Học Phật được bao nhiêu năm, nếu ăn chay vẫn không được, không chịu niệm Phật tiếng nào, như thế bạn tự cho mình là đã học xong? Cần phải cảm sâu và hổ thẹn xấu hổ mới phải. Dù bạn hiện tại có thể tụng thuộc làu ba tạng kinh đi nữa, dẫu bạn hiện tại có khả năng diễn thuyết đạo lý huyền diệu xâu xa đi nữa, thì cũng thua xa bà già không biết một chữ nhưng tâm thành thật ăn chay niệm Phật. Bởi vì Phật pháp và phương pháp giáo dục chú trọng thực hành. Nói mà không làm, có khả năng nói mà không có khả năng làm thì không thể đến được chỗ tốt đẹp. Có thể làm mà không thể nói, cái gì cũng chẳng biết nhưng thu hoạch được lợi ích thì có ngại gì?
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Ăn thịt với giết hại đồng tội”. Bạn suốt ngày ăn thịt liền bằng với một ngày sát sinh. Mỗi ngày từ sáng đến tối tạo nghiệp và tạo giới sát sinh. Học Phật như thế làm sao thành tựu?
Kinh Niết-bàn dạy rằng: “Phàm kẻ ăn thịt là đã đoạn dứt hạt giống tình thương”. Học Phật chân chánh là học tập tình thương yêu của đức Phật. Bạn suốt ngày ăn thịt, hạt giống tình thương của Phật tánh đã đoạn đứt, làm sao bạn có tình thương, làm sao bạn học Phật được thành tựu?
Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Kẻ ăn thịt cầu công đức chẳng thành tựu”. Bạn suốt ngày ăn thịt là suốt ngày tạo nghiệp giết hại, tất cả công đức tu hành đều tán mất hết. Làm sao thành tựu đạo nghiệp cho chính mình?
Kinh Đại Tập viết: “Thời mạt pháp, ức ức người tu hành hiếm thấy một người đắc đạo, chỉ có nương pháp môn niệm Phật được qua biển sinh tử”. Thời mạt pháp nếu bỏ đi pháp môn niệm Phật thì không có bất cứ pháp môn nào có thể giải thoát được sinh tử. Bạn chẳng biết được tốt xấu, chẳng biết mình là phàm phu ngã mạn, trí tuệ mờ tối, chướng sâu, phước mỏng, nghiệp dày. Không chịu căn cứ vào lời dạy của đức Phật, thành thật tu hành nương nhờ sức Phật cứu giúp. Pháp môn niệm Phật không thể nghĩ bàn. Lại theo ý riêng tu hành các pháp môn khác thì không có cách gì đạt được lợi ích và thọ dụng chân thật, lại không thể giải thoát khổ đau sinh tử trong đời này!
Thiền sư Bách Trượng nói rằng: “Tu hành, dùng pháp môn niệm Phật là vững vàng nhất”. Đây là một trong 20 điều phép tắc. Thiền sư Bách Trượng là bậc cao đức trong Thiền Tông, vì dạy dỗ đệ tử mà đề xuất ra. Pháp niệm Phật là con đường tu hành rất an ổn, vì niệm Phật được nương vào sức đại từ đại bi của Phật A-di-đà và sẽ được ngài nhiếp thọ. Đây là con đường tu hành thành công tuyệt đối có bảo chứng. Tham thiền, học giáo và các pháp môn khác chỉ nương tựa vào sức mình. Chúng sinh thời mạt pháp căn cơ ngu đần và yếu đuối, nghiệp chướng sâu nặng, không nương sức bổn nguyện của Phật làm sao mà hành cho thông!
Không những chỉ riêng Thiền sư Bách Trượng mà trong lịch sử có biết bao nhiêu Thiền sư đều khuyên người niệm Phật cầu sinh Cực Lạc. Đến cả những bậc cao đức của tông Tịnh độ như Đại sư Liên Trì, Đại sư Triệt Ngộ đã từng trên hội tham thiền hạ thủ công phu. Nhân vì tham thiền chỉ nương sức mình, muốn được thành tựu không phải dễ dàng. Chư vị tổ sư tự mình dò dẫm suốt mấy mươi năm, đều thầm biết được nương vào sức mình cạn cợt, nguy hiểm và không có cách gì để thành công. Vì thế, sau cùng đều quay về với pháp môn Tịnh độ, thành thật niệm Phật cầu sinh về thế giới Cực Lạc. Dùng một câu thánh hiệu Nam mô A-di-đà Phật hành trì trọn đời, tự lợi và lợi tha cũng chỉ một câu Nam mô A-di-đà Phật.
