Thiền phòng tĩnh lặng như đầm nước chết, yên ắng như chốn không bóng người. Chỉ có lão thiền sư đứng trông, mọi thứ trước mắt ông đều minh bạch. Bốn mươi vị thiền sư tham gia bế quan lần này. Hôm nay đã đến quan ải cuối cùng, cửa ải vượt ngoài sinh tử. Cửa sinh tử ấy chính là sắc tình, sắc tình chẳng đoạn, sinh tử khó thoát.
Chỉ mong sao những vị thiền sư hôm nay không xảy ra chuyện gì, thuận lợi vượt quan.
Trong lúc lão thiền sư đang lo lắng cầu nguyện, bỗng có tiếng cãi cọ từ ngoài cửa truyền vào.
Thì ra là vị pháp sư canh giữ bên ngoài thiền phòng đang tranh cãi với một người con gái, lão thiền sư lẳng lặng mở cửa phòng đi ra để can ngăn cuộc cãi vã, nhưng chính ngay lúc đó, người con gái đẩy mạnh cửa phòng, bất thình lình cất bước xông thẳng vào phòng thiền.
Khi vị pháp sư trông coi phòng thiền muốn ngăn lại nhưng chẳng kịp, bốn mươi vị thiền sư đang thiền định vượt quan, nghe thấy tiếng cửa phòng mở, gần như đồng thời mở mắt, tất cả đều bị cô gái ở trước mặt làm cho sững sờ.
Một thiếu nữ duyên dáng yêu kiều, thật là tú mĩ, đoan trang, xinh đẹp, diễm lệ biết bao. Ánh mắt của cô đảo quanh một vòng, nhìn khắp từng vị thiền sư đang ngồi ngay ngắn nơi kia, rồi đáp lại bằng một nụ cười thanh nhã dịu dàng. Giây phút ấy thật khiến người ta ngơ ngẩn tâm hồn, nụ cười rung động lòng người đó, đủ khiến cho bất cứ người nào một lần nhìn thấy cả đời khó quên.
Lão Thiền sư cung kính hợp thập hỏi:
“Xin hỏi nữ thí chủ, cô đi vào thiền phòng của tôi, không biết là có việc gì?”
“A Di Đà Phật! Tiểu nữ được biết các vị pháp sư bế quan tu luyện ở đây, vậy nên đặc biệt đến đây để cúng dường cho mỗi vị một đôi giày, cúi xin lão thiền sư từ bi, để cho tiểu nữ có thể hoàn thành tâm nguyện của mình”.
“Nếu đã như vậy, xin thí chủ hãy để giày lại, để sau khi xuất quan, lão nạp sẽ thay thí chủ phát lại cho mỗi người là được rồi”.
Thiếu nữ khẽ lắc đầu, mỉm cười đáp:
“Tiểu nữ đã phát nguyện rằng sẽ đích thân đem mỗi đôi tăng hài mà mang vào chân cho từng vị thiền sư, cúi xin ngài hãy rủ lòng từ bi, như vậy vừa hoàn thành tâm nguyện của tiểu nữ, cũng hoàn thành tâm nguyện khó nói của chư vị thiền sư”.
Người thiếu nữ đích thân mang từng đôi giày vào chân cho các chư tăng. Lúc này, bốn mươi vị thiền sư trong phòng thiền vừa nghe thiếu nữ muốn đích thân mang giày vào cho mình, người nào người nấy tim đập thình thịch, ai ai cũng đều lộ vẻ vui mừng ra mặt.
Lão thiền sư bất đắc dĩ thở dài một hơi, hai tay hợp thập đáp:
“Nếu đã như vậy, xin thí chủ cứ tự nhiên”.
Thiếu nữ khẽ dời gót sen, lần lượt mang giày cho từng vị sư. Khuôn mặt kiều mĩ đó, bàn tay mềm mại đó, dáng vẻ thướt tha đó, mùi hương thơm ngát đó, khiến cho bậc tu hành ai nấy đều thở dài xúc động: Nếu có thể bầu bạn với cô gái này chỉ một ngày thôi, cho dù có chết cũng mãn nguyện!
