Cầm thú muôn loài vào lúc bị giết hại cắt xẻ, tiếng kêu thét bi ai thật đáng thương biết bao. Loang loáng bóng dao vung, sôi sục nồi nước nóng, những nhục hình ấy bày ra trước mắt mà không có cơ hội để nói lên dù chỉ một lời biện bạch. Có thể hình dung những con vật ấy hẳn trong đời trước, có miệng mà chưa từng nói ra một điều gì hiền thiện tốt đẹp [nên nay mới phải chịu quả báo như thế]. Nay ta đã thấy nỗi oan khuất đến như thế của muôn loài, thì mở miệng ra phải hết sức lưu tâm nói lời giúp đỡ, cứu vớt cho muôn loài.
– Người có đức hiếu sinh, mỗi khi giúp việc bên cạnh chủ nhân, không nên đề cập đến những việc như ăn món này tốt [cho sức khỏe] hoặc món kia không tốt, khiến cho chủ nhân vì lưu tâm đến chuyện ăn uống [mà giết hại vật mạng].
– Người giữ giới không giết hại thì phải lưu tâm không bàn nói đến những việc đào sông khơi rạch, tu sửa miếu thờ tà thần ác quỷ, hoặc khuyên người cúng tế quỷ thần, khuyến khích giao du với quan lại, hoặc tu sửa ruộng vườn, bởi đó đều là những việc dẫn đến giết hại nhiều vật mạng.
– Người thấu hiểu lý nhân quả thì tuyệt đối không nói ra những lời như người này có đức hiếu sinh, lẽ ra phải trường thọ nhưng lại chết yểu, người kia thường giết hại, lẽ ra phải chết yểu nhưng lại trường thọ, người này ăn mặn nên khí lực thân thể tráng kiện, người kia ăn chay nên hình dung tiều tụy gầy ốm…
– Cha mẹ hoặc người thân có bệnh, nên mời thầy thuốc giỏi đến điều trị, đồng thời khuyên người bệnh phải chuyên tâm niệm Phật, đừng bày vẽ ra những chuyện như bói toán, cầu đảo quỷ thần.
– Khi gặp người có bệnh, nên đem lý lẽ chân chánh mà khuyên giải an ủi, không được nói những lời như nhà kia nhờ cầu đảo mà được sống, nhà nọ vì không cầu đảo mà phải chết…
– Các phương thuốc trị bệnh mà phải giết hại vật mạng để bào chế thì không truyền bá cho người khác. Cho đến những phương pháp ươm hoa trồng cây mà gây hại đến vật mạng cũng không được lưu truyền.
– Những người làm nghề nghiệp giết hại vật mạng, cho dù thấy họ đang lúc phát đạt giàu có cũng nên lựa lời khuyên họ đổi nghề, đừng bao giờ khen ngợi rằng làm nghề ấy là tốt đẹp.
– Thấy người khác làm việc phóng sinh phải hết sức ngợi khen tán thán, tạo điều kiện giúp họ hoàn thành việc tốt đẹp ấy, không được nói ra những lời gây cản trở, khiến họ phải thối chí mà đánh mất đi tâm hiền thiện.
– Trước mặt người thân, không được nói mình thích ăn thịt con này hoặc con kia. Lúc gặp người đầu bếp đang giết mổ, không được nói những lời chỉ bày như con vật này phải mổ như thế này, con vật kia phải mổ như thế nọ…
– Thấy nghe những việc ăn uống thịnh soạn của nhà giàu sang, không được nói ra những lời ưa thích, vui mừng.
– Trên đường đi gặp những con vật sắp bị giết, dù là giống loài trên cạn dưới nước, đều nên khởi tâm thương xót cứu giúp như nhau, đừng phân biệt nặng nhẹ, tốt xấu, giá cả cao thấp.
