Tại Chiết Giang có người họ Thiệu, làm nghề giết mổ và bán rượu thịt. Ông nuôi mấy con lợn, một hôm đang chọn lựa xem con nào béo mập để giết thịt, bỗng một con trong số đó quỳ mọp xuống mà rơi lệ khóc. Họ Thiệu không hề khởi tâm thương xót, ngược lại còn nổi giận mang con lợn ấy đi giết ngay.
Hôm ấy trời đổ mưa, họ Thiệu bày thịt lên quầy đến tối mịt vẫn không có một người nào đến mua. Ông ta trong lúc tâm trạng đầy bực tức oán giận, chân mang đôi guốc gỗ, đứng lên một chiếc ghế, tay cầm miếng thịt lớn định móc lên cái móc sắt treo thòng xuống từ xà nhà, không ngờ dùng sức quá mạnh, bất chợt trượt chân làm đảo ngã cái ghế, miếng thịt rơi xuống đất, trong khi móc sắt lại xuyên qua lòng bàn tay ông, khiến ông bị treo lên lơ lửng không cách gì gỡ ra được.
Người nhà gấp rút cứu xuống thì ông ta đã đau đớn cùng cực đến mức mê sảng không còn tỉnh táo nữa. Khi ấy vừa lúc trong nhà đang cất rượu. Họ Thiệu gào thét đau đớn rồi dùng tay vơ cả rượu và hèm rượu cho vào miệng ăn, bã hèm nhem nhuốc quanh miệng, lại bôi dính khắp người thật nhơ nhớp, trông ông ta lúc ấy mường tượng như một con heo dơ bẩn.
Họ Thiệu nằm một chỗ kêu la đau đớn như vậy đến hơn hai mươi ngày rồi mới chết.
- Lời bàn:
Người đời ai cũng muốn được giàu có, nhưng người làm nghề đồ tể lại thường nghèo mạt. Người đời ai cũng muốn khi chết được an lành tốt đẹp, nhưng người làm nghề đồ tể ắt phải chết bất đắc kỳ tử. Người đời ai cũng muốn gia đình đoàn tụ, nhưng người làm nghề đồ tể thì gia đình thường ly tán. [Đã thấy biết như vậy thì] cớ gì phải đeo đuổi mãi theo nghề ấy?
Vào thời đức Phật còn tại thế, có một người đồ tể dạy cho con cách thức giết dê. Đứa con muốn xuất gia theo Phật, không chịu học theo nghề ấy. Ông ta giận lắm, liền nhốt đứa con vào một căn phòng cùng với con dê, trao cho một con dao và nói: “Nếu mày không chịu giết con dê ấy thì dùng dao này tự sát đi.”
Đứa con suy ngẫm rất lâu, quyết định thà chết chứ không phạm vào giới cấm do đức Phật chế định. Nghĩ vậy rồi liền vung đao tự sát, chỉ trong giây lát liền tái sinh nơi cung trời Đao-lợi, được hưởng vô số những điều vui thích (câu chuyện này được ghi chép trong Kinh tạng).
Vì thế, Đại sư Liên Trì dạy rằng: “Xin có lời khuyên hết thảy người đời, nếu như quả thật không thể làm nghề gì để sống thì thà đi ăn xin. Nếu tạo nghiệp ác giết hại để kiếm miếng ăn, thà nhịn đói mà chết còn hơn.”
Dê, lợn tuy là loài vật nhưng tâm lý tham sống sợ chết so với chúng ta cũng không khác biệt. Hãy xem như nhà kia nuôi lợn, vừa chịu giá bán cho đồ tể, con lợn ấy liền rơi lệ bỏ ăn. Tuy miệng không thể nói ra lời, nhưng trong lòng đã biết mạng sống mình chẳng còn được bao lâu. Thế cho nên đến lúc bị người dùng dây buộc liền kêu gào chấn động, bị lôi dắt ra khỏi cửa thì run rẩy kinh hoàng. Người đồ tể bước đi một bước là một bước hãi hùng đối với con lợn ấy. Trên đường gặp được người nào cũng đều hết lòng trông mong được người ấy cứu mạng. Cho đến khi đã vào lò mổ, thấy người đồ tể xắn tay áo vung dao hướng đến thì lớn tiếng kêu thét lên. Nhưng kêu với trời cũng chẳng thể lên trời, khóc với đất cũng không chui được vào đất. Nhìn phải nhìn trái, không có ai là người không muốn giết hại mình. Ngó trước ngó sau, toàn là những dụng cụ để giết hại mình. Chỉ trong chốc lát bị vật ngửa trên sàn, dao sắc đã rạch sâu vào bụng. Lúc bấy giờ như dầu sôi đổ trên đỉnh đầu. Lúc bấy giờ như ngàn vạn mũi kích cùng xuyên thấu tim gan. Tiếng kêu thê thảm đau thương cùng cực rồi chuyển sang lịm tắt dần, mắt vội nhắm nghiền vì máu tuôn lai láng. Những nỗi đau đớn khổ sở như thế thật không thể nói hết. Đã không thể nói hết, còn nỡ lòng nào nói đến nữa sao! Than ôi, con lợn ấy đời trước làm người, lẽ nào không có mẹ cha trân quý, xem như chân tay, sao bây giờ người đầu bếp xem khinh thịt xương nó như bùn cát? Lẽ nào không có vợ con thương yêu, xem như tâm phúc, sao bây giờ người đồ tể xem mạng sống nó như cỏ rác?
Nghiệp ác đời trước đáng sợ, đến nay mới biết; thuở xưa những bậc cái thế anh hùng, giờ này ở đâu? Nếu không phát tâm cầu được giải thoát, người người đều khó tránh khỏi cảnh khổ thế này. Một khi luân chuyển trong luân hồi, dù sinh vào đâu cũng dễ dàng đọa lạc. Cho nên, pháp môn cầu sinh Tây phương Tịnh độ dù nam hay nữ đều tu tập được; việc giới sát phóng sinh, kẻ trí người ngu nên tự gắng làm. Mong sao hết thảy mọi người đều lập tức quay về nẻo chánh, đừng để đến đời sau phải hối tiếc vì việc làm hôm nay.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại
Nguyên tác Hán văn: Vạn Thiện Tiên Tư
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến
Lưu ý: Hãy quan sát cho thật kỹ ở giây thứ 9 dường như có một tác động vô hình rất mạnh khiến cây rìu của người đồ tể tự đánh vào cổ mình.
GIẾT HEO & QUẢ BÁO RỢN NGƯỜI
Cô Hồ Thị Quyến sống cùng gia đình ở một vùng quê yên ắng tỉnh Trà Vinh, sống bằng nghề làm ruộng, cuộc sống khá khổ cực. Khi đến tuổi trưởng thành, cô kết hôn với một người cùng quê là anh Trần Văn Thuận. Hai người sống với nhau có hai con gái và một trai. Cô mưu sinh bằng nghề mua bán heo. Mua bán heo vài năm kiếm được nhiều tiền khấm khá nên hai vợ chồng cô kiêm luôn vừa mua heo, vừa mổ thịt và bán tại chợ. Mọi thứ đều suông sẻ nên hai người mở luôn một lò sát sinh, một phần giết mổ lấy thịt giao sỉ một phần đem đến sạp tại chợ bán lẻ. Cuộc sống cứ như vậy được vài năm.
