Đây là một câu chuyện có thật xảy ra vào triều Nguyên, bởi ảnh hưởng chấn động vào thời bấy giờ, vậy nên đã được ghi vào trong “Liệt Nữ truyện” giống như sử ký vậy.
Nhân vật chính là một người con gái nhà nghèo vùng Sở Châu, tên là Đậu Nga. Mẹ nàng mất khi nàng còn nhỏ, cha nàng là Đậu Thiên Chương không có tiền trả nợ, lại vội lên kinh dự thi, không có tiền lộ phí, liền bán nàng cho 1 bà góa là Thái Bà làm con dâu nhỏ (tức là con dâu mua từ lúc nhỏ, khi lớn lên phải làm vợ con trai người mua).
Đậu Nga tới nhà họ Thái chưa được 2 năm, thì cậu con trai họ Thái bị bệnh mất, chỉ còn nàng và bà góa họ Thái sống nương tựa vào nhau. Trương Lư Nhi là 1 tên lưu manh ở Sở Châu, cùng với bố là Trương Lão Nhi thấy nhà họ Thái chỉ có 2 người phụ nữ, liền đến ở lỳ đó, rồi ép lão bà lấy Trương Lão Nhi. Thái Bà thế cô, đành ưng chịu. Trương Lư Nhi lại ép Đậu Nga thành thân với hắn. Đậu Nga cương quyết cự tuyệt và chửi rủa hắn thậm tệ. Trương Lư Nhi căm tức, liền nghĩ kế trả thù.
Mấy hôm sau, Thái Bà bị ốm, sai Đậu Nga nấu cháo. Trương Lưu Nhi lén bỏ thuốc độc vào trong bát cháo, rắp tâm giết chết Thái Bà rồi sẽ ép buộc Đậu Nga. Đậu Nga bưng cháo cho Thái Bà, bỗng Thái Bà thấy buồn nôn, không muốn ăn nữa và chuyển bát cháo cho Trương Lão Nhi ăn. Trương Lão Nhi trúng độc, lăn lộn dưới đất rồi tắt thở.
Trương Lư Nhi đã đổ tội đầu độc cho Đậu Nga, bắt nàng giải lên quan cai trị Sở Châu. Tri phủ Sở Châu là Đào Ngột, một viên quan nổi tiếng tham nhũng, nhận tiền đút lót của Trương Lư Nhi, bắt Đậu Nga ra thẩm vấn, ép nàng nhận tội đầu độc. Đậu Nga bị đánh đập chết đi sống lại, nhất định không chịu nhận tội. Đào Ngột biết Đậu Nga rất hiếu thuận với Thái Bà, liền đem Thái Bà ra đánh đập trước mắt Đậu Nga. Đậu Nga thương Thái Bà tuổi già, không chịu nổi cực hình, đành chịu nỗi oan mà nhận tội. Tên tham quan Đào Ngột đã đã dùng mọi thủ đoạn ép được cung, liền khép nàng vào tội chết, giải nàng ra pháp trường xử tử.
Trong chuyện có một màn cảm động lòng người sâu sắc, Đậu Nga trước khi bị hành hình đã phát ra ba lời thề như đinh đóng cột với quan giám trảm: 1. Nếu tôi bị oan, thì “đao chém qua đầu một giọt máu nóng cũng sẽ không rơi xuống đất mà sẽ bắn lên trên dải lụa trắng kia”; 2. Nếu tôi bị oan, thì “sau khi thân chết, trời sẽ giáng tuyết dày ba thước, đắp lên thi thể tôi”; 3. Nếu như tôi bị oan, sau khi tôi chết thì “từ giờ trở đi, Sở Châu này sẽ hạn hán trong suốt 3 năm liền”.
Lời thề của Đậu Nga ngay sau đó đều đã ứng nghiệm: Máu bắn lên dải lụa trắng, tuyết rơi tháng 6, vùng Sở Châu đại hạn 3 năm.
Nhưng chuyện còn chưa kết thúc, chính là đã ứng với “oan có đầu nợ có chủ”. Thái thú Đào Ngột khi đó là vì đã nhận hối lộ rất lớn mới xét xử sai vụ án oan này, vậy nên Đậu Nga đời đời kiếp kiếp đều không buông tha ông ta.
