Viên Hoằng Đạo, tự Trung Lang, hiệu Thạch Đầu cư sĩ, người ở huyện Công An, tỉnh Hồ Bắc. Anh là Tông Đạo, tự Bá Tu, hiệu Hương Quang cư sĩ. Em là Trung Đạo, tự Tiểu Tu, hiệu Thượng Sanh cư sĩ. Ba anh em đồng một mẹ, lúc thiếu thời đều nổi tiếng văn tài, lớn lên cùng ưa thích Thiền tông. Trong niên hiệu Vạn Lịch đời Minh, ba anh em trước sau lần lượt đều đổ Tiến sĩ. Bá Tu làm quan đến chức Hữu giá tử. Tiểu Tu làm quan đến chức Lễ bộ lang trung. Sau hai anh em đều xin về quê hưu dưỡng, sớm hôm siêng cần lễ tụng.
Riêng phần Trung Lang, tức Hoằng Đạo, sau khi thi đỗ, được bổ làm Tri huyện ở Ngô Giang. Ông xử việc án tụng rất sáng lẹ, quyết đoán. Khi rảnh việc công, lại ưa ngao du sơn thủy. Sau được thăng lên chức Lễ bộ chủ sự, chẳng bao lâu cáo bịnh xin về nghỉ. […]*
Ban sơ, cư sĩ Hoằng Đạo học thiền với Lý Trác Ngô, tín giải thông suốt, biện tài không ngại. Sau tự nghiệm xét, thấy dù huyền luận dọc ngang, cũng chỉ là lời nói suông, không có lợi ích thiết thật, mới hồi hướng về Tịnh độ, sớm hôm sám hối lễ niệm, kiêm giữ gìn giới cấm. Bá Tu và Tiểu Tu cũng đồng thời phát tâm niệm Phật. Cư sĩ tuyển trong các kinh giáo, viết ra bộ Tây Phương Hiệp Luận. Trong ấy bàn tánh tướng đến chỗ viên dung, đi sâu vào pháp môn Bất Nhị. […]
Không bao lâu, Hoằng Đạo được triệu giữ lại chức cũ, lần thăng tiến đến ngôi Huân ty lang trung. Ít lúc sau cáo bịnh xin nghỉ. Về nhà chẳng mấy ngày, liền vào thành Kinh Châu ở trọ trong chùa Tăng tu niệm, rồi không bịnh mà qua đời.
Trung Đạo tức Tiểu Tu, sau khi về hưu, sớm hôm tinh cần niệm Phật. Một đêm, nhằm ngày rằm tháng mười năm Giáp Dần, vào niên hiệu Vạn Lịch thứ bốn mươi hai, khi khóa tụng xong, ông tĩnh tọa, cảm biết hình thần thanh sáng. Bỗng chợt có trạng thái như vào định, thần thức vượt lên khỏi nhà, nương mây bay đi. Hai bên có hai đồng tử phò trợ, bảo: “Hãy theo chúng tôi!” Rồi đưa đi về phương Tây lẹ như chim bay. Trông chung quanh, ánh trăng vẫn sáng tỏ, gương nga lồ lộ giữa trời. Nhìn xuống dưới thấy núi, đầm, ruộng nương, thành ấp, làng xóm, nhỏ như đống đất, chén nước, chòm ong, tổ kiến. Khi sa thấp xuống một chút, nghe mùi tanh hôi từ dưới bốc lên, liền gắng sức vượt thẳng trên cao mới cảm thấy thanh nhẹ. Lần lần bay nhanh như chớp, trải qua không bao lâu, hai đồng tử bỗng hô lên bảo: “Dừng lại!” rồi cùng đáp xuống đất.
Tiểu Tu nhìn quanh, thấy đường ngay như dây giăng, mặt đất bằng phẳng sáng chói trơn nhuần, chẳng phải chất cát đá. Dọc theo bên đường có đầm ao bề ngang rộng hơn mười trượng, thềm ao bằng bảo thạch có lằn như viên chạm. Trong ao hoa sen năm sắc đua nhau tươi nở, thơm đẹp khác thường. Dài theo bờ ao có hàng cây sáng chói, các thứ chim lạ hòa nhau kêu thanh. Cách khoảng lại có cầu bằng vàng ngang qua ao làm ranh giới. Câu lơn liên tiếp làm mé thành cầu. Sau hàng cây bên bờ kia, có lầu các xinh lạ khó sánh ví. Người trong lầu tướng mạo đều thanh sáng, tươi đẹp như thiên tiên, nhìn Tiểu Tu mà mỉm cười.
Hai đồng tử đi mau, cư sĩ đuổi theo không kịp, vội kêu lên rằng: “Xin tạm đứng trên cầu đợi tôi một chút!” Hai đồng tử y lời, ông mới bước theo kịp, cùng tựa lan can báu của cầu tạm dừng nghỉ. Tiểu Tu vòng tay hỏi: “Xin được hân hạnh cho biết hai vị là ai? Đây là nơi nào?” Một đồng tử đáp: “Chúng tôi là thị giả của Linh Hòa tiên sanh, ngài muốn cùng ông gặp gỡ nói đôi chuyện, nên bảo đến đón tiếp.” Cư sĩ lại hỏi: “Tiên sanh là bậc người thế nào?” Đáp: “Ngài chính là lịnh huynh, Viên Hoằng Đạo tự Trung Lang đấy. Sau khi gặp mặt ông sẽ tự biết, hiện thời chúng ta phải kíp đi đến nơi!”