Nghiệp báo đầu tiên xuất hiện đó là lúc cô đang mang thai đứa bé gái, cổ cô nổi một cục bướu. Gia đình đưa cô lên Sài gòn để mổ, may cho cô là bướu lành tính, bấy giờ cô vẫn chưa hiểu gì về quả báo. Sau đó về lại Trà Vinh cô vẫn tiếp tục làm heo và bán, vẫn không hề giảm giết chóc. Cô lại có thai đứa bé trai và sinh khó phải mổ, sức khỏe càng lúc càng yếu. Ba tháng sau đó tự nhiên máu trong người cô đổ ra rất nhiều như bị băng huyết, cô ngất xỉu nên người nhà phải đưa đi bệnh viện cấp cứu tưởng chừng như không thể qua khỏi. Bác sĩ đã truyền máu và mổ cho cô lấy một khối u khác nữa đem ra ngoài và may vết thương lại. Trong khi con trai cô bệnh liên tục, một tháng bị động kinh 3-4 lần, sức khỏe không tốt.
Kể từ thời gian này trở đi gia đình cô luôn xảy ra chuyện, vợ chồng bất hòa, con cái bệnh hoạn. Chồng cô có tiền sinh ra ăn chơi, nhậu nhẹt, có nhiều đêm không về nhà nên gánh nặng công việc và gia đình đổ dồn vào cô. Càng ngày tinh thần và thể xác cô càng lúc càng sa sút.
Nhân duyên đầu tiên giúp cô biết về Phật pháp là vào năm 2004 cô đến chùa gần nhà thỉnh sư cô về tụng kinh, tẩn liệm cho tang lễ của mẹ cô. Sư cô thấy gia đình giết mổ heo như vậy mới hướng dẫn cho cô về việc không nên sát sanh hại vật trong tang lễ. Cô nghe qua mà hết hồn vì cô sát hại tới 5 con heo để những người đến phụ đám được ăn và cũng thể hiện sự “có hiếu” lần cuối với mẹ, không ngờ lại là bất hiếu chứ không phải có hiếu.
Sư cô giải thích với cô rằng nếu giết mổ như vậy người mất rất đau khổ, sẽ bị đầu thai làm kiếp súc sinh để trả nợ, người sống cũng bị quả báo rất nặng. Cô sợ hãi nên nhờ sư cô tổ chức cúng trai Tăng hồi hướng cho mẹ, sau đó trong 49 ngày thường xuyên đến chùa để tụng niệm và nghe Phật pháp. Cô quy y Tam bảo pháp danh Diệu Minh, nhưng cô vẫn chưa từ bỏ được nghề. Lúc này là chồng cô hoàn toàn giao phó việc mổ giết heo, bán heo cho cô quản lý.
Đầu năm 2005, cô nằm mộng một giấc mộng rất kỳ lạ. Cô thấy mấy người làm đem con heo lên bàn thọc huyết rồi quăng xuống, nhìn kỹ thì hóa ra con trai cô. Khi cô giật mình dậy hết sức lo sợ, nhưng vẫn không nghĩ rằng điềm chiêm bao sẽ có ý nghĩa gì đối với nghiệp báo.
Một thời gian sau nữa thấy trong người khó chịu, cô đi khám và phát hiện bị u nang, là u ác tính, phải mổ và vô thuốc xạ trị, người ốm tóc không mọc nổi. Do sức khỏe cô kém quá, lại thiếu máu trầm trọng nên BS cho cô tạm về nhà nghỉ dưỡng một tuần rồi vào điều trị tiếp. Cô cứ hết bị mổ thiếu máu rồi tiếp tục bệnh, khối u, lại mổ…cho nên hễ nghe đến từ mổ là cô sợ khiếp vía.
Trong lúc về nhà nghỉ dưỡng thì cô nằm mộng. Trong giấc mộng cô thấy con heo to trong vườn nhà đang nuôi (kể từ sau đám tang mẹ thì nhà cô lúc đó chỉ còn nuôi duy nhất mình con heo này), nó nói với cô rằng: “Con ơi lại tấn mùng cho mẹ đi con, muỗi cắn mẹ dữ lắm”. Cô nghe rõ ràng tiếng của mẹ cô thì mới đến gần con heo, heo lại nói tiếp: “ Tấn mùng cho mẹ đi con, bữa giờ không có mùng muỗi cắn mẹ quá con à, mẹ đã thành heo rồi”. Cô sợ hãi giật mình tỉnh giấc lúc đó là 12 giờ đêm.
Sáng hôm sau cô nói chồng cô chở cô lên vườn mà nuôi con heo. Cô vừa lên thấy con heo to đã đẻ 6 con. Con heo nằm y hệt như lúc cô nằm mộng. Cô đến vuốt ve heo niệm Phật mà rơi nước mắt, chợt nghĩ đến đám tang sư cô có nói giết heo cúng tế thế này người chết phải đầu thai làm heo để trả nợ. Cô hết sức đau lòng.
Mấy hôm sau trong lúc cô ngồi niệm Phật thì nghe con gái báo rằng con heo đã bỏ ăn và chết. Cô buồn bã, lo lắng, khủng hoảng và chính yếu tố này đã giúp cô quyết định bỏ hẳn nghề làm heo.
Sau đó cô lên Sài gòn điều trị tiếp. Sự đau đớn do bệnh tật hành hạ cô. Có một bữa thay vì nằm trong phòng lưu bệnh thì cô xách giỏ đi lang thang tìm một ngôi chùa. Tự dưng có một cái gì đó vô hình đưa đẩy cô bước vào một ngôi chùa ở Quận 10 xin vào lạy Phật, cô vào gặp ngay thầy trụ trì. Không biết duyên cớ sao cô kể hết cuộc đời mình cho thầy nghe. Thầy bảo:
“Con có thấy gieo Nhân nào gặt Quả nấy không con? Chỉ đến khi bị ung thư đau đớn, mổ xẻ liên tục rên la mới biết nỗi khổ đau của chúng sanh hàng ngày bị con hành hạ giết chóc. Nghiệp báo đến không thể trách ai, tự mình làm tự mình chịu, làm khổ lây đến con cái, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình. Khi con giết con vật nó đau đớn cùng cực. Con sợ chết nó cũng sợ chết vậy. Nó oán, hận tràn ngập và thần thức của nó cứ lãng vãng xung quanh con chờ báo oán. Chỉ có tu hành, niệm Phật, ăn chay, phóng sanh hồi hướng cho các chúng sanh đó thì may ra có chút lợi ích”.
Nghe thầy giảng chi tiết cô bắt đầu hiểu rõ lý do vì sao mình bịnh ung thư, vì sao con cái mình thường ốm đau bệnh tật, gia đình không hạnh phúc. Cô bắt đầu chấp nhận quả báo và không rên la nữa như những bạn bệnh cùng phòng nữa mà lo chăm chỉ niệm Phật. Khoảng thời gian vô thuốc người nóng nảy bức rức rất đau đớn khổ sở nhưng hiểu rồi nên cô nghe lời thầy dạy cố niệm Phật nhiều hơn.
Sau đó bác sĩ lại cho cô về nhà dưỡng tiếp. Lần này, cô thường qua ngôi chùa cô quy y lúc mẹ cô mất để tụng kinh, duyên đưa đến cô gặp quyển Kinh Nhân Quả ba đời, tự dưng đọc đến trang 26 thấy có kể những con heo nó kể cho một vị Tăng nghe người ta giết nó làm thịt đâm trói làm nó đau đớn, uất hận, rên la, van xin như thế nào, cô khóc và mang về cho cả gia đình xem.
Trước khi lên bàn mổ lần thứ 5 cô khấn Quan Âm Bồ tát giúp cô có cơ hội quay trở về lại làm một con người tốt, không sát sanh hại vật, lo tinh tấn tu hành lấy công đức để hồi hướng cho những chúng sanh từng bị cô giết hại.
Sau khi vô đủ toa thuốc lần thứ 8, về nhà từ đó trở đi cô quyết định ăn chay trường, từ bỏ việc giết chóc chúng sanh, tinh tấn tu hành niệm Phật.
