Buông xuống rất khó. Tại sao chúng ta không thể buông xuống? Nguyên nhân là vì không nhìn thấu. Nhìn thấu là như thế nào? Chúng ta không thật sự hiểu rõ chân tướng sự thật của nhân sinh. Chân tướng là gì? Kinh Kim Cang dạy rằng: “Phàm những gì có tướng đều là hư vọng”, “Tất cả pháp hữu vi như mộng, huyễn, bọt, bóng”. Phật dạy chúng ta phải thường quán tưởng như vậy. Nói đơn giản, quán tưởng nghĩa là nghĩ tưởng. Chúng ta phải thường nghĩ những gì? Tất cả hết thảy các pháp đều là không, đều là giả. Chúng ta hãy nghĩ về ngày hôm qua, hôm qua đã trôi qua chẳng bao giờ trở lại. Nói tới ngày hôm nay, thì ngày hôm nay cũng sắp qua mất, thật sự là một giấc mộng. Đời người mấy mươi năm ngắn ngủi, thoáng chốc đã trôi qua mất.
Trước khi đi ngủ và lúc thức dậy, chúng ta hãy suy nghĩ cho cặn kẽ lúc chúng ta ngủ mê, có khác gì là đã chết rồi hay không? Lúc chúng ta ngủ mê, nếu người ta khiêng thân thể chúng ta đi, chúng ta cũng chẳng hay biết gì hết. Do vậy, trên thế gian này có một vật gì là của chúng ta hay không? Đúng là ngay cả thân thể này cũng không phải của chúng ta, còn thứ gì là của mình nữa chứ? Có vật gì chúng ta có thể giữ chắc được, có vật gì có thể giữ mãi chứ? Tất cả đều là giả tạm, đều là nhọc lòng lo lắng uổng công! Chúng ta thường gọi đó là “dụng tâm sai lầm”. Khi tỉnh giấc, nghĩ lại giấc mộng đêm qua, nghĩ tới những cảnh giới trong mộng, sau đó lại nghĩ tới những cảnh giới thực tại có khác gì không? Nếu chúng ta thường nghĩ như vậy, mỗi ngày đều nghĩ như vậy, thì đối với những chuyện của thế gian này, tự nhiên chúng ta sẽ hiểu rõ, sẽ cảm thấy lợt lạt, sẽ chẳng còn chấp chước nặng nề nữa, sẽ chẳng muốn tranh chấp nữa. Từ đó, sẽ có thể tuỳ duyên sống qua ngày, thật thà niệm Phật.
Mỗi ngày, chúng ta đều niệm Phật rất chăm chỉ, nhưng bất cứ chuyện gì cũng không chịu buông xuống. Như vậy công phu làm sao tiến bộ? Chỉ với công phu này, chúng ta chẳng thể vãng sanh, thì nói gì đến sanh về Phàm Thánh Đồng Cư Độ chứ? Đến giờ phút lâm chung, bắt buộc chúng ta cũng phải buông xuống tất cả. Nếu không chịu buông xuống, dù là có rất nhiều người đến trợ niệm cho chúng ta, thì với Tây Phương Cực Lạc, chúng ta không thể có phần. Chúng ta càng lưu luyến tiền tài, danh vọng, nhà cửa, con cái, vợ chồng….thì chúng ta càng phải luân hồi trong lục đạo. Một đời tu hành niệm Phật xem như là luống qua một cách vô ích vậy! Vì thế, chớ nên không biết chuyện này. Do vậy, lâm chung phải buông xuống.
Pháp sư Tịnh Không
Lão hòa thượng Thượng Tịnh Hạ Không Trích Đại Kinh Khoa Chú (tập 120 – 18/10/2014)
Con có 2 đứa con nhỏ một đứa 4 tuổi và một đứa sắp sinh. Làm thế nào để con buông được chúng nó và nhất tâm niệm phật ah? Xin quý thầy và mọi người chỉ giúp con. Con không muốn đến khi lâm chung bệnh khổ mới đi. Con muốn vãng sanh càng sớm càng tốt. Nhưng vẫn không nỡ lòng bỏ 2 đứa con ở lại mà không có mẹ. Con phải làm thế nào là đúng nhất?
