Tri Quy Tử hỏi hòa thượng Thiện Đạo:
– Việc quan trọng ở đời không gì hơn sanh tử, một hơi thở ra mà không trở lại liền qua đời sau, một niệm sai lầm liền rơi vào luân hồi. Trước con đã được nghe dạy bảo pháp niệm Phật vãng sanh, nghĩa lý rất rõ ràng, nhưng lại e khi chết đến, tâm thức tán loạn, đồng thời cũng lo người khác làm loạn động chánh niệm mà quên mất nhân duyên Tịnh Độ. Cúi mong thầy chỉ dạy phương pháp thẳng tắt để thoát nỗi khổ trầm luân!
Sư đáp:
– Hỏi rất hay! Tất cả người mạng chung muốn vãng sanh Tịnh Độ, cần phải không được sợ chết. Thường nghĩ thân này nhiều đau khổ, bất tịnh, nghiệp ác trùng trùng xen tạp. Nếu được bỏ thân hình nhơ nhớp này, siêu sanh Tịnh Độ thì thọ hưởng vô lượng niềm vui, giải thoát con đường khổ đau sanh tử. Như vậy mới vừa ý, ví tợ cởi bỏ chiếc áo nhơ xấu thay vào y phục quý đẹp. Chỉ nên buông bỏ thân tâm, đừng sinh lòng lưu luyến.
Hễ gặp lúc có bệnh thì nghĩ nhớ về vô thường, một lòng đợi cái chết đến. Dặn dò người nhà, người lo bệnh và người tới lui thăm viếng rằng: “Khi đến chỗ tôi, nên niệm Phật cho tôi, không được nói chuyện tạp nhạp hàng ngày, việc tốt xấu trong nhà, cũng không nên dùng lời an ủi chúc lành. Đó đều là những lời vô ích giả dối”.
Nếu bệnh nặng sắp chết, quyến thuộc không được khóc lóc rơi lệ và phát ra lời than thở áo não, hoặc loạn tâm thần mất đi chánh niệm, chỉ nên đồng thanh niệm Phật trợ giúp vãng sanh, đợi khi hơi ấm hết rồi mới có thể bi ai than khóc. Vừa có mảy may tâm luyến tiếc thế gian, liền trở thành chướng ngại chẳng được giải thoát. Nếu được người hiểu rõ Tịnh Độ, thường đến nhắc nhở thì rất là may mắn. Người y theo đây chắc chắn siêu sanh không nghi.
Lại hỏi:
– Tìm thầy uống thuốc có được không?
Đáp:
– Tìm thầy uống thuốc ban đầu không ngại, nhưng thuốc chỉ có thể trị bệnh, không trị mệnh. Mệnh nếu hết thuốc làm được gì? Nếu giết hại sinh vật làm thuốc để cầu thân thể an ổn thì quyết định không được. Phần nhiều tôi thấy người đời nhân lúc bệnh nên trì trai mới được thuyên giảm. Còn việc trị bệnh mà làm rượu thịt, máu huyết để dùng thuốc, bệnh ấy sẽ càng thêm nặng. Thế nên biết, tin rằng Phật lực có thể cứu, rượu thịt chẳng ít gì.
Hỏi:
– Việc tế thần cầu phước thì thế nào?
Đáp:
– Mạng người lâu dài hay ngắn ngủi đều do nghiệp định, sao lại nhờ quỷ thần kéo dài được? Nếu mê hoặc tin theo tà, sát hại chúng sanh, cúng tế quỷ thần, chỉ tăng thêm tội lỗi nghiệp chướng, trở lại làm tổn thọ mà thôi. Sinh mạng nếu hết, ma quỷ làm được gì? Tự sợ hãi vô ích, đều không giúp được chi cả. Phải rất cẩn thận. Nên chép văn này dán phía trước người bệnh cho họ thường thấy, để đến khi lâm nguy khỏi quên mất chánh niệm.
Hỏi:
– Người bình thường chưa từng niệm Phật có dùng pháp này được không?
Đáp:
– Pháp này tăng tục, nam nữ, người chưa niệm Phật sử dụng đều được vãng sanh, quyết định không nghi. Tôi thấy người đời trong lúc bình thường, phần nhiều thường niệm Phật, lễ bái phát nguyện cầu sanh Tây phương rất chuyên cần, nhưng đến khi bệnh lại sợ chết, hoàn toàn chẳng nói gì về việc vãng sanh giải thoát, mãi đến khi hơi dứt mạng hết, thần thức đi vào cõi U minh mới đánh chuông niệm Phật. Như vậy, cũng giống như kẻ cướp ra khỏi nhà rồi mọi người mới hô to lên thì làm được việc gì?
Chết là việc trọng đại, tự mình cần phải gắng sức mới được. Nếu một niệm sai lầm, muôn kiếp chịu khổ, ai thay thế cho mình?
Nên xét kỹ điều đó! Nếu lúc rảng rang phải dùng pháp này tinh tấn niệm Phật, dốc sức thọ trì. Đó là việc lớn lúc lâm chung, có thể gọi là:
Một đường Tây phương rộng thênh thang
Thẳng tắt về nhà không cần hỏi.
VĂN LÂM CHUNG CHÁNH NIỆM VÃNG SANH CỦA HÒA THƯỢNG THIỆN ĐẠO
Trích LIÊN TÔNG BẢO GIÁM
Đại Sư Ưu Đàm
Thích Minh Thành dịch
NIỆM PHẬT CHUYỂN HÓA ĐƯỢC CON HƯ
Có lẽ đối với bậc làm cha mẹ, ai cũng mong ước con mình trưởng thành, ngoan ngoãn vâng theo lời cha mẹ, có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, nếu không may, cha mẹ nào có đứa con ngỗ nghịch, hung dữ thì cũng đành ngậm đắng nuốt cay, chứ mọi lời khuyên bảo dường như nước đổ lá khoai. Nhưng thông qua câu chuyện dưới đây, hi vọng quý vị sẽ tìm được hướng giải quyết cho bài toán nan giải này.
Bác Nguyễn Định Kế sinh năm 1940, sống tại Lâm Hà, Lâm Đồng. Con trai bác, pháp danh Diệu Âm Quảng Hiền, sinh năm 1971, là tài xế chạy xe tuyến đường từ Bắc vào Nam, nhưng anh rất ngỗ nghịch, thích nhậu nhẹt và đánh nhau. Trong cốp xe anh luôn có thủ sẵn kiếm, dao, gậy v.v. bản tính anh dữ tợn, lúc nào cũng nóng nảy, sẵn sàng đâm chém, đánh người và tự hủy hoại mình.
Cha mẹ anh rất khổ tâm vì có người con ngổ ngáo như anh, trong xóm ai cũng gọi anh là “Tí điên”. Mỗi khi nghe nói đến anh, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm và tránh xa.
Mặc dù, anh nhậu nhẹt nhiều, nhưng chủ các quán nhậu rất sợ anh đến quán, bởi vì khi anh đến là họ mất khách, hoặc đánh khách hàng của họ. Anh còn lôi kéo cả đàn em nhậu để đi đánh người và không hề xem việc tù tội là việc đáng sợ.
