Ở Ma Thành tỉnh Hồ Bắc có hai người đã đỗ cử nhân, một người hết lòng tin Phật, một người thì chê bai báng bổ. Một hôm, cả hai cùng đọc sách trong điện thờ Bồ Tát Địa Tạng, bỗng có một người mang thịt chó đến biếu. Người tin Phật liền xua tay bảo đi nơi khác, không cho vào điện thờ, lại hốt hoảng chạy tránh ra bên ngoài cửa.
Người báng Phật thấy vậy liền nói: “Ta theo cái học của nhà Nho, không biết đến cái gì là Phật giáo hay Lão giáo cả.” Rồi ông ta leo lên tòa cao, giễu cợt gắp thịt đút vào miệng Bồ Tát. Nhưng vừa nhấc đũa lên thì cảm thấy giữa khoảng không có một luồng sức mạnh đẩy tới, khiến ông ta ngã nhào xuống đất chết ngay.
Chốc lát sau, vị cử nhân đã tránh ngoài cửa cũng lăn ra chết. Ngay khi ấy ông ta nhìn thấy người báng Phật kia đang chịu hàng trăm thứ hình phạt, trên cổ đeo gông rực lửa đỏ, khắp thân hình đều bị lửa dữ thiêu đốt.
Diêm vương nói với người tin Phật rằng: “Ông có lòng tin, lẽ ra không phải đến chốn này. Ta đưa ông đến đây là muốn ông nhìn thấy kẻ kia chịu hình phạt khổ sở, để ông kể lại cho người đời được biết.” Nói rồi ra lệnh trả về dương gian, ông ta liền sống lại.
- Lời bàn:
Bồ Tát Địa Tạng ở nơi thế giới Ta-bà này đã có phát lời thệ nguyện lớn lao rằng: “Nếu có một chúng sinh còn chưa được giải thoát, ta xem như chính mình đã đẩy họ rơi vào hầm hố.”
Đức Thế Tôn khi thuyết pháp tại cung trời Đao-lợi đã ngợi khen Bồ Tát Địa Tạng rằng: “Ví như mười phương chư Phật cùng xưng tán công đức của ông, trải qua ngàn vạn kiếp cũng không hết được.” Phật lại dạy rằng: “Ví như có chúng sinh cõi trời đã hưởng hết phước báo, hiện ra năm tướng suy [*], sắp đọa lạc vào các cảnh giới xấu ác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, nếu được thấy hình tượng Bồ Tát Địa Tạng rồi hết lòng chiêm ngưỡng, lễ bái, liền có thể không đọa lạc nữa mà được tăng thêm phước báo nơi cõi trời.”
Đức Phật cũng dạy rằng: “Nếu có chúng sinh nào chuyên tâm thành kính cúng dường Bồ Tát Địa Tạng, suốt một đời không thối chuyển, thì trong đời vị lai sẽ thường được sinh nơi các cõi trời, thọ hưởng phúc lạc. Khi phước báo cõi trời đã hết, sinh vào cõi người thì trăm ngàn vạn kiếp đều được làm bậc đế vương (theo kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn nguyện).
Than ôi, bậc Đại Sĩ có thần lực không thể nghĩ bàn như thế, phương danh chấn động khắp vô số thế giới, oai thần thâu nhiếp vạn ức chư thiên, hết thảy chúng sinh được nghe danh hiệu, được thấy hình tượng ngài thì đều được phước báo thù thắng, thế mà kẻ phàm phu ngu mê uế trược, hiểu biết cạn cợt nhỏ nhoi lại dám hủy báng, khác nào lấy ánh sáng đom đóm mà so với mặt trời chói lọi, lấy cánh ruồi mà che cả bầu trời, thật không hề biết tự lượng sức mình!
