Thuở xưa, vua A-xà-thế muốn cúng dường đức Phật nên dùng đến trăm hộc[1] dầu để thắp đèn sáng rực, dọc theo đường từ cung điện cho đến tinh xá Kỳ Viên,[2] không một chỗ nào là không có đèn sáng.
Bấy giờ trong thành có một bà lão nghèo khó, thấy vua làm việc cúng dường tạo phúc lớn lao như thế thì hết sức cảm kích, liền tự mình cũng mang 2 đồng tiền đi mua dầu để thắp đèn cúng Phật. Hai đồng tiền của bà chỉ mua được 2 cáp dầu, nhưng người bán dầu ngợi khen tâm chí thành của bà nên tặng thêm cho 3 cáp nữa, cả thảy được 5 cáp.[3] Tuy vậy, số dầu này ắt cũng không đủ để đèn của bà cháy sáng đến quá nửa đêm. Khi ấy, bà lão mang dầu thắp đèn cúng Phật, tự phát lời thệ nguyện rằng: “Nếu tôi ngày sau có thể chứng đắc đạo quả như Phật, nguyện cho số dầu này sẽ cháy được suốt đêm, ánh sáng không bao giờ tắt mất.” Phát thệ nguyện xong, kính cẩn lạy Phật rồi về.
Trong đêm ấy, những ngọn đèn của vua A-xà-thế tuy có sai người chăm sóc châm dầu, nhưng vẫn có ngọn còn sáng, có ngọn bị tắt, không được đều đặn như nhau. Chỉ riêng ngọn đèn của bà lão nghèo vẫn luôn sáng rực suốt đêm đến sáng.
Lúc trời đã sáng, ngài Mục-kiền-liên vâng lời Phật dạy đi tắt đèn, dùng áo cà-sa quạt cho ngọn đèn của bà lão nghèo tắt đi, nhưng đèn không tắt mà ngược lại còn sáng thêm lên. Đức Phật dạy: “Ánh sáng của ngọn đèn ấy không phải oai thần của ông có thể dập tắt được. Bà lão này đời trước đã từng cúng dường mười tám triệu đức Phật, sau ba mươi kiếp nữa sẽ thành tựu quả Phật, hiệu là Tu Di Đăng Quang Như Lai. Bà ấy chỉ do một đời trước không thường tu hạnh bố thí, nên đời này phải chịu nghèo khổ.”
- Lời bàn:
Tu huệ không tu phước
La-hán thường đói thiếu.
Cho nên, đối với việc tu tập hạnh lành bố thí, quả thật không thể xem thường mà bỏ qua.
[1] Hộc: đơn vị đo lường thời xưa, dùng đo dung tích. Mỗi hộc có 10 đấu, mỗi đấu có 10 thưng, mỗi thưng có 10 cáp.
[2] Tinh xá Kỳ Viên nằm về phía nam thành Xá-vệ, cách thành 6 dặm.
[3] Mỗi cáp chỉ bằng một phần ngàn của hộc, nên số dầu này có thể hình dung là rất ít.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến
Hai vị sa-di
Vào đời Tùy, ở chùa Khai Hóa, Tinh châu có hai vị sa-di. Một hôm vị sa-di nhỏ hỏi vị sa-di lớn rằng:
– Thế nào? Huynh tu Tịnh độ nhé!
Vị sa-di lớn tuổi hơn vui vẻ đồng ý.
Thế rồi, hai vị sa-di cùng nhau tu tập trải qua năm năm, thì vị sa-di lớn qua đời, được vãng sinh đến Tây phương gặp Đức Phật A-di-đà. Sa-di lớn bạch rằng:
– Con còn một sư đệ đồng tu, chẳng biết có được sinh về đây không?
Phật dạy:
– Ông nhờ vị sa-di nhỏ khuyên phát tâm niệm Phật mà còn được vãng sinh. Sao lại còn nghi ngờ vị kia? Nay ông trở về Diêm-phù, gắng niệm thêm danh hiệu ta. Ba năm sau, hai người sẽ đồng được đến nơi đây gặp ta.
Vị sa-di lớn liền được sống lại, thuật rõ lại việc gặp Phật với vị sa-di nhỏ và mọi người. Từ đó hai ông càng chuyên cần tu niệm. Ba năm sau, cả hai vị sa-di đều được tâm khai, nhãn tịnh, đồng thấy Bồ-tát đến đón. Bấy giờ khắp mặt đất rung chuyển, hoa trời rưới khắp hư không. Hai vị sa-di theo nguyện mà đồng thời vãng sinh.
