Sư Thích Ngộ Ân tự là Tu Kỉ, người Thường Thục, Cô Tô, mẹ họ Trương. Một hôm, bà nằm mộng thấy có vị Phạm tăng bảo:
– Tôi muốn nhờ bà làm mẹ!
Sau đó, bà mang thai. Thuở bé, Sư không thích vui chơi đùa giỡn. Năm mười ba tuổi, Sư nghe chư tăng tụng kinh A-di-đà, liền phát tâm xuất gia.
Khoảng niên hiệu Trường Hưng (930-933) đời Hậu Đường, Sư được xuống tóc. Sau, đến trụ tại chùa Tuệ Tụ ở Côn Sơn nghiên cứu sâu rộng năm bộ luật[1].
Khoảng niên hiệu Thiên Phúc (936-943) đời Hậu Tấn, Sư theo ngài Hạo Đoan ở chùa Linh Quang học tập các kinh và hiểu được sâu xa yếu nghĩa, có tài hùng biện không ai sánh kịp. Tuy giáo nghĩa lục tức[2], tam quán của tông Thiên Thai mọi người chưa lĩnh hội được mà Sư đã âm thầm thấu hiểu.
Về già, Sư nương nơi ngài Chí Nhân ở Tiền Đường, thông suốt yếu nghĩa huyền diệu của các bộ kinh lớn như kinh Pháp hoa, kinh Kim quang minh… Học giả thời bấy giờ đều kính phục, gọi Sư là “Nghĩa Hổ”. Sư cả đời sống thanh bần, ngày ăn một bữa, chẳng giữ tiền bạc, không chứa y dư. Mỗi lần chùa bố-tát[3], tăng chúng vân tập rất đông. Lúc sắp bố-tát, Sư thường dạy “Tịnh độ chính là hành nghiệp thù thắng”.
Đêm mùng một tháng tám niên hiệu Ung Hi thứ ba (986) đời Tống, Sư thấy có vài luồng ánh sáng trắng từ dưới giếng phóng lên, chớp tắt bất thường. Nhân đó, Sư bảo các đệ tử:
– Chớp tắt bất thường, sinh tử cũng như vậy.
Sau đó, Sư nhịn ăn, không nói, chuyên tâm niệm Phật. Ba ngày sau, Sư chợt thấy một vị Phạm tăng thân hình to lớn, cầm lư đi quanh ngôi thất của Sư ba vòng. Sư hỏi, vị tăng đáp:
– Tôi là Quán Đỉnh[4] đã lên cõi Tịnh độ lâu rồi, vì pháp môn ngài tu tập đồng với chí hướng của tôi nên tôi đến viếng thăm.
Lát sau, đệ tử Sư đến, vị tăng liền biến mất. Ngày hôm sau, Sư thăng tòa kể lại những điều mình đã thấy, rồi giảng giải Chỉ quán và ý nghĩa chính yếu của các kinh cho các đệ tử, văn từ nghĩa lí thông suốt.
Sư nói:
– Xưa nay người ta thường nói, hơi thở ngắn ngủi như chớp mắt khó giữ. Thế mà ta đã duy trì được thân mạng đến ngày hôm nay đấy!
Vào ngày ấy, Sư ngồi viên tịch nơi giảng đường Chỉ Quán. Đến nửa đêm, các vị tăng trong chùa như Văn Uyển, Hữu Hưng… nghe trên bầu trời có tiếng ca ngâm kinh kệ, dường như văng vẳng về hướng tây.
Ghi chú:
Không tham tiền tài, ăn uống là tâm ý trong sạch ngay thẳng; nằm ngồi không cẩu thả là tâm luôn cung kính, cẩn thận; không lìa y bát là giữ tâm trân trọng; bố-tát rơi lệ, là lòng tin khẩn thiết. Bốn tâm này đều là nhân Tịnh độ, nhờ đó nên Sư được vãng sinh. Cho đến lúc khuyên bảo mọi người, Sư cũng nói về Tây phương Tịnh độ và Nhất thừa viên giáo, đồng thời Sư cũng thực hành pháp ấy. Sư Ngộ Ân quả là người thâm nhập pháp môn Niệm Phật!
