Niệm Phật chính là phải ở chỗ ồn náo để rèn luyện, chẳng câu nệ đi đứng nằm ngồi. Ở nơi huyên náo có thể nhất tâm không loạn, một tiếng niệm Phật ấy còn hơn niệm nhiều tiếng ở nơi yên tịnh. Đó gọi là “tâm tịnh thì cõi nước thanh tịnh”.
Trọn ngày tuy bận rộn, lẽ nào lại không có một chút thời giờ rảnh rỗi? Sao không bớt thời gian uống trà, nói chuyện phiếm, để thâu nhiếp tâm tư mà niệm Phật? Người nhọc nhằn về tâm tư có thể nhờ đây để dưỡng tâm; người nhọc nhằn về sức lực cũng có thể nhờ danh hiệu Phật tích chứa sức mạnh. Việc ấy có lợi ích không tổn hại, còn có điều nào hơn đây nữa?
Phải nên gấp rút khẩn thiết chân thật, phát khởi sức lực dũng mãnh, duyên đời có thể buông bỏ thì buông bỏ, mạng người vô thường quyết đừng lưu luyến mà tự làm lầm mình. Dù có điều chưa có thể buông bỏ cũng chẳng ngại ông niệm Phật. Ví như có một việc khẩn thiết ở nơi lòng, tuy làm việc khác nhưng vẫn không sao quên được. Có thể niệm Phật như thế tự nhiên không có tạp niệm, cũng không đến nỗi một ngày nóng mười ngày lạnh. Còn có người tâm chân thật khẩn thiết, do thuở xưa nghiệp nặng nên bị ma nhiễu loạn. Có ma bên trong, ma bên ngoài. Ma bên trong là trong tâm khi tỉnh lúc mê, tất cả tham sân si ái, tâm này vừa lìa thì tâm kia lại khởi. Ma bên ngoài là gặp cảnh khó khăn đủ mọi chướng duyên, bức hại thân tâm, chẳng được an ổn, liền đối trước Phật phát nguyện, siêng năng cầu sám hối. Song, quan trọng ở chỗ tâm niệm Phật chẳng do ma sự mà thối lui, mặc cho mọi thứ chướng duyên, một câu Phật hiệu này quyết chẳng rời tâm ta. Sức ma tuy mạnh, dựa vào Vạn đức Hồng danh này chống cự với nó, chẳng tính lợi hại sống chết chỉ lo chuyên niệm, thề không thối lui, lâu ngày dài tháng tất được lòng từ bi của Phật âm thầm trợ giúp, chướng duyên tiêu tan, Tịnh duyên thành tựu. Phật chẳng phụ lòng người, ắt làm mãn nguyện chúng sinh.
Phương pháp niệm Phật quý ở chỗ đóng cửa âm thầm tu trì. Không luận là ngồi xếp bằng hay kinh hành niệm, trì thầm hay niệm ra tiếng, đều phải nhất tâm nắm chặt danh hiệu Phật, mỗi chữ mỗi chữ rõ ràng, vừa cảm thấy lờ mờ liền gấp rút đề khởi sự tỉnh giác soi chiếu. Hoặc rơi vào vô ký, hoặc sa vào vọng tưởng, luôn luôn tỉnh giác, luôn luôn đề khởi, đem một câu Phật hiệu này huân vào áp bức ý căn, đoạn dứt hôn trầm tạp niệm, đó là con đường chân chánh của pháp niệm Phật. Không thể quá gấp, gấp thì khó được lâu dài; không thể quá hưỡn, trì hưỡn thì dễ rời rạc. Lại không thể trông mong nhập định, hoàn toàn chẳng để khởi ý niệm.
Nếu buông bỏ không niệm nơi miệng rất dễ rơi vào chỗ hôn trầm nhẹ. Bởi vì niệm Phật quan trọng ở nơi nhất tâm không loạn, lúc lâm chung hoàn toàn nhờ vào niệm này vào thẳng thai sen. Đến khi đạt đến chỗ nhất tâm cùng cực, chẳng mong Thiền định hiện tiền cũng tự hiện, đây là khi công phu thuần thục, hoàn toàn khác xa với người buông bỏ không niệm nơi miệng rơi vào chỗ hôn trầm nhẹ.
Còn như Thể cứu, niệm tức vô niệm thì không ngại vô niệm mà niệm. Một niệm này tức là Tam đế: Không, Giả, Trung; tức là bốn pháp giới Sự Lý; tức là hai môn quán Duy thức, Duy tâm; tức là tâm mầu nhiệm Niết-bàn, Thật tướng Vô tướng. Đó chính là pháp niệm Lý nhất tâm của bậc thượng căn, nhưng cũng không rời nhất tâm nắm chặt câu Phật hiệu, mỗi chữ mỗi chữ rõ ràng mà niệm. Đây là điều trọng yếu của phép tắc Trì danh nơi chánh hạnh.
Trích Khuyến Tu Tịnh độ Thiết Yếu
Cư sĩ Chân Ích Nguyện
Con xin hỏi sao có người lại niệm A MI ĐÀ PHẬT.
Chào bạn Hoài An, theo mình hiểu thì cách niệm A Mi Đà Phật xuất phát từ từ Amita Buhhda. Mình cũng có đọc một vài bài viết nói niệm phải đúng tên Phật hiệu thì mới linh nghiệm. Còn cách niệm A Di Đà Phật là cách niệm truyền thống của người Việt mình xưa nay. Nhưng vấn đề là có muốn niệm hay không, có muốn thoát ly sinh tử hay không mới quan trọng. Còn niệm A di đà hay A mi đà không quan trọng, tất cả chỉ là phương tiện mà thôi. Mỗi quốc gia vùng miền có cách đọc tên Phật Vô Lương Thọ khác nhau tùy theo ngôn ngữ của mình. Nếu bảo đọc A di đà là sai thì A mi đà cũng không đúng. Người VN mình đọc một kiểu, Trung Quốc kiểu khác, Nhật Bản cũng có Tịnh độ tông, họ cũng đọc kiểu khác. Người châu Âu cũng khác, người Tây tạng đọc từ này cũng khác (bạn có thể tìm trên Google để biết thêm)… Vậy cái đúng không phải là danh tự mà là có Tín – Nguyện sâu hay cạn, trì danh chăm chỉ hay biếng nhác mà thôi
Nam Mô A Di Đà Phật
Gửi hoài an, bạn niệm A Di Đà hay A Mi Đà đều được, quan trọng là cái tâm của bạn thôi, miễn sao bạn thấy thoải mái, thanh tịnh khi niệm là được
Bạn có thể xem thêm tại đây, đọc kỹ bài viết và Phúc đáp của các vị Thiện tri thức
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2010/06/tai-sao-niem-a-mi-da-phat/
Đạo hữu vào trang ĐẠO TRÀNG TU PHẬT sẽ có câu trả lời rốt ráo. Mục : A DI ĐÀ PHẬT hay A MI ĐÀ PHẬT. Chúc Đạo hữu tinh tấn. Diệu A Di Đà Phật _()_
Xin mọi người cho con hỏi, ngày trước con hay mất ngủ. Nên mỗi lần nằm xuống là niệm câu phật hiệu. Riết giờ quen luôn, cứ nằm xuống là câu đó xuất hiện trong não như vô thức vậy. Và dần dần ngủ 1 cách ngon lành. Không biết như vậy có tốt hay không ạ?
A DI ĐÀ PHẬT
rất tốt câu hồng danh A DI ĐÀ PHẬT rất là mầu nhiệm .
trong đời sống cũng như trong tu tập có rất nhiều người mất ngủ ,và khi ngủ thường nằm mơ thấy ma quỷ hay những cảnh tượng lung tung, nghĩa là tâm của họ vẫn còn xáo trộn chưa được định. nên những người nào mất ngủ hay thường nằm mơ thì trước khi đi ngủ nên niệm Phật thì khi ngủ mình sẽ không nằm mơ nữa và giấc ngủ sẽ sâu hơn ngon hơn ,các tổ dạy đi đứng nằm ngồi đều niệm Phật và lúc đi ngủ cũng niệm Phật ,người niệm Phật lâu ngày câu Phật hiệu sẽ gieo vào tâm, chủng tử Phật sẽ gieo vào tâm đến một lúc nào đó chủng tử này sẽ đâm chồi nảy lộc và sẽ tự bung trào ra đến lúc đó nó sẽ tự niệm .bạn nhờ niệm Phật mà tự chữa được chứng mất ngủ là tốt rồi không sao cả.
Nam mô A Di Đà Phật. Kinh bạch quý Thầy Cô và các bạn ,
Con xin thầy chỉ dạy cho con phương pháp nào để giúp con những điều nay:
– Con không còn bị nhấn chìm đến nghẹt thở trong cuộc sống lúc nào cũng bị áp lực về tài chính. Mỗi buổi sáng, khi con thuc dậy, con đều cảm thấy rất nặng nề trong tâm.
– mỗi một ngày trôi đi, con dường như cảm thấy rằng niềm hy vọng giúp đỡ những người thân và co gắng có được tài chính tốt để có phương tiện đền ơn cang lúc càng xa vời với con. Trước đây, con cứ nghĩ sau này con cố gắng làm ra tiền nhiều, con sẽ dùng tiền làm phương tiện giúp đỡ, đền ơn vì nếu không có tiền thì làm sao có phương tiện để làm gì. Nhưng 12 năm trôi qua, con vẫn cứ phải quay cuồng trong cái kiểm soát về tài chính của mình. Con làm ra tiền nhưng không thể giữ được nó mặc dù con không có ăn chơi gì cả. Bây giờ, con cảm giác quan niêm có lẽ con không thể dùng tiền để làm phương tiện cho mình rồi. Vậy xon phải dùng điều gì trong cuộc đời con để báo ân cuộc đời này?
Mơ ước để hoàn thành việc trở thành kỹ sư phải mất khoảng 5-6 năm, liệu có quá xa xỉ và đoi với một người trong độ tuổi 33. Con nên từ bỏ giấc mơ đang dang dở để làm một việc mình không yêu thích nhưng sẽ có thời gian kiếm tiền. Hay là con tiếp tục theo đuổi ước mơ, mặc kệ dòng thời gian có ra sao?
Có cách nào cho con thoát khỏi sự kỳ vọng về tiền bạc, mà con vẫn có thể đem đến lợi ích nhất cho gia đình, người thân, những người con mang ân tình. Có cách nào thoát khỏi sự kỳ vọng về tiền bạc để con cảm thấy an lạc theo đuổi ước mơ của mình mà không bị day dứt là mình bỏ mất cơ hội để kiếm tiền, vì theo con nghĩ kiếm tiền là đồng nghĩa có nhiều cơ hội để giúp đỡ người khác. Làm sao mà giúp đỡ được người khác khi mà mình không có tiền trong túi. Con mong có ai đó mở ra cho con một khái niệm mới, một phương pháp mới để con thực hành.
Kinh mong quý Thầy Cô và các bạn cho con ý kiến.