Nói xong cùng qua cầu theo đường tới một khu có hơn ngàn cội cây to, lá chất phỉ thúy, hoa cánh hoàng kim. Sau vùng cây có ao to rộng, qua cầu ao có cửa bằng bạch ngọc, một đồng tử đẩy cửa tiến vào trước. Đồng tử kia dẫn Tiểu Tu đi qua hơn hai mươi lớp lầu các, kim sắc chói rực rỡ, hoa linh cỏ lạ phơ phất bên thềm. Khi tới dưới tòa lầu nọ, có một vị thần thái tợ Trung Lang, mặt sáng như ngọc, áo tợ ráng mây, cao hơn trượng, bước đến đón rước, mừng rỡ bảo: “Em đã tới đó ư?” rồi dắt tay lên lầu, trên đó có bốn năm vị tướng trạng như thiên nhơn, ngồi xung quanh Trung Lang nói: “Đây là cảnh biên địa ở Tây phương. Những hành giả niệm Phật, tín giải chưa thành, giới châu chưa trọn, phần nhiều sanh về chốn này. Nơi đây cũng gọi là Giải Mạn Quốc (xứ của người tu còn bê trễ). Phương trên có lâu đài của Hóa Phật, trước lầu có ao to rộng hơn trăm do tuần, trong ao có sen báu.
Chúng sanh mười phương sanh về gởi chất nơi hoa sen ấy, đúng kỳ hoa nở, chia nhau đi ở các lầu đài, cùng những bạn tu tịnh có duyên tụ hội nhau. Do không có my sắc dâm thanh, nên thắng giải dễ thành, chẳng bao lâu tu tiến lên sanh vào chánh quốc ở Cực lạc! Tiểu Tu thầm nghĩ: “Cảnh đẹp như thế, mà hãy còn là biên địa ư?” [biên địa: chỉ vùng biên giới, hay vùng hẻo lánh, khó khăn của một đất nước, một xứ sở nào đó] Nhân đó hỏi: “Anh sanh về chỗ nào?” Trung Lang đáp: “Anh tịnh nguyện tuy tha thiết, song tình nhiễm chưa dứt trừ, ban sơ sanh về nơi đây ít lâu, nay thì đã được vào Tịnh độ. Nhưng do thừa gắp giới huỡn, nên chỉ thuộc hàng địa cư, không được cùng bậc đại sĩ ở lầu các giữa hư không, còn phải tiến tu thêm nữa. Rất may lúc còn tại Ta bà, nhờ trí huệ mãnh lợi, anh từng soạn bộ Tây Phương Hiệp Luận, khen ngợi công đức độ sanh không thể nghĩ bàn của Như Lai nên cảm báo được bay đi tự tại, dạo chơi các quốc độ. Chư Phật nói pháp, đều được đến nghe, đây thật là điều thù thắng!” Nói xong, nắm tay Tiểu Tu bay lên hư không, phút chốc vượt ngàn muôn dặm, rồi đáp xuống một chỗ. Nơi đây không ngày đêm nhật nguyệt, ánh sánh rực rỡ chẳng bị ngăn che. Đất lưu ly trong ngoài chói suốt, trụ dây hoàng kim thất bảo giao xen ngăn chia ranh giới. Cây đều là thứ Chiên đàn, Cát tường, hàng hàng nối nhau, gốc gốc trông nhau, vài muôn ngàn lớp. Mỗi mỗi lá mọc ra các hoa đẹp mầu, màu sắc dị bảo. Bên dưới cây là ao báu, vô lượng đợt sóng gợn, tự nhiên phát ra tiếng pháp mầu. Đáy ao lót thuần bằng cát kim cương. Trong ao sen báu muôn màu phóng ánh sáng dị sắc. Dọc theo hàng cây bờ ao, lầu các nguy nga quanh lộn ẩn hiện, hiên thềm nhô ra, cột đỡ mái cong, cửa lớn cửa song giao chiếu, câu lơn báu doanh vây bao bọc, thảy đều đầy đủ. Xung quanh lầu các có treo vô lượng nhạc khí, tự khua động diễn các pháp âm. Những điều ghi chép trong kinh A Di Đà và Vô Lượng Thọ, so với đây mười phần chưa được một.
Ngước nhìn lên, nhiều lầu các lơ lửng giữa hư không, đẹp huyền ảo giữa những vầng mây ráng. Trung Lang bảo: “Chỗ em thấy là quang cảnh của hàng địa cư chúng sanh ở Tịnh độ. Qua khỏi chốn này là nơi ở của chư Pháp thân đại sĩ, cảnh trí còn đẹp mầu gấp ngàn muôn phần bội nơi đây. Thần thông của các vị ấy cũng ngàn muôn phần bội hơn. Anh nhờ huệ lực có thể đến dạo chơi, mà không ở được. Khỏi nơi đó là chỗ cư trú của bậc Thập địa cùng Đẳng giác Bồ tát, anh không thể đi đến và hiểu được. Xa hơn nữa, là cảnh giới của đấng Diệu giác, duy Phật cùng Phật mới có thể thấy biết!”
Nói xong, lại cùng bay đến một chỗ, điện các chói sáng khác thường, chẳng biết làm bằng chất gì. Cảm thấy hoàng kim bạch ngọc sánh với thứ báu này, dường như là sắc đất. Nơi đây không thành quách, chỉ có lan can bao bọc. Hai người cùng ngồi dưới lầu trò chuyện. Trung Lang nói: “Anh không ngờ cảnh đẹp lại vui cùng cực như vầy! Giả sử khi ở Ta bà, anh giữ giới luật thêm tinh nghiêm, thì sự thọ lạc chẳng phải như thế mà thôi đâu! Đại để trước nhất, thừa giới đều gấp, sanh phẩm rất cao.