Vợ chồng bác Kế vô cùng khổ tâm về đứa con hung bạo như thế. Bản thân bác tu học theo Phật pháp rất lâu, cũng hướng cả gia đình quy y Tam bảo với Hòa thượng Thích Thanh Từ. Bác đã từng tu học qua các pháp môn Thiền tông, Mật tông v.v. nhưng cuối cùng bác tu theo pháp môn niệm Phật.
Một hôm, bác xem đĩa giảng pháp của thầy Giác Nhàn. Bác cảm nhận được sự vi diệu câu Thánh hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật !” , nên về sau thường tham gia những ngày chuyên tu tại tịnh thất. Bác tâm sự với Thầy về hoàn cảnh người con trai hư hỏng của mình, nên rất buồn khổ vì con.
Thầy hướng dẫn bác cách tu tập tụng kinh, niệm Phật, lạy sám hối…đem công đức này hồi hướng cho con quay đầu, sửa đổi tâm tính. Bác tinh tấn tu theo được hai tháng vẫn không thấy chuyển biến gì, nên lên trình với Thầy. Thầy dạy bác phải kiên nhẫn tiếp tục tu tập. Khi bác tu chưa hết tháng thứ ba thì bác đã chuyển hóa thành công được tâm đứa con trai tưởng như bất trị.
Ngày hôm đó, bác hết sức bất ngờ thấy anh con trai tự nhiên xung phong chở bác lên chùa để gặp Thầy, cho anh tu học, niệm Phật, lạy Phật. Kế đến, anh tập ăn chay, niệm Phật thường xuyên; dần dần về sau, anh theo cha nhập thất chuyên tu một tuần. Không những bản thân anh tu học mà còn về nhà khuyên vợ tu theo.
Hiện nay, chẳng những anh tìm được sự an lạc bằng cách thực hành theo Phật pháp, mà còn ăn chay trường. Nếu có bạn bè xấu ngày xưa rủ rê, anh đều từ chối, lánh hết duyên xấu, chỉ theo cha lên Tịnh thất Quan Âm tu tập.
Khi kể lại chuyện này, bác Kế cảm động nước mắt tuôn trào nói: “Phật pháp thật nhiệm mầu, câu Thánh hiệu ‘Nam Mô A Di Đà Phật’ thật không thể nghĩ bàn!” Nhờ công đức tu tập mà bác chuyển hóa con trai hư hỏng trở thành Phật tử, biết ăn chay, tinh tấn tu học.
Đời này, chúng ta phải phát nguyện nương theo Phật lực để thoát khỏi sinh tử luân hồi, không còn con đường nào hay hơn. Một câu Thánh hiệu “ Nam Mô A Di Đà Phật !” có diệu dụng chứa vô lượng công đức. Chúng ta tu tập xưng danh hiệu Ngài, hồi hướng công đức này làm nhân vãng sinh về Cực Lạc thì không gì bằng!
(Diệu Âm Lệ Hiếu kính ghi lại từ đĩa “Sự nhiệm mầu của pháp môn Tịnh Độ” – Tịnh Thất Quan Âm, Lâm Đồng)
NHỜ TẠO KINH PHÁP HOA VÀ THIẾT TRAI CÚNG DƯỜNG THOÁT KIẾP QUỶ SINH VỀ CÕI TRỜI
Sa-môn Thích Huệ Quả, người xứ Dự Châu, từ thuở thiếu thời chuyên ăn rau quả thuần tố, thường trì tụng kinh Pháp Hoa.
Một hôm, Ngài đi đến nhà xí, trên nhà xí thấy có 1 con quỷ rất mực chí kính đến nói với Huệ Quả rằng:
– “Thân trước của con xuất gia làm Duy-na, vì xúc phạm dơ bẩn nơi tịnh trù nên bị đọa trong loài quỷ, thường ăn phẩn uế. Pháp sư đức hạnh trinh thuần cao minh từ bi cứu giúp, nguyện xin vì chỉ bày phương thức để diệt trừ khổ!”
Và, quỷ lại nói:
– “Xưa kia con ở nơi chùa này đi thẳng theo hướng Đông đến phòng thứ 3, trước sân có 1 cây thị, bấy giờ con có chôn giấu 3000 quan tiền tại dưới cây ấy, xin hãy lấy đó để làm phước”.
Nói xong bèn ẩn mất.
Huệ Quả bảo cùng chúng Tăng đào bới, quả nhiên có được tiền. Ngài Huệ Quả liền lấy tiền đó tạo kinh Pháp Hoa và thiết trai cúng dường chư Tăng.
Sau đó, Huệ Quả lại mộng thấy con quỷ ấy báo mộng là được sinh lên cõi trời. Tăng chúng nghe thế, không ai chẳng tự răn sợ.
Sưu tầm
Cảm ứng của sự các Sa-môn tu pháp Tiểu thừa ở chùa Tỳ Sắt Noa đem Kinh Hoa Nghiêm đặt để dưới Kinh A-hàm mà Kinh Hoa Nghiêm thường nằm trên Kinh A-hàm (Agama hay còn gọi là Nikaya tức Kinh Điển Tiểu Thừa).
Sa-môn Tam Tạng Pháp sư Nhật chiếu nói rằng: “Ở phía nam Thiên Trúc gần thành Chiêm Ba có một ngôi già Lam tên là Tỳ Sắt Noa. Trong đó có các Sa-môn tu pháp Tiểu thừa thường sống. Về sau có một pháp sư tu pháp Ðại thừa mang đến đó một pho Kinh Hoa Nghiêm.
Các Sa-môn tu pháp Tiểu thừa chẳng tỏ vẻ kính tụng. Vị pháp sư Ðại thừa ấy lưu để bộ Kinh ấy lại đó mà đi. Các Sa-môn học pháp Tiểu thừa trong Tâm chẳng tin nên đem pho Kinh ấy ném vất trong giếng. Sau đó thấy trong giếng tỏa phóng ánh sáng như lửa dữ. Tuy lâu ngày ở trong giếng mà pho Kinh ấy không hề bị thấm ướt, các Sa-môn tu pháp Tiểu thừa mới tin Kinh ấy là do chính Ðức Phật giảng nói song vẫn chẳng bằng Kinh giáo Tiểu thừa, bèn đem bộ Kinh ấy đặt để dưới các Kinh Luật như A-hàm, v.v… Ðến sáng ngày hôm sau liền thấy bộ Kinh ấy nằn ở trên các Kinh luận kia, mới quở trách lớp nhỏ trong chùa: “Mới đặt xuống dưới trờ lại như cũ, Qua sáng ngày hơm sau, Bộ Kinh ấy cũng lại nằm ở trên các Kinh luận kia, qua vài lần như thế, các Sa-môn tu pháp Tiểu thừa rất kinh hãi, mới biết bộ Kinh ấy hơn hẳn ác Kinh luận mà mình hiện đang tu học, bèn ngã mình nơi đất lăn lóc khóc gào sám hối hồi tâm, cùng nhau chuyên thọ trì chỉ một bộ Kinh Hoa Nghiêm và hoằng truyền hưng thạnh tại nước ấy vậy.