Dạ cô dieu phuong ơi trc khi các thầy hồi đáp cô tham khảo ý kiến của con thử xem: cô cứ lo cho chuyện gia đình sống bình thường qua ngày đi và sớm tối niệm Phật khi nào đủ công đức niệm Phật thì lúc đó Đức từ phụ tiếp dẫn liền à, lúc đó muốn vãng sanh giờ nào thì vãng sanh sau 1 ngày, 1 tháng 1 năm cũng đc( nhưng đatj đx đến đây cô phải làm thiện lánh dữ và siêng năng sớm tối niệm Phật). Cô tham khảo thôi nha, đây chỉ là ngu kiến của con mà thôi. Nam Mô A Di Đà Phật.
A Di Đà Phật
Gửi bạn Dieu Phuong!
Đại lão Hòa thượng Tịnh Không dạy rằng: khi chúng ta tu hành niệm Phật, mọi việc trong đời hãy để Phật, Bồ Tát lo liệu, nếu còn bận thì Phật, Bồ Tát chẳng lo, như vậy chúng ta sẽ rất phiền phức…
Vì lời dạy này tại sao chúng ta không an nhiên mà tu hành niệm Phật? Bạn muốn “buông chúng nó” để nhất tâm niệm Phật, nhưng lại sợ bỏ con. Xem ra 2 chữ buông xả chưa được hiểu thấu đáo. Phật dạy chúng ta: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Chữ Nhân đặt hàng đầu. Nếu vì sự tu hành, ta bỏ mặc con cái, không nuôi dưỡng, không dạy dỗ, thì chẳng trọn đạo lý làm người. Vậy buông xả ở đây, có nghĩa là buông tình chấp. Chúng sanh vì chấp ái, sanh ra tâm niệm chiếm hữu: chồng của ta, con của ta, cho đến chết vẫn quyến luyến tình thân mà trôi lăn trong lục đạo.
Buông xả là buông vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; chẳng phải là đánh đổ những sự vật, sự việc của thế gian; cho đến nhắm mắt bỏ mặc con cái, gia đình. Tình mẹ tựa biển hồ, chúng ta không bỏ đi tình thương, trách nhiệm, song không vì lẽ này mà tham ái thế gian; xem con cái, gia đình… là nhân tố sống cần có mà bất chấp mọi sự.
Trời chiều đúng là đã xế tà, nhưng đường về hãy còn xa lắm. Cái sợ duy nhất là Phật sự chưa viên mãn mà vô thường đã đến. Sợ vãng sanh thì bỏ con, song vô thường đến lẽ nào không bỏ con mà đi vào ác đạo sao?
Nam Mô A Di Đà Phật
Chào bạn, “buông” ở đây không phải là vứt bỏ hết mọi thứ, không chăm lo gia đình. Vì sao? Trong đa số trường hợp thì là cha mẹ nợ con cái, nên nếu cha mẹ vì tu tập mà bỏ mặc con cái, thì nợ càng chồng thêm nợ. Hơn nữa, nếu không chăm lo giáo dục con cho tốt thì con cái lớn lên có nguy cơ trở thành những cá thể không tốt của xã hội. Gia đình là tế bào của xã hội, nếu cha mẹ bất hòa, li dị hoặc không biết giáo dục con cái là cái nhân tạo ra sự bất ổn trong xã hội, từ những bất ổn (tạo nghiệp của con người) sẽ chiêu cảm thiên tai, ma quỷ tới quấy nhiễu. Một điều quan trọng hơn nữa, bạn là Phật tử mà con bạn không được chăm lo cho tốt thì sẽ khiến chúng sanh đánh giá tiêu cực về Phật pháp. Tội này là tội rất nặng của người Phật tử.