Thứ nữa, là giới gấp, sanh phẩm rất ổn. (Thừa gấp: tâm giải ngộ sâu sắc. Giới gấp: sự giữ giới tinh nghiêm). Nếu có thừa mà không giới, phần nhiều bị sức nghiệp lôi kéo, sanh vào hàng Bát bộ quỉ thần. Những bạn đồng tu lâm vào cảnh này, anh đã trông thấy rất nhiều. Về phần em, khí phần Bát nhã tuy sâu song sức giới định rất kém. Nếu giải ngộ lý mầu mà không sanh giới định, cũng thuộc về loại cuồng huệ mà thôi! Khi trở về Ta bà, em phải nhân lúc còn mạnh khỏe mà thật ngộ thật tu, giữ tịnh nguyện cho tha thiết, siêng làm phương tiện giúp người, thương xót tất cả, chẳng bao lâu sẽ có lúc cùng hội ngộ. Nếu lơ là để lạc vào đường khác, thì thật là đáng kinh đáng sợ! Như chưa thể giữ giới hoàn toàn, hãy tuân hành theo pháp Lục trai của ngài Long Thọ cũng được. Trong các giới, sát giới rất quan yếu. Xin gởi lời nhắn nhủ bạn đồng tu: Chưa có ai mỗi ngày tay cầm dao giết, miệng tham vị ngon, mà được sanh về cõi Cực lạc! Dù cho có tài thuyết pháp như mưa sa mây cuốn, đối với sự tinh tu nếu không thật hành, cũng là vô ích! Anh cùng em từ thuở Phật Không Vương đã nhiều đời làm huynh đệ, cho đến khi luân hồi sáu cõi cũng đều như thế! Nay may mắn anh đã được về chỗ tốt, sợ em bị lạc vào ác đạo, nên phải dùng sức thần thông phương tiện, đem đến đây khuyên bảo. Bây giờ báo nghiệp giữa hai cõi tịnh và uế khác nhau, em không thể ở lâu được!”
Tiểu Tu vội hỏi về chỗ sanh của Bá Tu cùng các đồng bạn đã mãn phần. Trung Lang đáp: “Nơi sanh của anh Tông Đạo và các bạn đều tốt, về sau em sẽ tự rõ!” Nói xong, liền vượt lên hư không mà bay đi. Tiểu Tu đứng lên bước chậm rãi theo bờ ao ngoạn cảnh, bỗng như trượt té xuống nước, kinh hãi giựt mình tỉnh lại. Lúc ấy cả thân xuất hạn, nhìn lại ngọn đèn tàn còn trên giá, ánh trăng sáng vẫn chiếu song, thời khắc đã sang canh tư. Liền vội lấy giấy bút ghi chép thiên “Tịnh Quốc Du Ký” này.
Trước kia, Tông Đạo có con trai tên Viên Đăng mới mười ba tuổi, bị bịnh uất hơi sắp mãn phần. Đứa bé nói với Hoằng Đạo rằng: “Cháu sắp chết, chú làm sao cứu cháu?” Trung Lang bảo: “Cháu chỉ chuyên niệm Phật, tất sẽ được sanh về cõi Cực lạc. Nơi đây là cảnh ngũ trược không đủ để luyến tiếc!” Đứa bé liền chấp tay liên tiếp niệm Nam Mô A Di Đà Phật, hàng quyến thuộc cũng đồng thanh trợ niệm. Giây phút nó cười nói: “Cháu thấy hoa sen sắc hơi đỏ.” Niệm thêm giây lát, lại bảo: “Hoa đã lần lần lớn, sắc tươi sáng, đẹp không thể tả!” Trong khoảnh khắc, lại nói: “Đức Phật đã đến, tướng tốt quang minh, thân cao lớn chật cả nhà!” Giây phút, nó thở hơi gấp. Tông Đạo bảo: “Để người nhà trợ niệm, con chỉ xưng một chữ “Phật” sau chót cũng được.” Viên Đăng xưng Phật vài tiếng, chấp tay mà qua đời.
* Ghi chú […] cho biết có sự lược bớt một số đoạn so với bản gốc nhằm giữ tính súc tích cho câu truyện.
Trích Mấy Điệu Sen Thanh
Tác giả: Bành Tế Thanh
Việt Dịch: Cố hòa thượng Thích Thiền Tâm
KHAI THỊ ÔNG THẦN TÁO
Ở một làng kia, người ta đồn có một ông thần Táo rất linh, linh đến nỗi ai mất bò dê, trâu heo đến khấn là thần Táo giúp cho tìm lại được đem về. Để cám ơn vị thần Táo, dân làng đem heo, gà đến cúng thần trước cái lò đặt bên gốc cây đa.
