Tâm học Phật ban đầu của mỗi người đều rất đơn thuần, chỉ nghĩ đến việc lợi mình, lợi người và thực hành hạnh Bồ-tát, nghĩ sẽ chứng quả thành Phật độ khắp chúng sinh. Nhưng trong quá trình tu hành, phần đông người đi lệch đường mà không tự biết; hoặc bị tiêm nhiễm tiếng tăm và lợi dưỡng cùng với tâm tham lam vinh dự hão huyền dấy khởi. Tâm đã chẳng thanh tịnh lại quên mất việc lớn sinh tử của chính mình, trọn ngày chỉ tất bật chạy tới, chạy lui cho việc công ích bên ngoài. Kết quả làm được công đức, chỉ thành phước báu nhơn thiên, vẫn ở trong lục đạo luân hồi thọ khổ.
Trong quá trình học Phật, cần phải không quên tâm ban đầu. Giữ gìn tâm niệm thanh tịnh học Phật ban đầu, phải luôn ấp ủ và gìn giữ tâm trạng cảnh giác. Như kiểu cách người gìn giữ trật tự phải luôn để ý hành vi và ý định của chính mình có xao lãng với công việc hay không? Việc làm có dính mắc vào danh lợi hay không? Hay chỉ theo duyên bên ngoài mà không cần tự tỉnh? Hoặc chỉ cầu phước báu nhân thiên mà không cầu vãng sinh Tây Phương? Vừa có mảy may màu sắc danh lợi, phải lập tức sám hối tu sửa. Hơi có trái với tâm tốt lành ban đầu, lập tức hổ thẹn sửa lỗi. Như vậy mới không uổng một đời học Phật, không đến nỗi đi lạc vào đường tà.
Trích Liên Trì Cảnh Sách
Thích Quảng Ánh dịch
Phương pháp chuyển thù thành bạn:
Nếu bị kẻ thù mưu hại, nên dùng đất sạch, hoặc bột, hoặc sáp, nắn thành hình kẻ ấy. Xong, lại để hình nhơn trước tượng Thiên Nhãn, tụng vào lưỡi dao 108 biến Đại Bi, cứ tụng xong mỗi biến lại chém xuống một dao, kêu tên người kia một lần, rồi đem 108 đoạn hình đã chặt đốt tan. Y theo pháp thức như thế, kẻ oan gia thù nghịch sẽ đổi ra trạng thái vui vẻ, thân hậu đối với ta, trọn đời đôi bên quý mến lẫn nhau.
Trích KINH ĐẠI BI TÂM ĐÀ RA NI
Đời Đường, Sa môn Dà Phạm Đạt Mạ
Dịch Giả: Thích Thiền Tâm
HỌA VẼ – TÔN TẠO HÌNH, TƯỢNG PHẬT SẼ VĨNH VIỄN KHÔNG ĐỌA CÁC ĐƯỜNG ÁC.
Trong “Kinh Diệu Pháp Liên Hoa”, Phẩm thứ hai có một đoạn kệ dạy về công đức họa vẽ hình tượng Phật dù vô tình hay hữu ý như sau:
Vẽ tượng Phật rực rỡ
Trăm tướng phước trang nghiêm
Tự làm hoặc bảo người
Đều đã thành Phật đạo.
Nhẫn đến trẻ em chơi
Dùng cỏ cây hoặc bút
Hoặc lấy móng tay mình
Mà vẽ nên tượng Phật
Những hạng người như thế
Lần lần chứa công đức
Đầy đủ tâm đại bi
Đều đã thành Phật đạo
Giáo hóa các Bồ Tát
Độ thoát vô lượng chúng.
Lược giảng:
Mặc dầu đoạn Kinh văn ở trên nói dùng keo sơn vải để tạo tượng Phật, nhưng ở trong giới luật không đề xướng dùng vải sơn keo để tạo tượng Phật vì sơn keo có mùi hôi. Giới luật cũng nói, nếu là tượng Phật đứng thì chúng ta người học Phật không thể ngồi ở trước tượng Phật đứng. Nếu là tượng Phật ngồi, thì chúng ta không thể nằm ở trước tượng Phật ngồi.
“Thuở xưa, tại Tứ Xuyên có một người chuyên tụng Kinh Kim Cang, và khi tụng thì dùng tay viết Kinh Kim Cang trong hư không. Mỗi ngày ông ta đều đứng cùng một chỗ và dùng tay “viết ra” trong hư không.
Về sau, mỗi khi trời mưa, xung quanh chỗ ông ta viết Kinh Kim Cang không có mưa rơi xuống đất, điều này xảy ra thường xuyên như vậy.
Những người đã khai mở Phật nhãn mới thấy được rằng tuy ông ta dùng tay viết Kinh Kim Cang ở trong hư không, nhưng Thiên long bát bộ cũng đều đến đó bảo hộ bộ Kinh này, làm cho nước mưa chẳng rơi vào khoảng không nơi ông vẽ.
Về sau, một ngôi chùa được xây dựng lên tại chỗ này. Do đó, bạn có thế thấy rằng người đàn ông chỉ dùng tay viết trong hư không mà có cảm ứng to lớn như thế thì công đức họa vẽ hình tượng Phật thật không thể nghĩ bàn”.
Câu chuyện này được ghi lại trong sách “Kim Cang Kinh Linh Dị Ký”.
Bởi lẽ đó, lời kệ trong Kinh mới dạy những hạng người họa vẽ hoặc tạo tượng Phật như vậy lần lần tích lũy công đức, đầy đủ tâm đại bi, đều đã giác ngộ vô thượng thành Phật.
Trong “Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện”, Đức Phật khai thị cho Bồ Tát Phổ Quảng rằng:
“Này Phổ Quảng! Như có kẻ thiện nam hay người thiện nữ nào vẽ hình tượng của Ngài Ðịa Tạng Bồ tát rồi chừng một lần chiêm ngưỡng, một lần đỉnh lễ, người đó sẽ được sinh lên cõi trời Ðao Lợi một trăm lần, không còn phải bị sa đọa vào ác đạo nữa. Người thiện nam, thiện nữ nào tự mình hoặc bảo người đắp vẽ hình tượng của Bồ tát, người đó khi thọ quả báo chắc đặng nhiều lợi lớn”.
🙏10 CÔNG ĐỨC HỌA VẼ – TÔN TẠO HÌNH, TƯỢNG PHẬT:
1. Đời đời kiếp kiếp có đôi mắt sáng suốt thấy rõ.
2. Vĩnh viễn không sinh vào nơi đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu sinh làm người thì bạn bè và láng giềng đều là người tốt, không gặp người ác hay thú dữ.
3. Luôn sinh vào nhà giàu sang, được tôn kính.
4. Thành tựu thân kim sắc.
5. Đời sống giàu sang phú quý.
6. Tái sinh vào nhà hiền lành, đức độ.
7. Có thể được sinh làm vua.
8. Được tái sinh thành một vị Chuyển luân Thánh vương.
9. Có thể sinh về cõi trời Phạm thiên và sống lâu đến một kiếp.
10. Đời đời kiếp kiếp vị lai đều tôn kính Tam Bảo, quy y Tam Bảo, chẳng phải đọa lạc.
Trích Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập
Lược giảng: Hoà Thượng Tuyên Hoá
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định
xin cho con hỏi, khi mơ người ta thường không có cảm xúc do tiếp xúc gây lên. tức là khi mơ mình chạm vào 1 cái gì đó thì chỉ nhìn thấy mình chạm còn vật đó gồ gề, mềm, cứng hay nóng lạnh đều không có cảm giác
lúc bé con như vậy, hỏi bạn cũng thế. nhưng dạo mấy năm gần đây thì có cảm giác y như thật. khi chạm vào cái gì đó, làm 1 cái gì đó, và khi ở cạnh 1 người trong mơ cũng như mình đang ngồi cạnh người đó ngoài đời thật. chạm được vào, thấy được ấm, lạnh, các kiểu
cho con hỏi điều này có phải là bình thường không ạ?
câu 2. con xem về phật pháp thì có nói ác nhân sau khi chết làm đồ ăn cho ma vương, vậy số phận họ sau đó sẽ ra sao ạ? bị ma vương ăn xong thì họ biến mất vĩnh viễn luôn sao ạ?
câu 3. cái gọi là 8 vạn 4 ngàn kiếp là biểu tượng cho điều gì vậy ạ?
con xin cám ơn ạ.
không rõ, nhưng không giống kẻ thù lắm, chỉ là mơ nhưng y như thật. có cảm giác, cảm xúc, như đang xảy ra ngoài đời thật.
cho hỏi nữa với ạ
những câu xúc phạm trời đất thì không nói, còn những câu như “trời ơi, ối trời….” và những câu kiểh như vậy có được nói không ạ?
hồi bé có nói, thì bà bảo không được nói như vậy, trời không phải cái để gọi.
không biết có được nói những câu như thế không ạ?
