Xài cho người khác, ông như một ông hoàng rộng rãi; xài cho riêng mình, ông như một người keo kiệt! Đó là ông Mai Văn Trung sinh năm 1923, nguyên quán Ngã Bảy, Phụng Hiệp, Cần Thơ. Thân phụ là cụ ông Mai Văn Dầy, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Quyến. Ông là con thứ sáu trong gia đình có bảy anh em.
Năm 1940, lúc 17 tuổi, ông có cùng thân phụ đến làng Nhơn Nghĩa, Xà No, quy y Tam bảo, chính thức trở thành cư sĩ tại gia, mỗi tháng ăn chay bốn ngày và sớm chiều hai thời lễ bái sám nguyện.
Năm 33 tuổi, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Năm, sinh được tám trai ba gái, định cư tại ấp Bình Nghĩa, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Gia đình ông sinh sống bằng nghề làm ruộng và buôn bán cây, lá…
Bản tính ông chân thật, cần kiệm, siêng năng lại hiếu thuận, từ hòa.
Năm 1979, ông phát tâm trường trai, lúc này ông 56 tuổi. Một đêm khuya nọ ông tâm sự với vợ rằng:
– Bà ơi! Giờ thì thôi, làm cho gia đình vợ con hoài… còn ông bà cha mẹ ai lo? Tôi giao hết cho bà để tôi đi tu!
Bà vui vẻ đáp:
– Tui tưởng đâu ông giận hờn vợ con ông đi tu thì tôi không chịu; còn ông nói ông đi tu để cứu vớt ông bà tổ tông… Thì thôi, ông đi thì đi, tôi nhận nuôi mấy đứa!
Kể từ dạo ấy ông rời khỏi gia đình, đến tá túc tịnh thất của các huynh đệ, hoặc chùa am, chuyên tâm tham gia các công tác từ thiện và nỗ lực tu học, chăm chỉ hành trì pháp môn Tịnh Độ cho đến ngày về với Phật.
Ông thường đi xin gạch để trùng tu các chùa, đình hoặc phòng thuốc Nam. Công trình lớn nhất là chùa Bửu Hòa và đền thờ Nguyễn Trung Trực. Ngoài ra thì lạc quyên tiền để giúp cho người nghèo khó, người già đang lâm cơn bệnh tật, và những sản phụ không đủ phương tiện khám bệnh và điều trị thuốc thang, hoặc các gia đình gạo cơm eo hẹp…
Cách làm việc của ông đâu ra đó, có sổ chi thu ghi rõ số mục, ngày tháng hẳn hoi. Ông thường kết hợp với chính quyền địa phương để đi quyên góp, hoặc chính quyền địa phương ký giấy xác nhận, rồi ông đi đến từng nhà để kêu gọi mọi người tùy hỷ đóng góp. Nhưng đâu phải làm việc tốt lành là được tất cả mọi người ai ai cũng tin tưởng và vui vẻ ủng hộ cả đâu! Thường thì ông phải đón nhận biết bao lời lẽ gièm pha xoi bói… thậm chí mắng chửi tận mặt. Vốn là một phàm phu, một chúng sanh đang tu tập, chứ không phải là Phật hay Bồ Tát tâm hồn hoàn toàn thanh tịnh, trắng phao như lông cò, nên đôi khi ông nghe xong hai dòng lệ bất giác tuôn chảy ngậm ngùi! Điều đáng để cho chúng ta kính phục là khó khổ cách mấy ông vẫn giữ vững lập trường của mình, không thối chí nản lòng chùn chân lùi bước, như lời răn nhắc của Cổ Đức:
“Muốn tươi sắc ngọc sắc ngà,
Đừng buồn những lúc người ta giũa mài.
Càng nhiều thử thách đắng cay,
Càng thêm sáng tỏ tương lai tu hành.
Xưa nay những vị đạo thành,
Vị nào cũng gặp muôn nghìn gian lao.
Nghiệp lâu nay chất ngất cao,
Không đời đục phá thì nào nó tan.
Tu hành thì phải kiên gan,
Thân dù sao cũng Phật đàng cứ đi.
Đi cho đến cõi Liên Trì,
Để hoàn toàn được thoát ly hồng trần.”
Ông cũng thường tâm sự với các em cháu rằng:
– Hãy xem những nghịch cảnh trái duyên là quà tặng trong cuộc sống mà thế gian đã trao tặng cho chúng ta. Chúng ta nên hoan hỷ đón nhận và cố gắng niệm Phật, mới có thể cất bước về Tây Phương Cực Lạc được. Nếu cứ mãi bận bịu buồn phiền với những dây mơ rễ má đó thì chuyện vãng sanh vẫn là chuyện xa vời!
Những năm cuối đời ông chuyên đi hộ niệm và làm khung hình Tam Bảo, hình Cửu Huyền và hình Tổ Thầy, hầu tạo điều kiện cho mọi người có phương tiện thờ phượng lễ bái.
Về phần sinh hoạt riêng cá nhân, ông rất là kiệm ước, từ: ăn, mặc… cho tới tiêu dùng đều đơn giản đến mức không thể tưởng tượng. Như đôi khi đến bữa ăn, nước tương ông cho nước vào, kho sền sệt là có thể dùng với cơm qua ngày. Vậy mà sức khỏe của ông khó có ai sánh cùng. Khi ông ốm đau chỉ uống thuốc Nam, chưa hề tốn tiền mua thuốc Tây hay thuốc Bắc.
Người bạn đồng hành, dãi nắng dầm mưa cùng chung làm công tác từ thiện với ông, là chiếc xe đạp Trung Quốc cũ kỹ nặng trịch. Nhiều lần đang chạy thì rớt cái này, rơi cái nọ ra ngoài… nhưng ông vẫn kiên nhẫn bước xuống lượm lên gắn vào rồi cọc cạch chạy tiếp. Khi tệ quá không còn chạy được nữa ông mới đem đến nhờ thợ sửa chữa. Con cháu của ông cho tiền dư sức để mua xe honda tốt, thế mà ông vẫn không thay chiếc xe đạp cà tàng nặng trịch nầy. Có lần cô Năm Phụng đề nghị:
– Bác Sáu ơi! Con cháu cho tiền, sao bác không mua chiếc xe nhẹ đạp chạy?
Ông trả lời:
– Thôi, để tiền làm từ thiện!
Ông có hai túi tiền, một là tiền riêng do con cháu cho ông, một là do quyên góp. Thường khi đi giao mấy chục cái khung hình, lỡ tay bất cẩn ngã xe bể kiếng thì dùng tiền nhà đắp vô. Từ Cái Dầu ông xuống Kinh Xáng Cây Dương, Kinh Xáng Vịnh Tre, chùa Từ Quang… để giao tặng cho bà con, đồng đạo, cũng bằng chiếc xe đạp cà tàng đó. Giữa đường mệt thì ông dừng lại nghỉ, khát thì vào nhà người ta xin nước lu để uống. Ông chưa hề ghé quán hay mua bất cứ thứ gì để ăn uống trên đường cả! Xài cho người, ông như một ông hoàng; xài cho mình, ông như một người keo kiệt!
