Tôi đang làm việc thì nhận được điện thoại báo tin chồng mình lên cơn đau tim cấp nên vội bỏ ngang việc chạy gấp về nhà. Nhập viện 115 cấp cứu – Nhồi máu cơ tim cấp.
Đối với người niệm Phật cầu sanh Tây Phương, đây là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời, cần phải niệm Phật liên tục, chính xác gọi là ôm chân Phật không rời.
Trước lúc đưa băng ca đẩy vào phòng chụp và nong mạch vành, tôi vuốt tóc dặn dò chồng: “Anh à, đây là giây phút cực kỳ quan trọng. Kể từ giờ trở đi, anh đừng nhớ em, đừng nghĩ tới con, đừng nghĩ đến bất kỳ thứ gì ở nhà mình. Anh hãy nhớ Phật, niệm Phật miên mật, vì chỉ có Phật mới cứu được anh mà thôi. Anh nghe lời em, hãy cố gắng niệm Phật. Bên ngoài em sẽ niệm Phật hồi hướng cho anh, ở nhà các con sẽ niệm Phật hồi hướng cho anh. Cả nhà chúng ta cùng niệm Phật hướng về anh, cứ yên tâm nha anh”. Đây là tôi bắt chước cách xử trí của cư sĩ Lâm Sư Thư trong quyển Lắng nghe tiếng hát sông Hằng của vị Bác sĩ Bồ tát Quách Huệ Trân.
Thấy chồng mình nằm liên tục niệm Phật nên tôi cũng đỡ lo. Tiếp theo, bác sĩ gọi hết người nhà vào trong, chỉ lên màn hình – nơi có trái tim yếu ớt đang đập và những mạch máu li ti cỡ sợi tóc – ông nói rằng: “Bệnh nhân bị cục huyết khối chèn ở mạch vành, chẻ thành hai nhánh nhỏ do bị nghẽn nên máu không về tim được gây phình giãn hai nhánh này. Máu không chảy về tim được nên đã dẫn đến tình trạng có thể Đột tử nếu bệnh nhân không được đưa đến bệnh viện kịp thời. Tôi sẽ can thiệp, có thể đặt Stent (nếu được), nhưng mà về rủi ro thì cũng có thể xảy ra ngay trên bàn mổ. Chị phải ký giấy cam kết rằng chấp nhận rủi ro, vẫn phải thanh toán viện phí nếu có tử vong”.
Tôi nhìn lên màn hình, rồi nhìn chồng đang nằm trong phòng kính. Anh vẫn tỉnh, miệng vẫn lép nhép niệm Phật. Nghe bác sĩ nói tôi thấy xúc động, chẳng lẽ đây là lần cuối cùng mình thấy anh ấy sống ư? Xin lỗi các chư vị đồng tu, tôi vẫn là phàm phu, tuy học Phật vài năm, hiểu được cuộc đời vô thường – Sanh lão bệnh tử là những nỗi khổ ai cũng phải trải qua không trước thì sau, nhưng khi đối diện vẫn cảm thấy khó khăn quá. Lúc đó, tôi chỉ biết xá tay A Di Đà Phật với bác sĩ và bảo rằng ông hãy cố gắng làm hết những gì ông có thể làm được tốt nhất, ký giấy rồi bước ra ngoài niệm Phật và chờ báo tin ca mổ.
Tôi tập trung vào từng câu Phật hiệu, niệm to rõ từng tiếng. Ai đi qua ngó tôi cũng chẳng quan tâm, giờ phút này bên trong ông xã tôi cần niệm Phật hơn bao giờ hết. Thời gian này ở nhà các con tôi cũng niệm Phật. Khoảng 15-20 phút sau, bác sĩ gọi người nhà vào và bảo đã thực hiện xong. Bác sĩ nói rằng ông đã can thiệp nong động mạch vành nhưng đặt Stent vào không được do một số lý do (chuyên môn họ giải thích tôi không được rõ lắm). Nói chung là tình hình tạm ổn.
Khi anh khoẻ hơn một chút thì anh kể lúc vào phòng anh khấn rằng: “Nguyện A Di Đà Phật tiếp dẫn con vãng sanh Tây Phương”, xong rồi anh cứ niệm từng câu từng chữ A Di Đà Phật. Ban đầu anh niệm khá to nên bác sĩ nhắc nhở đừng niệm to như thế, anh mới tập trung niệm thầm từng tiếng, coi như chết rồi. Do vậy, anh hoàn toàn không cảm thấy đau đớn trong lúc các bác sĩ làm thủ thuật. Chúng tôi đều nghĩ có Phật lực gia trì.
Có một anh bệnh nhân đang nằm trên băng ca chờ làm phẫu thuật thấy ông xã tôi nằm niệm Phật nhiều quá nên buột miệng cũng niệm theo – À, vô tình lại gieo được duyên niệm Phật cho người khác.