– Người có đức hiếu sinh khi trò chuyện với người khác đừng bao giờ nói ra những lời như: chỗ kia dưới sông nhiều cá, chỗ nọ trong rừng nhiều chim, hoặc ở nơi ấy có bán con vật ấy…
– Những nơi nhà cao, miếu hoang phát hiện thấy có chim sẻ đến làm tổ đẻ trứng, phải đặc biệt lưu tâm bảo vệ. Cũng không được nói cho trẻ con biết rằng trên cây kia hoặc ở chỗ nọ có ve, bướm, chuồn chuồn…
– Nếu gặp các loài vật như rắn rết, thằn lằn, ong, sâu độc, không được nói cho người khác biết nơi đã gặp chúng. Gặp các loài kiến độc tụ tập, cũng không được chỉ nơi ấy cho người khác biết.
– Các phương thuốc độc để giết cá, giết chuột, phải thận trọng không được chỉ bày cho người khác. Nếu nhìn thấy ở đâu, phải tìm cách tiêu hủy ngay. Đối với các loại sách bài bác, hủy báng Phật pháp cũng vậy.
– Người có đức hiếu sinh thì không khuyến khích người khác nuôi dưỡng những loài vật như gà, vịt, dê, lợn, chim ưng, mèo, chó săn… cũng như tất cả những loài vật làm hại đến loài khác.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại
Nguyên tác Hán văn: Vạn Thiện Tiên Tư
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến
Dạ, con xin kính chào mọi người.
Con năm nay 18t, con chỉ biết đến pháp môn niệm Phật chỉ 1 thời gian ngắn đây thôi. Con đã tập niệm Phật. Và khoảng thời gian này, con có gặp 1 số thắc mắc kính và 1 câu chuyện chia sẽ với mọi người, mong mọi người hoan hỷ giải đáp giúp con, để con vững vàng bước đi trên đường về Cực Lạc.
1. Con có biết là khi mình niệm Phật, thì sẽ tiêu trừ các nghiệp xấu mình đã gây ra. Vậy tại sao niệm Phật thì lại tiêu trừ được nghiệp xấu ạ ? Niệm A Di Đà Phật tiêu trừ nghiệp xấu, vậy niệm danh hiệu các vị khác có tiêu trừ nghiệp xấu không ạ ?
2. Niệm danh hiệu Phật A Di Đà, sẽ được sanh về Cực Lạc, người không niệm sẽ không về được. Vậy tại sao Phật A Di Đà không rước hết chúng sanh đang lầm đường lạc lối, đang khổ đau về hết Cực Lạc. Mà phải có niệm Phật mới về được ạ ?
3. Con gần đây tập niệm Phật,con lại hay dùng điện thoại mở hình Phật A Đi Đà lên xem và tập nhắm mắt quá tưởng lại hình ảnh của Ngài. Nhưng con lại bị 1 vấn đề này. Đó là khi hình Phật xuất hiện được trong tâm trí con, thì liền lúc đó. Trong não, trong tâm trong suy nghĩ của con lại xuất hiện những thứ nhơ nhuốc, ô uế vây quanh hình Phật, hoặc là dao kiếm tấn công hình Phật, làm méo mó, khiến con không quán tưởng được.Dù con không muốn như thế, nhưng con không hiểu sao những thứ đó tự nảy sinh khó kiểm soát lắm ạ ? Con sợ bất kính với Phật. Con phải làm sao cho đặng đây ạ ?
4. Con có lên mạng, nghe các Sư thuyết pháp. Nhưng có 1 vị khẳng định : Cõi Cực Lạc không có thật, không có ma quỷ. Niệm Phật không được Phật rước. Tất nhiên là con không tin! Vì con đã được đọc, xem video người chết vãng sanh rồi. Con quyết định hạn chế lên mạng để đọc tin tức như vậy, vì sẽ làm giảm đức tin mà còn làm con nổi sân nữa. Không nên ạ.