TAM BẢO CẢM ỨNG YẾU LƯỢC LỤC
PHÁP BẢO TỤ
QUYỂN TRUNG
CÁCH ĐOẠN TUYỆT THỊ PHI
Hàng phàm phu vì chưa chứng vào chân tâm bình đẳng, còn ranh giới phân biệt giữa ta và người, nên trong đời sống, sự hơn thua phải quấy khen chê có đến muôn ngàn, không ai tránh khỏi. Dù cho chư Phật Bồ Tát vì lòng đại bi thị hiện giữa cõi trần để độ sanh, cũng phải chịu cảnh thị phi thương ghét. Cổ ngôn có câu:
Thùy nhơn bối hậu vô nhơn thuyết.
Na cá nhơn tiền bất thuyết nhơn!
Lời này ý nói: “không có ai chẳng bị kẻ khác chỉ trích chê bai sau lưng, nhưng ở trước mặt người ta không nói ra mà thôi.” Đây là câu thành ngữ xác thật, do sự kinh nghiệm của người xưa.
Những sự thị phi làm cho hành giả, nếu không sáng suốt bình tỉnh, nhiều khi phải xao động sanh phiền não, rất chướng ngại cho đường tu. Cho nên ở đây nêu ra vấn đề này để tìm cách phá giải. Muốn dứt trừ thị phi, phải y theo ba sự kiện:
* Điều thứ nhứt: phải xét sửa lỗi mình, đừng nhìn nói lỗi người. Ví như con trâu đen thấy cò trắng đứng trên mình thì để yên; khi con quạ bay đến đậu lại lấy sừng quơ đuổi; nó không ngờ mình còn đen nhiều hơn con quạ. Phàm phu cũng thế, thích lời khen, ghét tiếng xấu, ưa bươi móc điều dở của người, không dè mình cũng nhiều lỗi lầm, chẳng có chi là tốt đẹp! Cho nên nguyên tắc của người tu là phải tự phản tỉnh xét sửa lấy mình, đừng nên nhìn nói điều dở của người . Xét sửa lỗi mình thì càng ngày càng sáng, nhìn nói lỗi người tất càng gây thêm việc trái oan.
* Điều thứ hai: khi bị sự thị phi khinh báng, nên an nhẫn, đừng tìm cách biện minh. Ví như tờ giấy trắng bị vết mực làm lem, cứ để yên, nó chỉ dơ một chỗ đó rồi lần lần phai nhạt; nếu lấy đồ lau chùi, tất sẽ hoen ố cả toàn diện. Luận Niệm Phật Bảo Vương Tam Muội nói: “Bị oan ức chớ cầu biện minh, nếu biện minh tất oán hận càng sanh.” Bởi người đã cố tâm nói xấu, ta biện minh tức là cho kẻ đó nói sai, dĩ nhiên sẽ sanh sự oán thù tranh cãi, mà vô tình lại làm cho quần chúng hay biết, và để ý nghi ngờ mình. Thông thường, người mới tu hay thấy mình phải kẻ khác quấy. Người tu hơi lâu, thấy mình và kẻ khác đều có phải có quấy. Người tu càng lâu, duy chỉ thấy mình quấy. Tại sao thế? – Bởi khi việc khinh báng xảy ra, nếu hiện tại mình không sai quấy tất kiếp trước cũng lỗi lầm, nên đời nay phải chịu quả. Giả sử kiếp trước ta không có biệt nghiệp trực tiếp gây nên lỗi, thì cũng do cộng nghiệp tội ác, mới đồng sanh trong cõi ngũ trược này. “Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.” Lời của cụ Nguyễn Du nói, cũng thầm hợp với lý đạo.
* Điều thứ ba: người tu phải giữ vững lập trường, tin chắc lý nhân quả, đừng xao động vì tiếng hay dở bên ngoài. Kinh Pháp Cú nói: “Ngọn núi cao đứng vững giữa cơn giông tố. Người chân chánh an nhiên giữa tiếng thị phi.” Tất cả tiếng khen chê bên ngoài không làm cho ta tốt hoặc xấu, siêu hay đọa, mà tốt xấu siêu đọa đều do nơi ta. Nếu ta gây nhân lành dù người có khinh là xấu xa tội ác, ta vẫn được siêu thăng. Trái lại, ta gây nhân ác, tuy người quí trọng ngợi khen, ta vẫn phải chịu đọa lạc. Do hiểu lẽ này, một thiền sư Việt Nam đã viết ra những lời thi ý tứ rất thanh tân siêu thoát:
Thị phi ngôn trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn!
Hoa lạc, vũ tinh, sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.
Tạm dịch: Thị phi tiếng rụng theo hoa sớm Danh lợi lòng băng với bão đêm! Mưa tạnh, hoa rơi, non vắng vẻ Chim kêu xuân lại quá bên thềm. Đừng quan tâm đến danh lợi thị phi, hãy để cho nó rơi theo hoa sớm, lạnh với mưa đêm, rồi tan biến lần lần. Kìa một tiếng chim kêu, một mùa xuân đã qua, sao ta không lo tu tập? –
Trích NIỆM PHẬT THẬP YẾU – HT. THÍCH THIỀN TÂM.
Mình dạo này cảm thấy việc tu tậo của mình không được ổn. Mình không hiểu rõ phật giáo với lại mình cũng là 1 người suy nghĩ nhiều. Mình lúc trước luôn cố nhịn nhục khi ai đó quá nhây hay chửi hay la, châm biếm mình nhưng mình vẫn chưa thể nào hoan hỷ đón nhận được mình có niệm Phật nhưng lại bị dính mắc. Và bây giờ mình như 1 trái bom nổ chậm đối với 1 người trong lớp mình bởi vì mình không buông xả được với lại bạn đó với mình có những lúc cũng khó chịu nhau nên bạn đó mà giờ nói với mình bằng những lời lẽ không hay mình nghĩ phải căng 1 chút vừa có thể bộc lộ bản thân mà vừa 1 lần trút xả nhau cho hiểu rõ lòng nhau thế nào. Tại mọi chuyện đã đi quá giới hạn
Giống như bạn tay cầm 1 cục than đang cháy và chạy đến nói với tôi làm sao cho khỏi bị bỏng? Đơn giản tôi bảo bạn ném nó đi, nhưng bạn nói muốn chờ cho nó nguội chứ nhất định không chịu buông xuống. Ta nên tập từ những điều nhỏ nhất, nên bắt đầu từ việc mở rộng tâm lượng. Pháp Sư Tịnh Không dạy rằng: Thiệt thòi là phước mà bạn! Khi bạn đủ lòng bao dung thì tâm rất thoải mái, luôn nghĩ ta không có kẻ thù, chỉ có kẻ thù là chính bản thân ta không vượt qua được thôi.
Hễ niệm 1 câu Phật hiệu là có 1 luồng sánh sáng phát ra từ miệng
Tôi từng hoằng pháp ở Mỹ , sau khi Pháp hội kết thúc , có một người Mỹ từ ngoài đi vô , tự giới thiệu :
– Tôi là người học thần thông !
Anh lại kể , anh thấy những người xưng niệm Nam Mô A Di Đà Phật , trong miệng đều phóng ra một luồng sáng , người có tâm thành , tia sáng càng lớn , lớn đến nỗi có thể trùm cả địa cầu này ; người không chí thành thì ánh sáng rất yếu ớt .
Anh còn thấy người tụng chú Đại Bi , trên nóc nhà họ đều có vô số Phật và Bồ Tát đang lắng nghe , đến khi đọc xong chú , Phật và Bồ Tát mới dần dần rời đi .