Từ khi bỏ hẳn nghề làm heo và lo tinh tấn tu hành, tâm cô không còn lo sợ, không gặp ác mộng. Chồng cô hồi trước ngang tàng thì bây giờ lại chuyển đổi đi chùa tụng kinh niệm Phật, giúp đỡ người khác.
Đầu năm 2007 trên mũi cô nổi một cái mụt đau nhức và to dần, cô lên BV Hòa Hảo xét nghiệm thì được báo là nang, BS cho uống thuốc 15 ngày lên mổ lấy nang ra. Cô nghe nói nang là thấy mệt rồi nhưng đã tu hành hiểu quả báo nên chấp nhận mà về nhà niệm Phật, mỗi lần niệm cô đều lấy tay vuốt vuốt cái nang đó (cô xem quyển niệm Phật chuyển hóa tế bào ung thư của Pháp sư Đạo Chứng). Chưa đầy 15 ngày sau, có một buổi sáng 4 giờ cô dậy công phu niệm Phật thì không nhìn thấy cái nang trên mũi nữa.
Sự nhiệm mầu Phật pháp này đã làm chuyển hóa cả gia đình cô. Cả nhà giờ đều quy y Tam Bảo, tu hành niệm Phật, thân tâm bình an, cuộc sống ổn định.
Cô có đôi lời nhắn gởi đến những người đang làm những nghề nghiệp sát sinh hại vật: “Xin chân thành sám hối những tội lỗi đã gây ra cho nhiều chúng sanh. Xin mọi người hãy chuyển nghề khác, đừng làm những nghề giết hại chúng sanh, không chỉ có hại cho bản thân mình mà còn cho những người thân bên cạnh mình nữa. Nhân quả không sai đâu các vị ạ”.
Truyện kể người thật việc thật từ Phật Pháp nhiệm màu kì 12 tháng 4/2014
KẾT CỤC BI ĐÁT CỦA NGHỀ “MỔ CHÓ”.
(Trích ” Những chuyện có thật về Nhân Quả và Phật Pháp nhiệm màu” – Hoàng Anh Sướng).
Bà Nguyễn Thị Chi quê ở miền Trung, lên vùng Đức Trọng, Lâm Đồng lập nghiệp từ những năm 1980. Chồng bà tên Trung cùng quê, gia cảnh đều nghèo khó. Thời gian đầu hai vợ chồng đi làm thuê cuốc mướn sống tằn tiện qua ngày.
Sau, vay mượn tiền của anh em họ hàng, bà mở quầy bán gà vịt tại chợ thị trấn. Lúc đầu, ngày bà chỉ túc tắc bán được một vài con. Những ngày giáp Tết hai mùa cưới, bà thịt cả trăm con, đủ loại: gà, vịt, thỏ ,chó, ngan ngỗng… bà kể thu nhập trung bình mỗi ngày 500.000₫. Những ngày đông khách bà kiếm vài triệu ngon ơ. Từ đấy, kinh tế nhà bà phất lên như diều gặp gió ,cả làng ngưỡng mộ.
Một chiều nọ, có bà cụ già tay bị tay gậy đến nhà bà xin ăn. Nhận chút thực phẩm và ít tiền từ tay, bà cụ già ăn xin bảo: “Cô ơi! Nhà cô sắp có đại họa rồi đấy, cô nghe tôi nên dừng lại nghề sát sinh, phát tâm ăn chay niệm Phật để giải nghiệp, kẻo sau này hối hận cũng chẳng kịp đâu.”
Nghe vậy, bà Chi tức giận gắt gỏng: “ Bà này ăn nói luyên thuyên . Xéo ngay ra khỏi nhà tôi. Từ giờ đừng có vác mồm đến đây xin ăn nữa nhé”.
Một tuần sau. Có gia đình ở thị trấn Liên Nghĩa tổ chức đám cưới con trai, đặt bà Chi làm 1 tạ thịt chó . Chồng bà phải mất 2 ngày xuôi ngược khắp nơi thu mua cả thảy được 9 con. Buổi chiều, trong lúc ngồi đun nước sôi chuẩn bị làm thịt ,nhìn vào cái lồng nhốt chó bỗng dưng bà bị hút vào con chó cái màu vàng. Nó có chửa bụng khá to, nằm bệt dưới lồng vì mệt. Chợt bắt gặp ánh mắt của bà Chi đang nhìn, con chó vàng liền nhỏm dậy.
Nó dúi cái mõm qua ô lồng sắt, mắt nhìn bà như van lơn, ư ử kêu như van xin tội tình . Bà Chi chợt rùng mình. Bà hớt hải chạy lên nhà bảo chồng:
– Ông ơi, con chó vàng nhốt ở lầu dưới gốc cây ngọc lan đang có chửa. Nó vừa van xin tôi đấy. Hay là mình để nuôi vài tuần, chờ nó đẻ xong rồi giết thịt sau ông nhé.
– Bà có điên không đấy? Con chó biết nói à mà bà lại bảo là nó van xin bà. Vớ vẩn.
Nói đoạn, ông bước huỳnh huỵch ra sân, cầm cái chày bằng gỗ lim đen bóng. “ Đốp”. Bà Chi chạy ra đến nơi đã nhìn thấy con chó vàng nằm chết duôi, không kịp tru lên một tiếng. Hai mắt nó ướt nhẹp. Mổ bụng, lôi ra 5 con chó con còn chưa đủ hình hài, bà Chi bỗng thấy sống lưng ớn lạnh.
6 giờ chiều mới làm thịt xong 9 con chó. Ông Trung chồng bà phải huy động thằng Tuấn, con trai cả đang học lớp 12 nghỉ học thêm để phụ ông trở lên thị trấn.
Hai bố con đi hai xe. Buổi tối, bà Chi chờ mãi không thấy chồng và con về . Sốt ruột , điện thoại cho chồng thì nghe tiếng gắt: “ Tôi với thằng Tuấn đang uống rượu trên đám cưới. Khuya mới về. Bà cứ ngủ trước đi .”
11 giờ đêm chồng con vẫn chưa về, ruột bà Chi nóng như lửa đốt . Tiếng chuông điện thoại kêu reng. Tiếng thằng Tuấn hốt hoảng:”Mẹ ơi! Bố con bị tai nạn chết rồi!”.
Sau này, thằng Tuấn kể, tan bữa tiệc cưới, hai bố con phóng xe về. Bố đi trước, con đi sau. Đột nhiên, xe ông Trung đâm thẳng vào gốc cây bên đường. Xe máy đổ rầm. ông Trung ngã vật xuống đường, đập đầu vào tảng đá ,chán ông vỡ toang.
Sau cái chết của chồng, nhớ lại lời dặn của bà cụ ăn xin hôm nào, bà Chi thấy rờn rợn. Lẽ nào lời tiên tri về đại họa giáng xuống nhà bà là thật? Nhiều đêm không ngủ, nằm vắt tay lên trán, bà cũng định bụng dừng lại nghề giết mổ. Nhưng nghĩ đến khoảng lãi tiền triệu, tiền trăm mỗi ngày, bà lại thấy tiếc. Vả lại, hai thằng con trai đang tuổi ăn tuổi lớn . Bà không cố gắng ky cóp, sau này lấy đâu ra tiền mà lo lắng tương lai cho chúng.
Một hôm bà Chi bảo Tuấn: “ Con học xong lớp 12 thì ở nhà giúp mẹ. Học hành tốn kém. Ra trường lương ba cọc ba đồng sống sao nổi.“
Tuấn nghe lời mẹ. Vài tháng sau, nó trở thành anh đồ tể sắc tay . Tìền kiếm như nước. Gái trong vùng mê Tuấn như điếu đổ. Nhiều gia đình muốn gả con cho Tuấn vì Tuấn vừa khỏe mạnh, chịu thương chịu khó lại kiếm được tiền. Cuối cùng, Tuấn quyết định lấy cô Kim, hoa khôi của thị trấn.