Trích TỊNH ĐỘ VÃNG SANH TRUYỆN
A Di Đà Phật.
Cám ơn bạn chia sẻ mẩu truyện.
Nhân tiện bạn có thể chia sẻ mọi người luôn đường link của TỊNH ĐỘ VÃNG SANH TRUYỆN mà bạn đã trích dẫn không?
Cám ơn.
A Di Đà Phật. Bạn vào đây nhé
https://hoasenvanno.wordpress.com/2015/09/03/tinh-do-vang-sanh-truyen-hoa-khai-kien-phat/
A Di Đà Phật
A Di Đà Phật.
Okey Cám ơn bạn share.
A Di Đà Phật.
Tập làm thiện trước tiên tập bố thí
Thế nào là bỏ tiền làm thiện? Phương pháp hành thiện của nhà Phật rất nhiều, nhưng đứng đầu là bố thí. Bố thí nói gọn là một chữ xả mà thôi. Người làm được như vậy sẽ trong xả lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), ngoài xả lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), xả tất cả những gì đang có. Nếu không làm được như vậy, thì trước tiên tập bố thí bằng tiền. Con người sống cần cơm ăn áo mặc, xem tiền là quan trọng nhất. Nay chúng ta tập xả bỏ tiền, trong có thể phá được tánh tham tiếc của mình, ngoài có thể cứu giúp người đang lâm nạn. Lúc tập ban đầu có lẽ hơi khó, nhưng rồi sẽ quen đi. Bố thí rất dễ rửa sạch được lòng ích kỷ, trừ bỏ tánh keo kiệt.
Trích Liễu Phàm Tứ Huấn
Viên Liễu Phàm
Qua bài viết này, con nghĩ chắc gia đình con kiếp trước không chịu bố thí nên kiếp này mới khổ và khó khăn.và cha con miệng rất là xấu h chửi bậy và rất là nóng tính. Vậy con phải làm cách nào hoặc tụng kinh nào để ba con thay đổi tính tình .Và con muốn cải thiện cuộc sống gia đình con , vậy con phải làm sao. Mong mọi người giúp đỡ ,xin hãy hồi âm sớm cho Con. Con xin cảm ơn
Nam mô a di đà phật
Nam mô a di đà phật
Nam mô a di đà phật
A Di Đà Phật
Bạn Chi Chi thân mến!
Cảnh từ tâm chuyển, cảnh cũng từ tâm mà biến hiện ra. Nếu chúng ta không có lòng sân tức thì đâu thấy rằng mọi người sao chẳng vừa ý mình, họ nói một câu không ưa nghe thì liền nổi giận. Chúng ta vẫn là việc ai nấy làm, thân ai nấy giữ. Họ chửi mắng là chuyện của họ, chẳng phải chuyện của ta; họ nói lời khó nghe, ta nói ôn hòa. Làm được như vậy thì sẽ thấy hoàn cảnh khác đi. Chúng ta khổ sở, có giống như các nước Châu Phi không, cơm không có ăn, áo không có để mặc, nước không có uống. Nếu chúng ta tình hình cuộc sống tốt hơn họ thì chúng ta đã quá may mắn. Đừng nhìn thấy một cái áo mới, muốn có những bữa ăn ngon mà cảm thấy mình thiếu thốn vì không đáp ứng được những nhu cầu này. Cũng vì chúng ta còn lòng tham nên thiệt sự thấy mình nghèo khổ; có gì ăn nấy, có gì mặc nấy, nhu cầu về ăn- ở- mặc không phát sinh thì chúng ta cần tiền nhiều để làm gì.
Bạn muốn người thân của mình sống tốt hơn, bạn nhất định phải sống tốt. Tham lam, tức giận phải tìm cách khắc phục. Bạn làm được thì sẽ thấy hiệu quả ngay sau đó. Tất cả chúng ta thực sự không ai “tài giỏi” mà buông được cái sân, cái tham nếu không cố gắng nỗ lực rèn luyện.Niệm A Di Đà Phật chính là rèn luyện. Có Phật trong tâm thì ba nghiệp tham sân si sẽ bị đẩy lùi. Đem công đức niệm Phật hồi hướng cho người thân, được Phật gia trì tâm bất thiện của họ sẽ dần thành tâm thiện.