Khi thiếu nữ mang xong giày cho vị tăng nhân cuối cùng, chuẩn bị rời khỏi phòng thiền, thì mới phát hiện rằng cánh cửa thiền phòng đã bị khóa cứng, thiếu nữ đến trước mặt lão thiền sư hỏi:
“Sư phụ, người nhốt tiểu nữ trong phòng thiền này, chẳng hay có dự tính gì? Tiểu nữ ra ngoài thế nào đây?”
Lão thiền sư khuôn mặt thâm trầm tĩnh lặng như nước, nói:
“Cô đã muốn ra về vội vàng thế sao?”
“Đúng vậy, tăng hài đã mang xong rồi, tiểu nữ cũng phải trở về nhà thôi”.
“Thà khuấy động nước nghìn sông, chứ không được làm động tâm người tu hành! Cô hôm nay đã khuấy động đạo tâm của bốn mươi vị thiền sư trong thiền phòng của ta, vậy mà cô không suy tư gì, hồn nhiên định bước ra khỏi đây hay sao?”
Thiếu nữ bàng hoàng, hỏi:
“Tiểu nữ đến để bố thí tăng hài, các pháp sư thấy sắc động tâm, lẽ nào đây lại là lỗi của tiểu nữ? Xin người hãy mau mở cửa thả tiểu nữ ra ngoài”.
“Để cô ra về thì rất dễ, nhưng tôi muốn kể cho cô nghe một câu chuyện.”
“Xin vâng”.
“Vì cô hôm nay đã gieo một nhân ác, tôi đã nhìn thấy trước con đường tương lai của cô. Tôi thấy cô sẽ phải luân hồi trong kiếp thân nữ đến bốn mươi đời, lần lượt gả cho bốn mươi vị thiền sư đã vì cô mà động lòng phàm, họ cũng sẽ phải luân hồi trong lục đạo, bất luận họ chuyển sinh vào đường nào, cô đều phải tùy theo nghiệp chướng mà gả cho họ.”
Thiếu nữ hoảng sợ mở to đôi mắt diễm lệ của mình, mặc cho nước mắt ủy khuất chảy dài xuống hai gò má.
“Tiểu nữ không còn có sự lựa chọn nào khác nữa sao, mọi thứ vậy là đã định rồi sao? Tiểu nữ đã gây ra tội lớn nhường ấy sao?”
Lão thiền sư lặng lẽ trả lời:
“Ta rất lấy làm tiếc, nhưng đúng là như vậy! Với người tu hành, sắc giới là điều nặng nhất. Vạn ác dâm vi thủ. Trong vạn cái ác, tội tà dâm là hàng đầu.”
Thiếu nữ nước mắt lưng tròng, lặng lẽ run rẩy, rút dải lụa quấn quanh eo lưng ra, nói:
“Tôi sẽ ra đi với dải lụa này, mong dùng mạng sống nhỏ nhoi kiếp này để đền bù lại đại tội phạm phải, thà rằng tôi để mạng lại đây, cũng không muốn mang theo nỗi ân hận này trong các kiếp nhân sinh và chịu luân hồi làm thân nữ trong bốn mươi kiếp nữa”.
Nghe thấy những lời của người thiếu nữ, bốn mươi vị thiền sư trong phòng thiền đều ngẩn người ra, nhìn thấy người thiếu nữ mới đây thôi vẫn còn yêu kiều quyến rũ rung động lòng người, mà giờ đây lại thần sắc nặng nề, nhất quyết mang dải lụa từ từ đi đến trước cửa để kết thúc sinh mệnh quý báu, mỹ lệ của mình, không ai không cảm thấy tiếc nuối. Không ai ngăn nổi nàng tìm đến quyên sinh.
Người thiếu nữ đó đã quyên sinh, dùng dải lụa hồng treo trên xà ngang ngay trước cửa thiền phòng.
