Vào triều Thanh, tại huyện Vô Tích, tỉnh Giang Tô có một viên thư lại họ Vương. Vào năm Đinh Dậu thuộc niên hiệu Thuận Trị (1657 ), vì chuyện ghi chép lương tiền có sai sót nên bị giam rồi chết trong ngục Bắc Đô. Đến tháng tư niên hiệu Khang Hy năm thứ hai (1663), có con trai của Kim Thái là Hán Quang, người Tô Châu, từ kinh thành đi thuyền về quê. Thuyền vừa đi qua bến Trương Gia bỗng nghe có tiếng người gọi: “Tôi là người họ Vương ở Vô Tích, xin được đi nhờ thuyền.” Hán Quang đồng ý, cho thuyền ghé vào, nhưng chẳng thấy ai cả. Thuyền ra đi, lại nghe có tiếng gọi như trước. Hán Quang lên tiếng hỏi, liền nghe tiếng họ Vương đáp thật rằng: “Tôi là quỷ chết oan, thuyền ông đậu xa bờ quá nên tôi không lên được.” Người trên thuyền nghe như vậy đều kinh hãi. Quỷ họ Vương liền nói: “Không sao đâu, cho tôi ngồi ở mạn thuyền là được.”
Hán Quang cho ghé thuyền vào sát bờ, liền nghe như có người nhảy lên thuyền. Thuyền vừa đi chưa bao lâu, chợt lại nghe tiếng quỷ kêu lên. Hán Quang hỏi việc gì, quỷ đáp: “Tôi bỏ quên cái túi nhỏ trên bờ sông rồi. Trong đó có sổ ghi chép lương tiền các khoản, về nhà có người tra hỏi, cần phải lấy đó làm bằng chứng. Xin cho tôi trở lại để lấy.” Hán Quang liền chiều ý. Sau đó thuyền đi tiếp được ba ngày, lúc trời sắp tối bỗng nghe quỷ nói: “Xin tạm dừng thuyền, trên bờ chỗ kia có đàn phổ trai, tôi muốn đến dự.” Hán Quang không hiểu, hỏi: “Phổ trai là gì?” Quỷ đáp: “Người đời thường gọi là thí thực, tức là bố thí thức ăn.” Hán Quang liền ghé thuyền cho quỷ đi. Vừa đi được chốc lát đã trở lại ngay, nói: “Bồ Tát Quán Âm làm chủ đàn, không có phần cơm cho tôi, vì ngày trước tôi thích ăn thịt trâu. Mỗi khi Bồ Tát chủ đàn, tất cả những người ham thích thịt trâu đều không được vào ăn.” Hán Quang nghe như thế kinh hãi nói: “Có chuyện như vậy thật sao? Tôi vốn thường ăn thịt trâu, từ nay xin chừa bỏ.”
Chốc lát sau, nghe tiếng quỷ khóc lớn. Hán Quang hỏi việc gì, quỷ đáp: “Vì ông phát tâm giữ giới không ăn thịt trâu, nên thần chứng giới đàn từ cõi trời sắp đến, tôi không thể ở đây được nữa.” Hán Quang liền hỏi: “Vậy ông làm sao về nhà?” Quỷ đáp: “Tôi phải chờ thuyền khác thôi.” Hán Quang dừng thuyền, quỷ lẳng lặng rời đi.
- Lời bàn:
Pháp vị Du-già thí thực của nhà Phật có khả năng cứu tế khắp hai cõi trời, người: trên là tám bộ trời, rồng (thiên long bát bộ: chỉ chung 8 cảnh giới chúng sinh bao gồm: chư thiên, loài rồng, a-tu-la, ca-lầu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, con người và loài phi nhân), dưới cho đến chúng sinh trong ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, hết thảy đều nằm trong phạm vi rộng thí của pháp thí thực này, lẽ nào lại có việc Bồ Tát làm chủ đàn mà người ham ăn thịt trâu không được thí thực? Quỷ họ Vương kia không được ăn, đó là do nghiệp riêng chiêu cảm mà thành chỗ thấy riêng mà thôi. Thí như loài quỷ đói, trải qua nhiều kiếp không được nghe đến tên gọi “nước”, dù có đi trên mặt nước, đưa mắt nhìn cũng chỉ thấy đó toàn là máu mủ, chẳng phải là do nghiệp lực của họ mà thành như thế đó sao?
Thuở xưa, Tôn giả Mục-kiền-liên dùng thiên nhãn nhìn khắp thế gian, thấy được người mẹ đã qua đời của ngài đang ở trong cảnh giới của loài quỷ đói, liền mang đến cho bà một bát cơm. Mẹ ngài nhận được liền dùng tay trái che bát [vì sợ những quỷ khác nhìn thấy], tay phải bốc lấy cơm. Bà vừa đưa cơm vào đến miệng, cơm ấy liền lập tức hóa thành than lửa. Ngài Mục-kiền-liên đau đớn khóc than, tìm đến cầu cứu với đức Phật. Phật dạy: “Mẹ của ông tội nặng, không phải sức một người có thể cứu độ được. Lòng hiếu thảo của ông tuy cảm động trời đất, nhưng dù trời đất quỷ thần cũng không thể giúp được việc này. Ông nên nhờ cậy đến sức oai thần của chư tăng trong mười phương, mẹ ông mới có thể được giải thoát.”
Ngài Mục-kiền-liên liền tổ chức Phật sự lớn lao, cúng dường tất cả chư tăng mười phương. Mẹ ngài ngay trong ngày ấy liền được thoát khỏi cảnh khổ trong loài quỷ đói (chuyện này được kể trong kinh Vu Lan Bồn). Theo đó mà xét thì việc quỷ họ Vương không được ăn, lẽ nào không phải do nghiệp báo tự thân của ông ta chiêu cảm?
Có người hỏi: “Nếu đã như vậy thì việc thí thực ở thế gian thật cũng chẳng ích lợi gì?” Đáp rằng: “Mối tương quan giữa chúng sinh với Phật pháp phân thành hai hạng: một là có duyên, hai là vô duyên. Những chúng sinh có duyên ắt sẽ được thấm nhuần ân huệ. Nếu không thể tiếp nhận được, ấy là vô duyên. [Như vậy, có vô duyên, cũng có hữu duyên,] không thể cố chấp vào một lẽ duy nhất mà luận việc.” Chỉ cần có lòng tin nơi Phật pháp, ắt thành người có duyên. Không có lòng tin nơi Phật pháp, ấy là vô duyên. Lẽ nào có thể không sớm phát khởi lòng tin vào Phật pháp?