Nam Mô A Di Đà Phật
Con xin cám ơn rất nhiều. Con sẽ cố gắng rèn luyện để có thể sống tốt hơn. Nhưng xin cho con hỏi thêm 1 điều là con phải khuyên ba con như thế nào để ba con không còn nóng tính và rất hay chửi bậy.xin các vị hãy cho con lời khuyên. Con xin cám ơn
Nam mô a di đà phật
Nam mô a di đà phật
Nam mô a di đà phật
A Di Đà Phật
Bạn Chi Chi nên cố gắng niệm Phật, hành trì đều đặn. Lúc mới niệm Phật thì 100, 200… câu; niệm lâu dần có định lực rồi thì 1000, 2000… câu Phật. Bạn đem công đức niệm Phật hồi hướng cho cha, nguyện cầu Phật gia hộ cho cha khai sáng trí huệ, tin sâu Nhân quả, phát Bồ đề tâm, niệm Phật cầu sinh Tây Phương Tịnh độ. Bạn phải niệm Phật và nguyện với tâm chí thành. Và tất nhiên sự chuyển biến không thể tức thời ngay được, bạn cần phải kiên trì.
Chúc bạn vạn sự cát tường!
Nam Mô A Di Đà Phật
Thế nào là thiện lớn hay thiện nhỏ?
Xưa ông Vệ Trọng Đạt làm trong Hàn Lâm viện. Có một lần bị bắt xuống âm phủ. Diêm vương bảo thư ký đem hai cuốn sổ thiện và ác ra xem thiện ác ông này lúc còn sống trên dương gian thế nào? Khi hai cuốn sổ đem đến, thấy những cuốn sổ ghi việc ác nhiều đến nổi chất đầy cả sân, còn việc thiện chỉ có một trang, cuốn lại nhỏ như que đũa. Diêm vương bảo đem để lên cân thì thấy trang giấy ghi việc thiện lại nặng hơn. Ông Trọng Đạt không hiểu, hỏi: ”Năm nay tôi chưa đầy 40 tuổi lẽ nào tội lỗi nhiều đến thế?” Diêm vương trả lời rằng: ”Lòng nẩy lên một niệm không đúng đã là tội, đâu cần đợi đến ông thật sự phạm?” Ông Trọng Đạt lại hỏi: ”Trang giấy cuốn lại ghi việc thiện gì mà nặng đến như vậy?” Diêm vương trả lời: ”Vì có lần triều đình dự tính thực hiện một công trình lớn để tu sửa cầu đá ở Tam Sơn (tức thị trấn Phúc-Châu, tỉnh Phúc Kiến), ông dâng thư xin cản, vì thấy công trình này sẽ làm khổ cho dân. Trang giấy cuốn lại này chính là lá thư của ông”. Ông Trọng Đạt thưa: ”Tuy tôi có dâng thư lên trên, nhưng triều đình không chấp thuận nên cũng như không, nhưng sao lại có tác dụng mạnh mẽ như thế?” Diêm vương nói: ”Tuy triều định không nghe, nhưng vì niệm thiện của ông chỉ nghĩ đến toàn dân, nên công đức được nhiều như vậy. Nếu triều đình chấp thuận thì sức mạnh việc thiện đó sẽ lớn đến cở nào?” Cho nên niệm thiện chỉ nghĩ đến vì dân vì nước, tuy ít mà công đức nhiều. Còn nghĩ đến mình thì tuy nhiều mà ít.
Trích Liễu Phàm Tứ Huấn
Viên Liễu Phàm
Thưa ngài tịnh tâm
Con nay có thắc mắc trong lòng xin ngài giúp con ngộ ra . Trước khi sinh con ra mẹ con nằm mơ thấy quan âm bồ tát đưa con vào bụng mẹ
Bạch ngài như vậy nên kiếp này con không hưởng được phước kiếp trước phải không ạ
Xin ngài chỉ dạy cho con
Phước báo ai làm thì người đó hưởng, nhân quả thông ba đời, nên nghiệp hay phước chẳng bao giờ ta chốn chạy được.
A Di Đà Phật
Nghe thế, mình hy vọng bạn có nhiều thiện căn với Phật Pháp. Còn việc đời này phước báu bạn thế nào, có được hưởng không là do đời trước (và cả đời này) bạn có làm nhiều việc thiện lành tích phước hay không thôi. Có gieo nhân mới gặt được quả. Còn giấc mơ kia chẳng ảnh hưởng gì, bạn đừng nghĩ suy nhiều nữa nhé, hãy quên nó đi. Bạn nghĩ mình cũng bình thường như bao người khác vậy thôi. Cố gắng sống tốt, tròn bổn phận với gia đình, xã hội. Ngoài ra hãy bắt đầu tìm hiểu Phật Pháp, tập thực hành tu học dần đi nhé, sẽ được rất nhiều lợi ích cả ở Đời và Đạo. Mình nghĩ nhân duyên với Phật pháp của bạn đã đến rồi đấy. Thường vào duongvecoitinh này tìm hiểu tu học với mọi người nhé.