[*] Chư thiên cõi trời khi hết phước, sắp chết đi để tái sinh vào cảnh giới khác thì hiện ra năm tướng suy. Đó là: 1. Quần áo thường dơ bẩn; 2. Đầu tóc rối bời, hoa trên đầu tàn tạ; 3. Thân thể hôi hám và nhơ nhớp; 4. Dưới nách thường ra mồ hôi; 5. Không thấy ưa thích ngai vị, chỗ ngồi của mình.
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Bỏ Sự Giết Hại
Nguyên tác Hán văn: Vạn Thiện Tiên Tư
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến
Xin cho hỏi tại sao trong sách “âm luật vô tình” bồ tát nói tất cả thức ăn liên quan đến động vật bao gồm trứng, SỮA( tôi hoàn toàn tin phục sẵn sàn làm theo chỉ có thắt mắt) vậy tại sao ngày xưa đức phật có thể thọ nhận được sự cúng dường liên quan tới sữa( câu chuyện khi ngài tu hành thời kì ăn uống khắc khổ thọ nhận đồ cúng từ cô gái mà bình phục) và còn nói câu chuyện người chăn bò thiếu hiểu biết để dành sữa trong con bò mà không chịu vắt nên bò bị hết sữa, và nói anh đó phải vắt hết mới có nhiều sữa. Ý tôi là tại sao phật có thể thọ nhận sữa có phải sữa là đồ chay? Nếu chay tại sao sách lại nói khác đi ? Tôi hiểu biết nông cạn có thể sai lệt nếu thời đó phật không có nhận sữa thì tôi xin sám hối tội nói sai.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn niệm Phật,
Có ba điều TN muốn chia sẻ cùng bạn:
*Phật Thích Ca là thị hiện để làm biểu pháp cho chúng sanh hiểu, nhận ra chân tướng sự thật mà tu đạo giác ngộ, giải thoát. Vì thế những gì Phật làm chỉ là biểu pháp, không phải thực pháp. Việc Phật nhận thọ dụng bát sữa của cô gái chăn cừu Sujata cũng là biểu pháp để chúng sanh sau này hiểu: con đường khổ hạnh không phải cứu cánh và không thể dẫn đến giác ngộ và giải thoát mà phải đi theo con đường trung đạo. Điều này có thể hiểu tương tự cho việc Phật đi khất thực và ngài thọ nhận tất cả những đồ mà chúng sanh hiến cúng, trong đó có cả đồ mặn. Tại sao Phật thọ nhận cả đồ mặn? Một: vì gieo duyên bố thí, cúng dường cho chúng sanh, Hai: Nhờ thọ thí Ngài mới có duyên để hoá độ.
*Phật là thân thường trụ vì thế không có ăn, uống, ngủ, nghỉ, đi, đứng, nằm, ngồi…Tất cả những gì chúng ta thấy chỉ là ngài thuận theo thế gian pháp để giúp chúng ta hiểu mà tu học.
*Khi mới lập Tăng đoàn, nhiều đệ tử của Phật vì chưa quen với lối sống thanh đạm nên nhất thời Phật đã dùng pháp phương tiện bằng cách hoá hiện ra các loài gia súc để giúp cho các đệ tử được phép thọ dụng theo pháp tam tịnh nhục, kế đó ngài dần giáo hoá và giúp các đệ tử chuyển hoá tâm ăn mặn. Do vậy việc các đệ tử Phật đi khất thực, thọ nhận cả đồ mặn để ăn, không phải Phật tán đồng chuyện ăn mặn mà như đã nói đó là pháp phương tiện. Sâu xa hơn, các đệ tử của Phật đều là pháp thân đại sĩ (Phật, Bồ tát thừa nguyện tái lai giúp Phật hoằng pháp độ sanh). Cũng vì thế việc các ngài ăn, uống… cũng là thuận theo thế gian pháp chứ không phải thực pháp.
Tụng Chú Đại Bi Thoạt Nạn Bị Thư Yếm
Vấn đề tâm linh mầu nhiệm vốn khó có thể giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, đó là những hiện tượng có thật trong đời sống. Có điều chúng ta cần thận trọng, nếu dễ dãi chấp nhận, thiếu cân nhắc, xem xét thật hư sẽ rơi vào tà kiến mê tín dị đoan; còn nếu phủ nhận, chối bỏ hết cũng sẽ rơi vào tà kiến cực đoan, thiên chấp.