Trước hết là sau khi thái thú Đào Ngột triều Nguyên chết đã phải vào địa ngục chịu cực hình bào cách (dùng sắt nung đỏ đốt da người) vô số lần; vào đời nhà Minh, nhà Thanh lại chuyển sinh thành súc sinh bị giết mấy trăm lần. Những điều này đều quá xa xôi và mơ hồ đối với chúng ta, điều thú vị và cảnh tỉnh người đời nhất chính là, vụ án oan này vẫn kéo dài mãi tận đến ngày hôm nay, Đậu Nga đòi món nợ với ông ta cũng kéo dài mãi đến tận ngày hôm nay. Đào Ngột cuối cùng cũng phải nhận lấy báo ứng đáng có trong dòng chảy luân hồi này.
CÒN PHÍA DƯỚI ĐÂY CHÍNH LÀ CÂU CHUYỆN LUÂN HỒI BÁO OÁN CỦA ĐẬU NGA ĐỐI VỚI THÁI THÚ ĐÀO NGỘT NGAY TRONG ĐỜI NÀY:
Cô Trương hiện nay cư ngụ ở Los Angeles, nguyên quán là người thành phố Đài Bắc, Đài Loan, trong gia tộc của cô đã xảy ra một chuyện vô cùng quái dị. Ông cố, ông nội và người bố của cô Trương đều mất đúng vào ngày sinh nhật 36 tuổi. Mãi cho đến đời thứ 5 này, tất cả người con trai cả trong nhà cô đều không có cách nào tránh khỏi vận mệnh bi thảm phải rời bỏ thế gian ngay khi vừa mới bước sang tuổi 36 như vậy.
Còn những người con gái cả trong nhà cô, bà cô của cô lại mất đúng vào ngày sinh nhật 34 tuổi. Sự việc quái gở này, mẹ của cô Trương tuy biết được, nhưng cứ mãi không có dám nói với cô, sợ rằng cô biết được rồi sẽ không chịu, bởi vì cô Trương cũng là con gái lớn. Vào năm khi cô Trương được 33 tuổi, cô đã có ba người con trai. Đến tháng 5 năm đó, cô phát hiện mình lại mang thai, thời gian sinh dự tính sẽ là vào ngày sinh nhật 34 tuổi của cô.
Khi cô Trương mang thai đứa trẻ này có một số hiện tượng rất kỳ quái. Thứ nhất, khó chịu đến nỗi cứ phải đập người vào tường. Thứ hai, những lúc ốm nghén, cần phải bảo chồng và ba đứa con trai đánh vào người cô thì cô mới cảm thấy dễ chịu hơn; hơn nữa vào ban đêm cần phải ra sức mà đánh, thì mới có thể vượt qua được.
Nếu như chồng cô và con trai cô không muốn đánh cô, cô liền sẽ tức giận họ. Đây là hiện tượng mà những lần mang thai trước đó đều chưa từng có. Thật ra cô nào biết được, đứa con thứ tư mà cô mang này, chính là chủ nợ oan nghiệt từ đời trước: Đậu Nga.
Mẹ của cô Trương có một người bạn là một vị cao tăng. Một lần vị cao tăng này đi đến nhà nhìn thấy cô Trương, ông sửng sốt rồi thở dài, nhưng cũng không dám nói rõ sự thật với cô.
Khi cô Trương mang thai được 6 tháng, có một hôm mẹ của cô muốn ăn bánh cuộn và muốn cô đi mua. Thế là cô Trương liền đi đến một nhà hàng ở thành phố Đài Bắc để mua, khi về cô đã đi lên một chiếc xe bus. Sau khi lên xe, mọi người trên xe tuy đều nhìn thấy cô là một thai phụ đang mang một cái bụng bầu to tướng, những lại không có một ai nguyện ý nhường chỗ cho cô; thậm chí có người còn nhắm mắt lại, như thể không nhìn thấy.