Cưới con trai đầu, bà Chi làm cỗ tưng bừng suốt ba ngày ba đêm. Khách mời dự đông nườm nượp. Gà , vịt giết không biết bao nhiêu mà kể. Bá Chi khan hết cả tiếng nhưng mặt vẫn ngời ngời như hoa. Song niềm vui ngắn ngủi chẳng tày gang.
Trước hôm đón dâu một ngày, đêm muộn, khi khách về hết, chú rể lụi hụi mắc lại đèn chùm trong phòng ngủ. chẳng hiểu hí hoáy thế nào mà bị điện giật chết. Ngày cưới trở thành ngày tang. Bà Chi ngã ngửa người, khóc ngất lên ngất xuống.
Gắng gượng lo xong đám tang cho con, bà Chi lăn đùng ra ốm. Suốt ngày nằm bệt trên giường. Mỗi bữa chỉ giúp được vài thìa cháo loãng. Đúng 3 tháng 10 ngày, bà mới nhóc nhách ngồi dậy, lần thành giường tập đi. Bà bắt đầu tin vào luật nhân quả, vào ác nghiệp sát sinh mà mình gieo rắc suốt mười mấy năm.
Bà thỉnh mời các nhà sư đến nhà, lập đàn tế lễ giải nghiệp suốt ba ngày ba đêm. Rồi mua cả tạ lươn, ốc, cá phóng sinh… Bà bảo thằng Công, con trai út bà:” Mẹ cả đời vất vả hành nghề sát sinh cũng chỉ vì muốn tạo dựng tương lai tốt đẹp cho con. Con gắng học cho tốt, có công ăn việc làm đàng hoàng, tử tế, đỡ khổ con ạ.”
Công đang học lớp 12 trường huyện. Nó học rất giỏi, mơ ước thi vào trường đại học An Ninh. Một buổi chiều, đi đá bóng cùng đám bạn về, nó thấy đau đầu gối chân trái. Cứ nghĩ là do chạy nhiều nên nó cứ cắn răng chịu đau. Mấy tuần sau, đầu gối sưng to, nhức nhối suốt ngày đêm không ngủ , bà Chi đưa nó đến bệnh viện tỉnh Lâm Đồng khám.
Xét nghiệm khối u to như quả trứng gà, bác sĩ kết luận nó bị ung thư xương. Nó khóc ầm lên . Bà Chi thì chết lặng. Nghe bác sĩ tư vấn, bà Chi đưa thằng Công xuống bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.
5 tháng sau, khối u càng to, bà chuyển nó về bệnh viện đa khoa Sài Gòn, điều trị thêm 5 tháng nữa. Bác sĩ khuyên nên cắt chân nhưng thằng Công giãy nảy. Nó mới 18 tuổi đầu. Cắt chân đến tận đùi thì đâu còn ước mơ trở thành chiến sĩ an ninh.
Bà Chi nuốt nước mắt đưa con về nhà, chữa trị bằng Đông y. Cứ nghe đồn ở đâu có thuốc hay, thầy giỏi là bà lần mò tìm đến. Của nả trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Cho đến lúc sạch sành sanh cũng là lúc khối u ở chân Công to như cái cối đá lỗ.
Da căng mọng, tím tái, gân xanh nổi chằng chịt trông chả khác chi cái mề gà. Một ngày, khối u vỡ ra. Máu mủ chảy lênh láng khắp giường. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ruồi nhặng từ đâu bay đến ào ào. Bà Chi phải giăng mùng kín mít suốt ngày. Chốc chốc, bà cầm cái quạt, đập đánh “độp” vào thành màn xác ruồi rơi rào rào. Thế mà một lúc sau, cả cái màn lại đen kịt ruồi bâu. Mùi hôi thối bốc ra cả những nhà xung quanh. Hàng xóm phải đóng cửa nhà kín mít.
Công người gầy guộc chỉ còn da bọc xương. Khối u ở chân trông càng to càng khủng khiếp. Vết loét ngày càng lan rộng, trông như miệng con chó thui. Nó kêu la rền rĩ suốt ngày đêm vì đau đớn. Nghe người trong thôn mách dùng nhựa con cóc nhỏ lên vết loét, khối u sẽ khỏi, bà Chi đi bắt liền 5 con , dùng dao chặt đứt đôi chân rồi quét lên thành miệng vết loét. Tiếc rẻ, bà dùng vải xô, bó chặt thân năm con cóc lên trên.
Thằng Công hét toáng lên như con lợn bị chọc tiết. “ Xót quá mẹ ơi! Con không chịu được nữa đâu. Mẹ giết con đi. Con đau đớn lắm.”
Một buổi chiều, một nhà sư già bộ hành ghé vào nhà bà xin cốc nước . Biết hoàn cảnh éo le của bà, nhà sư bảo:
“ Cháu nó bị thế này là do gánh nghiệp sát sinh của chị. Mệnh cháu hết rồi. Không cứu được đâu. Chi bằng, chị đưa cháu đến Quán Thế Âm Tịnh Thất ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ở đó có Ban Hộ Niệm Phật A Di Đà. Chị nhờ sư trụ trì và các phật tử trong Ban Hộ Niệm tụng kinh niệm Phật, trợ niệm, trợ duyên, giải nghiệp cho cháu bớt đau đớn, ra đi thanh thản, vãng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc.”
Sư Chú Hiền ở chùa Quán Thế Âm kể:
– Lúc ra mở cửa, vừa nhìn thấy cái chân voi với khối u khủng khiếp bốc mùi hôi thối nồng nặc, máu mủ chảy tong tỏng, Tôi muốn buồn nôn sởn hết cả da gà. Đã nhận hàng trăm ca hộ niệm nhưng chưa bao giờ tôi thấy có người bệnh nào lại trong tình trạng kinh khiếp đến như vậy. Nhưng nhìn vào khuôn mặt xác xơ, khổ đau tột cùng của người mẹ cùng lời van xin đến tội tình: “ Xin sư thầy rủ lòng thương cứu vớt. Mẹ con con đã hết đường sống rồi”, Nhìn cảnh cháu Công còn da bọc xương nằm rên rỉ, tôi không đành lòng chối từ. Tôi liền thưa chuyện với sư trụ trì, Đại đức Thích Giác Nhàn. Thầy bảo : “ Cửa Phật từ bi che chở mọi khổ đau của kiếp người. Con cứ nhận họ vào.”
Từ hôm đó, hàng ngày, vào mỗi buổi sáng và chiều, sư chú Hiền, sư chú Sơn và 40 Phật tử trong Ban Hộ Niệm , đã ngồi xếp bằng thành vòng tròn, tụng Kinh niệm Phật cho Công.
Mùi hôi thối bốc ra nồng nặc khắp căn phòng. Một số người không chịu được đã chạy ra ngoài nôn thốc nôn tháo. Tiếng kêu la của Công nhiều khi áp cả tiếng mõ, tiếng chuông.
Hai sư chú và các phật tử vẫn dốc lòng nhất tâm hộ niệm suốt 2 tiếng . Máu mủ từ vết loét to ngoạc nhỏ tỏng tỏng xuống tấm mền lót bên dưới. Một lúc, lại phải thêm tấm mền khác. Ngày 3 lần, sư chú Sơn đi găng tay y tế, luồn qua miệng khối u, thọc sâu vào bên trong đến tận khuỷu tay, móc dần những cục thịt thối ra để cho Công bớt đau.
