Những gì ngạn ngữ nói rất có đạo lý:
“Tri sự thiểu thời phiền não thiểu,
Thức nhân đa xứ thị phi đa”.
Nghĩa:
Càng biết ít chuyện càng bớt phiền não,
Càng giao tiếp rộng càng lắm thị phi.
Quý vị quen biết nhiều người thị phi sẽ rất nhiều, quý vị biết ít việc phiền não sẽ ít, vậy hà tất biết nhiều chuyện như vậy làm gì? Không cần thiết tốt nhất đừng nên biết, vì sao vậy? Quý vị lo lắng, như vậy tâm quý vị lo lắng một cách oan uổng, cho nên một ngày từ sáng đến tối tâm luôn trôi nổi, như vậy sao được! Trong Phật giáo gọi là công phu, như thế nào gọi là công phu? Tâm thanh tịnh là công phu, ít phiền não là công phu. Phải từ ít phiền não, mới có thể dần dần được tâm thanh tịnh. Từ tâm thanh tịnh rồi tiếp tục nâng cao, chính là tâm bình đẳng, không còn phân biệt. Sau đó mới có thể giác ngộ, đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, như vậy là công đức viên mãn.
Cho nên tất cả công phu hoàn toàn ở chỗ buông bỏ, vì sao không chịu buông bỏ? Nguyên nhân gì? Đức Phật nói rất rõ ràng, do phiền não, tập khí. Vì có phiền não, vì có tập khí, cho nên ta không buông bỏ được. Phát đại nguyện, tập khí phiền não phải khống chế, đại nguyện liền khởi tác dụng. Nếu không khống chế được, nguyện này coi như không, nguyện không thể thực hiện.
Bởi vậy hai câu này, người tu hành chơn chánh nhất định phải nhớ, việc gì không quan trọng thì đừng để ý đến. Đặc biệt là một người phát tâm niệm Phật, muốn cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, như vậy phải buông bỏ triệt để. Đừng tính toán điều gì cả, học cách tùy duyên, tùy duyên nghĩa là mọi thứ đều tốt, đối với bản thân như vậy rất tốt!
Lão hòa thượng Tịnh Không khai thị
NHỮNG CHUYỆN LI KÌ CỔ QUÁI MÀ HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG TẬN MẮT CHỨNG KIẾN TRONG THỜI GIAN HỌC PHẬT.
Mạng đã có thì chắc chắn có, đuổi nó cũng không đi, mạng đã không có thì muốn cũng không được, tìm hết cách để mong cầu cũng không được, thực sự muốn mong cho được thì tốt hơn hết là số của quí vị đã có, cần gì phải vất vả như thế? Vì thế con người cần phải hiểu sâu sắc về đạo lí nhân quả, lúc đó tâm ta mới định được, tuyệt đối không được làm càn. Phải hiểu làm việc tốt thì có kết quả tốt, làm ác thì nhận quả ác. Vấn đề nhân duyên quả báo, đã có rất nhiều sách vở ghi chép, không phải chuyện đùa.
Trong tác phẩm Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh toàn những chuyện quỉ thần. Hồi nhỏ đã đọc một lần, tôi cho rằng những chuyện đó là có thật, vì sao vậy? Tôi đã tận mắt chứng kiến, không phải giả, tôi thấy được hồ ly tinh.
Thời kỳ chiến tranh, lúc bấy giờ có lẽ tôi mười lăm mười sáu tuổi gì đó, ở trọ nhà một người nông dân, nhà này rất nghèo khổ, ngày trước là một gia tộc lớn, nhà họ có nhiều phòng, những phòng trên lầu đã mười mấy năm không ai đặt chân đến, một con hồ ly đã ở trên đó, vẫn thường chạy xuống bên dưới, lúc này nó dã biến thành hình người. Một con hồ ly bình thường phải năm trăm năm tu hành mới có thể làm người, đại khái là nó sắp thành hình người, nhưng mặt mũi hơi mờ nhạt, chưa lộ rõ mặt người, rất nhiều người trông thấy, tôi cũng thấy một lần. Chưa ai thấy rõ mặt mũi nó thế nào, đa phần chỉ thấy một cách mờ nhạt. Người ta thấy nó khoác một chiếc áo dài, hình dáng người đàn ông. Họ lại tiếp tục dò la, thấy thế nó quay ngoắt, từ đó không ai nhìn thấy nữa, ai cũng biết nó đang ở trên lầu. Đó là một câu chuyện thật, không phải chỉ một người nhìn thấy hay do hoa mắt mà có rất nhiều người tận mắt nhìn thấy, và biết nhà kia có con hồ li đang ở trên lầu. Nhưng rất may là không có chuyện gì xảy ra, nó cũng không làm hại ai bao giờ, nên cũng không ai lên trên lầu để tìm nó làm gì, đó là một câu chuyện.