Một ngày nọ, một nhà sư đi ngang qua vùng nầy, nghe đồn chuyện thần Táo bèn dẫn đồ chúng đến xem cái lò ấy. Nhà sư đi quanh mấy vòng, dừng lại nhìn cái lò một lúc rồi lấy gậy gõ ba cái trên đầu lò bảo: “Ồ, ta tưởng mi ghê gớm lắm, hóa ra mi vốn do đất nặn lên, có gì là linh thánh trong mi đâu, sao mi lại sát hại nhiều vật mạng như vậy!” Sau lời khai thị của nhà sư, cái lò vỡ ra từng mảnh, đổ sụp xuống. Lát sau, một ông thần mũ cao, áo rộng đi đến phủ phục lạy dưới chân nhà sư và thưa rằng: “Bạch Thầy, con xin đảnh lễ tri ân Thầy”. “Ông là ai?”, nhà sư hỏi. “Con chính là vị thần Táo bị đọa ở đây 500 năm rồi. Hôm nay nhờ lời khai thị của Thầy nên con ngộ được Lý duyên sinh”, thần Táo đáp. Nhà sư cười bảo: “Lý duyên sinh là tự tánh của mi, không phải do ta khai ngộ mới có.”. Thần Táo thưa: “ Đành là như vậy, nhưng không có Thầy khai thị con chẳng thể ngộ được.” Nói xong thần Táo biến mất.
Các đệ tử của nhà sư thấy lạ, bèn thưa: “Thầy có phép mầu gì khai thị được thần Táo kia? Xin Thầy nói lại cho chúng con nghe.” Nhà sư nói: “Ta chỉ nhắc vị thần ấy rằng ông ta vốn là đất tạo thành”. Các đệ tử vẫn chưa hiểu được điều kỳ diệu trong lời nói đó của nhà sư. Thần Táo hiểu được điều kỳ diệu ấy nên thần thoát được kiếp bị đọa 500 năm. Nếu chúng ta nhận ra được điều kỳ diệu trong lời nói đó, chúng ta sẽ biết quay lại tự thân để nhận được con đường Niết bàn.
Trở lại với cuộc đời của vị thần Táo nọ. Vì là thần, không có hình thể vật lý, ông có thể biến mất nơi này, hiện ra nơi khác một cách nhẹ nhàng. Ông đi bằng tâm thức, sáng chơi non Nam, chiều dạo biển Bắc, chưa hề bị ràng buộc bởi một điều gì. Một hôm đang ngồi vắt vẻo trên cành cây đa, ông thấy có người đến đốt hương khấn vái cái lò đặt ngay dưới gốc cây, cầu xin tìm được con bò đang bị lạc ở đâu đó. Ông nghĩ là người ấy khấn xin ông giúp kiếm con bò dùm. Ông liền chạy đi tìm bò, tìm được, ông lùa bò về chỗ chủ của nó ở.
Người dân trong làng thấy “cái lò” linh hiển, hễ mất cái gì, người ta rủ nhau đến khấn “cái lò”, ông đứng kề bên nghe thấy, vất vả ngược xuôi tìm kiếm dùm cho dân làng thật tội nghiệp. Thế là ông bắt đầu gắn đời ông vào cái lò, ông thấy ông là cái lò, và cứ thế ông tất tả ngược xuôi làm việc để thỏa mãn cho mọi người. Một hôm có đứa trẻ chăn bò vào nghịch phá, lấy chân đá vào cái lò. Ông cho là xúc phạm đến ông, ông bẻ gãy chân nó. Rồi khi bất như ý, thần linh như ông nổi giận bất an sầu não y như người thường. Tất cả chỉ vì ông đồng hoá mình với chiếc lò đất bể được đặt ở gốc cây đa. Nhà sư khi nhìn thấy điều ấy, chỉ nhẹ nhàng nhắc rằng ông không hề là cái lò, ông là vị thần linh thánh vô hình khác ở bên sau cái lò đất nham nhở hủ mục ấy.
Từ điều này, chúng ta hãy tự hỏi thân này “là ta”, hay “của ta”? Câu trả lời thông minh phải là “Thân chỉ là vật sở hữu của ta, thân này không phải là ta.” Xin nhớ rằng cái gì là “của tôi”, cái đó đều là vật sở hữu. Khi mọi vật đã là sở hữu thì đâu phải là mình.Vậy mà chúng ta chúng ta hóa thân vào mọi thứ, từ tình cảm (niềm vui, nỗi buồn, thương, giận…) cho đến vật chất (nhà, xe, tiền của, con cái, người thân…). Chúng ta xem những cảm thọ và vật chất ấy “là ta” giống như vị thần linh nọ hóa thân vào cái lò bể, vì thế chúng ta khổ vô cùng.
Tóm lại, điều cần làm là quay lại nhận rõ chúng ta không phải là thân hình bên ngoài, càng không phải những tình cảm vui buồn hay nghĩ suy lo lắng bất an bên trong. Chúng ta là tuệ giác “nhận biết” luôn sẵn có nơi tự thân không bao giờ bị mất đi hay bị hủy hoại. Hiểu được vậy, chúng ta đã tự khai thị cho chính mình như nhà sư đã khai thị cho vị thần Táo.
Thích Phước Tịnh
Trích bài phiên tả pháp thoại “Lý Duyên Khởi”
Cho con hỏi
Khi nghe về chuyện phật giáo
Thích ca mâu ni phật lúc còn tại thế có kể về tây phương cực lạc và 1 vị a di đà phật đang thuyết pháp ở đó.
Con tưởng thích ca mâu ni phật là vị phật đầu tiên chứ ạ? Nói như vậy thì trước khi thích ca mâu ni phật thành phật đã có các vị phật khác và cả tây phương rồi ạ.?