Con cảm ơn
Nam Mô A Di Đà Phật, thưa cô/chú ý Châu, cô/chú nên buông xả vạn duyên, tùy duyên niệm Phật ạ . Nam Mô A Di Đà Phật, chúc cô/chú thường tinh tấn niệm Phật
Bạn Ý Châu,
Bạn đang bị rối rắm nhứt đầu, không biết phải làm sao. Chỉ cần bạn buông xuống được thì bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhỏm, an vui và sáng suốt hơn. Muốn buông không phải dễ. Nếu bạn tìm chữ “buông xã” trong youtube.com bạn sẽ thấy có rất nhiều video giảng của qúy thầy cô. Nếu bạn có duyên với thầy hay cô nào bạn sẽ nhận được lời dạy của vị ấy. Chúc bạn sớm gặp được duyên may.
Để bổ túc câu trả lời ở trên, nếu bạn không cam tâm buông xã, thì youtube.com còn có 1 số video như sau:
Năm cách làm giàu – Thầy Thích Pháp Hoà
Giàu và nghèo – thầy Thích Tâm Nguyên
Làm thế nào để được giàu sang – Thầy Thích Trúc Thái Minh
Giàu và nghèo – thầy Thích Phước Tiến
Nhân duyên Giàu nghèo – thầy Thích Thiện Thuận
…và còn nhiều video khác để bạn tham khảo cách làm giàu. Chúc bạn nhiều may mắn gặp các duyên lành.
Thấy bạn có tâm trả ơn, giúp người thế nên mình chỉ cho. Cũng không biết là bạn có đọc đến hay không.
Nhận ơn nhất định phải trả, thấy người khó khăn thì cần nên giúp. Có tiền có khi cũng chẳng giúp được, nếu họ có quả báo nghèo hay bệnh thì dù có cho cho cũng tự tiêu tán, có chi tiền chữa bệnh cũng chẳng lành. Muốn giúp thật phải trị nơi gốc. Tất cả mọi khó khăn khổ não vô số hình tướng như vậy nhưng xét cho cùng cội gốc vẫn là kém phước, nhiều tội. Trị cái này niệm Phật là nhất (thâm ý nói sau). Nếu có thể hết lòng thành kính, niệm Phật chí tâm tất cảm đến Phật, tất có ứng nghiệm. Diệt tội, tăng phước thì tai qua nạn khỏi hay quả lớn chuyển nhẹ. Cứ niệm Phật hồi hướng cho tất cả là được. Gọi là bố thí công đức. Không cần tiền, cần thành tâm, cần siêng năng. Thiên hạ cũng khó có người làm được, đa phần chẳng tin, chẳng xem thường, chẳng siêng nên chẳng thấy cảm ứng lại sinh báng bổ. Hum để xem bạn thế nào đây.
Còn cái thâm ý ở trên là nói về việc bạn ngày ngày niệm Phật tất đã quen, lúc cấp nạn dễ nhớ đến niệm, lúc lâm chung tâm dễ chuyên chú. Nếu nay tu cái này mai tu cái khác, lòng hay thay đổi thì mấy lúc đó phiền lắm. Vả lại sinh tử là việc lớn, ai cũng phải chết, phải lót đường cho mình, cho người cầu cho mình và chúng sinh sớm được Phật đưa về Tây Phương là tối thượng thiện, cũng thuận bổn tâm của Phật. Dù bạn chỉ vì mình mà niệm Phật cầu vãng sanh, Ngài cũng hoan hỉ. Vì bạn thoát sinh tử cũng là bớt một chúng sinh luân hồi. Có được cả thế gian, làm hết việc lành thì sao chứ, chẳng cầu vãng sanh vẫn phải luân hồi. Được vãng sanh liền dứt hết khổ não, chẳng phải chịu khổ gì nữa. Nếu bạn sớm vãng sanh thì tất cả mọi thứ bạn lo rầu đều chẳng còn là vấn đề nữa, chẳng phải khổ như thế này
Dạ con hiểu đôi chút rồi ạ.con sẽ vẫn niệm A DI ĐÀ PHẬT ạ.
Nam Mô A Di Đà Phật, cháu là Phật tử tại gia năm nay đang học lớp 11và hiện vẫn đang đi học ạ,mong mọi người giúp cháu với ạ
Sự việc là như thế này : sáng ngày mai lớp cháu làm bài kiểm tra 1 tiết Toán, hồi sáng cháu có nói là cháu đến nhà bạn cháu học, nhưng chiều cháu nghĩ lại tự luyện mộ mình tốt hơn nên nhắn tin với hai cô bạn cháu là cháu không đến được và 2 người bạn cháu nghĩ cháu lừa dối họ và nghĩ những điều không tốt đẹp và chửi những câu văng tục với cháu, họ dọa là lên lớp cháu không có ai chơi và chửi bới cháu. Cháu bảo họ nghĩ sao về cháu cũng được , họ bảo cháu lừa dối, bạn đểu, cháu đều buông bỏ hết, vì trước đó hai người bạn của cháu đã 1 lần xúc phạm 1 anh Phật tử, cháu khuyên hai người họ sám hối, bây giờ họ lại làm thế với cháu. Nam Mô A Di Đà Phật, cháu thì buông bỏ không nhận những lời chửi ấy, họ luôn tự cho là họ đúng. Cháu phải làm sao đây ạ ? Nghiệp của họ không những chưa tiêu trừ mà còn tăng thêm ( nói xấu Phật tử, cười nhạo người niệm Phật ). Nam Mô A Di Đà Phật
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Bạn à, có lẽ bạn của bạn đã sai, nhưng bạn vẫn chưa đúng rồi. Xin mạn phép góp lời mong bạn đừng phật ý nhé.
Bạn hứa sẽ đến học nhóm rồi có thể 2 bạn ấy có những dự tính trong đầu, hoặc là muốn cùng bạn thảo luận các câu hỏi khó, hoặc là cách thức học tập, hoặc muốn thân thiết với bạn hơn.. mà bạn không đến có thể khiến 2 bạn ấy thất vọng chăng? Họ nghĩ là bạn chê họ dốt chăng?
Mình không rõ tình hình của bạn nhưng theo kinh nghiệm của bản thân muốn cho bạn lời khuyên rằng: học giỏi rất quan trọng nhưng tình bạn là thứ đưa bạn đi trên đường dài, dù những người bạn xấu bạn vẫn không nên xích mích vì họ thường nói xấu kiểu “báo oán”.
Còn việc bạn sợ họ tạo nghiệp, có ai khi chưa hiểu biết mà không tạo nghiệp? Bạn cứ sống đúng hết mình đi đã, rồi những lời nói việc làm của bạn sẽ khiến người khác thích thú tin nhận. Chỉ sợ bây giờ bạn càng khuyên giải họ càng tạo nghiệp.
Chúc bạn học tốt, nhiều an lạc.
Chào bạn Chơn Lâm Ánh,
Chắc là bạn biết về lý nhân quả, trong trường hợp này, bạn có nhận ra được là bạn đang gặt quả xấu mình đã gieo không? Rất rõ ràng là trong một kiếp lâu xa nào đó bạn đã từng cười nhạo người niệm Phật, đã từng chửi, văng tục,..với người, nên giờ đang gặt quả như vậy. Bạn chỉ thấy nhân mà người đang gieo, lại không thấy được quả mà mình đang gặt.
Thấy quả xấu thì nên tự mình sám hối. Còn với những người bạn của mình, hãy nên hồi hướng công đức cho họ, khi nào duyên chín mùi rồi thì hãy khuyên họ.
“Buông bỏ” khó lắm nha bạn. Nguy hiểm ở chỗ mình chưa thật buông mà cứ tưởng là mình buông rồi. Bạn nên cẩn trọng nhé.
Chúc bạn thường tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Chào bạn. Bạn đang nghĩ trong đầu thế này phải không: mình không giận họ nhưng họ bị tội nghiệp nặng như vậy mình phải làm gì để giúp họ. Nếu đúng như vậy thì đây là bước đầu của sự suy nghĩ “vì người, không vì mình”. Đây là suy nghĩ tích cực. Tuy nhiên, rất nhiều người tu học lạc vào suy nghĩ này và rút cục, suy nghĩ đó cũng chỉ đem lại phước báu trong lục đạo luân hồi mà thôi. Tu tập đúng pháp sẽ phát sanh trí huệ chân chánh, khi đó bạn sẽ hiểu rằng không phải ai mình cũng giúp được ngay, nếu cứ nhất định muốn làm 1 cái gì đó ngay sẽ khiến ta sanh phiền não. Bây giờ bạn hãy nghe theo lời các cư sĩ khác, không nghĩ tới nghiệp chướng của các bạn của bạn và tập trung niệm Phật. Bạn vãng sanh Tây phương thì đời sau giúp họ cũng được mà. Diệu Minh cũng xin góp ý với bạn: hãy tập trung, cái gì cần nói thì nói. Người khác hỏi mà mình có thể trả lời được hãy nói/comment. Bạn còn trẻ mà có duyên với Phật pháp, nếu tu tập đúng pháp sẽ là rất tốt. A Di Đà Phật!
vâng ạ , Nam Mô A Di Đà Phật, cháu sẽ cố gắng buông xả ạ
Bạn nhỏ. Theo mình, nếu là mình thì mình thấy chẳng nên quản chuyện người khác, họ có nhân duyên của họ, khi nào nhân duyên đầy đủ họ sẽ hiểu, chẳng tới phiên mình quản. Mình đã chẳng giỏi giang quản không khéo lại thêm rắc rối về mình, họ có khi lại hủy báng Phật Pháp lại tệ hơn. Rút kinh nghiệm vậy. Còn vấn đề trước mắt cứ nghĩ mình đang đên nợ cũ mà chuyên tâm niệm Phật, đừng ảo não, buồn lòng, có nợ tất phải trả, không chịu trả cũng bắt phải trả, bạn không có quyền quyết định đâu. Thôi cứ chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh, người thật sư thành tâm niệm Phật cầu vãng sanh thì phước báo thế gian như tiêu tội, khỏe mạnh, sống lâu,…đều có vì có chư Phật gia trì, Bồ Tát ủng hộ. Nếu chẳng cầu vãng sanh mà cầu tiêu tội, giàu có,… thì cũng có hiệu quả nhưng quả ấy kém cỏi hơn nhiều, lại thành nhân vãng sanh nữa. Thế gian người làm được việc này cũng là hiếm có đấy, đa phần chẳng tin, chẳng thành kính, chẳng siêng năng nên chẳng cảm đến Phật, nên không có ứng nghiệm, thấy vậy lại quay ra hủy báng. Hum để coi bạn thế nào đây
Phật tử Chơn Lâm Ánh,
Cháu đang học lớp 11 còn rất trẻ, lại đang ở tuổi thích gần bạn bè mà bị bạn đối xử như vậy thì dù muốn dù không cũng cảm thấy tổn thương. Cháu hay nghĩ như vầy. Cháu (và tất cả mọi người) đã từng gieo nhân xấu trong quá khứ nên bị gặt quả xấu là chuyện bình thường. Bị người ta thóa mạ thì sẽ trả nghiệp mau hơn.