Chú làm ân cần dịu dàng. khuôn mặt Chú hiền từ. Vừa làm chú vừa nói với Công: “Sư chú biết con đau lắm. Nhưng nếu con cứ kêu rên như thế sẽ khiến con càng đau, càng mệt. Con hãy nương vào lời tụng niệm A Di Đà Phật mà các bác, các cô chú ở đây đang tụng cho con. Và con hãy tụng theo. Sư chú tin, con sẽ bớt đau”. Công làm theo. Từ ấy, nó thấy bớt đau nhiều.
Sư chú Sơn kể: “ Mấy ngày sau, Công không kêu rên nữa. Cậu thành tâm niệm Phật. điều kỳ lạ là mùi hôi thối bớt dần. Ai cũng ngạc nhiên và càng tin vào sự vi diệu của đạo Phật. Vì thế, càng hết lòng Hộ Niệm cho cậu ấy”.
Một tháng sau, vào buổi sáng, khi sư chú Sơn đang lựa tay khẽ khàng móc từng mảng thịt thối trong khối u khổng lồ, Công nhẹ nhàng bảo:
– Chú Sơn ơi! Tối qua con nằm mơ thấy Phật Di Đà về đón con đi. Ngài mặc áo vàng rực, tay cầm đóa sen vàng. Ngài mỉm cười với con chú ạ.
– Thế con có sợ chết không? – Chú Sơn hỏi.
– Con chỉ sợ đau chứ không sợ chết. Chú vẫn bảo con: Nếu con thành tâm niệm Phật hàng ngày, con sẽ được vãng sanh về Cõi Tây Phương Cực Lạc là gì.
Sư chú Sơn mỉm cười gật đầu. Công bảo :
– Con muốn gặp mẹ con.
Khi mẹ ngồi bên, Công nói, giọng nhẹ nhàng nhưng rành rọt:
– Mẹ ơi! Con bị bệnh thế này là do mẹ tạo nghiệp sát sinh suốt 15 năm đó. Mẹ đừng làm nghề giết mổ gà vịt nữa nhé. Dù cho phải đi ăn xin mẹ cũng không được làm. Mà mẹ chuyển hẳn sang ăn chay trường đi. Còn ăn mặn là cộng nghiệp cho những người làm nghề giết mổ.
Buổi chiều hôm ấy, Công trút hơi thở cuối cùng trong tiếng mõ, lời Kinh của Ban Hộ Niệm Chùa Quán Thế Âm. Công ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. Không rên la, không đau đớn. Khuôn mặt hồng hào như người đang ngủ. Điều kì lạ là toàn thân tỏa mùi thơm như hương trầm và mềm mại. Mềm đến độ sư chú Sơn nhấc cả hai tay của nó lên, lắc lư. Cổ tay, những ngón tay trắng hồng của nó lắc lư theo như múa.
Cả khán phòng bỗng vang lên “A Di Đà Phật” như tiếng reo vui niềm tin của những người con Phật vào Phật pháp nhiệm màu. Cũng ngay buổi chiều hôm ấy, mẹ cậu đã xin sư trụ trì xuống tóc đi tu.
QUẢ BÁO VÀ LỜI SÁM HỐI CỦA VỊ ĐỒ TỂ GIẾT HEO
Anh Trần Ngọc Thanh, sinh năm 1971, sống đường 30/4, P.12, Tp.Vũng Tàu, tỉnh BR-VT. Cha mẹ anh có 3 người con, 2 nữ 1 nam, có mình anh là con trai. Khi anh được 19 tuổi, ba anh đưa anh về nhà nội phụ chú anh làm nghề giết mổ heo. Tiền lương phụ việc không nhiều nhưng do không biết Phật pháp nên chỉ nghĩ có một cái nghề để mưu sinh.
Anh theo nghề sát sanh này 12 năm ròng rã. Tiền làm bao nhiêu dùng để chơi đánh bài, đánh bi da, gái gú….Anh kể mỗi đêm giết khoảng 4-5 con heo, còn vào những ngày Tết, do mọi người đều có nhu cầu mua thịt heo về kho Tết nên vào những dịp lễ giết rất nhiều. Mỗi lúc kéo heo ra làm thịt, heo kêu la thảm thiết, bốn chân bẹt ra không chịu đi vì chúng cũng biết thân phận sắp chết. Thế là anh dùng cái móc, móc vào họng heo để kéo chúng ra, rồi đập đầu chúng cho ngất. Sau đó lôi chúng lên cái bàn để sẵn dao thọc huyết nhọn chọc ngay cổ heo cho máu chảy ra. Có con chưa chết nó còn chạy lòng vòng một chặp sau mới chết.
Con nào mà huyết chưa ra hết thì dùng chân đạp vào bụng cho máu đổ ra hết, không hề có chút thương xót. Sau đó móc vào miệng heo rồi nhúng đầu heo vào chảo nước sôi và cạo lông. Sau khi cạo xong thì cắt đầu và mổ bụng, lôi hết bộ đồ lòng heo ra, rồi lấy mật heo nuốt vào bụng vì cho rằng bổ. Toàn bộ những thứ này được rửa sạch sẽ sau đó mang ra chợ bán. Người ăn vào làm sao biết được miếng thịt họ đang ăn biết bao nhiêu là oán hận không cùng của súc sanh, bệnh tật cũng từ đây mà vào. Từng thớ thịt do sự sợ hãi, oán hận tràn ngập khắp các tế bào thì có gì mang lại sự bổ dưỡng cho cơ thể người?
Sau năm 31 tuổi anh giải nghệ và đi phụ làm lơ xe, sau đó làm tài xế lái xe tải. Năm 2002 người anh bắt đầu nổi u hạch, cứ như vậy cho đến 2007 thì người phát bệnh nổi khối u rất nhiều (40-50 cục u) và mệt mỏi, toàn thân nhức nhối rất khó chịu. Anh vào BV nhiệt đới Sài gòn xét nghiệm thì phát hiện ra bệnh viêm gan siêu vi B, đau gan lói hông. Khối u nhiều nên anh phải qua BV Ung Bướu để trị. BS không cho mổ, báo nếu mổ khối u sẽ phát tán đầy người mà chết. Đã vậy lại thêm chứng nhức đầu bưng bưng. Bệnh khổ ập đến liên tục khiến cho anh cứ than với vợ: “Kiểu này chắc chết quá, sống hổng nổi”. Anh cũng có duyên được đi chùa cùng với vợ ở Kiên Giang nhưng cũng chưa biết cách sám hối mà ngày nào cũng còn thèm ăn thịt bò, heo, gà, vịt….trong khi vẫn đi tìm thuốc nam để trị hết bệnh. Làm sao hết bệnh đây?
Một duyên lành sót lại là anh có lần ghé quán cơm chay Liên Thành thì xem được đĩa thầy Giác Nhàn trình chiếu tại đây. Trong đĩa thầy khuyên nên ăn chay, phóng sanh, tụng kinh Vô Lượng Thọ, niệm Phật A Di Đà mới chuyển hóa được nghiệp bệnh. Ban đầu anh phát tâm ăn chay một tháng 4 ngày, đối với một tài xế như anh quá khó vẫn còn thèm mặn. Rồi nghe hoài đĩa giảng của Thầy Giác Nhàn, nhớ Thầy dạy anh nên khấn nguyện Quán Thế Âm Bồ Tát cầu Ngài gia hộ.
Anh hành trì được 2 năm, tháng nào cũng đi phóng sanh, duyên đưa đến anh chuyển nghề lái xe tải mà lái xe ôm ở bến xe Bà Rịa, vừa chạy xe ôm vừa niệm A Di Đà Phật nên khách “bo” thêm cho 10, 20 ngàn. Vợ anh làm công nhân. Anh bảo hồi lái xe tải chở giấy cho một công ty bao bì nhưng tham lam, ăn cắp dầu và giấy bán để dành được 3 cây vàng. Thế nhưng có vàng thì bệnh nặng quá bao nhiêu tiền vàng đổ ra vẫn không trị hết bệnh. Đến sau này được xem nhiều đĩa giảng của Đại Đức Thích Giác Nhàn, anh phát nguyện trường chay niệm Phật thì vợ anh cũng trường chay niệm Phật phóng sanh, tụng kinh Vô Lượng Thọ rồi cầu sanh Tây Phương Cực Lạc Thế giới.