Trong kinh A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni có nói đến nhiều vị Phật ở cả 6 phương Đông, Tây, Nam, Bắc, Thượng, Hạ như vầy:
“Xá-Lợi-Phất! Như Ta hôm nay ngợi khen công đức lợi ích chẳng thể nghĩ bàn của đức Phật A Di Đà, phương Đông cũng có đức A-Súc-Bệ-Phật, Tu-Di-Tướng Phật, Đại-Tu-Di Phật, Tu-Di-Quang Phật, Diệu-Aâm Phật; Hằng hà sa số những đức Phật như thế đều ở tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: “Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này”.
Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương Nam, có đức Nhật- Nguyệt-Đăng Phật, Danh-Văn-Quang Phật, Đại-Diệm-Kiên Phật, Tu Di-Đăng Phật, Vô-Lượng-Tinh-Tấn Phật. Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: “Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này”.
Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương Tây, có đức Vô Lượng-Thọ Phật, Vô-Lượng-Tướng Phật, Vô-Lượng-Tràng Phật, Đại Quang Phật, Đại-Minh Phật, Bửu-Tướng Phật, Tịnh-Quang Phật. Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: “Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này”.
Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương Bắc, có đức Diệm-Kiên-Phật, Tối-Thắng-Âm Phật, Nan-Trở Phật, Nhựt-Sanh Phật, Võng-Minh Phật. Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: “Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này”.
Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương dưới, có đức Sư-Tử Phật, Danh-Văn Phật, Danh-Quang Phật, Đạt-Mạ Phật, Pháp-Tràng Phật, Trì-Pháp Phật. Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: “Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này”.
Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương trên, có đức Phạm Âm Phật, Tú-Vương Phật, Hương-Thượng Phật, Hương-Quang Phật, Đại-Diệm-Kiên Phật, Tạp-Sắc Bửu-Hoa-Nghiêm-Thân Phật, Ta La-Thọ-Vương Phật, Bửu-Hoa Đức Phật, Kiến-Nhất-Thiết-Nghĩa Phật, Như-Tu-Di-Sơn Phật. Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: “Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này”.
Như thế chúng ta biết được, ngoài thế giới chúng ta đang ở là Ta Bà dưới sự giáo hóa của đức Thích Ca Mâu Ni Phật, thì còn có rất nhiều thế giới khác nữa, và trong mỗi thế giới ấy đều có các vị Phật khác nhau giáo hóa. Hiện nay tuy Phật Thích Ca đã nhập niết bàn, nhưng giáo pháp của ngài còn tồn tại thêm gần 10.000 năm nữa bởi nay là thời Mạt Pháp và thời này kéo dài thêm 10.000 năm nữa nên hiện giờ thế gian chúng ta vẫn được xem là nằm trong phạm vi giáo hóa của ngài.
Trong đoạn kinh trên Phật chỉ nhắc đến một số ít tên các đức Phật ở các phương khác mà thôi, chứ nếu kể tên tất cả các vị Phật ở hết cả 6 phương thì không thể nào kể cho hết được.
A Di Đà Phật.
Xin giới thiệu đến quý liên hữu 1 loại bàn thờ rất tiện lợi cho những ai có diện tích sinh hoạt eo hẹp nhưng vẫn muốn có nơi thờ phượng. Đây là chiếc bàn thờ có cái tên ngộ nghĩnh là Bàn Thờ Phật Tại Gia Uyển Chuyển Có Có Không Không. Xin login Facebook và bấm nút Play để xem.
Xin chào các đạo hữu cho mình hỏi này chút đọc chú Đại Bi có thể như niệm Phật được không ạ? Kiểu như những nơi không thanh tịnh hay đang nằm có thể niệm Kim cang được không ạ? Tại do hoàn cảnh mình không tiện nói đúng hơn mình không muốn cho ai biết mình đang cố thực hiện Phật pháp nên không mở lễ nghi được
A DI ĐÀ PHẬT. Cái này TP cũng không rõ lắm nhưng Đạo Hữu nhớ là tụng chú Đại Bi thì nếu tụng theo đúng Pháp, thành tâm và đừng để tạp niệm lăng xăng thì sẽ đạt được kết quả rất tốt, có gì vướng mắc thì Đạo Hữu phúc đáp thêm nhé.
Nơi ô uế, khi nằm … niệm thầm trong tâm là được bạn nhé.
Kính chào quý thầy, quý tiền báo cùng chư vị Đạo Hữu trên ĐƯỜNG VỀ CÕI TỊNH! Năm mới đến rồi chắc là mọi người cũng rất bận rộn để chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc!
Cũng có nghĩa là mình đón cái tết lần thứ 8 trên đất Hàn ạ! Mỗi quốc gia có phong tục đón tết khác nhau,mình cũng không chấp cào điều này bởi nhập gia phải tùy tục.