Có nhiều công lao với con người nhất, thật không loài vật nào hơn trâu, chó. Hao tổn âm đức nhiều nhất cũng không gì bằng ăn thịt trâu, chó. Thế mà người đời lại cứ muốn ăn thịt trâu, thịt chó, thật không hiểu vì sao?
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại
Nguyên tác Hán văn: Vạn Thiện Tiên Tư
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Con năm nay 38 tuổi, có duyên đến với Phật Pháp được một thời gian ngắn ( được khoảng 2 tháng )
Lúc rảnh con thường lên mạng tìm hiểu, đọc cái bài viết, tìm hiểu các kiến thức của đạo Phật, nghe các bài thuyết pháp của các vị cao tăng…Càng ngày con càng cảm thấy yêu mến và kính trọng đức Phật , đạo Phật, các vụ cao tăng và các phật tử nói chung.
Trước kia con là người vô minh, không tin vào phật pháp hay tâm linh, con cũng học và hiểu về quy luật nhân quả nhưng chỉ ở mức độ đơn giản, thời gian gần đây sau khi nghe các bài thuyết pháp của các vị đại sư con thấy rằng Đạo Phật đúng là trí tuệ , khoa học con đã nguyện thay đổi tính nết và bắt đầu tu tập,
Trước kia, con thường hay cãi và tức giận với cha mẹ mình, dù con không phải là hư hỏng hay lười biếng, nhưng do áp lực cuộc sống, công việc,xã hội.. đã làm con trở nên cục cằn và nhiều khi hỗn láo với cha mẹ,
Rồi nữa , có những lúc rảnh rỗi con đã lên mạng internet, tìm kiếm gái làng chơi để trốn vợ đi chơi nhằm thỏa mãn tham dục cá nhân, dù khi về nhà con vẫn là một người, chồng, người cha tốt…
Từ ngày con hiểu, con thấm về Phật Pháp , con đã từ bỏ những thói thói xấu đó , Từ 1 tháng nay con đã không cãi, không trì trích cha mẹ nữa,và cũng từ lâu rồi con không còn mê đắm đàn bàn và tìm gái nữa,
Giờ đây trong tâm con thấy thanh thản và an lạc lắm, con quyết tu tập duy trì 5 giới ( con vốn không trộm cắp, không gian dối,sợ hãi và lên án sát sanh, bia rượi con cũng không có uống )Rồi thì tập bỏ thói tham lam, sân hận.. chấp trước, học cách bố thí..
Giờ đây con thấy mình thật may mắn khi đã sớm nhận chân và giác ngộ được Phật Pháp, nhờ có đức Phật đưa đường chỉ lối cho con thoát khỏi vô minh tối tăm, Cũng thây may mắn nữa là công đức phước báo của con còn đủ nên mới được giác ngộ và nhận ra con đường tươi sáng cho bản thân và có thể mang lại hạnh phúc cho gia đình.
Thời gian hơn 1 năm trở lại đây , lúc thu xếp được thời gian con cũng đi lên chùa lễ Phật, vãn cảnh …
Con viết lên đây với những tâm sự của một người mới bắt đầu học Phật, câu văn và hành ý còn lộn xộn chua được thuận xuôi, kính mong các thầy và các đạo hữu cảm thông , con cũng rất muốn được giao lưu chia sẻ học hỏi về Phật Pháp cùng mọi người ạ !
15h30. Ngày 14.1.2019
Đức Tuấn.
Chào bạn,
Bạn can đảm kể hết thói xấu của mình trước đại chúng như thế rất tốt. Nhờ sám hối như vậy nên nghiệp chướng của bạn sẽ tiêu trừ.
Rất vui khi biết bạn đã tìm thấy ánh sáng cho đời mình. Chỉ xin nhắc nhở với bạn như 1 người bạn đạo với nhau, nhớ ghi tâm đừng quên mục đích chính của người tu Phật chúng mình. Đó là phải cố gắng thoát vòng sanh tử luân hồi bạn nhé. Cốt lõi của đạo Phật tất cả đều nằm ở đó.
Ở đây có nhiều vị thiện hữu tri thức như Thiện Nhân, Cư sĩ Phước Huệ, Mỹ Diệp, Tâm Tịnh, Hữu Nghĩa, Viên Trí, Tìm Lại Phật Tánh, Tịnh Thái… Có gì thắc mắc bạn hãy níu áo những vị ấy mà… năn nỉ hỏi đạo nhé. 🙂
A Di Đà Phật
Những thói xấu đó nó là tập khí không dễ bỏ đâu ạ. Trong khoảng 1,2 năm đầu thì tinh tấn thực hiện được nhưng sau đó tất cả ma chướng sẽ trỗi dậy, thậm chí còn mãnh liệt hơn trước. Học Phật là việc rất khó vì đơn giản rất nhiều, rất nhiều người am hiểu Phật pháp thậm chí là Chư Tăng Ni vẫn sa đọa bình thường. Do đó mong bạn cẩn trọng và rèn cho mình một thời khóa tu tập niệm Phật, nếu không có thời khóa tất sẽ bị nghiệp ma cuốn đi lúc nào không hay.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Hãy hành trì ngũ giới thập thiện con người sẽ an lạc.