Cháu là Phật tử, đây là bài học để rèn tánh nhẫn của mình. Đừng lo nhìn sự sai lầm của bạn mình mà hãy quay vào trong quan sát tâm của mình. Cháu hay canh chừng tâm tham sân si của mình, nhận diện nó, quan sát nó, chấp nhận nó: “Ừ tâm sân của mình nỗi lên”. Rồi thở mạnh buông xã nó đi, rồi niệm Phật thật nhiều. Hãy giữ tâm cháu cho cẩn thận. Bạn cháu làm đúng hay sai không can dự đến cháu. Họ đang gây nghiệp xấu, tội gì cháu phải sanh phiền não để bị họ lội theo xuống bùn. Cháu phải làm đi làm lại nhiều lần vì tâm phiền não sẽ trở đi trở lại nhiều lần trước khi cháu có thể thật sự xả nó hết.
Nam Mô a Di Đà Phật cháu cảm ơn cô/chú/bác Khổ Đế bà mọi người rất nhiều ạ, cháu sẽ rút kinh nghiệm trong quá trình tu tập của mình ạ. Nam Mô A Di Đà Phật
Dạ kính thưa mọi người, con năm nay 18t. Trong thời gian qua, con có gặp 1 số vấn đề, kính mong mọi người hoan hỷ giải đáp giúp con, con cám ơn ạ.
1/ Tối khuya, con có ra giữ sân nhà, trước bàn Ông Thiên thắp hương lạy Trời Phật. Sau đó con dùng điện thoại và bật nhạc Thiền lên ngồi nghe. Trong lúc nghe con thả lỏng thân thể hoàn toàn, không suy nghĩ đến mọi chuyện và chỉ quán tưởng hình Phật A Di Đà trong đầu. Mọi người cho con hỏi con làm vậy là được không ạ ? Nghe nhạc Thiền mà quá tưởng đến Phật A Di Đà thì có tội gì không ạ ? Con có nên làm vậy nữa không ạ ?
2/ Mẹ con ở nhà làm vườn, suốt ngày cũng chỉ lam lũ mưu sinh. Nhưng có lẽ là có duyên với Phật Pháp nên Mẹ con nói là “Mẹ thường niệm Phật lúc rãnh rỗi”. Tuy nhiên Mẹ lại nói thêm là ” Mẹ niệm hết, Phật nào Mẹ cũng niệm”. Vả lại, Mẹ con có 1 lòng tin và kính trọng với Đức Quan Âm Bồ Tát rất lớn, Mẹ hay niệm Quan Âm Bồ Tát rồi niệm Phật A Di Đà rồi niệm Phật Thích Ca. Con sợ Mẹ niệm nhưng không được “trì danh hiệu Phật A Di Đà” nên con mới nói ” thôi, mai mốt Mẹ niệm A Di Đà Phật thôi nha Mẹ, không niệm Quan Âm Bồ Tát nữa” , sau này suy nghĩ lại mới thấy mình nói vậy không biết có xúc phạm Quan Âm Bồ Tát không ? Con thấy thương Quan Âm Bồ Tát vì con đã nói như vậy, con thấy con có lỗi quá.
Bạn Phạm T thân mến,
Trong 2 câu hỏi của bạn, mình chỉ biết một phần nhỏ của câu 1 thôi nên xin thưa cùng bạn. Nếu bạn đã tin Phật thì không nên lạy Trời hay Ông Thiên (ông Trời) …gì đó! Vị họ chỉ là thuộc hàng “phàm phu cấp cao” (lời Hòa Thượng Tịnh Không) chứ không phải thuộc hàng Thánh Chúng, họ còn phải lể lạy chư thánh tăng của cõi người nữa đó! Bạn chỉ nên lạy chư Phật và chư Bồ Tát thôi nhé!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Chào bạn Phạm T,
Xin được chia sẻ với bạn vài ý như sau.
– Nghe nhạc Thiền cùng lúc quán tưởng Phật A Di Đà: tội thì chắc là không có rồi, nhưng có thể dẫn đến những chuyện không tốt trong đường tu của bạn. Nếu bạn chú trọng thiền thì nên tìm hiểu và thực hiện tu tập thiền định cho đúng như pháp. Còn nếu bạn tu quán tưởng Phật A Di Đà thì nên đọc kỹ cho hiểu rõ ràng về các phép quán trong kinh “Quán Vô Lượng Thọ” mà hành đúng như vậy, chớ nên nghe thêm nhạc hay gì khác trong lúc quán. Vì quán tưởng là tập trung vào căn ý, chỉ mỗi một căn thôi là đã quá khó rồi, nay lại thêm âm thanh quấy động từ căn tai, nếu không khéo coi chừng “tẩu hoả nhập ma” nha bạn. Ngoài ra, trong kinh Quán Vô Lượng Thọ đã ghi rõ, nếu quán không đúng như kinh dạy thì đó là tà quán, cho nên bạn hãy cẩn trọng nhé.
– Nếu bạn tu Tịnh Độ cầu vãng sanh Cực lạc thì PH khuyên bạn nên thực hành hạnh “trì danh”, tức là niệm Phật. Lý do là vì phần đông phàm phu chúng ta tâm lực yếu kém nên rất khó thành tựu pháp quán như kinh chỉ dạy. Trong khi đó với phàm phu chúng ta thì hạnh trì danh niệm Phật dễ thực hành hơn.
– Mẹ bạn quả rất có căn lành. Bạn khuyên như thế chắc là vì muốn mẹ vãng sanh Cực lạc phải không? Nếu như thế thì bạn nhớ giảng, hoặc cho mẹ nghe pháp về Tịnh Độ nhé, mà điều kiện chính yếu để vãng sanh là Tín, Nguyện, Hạnh. Tín, Nguyện rất là quan trọng, thiếu là không vãng sanh được đâu, cho nên nhớ đừng bỏ qua, hay lơ là phần này nhé. Nếu bạn vì muốn mẹ vãng sanh mà khuyên mẹ chỉ nên nhất tâm trì niệm đức A Di Đà là đúng như pháp rồi, cho nên bạn đừng ngại. Chư Bồ tát là bậc thánh, chẳng còn tham, sân si như chúng ta đâu nên các ngài không việc gì đâu.
Chúc bạn thường tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Phạm T!
MD có thêm đôi lời ngắn gọn.
*Nghe nhạc Phật là điều tốt [thay vì nghe các loại nhạc trữ tình, nhạc giật…]. Và khi nghe nhạc hoặc có thể trong mọi thời khắc quán tưởng đến hình tượng Phật- Bồ Tát, nhớ nghĩ danh hiệu A Di Đà Phật là điều tốt hơn nữa.
*Bạn khuyên mẹ nên “chỉ niệm A Di Đà Phật”- bạn không sai, mà chỉ thiếu. Người tu tịnh độ chỉ nên niệm A Di Đà Phật nhằm huân tập tiếng niệm Phật thuần thục, đạt đến nhất tâm, đảm bảo cho sự vãng sinh. Song cũng có thể niệm thêm các danh hiệu chư Phật, Bồ Tát khác; đem công đức hồi hướng Tây Phương Cực Lạc; bởi mỗi chúng sanh đều có căn cơ khác nhau (người thích niệm Kinh, trì Chú, lại có người muốn niệm A Di Đà Phật, người muốn niệm Dựơc Sư Phật, Bồ Tát Quan Thế Âm, …) nên chúng ta chỉ dùng phương tiện khéo để khuyến hóa chứ không nên áp đặt phải niệm A Di Đà Phật.
Mẹ bạn có niềm tin vào Bồ Tát Quan Thế Âm thời nên để mẹ niệm danh hiệu Ngài. Vị Bồ Tát này có duyên rất lớn với chúng sanh, lại là một trong hai vị đại sỹ “hỗ trợ” đức Phật A Di Đà tiếp độ chúng sanh về Tây Phương. Bạn hãy khuyên mẹ ngoài niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Thế Âm nên niệm hồng danh A Di Đà Phật (niệm 500 lần Bồ Tát Quan Âm thì niệm A Di Đà Phật 1000 lần) hồi hướng về Cực Lạc Quốc Độ.
Chúc gia đình bạn sen thính pháp an, tin sâu Tịnh độ, vãng sanh Tịnh Thổ.
Nam mô A Di Đà Phật
Như cư sĩ Phước Huệ đã phúc đáp cho bạn PhạmT rồi đó,kinh Quán Vô Lượng Thọ có nói rõ về các phép Quán,bạn T đọc kỹ nhé,xem phép Quán có dạy ta vừa Quán vừa nghe nhạc ko ? Cẩn thận,Quán ko đúng như kinh dạy thì đó là tà quán.
Như cư sĩ Phước Huệ đã nói,bạn T nên trì danh niệm Phật hơn là dùng pháp Quán,vì pháp Quán khó thành tựu hơn.
Thay vì mở nhạc Thiền,thì bạn hãy mở nhạc niệm Phật,và niệm theo,thế có phải hơn k.
A di đà phật ! Phạm T nếu dùng phương pháp Quán thì phải quán theo đúng kinh Quán VLT dạy,kẻo sai Pháp !
Nhưng Phạm T này,phương pháp quán thì khó,chả thế mà có câu”cảnh tế,tâm thô,diệu Quán khó thành”.
Vậy nên cứ trì danh niệm Phật là phương pháp dễ nhất,đc đức Thế Tôn và chư tổ tịnh độ khuyến hành.A di đà phật
A Di Đà Phật
Chào các đạo hữu!
Ở đây chúng ta cần phân biệt rõ pháp quán tưởng niệm Phật (đây là một trong các pháp tu Tịnh độ, song song với pháp trì danh niệm Phật) – với sự quán tưởng (nhớ nghĩ).
-Nếu hành giả tu tịnh nghiệp không chọn trì danh niệm Phật, mà là quán tưởng niệm Phật thì đúng là cần đọc hiểu rõ 16 pháp quán trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ đã chỉ dạy, lại cần minh sư chỉ dẫn hành đúng pháp. Pháp quán tưởng niệm Phật thường dành cho bậc thượng căn.
-Với bậc hạ căn như chúng ta đây đa phần đều chọn pháp trì danh niệm Phật; và khi trì danh (làm cốt yếu), có thể kết hợp với quán tưởng, và sự quán tưởng lúc này là tập trung ý nghĩ vào một chỗ nhằm tăng thêm tín nguyện. Dụ các hành giả kinh hành niệm Phật, quán tưởng đang bước trên cánh hoa sen. Lại miệng niệm câu Phật hiệu liên tục, chẳng gián đoạn là vậy, khi ngừng tiếng niệm Phật quán tưởng đến hình tượng Phật A Di Đà, cõi Tây Phương Cực… Niệm niệm chẳng rời A Di Đà Phật và cõi nước trang nghiêm kia thì sự nghiệp vãng sanh sao không thành tựu. Như vậy sự quán tưởng ở đây không có gì để các hành giả phải e dè cả.