Dạ để con vào thẳng vấn đề ạ! Ba năm trước đây mẹ chồng con đi theo tôn giáo khác bà từ bỏ những gì liên hoan đến Phật, chuỗi tràng hạt 108 bà bỏ vào thùng rác, bức tranh Đạc Lai Lạc Ma bà cũng kêu mang bỏ đi, con biết việc này là không tốt nên đã nhặt sâu chuỗi lại cầt mang cho người khác và bức tranh thì con mang lên gửi ở chùa. Mặc dù trước đây bà từng đi chùa, đi hành hương nhưng vì bà không có tu tập không ăn chay niệm Phật lại hay sát sanh một cách không thương tiếc…không phải là con kể tội của bà con cũng biết người tu không nên nhìn lỗi của người khác chẳng qua là nghiệp sát của mẹ chồng con quá nặng nên quả báo thật đáng sợ và con lấy đó làm bài học cho mình, thấy bà đáng thương chứ không giận vì bà đã đoạn mất hạt giống Phật rồi. Tháng 5 năm rồi bà bị ung thư đại tràng giai đoạn 3 phải phẫu thuật và vô hóa chất 12 lần, một tháng 2 lần và vừa kết thúc xong đợt vô hóa chất vào tháng 12 rồi. Mỗi lần vô hóa chất rất đau đớn và mệt mỏi thấy bà tiều tụy đáng thương lắm con đã thành tâm niệm Phật và gửi tiền về việt Nam làm từ thiện hồi hướng cho chư vị oán thân trái chủ của mẹ chồng con đổng thời hồi hướng cho bà mau giác ngộ quay về nơi Tam bảo, thời gian qua cũng bớt nhiều nhưng bà không ăn chay mà lại hay sát sanh nữa con có khuyên bảo nhưng bà không tin và những gì con làm cho bà con cũng không kể cho bà nghe làm gì vì chưa chắc bà đã tin. Anh em bên chồng con cũng chẳng ai tin cả còn mua những thứ nào là vịt đến hầm thuốc bắc để tẩm bổ, rồi mua nguyên bộ xương bò để hầm nấu nước cao cho bà dùng mỗi bữa, bà lại khen ngon ạ😢 giờ đây bà bị hay tê hai chân đi lại khó khăn, trong đại tràng có thêm khối u nữa phải phẫu thuật. Con lấy hết can đảm khuyên bà niệm A DI ĐÀ PHẬT nhưng bà từ chối bảo rằng tao với mày khác đạo tao không niệm Phật được, tôn giáo của tao không có Phật A DI ĐÀ thì làm sao mà tao niệm được, con giải thích Phật A DI ĐÀ rất từ bi bất kể mẹ theo tôn giáo nào chỉ cần thành tâm xưng niệm Danh hiêu của Ngài nếu thọ mạng mẹ còn mẹ sẽ hết bệnh nếu thọ mạng không còn Ngài sẽ đến tiếp dẫn Mẹ về Tây phương cực lạc. Con không bắt buộc mẹ từ bỏ Đạo mà mẹ theo, đạo đó cũng tốt nhưng bây giờ mẹ bệnh thế này họ cũng không giúp ích gì được cho mẹ chỉ có mẹ tự niệm Phật mới có thể cứu được mẹ thôi. Mấy chục năm qua mẹ đã ăn không biết bao nhiêu là chân gà, chân bò cho nên bây giờ chân mẹ bị tê đau đớn lắm, con có cầu xin họ tha thứ cho mẹ nhưng cũng được phần nào thôi bởi chính tâm mẹ không sám hối với họ mà mới đây lại còn mua thêm về 2 chân con bò, nợ cũ trả chưa dứt lại gieo thêm nợ mới con biết phải làm sao đây? Hàng ngày ăn chay niệm Phật làm từ thiện con đều hồi hướng cho bà cùng oán thân trái chủ cho họ được siêu thoát để bà có thể tín tâm vào A DI ĐÀ PHẬT.Con phải làm sao đây? Bất đồng ngôn ngữ, cũng chẳng có Ban Hộ Niệm, không thấy có người Hàn nào được vãng sanh( không có nghĩa là không có) chỉ tại hiểu biết của mình còn hạn hẹp. Không biết có vị đạo hữu nào đã từng trải qua hoàn cảnh giống như con chưa xin cho con lời khuyên làm thế nào nữa đây ạ để giúp mẹ chồng con!
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Con xin cảm ơn!🙏
Nam mô A Di Đà Phật
Bạch quý thầy cùng các vị cư sĩ, con xin chia sẻ một câu chuyện mong nhận được sự tư vấn ạ. Chẳng là con có được một người phụ nữ trên diễn đàn tử vi lý số nhắn tin nhờ xem chỉ tay (có lẽ do con nói vu vờ gì đấy theo chánh pháp nên bạn ấy nghĩ vậy) cô ấy kêu khổ vô cùng do năm qua không tiền không việc làm không tình cảm. Tuy nhiên con không biết xem và con tin vào nhân quả, con muốn hướng dẫn cô ta thoát sự phiền não đó nên con đã cố nhận lời sẽ xem miễn phí cho cô ta với điều kiện cô ta phải đọc và hiểu những điều con sẽ gửi. Con hạn 3 tháng sẽ xem bói cho cô ta(nhưng con không biết xem,chỉ là nói dối mong cô ấy vì trong cảnh khổ mà đọc được hết ý nghĩa nhân quả, sinh tử luân hồi để 3 tháng sau thì sẽ không hỏi con, bảo con xem bói cho nữa. Tự thoát phiền não. Nhưng con băn khoăn 1 điều là con không thể hệ thống lại những thứ con hiểu biết để nói cho cô ta hiểu,ít nhất là bắt đầu từ đâu để nói vì nếu con nói một cách sáo rỗng sẽ không thuyết phục được cô ấy,vậy là cô ấy sẽ mất đi một cơ hội dứt bỏ phiền não và sống lương thiện hơn.con kính xin các quý thầy, các vị cư sĩ tư vấn cho con những cách nói pháp đi vào lòng người để cô ấy tin theo, hoặc xin các quý thầy các vị cư sĩ tư vấn cho cô ấy hộ con để cô ấy gần hơn tới bờ giải thoát.