Thưa các đạo hữu mình muốn xin tâm sự chuyện này trong lớp mình có 2 bạn nam 1 bạn thì hay tự tiện lấy đồ mình còn 1 bạn thì mình thấy hình như bạn này không ưa mình thậm chí có khi còn khinh thường mình mà ngoài mặt vẫn tươi cười. Chiều nay mình đã nóng giận 2 lần 1 lần là với bạn nam tự tiện mình không để đồ lung tung bạn đó cũng tự tiện và thực sự khiến mình rất phiền não và nói thẳng còn bạn thứ 2 thì mình thấy cái câu chuyện giữa mình với bạn đó khi được truyền tải qua người khác bởi chính bạn đó hơi sai sự thật. Và sau cùng mình quyết định nói thẳng riêng với bạn đó chuyện này bởi nếu mình quá nóng giận không tha thứ cho những bạn chỉ mới nghe thì có lẽ mình đã tự tay phá hủy các mối quan hệ xung quanh nên mình không muốn chuyện này xảy ra lần nữa và phải nói thẳng 1 lần. Mặt khác mình cũng nghĩ đây là luật nhân quả kiếp trước chắc mình cũng phải ác với người ta lắm và nên chịu. Thì cho mình hỏi những chuyện mình làm như vậy có đúng chánh pháp không ạ? Mình biết chuyện mình nóng giận với bạn thứ nhất là sai nhưng mình thực sự không nghĩ ra nên làm gì. Mình thừa nhận chỉ là kẻ phàm phu tham sân si đầy rẫy mình không nghĩ mình có thể kiên nhẫn nhẫn nhịn để bạn ấy lấy đồ hoài được
Phương Vy,
Cảm ơn bạn nhiều, mình chân nhận điều bạn dạy rằng mục đích chính của người phật tử là tu tập để giải thoát đó chính là thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, khi chết đi linh hồn được siêu thoát về cõi Tây Phương Cực Lạc,có như vậy mới thoát khỏi cảnh khổ đau mãi mãi,
Nhưng như vậy thì mình có thắc mắc rằng, Cuộc sống trên thế gian này , đã được mang thân người thì có khổ mà cũng có vui, trong đó có những niềm vui chính đáng như được yêu thương, được cưới xin, được sinh con cái, thờ phụng cha mẹ, rồi thì vui khi mang lại niềm vui , niềm hạnh phúc cho người khác…
Người tu tập cũng vì mục đích An Lạc trong tâm và hướng đến những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình để rồi tâm nguyện tu tập gieo nhân thiện, gieo nghiệp thiện lúc hiện tại, Liệu với mục đích tu tập như thế thì có sai hay không? Có phải là người đó trong tâm vẫn còn tham lam, vẫn còn sợ hãi và tâm hoàn toàn chưa đoạn tuyệt với ham muốn trần tục ? Kính xin Phương Vy và các đạo hữu , các thầy khai sáng giúp con ạ !!!
A Di Đà Phật.
Phúc Bình,
Cảm ơn bạn nhiều,
Hiện tại mình đang cảm thấy tràn trề năng lượng và đức tin Phật Pháp, Cảm giác việc trì ngũ giới là cũng đơn giản và hoan hỷ, mình vốn từ nhỏ đã ghét và sợ hãi việc sát sinh hay uống rượu, vì cuộc sống hiện đại lo lắng nhiều áp lực, cám dỗ … đã đưa đến việc tạo một số nghiệp bất thiện như mơ mộng phụ nữ, tham lam sở hữu vật chất vượt quá nhu cầu, hay cự nự cãi vã cha mẹ…
Thời gian gần đây mình đã làm chủ bản thân hơn, từ bỏ gần như hoàn toàn gây những nhân xấu đó, hàng ngày lúc rảnh mình nghe pháp , tập bố thí khi gặp duyên, giảm bớt ăn thịt động vật…nên thấy tâm thái đã thanh tịnh và an lạc hơn,
Mình cũng muốn tham gia một khóa học hay khóa tu về Phật Pháp, nhưng ko biết bắt đầu hay ghi danh ở đâu, vì là hàng ngày mình vẫn phải đi làm , mình được nghỉ 2 ngày cuối tuần là thứ 7 , chủ nhật.
Kính mong các đạo hữu hướng chỉ bảo dẫn mình tu tập với ạ, Kính xin chia sẻ thông tin qua email, [email protected]
A Di Đà Phật !
Có nhiều pháp môn tu tập nhưng với người đi làm thì pháp môn Tịnh độ là dễ cảm và dễ thành tựu nhất. Phúc Bình cũng là người đi làm, thậm chí phải đi công tác khá nhiều nhưng với pháp môn Tịnh độ là hoàn toàn có thể thực hiện được. Quý đạo hữu hãy bỏ chút thời gian để đọc các sách: Niệm Phật Thập Yếu – HT Thích Thiền Tâm, Đường Về Cực Lạc – HT Thích Trí Tịnh, Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục; Tuyết Hư Lão Nhân Tịnh độ tuyển tập… đọc thật nhiều sách dạy về Niệm Phật của các bậc Cao Tăng. Sau đó đạo hữu xem Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ … thì mình mới tường tận con đường tu Tịnh được. Tin vào lời Tổ, không tin Tà Sư, tin vào chính mình mới vững bước trên con đường tu tập được.
Đôi lời chia sẻ.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Bạn có thể vào face tìm từ chúng thanh niên Phật Tử Phật Quang khu vực Miền Bắc để tham gia tu tập theo đại chúng hàng tuần và hàng tháng nếu bạn ở Hà Nội nhé. Hoặc liên lạc mình số 0968319669 nếu ở các khu vực khác, mình sẽ chỉ dẫn nhé
Mong các đạo hữu tư vấn giùm mình, hiện tại mỗi tối mình điều trì tụng chú Đại bi và chú Chuẩn Đề. Mình ở trọ không có bàn Phật để trì tụng nay mình muốn lập kính đàn để trì thần chú. Mình không biết có được không ạ, tại mình không có làm phép quán đãnh nên sợ mang tội. Nam Mô A Di Đà Phật
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Tịnh Tây,
*Bàn thờ Phật ở ngay chính nơi tâm bạn. Tâm bạn hướng Phật, nguyện hành trì theo lời Phật dạy: đoạn hết thảy việc ác, tu hết thảy việc thiện, giữ tâm mình thanh tịnh, đó chính là bạn đang thờ Phật. Do vậy do điều kiện không thể lập bàn thờ Phật cũng không sao. Khi trì chú bạn chọn nơi thanh tịnh một chút, rồi chú tâm hành trì là được.
