Vô lượng vô số kiếp về thuở trước có đức Phật ra đời, hiệu là Liên Hoa Mục Như Lai. Đức Phật đó thọ bốn mươi kiếp. Trong thời tượng pháp, có một vị La Hán phước đức cứu độ chúng sanh. Nhơn vì đi tuần tự giáo hóa mọi người, La Hán gặp một người nữ tên là Quang Mục, nàng nầy sắm sửa đồ ăn cúng dường La Hán. La Hán thọ cúng rồi hỏi : “Nàng muốn những gì?” Quang Mục thưa rằng: “Ngày thân mẫu tôi khuất, tôi làm việc phước thiện để nhờ đó mà cứu vớt thân mẫu tôi, chẳng rõ thân mẫu tôi thác sanh vào đường nào?” La Hán nghe nói cảm thương bèn nhập định quan sát, thời thấy bà mẹ của Quang Mục đọa vào chốn địa ngục rất là khổ sở. La Hán hỏi Quang Mục rằng: “Thân mẫu người lúc sanh tiền đã làm những hạnh nghiệp gì, mà nay phải đọa vào chốn địa ngục rất khổ sở như thế?”
Quang Mục thưa rằng: “Ngày còn sống, thân mẫu tôi chỉ ưa ăn thịt loài cá trạnh, phần nhiều là hay ăn cá con và trạnh con, hoặc chiên, hoặc nấu, tha hồ mà ăn cho thỏa mãn. Nếu tính đếm số cá trạnh của người đã ăn thời đến hơn nghìn muôn. Xin Tôn Giả thương xót chỉ dạy phải làm cách nào để cứu thân mẫu tôi?”
La Hán xót thương bèn dạy phương chước, ngài khuyên Quang Mục rằng: “Ngươi phải đem lòng chí thành mà niệm đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai, và vẽ đắp hình tượng đức Phật, thời kẻ còn cùng người mất đều được phước lợi!” Quang Mục nghe xong, liền xuất tiền của, họa tượng Phật mà thờ cúng. Nàng lại đem lòng cung kính, khóc than chiêm ngưỡng đảnh lễ tượng Phật.
Đêm đó, nàng chiêm bao thấy thân của đức Phật sắc vàng sáng chói như hòn núi Tu Di. Đức Phật phóng ánh sáng mà bảo Quang Mục rằng: “Chẳng bao lâu đây thân mẫu ngươi sẽ thác sanh vào trong nhà của ngươi, khi vừa biết đói lạnh thời liền biết nói”. Sau đó, đứa tớ gái trong nhà sanh một đứa con trai, chưa đầy ba ngày đã biết nói. Trẻ đó buồn khóc mà nói với Quang Mục rằng: “Nghiệp duyên trong vòng sanh tử phải tự lãnh lấy quả báo. Tôi là mẹ của người, lâu nay ở chốn tối tăm. Từ khi vĩnh biệt người, tôi phải đọa vào đại địa ngục. Nhờ phước lực của người, nên nay được thọ sanh làm kẻ hạ tiện, lại thêm số mạng ngắn ngủi, năm mười ba tuổi đây sẽ bị đọa vào địa ngục nữa, có phương thế gì làm cho tôi được thoát khỏi nỗi khổ sở?”
Nghe đứa trẻ nói, Quang Mục biết chắc là mẹ mình. Nàng nghẹn ngào khóc lóc mà nói với đứa trẻ rằng: “Đã là mẹ của tôi, thời phải tự biết tội của mình, đã gây tạo hạnh nghiệp chi mà bị đọa vào địa ngục như thế ?” Đứa trẻ đáp rằng : “Do hai nghiệp: giết hại sanh vật và chê bai mắng nhiếc, mà thọ báo khổ. Nếu không nhờ phước đức của người cứu nạn cho tôi, thời cứ theo tội nghiệp đó vẫn còn chưa được thoát khổ”. Quang Mục hỏi rằng:”Những việc tội báo trong địa ngục ra làm sao?” Đứa trẻ đáp rằng : “Những việc tội khổ nói ra càng bất nhẫn, dầu đến trăm nghìn năm cũng không thuật hết được.”