Trích Liên Trì Cảnh Sách
Thích Quảng Ánh dịch
Quý vị cho mình hỏi niệm một ngàn câu Phật hiệu thì trung bình mất bao nhiêu lâu vậy thưa quý vị?
Ngày xưa tổ thứ 11 của Tịnh Độ, đại sư Tỉnh Am đời nhà Thanh, từ năm 24 tuổi thọ cụ túc giới, sau đó mỗi ngày ăn một cử, tối đến ngủ ngồi, mãi đến khi tuổi già mỗi ngày niệm Phật một trăm ngàn câu. Vậy ngài niệm mỗi ngày tổng cộng trung bình là bao nhiêu giờ, quý vị vui lòng ước lượng được không ạ?
A Di Đà Phật
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính Thật Thà Niệm Phật!
Tôi có nghe như vầy:
– Pháp sư Hoài Ngọc đời nhà Đường, một đời thường ngủ ngồi, tụng Kinh Di Đà ba trăm ngàn lần, mỗi ngày niệm Phật năm mươi ngàn câu.
– Pháp sư Bảo Tướng mỗi ngày tụng Kinh Di Đà bảy lần, niệm Phật sáu chục vạn câu.
– Đại sư Đạo Trác mỗi ngày niệm Phật bảy chục ngàn câu.
– Pháp sư Tư Chiếu đời nhà Tống mỗi sáng canh tư (tức 1-3 giờ) bắt đầu niệm Phật ba mươi năm như một ngày.
– Tổ thứ 11 của Tịnh Độ, đại sư Tỉnh Am đời nhà Thanh, từ năm 24 tuổi thọ cụ túc giới, sau đó mỗi ngày ăn một cử, tối đến ngủ ngồi, mãi đến khi tuổi già mỗi ngày niệm Phật một trăm ngàn câu…
Vì sao cổ nhân tu hành có thể ngày đêm không ngừng dụng công không nghỉ ngơi? Vì tâm sanh tử của họ rất tha thiết, nghĩ đến sanh tử đại sự, nghĩ đến vô thường nhanh chóng nên dù một phút cũng không dám buông lung, chúng ta muốn học theo ông thợ vá nồi học không nổi, vì niệm Phật không kiên trì, thường hay gián đoạn, nguyên nhân chính là do tâm sanh tử không tha thiết
-PS TỰ LIỄU-
Nay nghe TTNP có nhắc đến như vậy, Thanh Tịnh cũng mạn phép thử đem ra tính toán: Trung bình niệm câu phật hiệu “A Di Đà Phật” cũng đến 0.94 giây. Niệm 100.000 câu phật hiệu cần 94.000 giây tức khoảng 1567 phút (ước lượng hết khoảng hơn 26 giờ). Có tính đi tính lại đi nữa cũng không thể ước lượng sao cho trong 1 ngày. Quả thật các vị đó dụng công thế nào kẻ phàm phu thật khó bề hiểu và sánh được?
Với niệm phật 1000 câu, Thanh Tịnh ước tính nhanh thì chỉ khoảng hơn 16 phút, là điều chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Nhưng chợt nhận ra, thời gian Thanh Tịnh đọc về vấn đề này, suy nghĩ, phân vân, tìm trích dẫn, mày mò tính toán, viết xong phần này,… là đã ngót 60 phút tức là đã khoảng gần 4000 câu phật hiệu ?!
Thanh Tịnh lại nhớ đến một tích về ngài Tỉnh Am: trong phòng khách của Ngài treo một bài văn ngắn “Thôn hương trai minh” nói như vầy: “Quý khách đến thăm, chớ nói chuyện đời, duy đàm chuyện đạo, thời gian gặp mặt định trong tấc nhang, không tận nhân tình, không vướng lễ thế tục, hiểu ta hay trách ta, cũng không sao cả”
A Di Đà Phật! Xin thường niệm.