Ps. Bạn cứ xưng với nhau là Đạo hữu, Liên hữu hay huynh đệ, chú cháu gì đó được rồi, tạo gần gũi, thân mật, đừng khách sáo ‘ngài’ này kia nghe dễ tổn phước lắm. Đồng là phàm phu tục tử như nhau cả thôi.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Nam Mô A Di Đà Phật
Dạ cháu cảm ơn Chú Tịnh Tâm và Chú NguyenPhu đã giúp cháu thấu hiểu . A Di Đà Phật cháu cảm ơn rất nhiều ạ
CÁCH XOAY CHUYỂN SỐ MỆNH KHỎI CẦN THẦY BÓI
Rất nhiều người cầu thầy này, thầy nọ hay xem tướng, coi phong thủy để được tiền tài, sức khỏe…, nhưng lại đâu biết rằng chỉ cần làm một việc sau thì dù mệnh khổ đến đâu cũng được sửa đổi.
Vào triều Hậu Chu thuộc thời Ngũ Đại có một người tên Đậu Vũ Quân là người Ngư Dương, nổi danh đương thời về từ học (là môn học vấn về tất cả văn thơ cổ do câu chữ tạo thành như thơ, từ, từ khúc, câu đối…).
Đậu Vũ Quân mất cha từ nhỏ, phụng dưỡng mẹ vô cùng hiếu thuận. Nhưng đến năm 30 tuổi ông vẫn chưa có đứa con trai nào. Một ngày nọ ông nằm mơ thấy ông nội nói với mình rằng:
“Mệnh của con được định sẵn là sẽ không có con, với lại tuổi thọ ngắn, vậy nên phải nhanh chóng làm thật nhiều việc thiện…“.
Đậu Vũ Quân cung kính nghe lời chỉ dạy, từ đó phát tâm hành thiện.
Từng có một người hầu lấy trộm tiền của Đậu Vũ Quân, sợ sẽ chịu tội khi bị phát giác nên đã ghi một văn khế “vĩnh viễn bán con gái để trả lại tiền nợ”.
Sau đó người này bỏ con gái nhỏ lại kèm với tờ văn khế rồi xa chạy cao bay. Đậu Vũ Quân thương cảm đứa bé này nên đã thiêu hủy tờ văn khế và nuôi cô bé đến lớn, thậm chí ông còn chọn cho cô một vị hôn phu tốt.
Hễ nhà thân thích nào có người mất mà gia cảnh nghèo khó không thể lo liệu tang sự thì Đậu Vũ Quân đều giúp đỡ, còn nếu gặp người đến tuổi dựng vợ gả chồng mà không kết hôn được vì nghèo túng thì ông sẽ giúp họ cưới xin. Rất nhiều bạn bè nghèo khó và kẻ sĩ tài đức khắp bốn phương đều phần nhiều dựa vào ông để duy trì cuộc sống.
Hàng năm, ngoài tiền làm tế tự vào mùa Hè và mùa Đông, Đại Vũ Quân dùng tất cả thu nhập của mình vào việc cứu giúp người, xây dựng mấy chục thư viện (nơi học tập, đọc sách thời xưa), tập hợp mấy ngàn cuốn sách, thuê danh nho dạy học. Hễ gặp nhân sĩ nghèo khó có chí học hành, ông đều thu lưu, cung cấp nơi ăn chốn ở để họ an tâm đèn sách. Nhiều học trò nhờ ơn bồi dưỡng này mà tên đề bảng vàng, trở thành nhân tài của đất nước.
Sau khi lập nhiều công trạng ông được thăng lên chức Thái thường thiểu khanh, Hữu gián nghị đại phu. Đậu Vũ Quân cũng nổi danh thiên hạ là người ngay thẳng thật thà, hào hiệp thích giúp người, trở thành một người mẫu mực đương thời.
Có một ngày Vũ Quân lại mơ thấy ông nội nói với ông rằng: “Vì con tích nhiều âm đức nên Thượng Thiên đã kéo dài tuổi thọ của con thêm 3 kỷ (36 năm), cho con có 5 người con trai đều tài giỏi vinh hiển. Sau khi con chết thăng thiên sẽ được phong tiên vị Động Thiên chân nhân“.