Quang Mục nghe xong, than khóc rơi lệ mà bạch cùng giữa hư không rằng: “Nguyện cho thân mẫu tôi khỏi hẳn địa ngục khi mãn mười ba tuổi không còn có trọng tội cùng không còn đọa vào ác đạo nữa. Xin chư Phật trong mười phương thương xót chứng minh cho tôi, vì mẹ mà tôi phát nguyện rộng lớn như vầy: Như thân mẫu tôi khỏi hẳn chốn tam đồ và hạng hạ tiện cùng thân gái, cùng kiếp không còn thọ những quả báo xấu đó nữa, tôi đối trước tượng của đức Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai mà phát lời nguyện rằng: Từ ngày nay nhẫn về sau đến trăm nghìn muôn ức kiếp trong những thế giới nào mà các hàng chúng sanh bị tội khổ nơi địa ngục cùng ba ác đạo, tôi nguyện cứu vớt chúng đó làm cho tất cả đều thoát khỏi chốn ác đạo: địa ngục, súc sanh, và ngạ quỉ v.v… Những kẻ mắc phải tội báo như thế thành Phật cả rồi, vậy sau tôi mới thành bực Chánh Giác.”
Quang Mục phát nguyện đó xong, liền nghe tiếng của đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục Như Lai dạy rằng: “Nầy Quang Mục! Nhà ngươi rất có lòng từ mẫn, vì mẹ mà phát ra lời thệ nguyện rộng lớn như thế, thật là hay lắm! Ta quan sát thấy mẹ nhà ngươi lúc mãn mười ba tuổi, khi bỏ báo thân nầy sẽ thác sanh làm người Phạm Chí sống lâu trăm tuổi. Sau đó vãng sanh về cõi nước Vô Ưu sống lâu đến số không thể tính kể. Sau rốt sẽ thành Phật độ nhiều hạng người, trời, số đông như số cát sông Hằng”.
Đức Phật bảo ngài Định Tự Tại Vương Bồ Tát rằng: “Vị La Hán phước lành độ Quang Mục thuở đó, chính là Vô Tận Ý Bồ Tát. Thân mẫu của Quang Mục là ngài Giải Thoát Bồ Tát. Còn Quang Mục thời là ngài Địa Tạng Bồ Tát đây vậy. Trong nhiều kiếp lâu xa về trước ngài có lòng từ mẫn, phát ra hằng hà sa số lời thệ nguyện độ khắp chúng sanh như thế.”
Trích KINH ÐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
Tam Tạng Pháp Sư Pháp Ðăng, Hán dịch
Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, Việt dịch
Phẩm thứ tư: Nghiệp cảm của chúng sanh
Video trên ở Mỹ không xem được. Các anh chị ở Việt Nam có xem được không?
Ở Việt Nam vẫn xem được bình thường thưa đạo hữu.
GH cũng ở SJ, mỹ. Nhưng dùng VPN là sẽ xem đc hết đó chị. Chị bật VPN lên rồi sẽ xem đc 🙂
Dạ xin cảm ơn các anh chị đã hồi âm. A Di Đà Phật.
NAM MÔ ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT.
Con muốn cầu trí tuệ từ NGÀI. Các thầy chỉ dạy con phương pháp giùm con với.
Các thầy không có ý kiến vậy con tự tìm phương pháp vậy.
Nhà con không thờ PHẬT,con sẽ lên chùa mua hương hoa cúng dường ĐỊA TẠNG BỒ TÁT dùng ly nước để trước hình tượng BỒ TÁT một ngày một đêm,sau đó cung kính chắp tay thỉnh để uống,xây mặt về hướng NAM.
Con sẽ ăn cơm rau ,bỏ rượu,thịt,tà dâm,vọng ngữ,và các việc giết hại trong 7 ngày hoặc 21 ngày. Con muốn áp dụng lời dạy của KINH vào đời sống này. Để xem 21 ngày này những gì sẽ chuyển biến trong con. Mỗi khi xem kinh lòng con thổn thức không yên .Nhưng không thể học được,nay con phát nguyện cầu ĐỊA TẠNG BỒ TÁT giúp con được trí tuệ.
Chào bạn Nguyên,
Nếu là người tu Tịnh Độ, thì sẽ cầu vãng sanh Cực lạc. Vãng sanh được chăng là nhờ vào Tín, Nguyện, Hạnh. Niệm Phật chân thực, nhất tâm thì tự nhiên sẽ phát sanh trí huệ.