5. Dạo gần đây, con thường hay mơ thấy cảnh giết người, tai nạn rùng rợn lắm. Nhưng khi con thức dậy, con mới nhớ đến câu Niệm Phật. Nhưng vào hôm chủ nhật thì phải. Con mơ thấy 2 cha con nọ chở nhau đi chơi, người con nhỏ bị xe tải quẹt đứt lìa 2 bàn chân. Cảnh tượng đó kinh hãi lắm ạ. Con thì đứng phía trong ( hình như trong quán) chứng kiến thì sợ hãi tột cùng. Nhưng may mắn, lúc đó con nhớ câu Niệm Phật. Con niệm lớn 3 lần Nam Mô A Di Đà Phật. Thì bỗng nhiên con tỉnh dậy luôn dù không hề bị thứ gì bên ngoài tác động cả. Con toát mồ hôi luôn ạ. Nghĩ lại nếu lúc đó con không nhớ câu Niệm Phật thì chắc con bị ám ảnh luôn ! Và từ hôm đó con ít mơ hơn, có thì cũng không gặp ác mộng nữa ạ.
Con cám ơm mọi người đã đọc những dòng chia sẽ của con, con hi vọng nhận được hồi âm.
Chúc mọi người luôn vui ạ.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Chào bạn Ngọc Nghiêm,
Xin được chia sẻ với bạn vài điều như sau.
1. Niệm Phật tiêu trừ được nghiệp chướng bởi vì bạn buộc tâm mình duyên theo danh hiệu Phật. Danh hiệu của vị Phật nào cũng chứa vô lượng công đức, phước báo trang nghiêm thanh tịnh, cho nên khi tâm mình duyên với những danh hiệu Phật đó, thì dần dần tâm ta cũng được thanh tịnh, trừ được nghiệp chướng. Điểm cần lưu ý ở đây là buộc tâm mình theo danh hiệu Phật, nghĩa là mỗi khi niệm Phật, ta phải chú tâm nghe cho rõ từng tiếng Phật hiệu, không nghĩ lung tung. Với người chỉ niệm Phật nơi miệng nhưng tâm lo nghĩ tham, sân, si như lúc bình thường thì rất khó để trừ được nghiệp chướng. Niệm danh hiệu vị Phật nào cũng đều có hiệu quả tiêu trừ nghiệp xấu. Tuy nhiên, khi bạn niệm danh hiệu đức A Di Đà, thì hãy đặt mục đích là cầu vãng sanh, chứ không phải giảm trừ nghiệp chướng. Ở điểm này bạn nên hiểu cho rõ, chớ nên chỉ cầu để giảm nghiệp thì rất uổng phí vậy. Cho nên bạn hãy để ý để chỉnh sửa mong muốn của mình lại nhé.
2. Trong các cảnh giới mà phàm phu chúng ta đang sống và tái sanh đều do nhân duyên mà thành tựu, chuyển biến. Việc vãng sanh về Cực lạc cũng không phải là ngoại lệ. Bạn chớ nên có ý nghĩ xem đức Phật A Di Đà như một vị thần ban phước giáng hoạ, vì như vậy là đi ngược lại với lý nhân quả, là tà kiến, là quan niệm lệch lạc, không đúng. Niệm Phật vởi đủ Tín, Nguyện chính là nhân duyên để bạn được vãng sanh. Cũng giống như bạn muốn ăn cam thì phải gieo hạt cam, chăm sóc cây,..thì mới có cam ăn. Cho nên, nhớ đừng bao giờ bỏ qua lý nhân duyên khi tu học, xem xét, đánh giá các pháp bạn nhé.
3. Đa phần phàm phu chúng ta không nên vừa niệm Phật vừa quán tưởng vì sẽ rất dễ bị loạn (giống như tình trạng của bạn hiện giờ). Bạn vừa niệm vừa nhìn hình Phật thì không sao. Bạn cần phân biệt giữa nhìn và quán tưởng nhé. Nhìn là chăm chú ngó vào hình Phật; chứ không phải vẽ ra, tưởng tượng hoặc nhớ lại ở trong tâm hình tướng của Phật. Cho nên, bây giờ bạn hãy: miệng niệm Phật (hoặc niệm thầm cũng được) , tâm chú ý nghe cho rõ từng tiếng một, mắt nhìn vào hình Phật (nếu có), tâm chú ý nghe theo tiếng niệm, khi thấy nó bắt đầu nghĩ lung tung là phải kéo nó về câu Phật hiệu ngay. Nếu có thể kèm thêm lạy Phật thì rất tốt. Bạn đừng lo ngại việc bất kính với Phật, vì hiện tượng đó khá là bình thường khi chúng ta cố gắng niệm Phật. Bạn đừng để ý, lo lắng đến nó nữa, cứ an tâm nhiếp tâm niệm Phật, dần dần sẽ ổn. Ngoài ra, chư Phật rất từ bi, hiểu rõ chúng ta vì vô minh, tập khí mà như vậy, cho nên các ngài sẽ âm thầm gia trì, chứ không bắt tội gì đâu.