Có lần ông cùng cô Năm Phụng đi đến nhà đồng đạo để trang trí ngôi Tam Bảo. Trời trưa, nhà lợp thiếc nắng nóng như đổ lửa, nóng muốn điên chớ chẳng phải nóng vừa… mồ hôi lả chả ướt cả áo quần. Kẻ cưa, người đục, cổ cháy khô mà không một lời đòi hỏi, tự động ra khạp lấy ca múc nước uống. Tranh thủ làm xong ra về, trong túi có tiền nhiều lắm mà đâu có ghé tiệm, để đi riết về nấu cơm luộc rau. Khi đang dùng bữa ông nói:
– Như vầy mới đúng theo lời Phật dạy: Ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu! Chớ đừng có ăn xài sung sướng quá, mình quên đi cái Đạo, rồi trưởng dưỡng xác thịt thì bỏ tu phế Đạo.
Thỉnh thoảng quanh vùng nơi ông cư trú có nhu cầu hộ niệm, ông rất nhiệt tình hỗ trợ các em cháu. Thường ca 12 giờ hoặc 1 giờ khuya đến 4, 5 giờ sáng là ca của ông. Ông ngồi kiết già niệm cao thanh suốt mấy tiếng đồng hồ mà vẫn tỉnh bơ. Không biết năng lượng ấy ông đã lấy từ đâu!
Ông thường dặn dò đi, dặn dò lại với các em cháu:
– Mình muốn về với Phật thì phải: Tin sâu, Nguyện thiết, Hành thâm. Mỗi ngày ít nhất phải ba thời lễ niệm, mỗi thời ngồi ít nhất là một giờ đồng hồ, nếu khỏe thì nhiều hơn. Thành tâm lạy Phật, niệm Phật mới về cõi Phật được. Còn làm phước chỉ là hưởng phước hữu lậu thế gian mà thôi. Hưởng thì có ngày cũng hết! Dù vua chúa sang trọng gì rồi cũng phải chết. Chỉ có thành tâm, chí tâm niệm Phật mới mong được về cõi Phật: Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc.
Đến cuối tháng 7 – 2007, ông bị sốt, uống thuốc Nam hoài mà không bớt. Nơi nách bên trái của ông có nổi một mụt bằng đầu ngón tay. Mấy năm nay ông đang ở tu nơi tịnh thất của cô Ba Xuyến và cô Năm Phụng tại cầu chữ S (trên nhà ông một đỗi). Hay tin ông bệnh con cháu đến thăm, không an lòng bèn đưa ông đi Bệnh Viện Chợ Rẫy phẫu thuật. Nằm viện hơn một tuần thì về nhà an dưỡng. Chẳng bao lâu thì nơi bả vai trái của ông nổi lên liên tiếp bốn mụt lớn bằng cái bánh cam, không đỏ, không đau nhức gì hết.
Ngày 12 – 9 – 2007, cô Năm Phụng ghé thăm, ông tâm sự:
– Thôi! Cuộc đời này chắc bác phải ra đi. Hai cháu rán tranh thủ hộ niệm cho bác. Bữa nào bác sai mấy đứa lên kêu thì hai cháu xuống hộ niệm cho bác. Hai cháu niệm ba ngày thì bác sẽ ra đi cho nó rồi đi!
Cô nhẹ nhàng thưa:
– Bác ơi! Năm nay bác đã tám mươi mấy tuổi rồi, con đường về xứ Phật mình đã chuẩn bị, thì mình về đi! Bác đừng có lo gì nữa hết! Ở ngoài chúng cháu lo cho bác, gia đình lo cho bác… Bác yên tâm niệm Phật, bác phải phát nguyện với Đức Từ Phụ A-di-đà: Con là Mai Văn Trung, 84 tuổi, nhờ ơn Đức Phật gia hộ cho ngày ra đi về xứ Phật của con được nhẹ nhàng thân thể, để con tỉnh tâm niệm Phật!
Sáng ngày 14 ông cho gia đình biết là hôm nay ông theo Phật, nên sai con ra chùa Bửu Hòa lấy áo tràng cùng khăn đóng cho ông; đồng thời cũng bảo các con kiếm bông, kiếm hoa để chưng trên bàn Phật, cho mời các vị bạn đạo đến niệm Phật cho mình.
Bà vợ nghe ông nói như vậy, bèn vội vàng đi ra chợ mua một lồng chim phóng sanh để hồi hướng cho ông. Xong, trở về thuật lại cho ông nghe, ông liền nói:
– Bà ra chợ mua cá đi!
Bà lót tót cầm thùng quày ra chợ lần nữa.
Mấy ngày trước, đệ Gương ở chùa Bửu Hòa có ghé thăm ông, vì năm 2002 ông đã ở chùa Bửu Hòa hơn hai năm, tu chung với đệ Gương. Đệ Gương thương kính ông lắm. Đệ có hỏi:
– Ông Sáu à! Ông đau như vầy mà ông biết ngày chết của ông không?
Ông bình thản đáp:
– Biết chớ sao không mậy! Ngày 14 tao chết. Mầy kêu đồng đạo đến hộ niệm cho tao!
Vì vậy, khi về chùa đệ đã thuật lại cho cô Chín Vân hay, nên sáng ngày 14 cô đã cùng đệ Gương tới nhà ông. Đến nơi khi chào hỏi, ông mừng lắm, ông nắm tay cô và nói:
– Chín mới qua hả?
– Dạ! Con qua đây hộ niệm đưa bác về Tây Phương!
Rồi cô Chín hướng đẫn đệ Gương cùng các con của ông quét dọn gian phòng, và dời giường ông nằm ra giữa phòng để ngồi hai bên trợ niệm, đồng thời chưng bông hoa trên bàn Phật. Mọi việc xong xuôi cô cất tiếng niệm vang dội. Đệ Gương không chuyên hộ niệm, âm thanh quá nhỏ nên cô mới điện thoại mời hai vợ chồng Út Quen cũng là trưởng đoàn hộ niệm. Khi hai vị lên tới, ông vô cùng mừng rỡ nắm tay Út Quen và nói:
– Út ơi! Út với Chín rán đưa tui về Tây Phương nghen?
– Dạ! Chú Sáu cứ an tâm!
Rồi chú Út xoay qua nói nhỏ với cô Chín:
– Sao mà thấy ổng tỉnh bơ vậy Chín?
– Ừ! Tỉnh thì tỉnh… mà đi thì đi!
Thế rồi mọi người đồng niệm cao thanh, ông cũng niệm Phật theo. Được hơn nửa tiếng đồng hồ, con gái Út của ông mới điện thoại cho người chị thứ Chín:
– Sao mà ba mình còn sống… Ổng mạnh, ổng nói chuyện tỉnh bơ, còn ngồi, còn đi… mà mấy bả kéo ổng ra hộ niệm chị ơi?