Với người tu Tịnh Độ hãy nên chân thực nhất tâm niệm Phật cầu vãng sanh là hơn cả.
Chúc bạn thường tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nay con nghe thấy lợi ích trong kinh như thế. Cũng muốn nương vào nguyện của NGÀI ĐỊA TẠNG. Thấy trân bảo như món ăn ngon của vua mà chẳng dám dùng thì tiếc quá.
Bạn Nguyên,
Cứ nhất tâm cầu sanh TỊNH ĐỘ. Về được cõi CỰC LẠC cái đã.
Vì sao ư?
—
MƯỜI PHƯƠNG CHƯ PHẬT TÁN THÁN
Lại nữa A Nan, hằng hà sa số thế giới ở phương Đông, trong mỗi thế giới có hằng sa đức Phật xuất tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng quang minh nói lời thành thật, khen ngợi công đức bất khả tư nghì của đức Phật Vô Lượng Thọ. Hằng sa thế giới chư Phật ở chín phương khác, cũng đồng xưng tán như thế.(trích Kinh Vô Lượng Thọ)
—
Bạn đọc những dòng này có thấy rung động không? Có thấy cõi Cực Lạc của Phật Vô Lượng Thọ thù thắng trang nghiêm bất khả tư nghì không? Vậy có nên phải gấp gấp về không?
Không gì hơn Nhất Tâm cầu Tịnh Độ. Đây mới chính là phát tâm VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ.
A Di Đà Phật
Chào bạn Nguyên,
Xin được tán thán tâm hân ngưỡng pháp Phật của bạn. Không riêng gì kinh Địa Tạng mà tất cả lời dạy của đức Phật trong tất cả kinh đều là trân bảo. Tất cả pháp đều có cùng một vị, đó là vị giải thoát, mỗi người tuỳ theo duyên mà chọn một cửa đi vào. Bạn đang tu Tịnh Độ muốn cầu về Cực lạc, sao chẳng phát tâm giữ giới, ăn chay, giữ tâm thanh tịnh mà niệm Phật miên mật trong 7 ngày hay 21 ngày (như cách bạn đang phát tâm trì kinh Địa Tạng). Với các vị không tu Tịnh Độ, nếu họ muốn trì kinh Địa Tạng, PH sẽ hết lòng khuyến khích. Nhưng với người tu Tịnh Độ thì khác, bạn hãy lấy hết sức lực, mong muốn, tâm ý,..của mình mà sống chết với câu Phật hiệu cầu vãng sanh. Dồn hết sức vào một việc vãng sanh này, đó chính là thật Nguyện, thật Hạnh. Giống như người trong tù muốn khoét lỗ để thoát ra thì phải đào mãi, đào mãi ở một nơi đã chọn, tập trung hết sức lực vào đó thì mới có cơ may khoét thông được ra ngoài, chứ nếu hôm nay đào nơi này, mai đào nơi khác thì sức lực hao mòn mà lại chẳng xong được việc. Như trên đã nhắc đến, tất cả pháp Phật đều là trân bảo. Có thể sau này bạn sẽ thấy tâm đắc với kinh Kim Cang, Pháp Hoa,..và lại muốn trì theo. Loay hoay như vậy trong khi thọ mạng của mình chỉ trong hơi thở, cho nên bạn hãy nên cẩn trọng cân nhắc.
Khi vãng sanh rồi, hoặc ngay lúc còn ở cõi Ta Bà mà công phu đạt được nhất tâm bất loạn thì tuỳ theo sâu cạn mà trí tuệ hiển lộ.
Những lúc như thế này chính là lúc xét tâm của mình, có thật Tín, thật Nguyện, thật Hạnh không; vọng tâm mình vi tế lắm lắm.
Chúc bạn thường tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Giới sanh Định-Định sanh Tuệ muốn có trí huệ thì phải giữ giới. Nói thì dễ nhưng làm rất khó.