Cô chú đồng Tu cho con hỏi câu Ngu Si này do con chưa thấu Nhân Quả chứ không phải không Tin Nhân Quả ạ: Quả báo giết hại Vật là bệnh tật sống không thọ nhưng sao con thấy các Nông Dân miền sông nước hay các Ngư Dân miền biển mỗi ngày đánh bắt giết hai bao nhiêu loài Thủy Tộc nhưng nhiều người họ vẫn sống rất khỏe mạnh và sống lâu vậy (ý con không có ý muốn họ phải bệnh tật sống không thọ) nhưng tại sao họ không bị vậy ạ ? Dạ xin cô chú giải thích dùm câu hỏi rất Ngu Ngốc này của con ạ con xin cảm ơn. A DI ĐÀ PHẬT.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính gửi bạn Sơn,
“Quả báo là đền trả lại những gì chúng ta đã tạo ra ảnh hưởng đến người khác. Những gì chúng ta đã làm dù tốt hay xấu, dù vô tình hay cố ý đều sẽ hoàn trả lại cho chúng ta một cách sòng phẳng không thiếu sót khi hội đủ nhân duyên.” – thuvienhoasen.org
12 loại quả báo : Hiện báo, Sanh báo, Hậu báo, Định báo, Bất định báo, Cộng báo, Biệt báo, Cận tử báo, Thục vị thục báo, Chuyển báo, Thế gian báo, Xuất thế gian báo.
Ở đây chỉ xét 3 loại quả báo đó là : Hiện báo, Sanh báo, Hậu báo
Theo Phật học tinh yếu:
“1. Hiện-báo: Ðây là quả báo trong kiếp hiện tại; có nghĩa hiện thế gây nhân thì hiện đời chịu quả. Quả báo nầy có tánh cách mau, ví như trồng loại cà, ớt hay gieo giống lúa, chỉ trong vòng một mùa, một năm đã thu được kết quả. Hiện-báo còn gọi là Hoa-báo, danh từ nầy hàm ý nghĩa mau lẹ, ảnh hưởng không đợi đến thời kỳ sanh trái, mà đã phát lộ trong thời kết bông. Tục ngữ có câu: “Ðời xưa trả báo thì chầy. Ðời nay trả báo một giây nhãn tiền”. Hai câu nầy chỉ cho tánh cách của Hiện-báo hay Hoa-báo.
2. Sanh-báo: Sanh-báo là gây nhân kiếp nầy, đời kế sau mới chịu quả báo. Quả báo nầy có tánh cách hơi lâu, ví như trồng mụn chuối con, hạ thổ năm nay, sang năm mới có trái. Trong kinh có câu: “Muốn biết nhân kiếp trước, hãy xem sự thọ hưởng đời nay. Muốn rõ quả kiếp sau, nên xét sự tạo tác trong hiện tại”. Hai câu nầy có thể chỉ cho ảnh hưởng của Sanh-báo.
3. Hậu-báo: Ðây là nói sự gây nhân trong đời nầy, đến ba, bốn, trăm, ngàn hay vô lượng kiếp sau mới thọ quả báo. Hậu-báo có tánh cách lâu hơn, ví như trồng những loại cây trong năm nay, đến năm, mười hay đôi ba mươi năm sau mới kết quả. Thuở xưa, khi Phật còn ở đời, có ông Thi-Lợi-Bật-Ðề đến một trăm tuổi mới cầu xin xuất-gia. Các vị Trưởng-lão như Ca-Diếp, Xá-Lợi-Phất, nhập định quán sát trong vòng 84000 kiếp về trước thấy ông thiếu căn lành nên không cho. Ðến khi Như-Lai đi khất thực trở về, thấy ông khóc lóc cầu xin, liền chấp thuận. Các vị Trưởng-lão hỏi duyên cớ. Ðức Thế-Tôn đáp: “Thi-Lợi-Bật-Ðề trước 84.000 kiếp, tiền thân là lão tiều phu, bị cọp đuổi gấp leo lên cây niệm một câu “Mô Phật”. Do thiện căn ấy đến nay mới gặp ta, và sẽ được đắc độ. Vì nhân lành kiếp trước của người nầy quá lâu xa, nên sức đạo nhãn của các ông không thể thấy biết được”. Trong kinh có bài kệ: “Giả sử trăm ngàn kiếp. Nghiệp đã tạo không mất. Khi nhân duyên gặp nhau, lại tự chịu quả báo”. Ðại ý bài kệ nầy chỉ cho trường hợp Hậu-báo.”
Tạm hiểu:
1) Hiện báo: Quả báo phải chịu trong đời hiện tại đối với những hành vi mà chúng ta đã gây từ nhiều đời trước hay đời này.
2) Sinh báo: Quả báo phải chịu trong đời sau do hành động của chúng ta làm trong đời này.
3) Hậu báo: Qua nhiều đời nhiều kiếp sau khi đủ duyên mới trả quả báo.
*) 3 loại quả báo trên có thể giải thích cho chúng ta biết tại sao trong đời sống hiện tiền có người rất hiền lành tốt bụng mà cứ gặp những điều không may khiến cho họ chịu đau khổ triền miên, đó là do những kiếp trước họ đã gây nghiệp xấu đến đời này đủ duyên họ phải trả gọi là “hiện báo”, còn những nhân lành họ làm đời này có thể họ sẽ được hưởng phước báo ở đời sau gọi là “sinh báo”. Những người sống ở đời này có những hành động ác, hại người đau khổ mà vẫn sống trong sung sướng gặp nhiều may mắn, đó là có thể trong nhiều đời nhiều kiếp trước họ tạo nhiều nghiệp lành nên đời này họ được hưởng phước, riêng những điều họ làm ác ở đời này thì họ sẽ phải trả ở những đời, những kiếp sau gọi là “hậu báo”!
Trong kinh Nhân Quả Ba Đời có các câu về sát sanh:
“Không cha mất mẹ do nhân gì?
Kiếp trước là người đánh bẫy chim.
Đời nay mạng yểu do nhân gì?
Kiếp trước xẻ thịt giết chúng sinh.
Bị thuốc độc chết do nhân gì?
Kiếp trước đăng lưới giết hại cá.
Đời nay chết treo do nhân gì?
Kiếp trước đem dây săn bẫy thú.”
– trích Kinh nhân quả ba đời: http://bit.ly/2LwftZA
Nhân quả không chừa một ai, quả Báo Thường Đến Muộn Nên Con Người Ta Thường Có Ý Xem Thường.
Nam Mô A Di Đà Phật
Dạ con rất cám ơn chú Thanh Tịnh ạ NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
NGƯỜI ĐẠI PHÚ QUÝ NẾU KHÔNG BIẾT HỌC PHẬT, KHỔ NẠN CỦA HỌ LÀ BA ĐƯỜNG ÁC; CÒN NGƯỜI BẦN CÙNG, NGHÈO KHỔ, BIẾT NIỆM PHẬT, THÌ TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC LÀ NƠI HỌ ĐƯỢC VÃNG SANH.
Mỗi giờ, mỗi phút, niệm niệm quan tâm đến tất cả chúng sanh, nhất là chúng sanh khổ nạn. Phạm vi của khổ nạn rất sâu, rất rộng.
Trong xã hội ngày nay, người có địa vị, có tiền của, họ cũng đang khổ nạn (việc này phần đông người thế gian lơ là). Họ khổ nạn ở chỗ nào vậy ?
Sau khi chết rồi họ liền đọa tam đồ, họ làm sao mà không khổ, làm sao mà không gặp nạn ? Những người này mê muội trong ngũ dục lục trần, không thể tự giác ngộ.
Họ học Phật, thực tế mà nói, kiểu học Phật của họ là tiêu khiển Phật pháp, bỡn cợt Phật pháp, đối với Phật pháp không biết một tí gì, họ không có duyên phận nghe kinh, nghiên cứu giáo lý.
Duyên phận của họ ở trong hí trường thế gian. Người thế gian thấy hạng người này sống rất hạnh phúc, có không ít người ngưỡng mộ, thảy đều là sai lầm ! Những ngày tháng hoan lạc đó của họ có thể qua được mấy ngày ? Sau khi qua hết rồi thì họ luân lạc đến ba đường ác.
Sự việc này Phật Bồ Tát nhìn thấy rất rõ ràng, đây là chúng sanh khổ nạn. Cho nên loại khổ nạn này không thấy được, còn những cái khổ thiếu hụt cơm áo ở trước mắt thì rất rõ ràng, rất dễ thấy.