Buông con cái gia đình ở đây nghĩa là gì? Nghĩa là trên sự (biểu hiện bên ngoài) thì bạn vẫn phải làm tròn nghĩa vụ người vợ, người mẹ. Còn bản thân bạn tự ý thức được rằng tình cảm gia đình chỉ là 1 trong 4 mối quan hệ trả/đòi nợ, báo ơn/báo oán mà thôi, khi nhân duyên hết mọi thứ sẽ tan. Nhờ đó dần bỏ đi cái tâm ái kiến chỉ với gia đình, chỉ chăm lo cho gia đình mình mà không màng đến các chúng sanh khác. Hoặc khi con cái gặp ốm đau, thậm chí rời xa bạn, bạn hiểu được rằng đó là do hết duyên mà không quá đau buồn. Và quan trọng nhất là khi mãn báo thân này, lúc mạng chung bạn không lo lắng suy nghĩ về con cái gia đình, an nhiên niệm Phật mà ra đi.
Bạn hãy nhớ: muốn làm Phật tử tốt trước tiên phải làm người cho tốt đã. Nếu không làm người cho tốt thì sao có thể vãng sanh được, vì Cực Lạc là nơi “các bậc thượng thiện nhơn câu hội một chỗ”. Có câu “Phật pháp bất ly thế gian giác” – Phật pháp là linh hoạt, ngay trong đời sống thường ngày mà giác ngộ, tu sửa bản thân.
Cuối cùng, để tăng trưởng tín tâm & khai mở trí huệ bạn hãy chăm chỉ niệm Phật & nghe (hoặc đọc) các bài giảng Kinh, nghe đi nghe lại. Khi tín, giải, hành đủ tự ắt bạn sẽ buông được một cách đúng pháp thôi.
A Di Đà Phật!
NGƯỜI TU TỊNH ĐỘ ĐỀU LÀ TỪ VÔ LƯỢNG KIẾP VỀ TRƯỚC ĐÃ TỪNG THÂN CẬN CÁC ĐỨC NHƯ LAI, THẾ NHƯNG VÌ SAO NGÀY NAY VẪN CÒN Ở TRONG LUÂN HỒI?
Chúng ta ngày nay khi tiếp xúc với Phật pháp có thể tin được, có thể hiểu được, có thể nương theo những lời dạy của Phật trong Kinh điển mà tu hành, thì đều chẳng phải tầm thường. Đức Phật nói đó đều là do đã từng tu hành trong nhiều kiếp thuở quá khứ. Đặc biệt là những người trong đời này có thể tiếp nhận pháp môn Tịnh Độ, nghe được Kinh điển của Tịnh Độ cùng với danh hiệu A Di Đà Phật liền sanh lòng vui mừng mà phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, đây là do từ vô lượng kiếp quý vị đã từng cúng dường vô lượng chư Phật Như Lai. Quý vị thử nghĩ xem cái thiện căn này có sâu dày hay không? Rất sâu dày, chính vì thiện căn của quý vị rất sâu dày cho nên dẫn tới đời này quý vị mới có cơ hội gặp được Tịnh Độ mà tu hành.
Chúng ta khi nghe xong điều này liền cảm thấy thật yên lòng. Thế nhưng quý vị có nghĩ qua chưa? Từ đời đời kiếp kiếp về trước tu hành ta đã từng thân cận rất nhiều chư Phật Như Lai, tại vì sao ngày nay vẫn còn ở trong luân hồi? Nghĩ đến điều này thì trong lòng cảm thấy thật xót xa và bi ai quá đỗi. Vì sao? Vì nay thật sự đã hiểu rõ, cái cửa ải luân hồi này không dễ dàng gì đột phá được. Chỉ cần có lưu luyến 1 chút thì quý vị ra không khỏi Tam Giới. Tuy A Di Đà Phật có lòng từ bi, lúc quý vị lâm chung Ngài đến tiếp dẫn quý vị, nhưng trong tâm quý vị vẫn còn lưu luyến cõi thế gian này, vẫn không muốn đi theo Phật, vậy thì Phật không có cách nào tiếp dẫn quý vị được, xem như quý vị đã mất phần vãng sanh.