*Bạn chỉ nên trì chú Đại Bi chứ không nên trì thêm chú Chuẩn Đề vì Chú Chuẩn Đề khi thực hành phải kèm theo các nghi thức: kính đàn, bắt ấn, trì chú. Việc tự ý hành trì chú Chuẩn Đề nếu không có định lực rất dễ gặp ma chướng, vì thế TN khuyên bạn chỉ nên chuyên nhất vào việc trì chú Đại Bi, kết hợp niệm Phật mọi thời khắc là đủ. Nếu cho thời gian, bạn nên tìm hiểu thêm kinh sách phù hợp với căn cơ của bạn để hiểu sâu hơn về giáo lý Phật dạy, từ đó mà phát tâm tu học. Chư Tổ thường nói: tụng kinh không bằng trì chú; trì chú không bằng niệm Phật. Ý nói pháp niệm Phật có thể hành trì mọi nơi chốn, dễ khắc chế phiền não và không cần nhiều nghi thức như khi tụng kinh và trì chú. Do vậy bạn cứ thong thả hành trì. Khó hiểu hay trở ngại chỗ nào thì bạn nên hỏi ngay để các liên hữu cùng chia sẻ, tháo gỡ khúc mắc, như vậy sự tu học mới có hiệu dụng.
Chúc bạn tinh tấn.
Kính gửi chú Tịnh Thái.
Mong chú dành chút thời gian quý báu của mình để trả lời giúp con ạ:
1. Đọc tụng kinh phải như thế nào mới đúng pháp ạ. Nhiều lúc đọc một lèo mà không biết là đang đọc phẩm mấy, cũng không nhớ nội dung đọc qua là gì thì có sao không ạ.
2. Tính con hay sợ ma, nên nhiều hôm công phu sáng sớm, có tiếng động bất thình lình thì hồn vía như muốn lên mây, con phải làm sao đây. Thậm chí nhiều lúc con sợ đến nỗi, lỡ thấy cái gì đó chắc con chết mất (điều này con khổ tâm lắm ạ, vì việc sỡ hãi gây trở ngại cho con rất nhiều, con cũng đọc qua nhiều bài viết, tâm sợ hãi cũng bớt chút ít, nhưng không quán triệt được vì như là đã ăn sâu vào máu rồi).
3.Xin chú chia sẻ cho cháu thời khóa công phu của chú để cháu noi theo ạ.
Mình đã cố gắng áp dụng Phật pháp vào đời sống cũng gần 1 năm. Mình có những thắc mắc về sự nhẫn nhục. Khi gặp nghịch cảnh dù đụng chạm đến lòng tự ái hay thân xác thì mình nghĩ cũng phải nhẫn nhưng có những lúc mình thấy khi mình quá nhịn thì người khác sẽ được đà lấn tới quá nhiều và cứ như vậy chẳng phải sẽ rất khó? Với lại cứ cho mình chịu không quát tháo hay cay gắt gì với họ nhưng những người không tốt với mình thì cứ tránh xa vậy có sao không ạ?
A Di Đà Phật
Chào bạn!
Chúng ta muốn thực hành hạnh nhẫn nhục thì trước hết phải hiểu thấu nghĩa hai chữ này. Nhiều người vẫn nghĩ nhẫn nhục nghĩa là nín lặng, cam chịu, phải cố gắng không tức giận… Nếu thực sự hiểu nhẫn nhục theo nghĩa này thì đã tự “mang thuốc nổ” theo bên mình rồi. Chúng ta không cắt nghĩa sâu sa, hãy hiểu một cách đơn giản nhất: nhẫn nhục nghĩa là không tranh. Đối phương muốn cái gì ta đều hoan hỷ, không tranh giành với họ. Đối phương muốn tiền, ta cũng muốn tiền hai bên liền xảy ra xung đột, họ có phản ứng mạnh, ta không phản ứng lại- cái này là nhẫn nhục sao? Không phải, nhẫn nhục là ngay từ đầu chúng ta không tranh tiền với họ. Nhẫn ở đây- phải nhẫn ngay trong tâm, khi niệm tham, sân nổi lên liền khắc chế, chẳng phải nhẫn ở mặt hình thức.
Vậy nên ngay từ đầu chúng ta thực hành đúng nhẫn nhục chắc chắn sẽ không chuyện nhỏ thành lớn; người ta mắng mình một câu, mình hoan hỷ chấp nhân chắc cũng không đến nỗi phải động tay động chân; họ muốn đoạt lợi, ta không muốn ắt hẳn họ chẳng “đá động” gì đến ta rồi. Cứ vẫn nghĩ mình nhịn, người khác sẽ được đà lấn tới nên thành ra chúng ta không chịu thua.
Cái khó nhất vẫn là không chịu thua, vẫn là tranh giành để kết oán với chúng sanh rồi trôi lăn trong lục đạo vay trả- trả vay…
Nam Mô A Di Đà Phật
Thưa đạo hữu nghe đạo hữu giải thích mình vẫn chưa thật sự hiểu rõ nghĩa ” không tranh”. Với lại mình từng nghe 1 đạo hữu nào đó nó thì mình nghĩ có vẻ như sự thẳng thắn không tốt. Nhưng ví dụ khi 1 người họ nhây với mình hay cứ tự tiện lấy đồ của mình, thì cứ coi như đây là quả báo mình phải trả nhưng mình vẫn là phàm phu mình không thể im thì mình có thể nói thẳng mình không thích 1 cách nghiêm nghiêm nhưng vẫn không quá nặng lời được không ạ?
A Di Đà Phật
Chào bạn!
Mỗi chúng ta khi sinh ra và lớn lên đều đặt ra cho mình mục tiêu sống khác nhau, mục đích sống của chúng ta hướng đến đâu sẽ điều khiển và quyết định ý niệm, lời nói và hành vi. Với người tu Tịnh độ mục tiêu sống của họ là niệm Phật hướng đến giải thoát, dĩ nhiên điều kiện cần là niệm Phật và điều kiện đủ phải đầy đủ tín- nguyện. Tín nguyện là một lòng muốn sanh về nước kia và buông xả cõi Ta bà này. Đã buông xả rồi, còn cái chi vướn mắt trong tâm nữa. Người trộm đồ của tôi- dù biết quả của nhân tôi đã trộm đồ của họ trước đó- dù không nghĩ đến điều này tôi cũng chẳng đôi co với họ làm gì. Họ muốn đồ cứ để họ lấy đi, tôi đâu sống nơi này, nơi này chỉ là quán trọ, quê hương của tôi là Tây Phương Cực Lạc. Người có trí huệ thì hiểu rằng tài vật vốn ở trong mạng, thí xả cho người, ta không hề mất đi, chỗ này ta thí xả, chỗ khác thu lợi còn nhiều hơn phần ta đã thí xả. Với người chỉ hướng thiện, trong tâm họ vẫn còn tham sân, nếu đem những lời trên, rằng: người khác lấy đồ anh, anh hãy nhẫn chịu đi, cho họ đi; chắc chắn họ không làm được.