Chị cô không bằng lòng, la lên:
– Trời ơi! Đuổi mấy bả ra đi… Làm cái gì, ông ba còn sống mà hộ niệm cho chết vậy!
Những người nhà lân cận cũng lên tiếng:
– Chèn ơi! Bác Sáu còn nói chuyện leo lẻo, chết chóc gì… mà làm om sòm bát nhã vậy!
Chú Sơn con ông, sợ mọi người buồn, liền lên tiếng:
– Chín ơi, Chín! Chín tụng kinh đi Chín?
– Chèn ơi! Ổng kêu niệm Phật… mà mầy kêu tụng kinh!
– Chín ơi! Chín đừng có buồn, em con nó sợ ba con chết, nó nhắn tin về, nó hổng cho hộ niệm!
Ông nắm tay cô Chín, tha thiết nói:
– Chín Vân! Chín niệm đi, Chín Vân!
Thấy ông tha thiết quá mọi người tiếp tục niệm thêm, hơn nửa giờ sau có tin nhắn về không cho hộ niệm. Mọi người ra ngoài đứng xớ rớ, tâm ý còn đang lưỡng lự, tiến thối đều khó khăn. Khi trở vô thì ông bảo:
– Niệm nữa đi, Chín Vân!
Thế là tiếp tục niệm thêm một lát nữa… Rồi cũng tin nhắn không cho hộ niệm!
Lúc vợ ông mua cá đem đi thả xong xuôi, về đến nhà thì phái đoàn của cô Chín Vân đã âm thầm rút quân không dám cho ông hay!
Khoảng 12 giờ rưỡi cô Ba Xuyến và cô Năm Phụng xuống tới. Ông đang hối thúc các con lo đặt bàn kiếm bình bông để lên, trong khi đó đã có đầy đủ rồi nhưng vì con ông sợ ông chết nên đã cất giấu. Cô Năm lại gần bên cạnh nói với ông rằng:
– Bác Sáu ơi! Bình bông là giả, gia đình cũng là giả, bàn Phật cũng là giả luôn… Bây giờ bác phải nhất tâm niệm Phật. Tâm ý hiệp nhất, hướng về Đức Từ Phụ A-di-đà. Nhờ Đức Từ Phụ A-di-đà phóng quang nhiếp thọ. Bây giờ không còn lo nghĩ ra bên ngoài và nói chuyện bên ngoài nữa nghen bác Sáu. Con niệm, bác niệm!
Nói xong cô và cô Ba Xuyến cùng niệm lớn lên, ông cũng niệm theo. Đến 1 giờ chiều con ông khóc, ông nói:
– Sao không lo niệm Phật mà khóc!
Cô Năm xen vào:
– Thôi bác ơi! Tâm ý hiệp nhất, Phật A-di-đà mới tiếp độ. Nếu mà tâm bác còn động ra bên ngoài thì không về Phật được nghen bác. Con niệm, bác niệm!
Từ đó trở đi ông không còn phân tâm nữa.
Đến khoảng 2 giờ rưỡi chiều âm thanh niệm Phật của ông nhỏ dần và dứt hẳn, môi vẫn còn cử động niệm Phật theo mọi người. Khi kim đồng hồ chỉ đúng 3 giờ chiều thì môi ông ngưng lại, đôi mắt từ từ khép kín, nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng, hai tay vẫn còn chắp lại giữa ngực. Nhằm ngày 14 – 9 – 2007, ông hưởng thọ 84 tuổi.
Lúc ông vừa mất thì người cháu, con anh thứ Hai của ông bước đến gần dự định sửa hai tay xuôi cho thẳng thớm đàng hoàng, cô Năm ngăn lại và hứa rằng nếu khớp bị cứng thì sẽ có cách xử lý.
Hộ niệm tiếp tục khi tàn ba cây hương, cô Năm mới khấn nguyện:
– Bác Sáu ơi! Thần thức của bác Mai Văn Trung! Nếu sống thì khôn, thác thì thiêng. Khi về với Phật, nơi cõi giới an lành… thì bác hãy để lại cho thế gian này biết được cảnh tượng của người tu ra đi như thế nào.
Cô đang nguyện chưa dứt câu, thì hai tay của ông đang chắp nơi ngực tự động rời ra, rơi xuống nghe một cái phịch, ai nấy đều giật thót cả người!
Thời gian sau cô con dâu thứ Sáu của ông, tức là vợ của chú Lộc, một hôm nằm mộng thấy ông mặc áo tràng đội khăn đóng đến nói với cô rằng:
– Con cho thằng Lộc nó hay: Ba đã về Phật rồi! Mấy đứa rán lo tu hành, rán lo niệm Phật!
(Thuật theo lời: Nguyễn Thị Năm, vợ của ông và đồng đạo Năm Phụng.)
Trích CHUYỆN VÃNG SANH – Tập II (Phần 3 & 4)
Nhóm liên hữu Miền Nam Đất Việt sưu tầm và biên soạn
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu
HÒA THƯỢNG TUYÊN HÓA thuyết giảng
Thần Chú Ðại Bi, Nhiệm Mầu Không Thể Nghĩ Bàn
Hôm nay bắt đầu vào thất Ðại Bi. Buổi tối sau lễ sái tịnh sẽ tụng Ðại Bi Thần Chú. Trong quá khứ, số chư Phật nói chú này nhiều bằng chín mươi chín ức số cát sông Hằng và Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát vì thương hết thảy mọi loài chúng sanh, nên phát tâm đại bi, cưỡi thuyền từ bi trở về cõi Ta-bà để cứu độ tất cả chúng sanh ra khỏi cảnh khổ ách. Có câu: “Bể khổ không bờ, quay đầu là bến,” chỉ cần chúng ta kiền thành trì tụng Ðại-bi Chú ắt sẽ thấy ứng nghiệm, không thể nghĩ bàn.
Trước đây trong vô lượng kiếp, Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát được Thiên Quang Vương Tĩnh Trú Như-lai diễn pháp Ðại-bi Thần Chú cho nghe, lấy bàn tay sắc vàng xoa đầu, khiến Ngài, khi nghe xong liền chứng được quả vị Bồ-tát bậc Bát-địa. Ngài liền sanh tâm đại hoan hỷ rồi lập tức phát nguyện lớn như sau: “Nếu tôi có thể làm lợi ích hết thảy chúng sanh, thì xin cho tôi có ngay ngàn tay và ngàn mắt.” Phát nguyện xong, hốt nhiên trái đất chấn động, hào quang phát ra từ chư Phật mười phương chiếu sáng thân Ngài, rồi ngàn tay và ngàn mắt tức khắc trang nghiêm thân tướng của Ngài. Tay thì có thể nâng đỡ, mắt thì có khả năng chiếu soi. Ngàn tay và ngàn mắt tượng trưng cho vô số thần thông và trí huệ.