Hiện giờ thì gan anh đã hết đau, đi khám BS bảo con siêu vi nằm yên rồi không quậy nữa nên anh không còn bị đau bụng bẹ sườn phải. Những khối u to cũng đã giảm nhiều, không còn đau nhức hành hạ, căn bệnh nhức đầu thì hết hẳn. Anh trở nên tự tin hơn, và tinh tấn hành trì theo pháp môn Thầy Giác Nhàn đã hướng dẫn. Ba anh cũng bị nổi hạch, bướu. Anh còn khuyên con gái anh nên niệm Phật, ăn chay, phóng sanh để đừng đi theo con đường của anh, sát sinh ăn thịt nhiều nên người đầy bệnh tật. Và giờ con gái anh đến giờ lại nhắc nhở anh lạy Phật, niệm Phật.
Bây giờ tiền làm ra hai vợ chồng anh tằng tiện để dành chút ít hàng tháng để phóng sanh chuộc lại lỗi lầm ngày xưa. Cũng nhờ cố công tạo phước lành này hai vợ chồng anh được người em giúp đỡ mở quán nước ở Bến xe Hoa Mai để mưu sinh, không còn tạo nghiệp bất thiện nữa.
Anh đem bài học của mình, nhân quả mình đã tạo mà khuyên các vị Phật tử cố gắng ăn chay. Mình ăn thịt chúng sanh thì quả báo bệnh tật hành hạ thân thể đau đớn. Cố gắng phóng sanh, sám hối nghiệp chướng bằng cách tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật để tạo phước lành. Tiền làm có giàu bao nhiêu đi nữa mà sát sanh ăn thịt hoài thì bệnh tật triền miên thì cuộc sống nào có sung sướng gì? Xin chư vị hãy phát tâm ăn chay, phóng sanh, niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, “lìa khổ được vui”.
(Diệu Âm Lệ Hiếu kính ghi lại từ lời kể của anh Trần Ngọc Thanh – Đĩa giảng Phương Pháp Trì Niệm Danh Hiệu Đức Phật A Di Đà kỳ 25 – Thầy Thích Giác Nhàn)
CHỌC PHÁ THẦN LINH HẬU HỌA KHÓ LƯỜNG
Thuở nhỏ , vào những ngày rằm hay mồng một tôi vẫn theo mẹ đi lễ chùa. Chùa làng tôi tuy không lớn nhưng cổ kính, nổi tiếng là linh thiêng. Một lần, trong lúc mẹ tôi đã cầu nguyện ở ban Tam Bảo, tôi lẻn ra bàn thờ Đức Ông . Thấy con ngựa gỗ đen bóng, cao lớn, có bờm và râu rất đẹp đặt ở trước ban, tôi liền xà tới, vuốt thân, sờ chân, xoa mõm, dứt râu ngựa.
Tối đó về nhà tôi nằm mơ thấy một ông quan cao lớn , mặt đỏ, râu dài, đầu đội mũ trụ , thân mặc áo giáp, tay cầm thanh long đao , cưỡi con ngựa đen tiến về phía tôi , mắt nhìn đầy giận dữ. Trông ông giống như ngài Hộ pháp tôi thường nhìn thấy trong chùa (chính xác là ông Quan Công, mà rất nhiều chùa thờ như thần Hộ pháp). Tóc tôi bỗng dựng ngược, sởn da gà , người lạnh toát. Tôi muốn kêu lên mà quai hàm cứng ngắc. Con ngựa vẫn lừ đừ tiến về phía tôi, rồi bất ngờ chồm hai chân trước, đá vào mặt khiến tôi ngã bổ ngửa. Tôi giơ tay lên ôm mặt, hét lên vì đau đớn . Tiếng hét giữa đêm khuya thanh vắng đã đánh thức mẹ tôi. Bà hốt hoảng lao đến chỗ tôi nằm.
Tỉnh giấc mộng mà tim tôi vẫn đập thình thịch, chân tay run rẩy vì chưa hết sợ hãi. Sáng dậy, mặt bên phải của tôi bỗng sưng vù lệch hẳn cả bên mặt . Nghi tôi bị quai bị, mẹ đưa tôi lên trạm y tế xã khám , cô y tá cho thuốc về xoa. Hôm sau, má trái tôi sưng nốt, mặt trông như cái mâm. Mẹ tôi sực nhớ đến giấc mơ hãi hùng bị ngựa đá của tôi đêm trước, bà liền chạy đến nhà cụ đồ Mão kể lại câu chuyện. Nghe xong, cụ lên chùa dâng sớ làm lễ cho tôi. Không biết trong lá sớ cụ đồ Mão viết gì, khấn nguyện ra sao mà ngay buổi chiều hôm ấy, mặt tôi đỡ sưng liền. Sáng hôm sau thì trở lại bình thường. Thấy kỳ lạ quá, tôi bèn kể lại cho đám bạn chơi khăng cùng xóm. Chúng nó không tin, bảo tôi điêu, bịa chuyện. Thằng Sơn con chú Đức, chủ quán lòng lợn tiết canh ngoài đê, nổi tiếng nghịch ngợm, ngổ ngáo, mắng tôi :
– Đồ thần kinh hoang tưởng, học cho lắm vào nên ngộ chữ.
Nó túm tay tôi, lôi xềnh xệch lên chùa bảo:
– Sướng ! Mày mở to mắt ra mà nhìn tao đây này.
Nói đoạn, nó nhảy tót lên lưng con ngựa gỗ, phi nhong nhong. Vừa phi nó vừa đạp chân, thụi tay vào hông, vào sườn con ngựa gỗ. Thấy tôi kể bị ngựa đá sưng mặt vì dứt trùm râu ngựa, thằng Sơn thò tay dứt cả cụm rồi thổi lên tung tóe khắp chùa. Chưa hết, nó tụt quần, quay mông đít về phía ban thờ Quan Công, vừa vỗ đen đét, vừa cười hô hố. Cả đám đi cùng cười hỉ hả. Thằng Sơn chỉ rõ mặt tôi, bảo:
– Ngày mai, tao mà không bị ngựa đá sưng mặt thì tao sẽ vả vào mặt mày đến khi sưng vù như cái lệnh vỡ thì thôi .
Dọa tôi xong cả bọn kéo nhau ra cây thị ở cổng chùa. Tôi và thằng Hà nhỏ tuổi nhất, lại không biết trèo, được phân công ở dưới canh chừng, sợ sư thầy bắt. Hái được hơn chục quả tôi bỗng nghe tiếng thằng Sơn kêu:
– Ối, tổ ong bắp cày chúng mày ơi, nó đốt tao đau quá !
Tôi vừa ngước mắt lên cây hướng về chỗ thằng Sơn thì nghe cái “huỵch”. Tôi giật mình nhìn xuống, thằng Sơn nằm giãy trên nền gạch. Tôi hét lên một tiếng. Máu từ mũi, mồm, tai thằng Sơn chảy lênh láng. Mắt nó trừng trừng nhìn tôi. Mấy chú hàng xóm nghe tiếng chúng tôi kêu, vội bế thốc thằng Sơn chạy lên trạm y tế xã, nhưng nó đã chết ngay trên đường . Bởi thế, ngay từ nhỏ tôi đã tin vào thế giới tâm linh, tin vào sự linh ứng giữa hai cõi âm- dương, tin vào luật nhân quả, nghiệp báo.