Người Mỹ học thần thông đó nói :
– Bởi vì thấy được cảnh giới thù thắng như thế , nên mới đến đây để học Phật .
( Pháp Sư Pháp Tạng , trong “ Loạt băng Báo ân Phật thất” )
Lời bình :
Miệng xưng danh Phật , hiện Phật quang ,
Tia sáng tùy tâm thảy bất đồng ,
Nếu hay thành tâm thường niệm Phật ,
Ta – bà , Cực Lạc thảy tương thông .
Trích 100 chuyện niệm Phật cảm ứng của Pháp sư Huệ Tịnh
CÓ ĐI CHUNG VỚI NHAU LÂU ĐÂU!
Một thiếu nữ đang ngồi trên xe buýt:
Một bà già mang đủ thứ lỉnh kỉnh, miệng lẩm bẩm, đến ngồi bên cạnh, xô mạnh cô. Bất bình, anh thanh niên bên cạnh hỏi tại sao cô không phản đối và bảo vệ quyền lợi mình. Cô mỉm cười và trả lời:
“Đâu cần phải cãi cọ vì chuyện nhỏ như thế, có đi chung với nhau lâu đâu! Trạm tới, tôi xuống rồi.”
Đây là một câu trả lời mà chúng ta phải xem như một khẩu hiệu viết bằng chữ vàng để hướng dẫn cách cư xử hằng ngày của chúng ta ở khắp mọi nơi: “Đâu cần phải cãi cọ vì chuyện nhỏ như thế, có đi chung với nhau lâu đâu!”
Nếu chúng ta có thể ý thức rằng cõi đời tạm của chúng ta trong cuộc đời thật ngắn ngủi, cãi cọ tầm phào vừa làm cho mất vui, vừa làm mình mất thời gian và sức lực cho chuyện không đâu.
Lời Bình:
Có ai làm mình tổn thương?
Bình tĩnh, có đi chung với nhau lâu đâu!
Có ai phản bội, ức hiếp, sỉ nhục mình?
Bình tĩnh, có đi chung với nhau lâu đâu!
Dù người ta có gây ra cho chúng ta buồn phiền gì chăng nữa, hãy nhớ rằng: có đi chung với nhau lâu đâu!
Chúng ta hãy sống sao không thẹn với lòng. Nhẫn nhịn là một đức tính không bao giờ đồng nghĩa với hèn nhát, nhu nhược nhưng đồng nghĩa với sự cao cả, từ bi.
Chuyến đi chung của chúng ta trong cõi đời dưới thế này ngắn ngủi lắm và không đi trở ngược lại được.
Không ai biết chuyến đi của mình dài bao lâu! Người dù thương dù ghét, biết mai này có còn gặp lại hay không? Hay còn gặp nhau bao lâu nữa? Biết đâu trạm tới mình hay người đã phải xuống rồi.
Chuyến đi ngắn lắm, ngắn đến nỗi giật mình nhìn lại xung quanh có mấy ai đang đi chung nữa.
Ngoảnh đi ngoảnh lại cuộc đời như giấc mộng
Được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không.
Sưu Tầm
PHÁP TRẦN
Trong nhà thiền thường nói, khi ngộ đạo rồi mắt thấy như mù, tai nghe như điếc. Như mù nhưng không phải mù, như điếc nhưng không phải điếc. Giả sử chúng ta đi chợ, nghe người ta xôn xao đủ thứ, nhưng mình không dính, không chú ý. Khi về người nhà hỏi: “Bữa nay đi chợ thấy cái gì?” Mình nói: “Không thấy gì hết”. Nhưng sự thật mình có thấy không? Có thấy nhưng không dính thành ra như không thấy. Còn nếu ta để tâm vào việc gì thì khi được hỏi, mình liền trả lời: “Thấy thế này, thế kia”. Đó là ta đã tích lũy vào pháp trần trong tâm rồi.
Cho nên việc tu có nhiều điểm rất hay mà chúng ta không biết. Như ra đường bị ai nói xúc phạm tới danh dự mình, về nhà ít nhất ta cũng kể lại với người thân nghe. Kể một người nghe mình cũng chưa vừa lòng, phải kể cho người này người kia nghe chừng một trăm lần, như vậy mình đã thuộc lòng trong ký ức sâu quá rồi. Vì vậy khi ngồi thiền nó trồi lên, bỏ được một lát nó trồi lên nữa. Đó là vì chúng ta đã ghi nhớ quá sâu đậm.
Giống như lúc còn bé đi học, mỗi khi muốn thuộc bài, mình phải đọc tới đọc lui nhiều lần mới thuộc. Đem vô sâu là do ôn tới ôn lui nhiều lần. Lỡ nhớ rồi, khi muốn quên cũng phải tập bỏ thường xuyên mới quên được, không có cách nào khác hơn. Vậy mà vừa có chuyện buồn, chuyện giận là chúng ta đem ra kể liền. Gặp ai kể nấy, kể hoài như vậy quên sao được. Khi ngồi thiền nó trồi lên lại than: “Khổ quá! Con tu khó”. Khó là tại ai? Tại mình chứ tại ai, tích lũy nhiều thì nó trồi lên nhiều.
Bây giờ chúng ta thấy chỉ thấy, không thèm quan tâm chú ý gì cả. Thấy tất cả mà tâm không giữ, không dính thì tu dễ không khó. Nếu tu là tìm cái gì ở đâu xa thì khó, đằng này nó đã sẵn nơi mình rồi, chỉ quay lại là hiện tiền. Chúng ta không thấy được cái chân thật là do pháp trần đầy cứng bên trong, nên quay lại thấy toàn tạp nhạp.
Những giờ ngồi thiền là những giờ quay lại, mình thấy pháp trần lăng xăng lộn xộn nên nói thấy loạn tưởng nhiều quá. Thấy loạn tưởng nhiều là tu tiến nhiều. Vì ngày xưa, mỗi khi chúng dấy lên mình chạy theo nên không thấy chúng, bây giờ chúng dấy lên mình biết liền bỏ, đó là tu tiến. Tuy nó còn nhưng mình đã làm chủ được chút chút. Hồi xưa nó dẫn mình chạy theo hoàn toàn, bây giờ nó trồi lên mình từ chối không theo, đó là tiến rõ ràng. Nhưng nhiều khi Phật tử thấy nó rồi sợ, tu gì mà vọng tưởng quá chừng. Sự thật có tiến, tiến từng bước, chứ không phải không tiến.
Bước tiến tiếp theo là ngoài giờ ngồi thiền, khi tiếp xúc với mọi cảnh mọi vật, chúng ta thấy biết rõ ràng nhưng bỏ qua, không chú tâm, đó là ta tu trong mọi lúc mọi nơi. Không phải tay lần chuỗi, thân tọa thiền mới tu. Lần chuỗi tọa thiền mà ai động tới liền la hét là không phải tu. Người không tỏ vẻ tu hành gì hết, nhưng đi đứng tự nhiên thoải mái, ai nói gì thì nói, bỏ qua không để lòng, ấy mới thật là chân tu.