Nguyên nhân chúng ta trong đời quá khứ không thể vãng sanh chính là chưa đoạn hết lòng tham luyến cõi này, hoặc là không bỏ được tài sản của quý vị, hoặc là không bỏ được thân nhân là con, là cháu của quý vị. Chỉ cần trong tâm của quý vị vẫn còn bịn rịn lưu luyến không muốn lìa khỏi họ thì dù quý vị có tinh tấn niệm Phật đi nữa, nguyện của quý vị có tha thiết đi nữa cũng không thể vãng sanh. Vì sao? Vì chính cái tâm bịn rịn lưu luyến này sẽ kéo quý vị ở lại.
Nay chúng ta đã tìm ra nguyên nhân tại sao chúng ta mãi trôi lăn trong sanh tử luân hồi rồi, thì trong đời này phải tiêu trừ đi cái nguyên nhân này, khiến cho trên con đường Bồ Đề chẳng còn chướng ngại nữa, có thể thuận lợi mà cầu sanh về Tịnh Độ. Cho nên, chúng ta cần phải buông bỏ, phải buông bỏ triệt để, phải buông bỏ sạch sẽ rốt ráo, quyết không thể có chút mảy may lưu luyến nào. Nếu quý vị vẫn còn có lưu luyến vậy thì quý vị đành phải tiếp tục luống qua đời này. Hễ luống qua đời này, quý vị lại nghĩ: “Ta đời sau vẫn có thể tiếp tục tu”. Vậy tôi hỏi quý vị:
_ ” Quý vị có chắc chính mình đời sau lại có được thân người hay không? Nếu không được thân người thì làm sao tiếp tục tu? Cho dù quý vị có được thân người, thì quý vị có bảo đảm mình gặp được Chánh pháp của nhà Phật hay không?”
Ngày nay trên địa cầu chúng ta có khoảng 5 tỷ người, vậy có bao nhiêu người gặp được Phật pháp? Huống chi là Phật pháp ngày nay có rất nhiều nhãn hiệu giả mạo Phật pháp, nếu không có đủ trí tuệ thì không cách nào phân định được thật, giả, đây thật là khó trong khó, quý vị nghĩ xem chính mình có được bao nhiêu cơ hội? Cho nên, tôi rất hy vọng quý vị hãy biết trân trọng cái Thiện Căn-Phước Đức-Nhân Duyên của mình trong đời này mà ra buông bỏ vạn duyên dốc sức niệm Phật, có như vậy thì mới không uổng phí cho 1 đời học Phật của chính mình.
A Di Đà Phật!
Pháp sư Tịnh Không
Trích từ facebook Giang Thanh (https://www.facebook.com/vivian.giang.102/posts/1190580151012799)
mỗi lần nghe lời khai thị của ân sư,lòng con lại cảm thấy xót xa và tự trách bản thân ngu muội sao lại ko siêng năng niệm phật.mỗi ngày đều bị cảnh giới bên ngoài làm động tâm mà còn ko chịu phản tỉnh.ko biết trân quí cái nhân duyên hi hữu ngàn vạn kiếp mới gặp dc này.một khi đã luống qua thì hối hận sao còn kịp nữa. A DI ĐÀ PHẬT!
Diệu Phương rất cảm ơn mọi người đã góp ý. Nhưng buông bỏ tình thân nhất là tình mẹ con đúng là quá khó quá khó. Con lại còn quá nhỏ nữa. Mà không buông thì không thể vãng sanh được. Con chỉ còn biết cầu xin chư Phật và Bồ tát gia trì cho ý chí của con thêm kiên định buông xả vạn duyên nhất tâm niệm Phật cầu sinh tịnh độ. Chúc tất cả mọi người đều tinh tấn niệm Phật không gặp chướng ngại sớm vãng sanh Cực Lạc.A Di Đà Phật!