Niệm Phật chí thiết cầu tiếp dẫn vãng sanh lúc bên bờ sanh tử. Thọ mạng còn thì nghiệp tiêu, bệnh dứt. Thọ mạng hết thì Phật phóng quang nhiếp thọ, vãng sanh Tây Phương. Xác định rõ phương hướng, đường về đâu sau khi mất sẽ làm cho bản thân mạnh dạn không sợ chết, tập trung niệm Phật tự nhiên có sự gia bị khiến cho người bệnh bình tĩnh niệm từng câu từng chữ rõ ràng.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Diệu Âm Lệ Hiếu
A di đà phật.quý thầy hoan hỉ cho con xin được hỏi làm sao để mình có thể đăng bài được ạ.A di đà phật! con xin cảm ơn ạ.
Bài lo do BQT của ĐVCT đăng,mình ko đăng đc đâu bạn nhé! Nam mô A Di Đà Phật.
Minh đọc bài này có vài thắc mắc theo như Pháp Nhiên Thượng Nhân sơ tổ Tông Tịnh Độ Nhật Bản thì khi lâm chung Phật cùng thánh chúng đến tiếp dẫn nếu người đó có đủ tín, nguyện, hạnh, khiến cho họ lòng không điên đảo chánh niệm hiện tiền và Ngẫu Ich Đại Sư bảo chỉ cần đầy đủ Tín Nguyện dù chưa được nhất tâm nhưng nhờ từ lực của Phật vẫn được vãng sanh ! Trong khi hòa thượng Tịnh Không cùng một vài vị khác lại bảo cần Niệm Phật Thành Phiến để lâm chung được chánh niệm xưng danh hiệu Phật vãng sanh, dường như có chút mâu thuẫn?
Và đài vàng và đài bạc khi tiếp dẫn là như thế nào? Và khi nào thì được
“Cầu cho con thác biết ngày,
Biết giờ, biết khắc biết rày tánh linh.
Cầu cho bịnh khổ khỏi mình,
Lòng không tríu mến chuyện tình thế gian.”
Có phải là tịnh nghiệp thành thục mới được đúng không ạ ? vì có một số người nhờ trợ niệm đắc lực hay phút chót cận tử nghiệp bệnh khổ bức bách mới được vãng sanh dù họ tu rất lâu ! A Di Đà Phật
Chào bạn Tịnh Tây,
PH có đọc qua bài Niệm Phật Thành Phiến của hoà thượng Tịnh Không thì thấy trong bài đó hoà thượng khuyến khích người hành trì gia tăng phần hạnh để được tự tại vãng sanh. Theo như PH hiểu thì bài pháp đó dành cho những vị đã đầy đủ Tín, Nguyện, Hạnh, đã có đủ điều kiện để vãng sanh; nay hoà thượng khuyến khích để các vị đó tăng phần hạnh (công phu) lên một mức cao hơn để có thể được vãng sanh một cách tự tại (bạn để ý đến điểm tự tại nhé). Còn người mới tu học, phần hạnh còn non yếu, thì vãng sanh được, nhưng không “tự tại” được. Còn bài pháp của ngài Pháp Nhiên và Ngẫu Ích thì cho tất cả mọi căn cơ, trình độ. Cho nên, có thể thấy lời dạy của ba vị này không có mâu thuẫn, chỉ là nhắm vào đối tượng khác nhau thôi.
Đài vàng, đài bạc là tuỳ theo công phu hành trì sâu, cạn của người tu mà khi vãng sanh sẽ nương vào đài sen vàng, bạc,..tương ưng. Còn những câu mà bạn trích dẫn là thể hiện mong muốn của mình được Phật gia hộ để được an lành mà vãng sanh. PH cho rằng để được như vậy thì công phu cũng phải ở mức cao. Công phu cao, thấp không phải ở mức tu niệm lâu, mau, nhiều, ít mà chủ yếu ở điểm tâm niệm Phật của mình còn hay không còn vọng niệm, khi tiếp cảnh (các trần: sắc, thanh, hương, vị..), mình có giữ vững câu Phật hiệu trong tâm hay không.
Như trên PH đã nhắc tới, ta thấy một người tu niệm đã lâu, nhưng thật ra chúng ta đâu có biết người đó công phu thế nào, hay nói chính xác hơn là tâm niệm Phật của họ đã thuần thục đến mức nào. Có người dù tu lâu, nhưng nếu nguyện không thiết tha, hoặc miệng niệm Phật cả trăm câu, nhưng chỉ chú tâm thật niệm có vài câu thôi thì với những vị đó, lâm chung có những khó khăn như thế cũng là bình thường.
