Tỉnh An Huy, huyện Đồng Thành có nhà nho tên Diêu Đông Lãng, sinh được một đứa con trai, lên mười tuổi thì bệnh nặng, sắp chết. Cha mẹ đau buồn thương tiếc, nói với con rằng: “Con quả thật không có duyên làm con chúng ta nữa sao?” Đứa trẻ bỗng nói giọng người phương bắc, bảo Diêu Đông Lãng rằng: “Trước đây tôi là một vị tăng ở Sơn Đông, mang tên ấy họ ấy… Tôi dành dụm tích cóp được 30 lượng bạc, có vị sư huynh rình biết được nên xô tôi xuống nước để đoạt lấy tiền. Khi ấy tôi kêu cứu với Bồ Tát Quán Âm, liền thấy ngài hiện ra bảo rằng: ‘Số mạng ngươi đã hết nên mới gặp việc xấu ác này.’ Thế là tôi chết chìm. Người dân ở đó báo sự việc lên quan, lúc bấy giờ chính ông đang làm quan huyện ở đó. Sư huynh tôi liền lấy ba mươi lượng bạc của tôi mà dâng cho ông, nhân đó sự việc liền bị ém nhẹm. Tôi vì nỗi oan chưa rửa sạch nên thác sinh làm em trai ông, tức là Diêu Tung Thiệu đã chết. Khi ấy tôi theo ông suốt hơn 20 năm mà chưa đòi được nợ cũ, nên lúc chết rồi lại thác sinh làm con ông. Mười năm qua, ông tốn kém với tôi cũng đã hoàn trả gần đủ số bạc 30 lượng rồi, tôi phải đi thôi. Hiện trong nhà ông có một cây gậy mà tôi rất thích, xin ông đốt tặng tôi, cũng là thêm vào vừa đủ số tiền ngày xưa. Vị sư huynh ngày trước của tôi nay cũng vì muốn đòi số tiền đó mà thác sinh làm con gái đầu của ông, nay đã gả cho nhà họ Phan ở Lật Dương, hiện có thai sắp sinh nở. Bây giờ sau khi chết, tôi sẽ thác sinh vào nhà đó để đòi món nợ sinh mạng.” Đứa trẻ nói xong những lời này thì chết.
- Lời bàn:
Trích An Sĩ Toàn Thư – Khuyên Người Tin Sâu Nhân Quả
Nguyên tác Hán văn: Âm Chất Văn Quảng Nghĩa
Tác Giả: Chu An Sĩ
Việt dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến
1. “Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm, Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau, Như xe, chân vật kéo “.
2. “Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý thanh tịnh, Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau, Như bóng, không rời hình “.
3. “Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi ”
Ai ôm hiềm hận ấy, Hận thù không thể nguôi.
4. “Nó mắng tôi, đánh tôi, Nó thắng tôi, cướp tôi, ”
Không ôm hiềm hận ấy, Hận thù được tự nguôi.
5. “Với hận diệt hận thù, Đời này không có được.
Không hận diệt hận thù, Là định luật ngàn thu “.
6. “Người khác không hiểu biết, Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai biết được Tranh luận được lắng êm.”
7. “Ai sống nhìn tịnh tướng, không hộ trì các căn,
ăn uống thiếu tiết độ, biếng nhác, chẳng tinh cần.
Ma uy hiếp kẻ ấy, như cây yếu trước gió “.
8. “Ai sống quán bất tịnh, Khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ, có lòng tin, tinh cần,
Ma không uy hiếp được, Như núi đá, trước gió”
9. “Ai mặc áo cà sa, tâm chưa rời uế trược,
không tự chế, không thực, không xứng áo cà sa “.
10. “Ai rời bỏ uế trược, giới luật khéo nghiêm trì,
tự chế, sống chơn thực, thật xứng áo cà sa.”
11. “Không chân, tưởng chân thật, Chân thật, thấy không chân
Họ không đạt chân thật Do tà tư tà hạnh.
12 “Chân thật, biết chân thật, Không chân, biết không chân.
Chúng đạt được chân thật, do chánh tư, chánh hạnh.”
13 “Như ngôi nhà vụng lợp, Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu, Tham dục liền xâm nhập.”
14 “Như ngôi nhà khéo lợp, Mưa không xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm khéo tu, Tham dục không xâm nhập.”
15 “Nay sầu, đời sau sầu, Kẻ ác, hai đời sầu;
Nó sầu, nó ưu não, Thấy nghiệp uế mình làm.”