Thầy cho con hỏi
Con chỉ niệm 1 câu nam mô quán âm bồ tát
Đến nay đã nhiếp tâm với cảnh vật
Nhìn vật có thể đoán đúng sai, vậy đấy là cảnh ma hay cảnh Phật ạ
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Bạn Nguyễn Đăng Kiêm,
Phật dạy: Thấy cảnh như là có. Cảnh qua rồi như là không. Bạn phải cẩn trọng khi tu học để không gặp ma chướng.
TN xin trích 10 cảnh giới SẮC ẤM Phật Thích Ca dạy trong 50 Ngũ Ấm Ma, bạn ráng đọc, tư duy, quán chiếu thật kỹ lưỡng để biết cảnh giới bạn đang trụ thuộc cảnh giới nào mà tiến tu nhé.
Chúc tinh tấn và tỉnh giác
…………………………………………………………………
10 CẢNH GIỚI SẮC ẤM
Này A Nan! Thầy nên biết, thầy ngồi nơi đạo tràng, các niệm đều tiêu mất. Các niệm đã tiêu hết, thì trong tâm li-niệm, tất cả đều thuần nhất sáng tỏ, động tĩnh không đổi dời, nhớ quên như một. Ngay ở trạng thái đó mà nhập vào chánh định thì như người sáng mắt ngồi ở chỗ tối tăm, tánh tinh thuần tuy vẫn thanh tịnh nhiệm mầu, nhưng tâm chưa phát sáng; đó là bởi vì căn tánh vẫn còn bị sắc ấm hạn chế ngăn che. Khi nào con mắt sáng tỏ, mười phương rỗng suốt, không còn tối tăm, thì đó là lúc sắc ấm đã hết, người tu hành bấy giờ mới đạt được kết quả đầu tiên là vượt khỏi kiếp trược. Như vậy, xét kĩ lại nguyên do của sắc ấm, thì gốc rễ chính là vọng tưởng kiên cố.
Này A Nan! Đang trong lúc tu định mà sắc ấm chưa phá trừ, suy xét tinh tường tánh sáng suốt nhiệm mầu, trong khoảnh khắc thấy thân này như bóng, ngoại cảnh như mây, bốn đại không còn kết hợp, không có gì ngăn ngại; đó gọi là tâm tinh diệu sáng suốt tuôn tràn trước mắt. Nhưng đó chỉ là do dụng công tư duy mà tạm được kết quả như thế, không phải đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.
Này A Nan! Cũng ở trong tâm định này, suy cứu tinh tường tánh sáng suốt nhiệm mầu, tự thấy thân mình rỗng suốt, hành giả bỗng nhiên từ trong thân mình, nhặt ra những con sán lãi, mà thân vẫn bình thường, không bị thương tổn; đó gọi là tâm tinh diệu sáng suốt tuôn tràn nơi hình thể. Nhưng đó chỉ là do tu tập tinh tiến mà tạm được kết quả như thế, không phải đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.
Cũng ở trong tâm định này, tinh tường suy cứu trong thân ngoài cảnh, khi ấy thì hồn phách, ý chí, tinh thần, ngoài cái thân ra, đều xen nhập vào nhau, đắp đổi làm chủ, làm khách của nhau. Bấy giờ, hành giả bỗng nghe tiếng nói pháp ở trên không, hoặc nghe khắp mười phương đồng diễn bày diệu nghĩa bí mật; đó gọi là tinh thần hồn phách đắp đổi khi lìa khi hợp. Nhưng đó chỉ là do nhân lành bao đời tích tập, bây giờ tự phát huy mà tạm được kết quả như thế, không phải đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.
Cũng ở trong tâm định này, lắng trong thấu suốt, ánh sáng từ bên trong hiển hiện, chợt thấy mọi vật trong khắp mười phương đều biến thành màu vàng kim, tất cả các loài đều hóa thành chư Phật; lại thấy đức Phật Tì Lô Giá Na ngồi trên đài thiên quang, có hàng ngàn đức Phật vây quanh; trăm ức quốc độ cùng với hoa sen cùng lúc xuất hiện. Ấy gọi là tâm thức linh ngộ; nhưng đó chỉ là sự huân tập do từng được nghe kinh pháp từ bao đời, bây giờ tâm sáng phát ra chiếu soi khắp các thế giới; chỉ tạm nói là như thế, chứ không phải đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.