Sau này khi cuộc kháng chiến thành công, tôi lại gặp một chuyện kì lạ khác, đó là ông chú họ của tôi, ông ấy là một nông dân, từ làng ông đưa một thuyền thóc đến Nam kinh bán. Lúc bấy giờ mọi người vẫn quen dùng thuyền buồm, nếu dùng thuyền buồm đi từ quê tôi đến Nam kinh phải mất ba hôm, cả đi lẫn về mất một tuần. Từ nhà đến Nam kinh là thuận buồm, xuôi nước, nên thuyền đi khá nhanh. Khi chất thóc lên thuyền, có người thấy một con vật như chuột lông vàng nhảy từ dưới tấm ván lên thuyền, mọi người lấy làm lạ, cùng nhau tìm, chuyển hết thóc xuống vẫn không thấy, họ cho rằng chắc nhìn nhầm. Lúc thuyền đến Nam kinh thì phát hiện trên thuyền không còn một hạt thóc, những bao gai vẫn y nguyên nhưng ruột đã rỗng, lúc đó mọi người mới nghĩ những gì họ nhìn thấy là không nhầm, nói chung là thóc đã bị con chuột kia mang đi đâu hết. Không còn cách nào khác đành ở lại Nam kinh mấy hôm rồi dong buồm về quê, về quê, thấy thóc đã nằm hết trong kho, không biết con chuột kia làm sao có thể đưa hết số thóc kia về kho, không ai hiểu được. Đây là một câu chuyện tôi tận mắt nhìn thấy, đây không phải là chuyện đùa, nó đem cả một thuyền thóc đó về, không để lại một hạt. Người ở quê nói, có thể các vị đã đắc tội với nó nên nó đùa chút thôi, nó không có ý làm hại các vị đâu. Những chuyện như thế quí vị phải tận mắt chứng kiến mới có thể tin được.
Lão cư sĩ Chu Kính Trụ có lần nói với tôi rằng ông ấy đã từng thấy quỉ, ông ta tin chuyện đó rồi sau mới học Phật, bố vợ ông ấy là Chương Thái Viêm là một Phật tử nên không tin chuyện đó. Những năm đang chiến tranh ông ta ở Trùng khánh, ông ấy học Kinh tế, ông ta nói với tôi, lúc bây giờ ông ta đang làm Cục trưởng thuế vụ hai tỉnh Tứ xuyên và Tây khương, khi kháng chiến thành công, ông ta là người Triết giang, về Triết giang ông làm Trưởng phòng tài chính. Lúc ở Trùng Khánh, một hôm, trời đã về chiều, mấy anh bạn đánh bài, đến hơn hai giờ khuya mới nghỉ, khi trở về, thấy có đèn đường, xa xa mới thấy một ngọn, công suất độ 20w, chỉ thấy ánh sáng của nó, không thấy đường đi, họ đành vạch ra một hướng đi. Giữa đường trong đêm tối trở về, họ thấy trước mặt một người phụ nữ đang đi, cô ấy đi một mình nên không ai có cảm giác gì. Đi được độ nửa giờ, bỗng nhiên họ nghĩ, khuya khoắt thế này làm sao có người phụ nữ đi một mình giữa đường? Khi trong đầu nghĩ đến chuyện đó, họ bắt đầu nổi da gà, nhìn kĩ, người kia chỉ có phần trên không có phần dưới, hét lên một tiếng, không thấy gì nữa. Trở về, suốt đêm không ai chợp mắt được, họ tận mắt nhìn thấy, họ tin, tuyệt nhiên không phải hoa mắt. Đi cùng cô gái hơn nửa giờ mới tin được.