Những người đại phú đại quý không biết học Phật, không hiểu được tu tâm, trong khoảng chớp mắt là đọa tam đồ. Loại khổ nạn này bạn không thể thấy được, nên mọi người chúng ta bỏ sót mất.
Những người bây giờ bần cùng hạ tiện, nhưng họ một ngày từ sớm đến tối biết niệm Phật. Chúng ta mở to mắt ra mà xem, qua vài năm nữa thì họ vãng sanh đến Tây Phương Cực Lạc làm Phật, làm Bồ Tát, họ không có khổ nạn.
Người thế gian điên đảo, họ chỉ nhìn thấy trước mắt, không nhìn vào chiều sâu. Nếu chúng ta không học Phật, không có tu dưỡng thì cũng không biết, chúng ta làm gì có thể nghĩ đến những sự việc này?
Trích Lời Giảng Hòa Thượng TỊNH KHÔNG
CỰC TỊNH SANH ĐỘNG
(Bạn bớt một chút thời gian đọc 1 câu chuyện đặc sắc sẽ có được những bài học chân thực trên con đường tiến tu đạo nghiệp)
Cách đây 28 năm (1973), hồi đó tôi 16 tuổi (1945), nghe kinh Bát Nhã và pháp Bảo Đàn, bỗng nhiên lòng tôi không còn luyến tiếc gì bản thân và muốn xa lìa tất cả để lên non cao tu luyện. Tôi đem ý nguyện ấy thưa với Bổn sư là Hòa thượng Diệu Quang, Tổ thứ sáu của Tổ đình Thiên Ấn và là vị khai sơn chùa Viên Giác núi Thanh Thanh – nơi tôi đang tu học.
Hòa thượng nhìn tôi và nghiêm trọng bảo – ông nên dẹp bớt lòng bồng bột ấy đi! Vì khi đang học đạo thì ai cũng tưởng mình có thể thực hành sáu pháp lục độ chẳng mấy khó. Nhưng khi va chạm vào thực cảnh, chịu đói lạnh vài ba tháng, những cơn sốt rét ở rừng sâu và biết bao cảnh trạng kỳ quái cứ đêm đêm lại hiện về như trêu cợt, như dọa nạt thì thối chí ngay. Nếu chí thoát trần mạnh mẽ có thể vượt qua được, thì bấy giờ cái “Động” ở nội tâm lại hiện ra. Tổ xưa đã dạy: “Cực tịnh sanh động”. Ông nên tham cứu nghĩa lý ấy và nán lại năm sau, hay đợi khi thọ đại giới rồi sẽ cho ông đi cũng không muộn. Rồi Hòa thượng đưa tay chỉ về trảng núi phía tây mà hỏi :
– Ông có biết cái động bằng đá ong ở đầu dốc đó không?
– Dạ, bạch thầy con biết, chúng con đi hái củi thường trèo xuống đó để xem, nhưng chúng con nghĩ chỗ ấy có vẻ như ai tạo nên thì phải ?
Hòa thượng gật đầu :
– Ừ, chính Thầy tạo ra đấy! Cách đây 12 năm Thầy tạo chùa này, sau đó thì ông Chơn Dung đến xin làm đệ tử cầu pháp của Thầy. Ông nguyện ăn mỗi ngày một bữa cơm trưa và thọ trì kinh Pháp Hoa. Được hơn nửa năm ông ấy thưa với Thầy rằng, ở đây ồn ào không tu hành gì được, ông xin lên núi cao để tu tập. Thầy cản ngăn và hứa sẽ tạo nơi yên tịnh cho ông. Bởi đó, nên Thầy mới tạo ra cái động đá ấy để cho ông tu trì. Sau khi ông Chơn Dung ra đó được ba tháng thì ông không chịu ăn cơm nữa mà chỉ ăn rau thôi, mà ăn bằng rau khô. Thầy cũng tùy theo nguyện lực của ông, cứ đúng trưa thì đem ra ông một tô rau hấp. Đôi khi Thầy ra nghe ông tụng kinh. Có một điều rất lạ, là bất cứ ai, khi ông đang tụng kinh mà bước vào động là cảm thấy rùng mình và không biết một uy lực gì khiến cho kẻ đó phải sinh lòng sợ hãi, kể cả Thầy là sư phụ của ông ta mà cũng không tránh khỏi cái cảm giác sợ hãi đó! Và kỳ diệu hơn là an rau như thế mà ông mạnh vô cùng. Có một lần ông ta vào hầu chuyện với Thầy, gặp lúc trong chúng đang dùng đòn bẩy để khiêng 1 cái cối đá bốn năm người ì ạch coi mệt nhọc lắm, thì ông cười và bảo để đó ông vác cho. Rồi ông xắn tay hự mạnh một tiếng đưa cái cối lên vai, vác đi trông rất nhẹ nhàng.
Từ đó tiếng đồn lan ra, mọi người dưới đồng nội mới lên trước lễ bái, sau cho biết ông. Trong số người ấy một phần vì ngưỡng mộ, một phần vì tính hiếu kỳ.
Tình trạng ấy làm xáo trộn sự tịnh tu của ông, nên 1 hôm, nửa đêm ông lén Thầy ra đi, có để lại 1 phong thơ sám hối, chỉ vì sự tu niệm nên cam thất lễ. Thầy cũng chẳng biết ông đi phương nào, núi nào, ở đâu ? Vì ông không đề cập đến.
Hai năm sau, thì Thầy được tin ông tu ở núi Thạch Động, khoảng giữa của dãy Trường Sơn, thuộc quận Trà Bồng, Quảng Ngãi. Ở đó, hằng đêm những rắn to Rắn nhỏ, mầu sắc kỳ dị, đến trước cửa động ngóc đầu nhìn vào như tuồng để nghe kinh. Kinh dứt, chúng tản mác hết. Trước kia núi này cọp rừng hung dữ, đường núi không ai dám đi. Chỉ có làng Thượng ở đó, mỗi khi đi phải mười hay hai mươi người, giáo mác và đánh phèn la inh ỏi mới có thể đem quế, gạc, nai, da cọp xuống đồng để đổi lấy gạo muối. Ấy thế mà từ khi ông Chơn Dung về tu ở Thạch Động, một vài người cũng dám đi. Nếu có thấy cọp, họ niệm Phật hoặc kêu tên ông Chơn Dung là bình an vô sự. Điều đáng tin tưởng hơn là cả làng Thượng đều về quy y với ông cả.
Nhưng than ôi! nghiệp chướng còn mang nặng với ông, mới ba năm thì ông bị đọa lạc bởi người con gái tên Trầm Thị Két. Bỗng dưng rừng núi nổi phong ba: cọp ngầm, rắn gáy chung quanh động suốt đêm. Uy lực linh thiêng đã biến hết! Ông và một số đồ đệ phải bôn đào về đồng nội. Rồi từ đó ông không còn dám gặp Thầy nữa. Danh Nho thường nói: “Dục tốc bất đạt” và chư Tổ cũng dạy: “Cực tịnh sanh động” quả thật là chí lý.
– Dạ, bạch Thầy, ông Chơn Dung hiện giờ ở đâu? Và con muốn biết nguyên nhân gì khiến ông đọa lạc dễ dàng như thế ?
– Nghe nói ông ở dưới làng Đông Phước thuộc phía Tây Bắc chân núi này. Còn nguyên nhân thì có lẽ do nội chướng ở tự tâm của ông ta chỉ được đè nén bởi công đức thọ trì chứ chưa biết phương pháp trừ diệt, đó chính là Tâm động mà cảnh tịnh, cũng như cỏ gấu bị đè, khi vật đè đã hất đi thì cỏ ấy lại mọc mạnh hơn trước.
Tôi cúi đầu lạy Thầy, định ra khỏi phòng thì Thầy lại bảo :
– À, còn điều này mới lạ, đệ tử của ông thuật lại cho Thầy biết rằng hồi đầu ông mới lên thì trong làng sắc tộc cho một người đại diện biết tiếng Việt ra trao cho ông một cái dĩa bằng gỗ trầm có chạm hình, một cái hoa sen búp và một con chim cắt đang rỉa cái bông mà ăn, người Mọi ấy bảo rằng cái dĩa đã lưu truyền ba đời rồi, cách đây trên một 100 năm có một nhà sư không biết từ đâu tới và đi ngả nào đến trao cái dĩa cho tổ phụ và dặn chừng nào có một nhà sư lên ở ngôi Thạch Động thì trao lại cho nhà sư ấy. Ông Chơn Dung nhận cái dĩa nhưng ông không nhận biết được ý nghĩa của cái dĩa để làm gì – đến giờ thì chắc ông Chơn Dung đã hiểu ý nghĩa nó rồi. Đâu, ông thử đoán xem có đúng không ?