A Di Đà Phật
Bạn Kim Thuý,
Khó hay dễ đều ở tâm người tu đạo. Nếu tâm đó thực đã giác ngộ: nhân-quả, 8 nỗi khổ của thế gian, vô thường thì việc hành trì thực không còn chướng ngại. Nhưng nếu nhân quả chẳng thông, 8 nỗi khổ thế gian vẫn là niềm vui, sanh tử vô thường chưa phải là mối đe doạ, tất trì giới sẽ thực là khó.
TĐ có người bạn bệnh rất nặng, có thể nói tính mạng treo sợi tóc, vậy nhưng mỗi lần có cơ hội chở vợ con đến chùa lễ Phật, anh chỉ chọn giải pháp đứng bên ngoài, nhìn vào chánh điện. TĐ đã tìm rất nhiều nhân duyên giúp anh hiểu được giá trị mỗi lần đến viếng chùa, nhưng anh chỉ lắc đầu rồi cười trừ: Thôi! Đứng đây thôi! Cũng lại có người rất năng thường đến chùa nhưng chỉ thích làm chuyện lặt vặt hay làm công đức là đủ; lại có người rất năng đến tu, nhưng hễ mở miệng là chỉ lo nói chuyện phải, quấy, đúng sai, hay dở; lại có người đến chùa tu chỉ lo tạo thêm danh, tiếng, vị trí đứng trước mọi người; cũng lại có người hễ ngồi tu là gà gật…v.v.. TĐ nêu vài ví dụ điển hình để bạn thấy: tu thật không dễ, mà thật không khó. Khó hay dễ đều nơi mình cả. Nếu tâm thực giác thì tu chẳng khó, ngược lại là khó trong khó.
Nếu chúng ta phát tâm tu, nhưng không tìm cách chuyển hoá cái tâm phóng dật: tâm ham đắm ngũ dục, tham, sân, si, mạn, nghi, rồi để lục trần lôi kéo… đương nhiên một chút định chẳng có, nói gì trí huệ sanh?
Kính mong mọi người cùng niệm A di đà Phật
Con xin hỏi là người Phật tử thì có được uống thuốc ngừa thai và đặt vòng tráng thai ko
Con xin cảm ơn
Chào bạn Nguyễn Thị Bình,
Theo như PH biết, vòng tránh thai và thuốc ngừa thai uống hằng ngày là để ngăn tinh trùng gặp trứng, như vậy thì người Phật tử sử dụng được. Còn thuốc tránh thai khẩn cấp, nếu trong trường hợp trứng đã được thụ tinh (đã có mầm sống rồi), uống thuốc đó vào sẽ là một hình thức phá thai, cho nên người Phật tử cần cẩn trọng khi sử dụng để tránh phạm tội phá thai.
Chúc bạn an vui.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Vợ chồng em chọn cách ….ngủ riêng.
………
Trong quyển 8 BÀI THUYẾT PHÁP CỦA ĐẠI SƯ ẤN QUANG viết:
Đến như đạo vợ chồng ăn ở với nhau vốn không có cấm,nhưng phải cung kính nhau như khách,tiết dục,giữ gìn thân thể ,hễ ít dâm dục thì sinh nhiều con trai,chẳng thể buông lubg dâm dục vô độ,đến nỗi chết yểu mà không kẻ nối dòng.Lại nữa ,tuy là vợ chánh thức của mình,mà hoang dâm cũng phạm giới,chẳng qua so với tà dâm nhẹ hơn một chút. Nên cần phải chú trọng giới dâm.
Chị Bình kính mến
Em có nghe một số vị nói ko nên dùng thuốc và vòng chỉ nên dùng bao cao su là tốt nhất chị ah
Chị hỏi thêm ý kiến mọi người xem sao
CÂU CHUYỆN THẬT CUỘC ĐỜI CỦA DIỄN VIÊN NỔI TIẾNG TRẦN HIỂU HÚC: LUÂN HỒI SANH TỬ VÔ CÙNG ĐAU KHỔ
Trần Hiểu Húc (29/10/1965 – 13/5/2007) là người ở thành thị An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Cô là nữ diễn viên nổi tiếng của Trung Quốc với vai diễn Lâm Đại Ngọc trong bộ phim truyền hình “Hồng Lâu Mộng” phiên bản năm 1987.
Cô đã qua đời ở tuổi 43 vì bệnh ung thư. Dưới đây là những câu chuyện về các kiếp sống luân hồi của cô.