Những người này tôi rất thân, lúc bấy giờ tôi độ hai sáu tuổi, vừa mới theo học thầy Đông Phương Mỹ và cũng bắt đầu làm quen với giáo lí Phật giáo. Lúc này thầy đã sáu mươi chín tuổi, kém một tuổi là bảy mươi, thầy cùng tuổi và cũng là bạn thầy Lí, thầy đã chứng kiến và trải qua rất nhiều chuyện li kì cổ quái như thế và đều kể cho tôi nghe hết, thật, không chút giả dối. Vì vậy chư Phật gia hộ.
TỊNH ĐỘ ĐẠI KINH GIẢI DIỄN NGHĨA – Tập 386
CHỦ GIẢNG: HÒA THƯỢNG TỊNH KHÔNG
Chuyển ngữ: Minh Tuệ
Biên tập: Bình Minh
Thời gian: 28 tháng 4 năm 2011
Địa điểm: Phật Đà Giáo Dục Hiệp Hội_HongKong
Tựa kinh: KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TAM MUỘI – QUYỂN HẠ
Nguồn được trích dẫn từ: https://dieungu.org/a30777/quyen-ha
Ngài Văn-thù-sư-lợi nói:
– Tất cả các pháp cũng từ nhân duyên nghiệp chẳng thể nghĩ bàn mà có. Tôi đối với nghiệp này không có công sức. Vì sao? Tất cả các pháp đều thuộc nhân duyên không có chủ, nên tùy ý mà thành. Nếu hiểu được điều này thì làm không khó. Này Ca-diếp! Nếu người chưa thấy tứ đế nghe việc này mà có thể tin hiểu thì thật là khó. Người thấy tứ đế rồi đắc các thần thông nghe điều này có thể tin mà chẳng cho là khó
Bấy giờ, đức Thế Tôn thân bay lên hư không cao bảy cây đa-la, ngồi kiết già, thân phóng ánh sáng soi khắp vô lượng thế giới mười phương. Tất cả chúng hội đều thấy vô lượng chư Phật mười phương thảy đều nói Thủ-lăng-nghiêm tam-muội này chẳng thêm chẳng bớt, từ xa họ đều được nghe. Mười phương chư Phật cũng bay lên hư không cao bảy cây đa-la, ngồi kiết-già, thân phóng ánh sáng soi khắp vô lượng thế giới mười phương. Các chúng sinh kia cũng thấy Phật Thích-ca Mâu-ni, thân bay lên hư không ngồi kiết già. Các chúng hội kia thảy đều dùng hoa từ xa vói rải lên Phật Thích-ca Mâu-ni, đều thấy các hoa ở trên hư không hợp thành lọng hoa. Bồ-tát và các Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, v.v… ở cõi này cũng dùng hoa rải lên các đức Phật kia, các bông hoa đều hóa thành lọng hoa che trên Đức Phật.
Bấy giờ, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nhiếp thần túc lại, ngồi nơi bổn tòa bảo Kiên Ý rằng:
– Đó là sức thần thông của Như Lai. Vì khiến cho công đức của chúng sinh thêm lớn, thế nên Như Lai thị hiện việc này.
Lúc Phật hiện sức thần thông, tám nghìn thiên nhân phát tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác. Và lúc nói Thủ-lăng-nghiêm tam-muội này sắp xong, bồ-tát Kiên Ý và năm trăm bồ-tát đắc Thủ-lăng-nghiêm tam-muội thảy đều được thấy thần lực của các đức Phật mười phương, đối với pháp sâu của Phật được trí quang minh trụ Đệ thập địa thọ chức vị Phật. Tam thiên đại thiên thế giới chấn động sáu cách, phóng ánh sáng lớn soi khắp thế giới, nghìn muôn kỹ nhạc đồng thời trỗi lên và trên hư không mưa các thứ hoa.
Bấy giờ, Phật bảo A-nan:
– Ông nên thọ trì Thủ-lăng-nghiêm tam-muội này, đọc tụng rộng vì người nói.
Lúc ấy, Đế Thích Trì Tu-di Sơn Đảnh bạch Phật:
– Thế Tôn! Ngài A-nan trí huệ ghi nhớ có hạn lượng. Người Thanh văn nhờ âm thanh của người khác mà ngộ đạo, cớ sao Ngài đem pháp bảo tam-muội này chúc lụy cho ngài A-nan?
Đế Thích Trì Tu-di Sơn Đảnh phát lời chí thành nói:
– Nếu tôi hay ở hiện đời và đời sau rộng tuyên lưu bố pháp bảo tam-muội này không có hư dối thì các cây trong núi Kỳ-xà quật này thảy đều như cây bồ-đề của Phật, dưới các cây bồ-đề đều có bồ-tát.