Đó từng là một sinh mệnh tràn đầy sức sống, mà nay như đống tro tàn nguội lạnh. Đó từng là gương mặt diễm lệ như hoa như ngọc, nay đã nhợt nhạt lạnh lẽo, dù không mất đi vẻ đẹp của mình.
Ba ngày sau đó, thi thể người thiếu nữ bắt đầu thối rữa, dung mạo mĩ lệ cũng đã đổi màu, nhưng lão thiền sư cứ giống như chưa từng xảy ra chuyện gì, mỗi ngày trông coi bốn mươi vị thiền sư bế quan tu luyện trong phòng thiền.
Mỗi ngày trôi qua, thi thể của người thiếu nữ từng ngày cũng đang phát sinh biến hóa. Nguyên là thân thể thướt tha yểu điệu, giờ đây đã sưng vù rữa nát không sao tả được. Gương mặt từng khiến cho bao người động lòng kia, giờ đây đã biến thành màu xanh nhạt. Thi thể không ngừng rỉ nước, bốc ra mùi hôi thối khiến người ta ngửi thấy muốn nôn. Những tăng nhân bế quan không cách nào chịu đựng được nữa, muốn xin lão thiền sư mở cửa sổ ra để thay đổi không khí, và dời cái xác chết này đi. Tuy nhiên, lão thiền sư vẫn coi như không có chuyện gì cả, tiếp tục canh giữ trong thiền phòng mà không nói lời nào.
Ngày thứ bảy, bốn mươi vị tăng nhân bế quan tu luyện, khi đối diện với xác chết hôi thối cực kỳ, hình thù khiến người ta hoảng sợ, thì không tài nào chịu đựng thêm được nữa. Lúc này, một tảng thịt trên xác chết rơi xuống, váy áo cũng rơi xuống theo. Lúc này, mọi người mới nhìn rõ, ngay tại chỗ miếng thịt thối rơi ra để lộ ra phần xương trắng rợn người. Vô số dòi bọ đang lúc nhúc ngọ nguậy bên trong.
Mọi người không còn khống chế bản thân được nữa, gần như nôn ọe cùng lúc. Lão thiền sư đang ngồi trên tấm bồ đoàn từ từ đứng dậy, đối diện với mọi người, lặng lẽ nói :
“Các chư tăng muốn ra khỏi phòng thiền, đúng không?”
Bốn mươi vị đồng thanh trả lời:
“Đúng vậy!”
“Được thôi, ai có thể trả lời câu hỏi của ta, thì có thể ra ngoài. Ai muốn trả lời thì hãy giơ tay lên”.
Bốn mươi vị tăng nhân đều giơ tay cùng lúc, lão thiền sư xoay tay lại chỉ vào xác chết người thiếu nữ bên cạnh, hỏi:
“Người thiếu nữ này là ai?”
Bốn mươi vị tăng nhân bế quan tu luyện đều ngây người ra, không nói được lời nào. Lão thiền sư đứng trước mặt xác chết người thiếu nữ, lớn tiếng hỏi:
“Nói cho ta biết, người thiếu nữ này là ai? Có phải là người thiếu nữ khiến cho các ông thần hồn điên đảo, suy nghĩ lung tung đó phải không?”
Mọi người cùng đáp:
“Không phải!”
“Bây giờ có còn muốn cùng người ta chung sống cả đời nữa không?”
Mọi người trăm lời như một:
“Không!”
“Trên thế gian này còn có người con gái nào xứng đáng để cho các ông động lòng nữa không?”
Mọi người đồng thanh trả lời như đinh đóng cột:
“Không có nữa!”
Lão thiền sư vung tay lên:
“Tốt, ra ngoài đi!”
Thi thể của cô gái được bao phủ lại bằng một tấm vải màu vàng, được bốn mươi vị tăng nhân, khiêng ra ngoài.
Các vị thiền sư không tản đi, vì trong tâm họ vẫn còn một nút thắt: “Người thiếu nữ này là ai?”
