Người sống trong thế gian có đủ tám khổ, dẫu sanh lên trời chưa khỏi ngũ suy(1). Kinh dạy: “Ba cõi không yên, khác nào nhà lửa, các khổ dẫy đầy, thật đáng kinh sợ” hay sao? Mạng người vô thường, nhanh như ánh chớp, đại hạn xảy tới, ai lo phận nấy. Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng. Với điều này còn không tỉnh ngộ, dốc sức tu tịnh nghiệp thì khác gì gỗ đá vô tình cùng sanh trưởng trong vòng trời đất. Là trang nam tử có huyết tánh, há chịu sống làm thây đi, thịt chạy, chết mục nát cùng cỏ cây, đề cao thánh cảnh nhưng tự mình lại chịu phận phàm ngu, gặp lời cảnh sách lớn lao chẳng phát phẫn, nghe đạo của thánh hiền, Phật, Tổ lại chẳng chịu hành, ấy là trời phụ người hay người phụ trời vậy?
Con người sống trong thế gian, siêu thăng rất khó, đọa lạc thật dễ. Nếu không vãng sanh Tây Phương, đừng nói chi nhân đạo chẳng đáng nương cậy, dù sanh lên trời phước thọ thật dài lâu, hễ hết phước lực vẫn bị đọa lạc trong nhân gian y như cũ, cũng như phải chịu khổ trong Tam Đồ ác đạo! Nếu không biết Phật pháp thì chẳng biết làm sao, nay đã hiểu đại khái Phật pháp, há nhường một mối đại lợi ích này cho người khác, còn chính mình đành lòng luân hồi trong sáu nẻo, thoạt chìm, thoạt nổi, vĩnh viễn không có ngày thoát khỏi ư?
Cổ nhân nói: “Sanh tử cũng lớn lao thay!” Chẳng đáng buồn ư! Trộm nghĩ: Buồn suông thì rốt cuộc có ích chi đâu? Cần biết rằng sanh tử là đại sự, tín nguyện niệm Phật là đại pháp. Đã biết chết đáng buồn, hãy nên tu đại pháp này trước khi chưa chết thì chẳng những chết không đáng buồn mà còn là may mắn lớn nữa. Vì sao vậy? Do tịnh nghiệp chín muồi, nương theo Phật từ lực, lập tức vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, được siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, vĩnh viễn lìa khỏi các nỗi khổ, chỉ hưởng các sự vui, tu tập dần dần mãi cho đến khi thành Phật mới thôi.
Trích Ấn Quang Đại Sư Văn Sao Tinh Hoa Lục
(1) Ngũ suy: Năm tướng suy hiện ra khi một vị trời sắp hết tuổi thọ, tức là hoa trên mão héo úa, nách rịn mồ hôi, áo quần nhơ nhớp, thân mất vẻ oai nghi có mùi hôi và mắt thường hay chớp, không thích chỗ ngồi cũ của mình hoặc làm những việc thô tháo với ngọc nữ.
Đến thế giới Tây phương cực lạc không phải đi hưởng thụ, nếu bạn vẫn còn ý niệm hưởng lạc thì cái vọng tưởng này khiến bạn không thể đi. Điều kiện đi thế giới Tây phương là “Tâm tịnh thời cõi nước tịnh”. Niệm Phật là phương pháp cần phải đạt đến tiêu chuẩn nhất định mới có thể vãng sanh. Tiêu chuẩn là tâm thanh tịnh, dùng phương pháp niệm Phật tu tâm thanh tịnh mới có năng lực và tư cách vãng sanh tịnh độ. Tâm không thanh tịnh, vọng tưởng phân biệt chấp trước vẫn tồn tại, thì mỗi ngày bạn niệm mười vạn Phật hiệu cũng không ích gì, người xưa nói “đau mồm rát họng chỉ uổng công”. Cũng giống như người đọc sách, học tập rất dụng công, bán mạng mà học, khi thi thì không đạt tiêu chuẩn, vậy có ích gì. Cho nên phải chú trọng hiệu quả thực tế. Tiêu chuẩn kinh Di Đà là “Nhất tâm bất loạn”, chúng ta dùng phương pháp “Chấp trì danh hiệu” để đạt đến nhất tâm bất loạn.
Tịnh Không pháp sư
Bạch Đức Thế Tôn ! Chúng con hôm nay quy mạng mười phương Phật, quy mạng mười phương Pháp, quy mạng mười phương Tăng. Sau xin cúi đầu quy mạng Đông phương A Súc Bệ Như Lai. Quy mạng Nam phương Bảo Tướng Như Lai. Quy mạng Tây phương A Di Đà Như Lai. Quy mạng Bắc phương Diệu Thắng Như Lai. Quy mạng Thượng phương Hương Tích Như Lai. Quy mạng Hạ phương Ức Tượng Như Lai. Quy mạng Đông phương Phổ Hiền Đại Sĩ. Quy mạng Nam phương Trì Thế Đại Sĩ. Quy mạng Tây phương Quán Âm Đại Sĩ. Quy mạng Bắc phương Mãn Nguyệt Đại Sĩ. Quy mạng Thượng phương Hư Không Đại Sĩ. Quy mạng Hạ phương Kiên Đức Đại Sĩ.