Tôi suy nghĩ giây lát rồi thưa :
– Dạ, bạch Thầy, theo thiển ý của con thì bông sen là ứng về ông Chơn Dung, còn con chim két là ứng cho cô Trầm Thị Két rồi, còn nghĩa kín của nó là: – Hữu hoa tất hữu quả”, một khi cái bông bị hư nát thì quả làm sao kết tụ được. Có điều đáng tức là làm sao ông Chơn Dung lại xem khinh sự lưu truyền hy hữu như vậy! Biết đâu với vị thiền sư xa xưa ấy không phải là bậc Bồ Tát ?
Thầy cười và bảo :
– Ông nhận xét rất đúng, rất hợp với ý của Thầy lắm! Nhưng nếu ông chưa nghe câu chuyện thì vị tất ông đã đoán được như vậy.
Câu chuyện trên quả đã làm cho tôi kinh sợ về cái “khó” cho bước đường tu học của đời tôi.
Sau đó, bổn sư tôi cho tôi đi tha phương tu học một thời gian. Trải qua sáu năm khi tôi trở về thì chiến cuộc ở tỉnh nhà đã đến hồi khốc liệt. Tôi vâng mệnh Thầy giữ chức vụ thủ tọa ở chùa Viên Giác.
Bỗng một sáng tinh sương, chúng tôi đang cùng nhau kéo nước thì ở đầu dốc hiện ra một người, trên vai vác một cuộn dài độ hơn 1 thước. Chúng tôi ngạc nhiên đợi khi người ấy đến gần, tôi quan sát thấy ông ta đầu đội một cái khăn nâu, mặc đồ “bà ba”, nước da ngăm đen, mặt lưỡi cày, dáng đi hùng dũng, riêng đôi mắt sáng quắc như kẻ đã từng tập thôi miên. Vật ông vác trên vai là chiếc chiếu cuộn tròn, tôi có cảm tưởng trong ấy là một cái gối dài. Khi đến nơi ông hạ bó chiếu xuống đất đánh thịch một tiếng rồi thở ra một hơi dài. Ông đưa hai tay lên vái chúng tôi:
– A Di Đà Phật, có Hòa thượng ở nhà không các huynh ?
Chú Nuôi liền nhanh nhẩu :
– Dạ, Hòa thượng bây giờ Ngài không ở đây, Ngài giao cho Thầy thủ tọa, có việc gì thì bác cứ thưa với Thầy thủ tọa vậy.
Người ấy có vẻ sửng sốt, gương mặt thoáng buồn.
– Vậy Thầy thủ tọa ở trong chùa hay ở đâu ?
Chú Nuôi liền chỉ vào tôi.
– Đó, Thầy đamg đứng trên thành giếng kéo nước đó.
Người ấy hơi tỏ vẻ kinh ngạc, nhưng rồi lại vui vẻ đến chào tôi và hỏi:
– Chào Thầy Thủ, bộ hết người sao Thầy đi làm việc chung với chúng thế ?
Tôi nhảy xuống thành giếng xá ông rồi cười đáp :
– Chấp lao phục dịch là việc chung, bây giờ khác, hồi xưa khác, mà bác.
Tôi chỉ vào cuộn chiếu, hỏi :
– Bác vác cái gì trong chiếu ấy ?
Bỗng ông cười như mếu :
– Thưa Thầy xác chết !
– “Xác chết” ? Chúng tôi đều sửng sốt, các chú kinh ngạc đến há hốc mồm ra mà nhìn ông rồi nhìn chiếc chiếu !
Bấy giờ chúng tôi ngưng hẳn việc kéo nước mời ông vào chùa, ông ta không quên vác theo chiếc chiếu cuộn tròn.
Cái cảnh người chết bó gọn trong chiếc chiếu làm cho không khí thêm nặng nề. Không ai mở miệng hỏi câu gì. Chính tôi cũng chưa biết phải hỏi ông thế nào, trong thâm tâm có hàng chục câu hỏi. Vì tôi chưa biết ông là ai? Xác chết và ông ta có liên hệ gì ?
Nhưng ông ta đã phá tan bầu không khí u trầm ấy :
– Thưa Thầy, tôi bị nghiệp trần đày đọa, có hai đứa con trai, thằng Minh và thằng Mẫn. Thằng Minh thì khù khờ, thằng Mẫn được cái lanh lợi nhưng chẳng may nó lại chết sớm! Tôi chẳng có chỗ đất mà chôn nó. Nay xin cho con tôi một chỗ nằm và tế tự cho nó, nhưng rủi cho tôi chẳng được gặp mặt bổn sư, vậy xin Thầy từ mẫn cho tôi xin chỗ đất chôn nó và xin 1 mâm cơm rau để cúng nó, tôi với Thầy cũng nghĩa đồng sư, chắc Thầy không nỡ từ chối !
Tôi nhìn đôi mắt sáng của ông đã ngập lệ, tôi thân mật :
– Vậy ra bác cũng là đệ tử của Thầy tôi ?
– Dạ phải !
– Bác có thể cho tôi biết pháp danh ?
– Dạ, tôi là Chơn Dung.
– Chơn Dung? Chúng tôi đều thốt lên tiếng kinh ngạc và trố mắt nhìn ông.
Câu chuyện Thầy tôi kể năm xưa và hình ảnh người tu sĩ gan dạ phi thường kính mến lại hiện về trong tâm tưởng càng làm cho chúng tôi ngỡ ngàng tưởng chừng như giấc mộng! Nhưng chúng tôi còn phân vân không biết có phải ông Chơn Dung đó, hay có kẻ trùng tên (?), dù sao niềm kính trọng cũng vẫn còn trong chúng tôi. Tôi đổi cách xưng hô.
– Thầy là Chơn Dung, có phải người đã tu 3 năm trên non Thạch Động ?
– Dạ nhắc lại làm gì ? Tôi cảm thấy run sợ và hổ thẹn – Ông nói.
Thế là chúng tôi hiệp sức với ông lo chôn cất và cúng kiếng, mọi việc hoàn tất, trước khi ra về ông thưa với tôi :
– Thưa Thầy, dưới đồng tôi cũng ở nhờ nhà của người ta, tôi sinh kế bằng nghề thầy thuốc, vì thế thằng Minh không nơi giáo dục, tôi muốn cho nó về đây, nhưng e ngại quí Thầy khinh cha nó !
Tôi liền chận lại và nói :
– Thầy đừng nghĩ vậy, nếu quả thực Thầy đã cảm thấy chồn chân, trên đường phiêu lưu với duyên trần nghiệp chướng, thì cả Thầy lẫn cháu Minh cùng về đây sống với chúng tôi.
Ông Chơn Dung đứng lên và cảm động, nói :
– Thầy tốt lắm, tôi không ngờ tôi lại được may mắn trở lại cảnh chùa xưa.
Qua một thời gian, Hòa thượng về thăm chùa, Ngài mời sư Chơn Dung và tập chúng đông đủ, Ngài nói :
Ông Chơn Dung đáng lẽ câu chuyện sa đọa của ông nên dấu đi mới phải, nhưng tôi xét thấy quãng đường hành đạo của ông có lắm việc ly kỳ, mà trong thực tế, thời mạt pháp ít thấy xảy ra. Vì thế, mà tôi muốn ông nên vì kẻ hậu học, can đảm thuật lại những gì đã trải qua trong thời sa đọa của ông. Không biết ông có vui lòng để một kinh nghiệm cho về sau hay không?
Lúc ấy, tôi nhìn gương mặt của ông Chơn Dung, tôi nhận thấy không một điểm nào, chứng tỏ ông tàm quí trên vấn đe,?mà ngược lại ông hoan hỉ và trong sáng vô cùng, ông nhìn Hòa thượng rồi nói :
– Bạch Thầy, bao lâu nay anh em gạn hỏi, nhưng con vẫn từ chối, nay được gặp mặt Thầy, chính là sự chờ đợi của con và cũng là ngày con lại giã biệt Thầy.
Chúng tôi cảm thấy bùi ngùi nghe đến chữ “giã biệt” và cũng cảm thấy cuộc đời của ông như có sự chỉ định, ông kể :
– Ngày trước con là đệ tử của Ngài Hoàng Phúc, sau con về cầu pháp làm đệ tử của Thầy, vì Thầy là người bổ khuyết chỗ sở đắc bộ Kinh Pháp Hoa cho con – bộ kinh mà con say mê hâm mộ nhất, vì chỗ ứng dụng độ sanh của kinh này thật bao la vô tận. Chỉ nghe câu “nhược nhơn tán loạn tâm, nhứt xưng Nam Mô Phật, giai dĩ thành Phật đạo”.