Cũng ở trong tâm định này, suy cứu tinh tường tánh sáng suốt nhiệm mầu, quán sát không ngừng, ức chế hàng phục tự tâm; cố gắng thái quá, bỗng thấy mười phương hư không đều thành màu bảy báu, hoặc màu trăm báu, tất cả đồng thời đầy khắp mà không chướng ngại nhau; các màu xanh vàng đỏ trắng, mỗi mỗi hiện ra tinh thuần, không hỗn tạp. Đó chỉ là do dụng công ức chế thái quá, khiến cho định lực vượt hơn tuệ lực mà tạm có kết quả như thế, không phải đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.
Cũng ở trong tâm định này, tĩnh lặng rỗng suốt, phát sinh ánh sáng tinh thuần, không loạn động, bỗng nhiên nửa đêm, ở trong nhà tối mà hành giả trông thấy mọi vật tỏ rõ như giữa ban ngày, mà những vật trong nhà tối ấy vẫn y nhiên, không chút gì thay đổi. Đó là tâm tinh tế kín nhiệm làm lắng trong cái thấy, nên thấy rõ suốt chỗ tối tăm mà tạm được như thế, không phải là đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.
Cũng ở trong tâm định này, trọn vẹn dung thông với hư không, bỗng nhiên hành giả thấy tứ chi đồng như cây cỏ, dù lửa đốt hay dao cắt cũng không có cảm giác gì; thậm chí ngọn lửa hực không thể làm cho nóng, dù cắt thịt cũng giống như chẻ cây. Đó là các trần đều tiêu, bốn đại giải trừ, tiến thẳng vào chỗ thuần nhất, mà tạm được kết quả như thế, không phải đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.
Cũng ở trong tâm định này, thành tựu tâm thanh tịnh; dụng công làm trong sạch tâm đến cùng cực, hành giả bỗng thấy mười phương sơn hà đại địa đều biến thành Phật độ, đầy đủ bảy báu, chói sáng cùng khắp; lại thấy hằng sa chư Phật đầy khắp cõi hư không, lầu các đại điện trang nghiêm hoa lệ; nhìn xuống thấy địa ngục, nhìn lên thấy thiên cung, rõ ràng không chướng ngại. Đó là ngày thường nghe kinh pháp mà khởi tâm ưa thích cảnh thanh tịnh và chán ghét cảnh uế nhiễm, quán tưởng huân tập lâu ngày mà hóa thành như thế, chứ không phải là đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.
Cũng ở trong tâm định này, suy cứu đến những cảnh sâu xa, bỗng ở giữa đêm, hành giả thấy những cảnh tượng ở phương xa, nào chợ búa, giếng nước, đường lớn, hẻm nhỏ, nào bà con quyến thuộc; và nghe cả lời nói ở những nơi ấy. Đó là do tâm bị định lực dồn nén, dồn ép đến cùng khiến ánh sáng bay ra mà thấy được chỗ xa cách, chứ không phải là đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.
Cũng ở trong tâm định này, suy cứu đến chỗ tinh thuần cùng cực, hành giả tự thấy mình là một vị thiện tri thức, rồi thấy hình thể biến cải, chốc chốc lại thay đổi hình này dáng nọ một cách vô cớ. Đó là tà tâm. Hành giả phòng hộ tâm không cẩn mật, để cho các giống li mị, thiên ma ám nhập, không duyên cớ mà nói pháp, tuồng như thông đạt diệu nghĩa; nhưng đó chỉ là ma lực sai sử, không phải thật đã chứng bậc thánh. Nếu hành giả gặp cảnh giới này mà không bám chặt, không cho là mình đã chứng bậc thánh, thì đó là cảnh giới thiện tường; nếu tự đắc mà cho là mình đã chứng bậc thánh, liền rơi vào tà kiến.