Ý nghĩa của đại bi: Căn cứ câu: “Bi năng bạt khổ,” bất cứ ai gặp phải mọi cảnh khổ nạn, nếu thành tâm tụng Chú Ðại-bi đều có thể được bình an, chuyển hung thành cát. Ngài Quán Thế Âm bạch Phật rằng: “Nếu như chúng sanh trì tụng Ðại-bi Chú mà không được mãn nguyện, thì xin thề không thành chánh giác, trừ phi nguyện ước của họ bất thiện hay không thành tâm trì tụng.”
Trì tụng Ðại-bi Chú không những được tự tại, mà các điều cầu mong còn được thành tựu; có thể tránh được khổ ách tai nạn và được vui sướng an lạc; vượt qua mọi hiểm nghèo, tới chỗ bình an vô sự. Làm sao có thể xa lìa khổ ách? Phải tụng Ðại-bi Chú. Làm sao thoát khỏi hiểm nghèo? Phải trì tụng Ðại-bi Chú. Chớ có coi Ðại-bi Chú là tầm thường hay đơn giản. Tôi xin nói với quý vị rằng nếu quả trong đời quá khứ và hiện tại quý vị không có căn duyên tốt lành thì ngay đến cả cái tên của Chú Ðại-bi cũng chưa được nghe, đừng nói tới việc trì tụng. Nay không những quý vị được nghe biết tên của Chú lại còn được trì tụng Chú với một lòng chí thành như vậy, thật là một cơ hội trăm ngàn vạn kiếp mới có một lần, rồi lại được thiện tri thức chỉ dẫn, cách thức đọc tụng, thọ trì, tu trì nữa. Thật đáng cho quý vị coi trọng! Tóm lại, Ðại-bi Chú có những lợi ích không thể nghĩ hết được.
Trong thời gian bẩy ngày này, chúng ta nên thành tâm thành ý, rất mực cung cung kính kính trì tụng Chú Ðại-bi, tụng cho tới độ tâm không vọng tưởng. Lúc đó, lòng lắng trong, hoặc giả có người thấy hào quang, có người thấy hoa xuất hiện, có người được Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát rờ đầu, giúp cho khai mở trí huệ. Hoặc giả có khi ngửi thấy mùi hương lạ, cũng có người dù đã tha thiết chí thành trì tụng, nhưng cũng chẳng thấy một hiện tượng gì khác lạ. Dầu có hay không cũng chớ có nản lòng, cứ hết sức dốc một lòng trì tụng. Khi nào thời khắc tới, sẽ nhất định chứng kiến cảnh giới “cảm ứng đạo giao,” xuất hiện ngay trước mắt.
Bất luận thấy cảnh giới nào, hay chẳng thấy gì hết, việc chánh vẫn là tinh tấn trì tụng. Kẻ thấy điềm lành chẳng nên chấp vào tướng lành đó. Kẻ không thấy điềm gì cũng đừng sanh lòng tự ti mà tự bảo rằng: “A ! Vậy là ta chẳng có thiện căn, sao ta chẳng thấy Bồ-tát?” Thiện căn có khi sớm kết thành quả, có khi thì muộn. Nếu như có cảm giác thiện căn của mình chưa đến lúc thành thục, thì ta phải tiếp tục bồi đắp, làm thêm nhiều công đức nữa mới được. Người ta nói: “Chưa trồng căn lành, phải trồng căn lành; đã trồng căn lành, khiến nó tăng trưởng; đã tăng trưởng rồi, khiến nó thành thục; đã thành thục rồi, khiến tới giải thoát.”
Quý vị lần đầu tới Kim Sơn Thánh Tự, nghiên cứu Phật pháp, tu tập Phật pháp, phải dốc lòng thành học tập, không ngại khổ, không ngại khó. Ở đây trong vòng bảy ngày, nên dũng mãnh tinh tấn, xa lìa vọng tưởng. Nếu lại vừa học tập, vừa nghĩ ngợi lung tung, công phu không thể chuyên nhất được. Tâm không chuyên nhất thì khó lòng sanh cảm ứng. Ðó là một điều, quý vị phải đặc biệt chú ý!
Những lợi ích của công phu trì tụng Ðại-bi Chú, nói ra không thể hết được. Phàm ai đã trì tụng Ðại-bi Chú thì tuyệt đối chẳng bị đọa vào ba đường ác. Nếu bị đọa vào các đường ác đó thì Ngài Quán Thế Âm nguyện chẳng bao giờ thành Phật. Phàm ai ngu si mà trì tụng Ðại-bi Chú, nếu chẳng biến thành kẻ trí huệ, Ngài Quán Thế Âm cũng nguyện chẳng thành Phật. Thần Chú Ðại-bi lại có thể trị tám vạn bốn ngàn loại tật bệnh của thế gian. Ai bị bệnh nan y, cho đến các y sĩ, Tây y hay Ðông y phải bó tay, nhưng nếu thành tâm trì tụng Ðại-bi Chú cũng nhất định chẳng uống thuốc mà được khỏi bệnh. Thần hiệu của Ðại-bi Chú thật không thể nghĩ bàn!
Tại Kim Sơn Thánh Tự có người đã từng được sự ứng nghiệm như vậy. Chữa trị chứng ung thư chẳng phải là chuyện dễ dàng, vậy mà trì tụng Ðại-bi Chú khiến cho bệnh tiêu tan. Thần lực của Chú Ðại-bi thật mầu nhiệm không thể nghĩ bàn. Chỉ cần xem công phu của quý vị trong bảy ngày ra sao, ai thành tâm, người đó sẽ thấy ứng nghiệm, được lợi ích. Ai có bệnh, bệnh sẽ lui. Ai không bệnh, thì trí huệ được khai mở. Cầu chuyện gì được chuyện đó, cho nên Ðại-bi Chú gọi là bất khả tư nghì quảng đại linh cảm, vô ngại đại bi tâm đà-la-ni. Chữ đà-la-ni (Dharani) dịch nghĩa là tổng trì, tổng nhất thiết pháp, trì vô lượng nghĩa, cũng gọi là chú, hoặc gọi là chân ngôn. Tóm lại đó là những chữ mật.
Mật chú gồm có bốn ý nghĩa sau:
Trong bài chú có tên vua các loài quỷ thần, nên phàm tiểu quỷ nghe đến tên này thì không dám làm bậy và phải tôn trọng phép tắc,
Chú được coi như khẩu lệnh trong quân đội, nếu vi phạm ắt sẽ bị trừng trị,
Chú có thể âm thầm tiêu trừ nghiệp tội mà chính mình không hay biết,
Chú là ngôn ngữ bí mật của chư Phật, chỉ có chư Phật mới hiểu được mà thôi.
Quý vị lần này tới tham dự pháp hội Ðại-bi, đều có sẵn căn lành cả, đức hạnh đầy đủ lại được nhân duyên thành thục nên mới tới Chùa Kim Sơn Tự. Hy vọng rằng một khi đã vào tới “bảo sơn” rồi thì không đến nỗi tay không trở về, tất phải được bảo vật để dùng cho mình. Bảo vật gì? Chính là Chú Ðại-bi. Ðại-bi Chú có thể trị bệnh, có thể hàng phục loài ma, có thể khai mở trí huệ, có thể mang lại sự bình an, hay nói cách khác, cầu việc gì được việc ấy, nhất định toại lòng xứng ý.