Vài lời vụng cạn. Nếu có sai sót mong nhận được góp ý của quý đạo hữu để cùng sáng tỏ!
Nam mô A Di Đà Phật
Ở đây cần phân biệt rõ pháp Quán Tưởng(chỉ đơn thuần là quán tưởng,ko kèm niệm Phật)& pháp Quán tưởng niệm phật(niệm phật và quán tưởng kết hợp).
2 pháp này có sự khác biệt rõ rệt.
nếu hành giả dụng công dùng pháp Quán tưởng đơn thuần,thì cũng nhất định phải theo đúng lời dạy trong Quán Kinh,tập trung vào một việc quán tưởng Phật,ko thể vừa quán tưởng vừa lắng nghe nhạc được -> phân tâm,thế là không đúng pháp.A DI ĐÀ PHẬT
Việc nghe nhạc thiền vừa quán Phật A Di Đà thì có chỗ tốt nhưng suy cho cùng cũng chẳng phải là pháp mà Phật Thích Ca phó chúc. Ngài đã tới Phật vị, trí tuệ tất nhiên là không ai hơn. Ngài phó chúc niệm Phật tất có chỗ thâm diệu, nên thuận theo mà làm là hơn. Ý thánh khó dò, như mình đoán là vì Pháp này dễ hành, dễ thành nhất, phước đức lớn, hợp với mọi căn cơ, nhất là dạng hèn kém thời mạt như chúng ta.
Còn về mẹ bạn, theo mình thì bạn đừng quản đến, mỗi người có nhân duyên khác nhau, rất phức tạo, nói thật bạn chẳng giỏi đủ để quản nổi việc này đâu, không khéo lại gây thêm nhiêu hại. Sai này trước kia mình cũng phạm, cũng thấy nhiều người phạm. Người quản nỗi chỉ có chư Phật Bồ Tát, chỉ có các Ngài mới đủ trí, đủ lực, đáng tin cậy vậy. Nên thường cầu chư Phật Bồ Tát chở che, chăm sóc, dẫn dắt mẹ bạn là hơn hết.
Thưa thầy Thiện Nhân: Hòa thượng Tịnh Không có dạy nên dùng phương pháp Thập Niệm niệm 10 hơi Phật hiệu. Mỗi ngày sáng tối đều niệm 10 hơi Phật hiệu, suốt cả đời chẳng gián đoạn ngày nào, đây gọi là “chẳng gián đoạn”, quý vị cần phải hiểu cho rõ ràng cái ý nghĩa này. Quý vị tuyệt đối đừng xem thường phương pháp Thập Niệm này, nó sẽ dưỡng thành thói quen niệm Phật cho quý vị.
Thầy cho con hỏi niệm 10 hơi là niệm như thế nào ạ? về nghi thức thực hiện như thế nào ạ? Con xin thầy chỉ bảo để con nắm rõ hơn để có thể áp dụng đúng.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi Bạn Diệu Sắc,
Mong bạn hoan hỉ đọc thật kỹ bài dưới đây để hiểu cụ thể về pháp hành trì này nhé.
Pháp niệm Phật mười hơi
TN
PHƯƠNG PHÁP NIỆM 10 DANH HIỆU A DI ĐÀ PHẬT
Pháp Sư Tịnh Không giảng Phương pháp niệm 10 danh hiệu A-Di-Đà Phật là phương pháp đơn giản, lợi ích thiết thực trong việc hành trì pháp môn niệm Phật. Đặc biệt thích hợp với những người ít có thời gian tu tập. Hành trì theo phương pháp nầy sẽ giúp cho chúng ta nhất tâm chánh niệm A-Di-Đà Phật và giúp cho chúng ta an lạc thanh thản ngay trong giây phút hiện tại. Thời khóa hành trì được bắt đầu khi chúng ta thức giấc vào sáng sớm. Chúng ta ngồi thẳng người và niệm rõ ràng danh hiệu A-Di-Đà Phật 10 lần với tâm chánh niệm, niệm lớn tiếng hay niệm thầm tùy theo ý muốn từng người. Chúng ta lặp lại công phu nầy 8 lần nữa trong một ngày. Như vậy, chúng ta công phu theo phương pháp nầy 9 lần trong mỗi ngày. Thời gian đó được đề nghị như sau:
1.Ngay khi vừa thức giấc buổi sáng sớm.
2.Trước khi bắt đầu dùng điểm tâm.
3.Sau khi dùng điểm tâm.
4.Trước khi làm việc chính trong ngày.
5.Trước khi ăn trưa.
6.Sau khi ăn trưa.
7.Trước khi ăn tối.
8.Sau khi ăn tối.
9.Lúc đi ngủ.
Quan trọng nhất là hành trì đều đặn.Sự gián đoạn, không kiên nhẫn khi hành trì sẽ làm giảm hiệu lực tác dụng. Nếu hành trì liên tục, tinh cần thì người tu sẽ thấy càng ngày thân tâm càng gia tăng niềm an lạc. Tinh tấn hành trì phương pháp niệm 10 danh hiệu A-Di-Đà Phật kết hợp với niềm tin và bản nguyện chân chính không thay đổi, chắc chắn bảo đảm tâm nguyện vãng sanh cõi Tây phương Cực Lạc, cõi Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang sẽ được thành tựu.
Nguyện rằng mọi người đều cùng nhau tu tập! NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Trích từ “Nhận Thức Phật Giáo” – Pháp Sư Tịnh Không giảng
Bản dịch Việt ngữ: Thích Nhuận Châu
Tịnh thất Từ Nghiêm – Đại Tòng Lâm
PL.2547 – DL.2003
gởi cư sỹ phước huệ.. con xin chào cư sỹ phước huệ con có chút khó khăn Xin nhờ cư sĩ Phước Huệ giúp đỡ Cho con. Con có một người chị năm nay đã 40 tuổi lại muốn đi tu , Nhờ con giúp đỡ cho chị đi tu. Con muốn đem pháp môn niệm Phật nói cho chị nghe mà không biết nói như thế nào cho chị hiểu con xin Cư sĩ Phước Huệ chỉ dạy Cho con. Nam mô a di đà phật
Chào bạn Quốc Dũng,
PH xin được chia sẻ với bạn những điều ít ỏi mà mình biết thôi chứ không dám “chỉ dạy” đâu. Như PH đoán thì người chị của bạn muốn được tu hành theo Phật pháp và nhờ bạn chỉ một phương pháp tu phải không? Nếu như chị ấy muốn xuất gia vào chùa tu học làm một vị tỳ kheo ni thì PH sẽ có góp ý khác, ở đây PH sẽ chỉ chia sẻ với bạn vài ý về pháp môn Tịnh Độ (niệm Phật). Cho nên nếu chị ấy muốn xuất gia thì bạn gởi lại cho PH biết nhé.
Bạn hãy giới thiệu chị đọc quyển Niệm Phật Thập Yếu của cố Hoà thượng Thích Thiền Tâm nhé, có đầy đủ và chi tiết các thông tin cơ bản về pháp môn Tịnh Độ mà người tu niệm Phật cần biết. Khi có thời gian thì chị hãy nghe thêm các bài giảng về nhân quả, vô thường, kinh A Di Đà, Vô Lượng Thọ,…
http://thuvienhoasen.org/a449/niem-phat-thap-yeu
Trước mắt bạn có thể chia sẻ nhanh với chị những thông tin như sau.
1. Vì sao phải tu pháp môn Tịnh Độ:
-Ở cõi Ta Bà, chúng sanh chúng ta chịu rất nhiều khổ sở, bạn có thể thấy điều đó ở mọi nơi ví dụ như: khổ vì bệnh, nghèo khó, vất vả, bị mất người thân, bị người ganh ghét,.. Tuy nhiên, có một nỗi khổ lớn lao hơn, khốc liệt hơn mà không phải ai cũng nhận ra (mặc dù ai cũng phải trải qua), đó là nỗi khổ sinh tử luân hồi. Nghĩa là, ai cũng phải chết đi và khi tái sanh trở lại thì có người phải chịu khổ nơi địa ngục, hoặc làm ngạ quỷ, súc sanh, may mắn biết tu học thì có thể được làm người hoặc sanh về cõi trời (nhưng rất ít). Tuy nhiên, ngay cả khi được sanh vào cõi người, trời rồi, cũng không có gì đảm bảo là khi hết kiếp là được làm trời, người tiếp tục, vì hết phước thì có khi bị đoạ lại địa ngục, súc sanh,.. Mà bạn nghĩ xem, ví dụ làm con trâu, con heo, con cá,..khổ sở biết bao, con người muốn bắt giết khi nào cũng được, nên rất là cay đắng!
– Cho nên ta phải tu tập để thoát khỏi cái khổ kinh khủng đó. Phật dạy nhiều pháp môn, nhưng pháp môn dễ thực hành, ngay trong một đời này, nếu hành trì đúng như Phật dạy thì sẽ thoát luân hồi sinh tử khổ là pháp môn Tịnh Độ.
– Chúng ta không ai biết được mình khi nào sẽ chết. Có nhiều người còn trẻ, sức khoẻ rất tốt, cứ nghĩ mình sẽ còn sống được lâu dài, nào ngờ khoảnh khắc sau đã không còn nữa. Phật đã dạy, “mạng người chỉ trong hơi thở”, nghĩa là hít vào thở ra, mà không hít vào nữa là đã qua một kiếp khác vào bào thai con trâu, con bò, gà vịt,..mà không hay rồi. Như PH ngồi đây gởi phúc đáp cho bạn, biết đâu lát nữa đã qua một đời khác. Đó gọi là vô thường, nghĩa là nó không có thường, không hằng có hoài, mà nó có đó rồi mất đó. Cho nên, ngay khi mình thấy điều này, là phải tu ngay chứ không đợi chờ gì hết.
2. Tín: là tin, và phải thật sự tin . Đây là phần khó của pháp môn này. Xin được nói đại khái vài ý như sau.
– Tin cõi Cực lạc có thật: Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni đã dạy cho ta biết về cõi Cực lạc ở trong kinh A Di Đà,..và khuyên lơn chúng ta hãy mong muốn, phát ra nguyện vọng muốn sanh về đó. Cõi đó sung sướng thanh tịnh tuyệt vời, không thể nói hết được. Ở đây chỉ nói lên điểm có lợi nhất cho chúng ta là, khi sanh về cõi đó rồi, nhờ sự giáo hoá, nhiếp thọ của đức Phật A Di Đà mà ta không bao giờ bị tái sanh vào những cõi khổ nữa mà sẽ cứ sung sướng như thế mà tu cho đến lúc thành Phật độ hết người thân kẻ oán cũng thành Phật như mình. Cõi đó có thật vì đức Phật Thích Ca đã tuyên nói. Ví dụ, có một người rất thực thà, từ nhỏ tới già không bao giờ nói dối, thì khi bạn nghe người đó nói gì là mình biết họ nói sự thật, vì thế nên mình tin cái thông tin mà họ nói. Còn đức Phật là người chân thật bậc nhất, thì khi ngài nói có cõi Cực lạc như thế thì nhất định phải có cõi Cực lạc như thế. Nó chân thật như là cõi Ta Bà mình vậy, chỉ có điều nó tốt, tuyệt vời hơn không biết bao nhiêu lần.
