Bà Hồ Thị Tường sinh năm 1928, nguyên quán tại rạch Ca My, quận Ô môn, tỉnh Cần Thơ. Thân phụ là cụ ông Hồ Văn Ninh, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Nguôi. Bà là con thứ năm trong gia đình có năm anh em.
Năm lên 20 tuổi bà thành hôn với ông Nguyễn Văn Vui, sinh được một trai bảy gái, cư ngụ tại xã Thới Phong, thị trấn Thới Lai, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Gia đình bà sinh sống bằng nghề nông.
Tính tình của bà hiền hòa, nhân hậu, thương người, mến vật, thích sống đơn giản, cần kiệm. Bà quy y Tam bảo rất sớm, khi tuổi chưa đến 20 bà đã dùng chay mỗi tháng 4 ngày, mỗi ngày hai thời lễ niệm.
Vào khoảng đầu thập niên 70, vì chiến cuộc nên gia đình bà phải nhiều lần di tản. Một hôm không may bom đạn vô tình đã cướp đi sinh mạng người chồng – nơi nương tựa duy nhất của đời bà – khi đó bà 46 tuổi. Nỗi tử biệt sanh ly sầu thương to dường quả núi thình lình giáng xuống… Hình như định mệnh quá ư khắc nghiệt không một chút nhân nhượng nới tay, làm cho bà khổ đau cùng cực, tựa hồ rơi tỏm vào hố sâu tuyệt vọng. Giây phút này bà gần như hoàn toàn tuyệt vọng!
“Sống như giấc chiêm bao một thứ,
Rủi lâm vào vạn sự buông tay;
Không ai biết được ngày mai,
Hôm qua thấy đó bữa nay mất rồi.
Biết bao cuộc sóng dồi gió dập,
Cảnh thảm sầu tới tấp liền tay;
Cám thương già trẻ gái trai,
Sống đời mạt pháp không ngày nào an.”
Từ đó, bà cảm nhận được lý vô thường qua lời Đức Phật dạy: mây nổi bèo trôi, nay tan mai hợp… Mọi thứ trên cõi đời có sanh thì có tử; có hội ngộ ắt phải có giây phút phân ly! Nhờ đó mà nỗi niềm bi cảm tan nhạt dần trong tâm khảm của bà, bà chấp nhận đời sống hiện tại, cố gắng lo nuôi dưỡng các con cho sớm được nên người. Tinh thần bà khôi phục lại thế cân bằng, bà phát tâm ăn chay tăng thêm mỗi tháng 10 ngày và một năm 3 tháng.
Bà rất thích đọc kinh kệ và nghe băng đĩa, như các đoạn sau:
“Đầu cúi lạy Cửu Huyền Thất Tổ,
Ngõ đáp ơn báo bổ sanh thành.
Nay con quy Phật tu hành,
Cửu Huyền Thất Tổ lòng lành chứng tri.
Lời Phật dạy từ bi bác ái,
Dạ nhơn từ quảng đại mở mang.
Hiếu trung con giữ vẹn toàn,
Từ rày chẳng dám lăng loàn như xưa.
Sau hưởng đặng phước thừa của Phật,
Hồn nhẹ nhàng vượt khỏi tử sanh.
Nguyện đem công quả tu hành,
Cứu trong tông tổ vãng sanh liên đài.
Về Phật quốc ngày ngày an lạc,
Cả giống dòng giải thoát luân trầm.
Rồi đem đạo pháp huyền thâm,
Độ trong sanh chúng hết lầm hết mê.
Cả vạn vật đồng về Phật cảnh,
Chẳng luyến trần ảo ảnh gạt lường.
Nguyện cầu chư Phật mười phương,
Niết-bàn tịch tịnh là đường vô sanh.”
Và:
“Dù tiên phàm ma quỉ súc sanh.
Cứ nhất tâm tín nguyện phụng hành,
Được cứu cánh về nơi An Dưỡng.
Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.”
Sinh hoạt hằng ngày của bà là thường trồng và sưu tầm thuốc Nam, cung ứng cho phòng thuốc trong vùng. Thỉnh thoảng ai có nhu cầu trị bệnh, bà chèo xuồng đưa bệnh nhân đi châm cứu hoặc hốt thuốc. Bà cũng hay đến thăm hỏi, an ủi những người già cả đau yếu bệnh hoạn, hay những người nghèo khổ, hoàn cảnh eo hẹp khốn đốn trong thôn xóm, đồng thời mang các loại thức ăn mình đang có và gạo đến tận gia đình để biếu tặng cho họ, vì thế mà ai ai cũng có thiện cảm và quý mến bà. Ngoài ra bà có nuôi ba con chó, chăm sóc chúng y như con người không khác, từ thức ăn cho đến chỗ ngủ đều rất sạch sẽ ngăn nắp, mùng chiếu của chúng bà giặt giũ thường xuyên!