Này A Nan! Mười cảnh tượng như thế thường hiện ra trong lúc thiền định, đều do hành giả đối với sắc ấm chưa thấu triệt lí tánh, chỉ biết dùng thiền quán dồn nén vọng tưởng, nên hiện ra các việc đó. Chúng sinh mê muội, không tự xét tự lượng, gặp những cảnh tượng ấy thì nhầm lẫn không biết rõ, cho mình đã chứng quả thánh, thành ra mắc tội đại vọng ngữ, phải đọa địa ngục Vô-gián! Sau khi Như Lai diệt độ, quí thầy nên y theo lời dạy này, tuyên bày nghĩa lí cho chúng sinh trong đời mạt pháp; không để cho thiên ma có dịp quấy phá; đó là cách giữ gìn chánh pháp, che chở cho người tu hành thành đạo Vô-thượng. (Trích Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Phẩm 50 ngũ ấm ma)
Trong Tây Phương Xác Chỉ, Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát đã dạy chúng ta. Công khóa của ngài đơn giản, công khóa trong mười hai thời đều hệt như nhau. Một biến kinh A Di Đà, ba biến chú Vãng Sanh, một ngàn câu Phật hiệu, đó là công khóa mỗi lần. Khóa sáng là như vậy, mà khóa tối cũng giống như vậy, tuyệt đối chớ nên xen tạp những thứ khác.
Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Phần 2
Lão pháp sư Thích Tịnh Không giảng
Cảm ơn các huynh đã trả lời câu hỏi của đệ. Xét theo bài này để tự xét công phu của mình ở bậc nào thì đệ thấy hổ thẹn quá các huynh ạ. Chung qui lại cũng vì một chữ “buông”. Nghe thì dễ mà làm thì mới thấy khó khăn biết dường nào.
http://www.duongvecoitinh.com/index.php/2013/01/muc-cong-phu-niem-phat-tu-yeu-den-gioi/
Phúc Bình niệm thầm thì một giờ được 6-7 ngàn câu A Di Đà Phật. Niệm ra tiếng thì chỉ đc 5 ngàn câu. Cho nên bảo niệm mười muôn câu/ngày là có thể làm được nếu là bậc Thượng căn. Chúng ta phàm phu chắc có lẽ ngày 2-3 vạn cũng là tàm tạm. Cầm cự đến lúc đến tuổi về hưu rồi sẽ phải cố gắng hơn, giờ công việc, gia đình còn đa đoan quá. A Di Đà Phật!
Thưa thầy Thiện Nhân, con không dám tà kiến nhiều nhưng quả thật nếu như con thấy được đúng sai do cảnh vật thì thù thắng với người đời nhưng khi thù thắng với cả cả cha mẹ thì lại mang tội bất hiếu, con có nên tiếp tục vận dụng công lực đó với cha me và người ngoài không, hay là giữ im lặng mặc kệ người đời và cha mẹ mẹ nói gì, dù biết điều đó là sai.
A DI ĐÀ PHẬT
Gửi bạn Nguyễn Đăng Kiêm,
Bạn ráng tư duy một chút câu: “Thấy cảnh như là có, cảnh qua rồi như là không”. “như” này là như như bất động. “có” hay “không” cũng không khiến cho bạn động tâm. Khi tu đạo, có những chuyện dù bạn thực thấy, nhưng duyên chưa đủ, bạn chớ cưỡng cầu tác pháp mà khiến cho người được tác pháp gặp khổ nạn, kể cả người thân. Nhưng nếu họ đủ duyên (nhân duyên chín mùi) thì việc tác pháp sẽ mang lại cho họ lợi lạc. Giúp (độ) chúng sanh chuyển hoá nghiệp để họ hướng tới Phật pháp tu đạo chân chánh mà giải thoát, khác với giúp để rồi họ vượt nạn, kế đó lại tiếp tục sống trong vô minh và mê mờ nhân quả. Cùng chữ độ nhưng là hai cảnh giới khác biệt.
Quan trọng: Mọi chuyện bạn nên tuỳ duyên và phải âm thầm mà hành trì.
Chúc thường tỉnh giác.
Con xin đội ơn thầy
Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Ngài Hoàng Niệm Tổ về sau mỗi ngày niệm 14 vạn câu Phật hiệu, Ngài niệm phương pháp truy đảnh. Mình nghĩ tốc độ nhanh chậm bao nhiêu tùy vào phương pháp mỗi người nữa sư huynh ạ.
Nam Mô A Di Đà Phật
Đời sống phải đơn giản
Suy nghĩ phải đơn giản
Ăn uống phải đơn giản
Nơi ở phải đơn giản
Vì người xử sự phải đơn giản
Phải đem việc phức tạp đổi thành đơn giản
Việc đơn giản đổi thành càng đơn giản hơn
Như vậy chúng ta học Phật mới có hiệu quả.