Cô Trương cứ đứng mãi như vậy trong suốt cả chặng đường. Bỗng nhiên, chiếc xe đụng phải một vật nặng, xe thắng gấp khiến cô bị ngã, và sau đó được đưa đến bệnh viện. Buổi tối hôm đó, cô cảm thấy bụng rất đau, và cuối cùng phải sinh non đứa con này. Đứa trẻ tuy là sinh non, rất nhỏ bé nhưng có thể thấy là một bé trai vô cùng dễ thương. Bác sĩ nói, đứa bé này sinh non, chỉ có thể cố gắng hết sức, không biết có sống được không, mong cô đừng hy vọng quá lớn.
Mấy ngày sau, bác sĩ nói với cô Trương rằng cô có thể về nhà trước, đứa trẻ cần phải ở lại bệnh viện để tiếp tục chăm sóc theo dõi. Vào đêm đúng ngày đầy tháng của đứa trẻ, cô đã gặp một cơn ác mộng. Cô mơ thấy đứa bé kéo lấy người cô, cô cũng kéo lấy nó, bỗng nhiên tay của cô buông ra, mặt của đứa bé liền trở nên đen thui. Mơ đến đây cô giật mình tỉnh dậy, thấy rằng giấc mơ này là một điềm gở, liền bảo chồng gọi điện thoại cho bệnh viện, hỏi thăm xem đứa trẻ thế nào rồi. Lúc đó là 3h sáng, chồng cô vốn dĩ không muốn gọi, nhưng cô cứ năn nỉ nên đành phải gọi cho bệnh viện.
Lúc này vừa khéo bệnh viện lại gọi điện đến, nói đứa bé đã mất lúc 3h sáng. Cô Trương hay tin, bắt đầu òa khóc. Khoảng hơn 6h sáng hôm đó, vị cao tăng kia ở Đài Trung đã bắt xe đến nhà họ. Vừa bước vào nhà, cao tăng đã nói với mẹ của cô Trương rằng: “Xin được chúc mừng bà”. Người mẹ không nén được tức giận, lòng nghĩ, đứa cháu vừa mới mất, làm sao có thể nói chúc mừng tôi đây? Vị cao tăng nói: “Đứa bé có phải là mất vào lúc 3h sáng hay không?” Chồng cô Trương kinh ngạc hỏi: “Sao ông lại biết được vậy?” Người xuất gia lúc này mới nói rõ ra ngọn nguồn.
Thì ra, khoảng 12h tối hôm qua, đứa trẻ đã đến chào tạm biệt vị cao tăng. Đứa trẻ nói: “Tôi vốn dĩ muốn mang cô ta (chỉ cô Trương) đi theo, nhưng bây giờ không cách nào mang cô ta đi được nữa. Bởi vì, thứ nhất, cô ta rất hiếu thuận đối với mẹ. Mẹ cô ấy muốn ăn bánh, cô ta đã không ngại vất vả mà vác theo cái bụng bầu to tướng đi mua giúp mẹ . Hơn nữa lại gặp phải vụ tai nạn xe cộ như vậy, khiến tôi không có hơi sức ở lại trong bụng của cô ta nữa. Tôi vốn dĩ là dự tính vào ngày sinh nhật 34 tuổi của cô ta sẽ mang cô ta đi theo”.
Vị cao tăng hỏi: “Rốt cuộc nhà ngươi có thâm thù đại hận gì với cô Trương chứ?”
Đứa trẻ nói: “Vào một kiếp trước, cô ta là một tên tham quan, xử sai vụ án, khiến tôi phải chết oan. Tôi khiến cho cô ta từ khi bắt đầu mang thai phải chịu dày vò, chính là những dày vò mà tôi đã phải chịu đựng trong ngục. Khiến cô ta đập người vào tường, bảo con cái đánh đập cô ta, chính là giống như cực hình mà tôi phải chịu trong ngục tù. Nhưng giờ đây, sau khi cô ta sinh tôi ra, bởi nhà cô ta có một Phật đường, nên tôi không có cách nào đi vào trong nhà cô ta được, cũng muốn lôi cô ta đi, nhưng không lôi được; coi như thôi vậy. Tôi phải đến một nơi ở Chương Hóa để đầu thai rồi”.