Ý của DP là hiện tại( chứ ko phải lâm chung) va trong tâm(chứko phải về sự) khó buông xả. Làm sao để luôn sẵn sàng về với Phật bất kì lúc nào mà không băn khoăn gì về con cái. Còn về sự đương nhiên là phải cố gắng làm tròn bổn phận rồi. Cảm ơn mọi người đã góp ý chia sẻ.
Chào bạn Diệu Phương,
Buông ngay thì không được, nhưng mình cố gắng tập buông từ từ thì sẽ được. PH để ý chúng ta thường không quyết tâm buông bởi vì “nhìn chưa thấu”. Hồi xưa đến giờ cái suy nghĩ, thói quen (tập) cho rằng những suy tư, thương, ghét, giận, buồn,..chính là mình; mà đó là mình thì làm sao buông được phải không bạn? Nhưng nhờ Phật dạy trong kinh Lăng Nghiêm mà ta mới “nhận” được là: mấy thứ đó không phải là mình. Để “nhận” được nghĩa này không dễ, nhưng chỉ cần bạn bỏ chút thời gian nghe vài lần bài giảng phần đầu trong kinh Lăng Nghiêm (phần về vọng, chơn tâm) thì bạn sẽ nhận được ý này. Khi biết mấy thứ đó là hư vọng, không phải là mình, thì mình sẽ bình tâm lại, biết nó không quan trọng nữa, mình không hành động để thoả mãn nó nữa, vậy chính là buông đó. Cho nên, điều cần thiết bây giờ có lẽ là bạn cần “nhận” được cái ý mọi cảm xúc, suy tư, lo lắng,..đều không phải là mình, chúng đều là hư vọng, giả dối. Do lâu nay ta lầm, ta tưởng nó là mình nên mới không dám buông và buông không được.
Khi nhận được ý đó rồi thì bạn tập buông từ từ. Lúc ban đầu có thể trong vài chục điều xảy ra, ta chỉ buông được một điều thôi, dần dần hãy để ý tâm mình thường xuyên thì sẽ buông được nhiều hơn. Ví dụ, tâm thương con của bạn chính là tâm ái. Tâm ái này thường là nguyên nhân chính dẫn mình đi luân hồi. Nay ta biết tâm ái này (yêu/ghét) là hư vọng, dù mình khởi tâm đó, nhưng đó là do tập quán từ vô thuỷ đến giờ thôi, chứ nó chỉ là một dạng ý nghĩ, xúc cảm; khi mình hiểu nó như vậy thì nó không còn sức mạnh để lôi mình đi theo nó nữa (vì nó không phải là mình). Ví dụ, khi bạn thấy con nũng nịu yêu thương mình, thì theo tập quán mình sẽ khởi ngay tâm yêu thích con; bây giờ ngay tại lúc bạn nhận thấy tâm đó, thì nhớ lại..À, tâm này vốn là hư vọng, nó chẳng phải là mình.. Thì ngay tại đó, bạn không nương theo tâm đó nữa, mà sẽ nhiếp tâm vào câu Phật hiệu. Nói chung là không dễ (vì nếu dễ thì số người tu niệm Phật chỉ trong vòng thời gian ngắn được vãng sanh đã rất nhiều rồi). Ngoài ra, bạn cần chú ý, cái tâm nôn nóng muốn vãng sanh sớm cũng là một dạng vọng tâm, nếu không khéo để nó kiểm soát mình thì sẽ thành chướng ngại. Dù là tâm muốn vãng sanh, nhưng mà nôn nóng quá thì là tâm bất an rồi. Cho nên, ta hãy bình tĩnh an nhiên nhiếp tâm niệm Phật thôi, tất cả lo lắng đều là vọng tâm, đừng đi theo nó nữa bạn nhé.
Hy vọng giúp bạn chút ít.
