên tài sản của vị này có thể lên tới 800 triệu đồng( mình giả dụ vậy) . Giờ mình cúng dường họ 500 ngàn , so với tài sản 800 triệu Như con kiến với con voi. Trong khi đó, một người phàm phu lương thiện( ko cờ bạc…) một ngày họ làm lụng chắt móp kiếm 50 ngàn đồng sống qua ngày. Thì khi ta bố thí cho họ 500 ngàn chắc chắn họ sẽ rất vui mừng rất vui sướng . Chính niềm vui to lớn của họ khi được ta bố thí sẽ mang lại quảbáo vui mừng hạnh phúc to lớn trong tâm ta.
Khi ta bố thí hay cúng dường, ta nên khởi tâm mong tài vật ta tặng được dùng vào lợi ích an vui tốt đẹp an lành hạnh phúc cho chúng sinh.
Cảm ơn quý đạo hữu đã đọc ý kiến của mình. Có gì sai sót kính mong quý đạo hữu thẳng thắn góp ý. Xin chân thàn cảm niệm ân đức!!
Trong kinh Trung bộ III, phẩm Phân Biệt Cúng Dường, Phật có phân ra 14 loại như sau:
Này Ananda! Có 14 loại cúng dường phân loại theo hạng người:
1. Bố thí cho các đức Như Lai.
2. Bố thí cho các vị Độc Giác Phật.
3. Bố thí cho các vị A La Hán.
4. Bố thí cho các vị trên đường chứng quả A La Hán.
5. Bố thí cho các vị chứng quả Bất lai.
6. Bố thí cho các vị trên đường chứng quả Bất lai.
7. Bố thí cho các vị chứng quả Nhất lai.
8. Bố thí cho các vị trên đường chứng quả Nhất lai.
9. Bố thí cho các vị chứng quả Dự lưu.
10. Bố thí cho các vị trên đường chứng quả Dự lưu.
11. Bố thí cho các vị ngoại học đã ly tham trong các dục vọng.
12. Bố thí cho những phàm phu giữ gìn giới luật.
13. Bố thí cho những phàm phu theo ác giới.
14. Bố thí cho các loài bàng sinh.
Tại đây, này Ananda! Sau khi bố thí cho các loại bàng sinh, cúng dường này hy vọng đem lại 100 phần công đức. Sau khi bố thí cho các phàm phu theo ác giới, cúng dường này có hy vọng mang lại 1000 phần công đức. Sau khi bố thí cho các phàm phu gìn giữ giới luật, công đức này có hy vọng mang lại 100000 phần công đức …
Công đức cứ theo các cấp bậc phân chia trên mà tăng dần cho đến các đức Như Lai.
Điều đó cho thấy, bố thí cúng dường cho người có tâm hạnh càng thiện thì phước báu càng lớn, không kể đó là xuất gia hay tại gia. Song quả báo bố thí lại không chỉ lệ thuộc vào Đối-tượng-được-bố-thí mà còn lệ thuộc thêm 2 duyên khác là Vật-phẩm-bố-thí và Tâm-hạnh-người-đang-bố-thí cùng với nhiều điều kiện như sau:
1. Chủ thể bố thí: Người bố thí cúng dường có công việc lương thiện, hành vi lương thiện, tâm lượng rộng lớn v.v… sẽ có phước báu nhiều hơn người bố thí với tâm lượng nhỏ hẹp, hoặc làm các nghề bất thiện, hoặc có những hành vi bất thiện.
2. Vật phẩm bố thí: Vật phẩm cúng dường từ nguồn tài chánh lương thiện sẽ có phước báu lớn hơn vật phẩm từ nguồn tài chính bất thiện.
3. Đối tượng được bố thí: Bố thí được cho người có phẩm hạnh càng lớn thì quả báo nhận được càng lớn. Trong bài pháp Phật dạy trên, mỗi câu đều có hai chữ HY VỌNG. Hy vọng, nghĩa là không khẳng định. Đó là vì quả báo không chỉ lệ thuộc vào Đối-tượng-được-cúng-dường mà còn bị mức độ thanh tịnh của chủ thể và phẩm vật chi phối.
Ba duyên trên nếu thanh tịnh tất cả thì phước báu sẽ lớn hơn là chỉ có hai hay một duyên thanh tịnh. Tùy mức độ thanh tịnh của mỗi duyên mà ta lại có vô vàn các quả báo sai khác.
Nếu chỉ y cứ vào Đối-tượng-được-bố-thí thì cúng dường cho đại tăng phước báu vẫn lớn hơn. Nhưng trên mặt tổng thể thì mọi thứ có thể thay đổi.
Nếu không màng đến phước báu lớn nhỏ cho riêng mình mà chỉ nghĩ đến việc cứu người trước mắt, thì rõ ràng tâm lượng của Chủ-thể-bố-thí đó rất lớn.[2] Vì thế, đứng trên mặt tổng thể để tính phước báu, thì phước báu khi cho kẻ bất thiện lúc đang đói chưa chắc đã ít hơn khi cúng dường một vị đại tăng.