Đế-thích Trì Tu Di Sơn Đảnh nói lời này xong, liền thấy các cây như cây bồ-đề, dưới mỗi cây đều có bồ-tát. Các cây bồ-đề đều phát ra tiếng nói:
– Như lời của Đế Thích Trì Tu-di Sơn Đảnh nói, đích thật người này ắt hay khiến cho tam-muội này được rộng tuyên lưu bố.
Bấy giờ, các Thiên, Long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà v.v… đồng thanh bạch Phật:
– Thế Tôn! Giả sử Như Lai sống lâu một kiếp chẳng vì việc khác, dùng Thanh văn thừa vì người thuyết pháp, mỗi thời thuyết pháp đều như lúc mới chuyển pháp luân độ các chúng sinh. Nói Thủ-lăng-nghiêm tam-muội này độ chúng sinh, đây mới là hơn. Vì sao? Các chúng sinh kia đều được dùng Thanh văn thừa độ so với Bồ-tát thừa trăm phần chẳng bằng một, trăm nghìn muôn ức phần cho đến toán số, thí dụ cũng chẳng thể bì kịp. Như Thủ-lăng-nghiêm tam-muội này có thế lực vô lượng hay thành tựu các bồ-tát, khiến các ngài được đầy đủ Phật pháp.
Bấy giờ, bồ-tát Kiên ý bạch Phật:
– Thế Tôn! Tuổi thọ thật của Ngài là bao nhiêu? Và đến khi nào Ngài sẽ rốt ráo nhập niết-bàn?
Phật nói:
– Này Kiên Ý! Về phương đông cách thế giới này ba muôn hai nghìn cõi nước Phật, có thế giới tên Trang Nghiêm, trong nước ấy có Phật hiệu Chiếu Minh Trang Nghiêm Tự Tại Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, hiện đang thuyết pháp.
Này Kiên Ý! Như thọ mạng của Phật Chiếu Minh Trang Nghiêm Tự Tại Vương, thọ mạng của ta cũng lại như vậy.
– Bạch Thế Tôn! Thọ mạng của Phật Chiếu Minh Trang Nghiêm Tự Tại Vương là bao nhiêu?
Phật bảo Kiên Ý:
– Ông hãy tự qua hỏi, Phật ấy sẽ đáp cho.
Bồ-tát Kiên Ý nhờ thần lực của Phật và dùng sức Thủ-lăng-nghiêm tam-muội cùng sức thần thông thiện căn của mình trong khoảng một niệm đến thế giới Trang Nghiêm, đầu mặt đảnh lễ dưới chân đức Phật kia, đi nhiễu bên hữu ba vòng, rồi đứng qua một bên bạch Phật:
– Thế Tôn thọ mạng bao lâu sẽ nhập niết-bàn?
Đức Phật kia đáp:
– Như thọ mạng của Phật Thích-ca Mâu-ni, thọ mạng của ta cũng lại như vậy. Này Kiên Ý! Ông muốn biết ư? Thọ mạng của ta là bảy trăm a-tăng-kỳ kiếp, thọ mạng của Phật Thích-ca Mâu-ni cũng vậy.
Bấy giờ, Bồ-tát Kiên Ý lòng rất vui mừng liền trở về thế giới Ta-bà, bạch Phật:
– Thế Tôn! Đức Phật Chiếu Minh Trang Nghiêm Tự Tại Vương kia thọ bảy trăm a-tăng-kỳ kiếp, và bảo con rằng: “Như thọ mạng của Ta, thọ mạng của Phật Thích-ca Mâu-ni cũng lại như vậy”.
Bấy giờ, ngài A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy trịch y bày vai hữu, chắp tay hướng vể Phật bạch rằng:
– Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa Phật nói, con cho rằng đức Thế Tôn ở thế giới Trang Nghiêm kia dùng danh tự khác để làm lợi ích chúng sinh.
Bấy giờ, đức Thế Tôn khen ngài A-nan:
– Hay thay, hay thay! Ông nhờ thần lực của Phật mà có thể biết việc này. Thân đức Phật kia chính là thân ta dùng danh tự khác ở thế giới kia thuyết pháp độ thoát chúng sinh. Này A-nan! Sức thần thông tự tại như vậy đều là thế lực của Thủ-lăng-nghiêm tam-muội.