Lão thiền sư thần thái trang trọng dẫn theo mọi người đến nơi đặt thi thể của người thiếu nữ ấy, đảnh lễ ba cái xong, bèn nói với mọi người rằng:
“Không phải các ông muốn biết người thiếu nữ này rốt cuộc là ai hay sao? Sau khi tôi đi khỏi đây, các ông hãy tự mình xem đi”.
Nói xong, lão thiền sư xoay người trở về căn phòng nhỏ của mình.
Khi kéo tấm vải màu vàng đang phủ kín trên thi thể người thiếu nữ ra… Chính là bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát trong tự viện, không hề có thây xác người thiếu nữ nào cả. Nguyên vốn tất cả chỉ do Quan Thế Âm Bồ Tát huyễn hóa mà thành để khảo nghiệm các thiền sư bằng một quan ải lớn: quan ải sắc tình.
Khi mọi người vội vàng kéo tấm vải màu vàng đang đậy trên thi thể cô gái ra, tất cả đều sững sờ, đây đâu phải là xác chết đã thối rữa mà họ đã khiêng ra ngoài đâu? Mà đó chính là Thánh tượng của Quan Thế Âm Bồ Tát trong tự viện, mọi người cung kính sắp xếp ổn thỏa Thánh tượng Quan Âm Bồ tát xong, mới nhớ ra rằng nên hỏi thử lão thiền sư xem sao ông lại biết được? Khi mọi người chạy đến gian phòng của lão thiền sư, mới phát hiện rằng ông đã tọa hóa viên tịch rồi.
Đây chính là tu luyện, điều để lại cho chúng ta là lời nhắn nhủ, chứ không phải tiếc nuối.
Hãy phá trừ tất cả giả tướng, huyễn tượng của thế gian, đi hết cuộc đời quý báu của mình, trân quý cuộc đời mình, hiến dâng cuộc đời bằng một trái tim tự tại bình lặng. Khi ấy, dù có khuấy động nước nghìn sông, cũng không thể làm động lòng người tu đạo.
Quả thật là huyền diệu vô cùng!
Hà Phương, biên soạn lại theo bản dịch từ cmoney.tw (Theo tinhhoa.net)
(Lòng dâm không dứt trần gian chẳng thoát)
Kinh Thủ Lăng Nghiêm
Đoạn trích từ kinh thủ lăng nghiêm và các đoạn trích của Ht Tuyên Hóa không có gì mâu thuẫn.
Muốn thoát tam giới: ít nhất là quả a la hán, muốn chứng quả A la hán điều kiện cần phải đoạn tiệt dâm dục.
Kinh lăng nghiêm nói tu thiền,xem phần cuối của quyển 6 kinh thủ lăng nghiêm, tu thiền định theo kinh là tu “Tam ma địa”.Theo quyển 9 của kinh thủ lăng nghiêm: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền , 3 thiền này kinh nói là ” chẳng phải thật đắc chơn Tam Ma Địa”.
Điều này cho biết “tứ thiền” mới có thể được xem là” thật đắc Tam ma địa”.
Túm lại:
Ht Tuyên Hóa nói ở trên không có gì mâu thuẫn, khó hiểu!
Nam mô thường trụ Thập phương Phật. /.
nam mô a di đà phật
1 cho con hỏi đại nguyện thứ 20 ai phát nguyện thì sẽ vãng sinh và nguyện thứ 19 ai hồi hướng chắc chắn cũng vãng sinh nhưng lúc lâm chung bị bệnh nặng không niệm phật có vãng sinh không
khi con ngừơi biết đến đạo pháp. trì kinh trú phát tâm nguyện và trong cuộc sống đời thường luôn hướng đạo thì khi lâm chung sẽ được tiếp dẫn thân hình không bị bệnh trọng hoặc tại nạn nặng.