Đứng về mặt công đức tu hành mà nói, thì công đức bố thí của kẻ có tâm lượng rộng lớn luôn lớn hơn kẻ có tâm lượng nhỏ hẹp, người có tâm lượng vị tha luôn lớn hơn kẻ có tâm lượng vị ngã, cúng dường hồi hướng cho toàn thể chúng sinh, công đức sẽ lớn hơn khi chỉ hồi hướng cho riêng bản thân và gia đình.
Trong kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, Phật dạy Bồ tát Địa Tạng Vương: “Trong cõi Nam Diêm Phù Đề có các vị quốc vương, hàng tể phụ quan chức lớn, hàng đại trưởng giả v.v… nếu gặp kẻ nghèo túng, nhẫn đến kẻ tật nguyền câm, ngọng, điếc, mù v.v… mà có thể đủ tâm từ bi, lại có lòng vui vẻ tự hạ mình, tự tay mình đem của ra bố thí cho tất cả những kẻ đó, hoặc bảo người khác đem cho, lại dùng lời ôn hòa dịu dàng an ủi, thì các vị đó sẽ được phước lợi bằng phước lợi công đức cúng dường cho trăm hằng hà sa chư Phật. Vì sao? Vì các vị đó phát tâm đại từ bi đối với kẻ nghèo cùng và tàn tật. Phước lành được hưởng quả báo như thế này: Trong trăm nghìn đời thường được đầy đủ những đồ thất bảo, huống là những thứ để thọ dụng như y phục, đồ uống ăn v.v…”.
Như vậy, cúng dường cho chúng sinh tàn tật nghèo khổ v.v… với tấm lòng kính trọng thương yêu, công đức cũng bằng cúng dường không phải chỉ cho một vị Phật mà cho hằng hà sa chư Phật. Vì thế, có những người không theo đạo Phật, không cúng chùa, chỉ lo bố thí cho người nghèo với tâm thương yêu thật sự cũng được phước lộc lớn.
Có điều, gieo duyên với Tam bảo thì sẽ nhận được sự hộ trì của Tam bảo, nhận được sự chỉ dạy của Phật Pháp Tăng dưới nhiều hình thức, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm để tránh tai ách về sau.
Khi ta cúng dường bố thí thì cứ làm hết mình, nhưng phải có trí tuệ suy xét không phải phân biệt cúng dường cho bậc thánh hay bậc phàm phu ta được phước báu nhiều hơn. Đó là tâm ta chưa xả hoàn toàn khi cúng dường bố thí vì còn tâm phân biệt cái nào được lợi hơn cho bản thân mình. Một phần vẫn còn tự tư tự lợi cho bản thân. Mà trí tuệ ở đây là khi giúp đỡ người khác thì xem họ có làm điều lợi ích cho bản thân họ và gia đình hay không. BC xin đưa một vài ví dụ đơn giản:
– Như khi gia đình họ đói nghèo cần gạo và thức ăn thì mình giúp đỡ họ giúp gia đình họ qua cơn đói khát.
Không thể bố thí cho người lấy tiền để cờ bạc, rượu chè hay hút chích được vì sau khi thọ nhận mình thấy trước mắt họ đang mua rượu, cờ bạc,… việc làm đó không mang lại lợi ích mà một phần còn tiếp tay cho họ vào các tệ nạn xã hội tăng thêm đau khổ cho bản thân và gia đình của họ nữa.
– Khi phóng sanh thì phải thả loài vật về đúng môi trường sống của chúng vả dụ như loài cá sống nước mặn thì ta phải thả về môi trường nước mặn, còn loài nước ngọt thì thả chúng về môi trường nước ngọt.
Không thể thả heo hay gà, vịt được vì chúng là loài gia súc gia cầm được các gia đình nuôi nên khi thả về đời sống hoang dã chúng không thể thích nghi được,…
Các pháp thế gian luôn luôn vận hành theo thuyết tương đối, chứ chẳng thể tuyệt đối được. Ví dụ có thiện thì phải có ác. Có âm thì phải có dương,….Vì chúng ta còn là phàm phu tu tập hạnh bố thí nên nương vào tương đối quán chiếu việc làm thiện phải lợi người trước sau đó lợi mình, nếu việc đó lợi ích cho người mình không có lợi vẫn sẵn sàng làm. Việc có lợi mình mà hại người tuyệt nhiên không làm.Còn các bậc thánh bồ tát thì các ngài hành hạnh bố thí cúng dường chẳng thể nghĩ bàn hạn phàm phu chúng ta chẳng thể hiểu được thấu suốt.
A DI ĐÀ PHẬT!
cảm ơn đạo hữu Bảo Cẩm !
Xin thành tâm cảm niệm công đức bố thí Pháp của Đạo hữu Bảo Cẩm. Rất hay, rất ý nghĩa!
A Di Đà Phật