Nhiều khi chúng ta như điên khùng với nhau. Thí dụ mình tưởng mình thông minh, sáng suốt, nhưng ai vừa nói “Chị ngu quá!”, mình liền la đông đổng lên, để nói rằng ta không ngu. Nhưng thật ra như vậy là đã chứng tỏ mình đang ngu. Nếu không ngu, ta chỉ cười, nói: “Phải, tôi ngu” Nói vậy còn gì nữa để la, thì đâu có khổ. Vậy mà ai nói mình ngu liền cự lộn, rồi đủ thứ chuyện thưa kiện … có khổ không? Thế là cả hai đàng đều khùng điên với nhau hết.
Những chuyện hết sức nhỏ như vậy, nhưng mình không biết tu, nên cứ tích lũy trong tâm thành ra sanh bệnh. Bây giờ muốn bỏ, chúng ta phải gỡ lần những thứ đó, từ từ ngồi thiền sẽ được nhẹ nhàng yên ổn. Ai nói gì mình cũng cười. Đức Phật ngày xưa bị Bà la môn theo sau mắng chửi, Ngài im lặng không nói, không nhận, thế mà Bà la môn phải chịu phép, không dám mắng chửi nữa, khỏe khoắn làm sao.
Phật là bậc giác ngộ nên thấy người mê Ngài thương, không phản đối, không chống cự gì cả nhưng lại nhiếp phục được họ. Còn chúng ta bây giờ nghe nói một câu không vừa lòng liền phản đối, chống cự, rốt cuộc càng thêm lớn chuyện. Như vậy ta cùng những người mê kia, không hơn không kém, phải không? Mình là người tỉnh thì phải hơn kẻ mê. Họ nói bậy mình chỉ cười thôi thì không xảy ra chuyện gì hết. Như vậy có khỏe không ?
Cho nên người biết tu xả bỏ hết những gì không quan trọng. Quan trọng là đừng để sáu trần lôi dẫn đi, phải quay về với cái chân thật của chính mình. Cái chân thật ấy ai cũng có nhưng vì vọng tưởng che lấp nên mình không nhận ra. Cho nên Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện nói, người tu thiền như con ngỗng chúa uống sữa chừa nước lại. Câu nói nghe muốn bể cả đầu! Làm sao mà uống sữa chừa nước được? Hai thứ ấy hòa lẫn nhau, lọc thế nào ?
Những câu như vậy, tôi cũng mất nhiều năm lắm mới thấy rõ ý nghĩa của nó. Cái gì là sữa?. Cái gì là nước ? Vọng tâm và chân tâm nơi mình hòa lẫn nhau, không phải một cũng không phải hai. Vậy làm sao để lọc chân tâm ra khỏi vọng tâm? Ở đây, chúng ta chỉ cần khéo một chút là thấy liền. Cái biết trong sáng hiện tiền đó là sữa, còn cái biết lăng xăng lộn xộn là nước. Cái biết lăng xăng lộn xộn thì chúng ta không theo, chỉ sống với cái biết yên tĩnh, trong sáng. Đó là mình đã loại nước, uống sữa. Được thế ta là ngỗng chúa.
Những giây phút yên tĩnh, chúng ta ngồi chơi không nghĩ gì hết. Lúc đó tai vẫn nghe, mắt vẫn thấy mà không nghĩ suy điều chi. Như vậy cái biết đó mình đã có sẵn, nhưng vừa dấy nghĩ cái này cái nọ liền quên mất cái biết hằng hữu. Bây giờ chỉ cần không chạy theo các thứ xao động thì nó hiện tiền. Nếu chúng ta đừng đuổi theo những gì mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm … ăn cứ ăn uống cứ uống, làm tất cả việc mà đừng dính, nếu không phải Phật thì ít nhất mình cũng là Bồ tát con rồi.
Vì vậy không dính với sáu trần là biết quay đầu, còn dính với sáu trần là đã lao đi trong sanh tử, không có gì khó khăn hết. Trong nhà thiền có câu chuyện của anh hàng thịt, khi nghe một câu nói của vị Thiền sư, liền tỉnh ngộ và làm bài kệ:
Tạc nhật dạ xoa tâm
Kim triêu Bồ tát diện
Dạ xoa dữ Bồ tát
Bất cách nhất điều tuyến.
Dịch:
Hôm qua tâm dạ xoa
Bữa nay mặt Bồ tát
Dạ xoa và Bồ tát
Không cách một đường tơ.
Bồ tát và Dạ xoa chỉ cách nhau ở một cái nhìn. Nhìn ra là mê, xoay lại là giác, dễ như trở bàn tay, không có gì ngăn cản hết. Vậy mà chúng ta làm không nổi, cứ ì ạch hoài. Thiền đặc biệt ở chỗ đó, nhưng vẫn phù hợp với những gì Phật dạy ngày xưa. Tôi sẽ dẫn kinh để chứng tỏ điều này.
Trong kinh A Hàm kể lại, một hôm, sau thời tọa thiền trong rừng, Đức Phật xả thiền ngồi chơi tự tại. Chợt Ngài thấy có một con rùa bò về phía mình, phía sau con dã can đuổi theo định cắn đuôi con rùa, con rùa liền rút đuôi vào trong mai. Dã can chụp lấy chân, con rùa liền rút chân vào trong mai. Cứ như vậy dã can chụp cắn tứ tung, rùa cũng rút hết các bộ phận vào trong mai. Con dã can chụp hoài không được bèn bỏ đi.
Kết thúc câu chuyện, Phật nói: “Người tu cũng thế, nếu biết giữ sáu căn không cho chạy theo sáu trần thì không có ma vương nào bắt được”. Còn nếu chạy theo sáu trần bị nó cắn đứt đầu đứt cổ. Chuyện thật là hay.
Thêm một câu chuyện nữa. Phật kể trong một đàn khỉ, có con khỉ nhỏ đi sau đàn thấy mấy con lớn đi trước ăn nhiều trái cây ngon, còn mình thiệt thòi quá. Nó bèn tách đàn, đi một mình để được ăn ngon. Khi thấy miếng mồi ngon, nó liền đưa tay chụp, không ngờ đó là cái bẫy nhựa, nên tay nó bị dính nhựa. Nó liền đưa tay kia gỡ nên tay kia bị dính luôn. Con khỉ liền lấy chân phải quào, chân phải dính; lấy chân trái quào, chân dính luôn. Nó quật cái đuôi để gỡ, đuôi cũng dính. Cuối cùng còn cái miệng, nó liền đưa miệng cạp, thế là miệng dính luôn. Như vậy tổng cộng sáu bộ phận đều dính nhựa hết. Gã thợ săn chỉ cần tới lượm con khỉ bỏ vô giỏ là xong.
Phật nói: “Cũng vậy, nếu người nào sáu căn dính với sáu trần, cũng như con khỉ kia để sáu bộ phận dính với nhựa, người đó sẽ bị ma vương dẫn đi dễ dàng, không nghi ngờ”. Như vậy Phật dạy chúng ta tu như thế nào? Là giữ sáu căn đừng cho dính mắc với sáu trần. Đây là một lẽ thật chứ không phải tưởng tượng. Đó là tôi đã dẫn trong kinh A Hàm.