Chào bạn Thắng,
Trích điều nguyện 19 và 20:
“19.Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương phát tâm Bồ đề tâm, tu các công đức chí tâm phát nguyện muốn sanh về nước tôi. Lúc họ mạng chung, tôi và đại chúng vây quanh hiện ra trước mặt họ. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
20.Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương nghe danh hiệu của tôi, chuyên nhớ nước tôi, trồng những cội công đức, chí tâm hồi hướng muốn sanh về nước tôi mà chẳng được toại nguyện thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác. ”
Trong điều nguyện 19 và 20, có những điều kiện quan trọng cần lưu ý như sau.
Điều nguyện 19: Phát Bồ đề tâm + tu các công đức + chí tâm phát nguyện.
Điều nguyện 20: Chuyên nhớ nước Phật + trồng các cội công đức + chí tâm hồi hướng.
Nếu bạn muốn hành trì theo nguyện 19, bạn cần phải biết phát bồ đề tâm là gì, để có thể chân thật phát bồ đề tâm không dễ chút nào (không phải là phát bồ đề tâm hình thức, như là nói “tôi phát bồ đề tâm” là được). Lại thêm “tu các công đức”, công đức khác với phước đức, bạn cũng cần phân biệt cho rõ ràng. Công đức không dễ tạo được đâu bạn.
Với nguyện thứ 20, bạn cần phải “chuyên nhớ” nước Cực Lạc, thế nào là “chuyên nhớ”, là lúc nào cũng không quên, điều kiện như vậy mình có thực hiện được không? Lại thêm “tu trồng các cội công đức”, ở đây yêu cầu là “cội công đức”, là loại công đức to lớn, sâu chắc.
Nếu người không đọc kỹ, không hiểu rõ, không hành theo đúng, lại chỉ qua loa phát nguyện, hồi hướng, không chịu hành trì, xem như xong việc của mình, đợi đến lúc lâm chung, chẳng được vãng sinh, lại cho là lời nguyện không đúng, không biết chính là do mình làm không đúng, chứ chẳng phải do lời nguyện không đúng.
Nếu bạn thật hành trì được như nguyện 19 hoặc 20 thì bạn sẽ không còn băn khoăn như trên nữa.
Thường người tu Tịnh Độ nương vào nguyện 18 mà tu học, bởi vì so với 19 và 20, điều kiện vãng sanh của nguyện 18 dễ hơn. Tuy nhiên là dễ hơn so với nguyện 19 và 20, chứ thật chẳng phải dễ.
Tu theo Phật, dù theo con đường nào, cũng phải tinh tấn hành trì mới mong được kết quả.
Hy vọng giúp được bạn chút ít.
Chúc bạn tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Chín mươi ba kiếp mới gặp lại con.
Vào khoảng thời gian hai mươi năm sau Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni nhập diệt, Từ thành Tỳ-Xá-Ly hướng về phía Bắc Thành Ca-Tỳ-La-Vệ. Có một đoàn Tăng lữ gồm 17 vị, họ bước những bước chân nhịp nhàng và đều đặn, tuy không phát ra tiếng động của nhiều bàn chân cùng nện xuống mặt đất bột khô dưới sức nóng của mùa hè oi bức, nhưng không sao tránh khỏi lớp bụi bủn tung tỏa dưới sức dẫm của 34 cái bàn chân, tạo nên một đám mây cuồn cuộn; từ xa, tưởng chừng như các tiên nhân vừa từ trên không đằng vân vừa đáp xuống. Mây bụi vẫn cuộn trôi về phía sau lưng của họ, mặt trời càng rực đỏ và nghiêng hẳn về hướng tây, đến ngã rẽ, trước mặt họ là rừng cây khô trụi lá, một con quạ cô đơn ngoác mỏ kêu: Quạ! Quạ! Quạ!
Đoàn Tăng lữ bỗng dừng bước! Vị Tăng uy nghi đi dẫn đầu ngước mặt nhìn đăm đăm vào con quạ! 16 vị đi sau cũng im lặng nhìn theo, họ đều bất động!??..
20 phút! 30 phút! 45 phút! Con quạ cũng yên lặng nhìn vị Tăng! Chốc, chốc lại nghiêng nghiêng cái đầu in tuồng như nó vừa lắng nghe vừa dò xét, vừa hỏi gì gì đó!?