Trích: Bốn Chúng Vãng Sanh
Biên dịch: Chúc Đức và các thành viên
[1] Năm bộ luật (Ngũ bộ luật: 五部律): Năm bộ luật thuộc 5 bộ phái khác nhau do 5 vị đệ tử của ngài Ưu-bacúc-đa (Tổ phó pháp thứ 5 của Thiền tông Ấn Độ) truyền bá vào khoảng 100 năm sau khi đức Phật nhập diệt. Gồm Đàm vô đức bộ, Tát-bà-đa bộ ngũ, Di-sa-tắc bộ, Ca-diếp-di bộ, Ma-ha tăng-kì bộ.
[2] Lục tức 六即: Sáu hành vị của bồ-tát Viên giáo do tông Thiên Thai thiết lập, tức là sáu giai đoạn hợp thành một thể với chân lí. Gồm: 1. Lí tức: hết thảy chúng sinh đều trụ trong Phật tính Như lai tạng; 2. Danh tự tức: chỉ cho giai vị bồ-tát nghe đạo Bồ-đề rồi từ trong danh ngôn khái niệm mà được thông suốt rõ ràng; 3. Quán hạnh tức: giai vị bồ-tát đã hiểu rõ danh tự rồi khởi tu quán hạnh, tâm quán sáng tỏ, lí và tuệ tương ứng; 4. Tương tự tức: chỉ cho giai vị bồ-tát đã được lục căn thanh tịnh, đoạn trừ kiến hoặc và tư hoặc, chế phục được vô minh, chỉ và quán trong sáng tĩnh lặng giống như thực chứng; 5. Phần chứng tức: giai vị bồ-tát đã đoạn một phần vô minh mà chứng Trung đạo; 6. Cứu cánh tức: giai vị bồ-tát đoạn trừ được phẩm vô minh cuối cùng, chứng được thực tướng của các pháp, tức là Diệu giác, quả vị rốt ráo cao nhất của Viên giáo.
[3] Bố-tát 布薩(S: poṣadha, upavasatha, upoṣadha, upavāsa): Nghĩa là các vị tì-kheo cứ mỗi nửa tháng tập họp đông đủ ở một chỗ, thỉnh vị tì-kheo thông thạo giới luật nói giới bản Ba-la-đề-mộc-xoa để xét lại những hành vi trong nửa tháng vừa qua xem có phù hợp với giới bản không, nếu có ai phạm giới thì ra trước chúng tăng xin sám hối, để các tì-kheo đều được ở yên lâu dài trong giới thanh tịnh, nuôi lớn pháp lành, thêm nhiều công đức.
[4] Quán Đỉnh 灌頂(561-632): Cao tăng Trung Quốc sống vào đời Tùy, người Chương An, Lâm Hải, họ Ngô, người đời gọi ngài là đại sư Chương An.
Con xin các cô chú chỉ dạy cho con công phu sáng tối trong 1 ngày.
Con xin cảm ơn ạ.
Sáng sau khi thức dậy và tối lúc sắp đi ngủ . CÒn bình thuờng thì cứ chấp trì danh hiệu “Nam Mô A DI ĐÀ PHẬT” TRONG TÂM LÀ ĐUỢC .
Hàng ngày minh đi làm nên khóa buổi sáng 5g – 6g30; tối 10g – 11g30. Những lúc đi đường hoặc làm việc tay chân cũng niệm. Bạn hãy tùy thuộc vào điều kiện thời gian của mình mà hành trì nhé. Xin thường niệm Nam Mô A Di Đà Phật.
Công phu của bạn HNADDP chắcl là tốt lắm, bạn có thể hoan hỷ chia sẻ giờ giấc thời khoá hằng ngày dc ko
A di đà phật
Công phu của Thảo Nguyên Xanh đáng ngưỡng mộ quá.
Thật hoan hỉ. Mình cũng đang lên lịch cho mình tự tu tập, nhưng vẫn chưa thật sự được nhất tâm, A di đà phật. Sẽ cố gắng.