Cuối cùng vị cao tăng nói, những người mất sớm trong gia tộc cô, đời trước cũng đều là người đương sự đã tham gia hoặc là người nhận hối lộ trong vụ án oan năm xưa.
Đây chính là một câu chuyện chân thật về luân hồi báo oán của Đậu Nga xảy ra ngay trong kiếp sống này.
Con người ta sống ở đời thật ra vốn không phải là “con người chết rồi như ngọn đèn tắt” mà thuyết vô thần tuyên truyền. Thiện và ác đều được lưu ghi lại trong nhân quả báo ứng. Vậy nên việc ác chớ làm, chỉ làm điều thiện, đều nên là đạo lý mà mỗi một người cần phải tuân theo.
Trích Báo ứng hiện đời
Dịch giả: Hạnh Đoan
Xin chia sẻ với quý Đạo hữu một câu chuyện nhân quả khác _TIỂU THƯ KHỈ_
Tại một thôn làng thuộc miền nam Thái Lan, có một chàng thanh niên họ Lưu cử hành hôn lễ, tân nương là một cô gái cô biệt danh là “Tiểu thư Khỉ”.
Nguyên lai, mọi người đều cho rằng “Tiểu thư Khỉ” là một cô gái cực kỳ xấu xí, hay một cô nàng thân thể đầy lông lá, hay hình dạng giống y như khỉ nên mới có biệt danh này.
Nhưng lúc đôi tân lang tân nương bái đường xong, cùng sánh vai nhau ra ngoài tiếp khách thì mọi người đều sáng mắt lên, không hẹn mà đồng thốt ra một câu tận đáy lòng:
– Tân nương đẹp như tiên nữ!
Thế nhưng mọi người đối với danh hiệu “Tiểu thư Khỉ” này lòng đầy hiếu kỳ, rất muốn tìm hiểu, tra vấn thân thế của “Tiểu thư Khỉ” ra sao.
Té ra mẫu thân của “Tiểu thư Khỉ” thời thiếu nữ từng là một hoa khôi nổi danh. Số thanh niên phủ phục dưới chân cô nhiều vô kể. Các nhân sĩ gần đó nghe danh mến mộ, đều tìm đến mong được một lần chiêm ngưỡng dung nhan. Nhiều người tha thiết xin kết hôn, thậm chí một thanh niên phú gia ở nước Malaysia gần bên cũng vượt biên giới tìm đến cầu thân. Nhưng giai nhân viện cớ không muốn lấy chồng ngoại quốc lìa xa cha mẹ để khéo léo từ chối.
Không bao lâu, giai nhân kết hôn với người bạn trai vốn là thanh mai trúc mã ở cũng làng. Chàng thì tuấn tú đa tài, nàng thì kiều kiễm mỹ lệ, thật là trời khéo tác hợp cho họ thành đôi. Nam nữ xung quanh ai cũng hâm mộ.
Chẳng mấy chốc tân nương mang thai, chồng cô càng quan tâm yêu thương gấp bội, chăm sóc lo lắng đủ điều. Ba mẹ chồng thảy đều vui mừng, ai cũng ưu ái lo cho cô.
Bình thường cô rất dễ ăn, nhưng khi mang thai thì ngược lại, thức ăn ngon mấy cũng không muốn nuốt. Chồng cô phải nghĩ trăm phương ngàn kế để vợ thèm ăn.
Hôm nọ, chồng cô vào chợ mua được một cái chân khỉ, phối hợp với các vị thuốc bắc như hoài sơn, sâm, đương quy…v.v…nấu lửa riu riu, rồi bất ngờ dọn lên và đã khơi gợi được ý muốn thèm ăn trong lòng cô. Thấy vợ dùng được rất nhiều, chồng cô vô cùng mừng rỡ. Từ đó hễ khi gặp chợ phiên nhóm, anh đều mua về một cái chân khỉ, hay miếng thịt khỉ để cho vợ dùng.
Có một bữa, chồng cô ra chợ, gặp thợ săn trói một con khỉ rao bán. Người chồng mừng quá, mua nó đem về nhà, nghĩ rằng nuôi tạm vài ngày rồi sẽ giết nó cho cô ăn.