4. Người tu niệm Phật, lúc bắt đầu chỉ nên đọc, nghe các kinh sách Tịnh Độ (kinh A Di Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ,..) để tránh bị phân tâm. Bạn nên tìm hiểu và xây dựng cho thật vững chắc phần Tín, Nguyện nhé. Bạn có thể nghe phần giảng kinh A Di Đà Yếu Giải, kinh Thủ Lăng Nghiêm do sư bà Hải Triều Âm giảng, vì sẽ giúp được bạn rất nhiều cho phần Tín sâu, Nguyện thiết. Tuy nhiên, cũng nhớ đừng nên khởi tâm chê trách các vị sư có những thuyết pháp như thế. Tại vì họ chưa đủ duyên với Tịnh Độ thôi.
5. Những cảnh trong mơ thường là do những chủng tử trong Tàng thức của chúng ta hiện hành ra như vậy, cho nên bạn không cần để tâm đến nó làm gì, nó cũng chỉ là một vọng niệm thôi, lúc thức dậy đừng nghĩ đến nữa, chỉ nên nhiếp tâm niệm Phật thôi.
Chúc bạn thường tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật…
Đọc xong bài pháp này làm con bối rối quá: “– Người có đức hiếu sinh khi trò chuyện với người khác đừng bao giờ nói ra những lời như: chỗ kia dưới sông nhiều cá, chỗ nọ trong rừng nhiều chim, hoặc ở nơi ấy có bán con vật ấy…”
Cho con hỏi là: Vì công việc của con liên quan đến ngành dịch vụ du lịch. Khi một du khách đến du lịch điều muốn biết là ở đây ăn gì ngon, ăn ở đâu? Họ đều hỏi con. Vậy khi mình chỉ thì mình có phạm lỗi hoặc tội không ạ?
Thứ hai là, khi khách muốn đi tham quan và đăng ký tour ví dụ như tour: “Câu cá ngắm san hô” dù đó không phải là công việc chính của con mà đó chỉ là dịch vụ đi kèm, mình nên xử lý như thế nào ạ?
Thư ba là, khi du khách muốn nấu ăn thì xử lý như thế nào ạ? Con đã tránh không phục vụ ăn sáng cho khách rồi nhưng cũng có một vài trường hợp họ muốn tự nấu ăn.
Con xin cảm ơn sự chỉ dạy ạ.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Liên Bình,
Ba vấn đề bạn nêu ra thật khó tìm câu trả lời cho chuẩn xác, bởi nó dẫn đến sự vướng kẹt giữa tư duy của một người sống và làm việc theo tế tục và một người phát tâm tu đạo để chuyển hoá nghiệp lực rồi tiến tới giác ngộ và giải thoát. Vì thế TN xin chép lại đoạn kinh văn Phật dạy trong kinh Tăng Chi Bộ để bạn tham khảo, từ đó chọn cho mình cách ứng xử sao cho không tổn mình, hại người nhé. Còn trường hợp nếu bạn đã là Phật tử thì bạn ráng tham khảo kỹ 10 giới trọng bên dưới để quán chiếu hành vi động niệm của mình mà tự biết mình đang trì giới hay phạm giới.
1. Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là với bốn pháp? Tự mình sát sanh, khích lệ người khác sát sanh, chấp nhận sát sanh và tán thán sát sanh. Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.
2. Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời. Thế nào là với bốn pháp? Tự mình từ bỏ sát sanh, khích lệ người khác từ bỏ sát sanh, chấp nhận từ bỏ sát sanh và tán thán từ bỏ sát sanh. Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi Trời.(Trích Kinh Tăng Chi Bộ)
10 Giới Trọng của người Phật tử:
Đức Phật dạy :
1.- Giới sát sanh :
Nếu Phật-Tử, hoặc tự mình giết, bảo người giết, phương tiện giết, khen tặng sự giết, thấy giết mà tùy-hỉ, nhẫn đến dùng bùa chú để giết : Nhân giết, duyên giết, cách-thức giết, nghiệp giết. Phàm tất cả loài hữu-tình có mạng sống đều không được cố ý giết. Là Phật-Tử, lẽ ra phải luôn luôn có lòng từ-bi, lòng hiếu-thuận, lập thế cứu giúp tất cả chúng-sanh, mà trái lại tự phóng tâm nỡ lòng sát-sanh, Phật-Tử này phạm Bồ-Tát Ba-La-Di tội.
2.- Giới trộm cướp:
Nếu Phật-Tử tự mình trộm cướp, bảo người trộm cướp, phương-tiện trộm cướp, nhẫn đến dùng bùa chú trộm cướp : Nhân trộm cướp, duyên trộm cướp, cách thức trộm cướp, nghiệp trộm cướp. Tất cả tài-vật có chủ, dầu là của quỷ-thần hay kẻ giặc cướp, nhẫn đến một cây kim, một ngọn cỏ đều không đặng trộm cướp. Là Phật-Tử, lẽ ra phải luôn luôn có lòng từ-bi, lòng hiếu-thuận, thường giúp cho mọi người được phước, được vui, mà trái lại trộm cướp tài-vật của người, Phật-Tử này phạm Bồ-Tát Ba-La-Di tội.
3.- Giới dâm:
Nếu Phật-Tử, tự mình dâm dục, bảo người dâm-dục, với tất cả phụ-nữ, các loài cái, loài mái, cho đến Thiên-Nữ, Quỷ-nữ, Thần-nữ cùng phi-đạo mà hành dâm : Nhân dâm-dục, duyên dâm-dục, cách-thức dâm-dục, nghiệp dâm-dục. Là Phật-Tử, đối với tất cả không được cố dâm-dục. Lẽ ra phải có lòng hiếu-thuận, cứu-độ tất cả những chúng-sanh, đem pháp thanh-tịnh khuyên dạy người, mà trái lại không có tâm từ-bi, làm cho mọi người sanh việc dâm-dục, không lựa súc-sanh, cho đến hành-dâm với mẹ, con, chị, em trong lục thân, Phật-Tử này phạm Bồ-Tát Ba-La-Di tội.
4.- Giới vọng:
Nếu Phật-Tử, mình nói vọng-ngữ, bảo người vọng-ngữ, phương-tiện vọng-ngữ : Nhân vọng-ngữ, duyên vọng-ngữ, cách-thức vọng-ngữ, nghiệp vọng-ngữ. Nhẫn đến không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, hoặc thân vọng-ngữ, tâm vọng-ngữ. Là Phật-Tử, lẽ ra phải luôn luôn chánh-ngữ, chánh-kiến, và cũng làm cho tất cả chúng-sanh có chánh-ngữ, chánh-kiến, mà trái lại làm cho mọi người tà-ngữ, tà-kiến, tà-nghiệp, Phật-Tử này phạm Bồ-Tát Ba-La-Di tội.
5.- Giới bán rượu:
Nếu Phật-Tử, tự mình bán rượu, bảo người bán rượu : Nhân bán rượu, duyên bán rượu, nghiệp bán rượu, – Tất cả rượu không được bán – Rượu là nhân-duyên sanh tội lỗi. Là Phật-Tử, lẽ ra phải làm cho tất cả chúng-sanh có trí-tuệ sáng-suốt, mà trái lại đem sự mê say điên-dảo cho tất cả chúng-sanh, Phật-Tử này phạm Bồ-Tát Ba-La-Di tội.