Năm 1999 bà phát bệnh đưa vào Bệnh Viện Chợ Rẫy, ở đây hai tuần, bác sĩ chẩn đoán là ung thư phổi, và khuyên thân quyến nên đem bà về để lo liệu hậu sự là vừa! Khi về nhà các con vừa cho bà dùng Đông dược; vừa tha thiết thành tâm cầu nguyện Ân Trên Tam Bảo gia hộ. Ba hôm sau bà xổ ra thật nhiều, rồi dần dần sức khỏe hồi phục. Một tháng sau trở lại Bệnh Viện Chợ Rẫy để tái khám, bác sĩ khám xong cho biết phổi của bà đã hoàn toàn lành lặn, mọi dấu hiệu ung thư đều mất hết.
Qua cơn bạo bệnh này, tín tâm của bà đối với Tam Bảo thêm sâu chắc, lòng nguyện sanh Tây Phương càng khẩn thiết mãnh liệt hơn. Bà có mở ra một gian tịnh thất, rồi kêu gọi mọi người hữu duyên với Tịnh độ đến để niệm Phật định kỳ hằng tháng. Mặc dù gặp phải rất nhiều vất vả khó khăn, mà bà vẫn kiên định lập trường xông pha vượt qua mọi thử thách chướng ngại!
Ngoài ra bà cũng thường khuyên dạy các con cháu rằng:
– Những quyến thuộc như cha mẹ, anh em, vợ chồng… hội tụ trên thế gian đều là vay trả nợ nần; đều là đền ân báo oán. Kiếp sống con người rất là giả tạm phù du, đầy tang thương dâu bể. Chỉ có cố gắng vun bồi đức hạnh, nhất là ở đời phải có căn bản đạo đức làm người và tu tạo phước đức, trồng tỉa nhân lành, tùy thời, tùy sức tăng trưởng thiện sự; đồng thời rán cố gắng tập ăn chay niệm Phật nguyện cầu sanh sang cõi Cực Lạc của đức Phật A-di-đà, mới có thể ra khỏi sanh tử luân hồi chấm dứt khổ đau vĩnh viễn: “Trông chúng sanh nghĩ tận đuôi đầu; về Cực Lạc mới là hết khổ” mà thôi!
Bà khỏe mạnh được mười hai năm, đến đầu năm 2011, vùng bụng của bà đau, đi siêu âm phát hiện khối u ở đại tràng. Bà về nhà vừa uống thuốc Nam vừa niệm Phật cầu nguyện Tam bảo gia hộ, được một thời gian thì bệnh tạm ổn. Một điều làm cho các con của bà hết sức lấy làm lạ là khi mỗi lần trong người sắp sửa xuất hiện những cơn sốt, cơn đau hay cơn mệt là bà lật đật mặc áo tràng và tìm xâu chuỗi rồi đến trước ngôi Tam Bảo để lễ nguyện và niệm Phật!
Sang năm sau vào khoảng tháng 2, bệnh bộc phát dữ dội. Kế tiếp bà bị liệt nửa người bên phải, nhưng bà không chịu đi bệnh viện mà chỉ dùng Đông dược và thỉnh nước cúng Phật để uống. Bệnh thường hoành hành bà vào lúc ban đêm. Trong bụng có một khối cứng chạy tới chạy lui làm bà đau đớn khó chịu, khi đó bà khẩn thiết niệm Phật và lấy nước cúng thoa vào thì cơn đau lắng dịu xuống rõ rệt. Mặc dù bị bệnh nằm một chỗ, nhưng đến giờ công phu thì bà nhờ con bế bà đến trước ngôi Tam bảo để lễ nguyện và niệm Phật không thiếu sót thời nào. Bao nhiêu tiền của con cháu cho, bà đều bố thí phóng sanh hết, không giữ lại tí gì cả, đồng thời bà cũng phát tâm trường trai. Mỗi khi thấy con cháu nói chuyện ồn ào bà đều khuyên ngăn, nên giữ yên tịnh và quý tiếc thời gian để hành trì niệm Phật.