Tạm dịch: “Nếu có người lòng đang rối loạn, mà xưng niệm một câu Nam Mô Phật, Những người đó, đều sẽ thành Phật đạo”.
Đó là nói người tâm tán loạn mà còn được như thế, nếu chí thành xưng niệm thì lợi ích biết bao. Thứ nữa, trong kinh dạy: “Người thọ trì hằng được Đức Phổ Hiền Bồ Tát và chư thiên hộ trợ, dù hiện thế chưa chứng đắc A la hán, nhưng lục căn được tinh minh đến độ như gần bậc ấy, đó là 1 trong nhiều nhân duyên con chọn Kinh Pháp Hoa làm cửa vào đạo.
Trước khi con rời động đá do Thầy tạo ra cho con, một hôm con đã mộng thấy một vị thiền sư mặc áo trắng bảo rằng: “Kinh Pháp Hoa vi diệu vô lượng, tuy dị hiển nhưng nan thành, nếu cầu chấp vào đó, ông là người phải gánh chịu những dư báo gian truân và chứng minh cái nghĩa “TỊNH” và “ĐỘNG”. Biểu thị việc làm “tiệm tiến” là bước đi vững chắc, còn “dục tốc” thì sẽ sa ngã, nơi thực nghiệm của ông là rừng thiêng nhiều thú dữ, về phía Tây cách đây ba mươi dặm, ông đến đó sẽ gặp nhiều di tích.
Mộng tuy sáng tỏ, nhưng chỉ dẫn lại mơ hồ, núi rừng bao la, cứ nghe phương nào có tiếng cú kêu, có tiếng hố gầm là con đến, quả nhiên, nhờ đó mà gặp được ngôi Thạch Động vừa ý. Vì ở đây có cảnh động hùng vĩ, có suối ngọt, có cây rau “Ranh” để sống, chắc Thầy biết rau này lá nó dài hơn một gang tay, có thể ăn sống, ăn luộc, hoặc nướng thì phồng lên như bánh tráng rất thơm ngon. Có những lúc con đi hái rau gặp số voi năm, bảy con, chúng cũng ăn bằng rau ranh trông chúng rất hiền từ, khi chúng thấy con thì vòi hất lên cao liền nghe những tiếng âm vang réo rắt như tuồng tiếng sáo. Những chú voi con là gạch nối thân thiện giữa con và các con voi lớn. Có một điều là từ lúc quen với chúng rồi, thì số rau chung quanh động, chúng không bao giờ ăn đến một lá, hình như chúng chừa lại để dành cho con vậy. Điều đó con âm thầm thấy là một khích lệ thiêng liêng làm cho con phấn chấn trên việc tu niệm nhiều hơn.
Một tháng sau con mới tiếp nhận cái dĩa trầm do người Thượng trao đến. Điều này thì Thầy và các chú đã biết.
Khi người Thượng về rồi, con đem cái dĩa ra chiêm nghiệm, thoạt đầu con ngửi thì nghe mùi thơm nhưng không phải mùi trầm, một lúc sau con thấy choáng váng vì hơi nồng kỳ lạ, đến nỗi khí quan gần như tắc nghẹn. Con nổi bực vất cái dĩa đó vào động, con nằm nghỉ rồi mê thiếp đi và một giấc mộng hãi hùng lại đến.
Con thấy đã vào trong một vườn hoa và gặp một người con gái, cô gái trao cho con một tờ giấy vàng, trong giấy vẽ hình một con đường từ núi xuống đồng bằng, hai bên đường chỉ toàn là những chấm đen và rắn rít. Con đường này chấm dứt ở giữa đồng, chỗ chấm dứt có hình một người đàn ông cõng hai đứa bé, hình người này trông hao hao giống con. Kế lật trang sau thì thấy ở đầu tờ giấy viết hai chữ “lai sanh” và vẽ một cái dĩa giống như cái dĩa mà người Thượng đã trao, nhưng trong dĩa thiếu hình con chim két.
Lúc ấy con nghe tiếng nói văng vẳng “cuộc đời gánh chịu và thực nghiệm của ông là đấy”. Con giựt mình tỉnh giấc.
Hai điềm mộng, khi con lén giã biệt Thầy và bấy giờ, tuy khác nhau nhưng tựu trung ý hướng lại có chỗ phù hợp. Càng suy diễn lòng con càng thắc thỏm cho tiến trình tu luyện của con, nhưng nhờ tinh tấn dần dần con lại quên và cũng cho đó là mộng mị mà thôi.
Sự tiến tu như vậy gần hai năm, thì bỗng nhiên bản tâm con tự thấy sáng suốt có thể thấy biết những việc ở xa khoảng mười lăm cây số trở lại – có điều con biết thứ sáng suốt này không phải là “tuệ” tự nơi mình hiển hiện, mà chính ở khả năng công đức thọ trì kinh Pháp Hoa. Mỗi lần tụng kinh tuy con không nhìn lại nhưng con vẫn thấy rõ được hình dáng các vị thiên thần uy nghi khi biến, khi hiện ở bên cạnh, và có bao nhiêu cọp, beo, rắn rết gần xa nghe kinh ở trước động.
Cái uy nghi bất khả thuyết ấy, tự nhiên lan rộng, làng Thượng về quy y, dân chúng hâm mộ lên cầu phước – Từ đó động mới có Tăng chúng và tín đồ, và cũng từ đó động mới chứa đựng những món ăn, gạo nếp, đậu, mè của đồng nội. Sự kiện đông đảo có lẽ là một nguyên nhân cho “Tịnh diệt động sanh” vậy.
Theo sự xác nhận của quần chúng thì từ đây núi rừng nó đã khoác lên bộ mặt mới – hiền hòa nhưng rộn rã. Cọp vốn thích ăn người nhưng khi thấy người chúng lại bỏ đi, nếu ai gan dạ nhìn ngắm chúng thì chúng cũng nhìn lại, nhưng khác với cái nhìn cân lượng để vồ bắt.
Cũng bởi đó, mà hàng tháng mấy chục bịnh điên họ võng cáng mang lên. Có những con bịnh trông xanh xao ốm yếu, nhưng khi cơn bịnh phát lên thì sức mạnh của họ lại mãnh liệt phi thường. Họ có thể nhổ một thân cây to như cổ tay và cao hàng hai ba, thước. Họ vung mạnh đủ sức ngã lăn năm sáu người chung quanh. Ấy thế mà họ thấy con là quỳ lạy như đứa trẻ ngoan sợ trị tội. Con đâu có biết chữa điên, con chỉ vì lòng thương đem bài chú “Đại bảo quảng bát lầu cát” mà nguyện cho họ. Rồi từ đó về sau bịnh họ không còn tái diễn nữa.
Cũng từ đây, cảnh Tịnh đã hóa nên vô tịnh, và cũng từ đây con mới nhận chân được cái nghĩa của điềm mộng ban sơ. Tuy nhiên con sợ uổng phí công phu, muốn đi ngược lại cái điều gọi là “Cơ duyên dĩ định”. Có lẽ vì sự cưỡng cầu đó mà con lại gặp phải một tai nạn – hay nói rõ hơn là bị một độc chất kỳ dị :
Mùa mưa năm ấy cô Trầm Thị Két đi hái lá rau Ranh. Cô gặp trên thân cây một cái nấm nở to như bàn tay sè, mùi của nấm rất thơm, ngâm trong nước muối không thay đổi màu nước, chứng tỏ nấm rất hiền và ăn được. Thế là họ hấp chung với rau cho con. Sau khi ăn xong độ ba giờ thì con phát bịnh, tứ chi đau nhức, mồ hôi vã ra, mắt như mờ hẳn không sao chịu nỗi. Con phải gắng hết sức thọ trì kinh chú mong qua cơn bịnh ngặt nghèo. Bấy giờ Kinh Pháp Hoa đối với con đã nhập tâm. Không còn phải nhìn vào Kinh nữa, chỉ cố tưởng và duy trì những phát hiện kỳ hiệu trong khi thọ niệm mà thôi. Nhưng quái dị, hình ảnh cái dĩa mà con đã vứt vào xó động từ lâu, giờ nó lại hiện rõ ra trước mắt: Cái cảnh hoa sen lại bị xé nát, những hạt non rơi rụng, rồi cơn đau nhức lại mãnh liệt hơn.