– Tin Phật A Di Đà: Phật A Di Đà đã có lời thề, lâm chung mà muốn sanh về Cực lạc, nhớ xưng danh hiệu ngài thì ngài sẽ tiếp dẫn vãng sanh về đó. Phật là bậc chân thật bậc nhất nên khi ngài đã nói thì sẽ làm đúng như thế, hãy nhớ kỹ điểm này.
– Tin mình khi thực hành đúng thì sẽ được sanh về: giống như khi bạn ký hợp đồng vậy, bên A và B có những trách nhiệm, những điều cần làm. Thì khi bên A đã làm đúng như yêu cầu, thì bên B phải đáp ứng. Ở đây bên B là Phật A Di Đà, có cam kết là sẽ tiếp dẫn chúng sanh có ý nguyện muốn sanh về Cực lạc và niệm Phật. Còn bên A là chúng ta đó. Khi chúng ta có đủ thật Tín, thật Nguyện và lâm chung niệm Phật thì nghĩa là ta và ngài đã ký kết vào hợp đồng rồi, nên chúng ta sẽ lo phần của mình cho tốt, còn ngài thì làm việc của ngài đã ký kết.
3. Nguyện vãng sanh: khi hiểu rõ thì ta mong muốn, phát nguyện được sanh về đó. Mong muốn này phải làm sao thật mãnh liệt, tha thiết như là một người mẹ mất con, ngày đêm luôn mong mỏi gặp được con, phải thật mãnh liệt thì lúc lâm chung mình mới nhớ tới cái nguyện này. Lâm chung rất là đau đớn, lại thêm phải xa lìa thân thuộc rất đau khổ, nên nếu mình không biết vun bồi cái nguyện vãng sanh thì dễ bị những mong muốn khác lôi kéo, ví dụ: muốn hết bệnh, hết đau, muốn ở lại với con cháu,.. Mà nếu mà mình buông xuôi theo những mong muốn đó thì sẽ bị luân hồi. Nên phải cẩn trọng ở điểm này. Nên đọc, nghe, các bài giảng kinh Tịnh Độ để xây cho mình cái Nguyện vững chắc, cũng như nên cầu Tam Bảo gia hộ giúp mình có thật Tín, thật Nguyện. Bạn có thể khuyên chị nghe bài giảng Kinh A Di Đà Yếu Giải của cố sư bà Hải Triều Âm nhé, rất giản dị mà bồi đắp cho ta thật Tín, thật Nguyện.
4. Thực hành: Có nhiều cách, ở đây chỉ xin đưa ra cách đơn giản, dễ cho người tu tại gia. Đó là phương pháp trì danh. Bạn có thể xem trong Niệm Phật Thập Yếu để biết chi tiết và cách thức nhé. Điểm cần lưu ý là khi niệm Phật thì phải chú tâm, nghĩa là “tâm niệm”, chứ không phải chỉ niệm nơi miệng và nên nhiếp tâm niệm mọi lúc chứ không phải chỉ trong buổi chính niệm Phật. Nhờ vậy mà lâm chung ta mới dễ niệm Phật được. Tập khí “không niệm Phật, niệm nghĩ lung tung” của chúng ta sâu dày lắm, nên mình phải tập niệm Phật thường xuyên mỗi ngày mới được.
Ngoài ra, bạn cũng khuyên chị tìm hiểu và quy y Tam Bảo và giữ 5 giới nhé.
Thật sự một lời khó nói hết, nên nếu bạn phát tâm muốn giúp chị ấy thì nên xem và hiểu cho kỹ quyển Niệm Phật Thập Yếu rồi chia sẻ với chị.
Bạn có thắc mắc gì thì cứ gởi lên đây nhé, PH và các bạn sen có ai biết thì sẽ chia sẻ với bạn. Mà, hy vọng là bạn cũng đã phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc rồi.
Chúc bạn thường an lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cuốn Niệm Phật Thập Yếu thật hay,thật rất cần thiết cho ng tu niệm Phật.
xin cảm tạ bài phúc đáp chi tiết của cư sĩ Phước Huệ ạ
A di đà phật. Con xin cảm ơn cư sỹ phước Huệ phúc đáp cho con. Con xem thật nhiều lần mà Không hiểu sao nước mắt cứ chảy. Lòng con cảm xúc Thật nhiều, con đã đưa phúc đáp này cho chị con xem Để chị suy nghĩ. Con hiện giờ đã có gia đình con gái bốn tuổi, sao có điều gì thúc giục con trong lòng là con phải ra đi tìm đạo. Hôm nay con có nhân duyên gặp được Pháp Môn Tịnh độ con không muốn bỏ qua cơ hội này. Con định qua tết sẽ đi tìm đạo. tuy rằng con thương con gái con vợ con thật nhiều nhưng con quyết định phải ra đi .con xin đường về cõi tịnh, Cư sĩ Phước Huệ Cho con một lời khuyên à di đà phật con xin cám ơn …
Đọc đến comment thứ 2 của bạn, Diệu Minh thấy bạn quả là người có thiện căn nên xin phép có đôi lời. Thực ra câu hỏi của bạn đặt ra không dễ trả lời, vì các cô chú anh chị ở đây đều là cư sĩ tại gia. Tất cả do tùy bạn quyết định, tùy vào thiện căn phước đức nhân duyên của bạn mà thôi. Trước khi quyết định bạn hãy cân nhắc kỹ. Có câu: 1 hạt gạo thí chủ bố thí nặng như núi Tu Di, đời này không liễu đạo, mang lông đội sừng trả; và trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều. 2 câu này cho thấy xuất gia là 1 việc rất khó, nếu không cẩn trọng thì quả báo vô cùng nặng nề. Bạn hãy tự hỏi mình xem bạn có thể hoàn toàn buông bỏ cha mẹ, vợ con, thậm chí không liên lạc gì hay không? Bạn có thể xả bỏ hoàn toàn tiền tài danh vọng lợi dưỡng hay không? Bạn có thể chịu khổ (chịu nóng, chịu lạnh, chị đau khi tĩnh tọa hoặc tọa thiền, thậm chí rèn luyện ngày chỉ ăn 1 bữa, ngủ 3-4 tiếng, thậm chí ngủ ngồi, không TV sách báo, v.v) hay không? Bạn có thể thọ giới sa di, rồi giới tì kheo hay không? Diệu Minh mới chỉ biết chút ít về người xuất gia như vậy, nêu ra để bạn cân nhắc & quyết định.
Dưới đây Diệu Minh sẽ post 1 số bài khai thị của hòa thượng Tuyên Hóa về xuất gia, bạn có thể đọc & suy nghĩ. Ngoài ra còn có cuốn Cẩm nang tu đạo của Hòa thượng Quảng Khâm, bạn cũng có thể đọc nhé. A Di Đà Phật!
Chào bạn Quốc Dũng,
Bạn quả thật có thiện căn thật sâu dày với pháp môn Tịnh Độ. Thật là đáng quý. Có một điều PH xin chia sẻ nhanh với bạn là bạn không cần phải xuất gia “đi tìm đạo”; vì bất kỳ ai, tại gia hay xuất gia, nếu có đủ thật Tín, thật Nguyện và chuyên cần niệm Phật là sẽ được vãng sanh. Cho nên bạn chớ nên nghĩ rằng bạn phải bỏ gia đình, vợ con để tu Tịnh Độ, vì điều kiện để được vãng sanh không phải là phải xuất gia. Ngay bây giờ, khi bạn đã tin như thế, thì hãy đến trước bàn thờ Phật, hoặc hướng về phía Tây (là hướng của cõi Cực lạc nơi mà đức A Di Đà đang thuyết pháp) tự mình phát nguyện đơn giản như thế này ” Con tên là..nay có cơ duyên nghe biết pháp môn Tịnh Độ, con thật mong muốn được sanh về cõi Cực lạc, nguyện đức A Di Đà từ bi nhiếp thọ con, nguyện cho con lâm chung được ngài tiếp dẫn vãng sanh về cõi Cực lạc” và rồi niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”, càng nhiều càng tốt, sau đó thì hồi hướng cho tất cả chúng sanh đều được hưởng công đức đó mà cùng vãng sanh Cực lạc. Chỉ như vậy thôi là bạn đã bắt đầu bước trên con đường về Cực lạc rồi đó (cứ giữ như thế suốt đời không đổi, vậy là bạn đã ký hợp đồng về Cực lạc rồi đó). Không cần phải đợi gì hết, không cần phải rời bỏ gia đình. Điểm quan trọng là ta phải giữ cho được cái nguyện thiết tha, tín sâu và chuyên niệm Phật từ đây cho đến lúc cuối đời, tránh tình trạng càng về sau càng nguội lạnh với ý nguyện vãng sanh, rồi niệm Phật lơ là.
Bình thường khi có vị nào chia sẻ ý nguyện xuất gia, PH rất tán thán và khuyến khích. Tuy nhiên, nếu nghĩ phải xuất gia mới có thể tu được thì không chính xác lắm. Xuất gia là một việc hết sức hệ trọng, không nên xuất phát từ một cảm xúc, một quyết định quá nhanh. Tu tại gia dĩ nhiên có những bất lợi, nhưng nếu ta đủ khéo, đủ từ bi thì sẽ tu được mà còn giúp cho người thân của mình cùng giác ngộ như mình.
Cho nên, bạn nên phát nguyện và tu niệm Phật ngay từ giờ phút này, chứ không đợi đến lúc nào cả, không cần phải đợi xuất gia mới tu. Ý của PH là ở đó, giác ngộ là tu ngay, là niệm Phật ngay tức khắc. Mà niệm Phật thì lúc nào bạn cũng có thể niệm được mà, chớ nên chờ đợi gì nữa. Ngay giờ phút bạn phát nguyện, niệm Phật thì cõi Cực lạc đã xuất hiện một nụ sen của bạn rồi, nên hãy thực hành ngay đi bạn nhé.
Chúc bạn thường tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật.Chào bạn Quốc Dũng trong khi chờ đợi chư vị Liên Hữu góp ý cho bạn.Mình có đôi lời góp ý,Đạo và đời không tách rời nhau,nếu bạn cho rằng tách đời để tìm đạo thì lầm lớn.Đạo là ngay cuộc sống hằng ngày.Pháp môn Tịnh Độ hợp mọi căn cơ thích ứng mọi hoàn cảnh của chúng sinh.Chỉ cần bạn Tin sâu,Nguyện Thiết,luôn luôn Trì giữ lục tự hồng danh Nam Mô A DI Đà Phật.Mình cũng giống bạn cũng là một người có gd,đôi lúc cũng nghĩ giá như mình biết giác ngộ sớm hơn để khỏi vướng bận chuyện gd.Nhưng mình nghĩ lại sớm hay muộn không bằng đúng thời cơ.Khi gặp được thời cơ có nắm bắt có thật Tu để thoát ly Sinh Tử hay không.Khi đã quyết ly sinh tử thì có gd hay không có gd chẳng làm ta vướng bận,cảnh động mà Tâm ta không động,vì Tâm ta luôn Trì giữ một câu Phật hiệu thì sao còn bị động với cảnh nữa.Đôi lời góp ý không khỏi thiếu sớt mong chư vị liên hữu góp ý thêm.