Một giờ trôi qua! Con quạ chớp đôi cánh kêu lên giọng mừng rỡ: Quá! Quá! Quá! Rồi nó bay liệng một vòng sà xuống nhìn vị Tăng uy nghi. Quá! Quá! Có lẽ nó chào!Và nó bay thẳng vào rừng cây khô! Vị Tăng mỉm cười! Nhưng ngược lại, đôi mắt Ngài đượm nét u buồn??.
Họ là ai? Thì ra, Vị Tăng uy nghi nầy chính là Xà-Dạ-Đa Tôn Giả.
Tôn-Giả là người đã chứng đắc quả vị A-La-Hớn, Tôn-Giả Xà-Dạ-Đa Ngài thường đem theo 16 vị đồ đệ, hành hóa khắp nơi để thuyết pháp và cứu độ chúng sanh, ai có duyên gặp được Tôn-Giả đều thọ nhận được những pháp lạc nhiệm mầu giải thoát các khổ nạn.
Tôn Giả không nói suông, mà Ngài đích thân săn sóc, chỉ dạy thuần thục các phương pháp phải tu như thế nào để công đức kết quả tối thắng và nhờ đó tiêu trừ các ác báo ác quả của nhiều tiền kiếp và sớm đoạn mối dây nhân quả luân hồi, thoát ly sanh tử.
Sau khi con quạ đã bay mất hút qua khỏi rừng cây khô, thì một trong trong các vị đệ-tử đã kính lễ bạch rằng:
Kính bạch Sư Phụ: Do nhân duyên gì, mà Sư Phụ đã đứng khá lâu và mãi im lặng nhìn con Quạ như vậy? Tại sao con Quạ ấy nó không bay đi mà nó cũng nhìn mãi vào Sư Phụ, chúng con vô cùng ngỡ ngàng và nghi hoặc! Chúng con thấy như là Sư Phụ và con Chim Quạ trao đổi, tỏ bày gì gì đó với nhau vậy!
Câu chuyện trước mắt chúng con hôm nay, không biết Sư Phụ có thể giải bày chỉ dạy cho chúng con hay không? Chúng con kính lễ sám hối những lời hỏi và lòng nghi hỏi, mong Sư Phụ từ bi cho chúng con sáng tỏ.
Tôn Giả Xà-Dạ-Đa hiền hòa nói:
– Chúng ta phải đi nhanh và làm một việc, khi đến thạch thành nghỉ ngơi Sư Phụ sẽ giải bày cho các con hiểu.
Thế là thầy trò 17 vị, Họ bước nhanh theo hướng bay của con chim Quạ khi đã rời khỏi họ, qua khỏi bên kia rừng cây khô. Ở ven rừng bên đó cây lá đã có màu sắc của rừng cây. Tôn-Giả hướng dẫn các đệ tử đến một cây có nhiều màu lá vàng, trên một chạc cây nhiều nhánh trông thấy có một ổ chim…
Tất cả các đệ tử đều cùng gợi lên một cảm giác “rúng động” len nhẹ vào lưng của họ! Họ như có một động thức tiên tri về cái ổ chim ấy (?).
Tôn-giả lặng lẽ vươn dài cánh tay thần biến hơn một trượng, bưng cả ổ chim từ trên chạc cây cao xuống đặt xuống đất? Một xác chết con chim Quạ! Tất cả đệ tử như biết phải làm gì! Yên lặng! Nhất tâm! và cầu nguyện!.
Tôn Giả nói nhỏ: Các con đi hốt lá khô và ít củi để hỏa thiêu nó! Hoàn tất! Thầy trò Tôn giả quay về hướng Bắc lẳng lặng bước đều, trên lộ trình xuôi ngược 10 dặm đó, chẳng gặp một bóng bộ hành. Một đệ tử reo lên: Thạch Thành đã thấy phía trước rồi đó sư phụ! Tất cả như cảm thấy khỏe ra.