Bệnh tình ngày một tiến triển, lần hồi thể trạng của bà mỗi lúc cạn kiệt rõ rệt hơn. Mặc dù những cơn đau dữ dội hoành hành, nhưng chưa hề nghe bà rên than hay kể lể bao giờ. Gương mặt của bà luôn tươi vui không chút gì lộ vẻ bệnh khổ; nhìn qua không ai biết bà đang bị bịnh nặng. Bệnh càng tăng dần, con cháu mời thầy thuốc đến nhà chích thuốc khỏe và truyền dịch cho bà.
Đến ngày mùng 1 tháng 9 năm 2012, bà không chịu uống thuốc, chích thuốc, vô nước biển và ăn uống gì cả; chỉ thỉnh nước cúng trên bàn Phật để uống mà thôi. Con cháu hỏi nguyên nhân, bà trả lời vì muốn cho mau sạch nghiệp đặng về với Phật.
Một hôm có vị liên hữu đến thăm và hỏi bà:
– Bác Mười ơi! Bây giờ bác niệm Phật mà nữa bác sẽ về đâu?
– Nữa bác sẽ theo Phật về Cực Lạc!
– Tại sao bác không theo Thầy mà bác lại theo Phật, thưa bác?
– Bởi vì Thầy… thì ma dễ giả; còn Phật A-di-đà thì không ai giả được hết!
– Khi bác mệt thì bác niệm ra sao?
– Khi Mệt thì niệm A-di-đà Phật!
– Còn lúc khỏe thì bác niệm thế nào?
– Lúc khỏe thì niệm Nam Mô A-di-đà Phật!
Năm ngày trước khi bà mất, con cháu luân phiên nhau trợ niệm mỗi khi bà có cơn mệt. Trước khi bà mất hai ngày thì gia đình có mời Ban Hộ Niệm đến niệm Phật liên tục suốt ngày đêm. Lúc nào cũng thấy bà tay lần chuỗi, nhép môi niệm Phật theo mọi người.
Đến ngày mùng 6, có chị Tư là bạn đồng tu ở Úc châu về thăm bà, hỏi tên tuổi, quê quán, ước nguyện niệm Phật của bà như thế nào… để chị quay phim. Bà trả lời rất vui vẻ và còn tươi cười hẹn với chị sau này sẽ gặp nhau ở cõi Tây Phương Cực Lạc. Ngày hôm đó, mặc dù xương sống của bà đã cứng, nhưng tới giờ công phu bà vẫn bảo con cháu phải đỡ ngồi dậy để bà xá nguyện.
Đến 7 giờ 50 phút sáng mùng 7 tháng 9 năm 2012, môi bà đang động bỗng dưng dừng lại, mắt mở ra nhìn rồi từ từ nhắm khít, nhưng hai môi còn hở, bà tự sửa tay chân thẳng thớm, rồi nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng trong khi mọi người vây quanh đang hộ niệm cho bà. Bà hưởng thọ 83 tuổi.
Qua 9 tiếng đồng hồ trợ niệm, các khớp xương mềm mại, gương mặt thật đẹp, miệng ngậm kín, môi đỏ, da hồng hào. Đặc biệt là toàn thân đều ấm không chỗ nào lạnh cả, riêng đỉnh đầu thì rất nóng. Đây là điểm hy hữu lạ lùng!
Cô con gái thứ tư của bà trong lòng thường canh cánh nỗi hoài nghi, không biết mẹ mình được vãng sanh hay không. Nên đến tuần thất thứ 3, vào thời niệm Phật 3- 4 giờ khuya, cô đã tới trước bàn vong thầm nguyện vái với bà:
– Nếu má có được về Cực Lạc thì má phải cho con một điềm gì đó để biết là má đã về Cực Lạc, để con yên tâm niệm Phật, con không có buồn nữa!
Khấn nguyện xong cô ngồi xếp bằng niệm Phật. Sau một thời gian khá lâu, bỗng nhiên cô bắt gặp một luồng ánh sáng thật sáng xẹt từ trên xuống giữa đỉnh đầu di ảnh nơi linh vị. Cô nhìn khắp xung quanh xem có ai chụp hình hoặc pha đèn hay không. Nhưng vạn vật đều tĩnh lặng trong màn đêm. Bất giác hai dòng lệ mừng vui tuôn dài trên đôi má, trôi đi nỗi buồn và niềm hoài nghi đã nhiều ngày ôm ấp!