Chào bạn Quốc Dũng,
Xin được chia sẻ thêm với bạn hy vọng có thêm thông tin để bạn tham khảo.
1. Buông bỏ: ta thường nghe nói tu là phải buông bỏ, tuy nhiên lại thường hiểu không đúng ý này, cho là buông bỏ người thân, gia đình, cuộc đời,..mới là tu. Thật ra ý này nghĩa là ta phải tập buông bỏ cái vọng tâm tham, sân, si, chấp ngã, yêu, ghét,.. Ở đây bạn thấy là chú trọng đến tu tâm, mà tu tâm thì tại gia hay xuất gia gì cũng đều tu được. Với người tu Tịnh Độ, ví dụ khi nghe ai đó nói lời khó nghe, bình thường thì sẽ nổi sân, nhưng do ta đã có hiểu biết, hoặc dựa trên nhân quả thì hiểu đây là quả, trước đây mình đã từng nặng lời với người, hiểu nhân quả nên sẽ không nổi sân mà sẽ nhiếp tâm niệm Phật. Hoặc bình thường khi ăn thức ăn dở, mình sẽ thấy khó chịu, thì nay, mình dựa trên lời dạy của Phật trong kinh Lăng Nghiêm để hiểu rằng vị ngon, dở đều do nghiệp lực của mình mà mình cảm thấy như thế, thật ra là hư vọng, không thật, vì biết không thật nên mình không theo đó mà nổi sân, mà sẽ nhiếp tâm niệm Phật.
2. Đối với người thân: một người tu theo Phật sẽ là một người tốt hơn, dễ thương hơn. Bây giờ bạn phát tâm tu học, thì hãy làm sao phải là người cha, người chồng, người con tốt hơn, chứ đừng nên để ngược lại. Ví dụ, khi bạn phát nguyện tu Tịnh Độ cầu vãng sanh thì hãy thực lòng chia sẻ với vợ, cam đoan với vợ rằng mình sẽ là người chồng tốt hơn, và mình cầu vãng sanh chẳng những chỉ cho mình mà còn giúp vợ con cùng vãng sanh nữa. Trong đối xử với người thân cần có sự linh hoạt, đừng nên ép uổng họ phải theo mình. Ví dụ, nếu mình muốn ăn chay, nhưng vợ con không chịu, thì có thể thoả thuận chia ra trong tuần, hoặc trong tháng sẽ ăn chay một số ngày, cái chính là đừng đẩy vợ con ra xa mình. Những ngày ăn mặn thì “năn nỉ” vợ rằng..em thương anh thì nhớ đừng có giết con gì cho anh ăn hết nhé, cứ mua thịt, cá đã chết mà chế biến.. Phụ nữ thông thường rất thương chồng con, lại dễ mềm lòng, nên sẽ làm theo ý bạn. Ăn chay chủ yếu để không sát sanh, nay chưa tròn vẹn được thì mình cũng thực hành tránh trực tiếp sát sanh. Hoặc bạn biết quan tâm tới vợ nhiều hơn, chia sẻ việc nhà với vợ. Hoặc bớt khó tính, bớt sân, bớt những sinh hoạt vô bổ (nhậu nhẹt,..). Nói chung, khi mình tu mà tốt hơn như vậy thì người thân không phiền lòng, và nếu đủ duyên thì họ cũng tu theo. Thông thường với người thế gian, nói đến tu là người ta nghĩ ngay đến chuyện bỏ bê nhà cửa vợ con, nên sẽ không đồng tình, thì bạn cần nên bỏ nhiều tâm tư, thời gian giải thích để họ hiểu thông qua lời nói và cách hành xử của mình. Như vậy sẽ tránh được sự mâu thuẫn không cần thiết.
3. Xuất gia: xuất gia có một điều lợi là môi trường tu tập được thuận lợi hơn ví dụ như về chuyện ăn chay, lời nói huynh đệ hoà nhã, được tập trung tu học, nghiên cứu kinh điển,.. Tuy nhiên, như các vị Tổ đã răn nhắc, ăn một bát cơm của thí chủ mà không chịu khó tu tập thì kiếp sau phải mang thân súc sanh mà đền trả. Cho nên, người xuất gia phải là người có ý chí thật dũng mãnh hơn người. Phải nên tâm niệm rằng mình tu đây chẳng phải cho riêng mình mà cái nợ người thân, chúng sanh nặng oằn, phải nỗ lực hết sức, dù chết cũng không lùi, có như vậy thì mới được. Phần đông phàm phu chúng ta tập khí sâu dày, cũng có đôi lúc khởi lên được ý chí mạnh mẽ như vậy nhưng khi nghĩ qua việc khác, hoặc qua thời gian, là bị cuốn theo những tập khí tham, sân,si biếng lười, ganh ghét,..mà quên mất cái ý chí kia, rồi nếu khi nhớ lại thì cũng không khởi lên được ý chí mạnh mẽ như thế nữa. Cho nên bạn nên phải hết sức cẩn trọng suy gẫm.
Tóm lại là, giác ngay lúc nào thì tu ngay lúc đó, tại gia hay xuất gia là thuộc về hình thức, nên đừng bao giờ để cái hình thức đó bó buộc chuyện tu học của mình. Tu và chuyện xuất gia không phải là một. Nên, bạn đừng nên đợi đến lúc xuất gia rồi mới tu, mà hãy bắt đầu tu ngay lúc này, ở nơi nhà của mình mà tu. Tu ngay trên tâm ý, lời nói, hành động của mình đây. Cho nên bạn nên đọc, nghe giảng về pháp Phật, có thể bắt đầu từ nhân quả, vô thường,.. Càng ngày PH càng thấy giáo lý của Phật thật hữu ích và quý báu vô ngần. Khi mình hiểu và thay đổi quan niệm, thành kiến của mình thì cuộc sống ngày càng trở nên ít vấn đề hơn. Cho nên, giáo lý cực kỳ quan trọng. Không cần học quá nhiều, nhưng cần hiểu cho thật sâu, thấu đáo, rồi áp dụng vào cuộc sống, đó chính là tu. Ví dụ, ngay nơi nhân quả mà hiểu cho đúng, rồi luôn ghi nhớ mà áp dụng thì cuộc sống của mình và người thân của mình đã “nhẹ” hơn rất nhiều rồi.
Chúc bạn thường tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
1. Xuất Gia là Chuyện
của Bậc Ðại Trượng Phu
Ðại trượng phu là kẻ có tinh thần kiên nhẫn không thối lui, khắc phục hết mọi gian khổ.
Ở đời, xuất gia là chuyện hết sức hy hữu, cũng là chuyện con người khó thấu đáo. Vì sao xuất gia thì nhất định phải chịu khổ? Bởi vì xuất gia thì không còn làm chuyện nam nữ luyến ái, không được khiêu vũ, và cũng không được ăn uống chơi bời nhậu nhẹt. Phàm nếu muốn trở thành bậc xuất chúng anh tài thì phải nhẫn chịu những điều người khác không thể nhẫn chịu được, phải chấp nhận nổi khổ mà người khác không thể nhận nổi. Chỉ có tu luyện như vậy mới thành thân kim cang bất hoại. Cho nên nói:
Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt,
Chẩm đắc mai hoa phổ tỷ hương?
Nghĩa là:
Không qua một lần lạnh thấu xương,
Sao đặng hoa mai nở ngát hương?
Người xuất gia tâm cần chuẩn bị: Xuất gia là vì muốn liễu sinh thoát tử; muốn vĩnh viễn không còn thọ nổi khổ của sinh tử luân hồi. Dù đối diện với đủ thứ khổ ải vẫn không lo sợ, càng khổ càng tốt. Khi đụng đến đau khổ chớ đầu hàng, cải biến ý hướng ban đầu, tìm cách trở đầu thối chuyển. Mình cần phải có tinh thần kiên nhẫn, bất thối, phải khắc phục mọi khổ sở gian nan, đó mới là bậc đại trượng phu. Cho nên xuất gia không phải là chuyện mà mọi người ai cũng làm được, dù là tướng tá chưa chắc đã làm đặng. Do đó nói rằng: “Xuất gia là chuyện của thần thánh,” không phải là chuyện của những thứ ruồi muỗi tép riêu. Có câu rằng:
Thọ khổ tức liễu khổ, hưởng phước thị tiêu phước.
Nghĩa là:
Chịu khổ mới hết khổ, hưởng phước là tiêu phước.
Quý-vị coi các vị cao tăng đại đức thời xưa đều do tu khổ hạnh mà giác ngộ. Không vị Tổ-sư nào do sự hưởng thọ sung sướng mà khai ngộ cả. Quý-vị lùng khắp bộ Ðại Tạng Kinh cũng không tìm được vị nào cả.
Chúng ta cần phải có tâm nhẫn nại thì mới được lợi ích nơi pháp hỷ sung mãn. Phải có tâm khắc khổ thì mới đắc trí huệ giác ngộ. Không thể đi ngược lại với Phật-đạo. Mình phải luôn luôn nhiếp tâm chuyên ý dụng công, đem tâm niệm thu hồi trở lại, không có vọng tưởng vẫn vơ, đó chính là quản thúc “tâm như ngựa, ý như khỉ.” Ðừng để tâm mình chạy theo ngoại cảnh.
Khi xuất gia tu Ðạo thì trước hết phải trừ khử lòng tham, phá bỏ sân hận, diệt đi si mê. Tận trừ sạch sẽ ba thứ độc đó thì trí huệ tự nhiên hiện tiền. Làm sao có thể quét sạch những thứ đó một cách triệt để? Tức là dùng Giới, Ðịnh, Huệ (tam vô lậu học) để làm công cụ. Giới thì trị được tham, Ðịnh thì trị sân, huệ thì trị si. Cho nên người xuất gia gọi là “Sa-Môn.” Sa-Môn dịch ra nghĩa là “Cần Tức,” tức là “Cần tu Giới, Ðịnh, Huệ, tức diệt tham, sân, si.” Tức là siêng năng giữ Giới, Ðịnh, Huệ, trừ diệt tham, sân, si. Nếu mọi người ai cũng hết tham sân si, thì thế giới sẽ hòa bình.
2. Hạnh Của Người Xuất Gia
Phải bốn người xuất gia trở nên lên cùng sống chung hòa hợp thì mới gọi là Tăng-đoàn. Ðó là “hòa giai cộng trụ,” không tranh không chấp. Một người xuất gia sống đơn độc không thể gọi là Tăng.