Vào năm 1984, nhờ vào khí chất đặc biệt của mình, Trần Hiểu Húc được giao đảm nhận vai diễn Lâm Đại Ngọc trong bộ phim truyền hình “Hồng Lâu Mộng”. Đến năm 1987, sau khi bộ phim được công chiếu, hóa thân của cô vào nhân vật Lâm Đại Ngọc này rất được quần chúng yêu thích đón nhận, từ đó cái tên của Hiểu Húc gắn chặt với Lâm Đại Ngọc.
Có rất nhiều câu chuyện được kể từ một người tu thiền định đã khai mở thiên mục ( túc mạng thông ) người này có thể nhìn thấy những kiếp trước của người khác. Theo lời kể, trong năm kiếp gần đây của Trần Hiểu Húc, thì hai đời là đàn ông, ba đời là phụ nữ, cụ thể như sau :
Một đời của Trần Hiểu Húc chuyển sinh thành người, làm quan đến chức tri phủ. Vào một năm đại hạn hán, vị quan này đã dốc hết toàn bộ tài sản mua lương thực cứu tế và cứu sống được hơn một nghìn người dân khỏi chết đói, sau đó ông được thăng lên chức tổng đốc. Vì tính tình cương trực, không thích nịnh bợ đã đắc tội với Quốc cữu, bị cách chức đuổi về quê nhà, tịch thu hết toàn bộ tài sản.
Sau khi chết, ông được sinh lên thiên giới ở tầng thấp nhất ( Cõi trời Tứ Thiên Vương) làm thiên tử hưởng phúc trời 3.500 năm; sau đó hết phước trời lại tái sinh xuống cõi người chuyển sinh thành con trai cả của một gia đình giàu có, kế thừa rất nhiều tài sản. Một lần, người con trai này đã đánh chết người quản gia (chính là Quốc cữu trong kiếp trước đầu thai), vì cho rằng vị này lấy trộm đồ trong nhà.
Sau lần đánh chết người thì thân thể bắt đầu suy bại. Mấy năm trước lúc qua đời, ông đã làm nhiều việc thiện, xây dựng chùa chiền … sau khi chết đầu thai thành nữ nhân trong một đình giàu có đông con. Đây là chuyện kể sơ lược về hai đời là thân nam của Trần Hiểu Húc.
Trần Hiểu Húc chuyển sinh làm nữ nhân, là vợ của một vị tú tài. Một lần trên đường về nhà mẹ đẻ, cô đã bị một tên thổ phỉ ( chính là người Quốc cữu – quản gia trong các kiếp trước đầu thai) làm nhục.
Vì quá đau khổ, nàng đã tự sát; sau khi chết, oan hồn tự tìm trả mối thù, khiến bọn thổ phỉ này toàn bộ đều bị bắt xử tử. Khi thọ mệnh làm quỷ kết thúc, vì phúc phận cứu đói kiếp làm quan tích được, lại chuyển sinh thành thân nữ, thành vợ cả của một phú ông giàu có.
Lúc này những nỗi đau khổ, oán hận sản sinh sau khi tự sát, đã kết thành tâm đố kỵ, tâm thù hận rất mạnh mẽ. Phú ông vì cô không sinh được con, đã cưới một người con gái nghèo khổ làm thiếp (vốn là Quốc cữu – quản gia- thổ phỉ đã làm nhục cô ở đời trước đầu thai)
Người tiểu thiếp bị bà vợ cả lăng nhục trăm điều, sau khi mang thai bị đánh đập tàn nhẫn đến sảy thai mất mạng. Bởi vậy mà vợ cả bị ruồng bỏ, những năm cuối đời trong am ni bà đã khổ đọc kinh thư, sám hối tội nghiệp, trước lúc lâm chung phát nguyện trước Phật, cầu xin vào những đời sau được giải thoát khỏi luân hồi …
Sau khi chết, trong lục đạo luân hồi đến đời này chuyển sinh thành Trần Hiểu Húc, mang theo phúc báo cứu sống hàng ngàn mạng người khi làm tổng đốc (chuyển thành gia tài, sự thành công trong đời này) và tâm kính Phật , cùng với quả báo hãm hại, giết chết tiểu thiếp của chồng và nghiệp tội với thai nhi. Do vậy từ nhỏ, Trần Hiểu Húc đã yếu ớt lắm bệnh tật, sầu muộn và chán đời. Đây là chuyện kể đại khái của ba đời thân nữ.