Trích: Những chuyện có thật về nhân quả và Phật pháp nhiệm màu
Hoàng Anh Sướng
Lạm bàn:
Các vị thần linh, tuy phước đức lớn, nhưng chưa có hết tâm sân hận, nên những ai nghịch phá, bất kính với họ, thường bị họ quở phạt nhanh chóng, đây là điều rất thường gặp. Còn với những người hủy báng, phá hoại, bất kính tượng Phật, Bồ Tát, hay chùa, tháp… thì thực ra, chư Phật, Bồ Tát chẳng hề giận dữ, trách phạt gì họ. Các ngài đã đạt đến cảnh giới cực tịnh, không hề bám chấp hình tướng, thì đập phá tượng các Ngài đâu có là vấn đề gì.
Xong, những người hủy báng tượng Phật, Bồ Tát thì vẫn chịu những quả báo khốc liệt, đây chẳng phải Phật hay Bồ Tát làm, mà là do Nghiệp lực tự chiêu cảm ra. Hai hiện trạng này bên ngoài nhìn thì giống nhau, nhưng tính chất bên trong thì lại khác, chúng ta cần phân biệt rõ.
CƯ SĨ TỀ TỐ BÌNH KỂ CHUYỆN QUẢ BÁO SÁT SANH HEO Ở ĐÔNG THIÊN MỤC SƠN
“Tôi kể cho quý vị nghe về chuyện quả báo của sự sát sanh, đây là một câu chuyện có thật, tất cả những gì tôi nói đều là sự thật.
Năm 1996 là năm tôi lên Đông Thiên Mục Sơn, nơi của chúng tôi có thôn Thiên Mục. Khi tôi lên núi được hai tháng, có hai người đến sửa nhà cho tôi: Một người tên Vương Ngọc Lâm, còn người kia tên Vương Xuân Phát, họ đến sửa ở trên lầu.
Một người kể rằng: Cư sĩ Tề à, tối hôm qua xảy ra một chuyện ly kỳ, để tôi kể cho bà nghe, nhờ bà phân tích dùm, chúng tôi không thể hiểu nổi. Tôi nói ông cứ kể đi.
Ông ấy có một người cháu lái xe kéo, tối qua đang kéo xe tới nửa đường thì thấy có năm người đi đến nói:
– Chúng tôi muốn đi nhờ xe đến thôn của ông vì có chuyện rất gấp, nhanh đi, nhanh lên nào.
Cháu tôi nói:
– Muốn đi xe thì phải trả tiền. Họ bảo:
– Được rồi, chúng tôi sẽ trả.
Cháu tôi ra giá năm người 100 đồng, 20 đồng/người vì đi trong đêm, vả lại đi gấp. Họ đưa 100 đồng. Cháu tôi mừng lắm, đem nhét 100 đó vào túi áo. Họ hối thúc:
– Chú đi cho nhanh lên, chậm là không kịp, chúng tôi cần đi gấp.
Đến nơi cháu tôi hỏi: – Mấy ông đến nhà nào?
– Chúng tôi đến cái nhà thứ nhất ở đầu đường Trang Tây.
Đến nơi 5 người đi xuống, cháu tôi nhìn thấy họ đi vào nhà đó. Nó cười khà khà, hôm nay lời được 100 đồng rồi.
Về đến nhà nó nói với vợ, bà đi mua rượu cho tôi ngay, hôm nay tôi phát tài rồi. Trên đường tối nay tôi gặp năm người đến thôn chúng mình làm việc, họ trả cho tôi 100 đồng. Bà vợ nó nói:
– Đưa tiền đây, gia đình đang khó khăn lắm. Nó móc tiền trong túi ra, một tờ tiền giấy âm phủ. Nó la lên: – Cái lũ kia, 5 thằng muốn gạt tôi rồi, sao lại đưa tôi giấy tiền vàng bạc. Lúc đó tôi cũng sơ ý không nhìn.
Vợ cháu tôi cũng không vừa, nó nói: – Thôi tối nay ông bỏ qua đi, đừng uống rượu nữa, dù sao ngày mai cũng chạy không khỏi, sớm mai tìm họ tính sổ kêu họ trả, nhớ đem tờ tiền này đi đối chiếu.
Nơi đó có Thôn: Thiên Mục, Thôn họ Mai, Thôn họ Lý. Ngày hôm sau, nó vì tờ 100 bạc mà dậy từ 4 giờ sáng, đến cái nhà đó gõ cửa: – Mở cửa, mở cửa.
Chủ nhà ra hỏi: – Có chuyện gì vậy?
– Tối hôm qua 5 người khách đến nhà của ông đâu rồi? Kêu họ ra ngay, chúng nó gạt tôi, ngồi xe tôi nói là trả 100 đồng mà đưa tôi tờ giấy này nè, mau kêu chúng ra trả 100 đồng cho tôi.
Người chủ nói: – Nhà tôi đâu có khách đến.
– Tôi không tin, đích thân tôi đưa 5 người đó đến đây, ông còn gạt tôi à?
– Không có, tôi đã nói là không có khách nào.
– Nhà ông tối qua không có khách?
– Không có! À, tối hôm qua con heo nái nhà tôi có đẻ 5 con heo con thôi.
Cháu tôi biết một trong 5 người đó trên đầu có quấn chiếc khăn. Nó bảo:
– Đẻ 5 con heo con, sao có chuyện này hả?
Nó chạy đến xem thì đúng thật. Heo mẹ và 5 chú heo con đang ở trong đó, năm chú heo đang lạnh đến run lên và bu quanh nhau. Cháu tôi lấy cái cây lùa đám heo nhỏ ra thì thấy trên đầu một trong năm con heo nhỏ đó có chùm lông trắng, y như cái khăn quấn trên đầu cái người hồi tối vậy.
– Trời ơi, vậy là hồi hôm tôi thấy ma rồi. Tôi đã kéo xe chở 5 con ma đến đầu thai.
Ông Vương Ngọc Lâm kể với tôi như vậy rồi hỏi: – Cư sĩ Tề à, chuyện này là sao? Rõ ràng là năm người, đến hôm sau thì thành 5 con heo?
Tôi nói:
– Nhân Quả báo ứng thật không thể nghĩ bàn. Năm người này khi còn sống chắc là họ giết heo, dù sao cũng đầu thai tới đường súc sanh rồi. Thật đáng thương! Hiện giờ tôi không có điều kiện, nếu có điều kiện, tôi sẽ đem 5 con heo lên đây nuôi, tôi sẽ phóng sanh. Ông dặn họ nhớ là đừng có giết cũng đừng bán đi, hãy nuôi chúng lớn.
– Bà nói hay lắm, người ta nuôi heo năm này qua tháng nọ, đâu có ai chịu tin chuyện như vậy .
Sau đó tôi có đến Thôn Thiên Mục hỏi, người ta nói :
– Chúng tôi không tin vào nhà Phật các bà. Heo thì là heo, chúng tôi đã giết chúng bán được một ít tiền rồi.
Đó là sự thật, tuy không tận mắt thấy, nhưng chính vị đó đích thân kể cho tôi nghe.”
Nam Mô A Di Đà Phật!
Cả đời phóng sanh cứu vật được tăng thọ 30 năm
Ngày xưa tại tô Châu, Giang Tô có một người tên Vương Đại Lâm. Suốt đời ông thường yêu thương các sinh vật và thường mua chúng phóng sinh ròng rã mười năm trời, ngày nào cũng thế.