Phật là đấng cứu cánh, Ngài chỉ ra cho chúng sanh thấy, có được thân người vô cùng hiếm, nên lợi dụng thân người mà tu hành giải thoát. Song có quá ít chúng sanh giác ngộ, phần nhiều mê lầm, có thân người và sống một cuộc đời tranh đấu không ngừng nghỉ. Chúng ta nhìn thấy cái gì cũng “có vấn đề”, thấy có gì sai sai, nên ngay từ ý niệm đã có sự tranh đấu, hơn thua rồi. Hôm nay người trộm đồ của tôi, tôi không tranh, tôi thí xả cho họ; có thể niệm thứ nhất tôi không cam tâm, nhưng niệm thứ hai phải giác ngộ được sự vô thường để rồi niệm thứ ba thấy hoan hỷ. Xa hơn nữa, không tranh giành cả trong lời nói và ý niệm. Với ta tất cả mọi thứ xung quanh đều rất tốt, nghĩ được như vậy chính là chúng ta đang tạo cho mình một cuộc sống an lạc; ngược lại nếu nhìn bên ngoài bằng cặp mắt hơn thua, có tốt có xấu, có thương có ghét ắc tự trói mình trong phiền não mà thôi.
Mong rằng qua những lời trên bạn có thể tự áp dụng vào trong cuộc sống khi đối diện với nhiều vấn đề khác nhau. Lời nói: cách con người bộc lộ cảm xúc, phải làm thế nào nó khiến người nghe cảm thấy ấm lòng, thiết nghĩ đó chính là lời nên nói.
Nam Mô A Di Đà Phật
BỊ XE LỬA CÁN, OAN HỒN ĐEO THEO BÁO THÙ
Anh Hoàng Chí Quyền , sinh năm 1990, là một nhân viên văn phòng làm việc tại công ty cổ phần truyền thông Kim Cương (Hà Nội), một trí thứ trẻ tiêu biểu thời nay.
Từ khoảng năm 2013, anh mắc một căn bệnh khá phổ biến của dân văn phòng, đó là bệnh trĩ. Căn bệnh này hành hạ ngày đêm, khiến anh đau rát vùng nhạy cảm, cảm thấy rất khổ sở, lại cực kì bất tiện trong cuộc sống, cũng như trong công việc. Nhiều lúc anh cảm thấy đau đớn như hàng trăm mũi kim đâm vào, vô cùng thống khổ.
Anh đã đi khám, điều trị nhiều bệnh viện, dùng đủ các loại thuốc tây y, đông y, thuốc nam, thuốc ngâm… đủ cả, nhưng đều không có tiến triển. Mãi đến ba năm sau, được người quen giới thiệu, biết đến pháp hội thỉnh oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng ( Uông Bí, Quảng Ninh), anh đã đăng kí tham gia. Khi ấy anh cảm thấy rất hồi hộp…
Sau khi làm lễ thỉnh vong linh oan gia lên ( chùa có khoảng hơn mười người sẵn lòng cho các vong linh nhập vào, mượn xác để nói chuyện), một vong linh đã nhập vào, kể rõ mối oan trái nhiều kiếp với Chí Quyền. Câu chuyện như sau:
Trong nhiều kiếp trước, anh Quyền làm một người bán kẹo kéo dạo, vì cuộc sống mưu sinh khó khăn, anh phải đi từ vùng này sang vùng khác buôn bán. Trong một lần như thế, anh đến một làng quê kia thì gặp phải sự cạnh tranh từ một người bán kẹo kéo khác ở đó.
Hai người do tranh chấp địa bàn, nên cứ hằm hè nhau một thời gian, mối hiềm khích tăng dần cho đến khi lời qua tiếng lại. Anh Quyền đã ném xe đạp của người kia xuống ao, và thế là hai bên nhảy vào ẩu đả.
Thấy gần đó có đường ray xe lửa, lại đúng lúc đoàn tàu gần lao tới, người bán kẹo kéo kia đã đẩy anh Quyền ra đường ray cho xe lửa cán qua. Nhưng đoàn tàu chưa kịp lao đến, anh ta vì sợ gây ra án mạng, sợ cảnh oan hồn báo thù, nên trong tích tắc đã đổi ý. Anh nhanh chân chạy ra để kéo Quyền vào. Không ngờ Quyền nhân cơ hội đó, vừa đẩy sấp anh ta xuống đường ray, vừa nhanh chân nhảy ra ngoài. Kết quả, người bán kẹo kéo kia bị đoàn tàu cán ngang qua người, cái chết cực kì đau đớn.
Kể từ đó, oan hồn người bán kẹo kéo kia đã đeo theo Quyền rất nhiều kiếp để báo thù. Trong kiếp này, khi nhân duyên hội tụ đủ, oan hồn đó đã tác động khiến Quyền bị bệnh trĩ, dày vò, hành hạ Quyền, cảm giác như hàng trăm mũi kim đâm vào người để trả mối thù kiếp xưa.
Sau khi biết được mối dây oan nghiệp kiếp trước, Chí Quyền đã thành tâm sám hối với oan gia, nguyện hồi hướng nhiều công đức lành cho vị oan gia đó, cộng với sự khai thị của các sư tăng trong chùa, oan hồn người bán kẹo kéo cuối cùng đã đồng ý buông tha, không theo Quyền báo oán nữa.
Căn bệnh từ đó khỏi dần, mà không cần đến thuốc gì cả.
Chí Quyền tìm lại được cuộc sống bình an, tìm lại được sự thanh thản trong tâm hồn, và quan trọng hơn cả, anh đã hiểu được một cách sâu sắc điều mà Đạo Phật dạy từ nghìn xưa:
ĐỜI CÓ VAY CÓ TRẢ
LUẬT NHÂN QUẢ KHÔNG BỎ SÓT MỘT AI
Quang Tử sưu tầm
Trước đây ở Vancouver – Canada, mọi người tin vào Phật không nhiều, nên ở đây số lượng nghe Phật Pháp chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Nhưng bây giờ tiến triển rất khả quan, lần đầu tiên trong lễ Vía Mẹ Quan Âm ở Vancouver đã có hơn 1.800 người đến lễ Phật nghe Pháp, vốn là điều chưa từng có ở đây và đa số là người Hoa, còn lại là người Tây phương cũng tham dự không ít.