Lại xin cúi đầu quy mạng Bổn Sư Định Quang Như Lai. Quy mạng đương hội Đạo Tràng Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Quy mạng chư phân thân Hóa Phật ở khắp mười phương. Quy mạng bậc chứng Phật Tánh đời vị lai. Quy mạng Duy Ma Cật Đại Sĩ, Mạn Thù Thất Lỵ Đại Sĩ. Quy mạng A Nan Đà tôn giả, Ma ha Ca Diếp tôn giả. Quy mạng chư tôn đức xuất hiện từ đạo Thánh Nhơn. Quy mạng chư hữu giáo sơ tâm. Quy mạng Đại Tạng Thập Nhị Bộ Kinh. Quy mạng Đại Thừa Phương Đẳng Thánh Điển. Quy mạng chư dư kinh pháp. Quy mạng bát phần Phật Xá Lợi cập hình tượng. Quy mạng hiện hữu Phật sự.
Xin khể thủ Phậm, Thích Tôn Thiên. Khể thủ Đao Lợi tam thập tam thiên tôn Thiên. Khể thủ tứ phương Hộ Thế Tứ Vương Tôn Thiên. Khể thủ Hư không, Thiên thượng, Địa thượng, Địa hạ, Sơn lâm, Giang hải, Đại thọ, nhứt thiết thần tiên. Khể thủ chư hữu thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc mạng, cập đại thần thông. Nguyện xin nghe biết và tác chứng minh. Nguyện tất cả chúng sanh nếu chưa sám hối đều được diệt tội. Nguyện tất cả chúng sanh cùng quì cúi đầu chắp tay, đồng thanh chí tâm sám hối :
Chúng con từ kiếp vô thỉ cho đến ngày nay, vì một niệm mê chân tánh, nên lạc theo dòng vô minh, trong nẻo luân hồi, cuồng dại loại tâm, khởi vô lượng đảo kiến cùng phiền não ác nghiệp, tạo vô biên tội không thể kể xiết ! Những tội ấy hoặc từ ba nghiệp sáu căn gây nên, hoặc tự mình làm, hoặc bảo người làm, hoặc thấy kẻ khác làm sanh lòng vui theo. Hoặc có tội biết, tội không tự biết. Hoặc có tội nhớ, tội không nhớ. Hoặc có tội nghi, tội không nghi. Hoặc có tội phát lồ, tội che dấu. Chúng con gây vô số tội như thế, phần nhiều mình chẳng tự hiểu, ác tâm càng thạnh, chỉ thấy hiện tại, không rõ qủ báo đời sau, xa lìa căn lành, gần thầy bạn xấu, bị ác nghiệp ngăn che, trôi theo tập quán phiền não. Ngày nay xin chí thành phát lồ sám hối.
Bạch Đức Thế Tôn ! Chúng con từ vô lượng kiếp cho đến nay vì cuồng dại si mê, đã gây tội hủy báng Tam Bảo, chúng con hoặc làm cho thân danh Như Lai bị tổn thương. Hoặc hủy phá thiêu đốt hình tượng Phật. Hoặc để lộ tượng Phật ngoài sương gió nắng mưa không che đậy. Hoặc để tượng Phật nơi phòng thấp, mình ở phòng cao. Hoặc để tượng Phật xung quanh, mình ở chính giữa. Hoặc dùng tay chân hay đồ vật chẳng sạch xúc chạm tượng Phật. Hoặc để hơi hôi nhơ xông vào chổ thờ Phật. Hoặc để thân mình lõa lồ trước hình tượng Phật. Cho đến tạo tất cả tội từ nghiệp thân, nghiệp miệng, nghiệp ý, hủy phạm Phật Bảo.
Đối với Pháp Bảo, chúng con hoặc phỉ báng Kinh Phương Đẳng Đại Thừa. Hoặc phỉ báng Kinh Điển Tam Thừa. Hoặc phỉ báng bậc pháp sư thuyết pháp. Hoặc chánh pháp nói phi pháp, phi pháp bảo là chánh pháp. Hoặc phá hoại thiêu hủy Tam Tạng Kinh Điển. Hoặc để Kinh Điển nơi chổ mưa dột nắng soi. Hoặc để Kinh Điển nơi chỗ không tôn kính. Hoặc dùng tay chân đồ vật không sạch xúc chạm, cùng để hơi hôi xông vào làm ô uế kinh Điển. Cho đến tạo tất cả tội từ nghiệp thân, nghiệp miệng, nghiệp ý, hủy phạm Pháp Bảo.