Sự cầm cự, chịu đựng đã qua ba ngày đêm, nhưng chỉ có tăng mà không giảm. Từ ông Hồng Trí, người thị giả, đến mọi người họ chỉ than khóc, kêu cứu, người Thượng giỏi thuốc cũng đành vô phương. Trong ba hôm đó, lúc nào cô gái họ Trầm cũng núp sau vách động vừa khóc vừa cầu nguyện, nhìn mọi người làm thuốc, thoa dầu, hơ bóp cho con.
Các bà cụ bảo cô đến làm việc ấy nhưng con không cho. Bỗng thoáng một ý tưởng ngộ nghĩnh lại đến “Con két có thật mổ bông sen hay nó bắt sâu cho sen ?” và con lại chấp nhận lời thỉnh cầu của các cụ để cô ta săn sóc – cô săn sóc trước sự hân hoan chăm chú của mọi người !
Cũng chai dầu quế ấy, nhưng đến tay cô ta thì một công hiệu trừ bịnh quả thật mau lẹ, dần dần con thấy bớt đau nhức. Con vươn mình đứng lên và cho mọi người an nghỉ. Thì… một hiện tượng kinh khiếp đã xảy ra như có vẻ chờ đợi từ trước: hàng chục con rắn vằn vện mà mọi khi chúng hiền hòa như có thể ve vuốt được, nhưng giờ phút này chúng lại phồng mang trợn mắt, phun phì phì như đón chặn chẳng cho một ai ra khỏi cửa động. Còn chung quanh động có cả hằng trăm tiếng chim cú đua nhau rúc dài, vang dậy như một rừng ma hiển hiện. Con đứng lên xô đuổi thì chúng thụt lùi nhưng vẫn trong tư thế ương ngạnh bất phục. Để thí nghiệm đối phó với đột biến quá lạ ấy, con liền trở về tụng kinh, thì cảnh tượng quái vật tự động im lặng, nhưng cơn đau nhức lại tái phát và lần nữa cô Két lại lấy dầu thoa bóp, khi cô và mọi người trở ra thì cũng rắn gáy, cũng cú kêu lại có phần hơn trước.
Bấy giờ tinh thần mọi người đã quá mỏi mệt và con cũng thực nhận được hậu quả của điềm mộng “tờ giấy vàng” câu “cực Tịnh sinh Động” Thầy dạy năm xưa, quả nhiên con đã vướng mắc vào ấy.
Chúng con bàn cùng nhau quyết định trả lại sự yên tịnh cho núi rừng, cho cổ động.
Hôm rút lui mới thật hãi hùng khủng khiếp – con nói hãi hùng là nói với mọi người, chứ riêng con việc sanh tử con coi đó là một ảo hóa, dù có tự đưa đầu vào miệng cọp, và miệng cọp có từ từ khép lại con cũng coi thường, thì sá gì cái cảnh chờn vờn hăm dọa của bọn chúng.
Đoàn người xuống núi, trừ con ra, còn có ba chú, hai cụ già, ba bà lão và cô Két. Chúng con rời động lúc đúng trưa, đi vừa được cây số, thì trước mặt chúng con, có sáu chú cọp vằn ngồi choán bít cả lối đi. Nhìn phía sau càng thêm kinh hãi, có cả rắn móc đuôi trên cây thòng đầu xuống, cọp ngồi trên vách đá cheo leo, chúng lom lom nhìn bọn con như xô đuổi. Con phải hét lên dẫn đường, số cọp phía trước không buồn nhìn lại. Chúng chỉ vẫy đuôi lên vừa chạy vừa phóng uế ra trên mặt đất, trên lá cây hai bên truông rừng. Báo hại quí bà, quí chú sợ đến xanh người. Mình chúng con dính đầy phân cọp từ trên lá rừng. Chắc Thầy biết cái thối của phân cọp được liệt vào hạng nhứt. Cũng may sự dọa dẫm ấy chỉ trong vòng đoạn đường ngắn là hết.
Từ đó, đời con phải chấp nhận cái khổ gian truân của một phàm phu tục tử và chấp nhận sự khinh bỉ của mọi người. Đời đọa lạc của người tu hành còn phải gấp mười lần hơn kẻ thế tục. Con xin nhấn mạnh là kẻ có thực tu hành kia. Chứ còn những người nương vào đạo để mượn sức dây cung hầu nhảy vọt cho một nếp sống riêng tư – hạng ấy cái khổ báo chưa đến với họ.
Ông kết luận :
– Bạch Thầy, con kể như vậy cũng tạm đủ, sự việc của con chỉ hiện hai câu Thầy dạy và chứng minh sự mong cầu “được độ” mà bỏ mất phần “tự độ”.
Sau ngày kể chuyện, ông vội từ giã Thầy và chúng tôi dẫn chú Minh ra đi. Từ đó chúng tôi không biết ông ở đâu, sống hay chết (!)
Tôi, kẻ viết bài này, đã từ lâu đắn đo suy nghĩ, đem chí nguyện của mình so với sư Chơn Dung, thật quá kém xa vạn bội. Lúc đầu tôi cũng đã khẩu trách, ý trách sư Chơn Dung là mù quáng và thiếu học. Nhưng khi tỉnh ngộ…Thì ra, cuộc đời của Sư Chơn Dung không phải kẻ sa đọa thuộc hàng mê muội tục tử, mà là một thứ sa đọa bởi đức tính hy sinh dĩ định, nếu không nói đó là hiện thân của hạnh nguyện vị tha! Biết đâu không phải là một trong “lục quần Tỳ kheo” làm kẻ dọ đường cho hai lãnh vực “Tịnh” và “Động”, trong thời mạt thế.
Nếu tôi không lầm thì hầu hết học tăng khi học đạo đều muốn sống nơi non xanh u tịch. Sư Chơn Dung là mẫu người cho ta thấy ở trong cái “Động nhập thế” để tìm ra “tịnh xuất thế”. Hơn là tìm cái tịnh để rồi biến ra Động luân chuyên.
Hơn nữa, Sư Chơn Dung còn cho ta một kinh nghiệm, khi tâm mình chưa Tịnh, dù sáu căn có được tinh minh bởi công đức thọ trì đi nữa thì cũng chưa phải là cứu cánh.
Xin thành thật cầu nguyện những sơ tâm tiến. Đạo được kiên cố.
Hòa Thượng Thích Huyền Tôn
Trích Tạp chí Hoằng Pháp của Viện Hóa Đạo do Hòa thượng Trí Thủ làm Tổng Vụ Trưởng, 1973
Cảm ơn về câu chuyện này. Nếu vững tâm va chí nguyện trên con đường đã chọn thì có thể kết quả đã khác. Bạn còn câu chuyện nào nữa không ạ? Xin cảm ơn.
Xin các liên hữu cho tôi hỏi: Sư Chơn Dung công phu đắc lực như vậy mà vẫn phải theo cái gì đó đã sắp đặt. Nếu không phải là sự thị hiện của các bậc Phật, Bồ Tát thì Sư Chơn Dung sao lại bị sắp đặt như vậy? Ai đã sắp đặt và có thể vượt qua được không ạ?
Nam mô A Di Đà Phật.
Bạn Tịnh Châu mến, bạn hãy đọc câu chuyện sư Chơn Dung nhiều lần và hãy chia sẻ ở đây nhận định của bạn cho câu hỏi bạn đặt ra , đế mọi người xem sao. Cá nhân mình thấy, vạn vật đều do duyên sinh thì cũng do duyên diệt. Duyên có thể từ tiền kiếp hay hiện tại. Vậy khi duyên đến, nếu sư không vững tâm trên con đường đã chọn thì liệu rằng duyên diệt được không?
Kính chào bạn Tịnh Châu,
PH xin được nêu vài ý, qua đó có thể bạn sẽ có câu trả lời cho những thắc mắc của mình.
– Cái gọi là sắp đặt đó chính là kết quả của nguyện lực và nghiệp lực của sư Chơn Dung, nên chắc là không do một cá nhân nào đặc biệt sắp đặt. Theo Phật pháp, các pháp “trùng trùng duyên khởi”, nào phải do ai sắp đặt.
Nguyện lực: sư muốn thâm nhập kinh Pháp Hoa, (không chỉ ở trên kinh văn), sư muốn thâm nhập ý “độ sanh”, nên có thiện tri thức chỉ điểm là cần nghiên cứu nghĩa “Động” và “Tịnh”. Còn nghiệp lực thì là sư còn nợ duyên nghiệp với người vợ và hai đứa con đó.
– Trong giấc mơ của sư, có thể thấy sau khi trả xong nghiệp vợ con, kiếp sau “lai sanh” sư không còn vướng bận nữa (không còn hình chim Két ăn hoa nữa).