6.- Giới rao lỗi của tứ chúng:
Nếu Phật-Tử, tự miệng rao nói tội lỗi, của Bồ-Tát xuất-gia, Bồ-Tát tại-gia, Tỳ-Kheo, Tỳ-Kheo-Ni, hoặc bảo người rao nói những tội lỗi ấy : Nhân rao nói tội lỗi, duyên rao nói tội lỗi, cách-thức rao nói tội-lỗi, nghiệp rao nói tội-lỗi. Là Phật-Tử, khi nghe những kẻ ác, ngoại-đạo cùng người nhị-thừa nói những điều phi-pháp, trái Luật trong Phật-Pháp, thời phải luôn luôn có lòng từ-bi giáo-hóa những kẻ ác ấy cho họ sanh tín-tâm lành đối với đại-thừa, mà trái lại Phật-Tử lại tự mình rao nói những tội lỗi trong Phật-Pháp, Phật-Tử này phạm Bồ-Tát Ba-La-Di tội.
7.- Giới tự khen mình chê người:
Nếu Phật-Tử, tự khen mình chê người, cũng bảo người khác khen ngợi mình chê người : Nhân chê người, duyên chê người, cách thức chê người, nghiệp chê người. Là Phật-Tử, lẽ ra phải thay thế chịu những sự khinh chê khổ-nhục cho tất cả chúng-sanh, mình nhận lấy việc xấu, nhường cho người việc tốt. Nếu Phật-Tử tự phô dương tài-đức của mình mà dìm che điều hay tốt của người, làm cho người bị khinh chê, Phật-Tử này phạm Bồ-Tát Ba-La-Di tội.
8.- Giới bỏn sẻn thêm mắng đuổi:
Nếu Phật-Tử, tự mình bỏn-sẻn, bảo người bỏn-sẻn : Nhân bỏn-sẻn, duyên bỏn-sẻn, cách-thức bỏn-sẻn, nghiệp bỏn-sẻn. Phật-Tử khi thấy những người bần-cùng đến cầu xin, phải cấp cho theo chỗ cần dùng của họ. Mà Phật-Tử lại đem lòng giận ghét, cho đến không cho một mảy, có người đến cầu học giáo-pháp cũng chẳng nói một kệ một câu, lại còn xua đuổi quở mắng, Phật-Tử này phạm Bồ-Tát Ba-La-Di tội.
9.- Giới giận hờn không nguôi:
Nếu Phật-Tử, tự mình giận, bảo người giận : Nhân giận, duyên giận, cách thức giận, nghiệp giận. Người Phật-Tử lẽ ra phải làm cho tất cả chúng-sanh được những căn lành không gây gổ, thường có lòng từ-bi, lòng hiếu-thuận. Mà trái lại, đối với trong tất cả chúng-sanh, cho đến trong loài phi chúng-sanh, đem lời ác mạ-nhục, còn thêm dùng tay, chân, dao, gậy để đánh đập mà vẫn chưa hả dạ, cho đến nạn-nhân kia lấy lời nhỏ nhẹ xin lỗi, cầu sám-hối tạ-tội, nhưng vẫn còn không hết giận, Phật-Tử này phạm Bồ-Tát Ba-La-Di tội.
10.- Giới hủy-báng Tam-Bảo:
Nếu Phật-Tử, tự mình hủy-báng Tam-Bảo, xúi người hủy-báng Tam-Bảo : Nhân hủy-báng, duyên hủy-báng, cách-thức hủy-báng, nghiệp hủy-báng. Phật-Tử nghe một lời hủy-báng Tam-Bảo của ngoại-đạo và kẻ ác, còn đau lòng như ba trăm cây nhọn đâm vào tim mình, huống là tự miệng mình hủy-báng ! Không có đức tin và lòng hiếu-thuận đối với Tam-Bảo, lại còn giúp sức cho những kẻ ác, kẻ tà-kiến hủy-báng nữa, Phật-Tử này phạm Bồ-Tát Ba-La-Di tội. (Trích Kinh Phạm Võng)
TN
A Di Đà Phật :-). Đa tạ thầy/ huynh Thiện Nhân.
Chào bạn, mình xin trả lời ngắn gọn như sau:
1. Thứ nhất, không phải ai niệm Phật cũng tiêu trừ nghiệp chướng. Nếu niệm Phật mà vẫn để mặc tập khí xấu, dâm dục, tham sân si, kiêu mạn tác quái thì là tạo thêm nghiệp chứ nghiệp không tiêu được.