16 “Nay vui, đời sau vui, Làm phước, hai đời vui.
Người ấý vui, an vui, Thấy nghiệp tịnh mình làm.”
17 “Nay than, đời sau than, Kẻ ác, hai đời than,
than rằng: “Ta làm ác ” Đọa cõi dữ, than hơn.”
18. “Nay sướng, đời sau sướng, Làm phước, hai đời sướng.
Mừng rằng: “Ta làm thiện “, Sanh cõi lành, sướng hơn.”
19- “Nếu người nói nhiều kinh, Không hành trì, phóng dật;
Như kẻ chăn bò người, Không phần Sa môn hạnh.”
20- “Dầu nói ít kinh điển, Nhưng hành pháp, tùy pháp,
Từ bỏ tham, sân, si, Tỉnh giác, tâm giải thoát,
Không chấp thủ hai đời, Dự phần Sa môn hạnh.”
Trích Kinh Pháp Cú
Câu chuyện này được kể lại khi Phật ở Kỳ Viên, liên quan đến Tôn giả Ðại Mục Kiền Liên.
Một hôm, Tôn giả Mục Kiền Liên đi dạo nơi cung trời, thấy một vị trời có thần lực rất lớn đang đứng trước cung điện của mình. Thiên thần ấy đến chào Tôn giả, Tôn giả hỏi:
– Này thiên thần, ông có uy lực lớn, ông đã làm gì mà được như thế?
– Ồ! Bạch Ngài, xin đừng hỏi tôi. (vị trời này chỉ làm một việc thiện nhỏ, nên xấu hổ không muốn nói).
Tôn giả cứ hỏi lại, yêu cầu nói cho nghe, cuối cùng thiên thần nói:
– Thưa Tôn giả, tôi không hề cúng dường, tôn kính hay nghe pháp. Tôi chỉ nói thật mà thôi.
Tôn giả đến cung điện khác, hỏi một vài thiên nữ khác. Họ cố giấu việc mình làm nhưng không qua được Tôn giả, một người nói:
– Thưa Tôn giả, tôi không bố thí hay làm việc về Tôn giáo, nhưng vào thời Phật Ca Diếp tôi là đầy tớ của một ông chủ tàn bạo hà khắc. Ông ta chỉ có đánh đập. Nhưng khi tư tưởng sân hận nổi lên tôi tự an ủi mình rằng: “Ông ấy là chủ mình, có thể bắt giam mình, hoặc xẻo mũi mình, hay xẻo bất cứ nơi nào. Ðừng giận dữ.” Như thế, tôi làm lắng dịu lòng mình, chỉ có thế, tôi được phước quả này.
Người khác nói:
– Thưa Tôn giả, khi tôi đang canh chừng ruộng mía, tôi có cúng một cây mía cho một Sa môn.
– Tôi cúng một timbaràsaka.
– Tôi cúng một elàluka.
– Tôi cúng một phàrusaka.
– Tôi cúng một nắm củ cải.
Tất cả đều kết luận: “Bằng cách ấy chúng tôi đạt được quả phước.”
Tôn giả trở về bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn, có phải người được sanh cõi trời chỉ vì đã nói thật, hay đã chế ngự cơn giận, hay bố thí một nắm đậu,v.v…?
– Vì sao ông hỏi ta điều ấy? Tất cả thiên thần đã chẳng kể rõ cho ông sao?
– Thưa vâng, con tin rằng chỉ vài điều thiện nhỏ như thế cũng đủ sanh thiên.
Phật dạy:
– Này Mục Kiền Liên, chỉ với lời nói thật, chỉ với việc chế ngự cơn giận, hay tặng một quà nhỏ, người được sanh thiên.
Ngài nói kệ:
Nói thật, không phẫn nộ,
Của ít, thí người xin,
Nhờ ba việc lành này,
Người đến gần thiên giới.
Trích Tích Truyện Pháp Cú Tập 3
Tập “Tích Truyện Pháp Cú” này được dịch theo bản Anh ngữ “Buddhist Legends” của học giả Eugène Watson Burlingame. Nhà học giả này đã căn cứ trên nguyên tác Pháp Cú Sớ Giải (Dhammapada Commentary) bằng tiếng Pàli. Tương truyền Pháp Cú Sớ Giải là công trình của Ngài Buddhaghosa (Phật Âm), sống khoảng thế kỷ thứ V Tây lịch.