Hành Giả Mới Tu Hãy Bắt Đầu Bằng Lòng Tin Để Vào ĐạoTrong kinh nói: “Được làm người là khó, sáu căn toàn vẹn là khó, sinh nơi trung tâm đất nước là khó, gặp Phật đạo là khó, phát khởi lòng tin là khó”. Tôi từng luận bàn về sự khó khăn của việc phát khởi lòng tin: Có nghi ngờ mà không đoạn trừ, sao phát sinh lòng tin được? Cho nên, kinh Kim Cang nói: “Lòng tin chân chánh rất là hiếm có”. Kinh Pháp Hoa nói: “Do lòng tin mà được vào”. Long Thơ Tịnh Độ nói: “Đức Phật là bậc Đại Y Vương, có thể cứu tất cả bệnh nhưng không thể cứu người mạng tận. Đức Phật có thể độ tất cả mọi người nhưng không thể độ người không có lòng tin”. Bởi lòng tin là sự chân thành trong một niệm. Nếu tâm niệm người muốn bước đi thì chân theo đó mà đi, tâm niệm muốn ở lại thì thân theo đó mà ở lại. Đủ thấy, thân này theo tâm niệm hành động, nhưng có lúc tâm niệm muốn đi thân lại bị trói buộc. Khi sắc thân tan hoại thì chỉ có một niệm mà thôi, một miệm này muốn đến đâu thì đều đến được. Vì vậy, một niệm tín tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh độ thì nhất định vãng sinh Tịnh độ. Huống chi đức Thế Tôn, chư đại Bồ tát còn có sức mạnh thệ nguyện tiếp dẫn vãng sinh.

Có người hỏi:

– Nay có người cả đời trì giới niệm Phật, lúc lâm chung không được sinh về Tịnh Độ là tại sao?

Đáp:

– Đó là do lòng tin không sâu, hạnh nguyện kém khuyết, lại chưa hề phát tâm Bồ đề rộng lớn và chưa từng dứt trừ tà hạnh của mười việc ác. Tuy nói tu hành, nhưng lời nói và việc làm chưa từng phù hợp; tuy nói niệm Phật, mà tịnh niệm chưa từng tiếp nối. Đã không có công phu chân thật, làm sao được quả báo Tịnh độ! Trong kinh Duy Ma nói: “Tùy theo tâm thanh tịnh thì cõi Phật thanh tịnh”. Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Trong tâm nếu không có niệm bất thiện, Tây Phương cách đây không xa. Nếu ôm lòng bất thiện niệm Phật cầu vãng sinh thì khó đến được. Không đoạn trừ tâm thập ác, Phật nào đến đón rước”.

Lục Tổ vì thấy người đời không lo thanh tịnh tâm mình, miệng chỉ niệm danh hiệu Phật, tìm Phật ở ngoài tâm, vọng tưởng chấp trước, chẳng tự thanh tịnh tâm mình, lại tạo những điều ác. Đó gọi là tự làm mất Phật của chính mình, lại còn đi tìm cầu Phật nào khác. Vì vậy nên nói: “Mê tức là chúng sinh, ngộ tức là Phật”. Chương Niệm Phật Viên Thông trong kinh Lăng nghiêm, Bồ tát Đại Thế Chí nói: “Nhớ Phật niệm Phật, hiện tại, tương lai nhất định thấy Phật”. Vì nhớ niệm tức là tâm niệm, lòng tin thanh tịnh, Tín, Hạnh, Nguyện đầy đủ.

Kinh này còn nói: “Một căn đã về nguồn, sáu căn thành giải thoát; thập ác(1) hóa thành thập thiện(2), lục thức(3) hóa thành lục thần thông(4)”. Cho nên, trong tâm chánh tín nghĩ nhớ niệm Phật, gọi là tịnh niệm tiếp nối thì Di Đà tự tánh hiện tiền. Bên đây cảm, bên kia ứng, lúc sắp mạng chung, sao lại không được thấy Phật mà vãng sinh Tịnh Độ?