Đến kinh Kim Cang, Lục Tổ ngộ được từ câu: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm; ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, tức là không dính mắc vào các trần mà sanh tâm Bồ đề. Tâm Bồ đề là tâm thanh tịnh, không dính mắc thì tâm Bồ đề hiện tiền. Còn dấy niệm là tâm sanh diệt. Sau khi ngộ rồi, Lục Tổ thốt lên: “Đâu ngờ tâm mình xưa nay thanh tịnh!. Vì thanh tịnh nên không sanh diệt, còn loạn tưởng là tâm sanh diệt. Ngay đó Ngũ Tổ truyền tâm ấn và trao y bát cho ngài.
Sự tu chẳng có gì lạ hết. Phật Tổ không hai đường, chỉ vì phương tiện truyền bá khác nhau thôi. Thấy như vậy, hiểu như vậy, chúng ta mới nhận ra việc tu không phải chuyện quanh co, khó khăn, mà trái lại rất đơn giản. Ngài Lâm Tế nói: “Đâu ngờ Phật pháp của Hoàng Bá rất ít”, nghĩa là rất đơn giản. Cho nên trọng tâm của việc tu là nghe và hiểu được ý Phật dạy, rồi ứng dụng thực hành. Đó mới là người biết tu.
Trích “QUAY ĐẦU LẠI LÀ BỜ” – HT. Thiền Sư Thích Thanh Từ
Giữ giới không trộm cắp sẽ không bao giờ bị mất đồ
Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi từng nêu lên một công án. Ngài nói: “Tôi đời đời kiếp kiếp giữ giới không trộm cắp, chưa từng trộm cắp đồ vật của ai, lấy gì để chứng minh? Tôi có thể lấy một hạt châu rất đắt tiền để ngay nơi cửa thành, không cần phải canh, mà ba ngày sau vẫn còn nguyên vẹn, không bị người lượm mất. Do đó có thể chứng minh rằng lời nói của tôi là thành thật.”
Nhưng vẫn có người không tin, nên Ngài thí nghiệm thử. Ngài lấy một hạt châu quý đem ra cửa thành thả ở chỗ đông người, dễ thấy nhất. Quả nhiên ba ngày sau, hạt châu vẫn ở chỗ cũ, không bị người nhặt lấy. Ðó là do Ngài đời đời kiếp kiếp giữ giới trộm cắp rất thanh tịnh, cho nên mới có quả báo ấy.
Vì thế, chúng ta hiện đời nếu gặp oán tặc thì đành phải cam chịu; cho dù bị mất những thứ gì hoặc bị tổn thất gì, đều không cần phải quá buồn bã, mà phải vui vẻ đón nhận, không nên oán trời trách người.
Nhớ lại hồi ở chùa Nam Hoa tôi đã từng gặp phải nạn oán tặc. Năm nọ, trước vía Quán Âm – ngày 19 tháng 9 – một ngày, có rất nhiều thổ phỉ muốn đánh cướp chùa Nam Hoa. Bọn họ đập cửa ầm ầm, nhưng tôi không mở. Một lát cửa sau bị bọn thổ phỉ phá tung.
Lúc đó, trước sau và hai bên đều có thổ phỉ cầm súng chĩa về phía tôi, nói: “Muốn chết cho chết luôn.” Có tên hét lên dọa đánh tôi. Nhưng lúc đó tôi không cảm thấy sợ hãi gì cả, nói chuyện với họ rất tự nhiên.
Tôi hỏi họ: “Tại sao các anh muốn đánh tôi?”
Họ hỏi vặn lại: “Tại sao ông không mở cửa?”
Tôi trả lời: “Giả sử anh là tôi, và tôi là anh, hẳn các anh cũng không muốn mở cửa! Tại sao thế? Vì các anh đến đây là để lấy đồ vật của tôi chớ không phải là tặng quà.”
Nghe tôi nói thế, họ lại bảo: “Ðưa chi phiếu ra đây!”
Lúc đó tôi đương mặc một chiếc áo tràng vá nát, tôi nói: “Các chú xem chiếc áo tôi đang mặc đây này, thì cũng biết tôi là người có chi phiếu không?”
Chúng nhìn qua một lượt, lại hỏi: “Vậy ở đây ai có tiền hả?”
Tôi nói: “Tôi là Giáo thọ của Phật học viện này, các vị kia đều là học sinh cả. Tôi làm Giáo thọ mà không có tiền, thì học sinh làm gì có tiền? Nếu mấy chú không tin thì cứ vào phòng tôi xem thử. Nếu thấy có vật gì đáng giá hoặc có bảo bối gì thì cứ cầm lấy!”
Lúc ấy trong phòng tôi thậảt ra có hai món bửu bối, mà lại là hai bửu bối “sống.” Ấy là một chú Sa-di và một vị Pháp sư. Hai người này khi nghe thổ phỉ đến kêu cửa, thì tay chân bủn rủn, sợ đến nỗi đi không được, bò đến chỗ tôi nói:
-“Pháp sư ơi, làm sao bây giờ? Tôi sợ quá đi mất!”
Tôi nói: “Không sao đâu! Quý vị cứ vào phòng tôi, chui đại xuống gầm giường trốn là được!”
Bấy giờ tôi lại bảo bọn thổ phỉ đi vào phòng xem cái gì lấy được thì lấy, cả hai người sợ đến phát run lẩy bẩy, răng đánh vào nhau cầm cập! Rốt cuộc bọn thổ phỉ lại không vào phòng tôi. Ngay lúc đó, có vị Pháp sư thấy tôi nói chuyện với bọn thổ phỉ có vẻ thân thiện, cũng từ trong phòng bước ra định góp chuyện.
Thầy vừa bước ra, bọn thổ phỉ thật lạ lùng, vội bước lên chĩa súng vào người, vây quanh đòi đánh, làm Thầy sợ hãi đến phát khóc. Lúc đó trong lòng tôi rất khó chịu, tôi nói:
-“Ông ấy cũng không có tiền đâu, các ông muốn tiền thì cứ đòi ở tôi đây nè!”
Nhưng bọn thổ phỉ không để ý gì đến tôi, cứ theo ông ta đòi tiền. Ông ta nói:
-“Hãy vào phòng tôi mà lấy!”
Nói rồi dẫn bọn thổ phỉ đi lấy hơn hai trăm đồng. Có lẽ là tiền dành dụm được trong bao nhiêu năm, cuối cùng rơi vào tay thổ phỉ.
Qua ngày hôm sau, vị Pháp sư ấy nói với các Tăng sinh rằng:
-“Ở chùa Nam Hoa có hơn hai trăm người mà chỉ có vị Pháp sư này là không biết sợ thôi.”
Tôi mới nói với các vị ấy: “Không phải chỉ mình tôi đâu, trong chùa có đến bốn vị không biết sợ đấy.”
Vị thứ nhất là ai?
-“Là Lục Tổ Ðại sư, Lão tăng nhập định ngồi ở đó như như bất động. Thổ phỉ đến là việc của họ, họ cướp cái gì thì cướp, Ngài không để ý đến.
-“Người thứ hai là Hám Sơn Ðại sư, Ngài cũng ngồi như lão tăng nhập định, yên lặng không lay động.
-“Người thứ ba là Ðan Ðiền Tổ sư, Ngài không có đại định lực như Lục Tổ và Hám Sơn Ðại sư, còn ngước đầu lên (vì nhục thân của Ngài lưng hơi còng) nhìn bọn thổ phỉ.