Thạch Thành, chỉ là một bờ đá sắp chồng gắn dính lên nhau; chỗ thấp cao quá khỏi đầu, chỗ cao vươn cao trông như trái núi, chiều dài hơn trăm bộ, khoản giữa xếp đá vòng cung như một cái động, có thể che nắng mưa cho vài trăm người tạm trú ngụ trong đó. Bên trong còn có những phiến đá có thể nằm tựa lưng hay ngồi nghỉ ngơi.
Sau khi dùng lương khô và uống nước, các đệ tử cùng ngồi chung quanh nhìn sư phụ họ cảm thấy lòng rộn rã, nôn nao và một cảm giác thổn thức về điều mà họ cho là thật đủ nhân duyên để nghe, để biết và nhất định là một đạo lý… chứ không thể câu chuyện tầm thường được.
Tôn Giả Xà-Dạ-Đa, bấy giờ tôn dung của Ngài thật nghiêm trang còn pha một tí đăm chiêu về cái câu chuyện mà Ngài đã hứa giải bày cho đệ-tử. Câu chuyện có giúp gì cho đệ tử thêm phần kiến văn và từ đó nhận thức rộng sâu về diệu lý nhân quả hay chỉ là một hý luận (?)!.
Tôn Giả nhìn qua các đệ-tử: Các con có biết không? Ngài hỏi, nhưng thật ra chỉ là một cách để mở đầu câu chuyện “Cách đây 93 kiếp, hồi đó đã gần kiếp cuối của Trang-Nghiêm-kiếp, Đức Tỳ Xá Phù Phật, bậc Chí Tôn Giáo Chủ thuyết pháp suốt thời gian 20 tiểu kiếp, ta có duyên được nghe pháp nên muốn quyết tâm xuất gia cầu giải thoát và giác ngộ. Chẳng may cho ta vì, gia đình của ta rất giàu có, cha mẹ quyết ý ngăn trở vì ta là con một. Ta thưa trình với cha mẹ thật nhiều lý lẽ luân hồi trong sáu nẻo khổ đau…Cuối cùng cha mẹ ta chấp nhận với một điều kiện! Cái điều kiện mà muôn ngàn người trên thế gian có cùng hoàn cảnh như ta, không ai tránh khỏi được; đó là phải lập chánh thê, có con trai nối giỏi rồi sau đó mới có thể xuất gia.
Giáo pháp của Phật, Lễ hiếu làm đầu ta không dám xóa bỏ, chỉ trừ trượng hợp vì hiếu mà gây ra đớn đau và tàn sát sanh linh! Diệt vong vô số nhân mạng và của cải thì phải đành bất hiếu. Các con phải thấm sâu đạo lý ấy.
Bảy năm sau, ta đã có một con trai vừa đúng sáu tuổi. Đứa con nầy, thật thông minh đĩnh ngộ, ta rất yêu nó! Nhưng ta không thể tiếp tục sự vướng mắc mãi trong mối giây oan nghiệt của luân hồi. Ta thưa với cha mẹ, với bổn phận và vâng lời con đã làm xong, và qua phân trần nhắc lại lời hứa mà vợ ta đã chấp nhận để ta xuất-gia vào bảy năm về trước. Chia ly trong lúc mà những thân ái vây quanh ràng buộc quả là không dễ, những lòng ta tự thề quyết phải độ cho cha mẹ, thân bằng, chúng sanh, nàng và con thoát ly sanh tử khi ta đắc đạo.
Đêm hôm ấy, gió mùa trở lạnh canh năm là canh mà mọi người đang mê ngủ, ta lạy cha mẹ rồi ngang qua phòng ngủ của hai mẹ con nàng, ta định ngỏ vài lời từ biệt, nhưng ta thôi, chỉ tạo thêm vướng bận; ta lặng lẽ khép cửa ra đi.
Vì nhà cửa đồ sộ, nên từ mái hiên ra đến cổng ít lắm cũng xa 50 bộ. Ta vô cùng kinh ngạc cửa cổng đã mở trống một bên! Thằng bé con ta, Nó đã ngồi đó án ngữ nghạch cửa để bước ra tự bao giờ!?