Phàm người tu Tịnh nghiệp, nên tin lời Phật, làm theo hạnh Phật. Tâm niệm đã không trái ngược, nhân quả chắc chắn rõ ràng. Nếu nghe mà không tin, tin mà không thực hành, cũng như bánh vẽ không no được bụng đói. Tâm đã không tin thì phát sinh nghi ngờ phỉ báng, đã phát sinh nghi ngờ phỉ báng thì tự mờ mịt tâm mình, tự mờ mịt tâm mình thì càng thêm xa rời Tịnh độ. Do đó, cư sĩ Chu ở Hương Sơn viết lời tựa trong quyển Liên Tông Sám của ngài Từ Chiếu, nói rằng: “Bậc Đạo sư là nói vị giáo hóa có phương pháp để đạt đến giác ngộ, dạy người có đạo lý. Lấy lòng tin sâu làm lối vào, phá trừ sự chấp trước mê mờ của những kẻ Xiển Đề; chuyên niệm Phật làm môn thực hành khiến tâm không loạn động, thêm vào đó là lấy tâm nguyện Bồ đề làm căn bản độ thoát chúng sinh. Đủ ba điều ấy thì có thể lên Thượng phẩm Thượng sinh ở cõi Cực Lạc, dễ dàng đạt đến biển quả Tỳ Lô”. Lại nói: “Việc này người người vốn đầy đủ, ai nấy đều thành tựu trọn vẹn. Nhưng vì không có ba chữ Tín, Nguyện, Hạnh, do đó đọa lạc trong luân hồi”.

Than ôi! Phàm kẻ làm người chẳng luận phước đức, chẳng luận tôn quý, chẳng luận thông minh, chẳng luận tướng mạo, chỉ đầy đủ Tín, Nguyện, Hạnh thì chính là tư lương để vãng sinh Tịnh Độ. Tứ Liệu Giản nói: “Từ đây qua phương Tây, cách mười muôn ức cõi Phật có thế giới tên là Cực Lạc, đó là đứng về khía cạnh xa mà nói. Nếu một niệm tín tâm niệm Phật thì liền đến Tây Phương, đó là đứng về khía cạnh gần mà nói. Cho nên bảo rằng, cũng gần mà cũng xa, chỉ ở nơi lòng tin và tâm nguyện của người mà thôi. Tin thì không cách mảy tơ, nghi thì lưu chuyển trong sinh tử”. Lại nói:

Từ đây qua Tây Phương
Lộ trình xa mười vạn
Tư lương nếu đầy đủ
Lo gì không đến được.

Thế nên nói: “Lòng tin đứng đầu muôn điều lành, lòng tin là chủ của trăm hạnh”. Kinh Hoa Nghiêm lấy Thập tín(5) làm điểm khởi đầu của sự thành Phật, kinh Pháp Hoa lấy chánh tín làm cửa để vào đạo, Ngũ căn lấy Tín căn làm đầu, Ngũ lực lấy Tín lực làm trước. Vì thế, chư Phật trong ba đời, chư đại Bồ tát, lịch đại Tổ sư tu các công hạnh, đầy đủ đại nguyện lực, vào cảnh giới Phật, thành tựu Bồ đề, chưa có ai không từ nơi chữ Tín này mà bước vào.

Pháp sư Đàm Loan gặp được kinh Quán Vô Lượng Thọ của ngài Lưu Chi trao cho, liền đốt kinh Tiên tu Tịnh nghiệp, lẽ nào không phải là do chữ Tín này? Bạch Cư Dị đi cũng niệm Di Đà, ngồi cũng niệm Di Đà, cũng chẳng ra ngoài chữ Tín này! Tô Đông Pha mang bức tượng Di Đà, lúc đi hay ngồi cũng đều mang theo bên mình nói là Tây Phương công cứ, thế thì cũng không ra ngoài chữ Tín này! Trương Thiện Hòa cả đời mổ trâu, khi lâm chung tự thấy tướng địa ngục hiện, nhưng gặp được vị tăng dạy niệm Phật A Di Đà. Ông niệm chưa được mười câu thì thấy Phật tiếp dẫn vãng sinh Tịnh độ, liền thoát khỏi địa ngục. Đó chẳng phải là do lòng tin mà được như thế hay sao?