Kỳ pháp hội Ðại-bi này còn đặc biệt hơn nữa là tại Trung-quốc rất hiếm có khóa tụng Ðại-bi có tính cách kỷ lục, kéo dài cả bẩy ngày luôn như vậy. Tại các nước khác người ta có niệm Chú Ðại-bi trong bẩy ngày không, điều này tôi không biết, nhưng tại Mỹ, tôi nghĩ rằng đây là lần đầu tiên. Mong tất cả quý vị hết sức chân thành trì tụng Ðại-bi Chú, công đức vô lượng!
Ngày 9 tháng 4 năm 1976, tại Kim Sơn Thánh Tự
————————————————————
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Ngày hôm nay, quý vị tập họp tại đây, dự Quán Âm thất, để cùng nhau niệm thánh hiệu: Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Ðây là một dịp quý báu, hy hữu, chớ có uổng phí thời gian. Nếu như có lòng coi thường thì sẽ chẳng ích lợi gì, như người đã vào tới bảo sơn mà trở về tay không, rất là đáng tiếc. Mong rằng quý vị buông bỏ hết mọi thứ để dũng mãnh niệm với một lòng tinh tấn, nhất định quý vị sẽ thấy cảm ứng, và có như vậy mới không cô phụ mục đích tổ chức Quán Âm thất này.
Bình thường khi vào thất Quán Âm, phần đông đều niệm Phật, niệm Bồ-tát, sau đó nghỉ nửa giờ rồi mới tiếp tục công phu. Tại Hương-cảng hay Ðài-loan, đại khái mọi người niệm theo cách thức đó. Chúng ta ở Vạn Phật Thành này sẽ niệm một cách liên tục, không ngưng nghỉ, luôn một mạch từ sáng sớm tới tối, ở giữa không có thời gian nào nghỉ cả.
Quý vị nên biết rằng, chẳng phải chúng ta không nghỉ ngơi mới đúng, hay mọi người nghỉ ngơi là sai. Nói như vậy nghĩa là sao? Bởi vì chúng ta từ trước tới nay chưa hề dụng công, cho nên bây giờ phải hết sức tinh tấn, ráng hết sức để mà tiến tới. Còn như người khác thì họ đã dụng công từ lâu rồi, họ đã vào đạo, họ niệm Quán Thế Âm Bồ Tát hay không niệm cũng vậy thôi, họ đều không có vọng tưởng, do đó họ nghỉ ngơi còn hơn chúng ta tinh tấn.
Giả sử chúng ta lại sanh tâm ngã mạn nghĩ rằng: “A! Chúng ta ở Vạn Phật Thành tu hành rất là dũng mãnh và tinh tấn, còn người ta thì giải đãi, lười biếng.” Nếu có ý nghĩ đó thì tất cả công đức của chúng ta đều bị tiêu ma. Ðó chính là tâm tự mãn, tâm kiêu ngạo. Chúng ta nên hiểu rằng họ đã dụng công tu hành từ vô lượng kiếp, nay họ nghỉ ngơi chính là chờ đợi số người của chúng ta đương lẽo đẽo theo sau. Nghĩ được như thế thì đúng, và dụng công mới có kết quả tốt, chớ không thể dụng công mà nẩy sanh tâm chướng ngại. Tâm chướng ngại chính là lòng tự mãn, lòng kiêu mạn, có thể phương hại tới hạt giống Bồ-đề. Chúng ta dụng công phải ghi nhớ điểm này. Bất luận trong trường hợp nào, phải tránh cho kỳ được tâm cống cao, ngã mạn, và tránh có ý nghĩ ích kỷ tự lợi, mà phải theo đúng câu: “Pháp là bình đẳng, không có cao thấp,” đó chính là châm ngôn của kẻ tu hành.
Khởi đầu dụng công, chúng ta phải giữ tâm cho chánh đáng. Không chánh đáng thì dù công phu ra sao cũng thành ma đạo. Tâm đã chánh đáng, thì dụng công cách gì cũng có thể thành Phật. Con đường dẫn tới Phật hay tới ma chỉ khác nhau ở một niệm. Quý vị hãy đặc biệt chú ý.
Tại sao chúng ta phải niệm: Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát? Bởi vì đối với chúng sanh ở cõi Ta-bà Ngài đều có nhân duyên. Ngài là vị Bồ-tát tầm thanh cứu khổ và cứu nạn. Có người nghĩ rằng: “Khi nào chúng ta gặp khổ và gặp nạn chúng ta mới cần cầu Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát, bây giờ không gặp cảnh khổ cũng không gặp cảnh nạn thì niệm danh hiệu của Ngài làm gì?” Nói vậy hóa ra chúng ta chẳng khổ chút nào ư? Ðây là ngũ trược ác thế -kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mệnh trược – các chúng sanh đều bị khổ cả, khổ không thể nói hết. Rồi trong vòng luân hồi, các chúng sanh lên lên xuống xuống, vậy mà không phải khổ sao? Một ngày, từ sáng tới tối trong tâm toàn là vọng tưởng thôi thúc, đấy chẳng phải là cảnh khổ ư? Rồi lo âu cho riêng mình, muốn có lợi cho riêng mình, nhưng lo không được thì ngủ không an; cầu chẳng được thì ăn không ngon. Vậy mà nói là chẳng khổ ư? Ai dám đoan quyết rằng mình chẳng khổ? Họ chẳng khổ vì điều này thì lại khổ vì điều khác, tóm lại khổ bất ly thân. Trừ phi vạn sự đều buông bỏ, chẳng cầu điều gì họa may mới không khổ.
Chúng ta niệm câu Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát, thì trước hết chúng ta phải hiểu ý nghĩa câu này. Nam mô là tiếng Phạn, có nghĩa là quy mạng, Quán là quán sát, lấy diệu quan sát trí để quán sát. Ai có diệu quan sát trí? Ngài Quán Thế Âm, vì Ngài có loại trí huệ đó, cho nên đối với hết thảy mọi âm thanh của thế gian Ngài đều hay, đều thấy, không hề bị lầm lẫn. Chữ Thế là chỉ thế gian. Âm là âm thanh. Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát tu pháp môn phản văn văn tự tánh, cho nên Ngài dùng tâm để quán sát tiếng kêu cứu của các chúng sanh trong thế gian. Khi Ngài nghe được sẽ tức khắc phân thân đến nơi để cứu độ nạn nhân ra khỏi bể khổ, thoát được khổ và được vui sướng, cho nên có câu kệ rằng:
Thiên xứ kỳ cầu thiên xứ ứng,
Khổ hải thường tác độ nhân chu.
Nghĩa là:
Ngàn nơi cầu, ngàn nơi ứng,
Ngài là thuyền vớt người trong bể khổ.