Có thể thấy, con người ta đầu thai trong luân hồi sáu cõi này thật là mệt mỏi, dù đã sinh lên trời đến 3.500 năm, rồi cũng phải trở lại thành người với đủ thứ oan nghiệt đeo bám. Đặc biệt là các mối oan oan tương báo dường như chẳng bao giờ dứt , xét như cô Tiểu Húc này ,kiếp làm quan bị Quốc cữu ám hại nên sinh tâm muốn trả thù, kiếp sau sinh làm công tử đánh chết quản gia ( Quốc cữu đầu thai ) để trả thù, kiếp sau liền bị báo thù lại, sinh làm dân nữ bị thổ phỉ ( quản gia đầu thai) cưỡng hiếp, kiếp sau nữa lại mang theo tâm báo thù, làm người vợ cả hại chết người tiểu thiếp của chồng, hại thêm mạng một thai nhi … và chẳng biết khi nào sẽ chấm dứt mối thù oán dai dẳng này.
Vì thế ta phải biết , chỉ có con đường tu theo Đức Phật, cầu thoát khỏi sinh tử luân hồi này mới thật sự là bến bờ hạnh phúc, an lạc, vĩnh hằng, còn lại mọi mục tiêu khác, dù là cầu lên thiên đàng hay cầu công danh vinh hiển, chẳng qua chỉ là một giấc mộng, thoáng chốc đã tiêu tan.
Nhân đây, cũng nói thêm về đặc tính sinh mệnh con người. Những kiếp đầu của Hiểu Húc là một người chức cao vọng trọng, ân đức cao ngần, chính là nói trong tâm chứa nhiều đức, thậm chí còn được sinh lên cõi trời 3.500 năm. Tuy nhiên, khi hết phước cõi trời sinh xuống làm người , thân người trầm luân trong vòng chảy nợ nghiệp, chưa thoát khỏi luân hồi, thì khó tránh khỏi các tâm xấu ác khởi lên, phạm phải điều xấu xa, đức mang trên thân vì thế ngày càng vơi, nghiệp tạo ra lại ngày càng nhiều, mệnh ngày càng hẩm hiu.
Đức Phật giảng, làm người là khổ, cũng chính bởi đạo lý này, con người một khi đã dấn vào hồng trần đầy bụi bặm, muôn trùng cám dỗ lôi kéo, nếu không biết lau chùi, điều chỉnh lại bản thân thì sớm muộn gì cũng ô nhiễm. Đã ô nhiễm rồi, thì Địa ngục, súc sinh chẳng còn xa. Người không biết vun trồng, tích đức cho bản thân thì những kiếp về sau khó mà an nhàn thoải mái. Đạo lý “tích đức” mà ông bà xưa dùng để giáo huấn, dạy dỗ con cháu thực sự rất cao thâm.
Chuyện luân hồi đời người qua trăm nghìn năm, khó mà kể hết cho tường tận, nhưng ít nhiều chuyện được thuật lại cũng là lời cảnh tỉnh cho thế nhân, cũng là để giải thích những sướng vui khổ ải của đời người. Làm người, tích đức tu thiện mới là chuyện trọng đại nên làm.