Ta vừa xúc động! Vừa bàng hoàng! Ta ngồi xuống ôm con, nhìn vào mặt nó. Trong ánh sáng lờ mờ mặt nó như se tím, đôi mắt căm căm. Ta cảm thấy run sợ trước cái nhìn cương quyết và trừng trừng của nó! Ta lạnh buồn hỏi:
-Con, giờ nầy sao con không ngủ? Sao con có thể ra ngồi được ở đây? Mẹ đâu?
Nó chắc nịch:
-Con đợi cha đã lâu! Để tiễn biệt cha và cũng để tiễn con! Ta bỗng dưng rúng động và tê điếng cõi lòng!
-Cha đi xuất gia, chứ nào có bỏ con hay xa lánh con đâu!
Nó nhìn thẳng vào ta:
-Con biết! Cha đi xuất gia, nhưng con thì từ nay con đã mất cha! Một thằng bé con nít sáu tuổi đầu, còn bú sữa mẹ, sống không cha! Sống để mà chi! Tiễn cha đi rồi, con cũng sẽ tự con tiễn lấy con!
Nói xong, nó đưa tay lên chớp theo một tia ánh sáng, trong tay thằng bé đã có sẵn một con dao! Ta khiếp quá. Ôm chặt nó và giữ cứng con dao.
Nó cười nghe như tiếng thép và nói:
– Cha đi đi, cho trọn nguyện ước. Cha đi rồi con cũng đi, con quyết không sống với cuộc đời không cha!
Ta bấn loạn, nước mắt ràn rụa! Ta nói như điên: Không không, cha không đi, không đi đâu cả! Cha thương con! Cha sống bên con! Cha ở với con mà!.
Thằng bé vất đao xuống, nó nhảy bổ lên ôm chặt vào cổ ta, nó cắn vào cổ ta mà lệ tràn xuống đôi má nó! Ta ôm con vào nhà, bình minh đã sáng từ lúc nào.
Ngày nay, ta là đệ tử của Từ phụ Thích Ca, sau khi chứng quả A-La-Hớn rồi, Ta dùng Túc-mạng và Thiên-nhãn tìm kiếm đứa con 93 kiếp về trước, đứa con đã ngăn trở bao kiếp tu hành chứng quả của ta, không biết nó đọa ngã nào trong 6 nẻo luân hồi! Ta đã tìm hết trong cõi người, không thấy nó! Trong loài cá biển! Cá đồng và hồ ao cũng không! Trong các cầm thú cọp beo, rắn rết, gà vịt cũng không gặp nó! Không ngờ ngày nay gặp nó ở trong loài chim, lại đang thọ thân con chim quạ! Ôi! 93 kiếp qua rồi! Trong suốt giờ, nó nghe pháp và sám hối! Con ta giờ đây đã thoát kiếp bàng sanh. Căn lành đầy đủ, đến ngày Phật Di-Lặc ra đời nó sẽ giác ngộ trong hội đầu Long-Hoa. Cầu nguyện tất cả chúng sanh đồng thành Phật Đạo.
Ôi, chín mươi ba kiếp rồi mới gặp được con.
Đệ Tử kính lễ Thương kính Đức Tôn Giả Xà Dạ Đa.
Nam Mô Xà Dạ Đa Tôn Giả!
(Sưu tầm)
– Ôi sanh tử thật lớn lao, luân hồi thật đáng sợ! Ngày nay chúng ta đã được thân người này, đã có nhân duyên với Tịnh Độ thù thắng, Pháp môn chỉ một đời này đã có thể thành tựu được đại sự liễu thoát sinh tử luân hồi, vãng sanh Tây Phương Cực Lạc. Thật là thù thắng! Vậy chúng ta còn chần chờ gì nữa, hãy gấp gấp tu học cho thật chăm chỉ, chớ để lãng phí đời này!
Nam Mô A Di Đà Phật