Khi nào ông thấy mấy đứa trẻ trong làng bắt các loại cá chim thì liền xuất tiền ra mua chúng phóng sinh, đồng thời khuyên các em: “Này các em thiếu niên, trăm nghìn lần không nên giết hại. Các em có thấy một con chim nhỏ ở trong rừng không? Nó đang vui thú biết bao, nhưng sau khi bị bắt, thì cha mẹ nó sẽ xót xa, đau đớn muôn phần. Con cá trong nước cũng vậy. Nó đang sảng khoái, bơi qua bơi lại, trông có vẻ rất khả ái; vì sao lại bắt nó, khiến cho nó phải chịu những nỗi oan khổ? Vì thế, các em không nên giết hại chúng”.
Sau đó, các em nhỏ về nhà thuật lại những lý lẽ ấy với cha mẹ chúng, khiến cha mẹ chúng cũng rất cảm động.
Năm ấy, Vương Đại Lâm đột nhiên lâm bệnh rồi chết. Trong lúc chết , ông mơ màng nghe tiếng nói của thần linh, nửa tin nữa ngờ, thần bảo: “Này Vương Đại Lâm, vì bình nhật ông ăn chay, phóng sinh nên ta cho hưởng thọ thêm ba mươi năm nữa”.
Đến chừng tỉnh lại, hóa ra đó là một giấc mộng mà bệnh ông cũng dần dần bình phục.
Về sau, Vương Đại Lâm sống đến chin mươi bảy tuổi, năm đời cùng sống chung một nhà, con cháu đều thành danh, rạng rỡ. Được như vậy là hoàn toàn nhờ hưởng phước báo của sự phóng sinh.
(Truyện Nhân Quả Báo Ứng)
A DI ĐÀ PHẬT! Con cúi xin Quý Cô Chú cho con lời khuyên. Con tuy chưa quy y nhưng con cũng biết chút ít Phật Pháp. Mẹ con bán cháo vịt. Con biết quả báo của sát sanh là rất lớn, cho dù có kiếm được bao nhiêu tiền đi chăng nữa thì số tiền đó cũng quá ít so với tội lỗi của việc sát sanh. Mẹ con cũng hiểu chút chút Phật Pháp nhưng mẹ con quan điểm là do người bán người ta giết thịt chứ không phải mình giết (nên không có tội). Con biết dù mình tự tay giết hay xúi bảo người khác giết hoặc vui theo khi người khác giết (hoặc làm chuyện ác) thì đều tội như nhau. Xin các vị cho con lời khuyên. Xin Chư Phật, Chư Bồ Tát từ bi gia hộ cho mẹ con sớm thông suốt. Xin thay mặt mẹ con xin sám hối.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
NAM MÔ QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT.
NAM MÔ ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT.
NAM MÔ ĐẠI NGUYỆN ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT.
A DI ĐÀ PHẬT
@ Thiện Thiện: chỉ có bạn mới cứu được mẹ bạn, thân bằng quyến thuộc của mình thôi. Bạn tu tập kiên trì 5 năm, 10 năm …, bạn có công đức hồi hướng thì tự dưng đến lúc nào đó tâm mẹ bạn sẽ chuyển rất nhẹ nhàng. Phật pháp ko phải là trên lý thuyết, phải thực hành tự sẽ có cảm ứng. Biểu pháp là từ chính thán tâm mình, dùng mỗi cái miệng nói Pháp ko đủ đâu ạ!
Nam Mô A Di Đà Phật!
LỪA ĐẦU THAI THÀNH … CHÁU NỘI
Tưởng cư sĩ năm nay hơn 70 tuổi, thường tham gia Phật thất, nhưng bà có chứng bệnh tim, khiến bà niệm Phật không được chuyên nhất. Nguyên do chính là tại thằng cháu nội tên Lư, 17 tuổi, thường theo ông xã bà (tuổi gần 80) kêu to hét lớn, ép bà làm những việc nó cần, từ việc thay y phục hằng ngày cho tới cung ứng cơm nước phải “hầu nó” ngày ba bữa, thậm chí còn sai bà tới nhà bạn học lấy những thứ nó cần.
Con trai bà điều kiện kinh tế rất khá, có ngôi biệt thự xây kiểu hiện đại, tối tân; sở hữu điền sản, nhà, xe phong nhiêu… rất muốn thằng con về ở chung, nhưng thằng Lư từ nhỏ chỉ thích ở với ông bà nội. Song ngày ngày nó luôn quấy phá hành hạ, làm phiền hai ông bà đủ điều.
Bất kể ông bà nội đối tốt đến mấy, nó luôn trở mặt lật lọng, cáu gắt vô lễ, lúc bực tức còn đá nhà đá cửa, quậy một trận văng tưng mới chịu yên.
Tưởng cư sĩ than:
– Có thằng Lư ở nhà, hai vợ chồng chúng tôi dù miệng có niệm Phật tâm cũng chẳng an.
Tôi nghe xong hết sức cảm thông và tội nghiệp họ, vì vậy bèn thỉnh giáo Hòa thượng Diệu Pháp ( ngài ẩn tu ở Ngũ Đài Sơn, có túc mạng thông, thấy được nhân quả nghiệp chướng nhiều kiếp của người khác ). Sư phụ trầm ngâm một lúc rồi ôn tồn bảo:
– Hai ông bà này kiếp trước cũng là vợ chồng, ngụ ở nông thôn. Họ có nuôi một con lừa. Con lừa này bình thường giúp họ trồng trọt, chở đồ, đưa họ ra chợ, đi về. Nó làm mọi việc rất vất vả nhưng ăn toàn rơm khô, không xứng với công sức nhọc nhằn của nó. Lại còn hay bị chửi mắng đánh đập. Đến khi con lừa già, họ đem nó bán cho lò mổ.
Hiện nay, thằng Lư chính là con lừa chuyển sinh làm người đến đòi nợ họ. Hai ông bà phải nhanh chóng đền trước Phật sám hỗi tội ngược đãi “con lừa kiếp xưa”, và mỗi ngày phải tụng một bộ Kinh Địa Tạng hồi hướng cho nó, như vậy mới có kết quả tốt. Nếu không, tương lai cả hai sẽ bị nó làm cho tức chết.
Tôi đem lời Hòa thượng thuật lại cặn kẽ cho Tưởng cư sĩ nghe. Bà cực kỳ tin và nói:
– Thằng bé này đúng là con lừa, hèn gì mà nó hay đá và tính khí vui giận thất thường. Chồng bà bị nó chọc tức đến lên huyết áp, mấy ngày trước còn bị hành đến đau tim. Nếu nó cứ quậy theo mửng này mãi thì chắc chắn là cái mạng già của họ sẽ tiêu đời.
Lần này, đã biết rõ nguyên nhân của não phiền rồi, họ nhất định sẽ làm y theo lời Sư phụ dạy.
Hơn một tháng sau, Tưởng cư sĩ gọi điện tới nói:
– Tôi xin báo tin cho tôn huynh và Hòa thượng Diệu Pháp hay, tôi và ông xã hằng ngày kiên trì tụng Kinh Địa Tạng, sám hối lỗi trong quá khứ. Từ hồi bắt đầu tụng, tính đến nay đã 39 biến rồi. Suốt thời gian này thằng Lư chỉ quậy có một lần, chuyện hét la quát mắng không còn. Hơn nữa, hôm qua thầy giáo còn biểu dương, khen nó tính chất phác, ưa giúp người, thật kiến hai người già chúng tôi mừng đến rơi lệ.
Nói xong bà buột miệng tán thán:
– Uy lực Kinh Địa Tạng quả là cực lớn, không thể nghĩ lường, Phật pháp thật kỳ diệu. Hiện tại chúng tôi tu hành, tín tâm càng tăng kiên cố.
Trích Báo ứng hiện đời 3
Quả Khanh
Heo mẹ báo mộng khiến người đồ tể bỏ nghề sát sanh