Cách mấy ngày, lần đầu tiên Giáo Hội Phật Giáo tổ chức đại lễ” Mông Sơn thí thực” suốt ba ngày, do lão pháp sư Trúc Ma chủ trì, và các cư sĩ giàu đạo tâm cùng góp công sức phụ siêu độ các vong linh đói lạnh, cô hồn ngạ quỷ bơ vơ khốn khổ lang thang ở khắp mọi miền Canada.
Đây là một việc làm có công đức rất lớn. Đại lễ cầu siêu này đã làm chấn động toàn Vancouver và được đăng lên báo của Anh, khiến độc giả Tây phương bắt đầu hiểu được Phật Pháp có thể siêu độ vong linh, rất nhiều người tò mò hiếu kì đến xem rồi sinh lòng kính ngưỡng, đối với cộng đồng xã hội Canada đã có ý nghĩa giáo dục rất lớn trong tương lai.
Khi đại lễ” cầu siêu cứu độ vong linh Mông Sơn” tiến hành ngày đầu tiên, hằng đêm phải có hàng chục ngàn cô hồn, ngạ quỷ, các vong linh tổ tiên thuộc thổ dân da đỏ trước đây, các vong linh da trắng, vong linh người Hoa, và cả những vong linh mới mất gần đây …tìm đến tụ hội xung quanh đại điện nhận thọ và dự lễ cầu siêu của Phật Giáo.
Tôi ở tại nhà nhìn xa xa cũng có thể thấy được các vong linh họ vô cùng đông đúc kéo đến, hoan hỷ rời đi. Điều kì lạ sau đại lễ là các trường hợp tai nạn giao thông và số người chết ở Vancouver đột nhiên giảm hẳn.
Trước đây, thông thường vào mùa hè, người dân thường lái xe đi chơi, nên tai nạn phát sinh rất nhiều. Nhưng mùa hè năm nay, tai nạn rất ít sảy ra. Ngay cả cơ quan địa phương sau khi kiểm tra tình hình và tra xét dữ liệu hồ sơ tai nạn xong cũng phải ngạc nhiên công bố: Năm nay tai nạn giao thông đã giảm hơn năm ngoái đến 52%!
Nếu nói là nhờ “đại lễ cầu siêu vong linh Mông Sơn” cũng được, hay đổ cho sự trùng hợp ngẫu nhiên cũng tùy vào các bạn, nhưng tai nạn giao thông giảm tới hơn một nửa so với năm trước là có thật.
Rồi đến lễ Vu Lan, Phật Giáo lại tổ chức lễ” Cầu siêu vong linh Mông Sơn” lần nữa, kéo dài ba ngày.
Lần này, sư Trúc Ma đã quay về chùa của mình ở Malaysia, nên đại lễ được một cao tăng khác đảm nhiệm thay, cùng với sự trợ giúp của nhiều cư sĩ.
Đại lễ lần hai, người dân Canada bất kể có đạo hay không? có theo Phật hay không? dù là người Tây phương hay người Hoa, họ đều hoan hỷ tới tham dự lễ, mọi người nhiệt tình lập bài vị để cầu siêu cho vong linh tổ tiên, thân nhân quá cố, thậm chí có những người vì quá yêu thương thú cưng của mình cũng xin lập bài vị cầu siêu cho chúng như: Mèo Mi Mi, chó Bốp Bi…vv.
Đông tới mức không còn chỗ để đặt bài vị. Vong linh đến thọ pháp vẫn rất đông, lần này tôi còn thấy cả vong linh ở rất xa cũng tìm đến.
Để tôi kể cho các bạn nghe về tình hình cô hồn ngạ quỷ ở đây:
Trước cổng vào đại học British Columbia là một đại lộ dài, âm u, rợp bóng cây, chỉ có xe chạy qua lại chứ khách đi bộ rất ít. Các người lái xe thường thấy có một cô gái Tây đứng bên lề đường, đưa tay ngoắc người lái xe xin đi nhờ, nhưng khi cô lên xe rồi, thì tài xế quay lại không thấy cô đâu nữa.
Đây là ” Ma nữ đại học” nổi tiếng nhất mà báo chí Vancouver thường nhắc đến, vì tên cô có trong danh sách mất tích thuộc hồ sơ của trường. Nhưng gần đây các lái xe không còn thấy cô nữa, có thể cô đã được siêu độ tại đại lễ Mông sơn”.
Trước năm 1980, thành phố Vancouver địa thế rất nhỏ hẹp, chỉ khoảng vài km, sau đó khu đô thị này không ngừng mở rộng nên đến nay những nghĩa trang trước đây thuộc vùng ngoại ô, giờ đã nằm gọn trong thành phố. Ở đây có hai nghĩa trang lớn và một nghĩa trang dành cho quân đội đó là:
+ Nghĩa trang cảnh núi: Tọa lạc ở phía nam vùng ngoại ô, là khu nghĩa trang cũ xưa xây theo lối cổ, các ngôi mộ nằm chen chúc, mộ bia bằng đá có khắc cây thánh giá và hình thiên thần, vườn hoa, cả chữ Anh lẫn Hoa. Cảnh tượng cũ kĩ, rêu phong ở đây khiến người nhìn vào( dù là ban ngày) vẫn có cảm giác rờn rợn vì quỷ khí bao phủ dày đặc. Ban đêm thì khỏi nói, đáng sợ hơn nhiều.
Hàng ngàn ngôi mộ của người Hoa nằm tại đây, vào mấy thập kỉ đầu do chịu ảnh hưởng từ phong trào” bài Hoa” của Canada, nên đa số mộ của người Hoa bị người da trắng ác ý ra tay phá hủy, hoặc ác ý đào lên, ném thây cốt ra đất, mặc cho chó hoang gặm nhấm, thú vật phóng uế lên… vì vậy các vong linh không con cháu thân nhân họ vẫn quyến luyến bên mộ của mình , bi ai, than khóc.