Con mới đọc duongvecoitinh được 2 năm nay,tuy có hiểu và tin nhân quả nhưng còn quá ít, và khả năng nói cho người xa lạ hiểu là gần như chưa có tí nào. Con chỉ có tấm lòng mong ai nấy cũng tin sâu nhân quả,tích đức làm thiện tránh xa đường ác.
Con cũng xin cảm ơn tất cả quý thầy, các vị cư sĩ cùng các bạn đồng tu đã cho con có được sự thanh thản của ngày hôm nay. Kính xin quý thầy cùng các vị cư sĩ giúp đỡ con và cô gái đó cùng tất cả chúng sinh để tất cả thêm hiểu về chánh Pháp, tăng trưởng tâm từ bi, được vãng sanh Cực Lạc
Nam mô A Di Đà Phật.
Nam mô A Di Đà Phật
Bạn Ba,
Đầu năm mới đọc câu chuyện của bạn cũng thật lý thú, tôi cũng xin góp thêm vài điều cho vui.
Nếu cô bạn gái của bạn đặt nhiều niềm tin vào thuật xem chỉ tay, bạn hãy bảo cô ấy về luật nhân quả: “Đã gây ra nhân nào thì sẽ nhận lại quả nấy”. Kiếp trước làm sai thì kiếp này mới phải khổ và không được như ý trong mọi việc. Hãy bảo cô ấy mỗi ngày niệm Phật để tiêu bớt nghiệp chướng. Làm thêm phóng sanh, bố thí, cúng dường để tạo phước duyên (tự làm tùy sức mình, người ta có tiền thì làm tiền triệu, mình không tiền thì làm tiền đồng hay chỉ cần góp sức một cách thành tâm). Mỗi ngày cô ấy cứ nhìn vào bàn tay mình, vào khuôn mặt mình trong gương, nếu thấy tay sáng sủa hồng hào mềm mại là vận đã đổi. Thấy mặt sáng tươi, ánh mắt hiền lành, da mặt không đen xỉn, xám xanh thì là vận tốt sắp tới. Miệng không nói điều hung dữ, tâm không nghĩ điều xằng bậy hại người thì dần dần cái tốt sẽ đến…Hay nói khác đi, cô ta cứ siêng năng niệm Phật, lạy sám hối, làm việc tốt và cố gắng giữ vững 5 giới của Phật dạy thì chắc chắn mọi điều may mắn sẽ đến. Quan trọng là có niềm tin vững vào Phật, Bồ tát, có sự quyết tâm, tấm lòng chân thật thì tự mình xem bói cho mình cũng tự biết được tốt xấu. Trong tâm phải đuổi xua mọi tư tưởng sầu não lo lắng vì “chuyện xui chưa đến, đừng mời nó đến”. Có nghĩa là dù đang bị xui, khổ, nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận vì đó là nhân quả của mình. Mặt mày không nhăn nhó âu lo thì vận xui sẽ qua nhanh. Còn nếu cứ nghĩ đến chuyện xấu, lo lắng sầu não, lúc nào cũng ủ rũ nhăn nhó, thở dài thì cái xui sẽ ở mãi…Đó là thuật “coi bói” của người xưa. Cái xấu chưa đến nhưng cứ ngồi chống cằm lo âu, đêm không ngủ, ngày không ăn thì đương nhiên mặt nám da nhăn, thân vóc hao gầy thì làm sao hên được ?!
Tóm lại, bạn khuyên cô ta giữ vững 5 giới, siêng năng niệm A Di Đà Phật và Quan Thế Âm Bồ Tát. Làm tốt mọi việc của mình và của người. Tâm thường xám hối nghiệp chướng. Thì chắc chắn khổ nạn sẽ qua, may mắn sẽ đến. Bàn tay sẽ mềm mại hồng hào, vân tay suôn sẻ rõ ràng, da lòng bàn tay láng mịn, có khí sắc tốt, gương mặt sáng tươi, thế là tốt.
Chỉ vài điều đơn giản mong bạn góp ý cho cô ấy vì : “Tướng bất cập số, số bất cập đức”. Cứ rèn tâm tạo đức thì sẽ tốt thôi.
Xin chào và chúc bạn càng tu càng thấy an lạc.
A Di Đà Phật.
Đúng vậy đúng vậy, cô Tâm Trí nói thật đúng, tâm như ruộng phước, tâm lành thì phước lành, mỗi ngày nên nhìn mình trong gương, gương mặt hồng hào, thánh thiện, tâm địa an lạc thánh thiện thì phước báo tự nhiên đến chẳng phải cầu đông cầu tây, nghiệp dữ cũng hóa lành, ngược lại tâm chưa thiện thì dù có cầu cũng chẳng thấy. Ngay noi tâm địa mình mà cầu bạn ơi, hãy nói với người bạn kia như vậy, rãnh rỗi thì vào đây đọc hướng dẫn chia sẽ của các liên hữu, lợi ích vô cùng.
Cho mình hỏi không tranh với người không cầu với đời là sao? Và thế nào là nhẫn nhục? Điều đó có khiến 1 con người trở nên thụ động không chính kiến và 1 khi mọi thứ đi quá giới hạn còn có thể nhẫn được hay không?
Chào bạn.
Chúng ta tu là tu tâm, giải thích một cách đơn giản thì “không tranh, không cầu” nghĩa là tâm không tham, “nhẫn nhục” nghĩa là tâm không sân.
Nếu chỉ nhẫn ở ngoài mặt còn bên trong vẫn giữ tâm sân giận thì bạn vẫn sẽ cảm thấy khó chịu, và như bạn nói là khi quá giới hạn bạn sẽ không nhẫn được nữa.