(Theo pgvn)
Phật A Di Đà dạy chúng ta ngày đêm niệm Phật
Cho nên Phật A Di Đà dùng phương pháp gì giúp chúng ta lìa khổ được vui, giúp chúng ta phá mê khai ngộ, giúp chúng ta trở về tự tánh? Ngài dùng phương pháp trì danh niệm Phật, thật quá vi diệu. Nghĩa là dạy chúng ta niệm Phật, ngày đêm niệm Phật, trong niệm Phật có phước và tuệ lớn như vậy. Chúng ta thực sự biết được rồi, có thể không niệm sao? Có thể không liều mạng mà niệm sao? Niệm thành công rồi, vãng sanh thế giới Cực Lạc, lúc nào quý vị đi? Tùy ý của quý vị, quý vị muốn lúc nào đi thì lúc đó đi. Tâm niệm này của quý vị vừa khởi Phật A Di Đà đã biết, ngài đến tiếp dẫn quý vị. Phật đến tiếp dẫn chúng ta ở phẩm trước đã học qua, thượng bối vãng sanh pháp thân đến tiếp dẫn, trung bối vãng sanh ứng thân đến tiếp dẫn, hạ bối vãng sanh hóa thân đến tiếp dẫn. Người thường chúng ta vãng sanh, tuyệt đại đa số đều là hóa thân của Phật đến tiếp dẫn. Phật có năng lực hóa vô lượng vô biên thân, đức Phật bảo với chúng ta năng lực này không phải ngài độc quyền, mà mỗi người đều có. Phật pháp là bình đẳng pháp, mỗi người đều có ba thân, nói pháp thân, pháp thân là cùng một thể, pháp thân là một, ứng hóa thân thì muôn ngàn khác biệt. Cho nên đều là nói rõ công đức niệm Phật không thể nghĩ bàn.
Nói công đức người thường không hiểu. Chúng ta nói một cách khác, phước báo không thể nghĩ bàn, trí huệ không thể nghĩ bàn, đức tướng không thể nghĩ bàn, điều này mọi người dễ hiểu. Thứ này dung hợp lại thì gọi là công đức, cho nên cái này tự tánh vốn có.
Kinh này, kinh này chỉ cho bổn kinh, dạy chúng ta “ngày đêm suy nghĩ”, tốt, nên như vậy, đừng nghĩ ngợi lung tung. Nghĩ đến cái khác, quý vị thấy, quý vị đem cơ duyên tu phước tu huệ của mình đánh mất rồi, trong lòng quý vị vọng niệm nhiều như vậy, đều là tâm lục đạo luân hồi, tạo nghiệp luân hồi, đâu cần phải như vậy? Người niệm Phật không thể vãng sanh chính là lòng họ không chuyên nhất, tạp niệm quá nhiều, tạp niệm là tâm luân hồi, chính là nghĩ việc luân hồi lục đạo quá nhiều. Nghĩ đến Phật quá ít, cho nên quý vị niệm Phật không thể vãng sanh, không phải nói thật sự không vãng sanh, đời này của quý vị không thể vãng sanh, vì sao? Đời này công phu chưa thành thục, thành thục đâu có lý không vãng sanh! Có thể thành thục không? Có thể, cần bao lâu? Trong kinh nói cho chúng ta, từ một ngày cho đến bảy ngày, quý vị thấy rất đơn giản. Cho nên trước đây tôi từng đề cập đến, đây cũng là trong kinh thường nói với chúng ta. Một tháng tu một ngày, một ngày một đêm, gọi là đả Phật thất, tinh tấn Phật thất, đây không phải là bảy ngày, một ngày. 24 giờ đồng hồ niệm Phật, việc này có thể làm được, một tháng một ngày, chọn một ngày. Một năm 12 ngày, đừng thấy thời gian ít, sức mạnh đó rất lớn, lớn vô cùng.
Chúng tôi đem sự việc này nói ra, cung kính tán thán, có không ít bạn học đã nghe rồi họ làm được, làm được rất tốt, làm như pháp. Viết thư cho tôi, gọi điện nói với tôi, tôi nghe xong vô cùng hoan hỷ. Một tháng chọn thời gian một ngày, có được mười mấy người, tốt nhất đừng nên vượt quá 20 người, một nơi nho nhỏ thì có thể tu, một ngày một đêm. Giống như bế quan niệm Phật, phải có mấy người cùng chí hướng hộ trì, lo cho quí vị. Trong việc chăm sóc này quan trọng nhất là ăn uống, ăn uống nên ăn ít mà ăn nhiều bữa, ăn no rồi thì hôn trầm, buồn ngủ tinh thần không tỉnh được. Lúc đói trong lòng phát hoảng cũng không có cách nào niệm Phật, cho nên giữ gìn trạng thái không đói không no. Trong 24 giờ đồng hồ này có người chăm lo cho quý vị.
Ngày đêm suy nghĩ, suy nghĩ điều gì? Suy nghĩ thế giới Cực Lạc, Phật A Di Đà, nghĩ Phật A Di Đà vì chúng ta xây dựng đạo tràng này, thế giới Cực Lạc. Ân đức này quá lớn, biết ơn báo ơn, niệm niệm không quên Phật A Di Đà. Làm sao có thể về thế giới Cực Lạc, điều kiện rất đơn giản.