Người đi đường ở đây thường xuyên nghe được những âm thanh này, những tài xế vào đêm khuya lái xe đi ngang nghĩa trang, họ còn thấy có người từ trong mộ đi ra, băng qua đường, tài xế phải vội vã đạp thắng tránh tông người, nhưng khi định thần lại nhìn trên đường không hề có ai.
Những vong linh ở khu nghĩa trang này, mấy thập kỉ trước họ từng vượt biển đến đây để kiếm sống. Lúc đó người Hoa chưa được nhập quốc tịch, nên không được phép đón thân nhân sang Canada. Những lao công này, lại không thể kết hôn, bằng mồ hôi nước mắt của mình họ gian khổ làm việc kiếm tiền, dành dụm gửi về quê hương cho cha mẹ, vợ con, còn bản thân họ thì ở Canada sầu não đến cuối đời, nên thường ôm mối hận khó tiêu. Do vậy mà mấy chục năm nay họ vẫn ôm mộ khóc than, không chấp nhận siêu thoát…
Chuyện vong linh ở ” Nghĩa trang cảnh núi” thường xuyên có bóng ma hiện ra ngáng đường là tin nóng nổi tiếng vùng này, nhưng khoảng vài tháng nay, sau đại lễ “Mông Sơn thí thực” thì tình trạng này ít xuất hiện nữa.
+ Đối diện với “Nghĩa trang cảnh núi” chính là “Nghĩa trang quân đội”:
Xung quanh giờ những dãy nhà mọc lên san sát, dày đặc. Đây là nơi chôn cất của những quân nhân bị chết trong thời kỳ đại chiến. Người dân xung quanh nơi đây kể: Vào nửa đêm mùa đông, mưa gió thê thảm, họ còn nghe có những tiếng nói, nhìn thấy binh sĩ không đầu, không tay chân, toàn thân bê bết máu, xếp hàng tập trận trong nghĩa trang, có lúc còn nghe được âm thanh hỏa pháo bắn ầm ầm, đạn bay vun vút.
Thế nhưng năm nay họ không còn nghe hoặc nhìn thấy những cảnh như thế nữa.
+ Cuối cùng là” Nghĩa trang cảnh biển”, ở đây có chôn hai người bạn thân của tôi:
Người đầu tiên là Bác sĩ Nguyên: Hơn 15 năm trước, anh 31 tuổi, là một cô nhi, vì thời chiến tranh Trung Quốc đại lục ba mẹ anh mất, anh lưu lạc sang Đài Loan vừa làm vừa học rồi tốt nghiệp trường Y loại giỏi và được xuất ngoại du học.
Tại Vancouver anh hoàn tất việc học, rồi thuê một tòa nhà làm văn phòng. Đêm đó là Giáng Sinh, anh được bạn bè mời đến dự lễ hội khiêu vũ, ngay trong đêm anh trở về thì gặp tai nạn.
Trước đêm anh mất, anh có kể tôi nghe tối qua anh thực tập tại Bệnh viện St. Paulo, do bài vở gấp, nên tối anh ráng ở lại một mình trong phòng giải phẫu xác. Đến khoảng 3h đêm, đột nhiên các thi thể bỗng xúm lại ngồi dậy hết, làm anh kinh hoảng xô cửa mà chạy ra ngoài.
Anh hỏi tôi:
– Việc này có điềm gì không?
Lúc này tôi vẫn chưa khôi phục khả năng thiên nhãn tiền kiếp, nên chưa nhìn ra được nhân quả. Tôi chỉ biết khuyên anh đó không phải là điềm lành, lễ hội khiêu vũ đêm mai tốt nhất anh đừng đi.
Anh hỏi tiếp:
– Một người sau khi chết rồi, có linh hồn không?
Tôi đáp:
– Có !
Anh ngồi trên ghế trầm ngâm rất lâu không nói gì, tôi bắt đầu khuyên anh nên tin Nhân Quả Phật Pháp, anh phát biểu một câu:
– Tôi cảm thấy Phật giáo quá mê tín…
Tôi thấy không tiện nên không bàn luận với anh nữa.
Sau khi anh chết, hoàn toàn không có ai đến thăm. Chỉ có tôi hằng năm mang hoa đến thăm viếng, mỗi lần tôi đến đặt bó hoa lên bia mộ bằng đồng của anh , thì luôn có một lực vô hình tỏa ra từ bia đồng hút tay tôi để lên bia mộ( giống như có người dùng tay kéo tôi vậy), tôi khóc nước mắt tôi lăn dài và bảo:
– Bác sĩ Nguyên! Nguyên đại ca ơi! anh thật là khổ mà!
Sau này, có một năm tôi bị bệnh phải nhập viện không thể đến thăm anh nữa. Nửa đêm tôi đang nằm, bỗng nhìn thấy anh đi lên lầu đến thăm tôi, ân cần chào hỏi, an ủi tôi:
– Em sẽ nhanh chóng khỏe lại, đừng có buồn!
Tôi giật mình tỉnh dậy, nhìn xung quanh mà không thấy anh đâu… Xuất viện tôi lại mang hoa đến thăm anh, bia mộ đồng vẫn hút chặt tay tôi như những lần trước.
Đại lễ ” Cầu siêu cứu độ vong linh Mông sơn” lần hai này, tôi mong ngóng anh đến lãnh thọ, nhưng không hề thấy anh đến.Vì quá tham luyến xương cốt của mình mà anh không chịu dời đi.
Tôi hy vọng trong tương lai, sẽ có một ngày anh giác ngộ hết quyến luyến thân xác mà chấp nhận siêu thoát đầu thai.
Người bạn thân thứ hai nằm tại nghĩa trang này nữa là một người Tây phương. Em tên Stephen, là con trai cưng của một bác sĩ quen biết với tôi. Gia đình em theo đạo Ki Tô giáo. Anh em của em rất đông nhưng em lại rất thích tôi, cha mẹ em thì xem tôi như con của họ và muốn tôi dọn về ở chung. Nhưng tôi không muốn làm phiền họ nhiều, vì vậy tôi ra ngoài thuê phòng để sống với mẹ.