Bởi vậy điều quan trọng nhất là giữ tâm thanh tịnh, đó mới là nhẫn nhục thực sự, nhẫn mà không thấy là mình đang nhẫn.
Bạn vẫn có thể nói ra ý kiến của mình với điều kiện là lời nói đó đem lại lợi ích cho người nghe và khi đó bạn đã thật sự bình tĩnh.
Giờ mình đang bận, khi nào rảnh mình sẽ tiếp tục chia sẻ về chữ “nhẫn”.
Chúc bạn an lạc.
Bạn đọc kỹ đoạn kinh văn dưới đây để hiểu thêm về nhẫn nhé:
“Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, cuộc chiến xảy ra giữa chư Thiên và các Asura (A-tu-la), rất là khốc liệt.
Này các Tỷ-kheo, Vepacitti, vua các A-tu-la gọi các A-tu-la:
“– Này Thân hữu, trong cuộc chiến đang khởi lên giữa chư Thiên và loài A-tu-la, rất là khốc liệt, nếu các A-tu-la thắng và chư Thiên bại, hãy trói Thiên chủ Sakka (hai tay, hai chân) và thứ năm là cổ và dắt vị ấy đến trước mặt ta, trong thành của các A-tu-la.”
Còn Thiên chủ Sakka gọi chư Thiên ở Tam thập tam thiên:
“– Này Thân hữu, trong trận chiến giữa chư Thiên và các loài A-tu-la, trận chiến rất khốc liệt, nếu chư Thiên thắng và các loài A-tu-la bại, hãy trói Vepacitti, vua các A-tu-la hai tay, hai chân và thứ năm là cổ, và dắt vị ấy lên trước mặt ta, trong giảng đường Sudhamma (Thiện Pháp)”.
Nhưng này các Tỷ-kheo trong trận chiến ấy chư Thiên thắng và các loài A-tu-la bại.
Rồi này các Tỷ-kheo, chư Thiên ở Tam thập tam thiên trói A-tu-la vương Vepacitti, trói hai tay, hai chân và thứ năm là cổ, rồi dẫn đến trước mặt Thiên chủ Sakka, trong giảng đường Sudhamma.
Tại đây, này các Tỷ-kheo, vua các A-tu-la, Vepacitti bị trói hai tay, hai chân và thứ năm là cổ, khi Thiên chủ Sakka đi vào và đi ra khỏi giảng đường Sudhamma, nhiếc mắng, mạ lị Thiên chủ Sakka với những lời thô ác, độc ngữ.
Rồi này các Tỷ – kheo, người đánh xe Màtali nói lên những bài kệ với Thiên chủ Sakka:
Này Thiên chủ Sakka,
Có phải là Ông sợ,
Hay vì Ông yếu hèn,
Nên mới phải kham nhẫn,
Khi Ông nghe ác ngữ,
Từ Vepacitti?
(Sakka):
Không phải vì sợ hãi,
Không phải vì yếu hèn,
Mà ta phải kham nhẫn,
Với Vepacitti.
Sao kẻ trí như ta,
Lại liên hệ người ngu?
(Màtali):
Kẻ ngu càng nổi khùng,
Nếu không người đối trị,
Vậy với hình phạt nặng,
Kẻ trí trị người ngu.
(Sakka):
Như vậy theo ta nghĩ,
Chỉ đối trị người ngu,
Biết kẻ khác phẫn nộ,
Giữ niệm tâm an tịnh.
(Màtali):
Hỡi này Vàsana,
Sự kham nhẫn như vậy,
Ta thấy là lỗi lầm,
Khi kẻ ngu nghĩ rằng:
“Vì sợ ta, nó nhẫn”
Kẻ ngu càng hăng tiết,
Như bò thấy người chạy,
Càng hung hăng đuổi dài.
(Sakka):
Hãy để nó suy nghĩ,
Như ý nó mong muốn,
Nghĩ rằng, ta kham nhẫn,
Vì ta sợ hãi nó.
Trong tư lợi tối thượng,
Không gì hơn kham nhẫn.
Người đầy đủ sức mạnh,
Chịu nhẫn người yếu kém,
Nhẫn ấy gọi tối thượng,
Thường nhẫn kẻ yếu hèn.
Sức mạnh của kẻ ngu,
Ðược xem là sức mạnh,
Thời sức mạnh kẻ mạnh,
Lại được gọi yếu hèn.
Người mạnh hộ trì pháp,
Không nói lời phản ứng,
Bị mắng nhiếc, mắng lại,
Ác hại nặng nề hơn.
Bị mắng, không mắng lại,
Ðược chiến thắng hai lần.
Sống lợi ích cả hai,
Lợi mình và lợi người,
Biết kẻ khác tức giận,
Giữ niệm, tâm an tịnh,
Là y sĩ cả hai,
Chữa mình và chữa người,
Quần chúng nghĩ là ngu,
Vì không giỏi Chánh pháp.
Này các Tỷ-kheo, Thiên chủ Sakka ấy đã tự nuôi sống với quả công đức của mình, đã ngự trị và cai trị chư Thiên Tam thập tam thiên, sẽ nói lời tán thán nhẫn nhục và nhu hòa.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Ông hãy làm chói sáng pháp luật này bằng cách trong khi xuất gia trong pháp và luật khéo giảng này, hãy thật hành kham nhẫn và nhu hòa.”
(Trích từ kinh Tương Ưng Bộ)