Bồ Tát Quán Thế Âm cũng giống như các bậc mẹ hiền, con cái cầu mẹ thì sẽ được mẹ cứu, không dến nỗi bị thất vọng bao giờ. Cho nên Ngài có danh hiệu là Ðại Từ Ðại Bi Quảng Ðại Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.
Chữ “Bồ-tát” có một nửa là tiếng Phạn, nói cho đủ là Bồ-đề-tát-đỏa [Bodhisattva], dịch nghĩa thành Giác-hữu-tình hay Hữu-tình-giác, cũng nghĩa tương tự. Giác là giác ngộ, hữu tình chỉ chúng sanh. Giác-hữu-tình tức là một chúng sanh trong số người giác ngộ, hoặc kẻ giác ngộ trong số chúng sanh. Bồ-tát thuộc hàng thánh tự giác giác tha – tự mình giác ngộ và giúp người khác giác ngộ – không tự tư tự lợi, một lòng chỉ nghĩ tới hạnh phúc của chúng sanh, mà quên lợi ích của riêng mình. Ðó chính là tinh thần vô ngã.
Như chúng ta muốn cầu Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát giúp đỡ và phù hộ cho mình thì chúng ta phải thực lòng niệm: Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát, lúc đó trong lòng mới thành khẩn và tác dụng cảm ứng mới phát sanh ra được, lúc đó Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ nghe tiếng kêu cầu và tới nơi để cứu độ chúng ta ra khỏi bể khổ. Ngược lại nếu sự kêu cầu không thành tâm, hay lẫn lộn với những ý tưởng cầu danh cầu lợi, thì chẳng thể có cảm ứng.
Nay chúng ta niệm thánh hiệu: Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát, ta nên giữ lòng thanh tịnh, niệm một cách khẩn thiết và chí thành, không vì lợi ích riêng tư mà niệm, mà chính vì lợi ích cho tất cả chúng sanh trong cõi ngũ trược ác thế này. Chúng ta cầu Ngài rủ lòng từ bi tế độ, khiến cho toàn thể nhân loại trên thế giới khỏi ách nạn, tội diệt phước sanh, tất cả đều được lợi ích.
Tất cả mọi người cùng niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát và cùng hướng theo một tôn chỉ như vậy, ắt sức mạnh cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Nào! Quý vị hãy đem mọi công đức niệm thánh hiệu hồi hướng tới khắp chúng sanh trong pháp giới! Chính là:
Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Ðệ tử và chúng sanh,
Ðều trọn thành Phật đạo.
Khai thị nhân khóa Quán Âm thất tại Ðiện Quán Âm,
Vạn Phật Thánh Thành, từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 10 năm 1981
——————————————————
Niệm Quán Âm Trong Tự Tánh
Nay chúng ta chuyên tâm một lòng niệm Ngài Quán Âm Bồ Tát, vậy ta cũng phải niệm Ngài Quán Âm trong tự tánh của chúng ta. Chúng ta phải nghĩ rằng ở bên ngoài có cái gì, bên trong cũng có cái đó, như ở bên ngoài có Quán Thế Âm Bồ Tát thì bên trong cũng có Quán Thế Âm Bồ Tát. Bởi vậy, khi niệm Ngài Quán Âm thì ta phải làm sao niệm cho trong và ngoài là một, không phải hai.
Trong tự tánh của chúng ta, đã gồm đủ mọi đức tánh của vô lượng chư Phật đông như số cát sông Hằng, cho nên khi miệng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, thì trong lòng cũng phải chí thành tha thiết, mọi tạp niệm đều chẳng sanh, mọi vọng niệm đều dứt bặt, và chỉ nhất tâm chuyên chú vào niệm. Không mong ước điều gì, không tham một sự gì, cũng chớ nên có ý nghĩ: “Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để làm gì?” Phải coi việc niệm Quán Thế Âm Bồ Tát chính là một tự tánh bổn phận.
Chúng ta niệm đến trình độ “niệm mà chẳng niệm, chẳng niệm mà niệm,” đó là cảnh giới tự tánh Quán Thế Âm hiện tiền, kết thành một khối, quên người quên mình, như vậy còn chỗ nào là phiền não nữa? Còn chỗ nào là vô minh? Ðến cảnh giới vô ngại tự tại thì đại viên kính trí sẽ hiển lộ, bình đẳng tánh trí sẽ hiện tiền, rồi diệu quan sát trí cũng như thành sở tác trí đều đầy đủ. Có đủ bốn trí, nhưng chỉ mới tới giai đoạn đầu, bởi trong bốn trí còn trăm ngàn vạn loại khác nhau tùy theo từng giai đoạn. Chẳng phải mới thấy các trí xuất hiện mà cho rằng chúng cùng với bốn trí của chư Phật là giống nhau. Bất luận ở giai đoạn nào, tới được quả vị nào, thứ bậc không phải nhất loạt ngang nhau.
Người tu hành phải hiểu rõ ý nghĩa “sai một ly đi một dặm,” phải tự nhắc mình dụng công đi đúng hướng, tránh rẽ ngang, khỏi đi vào bàng môn ngoại đạo, và lầm vào tình trạng tà tri tà kiến. Phải luôn luôn giữ chánh tri chánh kiến, tức chánh niệm mới hiện tiền.
Chúng ta niệm Quán Thế Âm Bồ Tát tức là niệm Quán Thế Âm Bồ Tát của chúng ta chớ không phải niệm Quán Thế Âm Bồ Tát của người khác. Thế nào gọi là Quán Thế Âm Bồ Tát của ta? Chính là ta với Quán Thế Âm Bồ Tát là cùng một thể, niệm như vậy, nghĩa là ta cũng có đức từ bi, cũng có hỷ xả của Quán Thế Âm Bồ Tát, và cũng đầy đủ “bẩy nạn, hai cầu,” cũng ba mươi hai ứng thân như Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát.
Con kính chào quý Tiền bối ạ!
Cho phép con nói thẳng vào vấn đề của con, con sống bên Hàn, chị ngừơi Hàn này vốn dĩ không thích người Việt như con( con cũng thông cảm vì nhiều người Việt qua đây có những hành động và lối cư xử để lại nhiều ấn tượng không tốt cho họ). Con nghĩ chị ấy cũng không thích con nên từ lần đó con tránh mặt chị ấy. Thế nhưng chị ấy lại bắt lỗi con là chị ấy quan tâm con chứ không ghét con. Con suy nghĩ lại và xin lỗi chị ấy, mang trái cây, rau qua nhà cho chị ấy xin lỗi chị ấy nhưng chị ấy không mở lòng với con. Chuyện đã hơn 1 năm rồi, mỗi lần ra vào gặp nhau, con cúi đầu chào chị ấy trước nhưng chị ấy chỉ gật đầu rồi thôi, con muốn bắt chuyện tỏ vẻ thân thiện nói trước nhưng mà con nói chưa hết câu thì chị ấy đã bỏ đi không thèm đếm xỉa đến con, con bị tổn thương ạ. Con phải làm sao đây ạ?