Chúc bạn thường tinh tấn, an vui.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Bạn Diệu Phương, nhân vì bạn hỏi lại nên Diệu Minh xin nói là bạn hãy đọc lại đoạn cuối cùng trong phúc đáp của mình ở trên. A Di Đà Phật!
Con đang tuổi yêu (đơn phương) nói ra thật tội lỗi nhiều khi con niệm Phật mà tim nó cứ đập thình thich khi nghĩ về người đó, nhưng chú tâm niệm thì lại hết, dừng niệm thì lại hiện. Con mệt quá. Phàm con biết sống trong cõi Dục muốn tránh ái dục là cực khó. Mong cô chú giúp con buông được mãi mãi, tỉ như lúc con khởi tâm yêu đương có niệm Quan Thế Âm Bồ Tát nhờ người cứu nhưng cứ vài chục giờ sau tánh nào lại tật nấy, có cách nào đoạn trừ vĩnh viễn không ạ? Nam Mô A Di Đà Phật
Chào bạn Quang Hạnh,
Tình yêu trai gái ở tuổi đang yêu rất cuồng nhiệt. Yêu mà không được yêu lại thì rất khổ vì chẳng những mình không được đối tượng mình mơ ước mà cái ngã của mình cũng bị tổn thương. Mình càng không được chừng nào mình lại càng thần tượng đối phương chừng nấy. Có người suốt đời không quên được. Cái đam mê này mạnh giống như nghiền ma túy! Muốn vượt qua cần nhiều ý chí, hãy cố gắng bền bĩ trường kỳ tranh đấu. Phải mất bao nhiêu thời gian mới hết cơn ghiền ma túy?
Điều quan trọng nhất là ĐỪNG CHÌU THEO BẢN THÂN MÌNH MÀ CHÌM ĐẮM TRONG THÚ ĐAU THƯƠNG và hãy tạm thời tránh mặt người đó như người ghiền rượu đừng cho thấy rượu.
Bạn hay chuyển cơn bịnh này thành cơ hội tốt để hết lòng niệm Phật A Di Đà cầu sanh Tịnh Độ. Hãy kiên nhẫn. Tùy theo cường độ mê của bạn, thời gian để trở lại bình thường (nghĩa là dù người đó đứng trước mặt bạn vẫn dững dưng) từ 3 hay 6 tháng đến 2 năm. Nếu không chửa thì có thể bị bịnh rất lâu.
Đây có thể là thiện duyên của bạn khiến bạn niệm Phật tinh tấn. Niệm Phật khẩn thiết liên tục có thể trừ bệnh kể cả bệnh yêu. Sau khi bạn hết bệnh rồi, nhìn lại bạn sẽ cười mình sao quá vô minh và còn sanh lòng từ bi thương xót chúng sanh si mê điên đảo quay cuồng trong biển khổ triền miên.
Chúc bạn nhiều may mắn.
Chào bạn mình cũng từng như bạn, và hiểu cảm giác đó !Nhưng suy cho cùng cái yêu đơn phương đó cũng như mộng huyễn, bạn hãy suy nghĩ xem bạn thích người đó ở điểm nào ? Nếu thích vẻ ngoài thì hãy suy nghĩ toàn thân người đó điều nhơ nhớp dù có ướp hương xông hoa đi nữa thì cũng chẳng che đậy nỗi, nào là những mồ hôi, ráy tai, phẩn, nước tiểu,.. có gì là sạch sẽ đáng yêu thích ?
Bên trong thì gan ruột, máu huyết, nếu bỏ lớp da kia thì thật không dám nhìn, phía trên là một cái đầu lâu mang tóc, phía dưới một bộ xương mang da, mỗi ngày những thứ dơ dáy tuôn ra chín lỗ ?
Vả lại cái tâm yêu này không thật, ví dầu bạn có đạt được có chắc không sanh lòng nhàm chán, biết bao nhiêu đôi yêu nhau cho lắm xong khi đến được với nhau lại thấy mặt trái của họ, liền cự cãi chia tay, buông ra những lời cai độc có phải là khổ không ?
