Là Người Hiểu Đạo Phải Khuyên Bảo Mọi Người Cùng Tiến TuTừ bi rộng lớn là môn học Phật đầu tiên, là con đường chính của Bồ tát. Khuyên bảo tiến tu là hạnh chủ yếu làm lợi ích mọi người, là nhân thù thắng của Tịnh nghiệp.

Các bậc Hiền trong Liên Xã thời Tấn, đều nguyện sinh về An Dưỡng. Hải chúng khắp mười phương, đều ưa thích ra khỏi Ta bà. Than ôi! Sinh tử khó thoát ra, vô thường thật mau chóng. Như thế, có thể không noi theo các bậc Hiền triết, vui thích thực hành và dẫn dắt lớp người đi sau chăng?

Khuyên một người, hai người, cho đến nhiều người, đó là sự bố thí pháp trong nhà Phật. Niệm một đức Phật, hai đức Phật, cho đến muôn đức Phật, nhằm để tiến đến đạo diệu huyền Cực Lạc. Định khóa mỗi ngày niệm ngàn câu Phật, tích lũy từ tháng đến năm thì có ba mươi sáu vạn câu Phật. Tích lũy không lười biếng, thì cũng gần với địa vị Phật. Mỗi ngày làm một việc thiện nhỏ, tích lũy từ tháng đến năm thì có ba trăm sáu mươi việc lành. Siêng năng tích lũy, thì cũng gần với bậc quân tử.

Là kẻ ngu, là tiểu nhân mà không biết sám hối ắt đồng với cầm thú, bởi vì họ không học, cũng không có người khuyên bảo. Kinh nói: “Nếu người đem bảy loại báu khắp bốn thiên hạ để cúng dường Phật, Bồ tát, Duyên giác, Thanh văn được phước rất nhiều, nhưng chẳng bằng khuyên người niệm Phật một câu, phước đức này còn hơn phước đức của người kia”. Đó là lời khuyên bảo của đức Thế Tôn. Luận ngữ nói: “Mình muốn thành lập nên giúp người thành lập; mình muốn thành đạt nên giúp người thành đạt”. Đó là lời khuyên bảo của Khổng Tử(*).

Thế nên, cần phải khuyến khích đồng bạn tu tập Tịnh hạnh. Hoặc tháng giêng, tháng năm, tháng chín cùng nhau họp mặt một lần; hoặc lấy thời gian nửa năm, một năm, ba năm làm một kỳ hạn để gặp nhau, trồng sâu căn lành đều hồi hướng khắp tất cả chúng sinh. Thường vì bạn đạo giúp đỡ lẫn nhau, một người thối lui biếng nhác thì chung sức nắm tay dẫn dắt tiến lên. Một người bỏ tu tập theo phàm tục, thì bạn bè lần lượt quan tâm, giúp đỡ. Tuy không thể truyền bá giáo pháp lợi ích rộng khắp mọi loài, nhưng cũng có thể ôn cũ để biết mới. Đâu chẳng thấy cho người một đồng tiền, mà người còn gọi là nhận ân huệ; giúp người một lời có ích, lẽ nào họ lại không hay biết? Bố thí tiền của chỉ cứu giúp nghèo khó trong một đời, bố thí thức ăn chỉ cứu giúp sinh mạng trong một ngày, nhưng bố thí giáo pháp có thể khiến người ra khỏi thế gian, công đức này đâu thể so sánh được! Bố thí tiền của như ngọn đèn chỉ soi sáng một căn nhà, bố thí pháp như mặt trời soi khắp cả đại thiên thế giới. Lẫn tiếc giáo pháp không khuyên người tu tập, thì nhiều kiếp chìm trong Địa ngục tối tăm. Suy xét nơi tâm mình mà thực hành hóa đạo, thì ngay hiện đời tức là A Di Đà.

Dám mong mọi người vận dụng lòng từ của mình mà khuyến khích lẫn nhau, dùng bi nguyện kết duyên thanh tịnh, cứu vớt những kẻ đắm chìm trong vòng sinh tử. Đây là lối tắt thoát khỏi nẻo luân hồi, cùng nhau lên Tịnh độ, để mong báo đáp ân đức Phật.

Như thế, đáng gọi là: “Người chưa hóa độ, nay được độ”.

CHÚ THÍCH:

(*) Khổng Tử: Tên là Khâu, tự Trọng Ni, sinh ngày 27 tháng 8 năm 551 trước Công nguyên, vào thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc, tại ấp Trâu, làng Xương Bình, nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Nhiều sử sách ghi rằng ông sinh trong một gia cảnh nghèo, nhưng thực tế gia đình ông có ông tổ ba đời vốn thuộc dòng quý tộc sa sút từ nước Tống dời đến nước Lỗ. Cha của Khổng Khâu, Thúc Lương Ngột (cháu 13 đời của Vi Tử Diễn, anh của vua Trụ nhà Thương), là quan võ thuộc ấp Trâu, đến 70 tuổi mới lấy Nhan Thị mà sinh ra ông.

Năm lên ba, Khâu mồ côi cha, lớn lên phải làm lụng vất vả để nuôi mẹ, nhưng rất ham học. Năm 19 tuổi, ông lấy vợ và làm một chức quan nhỏ coi kho. Năm 22 tuổi, ông mở lớp dạy học. Học trò gọi ông là Khổng Phu Tử, hay gọi gọn hơn là Khổng Tử. “Tử” ngoài ý nghĩa là con ra, còn có ý nghĩa là thầy. Do vậy Khổng Phu Tử là thầy Khổng.

Trong suốt gần 20 năm, từ năm 34 tuổi, Khổng Tử dẫn học trò đi khắp các nước trong vùng để truyền bá các tư tưởng và tìm người dùng các tư tưởng đó. Có nơi ông được trọng dụng nhưng cũng có nơi ông bị coi thường. Năm 51 tuổi, ông quay lại nước Lỗ và được giao coi thành Trung Đô, năm sau được thăng chức Đại Tư Khấu (coi việc hình pháp) kiêm quyển Tể Tướng. Sau ba tháng, nước Lỗ trở nên thịnh trị. Nhưng rồi bị ly gián, dèm pha, ông bèn từ chức và lại ra đi một lần nữa.

Năm 68 tuổi, Khổng Tử trở về nước Lỗ, tiếp tục dạy học và bắt tay vào sọan sách. Trong những năm cuối cùng này, ông đã soạn ra bộ Ngũ Kinh. Ông mất tháng 4 năm 479 trước Công nguyên, thọ 73 tuổi.

Trích LIÊN TÔNG BẢO GIÁM
Đại Sư Ưu Đàm
Thích Minh Thành dịch