Từ đó Đậu Vũ Quân càng làm nhiều việc thiện tích âm đức. Quả thực về sau ông có được năm người con trai, tất cả đều thi đỗ tiến sĩ, nổi danh trong lịch sử. Con trưởng làm đến chức Thượng thư, con thứ hai là Hàn Lâm học sĩ, con thứ ba là Tham Tri chính sự, con thứ tư là Khởi Cư lang, con út là Tả Bổ khuyết.
Đạu Vũ Quân hưởng thọ 82 tuổi. Trước khi lâm chung ông đã tắm rửa sạch sẽ rồi từ biệt bạn bè thân thích, trong lúc nói chuyện vui cười thì an tường qua đời.
Cảnh do tâm tạo, cảnh cũng tùy tâm chuyển, muốn có được may mắn hay chiêu mời tai họa tất cả đều là do nhân tâm của một người như thế nào. Vì vậy từ xưa đến nay người ta đều khuyên con người hướng thiện, không phải chỉ là những lời áp đặt tư tưởng, mà đều có nguồn gốc từ thực tế.
Trong suy nghĩ của cổ nhân, vòng xoay nhân quả, thiện ác có báo là thiên lý tồn tại khách quan. Nó không thuận theo ý muốn chủ quan của con người mà hoán chuyển. Họ tin tưởng vào luật nhân quả, coi trọng nghĩa mà xem thường lợi ích bản thân. Khi người khác cần giúp đỡ thì giúp đỡ họ, dùng lòng từ bi mà đối đãi với tất cả, kết quả được đền bù, phúc đức quảng đại. Đây cũng chính là phúc đức mà người xưa để lại cho con cháu.
Tú Văn
Theo Epoch Times
Làm,mà không thấy mình làm. Là sao thưa chú thiện nhân
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Trang,
“Làm, mà không thấy mình làm”: Ý nói chúng ta đừng nên chấp vào việc (thiện) mình đang làm. Phật dạy chúng ta bỏ ác, hành thiện. Ác chúng ta quyết không làm. Thiện chúng ta quyết phải làm. Nhưng hành thiện rồi thì lại chấp vào việc thiện mình làm. VD: Bạn gặp một người nghèo, bèn khởi tâm bố thí cho họ ít tiền. Đó là thiện. Ngay sau hành vi thiện đó liền hồi hướng tận hư không giới chúng sanh đồng nương bờ giác tu học để giác ngộ, giải thoát rồi xả bỏ niệm đã bố thí, tức không khởi niệm là mình đã làm một việc thiện=không thấy mình đang làm thiện. Nhưng sau đó gặp ai bạn cũng kể, nơi nào cũng nhắc lại việc bạn bố thí=mới chỉ thiện một nửa. Nhưng không dừng lại đó, bạn lại thêm bớt vào việc bố thí để nhiều người tán dương mình=bất thiện. Trong đạo gọi là vọng ngữ, tức không có nói thành có. Vì thế Cổ đức thường nói: trong thiện có ác là nghĩa này.
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính thưa thầy Thiện Nhân,
Con đang làm theo Liễu Phàm Tứ Huấn, phát nguyện làm việc thiện, Làm xong thì nhớ để cuối ngày ghi lại đến bao giờ đủ số việc đã nguyện.
Vậy như thế có phải là đang chấp vào việc thiện đã làm không thưa thầy?
Mong thầy hoan hỉ giải đáp
Con xin cảm ơn.
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Nguyễn Đạt,
Chấp khác với Nguyện. Chấp là làm rồi thì gắn chặt vào việc mình đã làm không chịu xả bỏ. Nguyện là vì sự tu học và giác ngộ của bản thân mà hành trì rồi hồi hướng tận hư không giới chúng sanh. Nếu bạn Nguyện mà làm với tâm buông xả thì đó là chân nguyện, còn ngược lại thì vẫn là nguyện có vụ lợi. Vì vậy phàm phu nguyện và Bồ tát nguyện là khác biệt. Bồ tát là vô duyên đại từ, vô ngại đại bi. Còn phàm phu chúng ta thì khởi duyên, khởi từ rồi kẹt cứng trong đó. Bạn khéo quán chiếu để được tự lợi lợi tha nhé.
TN
Nam Mô A Di Đà Phật
Con đã hiểu
Xin cảm ơn thầy
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quảng Đại Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát
Giúp người chính là tự giúp mình. Câu chuyện bố thí và đoạn kết có hậu.