Không phải điều gì không thể giải thích, điều gì chúng ta chưa kinh nghiệm thì chúng không có thật. Như tiến trình nhân-duyên-quả, hay quả dị thục của nghiệp (quả báo chín muồi của nghiệp) chẳng hạn, vốn không thể nghĩ bàn với phàm tình. Thế giới duyên sinh, nhân quả vô cùng phức tạp mà nhận thức, hiểu biết của con người thì rất giới hạn, vì thế đừng vội vàng kết luận với bất cứ điều gì.
Hơn 20 năm trước, mẹ tôi bị chứng đau bụng không rõ nguyên nhân. Bà đi khám nhiều nơi nhưng các bác sĩ đều bảo không phát hiện bệnh lý gì. Tuy nhiên cơn đau bụng vật vã cứ diễn ra thường xuyên. Mỗi khi đau, mẹ tôi ôm bụng kêu la quằn quại, nước mắt tuôn trào.
Người bác thứ năm của tôi vốn là một nhà sư xuất gia đi tu từ nhỏ. Ông thường niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm và trì tụng thần chú Đại bi. Bác tôi khuyên mẹ nên chuyên tâm niệm Bồ-tát và trì tụng chú Đại bi để giải trừ bệnh khổ. Mẹ tôi nghe lời nên đêm nào cũng thắp hương lễ Phật, Bồ-tát và trì tụng chú Đại bi, chỉ tụng thôi không chuông mõ gì cả.
Trì tụng được một thời gian, một hôm bỗng mẹ đau bụng kịch liệt. Cơn đau lần này khiến mẹ tôi kêu la lăn lộn trên giường. Rồi bà ói ra một lọn tóc rối bằng ngón tay cái. Nhìn lọn tóc từ đâu trong bụng ói ra, bà thất thần kinh dị. Nhưng ngay sau đó và mãi về sau bụng bà không còn đau nữa. Mẹ tôi đem chuyện này thuật lại cho thầy (bác tôi) nghe, thì ông bảo: Có thể mẹ tôi bị người ta thư ếm. Quả thật lúc đó gia đình tôi có hiềm khích với hàng xóm do mâu thuẫn trong công việc làm ăn. Người này đã nhiều lần dùng lời thô lỗ và ác độc xúc phạm mẹ tôi, còn hăm dọa đủ điều.
Kể từ đó mẹ tôi tăng thêm niềm tin vào sự vi diệu của Chánh pháp, tối nào bà cũng niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm và trì tụng chú Đại bi. Con tôi khi mới ba bốn tuổi đã thuộc lòng chú Đại bi và kinh Vu lan báo hiếu nhờ nghe mẹ tôi mở máy phát kinh mỗi ngày.
Từ xa xưa người ta đã nói đến các loại thần chú và uy lực của nó do tu luyện mà có, và nhiều người đã từng trải qua, từng kinh nghiệm, cho nên đây chẳng phải là những chuyện hoang đường. Ở đây chỉ có niềm tin và sự thực nghiệm chứ không thể nào giải thích. Tuy nhiên có thể dựa vào câu kinh “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” (kinh Phật Di giáo) để hiểu những điều này.
Khi trì niệm, tu tập các thần chú này, hành giả đạt nhất tâm chánh niệm, thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý, phát triển đại bi tâm, tâm hành giả tương ưng với hạnh nguyện chư Phật nên tăng trưởng công đức, phước báo, nhờ đó dễ dàng thành tựu tâm nguyện. Tôi nghĩ chuyện mẹ tôi nhờ dốc hết tâm thành trì niệm thần chú Đại Bi mà thoát khỏi tà thuật là một trong vô số trường hợp minh chứng cho vấn đề tâm linh mầu nhiệm.
Minh Hạnh Đức