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Lòng tin là gốc của đạo, là mẹ sinh ra công đức. Lòng tin hay nuôi lớn các căn lành. Lòng tin có thể vượt ra khỏi các đường ma. Lòng tin có thể được vào chánh định. Lòng tin có thể thoát biển sinh tử. Lòng tin có thể thành tựu đạo giác ngộ của Phật”.

Than ôi! Thời nay, người trì trai tin giữ giới mà không tin niệm Phật, tin thờ Phật mà không tin vãng sinh Tịnh độ. Như thế là tự làm mất lợi ích lớn, cần nên xét kỹ!

Trên đường Trời, Người lấy phước làm đầu; trong biển sinh tử, niệm Phật bậc nhất. Nay có người muốn được sự vui vẻ nơi cõi Trời, Người mà không chịu tu phước; muốn ra khỏi sinh tử nhưng lại không niệm Phật; ví như chim không cánh mà muốn bay, cây không gốc mà muốn sum suê tươi tốt, làm sao đạt được?

Nếu là bạn pháp với tôi, cần phải tin sâu lời chư Phật nói chân thật không giả dối. Phương pháp hay giải thoát đau khổ không gì bằng niệm Phật, chuyên tu Tịnh nghiệp mong ra khỏi luân hồi. Thời gian chẳng đợi người, thận trọng chớ nghi ngờ hối tiếc!

Như thế, thật đáng gọi là:

Thân này chẳng chịu đời này độ
Lại đợi đời nào độ thân này!

CHÚ THÍCH:

(1) Thập ác: Sát sinh, Trộm cắp, Tà dâm, Vọng ngữ, Lưỡng thiệt (nói lời gây ly gián, lời phá hoại), Ác khẩu (nói lời thô ác), Ỷ ngữ (là lời nói vô nghĩa, lời nói do tâm nhiễm phát ra), Tham dục (tham ái, tham thủ, xan tham), Sân khuể, Tà kiến (tức ngu si).

(2) Thập thiện:

Không sát sinh;
Không trộm cắp;
Không tà hạnh;
Không vọng ngữ;
Không lưỡng thiệt;
Không ác khẩu.
Không ỷ ngữ.
Không tham dục;
Không sân nhuế;
Không tà kiến.

(3) Lục thức (six sense of consciousness): sáu tri thức tức sáu sự hay biết:

Nhãn thức: tri thức của mắt;
Nhĩ thức: tri thức của tai;
Tỷ thức: tri thức của mũi;
Thiệt thức: tri thức của lưỡi;
Thân thức: tri thức của thân
Ý thức: tri thức của ý.

(4) Lục thần thông: sáu thứ diệu dụng tự tại vô ngại do Phật, Bồ tát nương vào sức định, tuệ mà thị hiện, đó là: Thần cảnh thông, Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông và Lậu tận thông.

a. Thần cảnh thông (cũng gọi Thân thông, Thân như ý thông, Thần túc thân): năng lực hiện thân theo ý muốn một cách tự do vô ngại.

b. Thiên nhãn thông: năng lực thấy rõ tướng khổ, vui, sống, chết của chúng sinh trong sáu đường và thấy tất cả các thứ hình sắc trong thế gian, không gì ngăn ngại.

c. Thiên nhĩ thông: năng lực nghe được những tiếng nói khổ, vui, lo, mừng của chúng sinh trong sáu đường và tất cả loại âm thanh của thế gian.

d. Tha tâm thông: năng lực biết được những điều mà chúng sinh trong sáu đường đang suy nghĩ.

e. Túc mạng thông (cũng gọi Túc trụ thông): năng lực biết được vận mạng và những việc làm của chính mình và của chúng sinh trong sáu đường từ trăm nghìn muôn kiếp trước.

f. Lậu tận thông: năng lực dứt hết Kiến hoặc và Tư hoặc trong ba cõi, không bị sống chết trói buộc trong ba cõi mà được thần thông lậu tận.