– Đọc xong chuyện ta không tránh khỏi cảm giác bùi ngùi, tuy nhiên PH cho rằng sư đã có được một bài học lớn, biết đâu sư đã đạt được sự thâm nhập vi diệu của ý “độ sanh”, Tịnh và Động. Động vốn do tâm động, nên Tịnh cũng phải từ trong tâm, chứ không phải ở nơi cảnh bên ngoài.
Kính chúc bạn tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
A di đà phật
Cám ơn bạn đã chia sẻ một câu chuyện hay.
Trong đó sư Chơn Dung có nói việc hoàn tục chịu đủ mọi khinh bỉ của người đời. Vậy cho con hỏi việc hoàn tục là một việc đáng bị khinh khi ư?
Nói nhiều lời ti tiện, ganh ghét thì cuộc đời cũng sẽ gặp nhiều ti tiện
Một người có mệnh tốt hay không có thể nhìn xem người đó có nhiều “khẩu đức” hay không là biết! “Khẩu nghiệp” (nghiệp gây ra do lời nói từ miệng) là tội mà một người bình thường dễ phạm phải nhất. Số mệnh của một người tốt hay không, hãy nhìn xem người đó có nhiều “khẩu đức” hay không là biết. Vì vậy, “khẩu nghiệp” rất quan trọng. Trong cuộc đời của
một người, không phải ngày nào cũng làm chuyện thất đức, nhưng việc nói những lời thất đức, thiếu đức, khó nghe, và không đứng đắn thì có thể xảy ra mỗi ngày. Tích luỹ qua năm tháng, phúc báo sẽ vì “khẩu nghiệp” mà chạy mất hết. Do đó, người nói chuyện không có “khẩu đức”, cả cuộc đời thường gập ghềnh, nhấp nhô, thậm chí rất thê lương.
Có một ví dụ rất thực tế, xin kể cùng các bạn:
Trong thị trấn nơi tôi sống có một người đàn ông hơn 30 tuổi, thuộc dạng khôi ngô tuấn tú nhưng đến giờ vẫn chỉ là một người vô công nhàn rỗi. Anh ta muốn làm việc nhưng không có việc để làm, muốn gây dựng sự nghiệp cũng không phải là điều dễ. Bạn học của anh, ai cũng đã tự lo cho cuộc sống của họ được rồi. Riêng anh này thì vợ con chưa có, như một người lang thang, ăn mặc nhếch nhác, có khi mấy ngày không rửa mặt, ai khuyên bảo gì cũng không nghe, thậm chí còn trừng mắt đáp trả.
Thật sự thì anh ta không phải là người xấu, nhưng vì sao lại như vậy? Sau khi quan sát cẩn thận, tôi phát hiện ra anh ta có rất nhiều “khẩu nghiệp”. Không hiểu nguyên nhân từ đâu, từ nhỏ anh đã bị lây nhiễm nhiều thói quen xấu. Trong cách nói chuyện, anh ta luôn quát mắng, không kính trọng đối với người lớn và Thần Phật. Mỗi khi uống rượu vào, anh ta nói năng còn lộn xộn lung tung hơn nhiều.
Anh này cũng từng mở một cửa hàng làm ăn nhưng công việc không thuận lợi, gia đình thậm chí còn phải bán rất nhiều tài sản để trả nợ cho anh ta vì làm ăn thua lỗ.
Miệng nói nhiều lời ti tiện, thì mệnh cũng có nhiều ti tiện
Một người luôn gây “khẩu nghiệp” như vậy thì phúc báo sớm muộn gì cũng chạy hết. Do miệng nói nhiều lời ti tiện nên số mệnh cũng gặp nhiều điều ti tiện. Chuyện hôn nhân của anh ta không thuận lợi, có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng theo nhân quả mà xét thì có thể vì anh ta không có phúc báo nên việc gì cũng không được suôn sẻ, chuyện hôn nhân cũng vậy. Các cô gái có phúc khí sẽ có được nhân duyên tốt, và dĩ nhiên đó không phải là với anh này.
Chuyện làm ăn không thuận lợi của anh ta cũng bởi vì không có phúc báo. Người có phúc đức thì mới có tiền của. Trong khi phúc báo của anh này bị tổn thất nhiều như vậy, làm sao có thể kiếm được tiền đây? Nếu anh ta không tỉnh ngộ sửa đổi thì tương lai còn thê thảm hơn nhiều.
Phúc báo theo cái miệng mà chạy hết
Có nhiều người cũng giống anh bạn trên, bao nhiêu phúc báo cũng đều vì cái miệng không tốt mà bị hao tổn hết. Có người nói: “Tôi không hề làm một việc xấu nào, sao có thể tổn hại đến phúc báo được?” Kỳ thực nên nhớ rằng, tạo “khẩu nghiệp” sẽ tổn hại rất lớn đến phúc báo.
Người xưa nói: “Ngôn do tâm sinh” (lời nói là do tâm mà sinh ra). Nếu miệng thường hay nói những lời không hay, không tốt, thị phi, nguyền rủa, v.v…, thì phúc báo sẽ tổn thất rất nhanh. Nói lời không đúng hay không phải với người lớn tuổi cũng đều như thế.
Có nhiều phụ nữ hay phàn nàn về chồng, nói chồng không tốt thế này thế kia, rồi đem cả cha mẹ chồng, tổ tông nhà chồng ra mắng nhiếc v.v…, như vậy sẽ tạo “khẩu nghiệp” rất nặng và điều này chỉ khiến gia cảnh càng ngày càng đi xuống, nghèo khó. Vậy nên, mọi người nhất định phải chú ý vấn đề “khẩu nghiệp” này.
Oán trời trách đất cũng là cách làm tổn hại nhanh phúc báo
Người hay phàn nàn, không hài lòng với số mệnh, ích kỷ và ganh ghét đố kỵ thường hay oán trời trách đất. Họ không trân quý những gì vốn có của bản thân nên mới cảm thấy bất bình, thông qua cái miệng mà suốt ngày ca cẩm. Đây cũng là một cách làm tổn hại phúc báo rất nhanh, cũng là một dấu hiệu của người bạc mệnh hiện tại hoặc sau này.
Miệng muốn nói lời hay, lời tốt thì tâm phải tốt, phải đẹp
Miệng muốn nói lời hay ý đẹp thì trong lòng phải thực sự tốt, phải có hảo tâm, và vì vậy người đó sẽ phát ra từ trường tốt xung quanh mình. Những thứ tốt đẹp sẽ tìm đến với người này và họ có phúc báo. Vậy hảo tâm là gì? Trước tiên cần biết đủ và biết cảm ơn. Biết đủ là một loại thành tựu. Những người tu hành họ luôn tự hài lòng, đối với hoàn cảnh nào cũng chấp nhận, cũng thấy thỏa mãn và biết ơn. Khi người ta biết đủ, biết thỏa mãn, người ta sẽ không nói những lời không tốt hay phàn nàn vì trong tâm họ đã bình an rồi.
noi-nhieu-loi-ti-tien-ganh-ghet-thi-cuoc-doi-se-gap-nhieu-ti-tien-.jpg
Hãy lưu giữ “khẩu đức” cho mình
Biết rõ về một người, không cần phải tận nói, hãy lưu lại cho người ta ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu lại chút “khẩu đức” cho mình.
Trách một người không cần phải tận trách, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút độ lượng cho mình.
Có công không cần đòi hỏi tận cùng, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút khiêm nhượng cho mình.
Đúng lý cũng không cần đoạt tận, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu được chút khoan dung cho mình.
Tài năng đừng quá ngạo mạn, hãy lưu lại cho người ba phần khoảng trống, đây cũng là lưu chút nội hàm cho mình.
Nguồn tin: Buzzhand
Tác giả: Mai Trà biên dịch- Theo daikynguyen.com
Ông Khuyết Công Tắc người nước Triệu. Triều Tấn, ông ngụ ở Lạc Dương, tánh trầm tĩnh điềm đạm và phóng xả thế sự. Hằng ngày ông thọ trì Kinh Chánh Pháp Hoa.
Sau khi ông mất, bạn của ông đến chùa Bạch Mã lập trai đàn để hồi hướng công đức cho ông. Đêm ấy, giữa lúc pháp chúng tụng Kinh, thoạt nghe trên hư không có tiếng người gọi, và ánh sáng chiếu xuống. Mọi người ra sân nhìn lên đồng thấy một người thân hình rất sáng và rất đẹp ngó xuống nói : “Tôi là Khuyết Công Tắc đây ! Tôi đã được sanh về Cực Lạc thế giới nay tôi với chư thượng nhơn đến nghe Kinh”.