ST
Thường nhìn vào điểm tốt của người sau này sẽ sanh về 3 đường lành; thường nhìn thấy điểm xấu của người tất sẽ sanh vào 3 đường ác.
Hằng ngày tưởng nhớ Phật, nhất định biến thành Phật. “Chuyển biến tối thắng” thì chuyển thành cảnh giới Phật. Quý vị nghĩ về Bồ Tát thì biến thành Bồ Tát. Nghĩ cái gì thì biến thành cái đó. Đây không phải do chư Phật, Bồ Tát làm chủ quyết định, không phải do Thượng Đế, càng không phải là vua Diêm La quyết định được, mà do “ý niệm” của quý vị đang chi phối quyết định.
Phật giáo dạy chúng ta tu hành, nền tảng lý luận xây lên từ đây. Do đó, dạy quý vị “Ức Phật niệm Phật, hiện tiền đương lai, nhất định kiến Phật”. Thường nhìn vào điểm tốt của người ta, người này tương lai nhất định sinh về “Tam Thiện Đạo”; thường nhìn vào điểm xấu của người khác, người ấy tương lai ắt đọa “Tam Ác Đạo”. Thiện, ác hai đường đều do tâm tưởng sinh ra. Quý vị hiểu rõ sự thật chân tướng, “thiện ác” hai đường đều không chọn lấy, chí nguyện cao nhất chỉ có một mục tiêu là muốn thành Phật. Vậy thì sao không niệm Phật, không nghĩ tưởng về Phật ?
Lão Pháp Sư Tịnh Không
Phải cắn chặt răng cố gắng nhẫn nhịn để tránh phiền não dấy khởi
Người có thể thật thà niệm Phật, thì không có người nào không thành tựu, thật thà niệm mới có thể phục phiền não. Phục phiền não là có thể được sanh Tịnh Độ. Chúng ta phải biết cái đạo lý này.
Nếu như niệm Phật phiền não không đè phục được, vậy là kết pháp duyên với Tịnh Độ, với Di Đà Như Lai, đời này không thể đi được thì phải đợi đến đời sau, đời sau nữa, đến khi nào gặp được lại cái duyên này.
Thật ra mỗi một vị đồng tu chúng ta đều ở trong tình huống này. Trong đời quá khứ đã từng gặp qua pháp môn này, đã từng học tập pháp môn này, do công phu học tập chưa đến nơi, phiền não chưa thể phục được, cho nên lại tạo ra lục đạo luân hồi, đời này lại gặp được rồi, thiện căn quá khứ được nối tiếp, nối tiếp quỹ đạo, nối tiếp quỹ đạo đời này phải làm thật.
Nếu như không làm thật, lại giống như đời quá khứ. Được thôi, lại đợi tiếp đời sau, kiếp sau nữa. Nhưng mà nên suy nghĩ một chút, thế gian này quá khổ rồi, còn muốn trở lại lần nữa sao ?
Nếu như thực sự biết thế gian là khổ, không muốn trở lại nữa thì đời này phải hạ quyết tâm. Cắn chặt răng lại, cố gắng nhẫn nại một chút, không cho phép phiền não khởi hiện hành, phải nhẫn nại một chút. Cách nhẫn như thế nào?
Ngoài không bị hoàn cảnh cám dỗ, trong chế ngự tập khí phiền não của mình. Tập khí phiền não tham- sân- si- mạn, đây là tập khí phiền não. Ở trong đây còn có nghi – ác kiến. Sáu cái căn bản phiền não chúng ta một câu Phật hiệu này phải đè cho được.