-“Người thứ tư mới đến lượt tôi.”
“Hoặc gặp oán tặc vây; Cầm dao muốn gia hại; Nhờ sức niệm Quán Âm; Ðều liền khởi từ tâm.” Khi gặp bọn oán tặc tôi không sanh tâm lo sợ, mà rốt cuộc bọn thổ phỉ ấy không đánh cũng không bắn tôi gì cả. Tại sao thế? Vì lúc đó tôi đã niệm Bồ Tát Quán Thế Âm; ban đầu họ đối với tôi rất hung dữ, nhưng thấy tôi là một ông thầy tu rách rưới, mới nghĩ: “Ông thầy tu này thiệt đáng thương!” nên phát khởi lòng từ bi mà không gây phiền phức cho tôi.
Trích Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Lược Giảng
Hòa Thượng Tuyên Hóa
NIỆM PHẬT CHỚ SỢ BỊ CƯỜI
Có nhiều vị muốn tu học Phật pháp, nhưng lại sợ bị người chê cười là tiêu cực, hủ bại, mê tín. Do đó khi xem kinh thì lén lút không dám công nhiên cho người thấy; hoặc có ăn chay, niệm Phật cũng không dám cho ai hay. Nên biết đạo Phật chẳng những là một tôn giáo, lại là một môn triết học rất cao thâm, các học giả uyên bác Ðông Tây đã có nhiều vị nghiên cứu và thật hành. Phật đạo là con đường sáng suốt đưa người từ hung ác đến thiện lương, từ hàng phàm phu mê mờ đến địa vị thánh nhơn toàn giác. Cho nên người đã có duyên may tu học Phật pháp, nên mừng cho mình được phước lành, và tùy nghi đem ra khuyên nhắc kẻ khác làm theo, chớ không chi phải e ngại. Những kẻ chê tu Phật là tiêu cực, hủ bại, mê tín, chỉ vì họ chưa hiểu biết mà thôi.
Trích: Niệm Phật Thập Yếu
Cố hòa thượng Thích Thiền Tâm
ĐIỀU VĨ ĐẠI NHẤT MÀ BẠN CÓ THỂ LÀM
Nếu như bạn đã từng đọc qua rất nhiều câu truyện về Luân hồi và Nhân quả, rồi nghiền ngẫm, suy xét. Chắc hẳn bạn cũng cảm thấy kinh sợ vì sự nguy hiểm của luân hồi,sự khủng khiếp của nghiệp báo.
Truy xét kiếp trước của những chúng sinh trong địa ngục, đang ngày đêm bị chặt chém, gào thét giữa vô vàn máu, nước mắt, quỷ dữ và lửa đốt không ngơi nghỉ. Ta thấy có rất nhiều người , những kiếp xưa cũng đã từng làm những việc rất tốt, cũng giúp đỡ người nghèo khổ, cũng cúng dường, cũng xây cầu làm đường… cũng đủ mọi điều lành
Rồi nhờ phước đức đó kiếp sau họ đầu thai về những nơi sung sướng , người thì được giàu sang,vinh hiển, người thì làm quan tướng, vua chúa, hay cao hơn, sinh lên cõi trời làm thần, làm tiên. Khi ấy, sự cao sang quyền quý, sự thụ hưởng phước báu khiến họ u mê, không còn hiền thiện như kiếp trước nữa. Họ bắt đầu kiêu ngạo, ác độc và tạo ra bao nhiêu điều tội lỗi. Giết hại chúng sinh, tà dâm, ác khẩu… cũng như trăm nghìn tội lỗi khác. Phước báo đời trước không giữ được họ khỏi những tham lam, sân hận, si mê trong lòng.
Cuối cùng, vì những tội lỗi mà họ đã tạo, họ bị lôi vào địa ngục, bị thiêu đốt, bị đâm chém … bị đủ mọi đau đớn
Xét rộng ra tất cả các chúng sinh đang chịu khổ, dù là người, là thú vật, là quỷ đói hay chúng sinh địa ngục ,tất thảy đều đi qua các chu kì như thế: LÀM PHƯỚC_ HƯỞNG PHƯỚC, đồng thời TẠO TỘI_ CHỊU TỘI. Mà cái thời gian chịu tội thường lâu gấp ngàn vạn lần cái thời gian hưởng phước, thật là một chu kì ác nghiệt và nguy hiểm. Còn gọi là sự nguy hiểm ở kiếp thứ ba.
Ngay đến cả các chư thiên ở các tầng trời cao nhất của cõi Vô sắc giới,hưởng phước báu cõi trời an lạc đến hàng triệu triệu năm, cũng vẫn chưa thoát khỏi cái chu kì ác nghiệt này, huống chi tất cả chúng ta?
Thế nhưng không lẽ không có cách nào thoát được cái vòng luẩn quẩn ấy ? Rất may cho chúng ta_ những người có duyên với Phật pháp, là có một lối thoát !
Đức Phật dạy chúng ta con đường Bát chánh đạo (Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định) và khẳng định rằng ai theo con đường ấy sẽ thoát được luân hồi sinh tử. Tuy nhiên, bạn phải hiểu rằng bạn phải thực hành theo đúng Bát chánh đạo trong suốt hàng ngàn kiếp mới mong thoát được cái vòng luẩn quẩn của luân hồi. Điều đó thật sự thiên nan vạn nan! Ngay bước đầu là Chánh kiến (hiểu biết cho đúng), cũng đã là một thử thách lớn lao. Dù kiếp này ta gặp được Phật pháp cũng không gì đảm bảo kiếp sau ta lại gặp được chánh Pháp như thế.
Đức Phật, Người biết điều đó, vì lòng từ bi Người đã dạy một yếu chỉ quan trọng, Phật gọi là “PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ”, trong kinh Hoa nghiêm , còn được gọi là ” Sơ phát tâm”, trong kinh Kim Cang, được gọi là ” Phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” hay trong một số kinh được gọi là ” Phát Tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”
Chỉ cần một lần PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ, bạn cũng như bất kì người nào khác đã đặt bước chân đầu tiên lên con đường vững chắc, kiên cố hướng đến quả vị Phật. Cho dù muôn kiếp sau có xảy ra điều gì đi chăng nữa cũng không làm điều này thay đổi được .
Nhưng thế nào là PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ ?
Thời còn tại thế, Đức Phật kể câu truyện sau :(Trích từ kinh A-xà-thế )
Vào thời quá khứ cách đây vô số kiếp, có Đức Phật ra đời hiệu là Nhất Thiết Độ Như Lai.
Bấy giờ, một gia đình quý tộc giàu sang có ba đứa con nhỏ. Một hôm, cả ba em mang ba hạt châu đến cúng dường Đức Phật khi đó có hai vị Đại đệ tử đứng hai bên Phật. Cúng dường xong, một em nói: “Con muốn sau này được như vị tỳ-kheo đứng bên phải Đức Phật.” Một em khác lại nói: “Con muốn sau này được như vị tỳ-kheo đứng bên trái Đức Phật.” Em thứ ba nói: “Con muốn sau này được như Đức Phật ngồi giữa đại chúng.”