Đối với Tăng Bảo, chúng con hoặc hủy báng bậc Bồ Tát Thánh Tăng. Hoặc hủy báng bậc Duyên Giác Thánh Tăng. Hoặc hủy báng hàng Thanh Văn hữu học, vô học. Hoặc dùng lời thô ác phỉ báng Năm Bộ Tăng. Hoặc sai khiến, đày đọa, giam cầm, trói buôc Năm Chúng xuất gia. Cho đến tạo tất cả tội từ nghiệp thân, nghiệp miệng, nghiệp ý, hủy phạm Tăng Bảo.
Do những tội ác đã tạo như thế, ngày nay chúng con vô lượng hổ thẹn và sợ hải ! Nguyện xin quy y ngôi Tam Bảo : chư Phật từ bi, kinh Phương Đẳng Đại Thừa, chư Đại Bồ Tát cùng hàng Thiện Tri Thức, bậc cha mẹ. Xin nhận cho chúng con tỏ bày sám hối. Nguyện các tội nặng từ vô lượng kiếp sanh tử cho đến ngày nay thảy đều tiêu trừ. Nguyện từ đây về sau không còn dám tái phạm.
Chào tất cả mọi người.
Cháu muốn hỏi rằng: chấp trước là gì, phân biệt là gì ạ. A Di Đà Phật
Chào thăng.
Để cho dễ và thuận lợi hơn NP có ý thế này, chú sẽ đề cập gần vấn đề thăng hỏi, rồi thăng dùng đạo tâm mình để trả lời nhé. Như vậy sẽ dễ hình dung và tiếp cận hơn.
Người càng nhiều chấp trước, càng nhiều phân biệt sẽ càng có nhiều phiền não,người càng buông bỏ được nhiều sự chấp trước, nhiều sự phân biệt thì thân tâm sẽ càng an lạc, người vĩnh viễn lìa xa phân biệt chấp trước thì trong tâm thường thấy Tây phương thường thấy cõi Phật. Trong pháp thế gian, người cố chấp, khăng khăng giữ cái quan điểm của mình rất dễ sanh cãi vã bất đồng khi sống chung làm việc cùng nhau, người càng dễ chịu, càng ít cố chấp thì càng thoải mái thuận lợi, ít cãi vả…nó như vậy đấy thăng.
Chúng ta ngày nay nói “vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”, thì mọi người dễ hiểu. Nhưng danh từ trong Phật học không phải nói như vậy, danh từ trong Phật học là nói “Vô minh phiền não”, “Trần sa phiền não” và “Kiến tư phiền não”. Kiến tư phiền não chính là chấp trước, Trần sa phiền não chính là phân biệt, Vô minh phiền não chính là vọng tưởng, tôi đem nó đổi qua danh từ khác thì mọi người dễ hiểu, ý nghĩa sâu sắc vô cùng! Cho nên, chúng ta thật sự là bị vọng tưởng, phân biệt, chấp trước hại rồi! Ngay cả làm người chúng ta cũng không tự tại, hằng ngày sinh tâm phiền não! Tại sao vậy? Ta đi đến đâu cũng đều chấp trước thân phận của ta, phân biệt thân phận, chấp trước thân phận, phải có địa vị của ta, phải có danh dự của ta, có đáng lo hay không chứ? Toàn là giả! Có những thứ này bạn liền có sinh tử, liền có nhân duyên quả báo! Trong nhà Phật nói, bạn có thiện niệm sẽ thọ báo ba cõi thiện trong sáu cõi, bạn có ác niệm thì sẽ thọ báo ba cõi ác. Nếu ý nghĩ thiện, ác không còn nữa thì sáu cõi cũng không còn. Nhân của sáu cõi không còn nữa thì đâu có quả của sáu cõi?
PS Tịnh Không
BẠN TU HÀNH CÓ CÔNG PHU HAY KHÔNG, MỘT CHIÊU CUỐI CÙNG NÀY LÀ BẠN BIẾT BẠN TU HÀNH THẬT HAY GIẢ
Niệm Phật có công phu thật hay không, một chiêu cuối cùng hoàn toàn hiển lộ ra rồi. Bạn sống ở thế gian, bạn dùng đủ thứ phương tiện thiện xảo để che đậy người, lừa gạt người. Người ta gọi bạn là người thiện, bạn có được danh dự tốt, chưa chắc là sự thật, phải xem cách chết của bạn như thế nào. Một chiêu đó là không thể lừa người, công phu đích thực là xem ở chỗ này. Bạn ra đi rất tự tại, đi rất tự nhiên thì bạn là công phu thật. Nếu bạn ra đi có đau khổ, ra đi rất khó chịu thì bạn là đồ giả, bạn không phải thật. Một chiêu này không thể làm giả, không thể lừa người. Cho nên, chúng ta bất luận đối với xuất gia hay tại gia, công phu tu hành của bạn đến một chiêu cuối cùng toàn bộ đều lộ rõ. Cả đời có thể che đậy người, nhưng một chiêu cuối cùng không thể lừa người.
Phật thuyết thập thiện nghiệp đạo kinh tập 76
Pháp sư Tịnh Không giảng