Stephen lúc này đang học đại học năm thứ tư ngành Địa Lý, rảnh là em lại đến thăm tôi, em kể là nghỉ hè muốn lên miền Bắc để kiếm việc làm tự lo cho bản thân, không muốn lấy tiền chu cấp của cha nữa.
Tôi khuyên em đừng đi, nên chuyên tâm học hành thành tài, thì tương lai mới có thể tự lập được, nhưng em đã không chịu nghe tôi khuyên, mà cứ đi lên miền Bắc, làm công tác đo đạc đường lộ.
Vào một ngày sẩm tối, có một chiếc xe lu đang chạy, tài xế vì không nhìn thấy em nên đã cán nhẹp em dưới trọng tải mấy tấn của chiếc xe, chưa đầy mấy phút em tắt thở. Đáng thương hơn là toàn thân em bị nghiền nát! Từ một người vô cùng anh tuấn, mặt mũi anh tú, cao to, đẹp trai mà giờ đây thi thể em đã biến thành một đống thịt nát.
Quan tài em được chuyển về Vancouver. Phong tục của người Phương Tây họ thường nhờ bạn thân khiêng quan tài, em có năm anh em, mà di quan cần tới sáu người, còn thiếu một người nữa, nên mẹ em đã mời tôi với danh nghĩa anh kết nghĩa để tham gia khiêng quan tài.
Năm người anh em của Stephen thuộc hạng hùng tráng, có sức khỏe kết hợp với tôi gia sức khiêng linh cữu của em đến trước cổng giáo đường. Nhưng bất ngờ là linh cữu trở nên quá nặng, chúng tôi cố gắng dốc sức khiêng đặt lên xe tang.
Sau khi xe chạy đến ” Nghĩa trang cảnh biển”, thì sáu người chúng tôi cùng khiêng quan tài xuống để hạ huyệt, nhưng thật bất ngờ, quan tài trở nên cực kì nặng, không một chút nhúc nhích, làm thế nào cũng không khiêng lên được.
Tôi nhìn quanh thì thấy mẹ của em lúc này lệ rơi đầy mặt, bà khóc đến ngã quỵ trên đất. Tôi cảm thấy là Stephen không muốn rời xa mẹ của mình, tôi liền nói:
– Thưa bác, Stephen đang rất bịn dịn không muốn rời xa bác, bác hãy đến khuyên cậu ấy đi, như vậy mới hạ huyệt được.
Mẹ của em nghẹn ngào nói:
– Cậu hãy thay tôi khuyên dùm, tôi… tôi…bà lại khóc nấc lên.
Tôi quay lại, vỗ nhẹ tay lên quan tài nói:
– Stephen! tất cả chúng tôi đều yêu em, không muốn xa em, nhưng cuối cùng em phải được hạ huyệt mới ổn, hãy làm một đứa con ngoan, đừng khiến mẹ em quá thương tâm nữa! Tôi sẽ tụng Kinh niệm Phật cho em…
Ngay sau đó, tôi và cả năm người anh em của em đều nghe thấy có một tiếng thở dài, nức nở trong quan tài. Anh cả của em bật khóc nức nở, bốn người còn lại đều sợ hãi bỏ chạy.
Sau đó tôi phải điều khiển năm người quay lại để cùng nhau nâng quan tài. Lần này, quan tài di chuyển vô cùng nhẹ nhàng để hạ huyệt.
Sau đám tang, toàn thể gia đình em chuyển đến Hoa Kì sinh sống, vì vậy mà mỗi năm tôi cũng một mình mang hoa đến thăm em.
Mộ em và bác sĩ Nguyên nằm gần kề nhau, nên mỗi lần đến là tôi thăm mộ cả hai. Điều kì lạ là mộ của Stephen cũng toát ra một lực hút giữ lấy tay tôi giống như mộ của anh Nguyên.
Đọc đến đây, có thể có bạn nghĩ tôi bị điên, hoặc cho rằng tôi viết xằng viết bậy…Nhưng các bạn nên biết rằng, người chết rồi họ vẫn biết, vẫn cảm nhận được tất cả…
California có hai nhà khoa học nổi tiếng: Một là nhà Vật Lí học, một là nhà Tâm Lí học.
Cả hai đã từng tuyên bố rằng: Họ hoàn toàn không tin là có vong linh tồn tại vì vậy họ đã mang theo máy ghi âm vào nghĩa trang để xác nhận xem vong linh có thật hay không. Họ đặt máy ghi âm vào ban ngày, sau 15p kết quả thu được: Đủ loại âm thanh ma quỷ. Những âm thanh xào xạc, tiếng thở dài, khóc rên , có một giọng nói yếu ớt của người đàn ông than rằng” Nơi này rất buồn”.
Lúc này hai đài truyền hình nổi tiếng của Hoa Kì và Canada cũng phái người đến quay phim, chụp ảnh và cho chiếu trực tiếp.
Hàng triệu khán giả của cả hai nước khi xem phát trực tiếp đều vô cùng kinh ngạc, còn hai nhà khoa học đã phải thốt lên: – Quả thật vô phương giải thích tình huống bất thường này…
Đoạn phim khó tin ấy đã được nhiều nước trên thế giới công chiếu, đông đảo khán giả đón xem .
Tin tức này từng làm chấn động một thời, tôi không hề bịa đặt.
Theo tôi, việc thổ táng không hay bằng hỏa táng của đạo Phật, vì khi thổ táng dễ khiến cho linh hồn bám chấp, luyến tiếc thân xác mà không chịu đi siêu thoát đầu thai. Còn hỏa táng thì rất sạch sẽ, linh hồn sẽ không còn gì để bám chấp, luyến tiếc nên dễ giải thoát mà nương nhờ vào Phật Pháp hỗ trợ vãng sanh.
Hiện nay, chư tăng khắp nơi trong các chùa đều tổ chức ” Đại lễ siêu độ vong linh”, việc này tạo được công đức vô lượng.
Từ những sự thật đã kể ở trên, có thể thấy Phật Giáo siêu độ vong linh rất kì diệu, việc này rất cần thiết, vô cùng thực tế và càng không thể cho là MÊ TÍN.
(Tác giả: Phùng Phùng – 1983, Trích “Báo Ứng Hiện Đời 7” – Người dịch: Hạnh Đoan)
Video từ Chị Hoằng Truyền Tịnh Độ.