Hôm giết con khỉ, cô mang thai đã được 7 tháng, ngồi trên ghế dựa xem chồng giết khỉ. Con khỉ đáng thương mấy ngày ròng rã chỉ ăn toàn chuối và hoa quả, tính ra thịt mỡ trên thân nó chưa được nửa cân, phần còn lại thì làm thuốc bổ cho thai phụ.
Khỉ nhìn thấy người chồng cầm dao muốn giết mình, mắt nó tuôn lệ, chân nó quỳ xuống giống như người, hướng về phía chủ nhà cầu xin tha mạng.
Nhưng người chồng này vì quá yêu vợ nên chẳng chút động lòng, không khởi chút từ tâm, giương dao vung lên toan mổ tim nó. Trong giây phút bên bờ sanh tử, con khỉ nhanh nhẹn hơn đưa tay phải chụp cán dao, tay trái nắm chặt lưỡi dao, dùng toàn lực chống đỡ cái chết, nhất quyết không buông tay. Người chồng cố gắng hết sức nhưng đâm không được, anh nghĩ nên thu dao về rồi đâm tiếp. Chính trrong khoảnh khắc rút dao về, do bốn ngón tay con khỉ nắm quá chặt nên đã đứt lìa hai phần ngón, bốn ngón chỉ còn lại bốn lóng cuối (tính từ khớp xương trở vào). Thai phụ thấy máu tuôn như suối, ác tâm tiêu tan, không ngừng kêu chồng ngừng tay: – Đừng giết nó! Đừng giết nữa! Mau đem con khỉ thả đi!
Con khỉ nhờ không ngừng tranh đấu, từ quỷ môn quan giành lại mạng sống trở về. Nó ráng chịu đau đớn, đoạt cửa mà chạy. Trước khi ra khỏi cổng, nó còn quay đầu nhìn về hai vợ chồng, ánh mắt đầy oán hận rồi biến đi biệt tăm biệt tích.
Từ đó trở đi, cô vợ mỗi khi nghe mùi thịt thì buồn nôn, chỉ ăn toàn rau và đậu hủ. Người nhà lo cô không đủ chất bổ, lén bỏ nước thịt vào thì cô vừa nếm thôi là đã nôn thốc nôn tháo.
Đến lúc lâm bồn, cô hạ sinh một bé gái, ngũ quan trông rất đoan chánh, chỉ là phát hiện bàn tay trái của em bé chỉ có một ngón cái và bốn đốt cuối của bốn ngón tay, hình dạng giống như bị dao bén chặt đứt vậy. Cha mẹ và người thân nhìn thấy đều thở dài, luôn miệng nói: – Sao lạ vậy!
Thái Lan theo Phật giáo, tin Nhân quả, mọi người không hẹn mà đồng nói: – Đây chính là nhân quả báo ứng, do người chồng chặt đứt bốn ngón tay con khỉ mà ra.
Hôm nay tân nương “Tiểu thư Khỉ” mặc áo cưới trắng, tay mang gang trắng, dịu dàng xinh đẹp cứ như tiên nữ hạ phàm. Thế nhưng đâu ai biết rằng trong găng tay đó, không còn bốn ngón tay nhỏ thon dài, mà chỉ còn bốn đốt tay thừa còn lại như từng bị chặt. Đó là nguyên nhân của biệt danh “Tiểu thư Khỉ”, thành ra câu chuyện đồn vang đương thời.
( Báo ứng hiện đời – Hạnh Đoan dịch, NXB Tôn Giáo).
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cảm ơn Đường Về Cõi Tịnh và các đạo hữu đã chia sẻ những câu chuyện nhân quả báo ứng rất bổ ích. Mong rằng những ai đọc và nghe thấy được sẽ tin sâu nhân quả, cải ác hành thiện.
Phàm là con người sinh ra và lớn lên ai cũng mắc nợ cả, có người còn mắc nợ của ma quỷ, nợ của chúng sanh… nợ đời quá khứ và nợ đời này. Do đời trước thiếu nên đời này phải trả, có vay tất có trả, điều này không thể tránh miễn được. Vì thế, Phật tử chúng ta cần phải hiểu cho thấu đáo cái đạo lý này.