Đối với người tu Tịnh Độ, phần Nguyện cực kỳ quan trọng, mà phải là thật Nguyện chứ không phải nguyện suông nơi miệng. PH tin chắc rằng người nào lâm chung mà nguyện thiết tha, dù có bệnh khổ nhưng nguyện muốn vãng sanh không lui sụt thì chắc chắn sẽ được vãng sanh. Trong câu chuyện của một vị vua, dù ông đã từng làm bao việc thiện lành, cúng dường chư Tăng, hộ pháp; nhưng lúc lâm chung do người hầu làm rớt quạt trúng mặt ông, thế là mong muốn trả thù phát khởi, chết đi liền hoá thành mãng xà để thoả mãn mong muốn trả thù. Như vậy có thể thấy cái mong muốn lúc lâm chung hết sức quan trọng, có thể quyết định cảnh giới tái sanh của mình. Thì với người tu niệm Phật, chỉ cần giữ cho mong muốn vãng sanh vững chắc, dù cho bệnh khổ mà vẫn giữ được mong muốn đó, niệm Phật, thì mong muốn đó tương ưng với nguyện tiếp dẫn của đức A Di Đà, chắc chắn sẽ vãng sanh.
Cho nên, nhân lúc hiện giờ ta đang còn khoẻ phải gắng thật Tín, thật Nguyện, thật Hành để dự bị cho lúc lâm chung.
Chúc bạn thường tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Vâng cảm ơn PH rất nhiều ạ ! A Di Đà Phật
Tiện đây cho mình hỏi cư sĩ Viên Trí một vài vấn đề mong cư sĩ giúp mình !
Mình niệm Phật tại sao lại thường hay nằm mông, thiện ác xen tạp, có khi tối nằm mộng thấy việc có ít nhiều liên quan đến ngày hôm sao, mặc dù trước khi ngủ mình cũng niệm Phật cho tới lúc ngủ quên ?
Và thỉnh thoảng khi tâm mình rong ruổi theo cảnh trần quên niệm Phật thì mình lại nhớ và niệm theo kiểu Tịnh Tông Học Hội , như Thầy Giacs Nhàn nhưng mình thường niệm quen 6 chữ, niệm theo âm điệu lại 4 chữ liệu có gọi là xen tạp không ? vì chỉ khi tâm mình bắt an mới ngân nga 4 chữ còn lại đều niệm 6 chữ ?
Còn một chuyện là mình khám NVQS có thể xẽ phải đi nhưng nghe nói trong đó có khi phải phụ bếp tức sát sanh mình thì không dám giết hại mấy loài đó thật sự không biết làm thế nào ? Lại nếu đi NVQS thì không có chỗ trì niệm chắc chỉ niệm thầm,không biết phải làm sao nữa nhờ cư sĩ Viên Trí và các bạn giải đáp giùm . A Di Đà Phật
Chào bạn Tịnh Tây,
Mộng là những chủng tử thiện ác hiện hành ra trong giấc ngủ và điều này rất bình thường với mọi người, kể cả người tu niệm Phật. Để có thể niệm Phật được trong giấc ngủ thì trước hết ta phải luôn nhớ niệm Phật (niệm trong tâm, chứ không chỉ niệm ở miệng) trong cả mọi lúc còn thức, như vậy đây là mức công phu cao. Cho nên bạn đừng nên để ý xem mình mơ xấu tốt thế nào, chỉ cần chú tâm niệm Phật là đúng nhất.
Niệm 4 chữ hay 6 chữ đều ổn, tuy nhiên với người mới bắt đầu tu tập thì nên chọn hoặc 4 hoặc 6, rồi chuyên nhất một câu như thế, mục đích chính là để mình dễ nhiếp tâm, đừng nên lúc thì 4 lúc thì 6.
Niệm Phật thầm công đức vẫn như niệm ra tiếng, trong vài trường hợp còn giúp mình nhiếp tâm dễ dàng. Khi đã đi NVQS thì bạn chú tâm gắng niệm Phật thầm trong mọi lúc nhé, đây cũng là cơ hội để bạn tập luyện nhiếp tâm niệm Phật.
Nếu vì công việc, bổn phận mà phải sát sanh thì lỗi sát sanh sẽ nhẹ, chứ không nặng như khi mình cố ý giết, vì bản thân mình. PH không biết việc trong quân ngũ, nếu có thể bạn hãy thử xin làm các công việc khác, nặng nhọc hơn cũng được, hoặc chỉ phụ bếp, rửa chén,.. Nói chung hãy gắng xin sự giúp đỡ để tránh việc giết hại, khi đã cố gắng hết sức mà không được thì mới bất đắc dĩ thực hiện. Ngoài ra bạn nên thường xuyên xin Tam Bảo gia hộ cho mình để không phải làm các việc sát sanh bất đắc dĩ đó nhé.
Chúc bạn luôn tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
a di đà phật. phật pháp vô biên