A Di Đà Phật
Gửi bạn Lê Kim Thúy,
Tất cả đều là nhân duyên. Duyên thì có thuận, có nghịch, có thân, có xơ. Xét theo những gì bạn nói thì bạn và người chị gốc Hàn này duyên chỉ đủ để gặp lại nhau nhưng chẳng thân, chẳng xơ, vì lẽ đó bạn không thể tiến xa hơn trong mối quan hệ.
Theo TN bạn nên hoan hỉ đón nhận cách ứng xử của người chị này vì có lẽ trong 1 kiếp nào đó bạn cũng ứng xử với chị ta như vậy.
Bạn học Phật Pháp đã lâu, cũng nên hiểu được hai chữ tuỳ duyên. Nếu duyên thiện lành chưa khởi thì bạn nên kiên nhẫn chờ, bởi tác duyên sớm sẽ không lợi lạc, giống như trái chưa chín mà bạn nóng lòng hái quả vậy.
Một mối quan hệ chỉ có thế hình thành và tốt đẹp khi cả hai bên đồng hội đủ duyên lành. Nếu bạn thấy mối quan hệ với vị này là thiết yếu bất khả kháng vậy thì bạn phải biểu tỏ cho vị đó thấy bạn đến với họ không vì vụ lợi hay gây tổn hại cho họ. Nếu thời gian cùng sự chân thành của bạn cũng không giúp cho mối quan hệ tiến xa hơn, bạn phải hoan hỉ mà đón nhận. Thà không thân, không xơ còn hơn quá thân mà không mang lại lợi lạc cho nhau, đặc biệt là trên đường từ đạo.
Chúc bạn tinh tấn và an lạc.
TN
Chị hãy học và làm theo chú này xem sao nhen. Niệm Phật và hồi hướng công đức cho cô Hàn quốc kia mỗi ngày, lâu dần sẽ có chuyển biến tốt đẹp.
https://m.youtube.com/watch?v=CoS6zzAYEqc
https://m.youtube.com/watch?v=vnOZryu_asY
Xin Chào Chư Vị
Từ bỏ thói quen hay vội vàng
Nói làm hấp tấp thiếu đoan trang
Thiếu suy xét kỹ không từ tốn
Hối hận ăn năn cũng muộn màng.
Từ bỏ thói quen hay đắm say
Say ăn say ngủ thêm say tài
Say tình say rượu say danh vọng
Say quá khổ đau suốt tháng ngày.
Từ bỏ thói quen hay dối gian
Làm người chân thật sống đàng hoàng
Dù ai giả dối mình đừng giả
Nghiệp báo không sai rất rõ ràng.
Từ bỏ thói quen hay giận hờn
Nói lời trách móc phân thua hơn
Chiến tranh miệng lưỡi rất nguy hiểm
Phải biết thuận hòa sống chánh chơn.
Từ bỏ thói quen hay thở than
Chuyện gì không đáng cũng than van
Làm cho mệt mỏi người nghe thấy
Chấp nhận là xong mọi việc an.
Từ bỏ thói quen hay tự cao
Cuộc đời lên xuống sóng ba đào
Vô thường thay đổi đâu yên mãi
Khiêm hạ hòa đồng sống với nhau.
Từ bỏ thói quen hay tự ti
Buồn phiền mặc cảm thêm sầu bi
Tự tin làm lại những điều tốt
Đừng mãi đeo mang một thứ gì.
Nguồn Sưu Tầm
Dạ! Con xin chân thành cảm ơn lời chỉ dạy quý báu của tiền bối Thiện Nhân, tiền bối nói đúng ạ! Con nên hoan hỉ mà chấp nhận cách đối xử của chị ấy, là đệ tử Phật thì phải cho đi chứ đâu cần nhận lại đúng không ạ? Chân thành Đối vật là bổn phận của mình còn vật đối lại với mình ra sao thì cứ an nhiên mà tiếp nhận. Tiền bối nói đúng ạ, con cũng nhận thấy đây không phải là thiện trí thức giúp con phát triển trên con đường đạo( chị này theo công giáo), chị ấy chị xe ngang qua gặp mẹ chồng con cũng không chào hỏi, không phải là con nói điểm không tốt của chị mà nhờ tiền bối chỉ dạy nên con mới nghiệm lại và thấy như vậy. Bánh của con đem cho chị ấy thì chị lấy cho chó của con ăn, thật sự mà nói là rất buồn. Thế nhưng con sẽ nghe lời người khuyên, bình thản an nhiên mà đón nhận như con đang trả cái nhân ma mình đã gieo trong quá khứ vậy.
Chào bạn Kim Thúy,
Nếu MH nhớ không lầm, thì căn cứ vào một đoạn giảng của pháp sư Tịnh Không, thì bạn chỉ nên trách mình chưa có đủ công đức để cảm hóa người. Và cũng dựa trên một bài pháp của hòa thượng Tuyên Hóa, thì chị kia là vị thiện tri thức để thử thách hạnh Nhẫn Nhục của bạn.
Bạn chớ nên phân biệt Công giáo và Phật giáo. Hòa thượng Tuyên Hóa dạy rằng Người chánh hành tà pháp, tà pháp cũng là chánh. Người tà hành chánh pháp, chánh pháp cũng là tà. Chẳng bởi cái pháp chánh, mà bởi người chánh. Chẳng bởi cái pháp tà, mà bởi người tà.
Trong trường hợp của bạn, MH khuyên bạn nên thực hành Vô úy thí. Nghĩa là, cho dù điều bạn nhận được là gì thì bạn vẫn nên phát tâm chân thành mong mỏi những điều tốt lành đến với chị kia. Ngoài ra, nếu hiện tại chị kia chưa muốn mở rộng lòng với bạn, thì bạn chớ nên cưỡng cầu, một cái chào khi chạm mặt là đủ rồi.
Hãy gấp làm điều lành, Ngăn tâm làm điều ác.
Ai chậm làm việc lành, Ý ưa thích việc ác.
Nếu người làm điều ác, Chớ tiếp tục làm thêm.
Chớ ước muốn điều ác, Chứa ác, tất chịu khổ.
Nếu người làm điều thiện, Nên tiếp tục làm thêm.
Hãy ước muốn điều thiện, Chứa thiện, được an lạc.
Người ác thấy là hiền. Khi ác chưa chín muồi,
Khi ác nghiệp chín muồi, Người ác mới thấy ác.
Người hiền thấy là ác, Khi thiện chưa chín muồi.
Khi thiện được chín muồi, Người hiền thấy là thiện.
Chớ chê khinh điều ác, Cho rằng chưa đến mình,
Như nước nhỏ từng giọt, Rồi bình cũng đầy tràn.
Người ngu chứa đầy ác Do chất chứa dần dần.
Chớ chê khinh điều thiện Cho rằng Chưa đến mình,
Như nước nhỏ từng giọt, Rồi bình cũng đầy tràn.
Người trí chứa đầy thiện, Do chất chứa dần dần.