Bà có cô con gái thứ bảy tên là Nguyễn Thị Thanh đã chết. Đến tuần thất thứ tư thì cô nhập vào nữ đồng tu tên Hồng, đi tới chụp vào tay cô Út và nói:
– Chị là người chị thứ bảy của cưng! Khi chị mất năm 15 tuổi chưa có phát tâm quy y Tam Bảo, nên bây giờ chị chưa được siêu!
Cô Út không tin mới hỏi những kỷ vật lúc còn sanh tiền. Vong nhân đều trả lời trúng hết. Cô Út bèn hỏi:
– Chị có biết má bây giờ ở đâu không?
Vong đáp:
– Má được về Cực Lạc thẳng luôn trong bữa đó rồi cưng ơi!
Cô Út gạn lại:
– Làm sao chị biết?
Vong đáp:
– Lúc má ra đi chị ở gần đó, chị thấy có Đức Phật xuống rước má!
Sau đó vong nhờ cô em bố thí phóng sanh hồi hướng và làm lễ quy y cho mình, và đọc tên hồi hướng sau những thời khóa tu mà gia đình đã nhiều năm tổ chức.
Cô Út hỏi:
– Trong danh sách hồi hướng em có ghi tên của chị kia mà?
Vong trả lời:
– Mấy em chỉ đọc tên những người mới; còn chị thì các em nói đã lâu quá rồi nên nào có đọc tên đâu!
Cô Út chợt nhớ lại, quả đúng y như vậy!
(Thuật theo lời Nguyễn Ngọc Xuấn con gái của bà).
Trích CHUYỆN VÃNG SANH – Tập II (Phần 3 & 4)
Nhóm liên hữu Miền Nam Đất Việt sưu tầm và biên soạn
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu
Gửi huynh TN cũng như các admins khác của trang DVCT.
Xin cho phép LN hỏi, các admins có thể tạo phần account cho các thành viên, để từng người có thể lập ra account riêng để mổi khi login có thể tìm lại đầy đủ các comments đã post và để dễ dàng tìm thấy các bạn khác trả lời dưới post của mình, vì nếu ai có câu hỏi mà 1 tuần hơn không ai trả lời thì nó đã trôi đi, không còn tìm thấy trong các bài list phía bên phải của trang nữa, không biết giải thích vậy có dễ hiểu ý LN không.
Vì trang lập ra mục đích để mọi người tu học, thâm hiểu chánh pháp, cũng như giải đáp thắc mắc trong quá trình tu tập cũng như là cho các bạn mới vào đạo Phật được hỏi những điều chưa rõ, nhưng nếu hỏi trên trang mà lâu sau tìm lại không được, hoặc cần tìm lại bài post nào của bạn nào đó nói về việc mình cần lưu lại nhưng giờ không kiếm được, thì rất là tiếc. Nếu như có thể có account riêng để mỗi khi mở ra tìm lại được các bài post của mình đã đăng hỏi cũng như các bài nào được phúc đáp dưới bài mình thì hay hơn cho mọi người.
Vài lời gửi đến admins tiền bối, lâu nay phiền các vị quản lý trang, các đồng tu mới được chia sẽ chánh pháp đi khắp nơi, để mọi người giúp đỡ lẫn nhau trên con đường tu tập, rất cảm tạ admins và xin tán thán công đức của các vị!
-LN
A Di Đà Phật
Kính chào đạo hữu Lăng Nghiêm!
MD thường vào Trang DVCT, nhận thấy khi gửi phúc đáp vào một bài viết, ví dụ MD viết phúc đáp vào bài viết có chủ đề Hoa Trắng Nhớ Mẹ, thì khi đạo hữu khác hồi âm phúc đáp hoặc viết phúc đáp vào bài viết có cùng chủ đề trên, hệ thống sẽ gửi thông báo về email [cho chúng ta biết] mà Trang đã xin email của quý đạo hữu trước đó.
Chỉ cần chúng ta điền vào các ô phía dưới:
Tên có dấu *
Email *
Tích vào Gửi thông báo khi có hồi âm
Chúng ta hãy check mail sẽ theo dõi được phúc đáp đã gửi trước đó.
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật
Gửi bạn Lăng Nghiêm,
Đạo hữu Mỹ Diệp đã hồi âm chính xác những gì mà BQT có thể làm. Ngoại trừ các bạn đăng ký eMail không có thật thì thông báo của BQT đương nhiên không thể đến với các bạn được.
Chúc bạn nhiều tinh tấn và an lạc.
TN