Hòa thượng Tịnh Không
Nam Mô A Di Đà Phật. Xin quý thầy cô cho con được hỏi một vài điều. Con năm nay vừa tròn 20 tuổi. Con vừa mới phát tâm ăn chay trường từ rằm tháng bảy vu lan vừa rồi. Thuở nhỏ do con có nhân duyên với Phật được bà ngoại và mẹ dắt đi chùa thường xuyên được tiếp xúc với tịnh độ. Ngoại dạy con niệm Phật cầu sanh tây phương. Hiện tại con vẫn còn đi học nhưng con thấy cuộc sống của bản thân rất chướng ngại quá trình tu tập. Muốn xuất gia nhưng mẹ lại bảo cứ làm cư sĩ tại gia niệm phật làm lành là được rồi. Con hiện đang học ở thành phố cần thơ. Sống ở môi trường này con thường xuyên bị chướng ngại đủ thứ. Từ lời dèm pha của bạn bè,Có đứa thì chửi con ngu sống không hưởng thụ biết bao món ngon không ăn đi ăn chay làm gì. Ăn chay sức khỏe không đủ, sao đi học đi làm nổi. Nhiều khi có lúc con có nóng giận có nói nặng nói nhẹ người khác thì lại bị nói:” ừ nó ăn chay đó, mà nó ăn nói như vậy đó”, nhiều khi bạn bè còn kêu con nên ăn mặn lại đi, đừng ăn chay nữa dễ bệnh lắm, nhưng con vẫn ăn. đôi lúc còn bị ngoại đạo cười chê. Khi nghe những lời chê cười phỉ báng tịnh độ, con rất buồn. Nhưng con vẫn không bỏ ý chí cầu sanh cực lạc. Con định không lập gia đình vẫn đi làm vẫn sống ngoài xã hội gửi tiền phụng dưỡng mẹ cha đến lúc mẹ cha mất thì xin xuất gia. Nhưng mẹ lại muốn con lập gia đình như bao người khác. Tại gia cư sĩ cầu sanh tây phương. Con thì sợ gia đình sẽ chướng ngại quá trình tu tập cầu sanh tịnh độ của mình, vì con thấy gia đình như gánh nặng, còn nặng nghiệp trần. Còn tình dục rồi con cái đủ thứ. Sợ có gia đình rồi lại chướng ngại việc ăn chay của mình. Con có nên nghe lời mẹ hay làm theo ý mình không. Xin quý thầy cô giúp con.
A Di Đà Phật
Chào bạn Nguyễn Khánh!
Đọc phúc đáp của bạn MD thấy có chút tâm tư trong đó nên chia sẻ với bạn vài ý:
*Việc tu hành nên tu trong tâm không tu bằng hình thức. Nếu việc tu tập bị “phô trương” ắc sẽ gặp nhiều chướng ngại hơn. Ví như, khi ăn chay, chẳng nên nói: tôi đang ăn chay niệm Phật, có thể nói tránh: chúng ta bớt ăn thịt để bảo vệ môi trường; như giữ giới không uống rượu, khi đứng trước mọi người ta có thể nói là bị dị ứng khi dùng rượu bia. Đạo và đời luôn song hành nhau, khi nào chúng ta chưa thể trốn đời, vẫn ở ngoài đời mà tu thì nên nhớ đừng để người kỳ thị, đừng làm nên sự kỳ dị. Nhất là trong môi trường tập thể khi mọi người đều biết mình tu hành nhưng bản thân không không làm biểu pháp của một đệ tử Phật ắc sẽ phỉ báng, họ mang tội, chính mình không tránh khỏi. Con đường trở về bến giác còn xa, tu quyết liệt, tinh cần nhưng cần uyển chuyển, linh hoạt, bằng không ắc sẽ bị nản chí mà thối lôi.
*Việc xuất gia không hề đơn giản như bạn nghĩ. Mẹ bạn tin Phật niệm Phật nhưng cũng không có ý tán thành việc xuất gia thì bạn cần phải chờ thời cơ. Xuất gia hay tại gia điều rất quan trọng vì người xuất gia có nhiệm vụ của người xuất gia, người tại gia có nhiệm vụ người tại gia, đều lấy sinh tử làm trọng, hoàng dương Chánh pháp.
Cha mẹ nào khi sanh con ra cũng muốn con thành đạt, mong con hạnh phúc, dù là người học Phật đi nữa cũng khó vượt ra khỏi mong muốn phàm tục này. Hiện tại có thể bạn nghĩ được như vậy: có gia đình sẽ chướng ngại tu tập… nhưng thêm vài tuổi nữa bạn sẽ nghĩ khác? “Sông có khúc, người có lúc” mà. Chúng ta cứ an nhiên mà sống trong ngay phút hiện tại, chỉ nghĩ đến việc: Phật A Di Đà đến đón thì liền đi ngay, đừng chuẩn bị gì, đừng hứa hẹn gì cho cuộc sống giả tạm này cả, cứ để mọi chuyện diễn ra tự nhiên.
Nam Mô A Di Đà Phật