Đức Phật Thích Ca kể lại chuyện này rồi dạy rằng:
“ Em bé muốn được như vị tỳ-kheo đứng bên trái Phật, nay là Xá-Lợi-Phất. Em bé muốn được như vị tỳ-kheo đứng bên phải Phật, nay là Mục-Kiền-Liên. Còn em bé phát nguyện làm Phật, chính là ta ngày nay.”
Lời phát nguyện của em bé thứ ba chính là PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ. Chính nhờ một lần phát nguyện như thế, mà em bé đó trải qua vô lượng kiếp tu hành trở thành Đức Phật Thích Ca như chúng ta đã biết.
Nói một cách dễ hiểu, PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ là khởi lên ước muốn trở thành Phật. Hoàn toàn không khó ,phải không bạn ? Và bạn có thể thực hiện điều đó ngay trong ngày hôm nay !
Những việc bạn cần làm là giữ lòng thành kính, bước đến trước bàn thờ Phật , quỳ xuống , chắp tay hướng đến Phật mà phát lên điều nguyện rằng:
“ Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật ! Nam Mô A Di Đà Phật ! Con xin đem hết thảy căn lành, thành tâm mà nguyện rằng : trong vô biên vô lượng kiếp sau, con sẽ tu hành mọi công hạnh không tính kể thời gian để chứng đắc được quả vị Phật giống như Người, hóa độ vô biên vô số chúng sinh trong Pháp giới ! Cúi xin mười phương Chư Phật chứng giám!”
Và điều nguyện đó sẽ càng chí thành hơn, càng linh ứng hơn nhiều nếu trước đó, bạn thực hiện một việc phước lành như bố thí, cúng dường, phóng sinh, ấn tống… hay bất kì việc từ thiện nào khác. Rồi cũng đến quỳ trước tượng của Đức Phật mà khấn rằng :
“ Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật ! Nam Mô A Di Đà Phật ! Con xin đem hết thảy căn lành và chút công đức bé nhỏ này, thành tâm mà khấn nguyện rằng : nhờ chút ít công đức đó mà trong vô biên vô lượng kiếp sau, con sẽ tu hành mọi công hạnh không tính kể thời gian để chứng đắc được quả vị Phật giống như Người, hóa độ vô biên vô số chúng sinh trong Pháp giới ! Cúi xin mười phương Chư Phật chứng giám!”
Mọi cây đại thụ vĩ đại nhất đều bắt đầu từ một mầm cây bé nhỏ. Nếu như bạn thực hiện được điều này, có nghĩa là bạn vừa gieo một hạt mầm của cây Bồ Đề vào dòng luân hồi sinh tử của bạn. Không cần biết là trải qua bao nhiêu kiếp nữa, nhưng chắc chắn một điều rằng, lời nguyện thiêng liêng của bạn sẽ thành hiện thực.
Tất nhiên, một người sau khi PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ chưa thể ngay lập tức xuất hiện kì tích. Người ấy vẫn còn đầy đủ những tham_ sân_ si, người ấy vẫn còn hay mắc lỗi vì còn bản ngã. Nhưng những điều đó không có cơ hội để tồn tại lâu.
Giống như người tự có la bàn trong tâm, dù có đi giữa rừng già hay giữa sa mạc mênh mông, người đó cũng không sợ bị lạc. Người đã gieo hạt giống Bồ Đề vào trong tâm luôn tự tìm ra con đường đúng đắn để đi dù không có người chỉ dạy. Dù thời gian có lâu xa, phải trải qua số kiếp nhiều hơn số cát có trong quả Địa cầu này cũng không làm người ấy nản lòng. Dù có khó khăn, nguy hiểm, phải vì chúng sinh mà hi sinh thân mạng, nhiều đến mức phủ kín bề mặt Trái đất này cũng không làm người ấy dừng bước. Chư Thiên trên các tầng Trời không ngừng dõi theo từng bước người ấy bước đi trên con đường dẫn đến Đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì đó là con đường thiêng liêng mà mười phương Chư Phật đã đi.
Hãy dũng mãnh lên và PHÁT TÂM VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ ! Đó sẽ là điều vĩ đại nhất mà bạn từng làm trong vô lựợng kiếp qua và mở ra vô số điều vĩ đại trong vô lượng kiếp tới.
Chúc bạn sớm viên thành Phật đạo !
Nam Mô Bổn sư Thích Ca Nâu Ni Phật !
Nam Mô A Di Đà Phật !
Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát !
Nam Mô Đại Nguyện Đia Tạng Vương Bồ Tát !
Nam Mô Đương Lai Di Lặc Tôn Phật !
“Chúng sinh vô tbiên, thệ nguyện độ khắp.
Phiền não vô tận, thệ nguyện dứt sạch.
Pháp môn vô lượng, thệ nguyện tu học.
Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành tựu.”
Xin hoan hỉ cho hỏi bài trên có phải bạn viết không ạ? A Di Đà Phật.
A DI ĐÀ PHẬT.Bài này mình copy trên mạng, mong các bạn đồng tu cùng hiểu được. Không nhớ rõ là nguồn ở đâu. Nếu có gì sai sót, mong bạn hoan hỉ. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Cảm ơn bạn đã cho biết. Bởi mình thấy nhiều người copy bài rồi chia sẻ lại nơi khác nhưng vô tình “quên” tên tác giả của bài viết, khiến cho người đọc hiểu lầm bài ấy do chính người đăng viết ra. Như vậy sẽ thiếu mất phần tôn trọng tác giả. Nếu bài nào không rõ tác giả thì mình cũng nên ghi rằng bài ấy sưu tầm để tránh hiểu lầm.
Một lần nữa cảm ơn bạn nhé. A Di Đà Phật.
Thầy ơi cho con hỏi ạ lúc trước con là người thích đi chùa niệm phật nhưng dạo gần đây cơm áo gạo tiền khiến con thay đổi tâm tánh có lúc vì kẹt tiền con đã cầu nguyền mẹ quán thế âm nhưng không được như nguyện trong lòng con đã khởi lên ý nghĩ phỉ báng sau con con còn khẩu nghiệp nói mẹ quán âm tàn nhẫn thấy khổ không cứu như vậy có phải con phạm tội phỉ báng phật pháp rồi không ạ nếu có làm sao để sám hối ạ con sợ vì tội này không được vãng sanh coi như phí kiếp người này của con xin thầy giúp con ạ mấy ngày nay vì chuyện này lòng con như lửa đốt
Đã lỡ vậy rồi thì bạn hãy nên trước tượng Quán Thế Âm bồ tát mà sám hối khẩu nghiệp. Nguyện từ giờ trở đi cho đến vô lượng kiếp về sau không bao giờ tái phạm. Hễ gặp ai, viết thư cho ai, chít chát trên FB hay nơi nào cũng đều khéo léo tán thán ngợi khen hạnh nguyện Quán Thế Âm bồ tát. Cuối thư chèn vào câu “Nam mô Quán Thế Âm bồ tát” để kết thúc thư để họ đọc. Ráng khuyên người niệm danh hiệu ngài sẽ đặng thoát khổ. Khuyên một người dù là đọc hay niệm danh Quán Thế Âm thì tiêu nghiệp một phần. Xưa đã lỡ tạo nhiệp phỉ báng Tam Bảo thì nay phải ráng sức tán thán Tam Bảo để chuộc tội. Nhớ nhé.
Nam mô Quán Thế Âm bồ tát.