Người xuất gia phải nghiêm trang gìn giữ bốn oai nghi–đi, đứng, nằm, ngồi. Nên nói: “Ði nhẹ như gió, ngồi vững như chuông, đứng thẳng như cây thông, nằm như cung tên.”
Không thể muốn pháp xuất thế cùng pháp thế gian đồng một lúc. Chân không thể đứng trên hai chiếc thuyền–một hướng ra Giang bắc, một xuôi về Giang nam.
Các vị thường biết rằng chư Ðại-đức, Cao-tăng thuở xưa đều ngộ Ðạo trong khi tu hành khổ hạnh. Không một vị Tổ-sư nào khai ngộ trong khi hưởng thụ–tìm trong Ðại Tạng Kinh không thấy có một vị nào như thế cả.
Tiêu chuẩn tuyển chọn vị Trụ-trì phải như thế nào? Ðiều kiện tiên quyết là phải không có tánh nóng giận, biết dùng hòa khí đối đãi người, nơi nơi đều có thiện duyên với người, không dùng quyền uy mà bức bách kẻ khác, phải có tác phong ý thức dân chủ, khiến người ta cung kính tôn trọng.
Người xuất gia có thể nhận sự cúng dường, nhưng không được tham cầu cúng dường. Không tham cúng dường mới là đệ tử chân chánh của Phật.
Hai chúng đệ tử xuất gia, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni, không nên dụng công vì danh vọng, địa vị, mà cần phải có tinh thần thay thế chúng sanh chịu khổ và phải có tâm bình đẳng cứu giúp tất cả chúng sanh.
Người xuất gia nếu không tinh tấn tu Thiền tập Ðịnh, tụng Kinh trì Chú, nghiêm thủ Giới Luật, mà chỉ nương dựa vào Phật hầu có được miếng cơm manh áo thì chắc chắn sẽ bị đọa lạc vào ba đường ác.
“Tinh lực dồi dào thì không cảm thấy lạnh.
Khí lực sung túc thì không cảm thấy đói.
Thần lực đầy đủ thì không cảm thấy mệt.”
Tinh, khí, thần là ba báu vật. Người xuất gia phải tu trì tinh, khí, thần.
Người xuất gia phải làm gương cho chúng tại gia–nếu không nêu được gương tốt thì người tại gia sẽ không sanh tâm thâm tín, và không thể gieo ảnh hưởng gì với họ cả. Thế nên, là người xuất gia thì phải có hình tướng của người xuất gia.
Người xuất gia phải có chánh tri chánh kiến. Nếu không có chánh tri chánh kiến thì nhất định sẽ đi lạc vào đường ma, bị năm mươi ấm ma kéo đi.
Người xuất gia phải cùng nhau làm việc, không được tự mình tạo việc khác lạ, muốn làm gì thì làm.
“Chuyên nhất thì linh.
Phân tán thì bị ngăn ngại.”
Chuyên nhất về việc gì? Tức là chuyên nhất đoạn dục vọng, trừ tham ái. Nếu không đoạn dục vọng, trừ tham ái thì có xuất gia tu Ðạo đến tám vạn đại kiếp đi nữa cũng vẫn không thành công. Vì vậy, việc này rất là trọng yếu.
Phải luôn luôn tu Ðạo bồi đức. Khi đức tánh đã tròn đầy, hạnh tu được viên mãn, thì chúng ta mới xứng đánh là người xuất gia.
Người xuất gia phải lấy việc hoằng Pháp làm sự nghiệp.
Hoằng dương Phật Pháp là bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia chúng ta. Thế nên, trong từng tâm niệm chúng ta phải luôn luôn hoằng dương Phật Pháp; và mọi hành động, cử chỉ là thuyết Pháp cho chúng sanh.
3. Cẩm nang tu đạo – hòa thượng Quảng Khâm: http://www.dharmasite.net/cntd.htm
Nam Mô A Di Đà Phật..con xin cám ơn cư sĩ Phước Huệ, cô chú đường về cõi tịnh phúc đáp giải thích cho con hiểu, con đã đọc nhiều lần suy nghĩ thật nhiều con xin chân thành cảm ơn. con cũng đã nói với gia đình cha mẹ vợ con của con là con sẽ đi tu chỉ có vợ con là không đồng ý nói không cần phải tu mình sống tốt là được. Nhưng mà con thấy những người xung quanh mình ông bà cha mẹ người thân mình khi gần mất điều mê man Thấy toàn là những người đã mất trong lòng lo sợ mà con không giúp được gì con Đau lòng lắm ở quê con mọi người chỉ biết làm nông sáng ra đồng tối về ngủ không biết đến Phật pháp nếu có đi chùa cũng chỉ cầu xin . Ước mơ của con là con đem Pháp môn niệm Phật nói cho mọi người nghe cho mọi người niệm Phật đều được vãng sanh. con thương vợ con con con nhiều lắm con cũng muốn gần gũi gia đình cùng Vợ con cùng tu Nhưng sao con thấy gia đình vợ con là sợ dây trói con lại.Bây giờ con không đi cũng không được gì 10 phần thì tâm con đã gửi chùa hết chín phần. con nguyện với lòng kiếp này thân xác con đã giao cho Đức phật A Di Đà.
A Di Đà Phật
Dạ con kính chào mọi người ạ. Con năm nay 21 tuổi..Con niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ nay cũng gần 1 tháng rồi ạ.. Con không hiểu vì sao đôi lúc con lạy Phật và niệm Phật mà có cảm giác như là không muốn niệm và lạy Phật nữa.. Có khi con cảm thấy như là có một sức mạnh nào đó kéo con ra khỏi Đức Phật.. cản trở không muốn cho cho con gần gũi với Phật nữa.. con rất sợ.. như ngày hôm qua con đang lạy Phật thì con bị như vậy.. con sợ quá nên ngưng lạy Phật rồi ngồi xuống niệm chú Đại Bi.. con kính mong các Thầy khai thị cho con.. con phải làm sao cho đúng ạ?
Chào bạn Tâm Bi,
Sự việc như thế bạn chớ nên hoảng sợ. Có thể là do ác nghiệp quá khứ mà các vị oan gia trái chủ đã ngăn cản bạn. Bạn nhớ là khi mình phát tâm tu thì phải hồi hướng công đức tu hành đến cho tất cả các vị oan gia trái chủ. Vì họ thấy mình tu, mình được giải thoát, họ thì vẫn đang bị kẹt lại, mà mình thì còn đang nợ họ, nên họ phải kéo mình ở lại (ngăn không cho tu) để trả nợ cho họ. Cho nên, bạn cần chú ý phát tâm rộng lớn, thành tâm sám hối các ác nghiệp đã gây tạo từ vô thỉ đến giờ, thành tâm đem công đức tu được mà hồi hướng cho họ. Bạn cũng nên thầm nguyện với họ là bạn sẽ cố gắng tu niệm cho được vãng sanh, khi vãng sanh về Cực Lạc, tu được vững vàng rồi thì sẽ tuỳ duyên độ họ giải thoát. Tuỳ vào tâm thành của bạn mà họ sẽ không ngăn cản nữa. Tâm chí thành hối cải, thật lòng muốn họ cùng được giải thoát an vui là quan trọng, tránh tâm hời hợt, làm cho có lệ.
Bạn cũng hãy nên cung kính lạy Phật cho nhiều, nhờ lực gia hộ của Phật mà ác nghiệp dần tiêu, cả bạn và các vị oan gia trái chủ đều được lợi lạc.
Chúc bạn tu tập tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Dạ con xin cảm ơn Cư Sỹ Phước Huệ nhiều ạ.
A Di Đà Phật.
TB: “con sợ quá nên ngưng lạy Phật rồi ngồi xuống niệm chú Đại Bi..”
Bạn TB có thể trì chú Đại Bi (3-7 biến) trước khi niệm Phật lạy Phật xem có giúp bớt sợ hay không (bệnh tâm lý do thiếu lòng tin).
———————-
*** 10 công đức lạy Phật ***
1.- Được sắc thân tốt đẹp.
2.- Nói ra điều chi ai cũng tin dùng.
3.- Không sợ sệt giữa đông người.
4.- Được chư Phật giúp đỡ.
(Làm sao oan gia trái chủ hay ma quỷ ngăn cản bạn? Từ khi do chúng ta thiếu lòng tin)
5.- Đầy đủ oai nghi lớn lao.
6.- Mọi người đều nương theo mình.
7.- Chư Thiên cung kính.
8.- Đủ phước đức lớn.
9.- Lúc lâm chung được vãng sanh.
10.- Mau chứng quả Niết Bàn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Ây da. Cái này mình cũng bị này. Lắm lúc mấy hôm chẳng muốn làm gì uể oải. Niệm Phật lại hôn trầm. Mà có gì đâu mà sợ. Vững tâm lý lên. Mình niệm Phật lâu rồi nhưng chưa được siêng năng. Bạn chưa đầy một tháng thì chuyện cũng bình thường thôi. Thời gian qua đi, gần đây mình thấy được là chẳng thể trông cậy nơi mình cái gì. Cái gì cũng dở, cũng tệ, tâm mình cứ như bị tê liệt lâu rồi. Hối lỗi, quyết tâm,… không thấy khởi được, cùng lắm là vài hôm. Tuy tệ vậy đó nhưng cũng đâu có gì phải sợ. Mọi việc mình như thế mình đều thành thật thưa với Phật, cầu Ngài gia bị cho. Chỉ có cách này là ổn thỏa, an tâm. Ngài đã tới Phật vị, trí tuệ thần thông không ai có thể hơn. Tất có cách giúp mình. Niệm Phật hết lòng nương tựa Phật thì an tâm, còn tự mình lo liệu mọi thứ thì đúng là đáng lo đấy. Phải biết bản thân mình như con kiến ấy, chẳng làm gì ra trò, thù địch thì mênh mông khắp 10 phương. Tự mình lo liệu làm sao được.
A Di Đà Phật
Dạ con xin cảm ơn Huệ Tịnh ạ. Dạ cho con xin hỏi thêm là con được biết người xuất gia ngủ rất ít.. Con còn rất ham ngủ.. hôm bữa con nghe lời của PS. Tịnh Không dạy 10 giờ ngủ đến 4 giờ dậy công phu buổi sáng.. con làm được 2 ngày rồi không làm nổi nữa.. con cảm thấy người con mệt lắm.. nên bây giờ 10:30 con ngủ đến 6:30 con dậy công phu buổi sáng.. con cũng không ngủ trưa như lúc trước nữa.. con làm như vậy có được không ạ. Việc ngủ như thế có ảnh hưởng đến chuyện vãng sanh không ạ?
1, ĐỆ THẤT ĐIỆN HIỆN TRƯỜNG NGHE XỬ.