Ba năng lực: Thiên nhãn thông, Túc mạng thông và Lậu tận thông trên đây còn gọi là Tam minh.

(5) Thập tín: gọi đủ là Thập tín tâm, gọi tắt là Thập tâm, chỉ cho mười tâm mà Bồ tát của mười giai vị đầu tiên trong 52 giai vị tu hành. Mười tâm này thuộc Tín vị, có khả năng giúp cho hành giả thành tựu hạnh tín.Về tên gọi và thứ tự thì các kinh điển ghi có hơi khác nhau.

Theo phẩm Hiền Thánh Danh Tự trong kinh Bồ tát Anh Lạc Bản Nghiệp quyển thượng thì mười tâm là:

a. Tín tâm: nhất tâm quyết định, mong muốn thành tựu.
b. Niệm tâm: thường tu 6 niệm: Phật, pháp, tăng, giới, thí và thiên.
c. Tinh tấn tâm: nghe Bồ tát tạng, siêng năng tu tập thiện nghiệp không gián đoạn.
d. Định tâm: tâm an trụ nơi sự và nghĩa, xa lìa tất cả hư ngụy, vọng tưởng phân biệt.
e. Tuệ tâm: nghe Bồ tát tạng, tư duy quan sát, biết tất cả pháp vô ngã, vô nhân, tự tánh rỗng lặng.
f. Giới tâm: thọ trì luật ghi thanh tịnh của Bồ tát, thân, khẩu, ý thanh tịnh, không phạm các lỗi; nếu có phạm thì sám hối trừ diệt.
g. Hồi hướng tâm: đem các thiện căn đã tu được hồi hướng về Bồ đề, không nguyện sinh vào các cõi hữu lậu, hồi thí cho chúng sinh, không vì riêng mình; hồi hướng cầu chứng được thật tế, không chấp danh tướng.
h. Hộ pháp tâm: phòng ngừa tâm mình, không khởi phiền não, lại tu năm hạnh: mặc hộ, niệm hộ, trí hộ, tức tâm hộ và tha hộ.
i. Xả tâm: không tiếc thân mạng, tài vật; tất cả những gì có được đều buông bỏ.
j. Nguyện tâm: thường tu các nguyện thanh tịnh.

Mười tâm được liệt kê trong phẩm Bồ tát Giáo Hóa Kinh Nhân Vương quyển thượng do ngài Cưu Ma La Thập dịch là: Tín tâm, Tinh tấn tâm, Niệm tâm, Tuệ tâm, Định tâm, Thí tâm, Giới tâm, Hộ tâm, Nguyện tâm và Hồi hướng tâm, cho đó là mười tâm của Thập chủng tính.

Kinh Phạm Võng quyển thượng thì nêu mười tâm là: Xả tâm, Giới tâm, Nhẫn tâm, Tấn tâm, Định tâm, Tuệ tâm, Nguyên tâm, Hộ tâm, Hỷ tâm, Định tâm, và cho đó là mười tâm phát thú trong Kiên tính nhẫn.

Kinh Lăng Nghiêm quyển 8 thì gọi đó là Thập tâm trụ, tức Tín tâm trụ, Niệm tâm trụ, Tinh tiến tâm trụ, Tuệ tâm trụ, Định tâm trụ, Bất thoái tâm trụ, Hộ pháp tâm trụ, Hồi hướng tâm trụ, Giới tâm trụ và Nguyện tâm trụ.

Trích: Liên Tông Bảo Giám
Đại Sư Ưu Đàm
Thích Minh Thành dịch