Việc loại bỏ hết tập khí xấu cần có thời gian kiên trì niệm Phật, sửa đổi thói xấu với niềm tin vững chắc. Tập khí ví như bệnh nan y vậy, không thể chữa ngay được.
Niệm Phật y pháp sẽ có công đức, công đức thực ra là khái niệm vô hình tướng (không sờ nắn, nghe, ngửi, thấy được). Công đức và tiêu nghiệp đi kèm nhau. Bạn mới sơ học giải thích hết quả thật không dễ, tuy nhiên thành tâm niệm danh hiệu Phật hoặc Bồ tát nào cũng tiêu trừ nghiệp chướng cả.
Phật pháp vô biên, bạn cứ chăm chỉ tu học, nhưng cũng đừng ham tìm hiểu quá mau, quá nhiều kẻo lạc vào ma đạo.
2. Phật chỉ bày cho chúng sanh phương pháp để tu tập liễu thoát sanh tử hoặc vãng sanh Cực Lạc, nhưng nếu chúng sanh không y pháp làm theo thì không thể vãng sanh được. Ai tu người nấy chứng, nghiệp ai người nấy trả. Cũng giống như bạn có bệnh, thầy thuốc giỏi đưa thuốc, từ bi khuyên nhủ bạn uống, mà bạn không chịu uống thì có khỏi bệnh được chăng?
3. Những hình ảnh đó là do nghiệp chướng và ma chướng, người tu tập ai cũng gặp phải, không ở dạng này thì dạng khác. Bạn cố gắng không quá lo lắng sợ hãi và nghĩ mãi về những hình ảnh đó, vì càng nghĩ nó sẽ càng dấy khởi. Bạn hãy niệm Phật theo lối thập niệm ký số để dễ nhiếp tâm hơn. Khi nhiếp tâm hơn các hình ảnh đó sẽ dần biến mất.
4. Người tu tập, đặc biệt là sơ học không nên nghe/xem quá nhiều vì sẽ bị nhiều ý tưởng tạp nhạp làm thối thất tâm tu tập hoặc gây hiểu sai, lạc vào ma đạo Ví dụ, hãy chỉ tập trung đọc hoặc nghe đi nghe lại bài giảng Kinh Vô Lượng Thọ của ngài Tịnh Không. Thực ra nếu có duyên thù thắng gặp được thiện tri thức dìu dắt còn tốt hơn nữa.
5. Bạn mơ như vậy là do nghiệp chướng & ma chướng như ở điểm 3 nói trên. Hãy chăm chỉ niệm Phật, nghe giảng chánh pháp. Bạn cũng nên lạy Phật, dần nâng lên được 500 lạy/ngày là rất tốt. Bạn tra video dạy cách lạy Phật trên youtube nhé
Khi niệm Phật các hiện tượng kỳ lạ, thậm chí nghịch cảnh thuận cảnh sẽ phát sinh nhiều để thử thách bạn. Mong bạn hãy luôn kiên nhẫn vượt qua mà tiếp tục niệm Phật.
Bạn mới sơ học nên mình nói đơn giản như vậy. Chúc bạn tinh tấn. A Di Đà Phật!
Dạ, con xin cám ơn ạ.
Nam Mô A Di Đà Phật
Xin thầy dạy con và chị LIÊN BÌNH thế nào là:
PHẢN VĂN TỰ TÁNH,TÁNH THÀNH VÔ THƯỢNG ĐẠO.con xin chân thành cảm ơn ạ.
A di đà phật.
Xin chú thiện nhân cho con lời khuyên.
Vườn nhà con trồng cây ăn quả và trồng rau.Cây rất nhiều sâu,con thường xuyên phải dùng thuốc sâu.Con biết chúng đều có mạng sống,nhưng nếu không phun thuốc thì sâu phá hết cây.
Xin chú cho con lời khuyên.
Con xin cảm ơn.
Nam Mô A Di Đà Phật
Gửi Đức Nhẫn, tình cờ Tịnh Tâm cũng vừa đọc được một bài viết khá giống với tình trạng của bạn, xin chia sẻ
https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=76421B
A di đà phật.
Cảm ơn Tịnh tâm rất nhiều.