Bấy giờ, Phật bảo bồ-tát Kiên Ý:
– Này Kiên Ý! Do vì việc này nên biết ta thọ bảy trăm a-tăng-kỳ kiếp mới sẽ rốt ráo nhập niết-bàn.
Lúc đại chúng trong hội nghe Phật nói thọ mạng chẳng thể nghĩ bàn như thế đều rất vui mừng được điều chưa từng có, bạch Phật:
– Thế Tôn! Thần lực của chư Phật thật chưa từng có, tất cả việc làm chẳng thể nghĩ bàn, ở thế giới này thị hiện thọ mạng ngắn ngủi như thế mà thật ra ở thế giới kia thọ mạng dài đến bảy trăm a-tăng-kỳ kiếp. Thế Tôn! Nguyện cho tất cả chúng sinh đầy đủ thọ mạng chẳng thể nghĩ bàn như thế.
Bấy giờ, đức Thế Tôn lại bảo Kiên Ý:
– Thủ-lăng-nghiêm tam-muội này ở các chỗ như quận quốc, thành ấp, xóm làng, tinh xá, vườn rừng, thì trong các chỗ ấy các ma và dân ma không được cơ hội thuận tiện khuấy nhiễu.
Lại bảo Kiên Ý:
– Nếu có pháp sư biên chép đọc tụng giải nói Thủ-lăng-nghiêm tam-muội này thì đối với người và các loài phi nhân đều không có sợ hãi, lại được hai mươi phần công đức chẳng thể nghĩ bàn. Những gì là hai mươi phần công đức chẳng thể nghĩ bàn? Công đức chẳng thể nghĩ bàn, trí chẳng thể nghĩ bàn, huệ chẳng thể nghĩ bàn, phương tiện chẳng thể nghĩ bàn, pháp sáng suốt chẳng thể nghĩ bàn, tổng trì chẳng thể nghĩ bàn, pháp môn chẳng thể nghĩ bàn, theo nghĩa ghi nhớ chẳng thể nghĩ bàn, các sức thần thông chẳng thể nghĩ bàn, phân biệt các ngôn ngữ của chúng sinh chẳng thể nghĩ bàn, hiểu sâu sở thích của tâm chúng sinh chẳng thể nghĩ bàn, được thấy chư Phật chẳng thể nghĩ bàn, các pháp được nghe chẳng thể nghĩ bàn, giáo hóa chúng sinh chẳng thể nghĩ bàn, tam-muội tự tại chẳng thể nghĩ bàn, hình sắc xinh đẹp chẳng thể nghĩ bàn, thành tựu Tịnh độ chẳng thể nghĩ bàn, công đức tự tại chẳng thể nghĩ bàn, tu hành các ba-la-mật chẳng thể nghĩ bàn, được bất thoái chuyển Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn, đó là hai mươi.
Này Kiên Ý! Nếu người biên chép đọc tụng Thủ-lăng-nghiêm tam-muội này được hai mươi phần công đức chẳng thể nghĩ bàn vừa kể ở trên. Thế nên, này Kiên Ý! Nếu người muốn được các lợi ích hiện đời và đời sau, nên biên chép, đọc tụng, giải nói, tu hành Thủ-lăng-nghiêm tam-muội này.
Các hành giã nên vào trang quãng đức đọc kinh. Thủ lăng nghiêm tam muội. Sẽ giúp khai mở trí huê
“Mỗi lúc niệm Phật, mỗi chữ phải xuất phát từ trong tâm! Trong tâm tưởng thật rõ ràng, miệng niệm cho thật rõ ràng, tai nghe cho thật rõ ràng. Mỗi một chữ xuất pháp từ trong tâm, thấu qua tai lọt vào tâm, một chữ cũng chẳng để lọt mất.
Tu tập dài lâu như vậy, tâm tự nhiên chẳng còn tán loạn; đấy chính là một phương pháp khẩn yếu bậc nhất, ngàn vạn phần chớ quên”
(Thầy Lý Bỉnh Nam)
—
Cư sĩ Lý Bỉnh Nam là người thầy vĩ đại của hơn 200 ngàn đệ tử, khi vãng sanh lưu lại cả ngàn viên xá lợi:
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2011/04/cu-si-ly-binh-nam-vang-sanh-luu-lai-ca-ngan-vien-xa-loi/