Cảm ân Chư Phật Bồ Tát gia trì để con có cơ hội du địa ngục lần này, vừa tăng trưởng kiến văn lại kiên cố lòng tin với việc giữ giới. Thật ra từ nhỏ tôi đã có loại cảm ứng đặc biệt này, tức là những việc sắp phát sinh hoặc sẽ xảy ra trong tương lai tự nhiên xuất hiện trong giấc mơ của tôi, cảm thấy như mơ nhưng không phải là mơ. Tôi có thể biết rõ linh hồn mình xuất ra và nhìn thấy mình nằm trên giường, linh hồn xuất ra nhìn thấy những việc phát sinh thì có thể nhớ rõ, thường thì những điều này sẽ ứng nghiệm trong tương lai hay là một loại điềm báo nhưng chưa xảy ra thì tôi đã xử lý ổn thỏa rồi.
Lúc trước toàn là những việc liên quan đến cá nhân và người nhà, lần này thì khá đặc biệt, tôi cần phải chia sẽ với tất cả hữu tình chúng sinh, để mọi người biết được sự quan trọng của ý niệm, có nghĩa là nếu muốn người khác không biết thì mình đừng có làm. Bên cạnh chúng ta, trong sinh hoạt thường ngày có nhiều điều sai lầm mà ta không biết. Giống như một đôi vợ chồng hợp pháp, song phương đều không có ngoại tình nhưng họ đều phạm tội tà dâm. Vì sao? Vì họ không giữ giới luật phi thời, phi địa, phi khí.
Đêm hôm qua, tôi cảm thấy như nằm mơ xuất hồn du địa ngục, vừa đến địa ngục tôi cảm thấy âm khí rất nặng. Nam nữ ở đây đều đang chịu đau khổ, kêu gào thảm thiết, phát ra tiếng kêu lớn thất kinh, không có chút tiếng cười, không có tự do, trên người bị gông sắt khóa lại, có người bị quỷ sứ dùng hình cụ lôi đi, bị đánh, bị đâm. Địa ngục có quỷ sai, có phán quan, bọn họ cũng không cười, rất nghiêm túc, có người nhìn rất dữ. Chỉ có một bộ phận địa phủ quan viên nhìn có vẻ không dữ lắm, còn những quỷ sai khác thường rất hung tợn. Địa ngục không có ánh sáng, không giống nhân gian, khí trời đen lại có chút đỏ, rất khó hình dung, là một cảm giác rất không thoải mái.
Lúc đó tôi vừa đến địa ngục đệ thất điện, đúng lúc địa phủ đang xét xử một vụ phạm tà dâm của hồn nam, được sự cho phép của phán quan mà vào dự thính. Ngay chính giữa đại điện là chủ quản tên Thái Sơn Vương, ông ta quản lý điện này, điện này có 16 địa ngục nhỏ đều do Thái Sơn Vương phụ trách quản lý. Lớn nhất trong địa ngục là Diêm La Vương. Diêm La Vương quản lý cả địa ngục, bao gồm thập điện, mỗi điện có một Vương, mỗi vị Điện Vương phụ trách quản lý 16 cái địa ngục nhỏ. Hai bên Thái Sơn Vương là hai vị địa phủ quan viên, một vị là phán quan, một là chấp hành quỉ sai cầm đao lớn và xiềng xích, bọn họ đều rất nghiêm túc nghe xử, không khí cảm giác âm u, lại có cảm giác mát nhẹ.
Lúc này thấy Thái Sơn Vương rất hung dữ xét hỏi nam hồn phạm tội tà dâm khi còn sống; hồn này đang xảo biện, Thái Sơn Vương dùng tay vẽ một đường trên hư không hiện ra Nghiệt Kính Đài. Nghiệt Kính Đài hiện ra hồn nam lúc còn trẻ cùng vợ và người tình phi thời, phi địa, phi khí, đang xem sách sắc tình, đĩa phim sex v.v… tội tà dâm. Nam hồn kinh sợ cả người run rẩy, quỳ xin tha tội, nhưng đã quá muộn rồi, Thái Sơn Vương đã mệnh lệnh quỉ sai áp giải đến địa ngục ôm trụ đồng thọ hình.
Quỉ sai cầm đao lớn dùng xiềng xích lôi tội hồn ra khỏi đại điện đi thọ hình, tôi cũng đi theo xem tình hình ra sao. Không xem thì không sao, một khi đã xem rồi thì ôi! Thật kinh người, toàn bộ hồn quỉ trong địa ngục này đều rên la thống khổ, mà số lượng thì rất nhiều rất nhiều, bọn họ rên la thê thảm mà không hề ngưng nghỉ được, sự đau khổ liên tục mà hoàn toàn không có thời gian nghỉ ngơi. Tôi trông thấy vị nam hồn lúc nãy vui vẻ chạy đến trụ đồng, khi hắn ôm vào thì tức khắc rên la đau khổ. Tôi hỏi phán quan tại sao như vậy? Phán quan nói lúc nãy hồn nam thấy trụ đồng là mỹ nữ nên hắn rất vui vẻ nhưng khi ôm vào trụ đồng thì bị đốt cháy cả người, cho nên đau khổ rên la.
Tôi tiếp tục hỏi phán quan sao gọi là phi thời, phi địa, phi khí? Thì ra dù là vợ chồng chính thức cũng phải giữ một số giới luật, nếu không cũng là phạm tội tà dâm. Phi thời là ngày đản sanh của Phật Bồ Tát hoặc 6 ngày chay trong mỗi tháng hay 3 tháng trường chay trong năm, không được quan hệ. Trong những ngày này như mùng một, mùng 10, 15, tứ đại thiên vương sẽ du tuần xem xét ghi lại thiện ác tại nhân gian rồi báo cáo cho Ngọc Đế. Phi Địa là vợ chồng quan hệ nên vừa đủ, ngoài giường nằm của vợ chồng không được quan hệ ở nơi khác như phòng khách, bếp, nhà vệ sinh, lộ thiên, trước tượng Phật v.v… Phi khí là ngoài bộ phận sinh dục ra không được hành dâm ở bộ phận khác, nếu không sẽ phải xuống địa ngục chịu khổ. Chịu hết khổ địa ngục còn phải đầu thai làm heo, chó, uyên ương, rắn v.v…
Hiện tại khoa học phát triển, trên mạng internet có rất nhiều trang web sắc tình, không được xem, xem cũng là phạm, nhất định sẽ bị giảm trừ phúc, lộc, thọ. Tuy rằng chưa có hành động gì, ý niệm nhất động, câu sinh thần lập tức ghi lại hết. Mỗi người chúng ta đều có hai vị câu sinh thần, một vị ghi ác nghiệp, một vị ghi thiện nghiệp. Đương nhiên có người nói, một đời tôi chỉ quan hệ với bạn đời của mình thì không tính là phạm tội được, thật ra là sai. Phán quan nói: Làm người phải giữ gìn chân tinh khí, quan hệ quá độ sẽ làm tổn hao chánh khí của tự thân mình, khi nam nữ quan hệ hành dâm thì sẽ làm phát tán tà khí phá hoại chánh khí trong trời đất. Nếu như vợ chồng chánh thức có phạm phải những điều như trên như giới luật phi thời, phi địa, phi khí thì mau mau sám hối thay đổi và đem những điều này chuyển nói cho tất cả hữu tình làm cho mọi người biết giữ mình trong sạch, giữ lễ tiết, giữ nhân luân, làm cho chánh khí trong trời đất được quân bình.
Nếu như lúc trước có phạm phải phi thời, phi địa, phi khí mà do người bạn đời ép bức, trong lòng không có ý hưởng lạc hành dâm, lại kịp lúc sám hối sửa lỗi, đồng thời lập nguyện về sau sẽ khuyến hóa người khác, như thế thì sẽ khỏi phải chịu khổ hình nơi địa ngục. Nếu như cố ý tìm cầu khoái cảm mà phạm giới, thì phải đọa địa ngục ôm trụ đồng, thọ báo xong bị đánh vào súc sanh đạo, lại chuyển sanh làm thân nữ hạ tiện.
Dưới đây sẽ nói đến sự phân biệt phán xử đối với kẻ phạm giới tà dâm. Trước tiên là nam nữ chưa kết hôn, nếu nam nữ chưa kết hôn còn giữ được thân đồng tử (người nam nữ chưa từng quan hệ tình dục với người khác phái) xem sách sắc tình hay trang web sex, cũng là phạm tội tà dâm, sẽ bị giảm trừ phước, lộc, thọ. Nếu như xem một lần sẽ bị giảm tuổi thọ 1 tháng, nếu tiếp tục xem sẽ bị giảm thọ 1 năm hay hơn nữa, nếu như xem mà không có hành động và kịp thời sám hối thì có thể giảm nhẹ tội nghiệp.
Nếu như chưa kết hôn mà quan hệ tuy là chỉ với một đối tượng dù sau đó đi đến kết hôn với người đó, cả hai cũng phải bị giảm trừ phước báo vì không giữ đúng lễ tiết.
Nếu như chưa kết hôn mà quan hệ bừa bãi, có nghĩa là thường xuyên thay đổỉ đối tượng, hôm nay A, ngày mai B, ngày mốt C, hiện tại rất phổ biến trào lưu người nam càng có nhiều bạn gái càng tự hào, người nữ thì ngủ với nhiều người v.v… trường hợp như vậy sau khi mạng chung sẽ đọa địa ngục ôm trụ đồng, thời gian chịu khổ càng dài, sau đó luân hồi làm súc sanh, lại chuyển làm thân người trả nợ xưa. Nếu như đã kết hôn mà ngoại tình thì phải xem xét mức độ thương tổn mà định thời gian thọ hình cùng mức độ nặng nhẹ, ít nhất là ôm trụ đồng 1 vạn năm.
Nếu như cưỡng hiếp, giở mưu kế làm người nữ mất trinh tiết, hay người nữ tham dâm, mạng chung đọa địa ngục này 2 vạn năm, sau đó lại vào địa ngục rên la thọ báo 1 vạn năm, lại sanh nhân gian trả nợ cũ. Nếu như tà dâm lại thêm độc hại người chết, đọa địa ngục này 4 vạn năm, sau đó sanh vào nhân gian trả nợ cũ.
A Di Đà Phật! Nếu viết ra không hay thì đều là lỗi của kẻ hậu học không liên quan đến sự chỉ dạy của phán quan. Cảm tạ sự gia trì của Phật Bồ Tát cho con đến được địa ngục tham quan mà có thể viết ra đoạn văn này chia sẽ với mọi người. Nếu như có công đức, xin đem hồi hướng cho hư không pháp giới nhất thiết chúng sinh, xa rời dục vọng, giữ gìn giới luật thanh tịnh, cùng chứng vô thượng chánh đẳng bồ đề.
_______________________________________________________________
Trích “Âm Luật Vô Tình” do Thượng Quan Ngọc Hoa trước tác.
Mời các bạn cùng đọc Âm Luật Vô Tình tại đây: https://iwantagoodworld.blogspot.com/2018/06/am-luat-vo-tinh-phan-1-ia-nguc-du-ky.html