Phật tử chúng ta nhờ có duyên lành nên gặp được Phật pháp, biết được thiếu tiền thì trả tiền, nợ mạng thì phải đền mạng, nhân quả báo ứng tơ hào chẳng sai. Cho nên ngay trong đời này có thiếu nợ chúng sanh thì mình cứ vui vẻ mà trả, chẳng buồn phiền gì cả.
Trong nhiều đời nhiều kiếp về quá khứ, do thiếu duyên lành nên chúng ta không gặp được Phật pháp, vì thế không tránh khỏi việc tạo tội nghiệp, gieo ân kết oán với vô số chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay. Hết vay rồi trả, hết trả rồi vay, cứ xoay vần chẳng kết, chẳng liễu. Do vậy mà con đường đi đến giải thoát giác ngộ chúng ta luôn bị chướng ngại, nguyên nhân là ở chỗ này. Đây đều là hoàn toàn do chính mình gây tạo quá nhiều nghiệp bất thiện trong đời quá khứ, nên nay mình phải nhận lấy quả xấu ác chiêu cảm. Phật dạy chúng ta phải cố gắng tự mình nổ lực tinh tấn tu hành, tụng Kinh, lễ Phật, sám hối, làm các việc thiện rồi đem tất cả công đức đó hồi hướng đến cho họ, đó chính là chúng ta trả nợ cho họ.
Muốn việc hồi hướng được viên mãn tốt đẹp thì phải bằng tâm chân thành của mình mà làm, bằng sự thiết tha phát lồ sám hối ăn năn những tội lỗi xưa. Nếu chúng ta chỉ dùng lời nói nơi cửa miệng, mà việc làm không tương ưng với tâm, chỉ là niệm suông bài kệ hồi hướng cho xong, thì đâu có tác dụng gì, đều chỉ là nhọc công vô ích mà thôi.
Chúng ta ngày nay mặc dù mỗi ngày đều có hối hướng công đức đến cho oán thân trái chủ, nhưng tại sao oán kết vẫn không thể giải, con đường tu học vẫn luôn bị chướng ngại, bị ma sự quấy phá? Đó là do chúng ta đã dùng tâm sai khi hồi hướng. Tâm sai như thế nào? Đa phần chúng đều mang cái tâm thái làm cho rồi để họ đi cho lẹ lẹ, đừng đến quấy nhiễu chúng ta nữa, mà hồi hướng, đây chính là tâm sai. Hồi hướng như vậy oán kết làm sao hoá giải được chứ?
Ví như trong cuộc sống, có người gây tạo những điều bất thiện với ta, ta với họ oán kết càng kết càng sâu. Nay họ vì không muốn chúng ta đến đòi nợ, đến quấy phá họ, nên họ đưa cho ta cái bánh và nói rằng: “Đây tôi cho anh cái bánh, anh ăn xong rồi thì mối oan kết của chúng ta từ đây giải trừ, và anh không nên đến tìm tôi nữa.”
Khi đó, ta có bằng lòng giải trừ oán kết hay không? Dĩ nhiên là không, vì họ không phải thật lòng ăn năn sám hối về những lỗi lầm đã gây cho ta, nên mối óan kết này không dễ hoá giải. Cùng một đạo lý, những oan thân trái chủ cũng chẳng dễ gì tha cho ta nếu ta dùng cái tâm thái như vậy để hồi hướng.
Từ vô lượng kiếp, chúng ta đã chịu ân của vô số chúng sanh và cả oan thân trái chủ. Cho nên, có ân thì ta hồi hướng công đức cho họ để báo đáp ân đó, có oán chúng ta cũng hồi hướng cho họ để giải trừ oán kết. Làm bất cứ việc gì dù là báo ân hay giải oán, thì cũng cần phải xuất phát từ chính nội tâm của mình, đó là phải Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Từ Bi. Có như thế thì mới đúng nghĩa là hồi hướng cho họ, mối oán kết mới có thể được tiêu trừ, những ân nghĩa mới có thể được đền trả.
Pháp sư Tịnh Không