Thứ nhất thật tin tưởng. Tin tưởng Phật A Di Đà, tin tưởng nguyện hạnh của Phật A Di Đà, 48 lời nguyện, tu hành 5 kiếp. Tin tưởng nguyện hạnh công đức viên mãn của ngài, thế giới Cực Lạc tự nhiên hiện ra, một chút hoài nghi cũng không có, đây là tín.
Thứ hai: Tự phát nguyện, chúng ta thật muốn đi, thật muốn đi thì thế giới này phải buông xả, không thể mang theo thế giới này. Cho nên nói vạn duyên buông xả một lòng xưng niệm, đây là điều kiện thứ hai.
Điều kiện thứ ba là làm thật. Có ý niệm này có nhận thức này, hay! Quý vị phải thật buông xả, chân thật niệm Phật
Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa:
[Tinh Hoa Khai Thị 菁華開示 ] Trích đoạn:TĐĐK ~ tập, 429
Pháp ngữ Đại Sư Ấn Quang:
* Một pháp Tịnh Độ lấy ba điều Tín – Hạnh – Nguyện làm tông. Chỉ có đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha mới dốc chí hành trì được. Gặp cảnh họa hại mới bèn chân thành, khẩn thiết; gặp lúc nhàn nhã, thong dong bèn lơi là, hoãn đãi. Đấy là bệnh chung của phàm phu. Vào lúc này, thời cuộc lẫn tình hình đạo pháp như nằm yên trên đống củi, phía dưới lửa đã bốc cháy, nhưng chưa cháy đến thân. Chớp mắt là toàn thể bừng cháy, khắp cõi không chỗ nào trốn tránh được cả! Sao còn lơi là, xao nhãng qua ngày, chẳng chuyên chí cầu nơi một câu Phật hiệu? Cái tri kiến ấy thiển cận quá đỗi!
* Đời trước vun bồi huệ căn này cố nhiên chẳng dễ dàng gì. Nếu đối với pháp này chẳng chuyên tinh, dốc cạn sức để mong được tự chứng, có khác gì chén, bình chưa nung, gặp mưa liền rã. Quang âm ngắn ngủi, mạng người mấy chốc? Một hơi thở ra chẳng trở lại đã qua đời sau. Người chưa chứng đạo từ ngộ vào mê, vạn người có cả mười ngàn; từ ngộ thêm ngộ, ức kẻ chẳng được một hai! Nỡ để vô thượng pháp khí gặp phải cơn mưa tái sanh liền trở thành bụi đất ư?
* Chúng ta đã là Phật tử, phải hành Phật hạnh. Dù chẳng phá sạch được vô minh, nhanh chóng khôi phục bổn tánh, tiến thẳng vào Diệu Giác quả hải, chẳng lẽ không thể viên chứng ba tâm (thâm tâm, trực tâm, hồi hướng phát nguyện tâm), dốc lòng tu Tịnh nghiệp để mong đoạn Hoặc ngay nơi thân này, gởi tâm thức nơi Liên bang, làm đệ tử Phật Di Đà, làm bạn lành của các Đại Sĩ, an trụ tịch diệt, dạo các cõi Phật, trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh hay sao?
Nếu chẳng tự gắng sức, chỉ đề cao thánh cảnh, vẫn cam làm phàm ngu, e rằng cả nửa đời tu trì siêng nhọc phải đành cay đắng vĩnh viễn trầm luân! Mê muội nên châu buộc nơi vạt áo mà đành bỏ phí của báu, lên núi báu trở về tay không. Dùng tánh Chân Như mầu nhiệm có đủ vô lượng công đức, trí huệ, thần thông, tướng hảo để hứng chịu oan uổng vô lượng sanh tử luân hồi, phiền não nghiệp quả, huyễn vọng cực khổ. Chẳng phải là mất trí sanh cuồng, ghét thăng thích đọa, sống làm thịt chạy, thây đi, chết mục nát cùng cỏ cây ư? Tam thế chư Phật gọi là hạng người đáng thương xót. Những vị đồng luân với tôi hãy nên nỗ lực.