Về lý là như vậy, về sự bạn nên niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm kiêm thêm lúc niệm Phật, và cầu Bồ Tát thùy từ gia hộ, khi nào có ý niệm yêu đương đó lên thì hãy lạy Phật đó cũng là một cách tốt ! A Di Đà Phật ! Mình vốn là một người ngu si, có chút hiểu biết muốn chia sẽ, mong bạn hoan hỷ !
Cám ơn bạn Tịnh Táy và Khổ Đế đã khai thị mình vô cùng biết ợn ạ Hoan hỷ hoan hỷ. Nam Mô A Di Đà Phật
NGƯỜI THẬT SỰ KHĂNG KHĂNG MỘT MỰC NIỆM A DI ĐÀ PHẬT, NGƯỜI ẤY CÓ PHƯỚC, ĐẠI PHƯỚC BÁO !
Ta có Tín, Nguyện, Hạnh, vì sao vẫn chẳng thể vãng sanh? Còn có điều kiện kèm theo, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói rõ ràng: “Chẳng thể do chút thiện căn, phước đức, nhân duyên, mà sanh về cõi ấy”. Chúng ta thiện căn ít ỏi, phước đức ít ỏi, chẳng đến đó được! Thiện căn và phước đức là gì? Thiện căn là có thể tin, có thể hiểu, đó là thiện căn. Phước đức là gì? Là có thể hành, có thể chứng. Nói cách khác, người thật sự khăng khăng một mực niệm A Di Đà Phật, người ấy có phước, đại phước báo!
Kẻ bình phàm chúng ta không biết, tưởng phú quý trong thế gian này là phước báo, chẳng phải vậy! Quý vị có thể hưởng phú quý trong thế gian này bao nhiêu năm? Dẫu quý vị sống đến một trăm tuổi, cũng là một cái khảy ngón tay liền xong! Vì thế, chúng ta chớ nên không biết điều này. Phước đã hưởng hết, trong đời này quý vị có tiếp tục tu phước hay không? Nếu chẳng thật sự tu phước, đời sau phước báo kém đời này rất xa! Nếu trong khi hưởng phước lại tạo mầm tội, cũng rất dễ dàng đọa vào ba ác đạo, quý vị nói xem có đáng sợ lắm hay chăng? Người ấy niệm Phật vãng sanh, sanh về thế giới Cực Lạc bèn là vô lượng thọ, sanh về thế giới Cực Lạc làm A Duy Việt Trí Bồ Tát, thấy hết thảy Phật, quý vị nói xem: Ai có phước? Có thể niệm Phật sanh về thế giới Cực Lạc là những bà già, ông lão, cũng chẳng biết chữ, nghèo túng. Người nghèo hèn, có thể nói là trong xã hội chẳng có tài sản gì, mà cũng chẳng có địa vị, đến thế giới Cực Lạc để làm Phật, há có thể sánh bằng họ ư? Những điều này đều là sự thật chân chánh, Phật pháp chẳng nói những điều hư giả. Chẳng gặp được tức là chẳng có duyên phận, chẳng có cách nào hết!
HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
Con thật sự có điều không hiểu. Tại sao chấp niệm của con lại khó buông bỏ đến thế. Con biết người ta lừa gạt tình cảm của con. Mối tình đầu của con đến cuối cùng con lại là người thứ ba, Lẽ ra con nên hận nên ghét người ta nhưng con lại cứ yêu và quan tâm lo lắng. Rõ ràng họ đã quay lại mà con thì vẫn theo thói quen hướng về, âm thầm quan tâm lo lắng cho người đó. Con còn từng ngĩ về cha mẹ, thân này cha mẹ giữ gìn nuôi nấng bao nhiêu năm, lại để người khác đối xử tệ bạc. Rốt cuộc vẫn không thể thấu. Nhiều lúc tâm con rất loạn.