Ông Vệ Sĩ Độ ở Hấp Quận, vốn là học trò của ông Tắc. Bà mẹ của ông Độ thường hay trai Tăng nơi nhà. Một hôm gần đến giờ Ngọ, chư Tăng sắp sửa thọ trai, trên hư không, bỗng rơi xuống một cái bát ngay trước mặt mẹ ông Độ. Mọi người xem kỹ thời là cái bát mà trước kia ông Công Tắc thường dùng. Bát ấy đựng đầy cơm, mùi cơm thơm ngát cả nhà. Những người được ăn cơm ấy, cả bảy ngày khỏe khoắn không biết đói. Ông Chi Đạo Lâm, một danh nhơn thời ấy, có làm lời khen ngợi ông Tắc : “Cao cả thay ông Khuyết Công Tắc ! Thần dị linh thiêng ! Thần sanh Cực Lạc, ứng tích Đông Kinh. Bay trên hư không thân sáng giọng hòa. Kính dâng vài lời, ghi truyền trong đời”.
Trích ở các bộ : Đại Đường Nội Điển Lực
Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận
Cách đây không lâu con có vào thì thấy bảo là trang web không còn hoạt động nữa. Thật sự lúc đó rất là buồn luôn nay đã bình thường trở lại rồi ạ thật là vui quá đi vẫn có bài hay để đọc rồi A Di Đà Phật hoan hỉ hoan hỉ.
Lâm chung chư thiên đến rước không thèm đi
Đạo Ngan Đại sư, người Ngụy Quận, xuất gia nơi Linh Dũ Pháp sư, học thông Kinh giáo, giảng thuyết vô ngại.
Một lúc nọ, Đại sư giảng Hoa Nghiêm Kinh, Thập Địa Luận nơi chùa Hàng Lăng Sơn, đêm tối không đèn, Đại sư đưa tay chỉ lên, liền phát ánh sáng vàng chiếu sáng cả giảng đường. Thính giả lấy làm kinh lạ. Đại sư bảo: “Ánh sáng ấy thường có ở trong tay, có gì đáng cho là lạ !”. Đời hoằng pháp của Đại sư luôn luôn chỉ quy Tịnh Độ, nguyện quyết sanh Cực Lạc.
Về sau, lúc ở chùa Báo Ứng, Đại sư biết ngày giờ trước, bảo Tăng và tục ngày mùng 1 tháng Tám nên hợp đến để từ biệt. Đến kỳ, đại chúng vân tập. Đại sư hỏi gần đến giờ trai chưa ? Rồi Đại sư lên ngồi pháp tọa, nơi lư hương trên án bỗng phát mùi thơm lạ. Đại sư giảng Bồ Tát giới, lời lẽ rất thiết yếu, thính giả tâm thần đều thanh tịnh.
Giảng giới vừa xong, Đại sư ngước mặt ngó lên cao, thấy chư Thiên lăng xăng, nhạc trời trỗi dậy. Đại sư bảo đại chúng: “Chư Thiên cõi trời Đâu Suất đến rước tôi. Nhưng cõi trời là căn bản sanh tử, không phải là chỗ muốn của tôi. Tôi cả đời chỉ cầu Cực Lạc Tịnh Độ, tại sao lại không được toại nguyện như thế ?”.
Đại sư nói dứt lời, nhạc trở nhỏ lần rồi ngưng bặt. Liền thấy từ phương Tây, hương hoa kỹ nhạc, tràng phan, bảo cái, đầy trời như mây lớn cuồn cuộn bay đến, rồi xoay tròn dừng lại ngay đầu Đại sư. Cả chúng hội đồng thấy và đều buột miệng khen là lạ lùng hy hữu. Đại sư to tiếng bảo : “Đại chúng ở lại nên gắng tinh tu. Nay Thánh chúng Cực Lạc đến rước. Tôi xin đi !”. Nói xong, Đại sư vẫn ngồi an ngay thẳng trên tòa mà tịch, thọ 69 tuổi. Năm ấy nhằm niên hiệu Trinh Quán thứ 7.
Trích ở bộ Tục Cao Tăng Truyện
===========================================
Huệ Quang Pháp sư, ở Lạc Dương. Ngài trứ thuật các bộ sớ như Kinh Hoa Nghiêm, Thập Địa, Niết Bàn v.v… trong ấy luận về “chỉ thú quyền thiệt” rất tinh tường.
Một hôm nhuốm bệnh, thấy chư Thiên đến rước, Pháp sư từ rằng : “Đời tôi chỉ nguyện vãng sanh Cực Lạc thôi !”. Giây lát, Hóa Phật đông chật cả hư không. Pháp sư đảnh lễ bạch rằng : “Ngưỡng mong Đức Từ Phụ nhiếp thọ con, cho con được toại nguyện”. Rồi Pháp sư tự khảy móng tay mà tịch.
Trích ở bộ Phật Tổ Thống Kỷ
LỜI PHỤ.- Sắp chết là lúc tứ đại phân tán, chư Thiên đến rước là cảnh tuyệt vui, nhưng vẫn cố từ mà quyết chí vãng sanh, chí nguyện kiên cố của Đạo Ngan Đại sư và Huệ Quang Pháp sư đáng làm gương cho muôn đời vậy.
Các Bậc Tu Chứng Trong Pháp Môn Tịnh Độ
Mục tiêu thứ nhất của niệm Phật là niệm đến mức tâm chúng ta thanh tịnh, trong “mười hai thời” là suốt ngày từ sáng đến tối, trong tâm niệm Phật chẳng ngừng, “chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, chẳng hoài nghi”, thật sự làm được chín chữ ấy, đó là công phu thành phiến, đới nghiệp vãng sanh, quyết định vãng sanh. Trong công phu thành phiến cũng có ba bậc, chín phẩm. Ba phẩm thượng không chỉ biết trước lúc mất, mà còn sanh tử tự tại, muốn đi lúc nào thì đi lúc đó, muốn trụ thêm mấy năm cũng chẳng trở ngại gì, sanh tử tự tại! Công phu thành phiến bèn có thể sanh tử tự tại. Nhất tâm bất loạn thì càng chẳng cần phải nói nữa. Từ đó (công phu thành phiến) lại nâng cao hơn sẽ là nhất tâm bất loạn. Trong nhất tâm bất loạn có Sự nhất tâm, Sự nhất tâm bất loạn là đoạn Kiến Tư phiền não. Nếu nói theo công phu tu chứng thì bằng với Thánh A La Hán, Bích Chi Phật. Tiểu Thừa sau khi tu thành Sơ Thánh Quả Tu Đà Hoàn phải qua lại trong nhân gian hoặc cõi trời bảy lần mới có thể chứng quả A La Hán. Người niệm Phật chúng ta có thể chứng đắc trong một đời, hàng Tiểu Thừa chẳng thể sánh bằng. Do vậy, pháp môn niệm phật là đại pháp viên đốn. Công phu vẫn không phải chỉ là như vậy, mà còn nâng cao hơn một tầng là Lý nhất tâm bất loạn (Đại Bồ Tát). Lý nhất tâm là phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh.
Trích: A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
A Di Đà Phật
Xin chào các đạo hữu mình xin hỏi một câu là :”Niệm Phật” hai từ này nghĩa là gì có phải là mình niệm câu A Di Đà Phật suốt ngày không hay là niệm Phật là nhớ nghĩ về Phật và luôn sống trong chánh niệm làm lành tránh dữ thì mới gọi là niệm Phật hay là lúc đầu thì niệm câu Phât hiệu khi có công phu rồi thì không cần niêm nhiều như trước nữa hay là lúc nào cũng phải niệm nếu ko thì vọng tưởng lại như lúc trước.
A DI ĐÀ PHẬT.
Chào bạn Phan Thị Hạ
Bạn đừng suy nghĩ quá phức tạp, hãy nghe theo lời của Tổ Pháp Nhiên:
“Không cần để ý đến vọng-niệm, tán-loạn… mà chỉ
chuyên-cần xưng danh-hiệu.
Nếu thường xưng danh-hiệu thì do công-đức của Phật
danh, vọng-niệm tự dừng, tán-loạn tự yên, tam nghiệp
(thân, khẩu và ý) tự điều, nguyện-tâm tự phát.
Bởi thế:
Khi nguyện-tâm còn yếu, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tâm tán-loạn nhiều, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi vọng niệm sinh khởi, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi thiện-tâm phát sinh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi bất tịnh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi thanh tịnh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tam tâm còn thiếu kém, cũng Nam Mô A Di Đà
Phật.
Khi tam tâm đầy đủ, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tam tâm hiện-khởi, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tam tâm thành-tựu, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.”
Bạn có thể tải cuốn Niệm Phật Tông Yếu của tổ Pháp Nhiên ở đây:
https://tridanhniemphat.files.wordpress.com/2011/02/niemphattongyeu.pdf