Ít bạn đường, nhiều tiền, Người buôn tránh đường hiểm.
Muốn sống, tránh thuốc độc, Hãy tránh ác như vậy.
Bàn tay không thương tích, Có thể cầm thuốc độc.
Không thương tích, tránh độc, Không làm, không có ác.
Hại người không ác tâm, Người thanh tịnh, không uế,
Tội ác đến kẻ ngu, Như ngược gió tung bụi.
Một số sinh bào thai, Kẻ ác sinh địa ngục,
Người thiện lên cõi trời, Vô lậu chứng Niết Bàn.
Không trên trời, giữa biển, Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời, Trốn được quả ác nghiệp.
Không trên trời, giữa biển, Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời, Trốn khỏi tay thần chết.
Trích Kinh Pháp Cú
Vâng ạ! Xin cảm ơn chư vị liên hữu đã dành thời gian quý báu của mình chỉ dạy cho con.
CHUYỆN VÃNG SANH CỦA CƯ SĨ ĐÀO THANH CHÂU
Ông sinh năm 1919, cư ngụ tại Thốt Nốt, TP. Cần Thơ. Thân phụ là cụ ông Đào Văn Nghi; thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Tánh. Năm 1939, ông qui hướng Tam Bảo và trở thành một cư sĩ tại gia chân chánh. Ông tuân thủ đúng tôn chỉ: “Học Phật Tu Nhân” và tận lực tu thân hành thiện, mỗi tháng ăn chay bốn ngày, sớm chiều hai thời lễ bái tịnh niệm.
Ông kết hôn với bà Nguyễn Kim Thành, sinh được 4 trai 2 gái. Theo thời gian sự tu tập tăng dần, ông tích cực tham gia mọi công tác từ thiện xã hội như: bắc cầu, làm đường, cất nhà tình thương, giúp đỡ người bệnh tật, cô bần… Với tấm lòng thành thật chân tu, luôn hy sinh phụng hiến, không vì danh, vì lợi nên ông được nhiều người kính mến.
Trong gia đình, ông cũng chuyên tâm dạy dỗ con cháu về đạo đức căn bản làm người, trau giồi nhân cách, đối nhân xử thế phù hợp với đạo lý cổ Thánh tiền Hiền đã chỉ dạy. Đồng thời chay lạt ít nhất mỗi tháng là 4 ngày, ngoài thời lễ nguyện sáng chiều ra còn niệm Phật sáu chữ cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc lúc đi, đứng, nằm, ngồi rán niệm chớ quên, không đợi gì thời khắc.
Tháng 3/1987, nơi gò má dưới mí mắt của ông có mọc một mụt bằng nốt ruồi. Ông đến phòng thuốc Nam của chùa Khánh Vân hỏi một lương y quen, rằng: Cái mụt này là cái thứ lành tính hay cái thứ ác tính. Sau một hồi vọng chẩn, cô Út đáp:
– Mụt này là ác tính. Cái này coi chừng là cái nghiệp cuối cùng của anh đó nghen.
Ông nghe xong, vẻ mặt trầm ngâm suy tư một tí rồi nói:
– Cách đây khoảng ba tháng trong chiêm bao, tui thấy một con rắn dài từ độ chừng 3,4 thước nó nói: Tôi đòi nghiệp ông 100 năm về trước!
Sau đó, mụt ấy lớn dần, híp cả mắt bên trái. Ngày mồng 1/4 các con đưa ông vào Bệnh Viện Chợ Rẫy. Bác sĩ làm sinh thiết đồ được viện Paster cho biết kết quả là “Ung thư da ở giai đoạn 3”. Bác sĩ bó tay nên cho ông ra về vào ngày 13/4/1987. Về nhà ông nói với các con:
– Thôi bây giờ để cho ba phát nguyện ăn chay đi! Nếu mà nghiệp của ba hết thì cái quãng đời còn lại của ba… là ba cũng vừa lo tu vừa lo giúp đời; còn nếu mà ba chết, thì ba nguyện với Đức Phật gia hộ cho ba, khi ra đi biết trước ngày giờ vãng sanh về cõi Phật!
Các con ông rất hoan hỷ tán đồng, ủng hộ tâm nguyện trường trai của cha mình. Các con mới đề nghị mời chư đồng đạo đến hộ niệm. Cuộc hộ niệm được khởi đầu từ ngày mùng một, liên tục kéo dài cho đến ngày ông mất là tròn hai tuần lễ.
Khi gặp các đồng tu đến hộ niệm ông rất vui vẻ chào hỏi:
– Tôi tin tưởng Phật pháp nên niệm Phật liên tục, nên không có đau nhức. Khi tôi ngưng niệm Phật, tôi nghe nó có hơi đau thì tôi lại niệm liên tục tiếp… Niệm như vậy thì thấy nó im. Với đồng đạo niệm dội dội, tôi nghe tôi vui với tiếng Phật hiệu nên không nghe đau, không nghe nhức gì hết!
Ngày 12 ông ngủ sớm, đến 7 giờ tối mọi người đang hộ niệm thì ông giật mình tỉnh giấc, ông kể lại với con ông rằng:
– Cha vừa nằm mơ ba thấy có một chiếc xe, có người trong xe nói là ba ngày nữa Đức Phật A-Di-Đà sẽ đến rước ba về cõi Phật. Vậy, con với đồng đạo thành tâm cầu nguyện cho ba… Và các con ở lại rán lo tu hành! Sáng 15/4 nhuần năm 1987, các con tắm rửa thay bộ y phục bà ba mới màu trắng cho ông. Khi mọi thứ đã xong, chư đồng tu vây quanh hộ niệm, vì có báo tin trước nên thân quyến và đồng đạo đến rất đông, đứng chật trong ngoài.
Đúng 8 giờ ông an tường trút hơi thở cuối cùng. Ông hưởng thọ 68 tuổi. Hộ niệm mãi tới chiều, khi nhập mạch các khớp xương mềm mại, đỉnh đầu ấm nóng, gương mặt hồng hào như người nằm ngủ!
Đến tuần thất thứ sáu, cô Ba nằm mộng thấy ông trong bộ đồ bà ba trắng, nhưng vóc dáng cao lớn vô cùng đẹp đẽ trang nghiêm. Ông nói chuyện Phật pháp cho cô nghe. Vì lúc còn sinh tiền mỗi khi rảnh rỗi ông cũng thường bàn luận đạo lý, chỉ dạy phương thức tu trì cho con mình. Sau cùng ông tóm kết lại rằng:
– Bây giờ con rán cố gắng hành đạo để sau này cha con mình sẽ gặp nhau ở cõi Cực Lạc. Ông vừa nói dứt lời thì cô cũng liền tỉnh giấc, lòng ngập tràn niềm hỷ lạc vô biên.
(Thuật theo lời của cô con gái thứ Ba của ông và đồng đạo Út Giềng.)
Cụ bà 93 tuổi, niệm Phật bốn năm tự tại vãng sanh
https://www.youtube.com/watch?v=y3PMilMvsPw