Có một nông dân họ Chương bị ung thư phổi, hai bệnh viện lớn đều tuyên bố bất trị và dặn dò người nhà lo chuẩn bị hậu sự cho ông.
Có người bà con của ông biết tôi hay nghiên cứu Phật lý, liền dẫn vợ ông Chương tới nhà tôi, thỉnh cầu giúp họ. Vừa may, gặp Hòa thượng Diệu Pháp ngay tại đây, bọn họ liền khẩn cầu Sư phụ từ bi cứu giúp.
Hòa thượng Diệu Pháp nói:
– Bệnh nhân nghiệp sát quá nặng, nhất là giết gà rất nhiều, có phải vậy không?
Vợ ông Chương đáp:
– Dạ đúng, chồng con ưa chiên xào, hầm, nướng… Trong làng mà có đám cưới, hỉ sự hay tang sự gì, toàn đến nhờ ông làm bếp trưởng. Ông chê người giết gà kỹ thuật không giỏi, nên luôn giành ra tay. Mỗi lần tổ chức tiệc ổng giết mấy mươi con gà, máu đỏ nhuộm hồng cả cái mương.
Hòa thượng lại hỏi:
– Các ngươi có lén giết con gà trống bự nào của nhà người ta hay không? Con gà này bụng nó lông toàn sắc vàng, mình thì mầu hồng nâu, có đuôi màu xanh lá cây đậm, toàn thân nó sáng lấp lánh, khi nó ngẩng lên – tính chiều cao từ đầu đến chân – cũng hơn nửa mét, trông nó rất là hùng tráng oai vệ…
Bà Chương nghe Hòa thượng tả, cả kinh, mặt mày thất sắc, té nhào xuống nghe một cái đụi. Bà dập đầu lia lịa, lắp bắp:
– Ôi trời ơi, thưa Bồ-tát!…Chúng con nào biết…giết gà…là có tội?
Năm đó mất mùa, ngày nào cũng đói! Có con gà trống bự của nhà láng giềng bay đến chỗ nhà chúng con. Quả thật chúng con có lén giết nó ăn, nào ngờ Bồ-tát có mắt nhìn thấu hết trọi. Đây kêu là “ác hữu ác báo đa”, sau này chúng con không dám tùy tiện chiếm đoạt của người ta nữa. Mà trong năm đói kém đó chúng con còn trộm thêm lương thực của nhà nước để ăn, còn trộm cả hoa màu…Bây giờ con biết tội rồi, tất cả đều do chồng con liều lĩnh làm, xin hãy giảm tuổi thọ con đi ạ! Con nguyện chết thay cho ông ấy…Huhu!huhu!
Bà có vẻ rất chấn động, vừa khóc vừa kể một thôi một hồi, luôn miệng xin sám hối tội lỗi của mình, khiến người nghe xúc động không nguôi. Ai ngờ phụ nữ này có tính cảnh giác rất cao, mới nói một chút là thông suốt. Lời lẽ bà thật thà chất phác, mà tình cảm phu thê họ cũng thật đáng quý. Tôi vội đỡ bà dậy, bảo bà hãy lắng nghe Hòa thượng khai thị.
Sư phụ cũng đang rất cảm động. Ngài nói giọng hơi run:
– Sự khóc lóc phát lộ của con vừa rồi chứng tỏ con rất chân thành và biết ăn năn. Khi trở về phải nhớ giải thích cho chồng con hiểu, để ông ta biết lỗi mà khẩn thiết sám hối. Từ nay về sau cả hai tuyệt đối không được sát sinh nữa. Hãy tới chùa thỉnh bộ kinh Địa Tạng, vì chồng con sát hại gà nhiều nên phải tụng 49 biến, để hồi hướng cho chúng nó. Nên nhớ là chồng con phải siêng tụng kinh Địa Tạng, ông ta còn tội trộm giết gà trống bự kia nữa. Nó là vua trong loài gà đấy.
Và Hòa thượng hỏi tiếp:
– Có phải là sau khi giết con gà trống oai hùng đó xong, chồng con liền bị bệnh nhức đầu?
Bà Chương ngẫm nghĩ nhớ lại, khẳng định:
– Đúng, đúng vậy! Quả là lúc đó ông phát bệnh nhức đầu ngót hai ngày, nhức bưng bưng, ăn gì cũng không nổi!
Hòa thượng nói:
– Con gà sau khi bị giết, lúc nào nó cũng theo báo và đứng trên đầu chồng bà, có lúc còn dùng mỏ mổ vào não ông. Như vậy thì làm sao mà không đau đớn được chứ? Hãy lập bài vị cho con gà đó ở trong chùa, hai con phải vì nó tụng bảy bộ kinh Địa Tạng và thỉnh chư Tăng giúp làm siêu độ cho nó. Nó có thể siêu sinh thiên giới thành một con phượng hoàng!
Bà Chương nói:
– Chúng con không biết chữ nhiều, tụng không được thì làm sao?
– Tụng kinh là để cứu mạng cho chồng con! Ngoài ra, đối với con cũng có lợi ích rất lớn. Không biết chữ thì có thể tra từ điển, cũng có thể hỏi người biết chữ, nếu không thể tụng thì có thể thỉnh Tăng nhân tụng, nhưng không tốt bằng chính tự mình tự, vì công đức này đều là của mình làm nên. Phải tuyệt đối lưu ý, trong thời kỳ siêu độ, nên đoạn tuyệt tất cả thức ăn mặn, tất cả những thứ như thịt, hành, hẹ, tỏi, rượu và thuốc hút… Toàn bộ đều phải dứt hết.
Bởi vì nếu dùng miệng ăn đồ hôi tanh tụng kinh, thì chẳng thể có chư thiên nhân, quỷ thần nào đến nghe kinh, chúng sinh sẽ không được lợi ích. Mà như vậy đối với Phật pháp cũng không cung kính. Thế thì làm sao có được công đức? Những con vật bị giết nếu như không siêu được, thì bệnh chồng con rất khó lành. Nếu cả hai có thể nghiêm hành, tuân thủ giới luật, thì Phật, Bồ tát nhất định sẽ gia hộ cho các con.
Hòa thượng nhắc nhở thật thiết tha. Bà Chương lại hỏi:
– Chồng con hiện đang bệnh nguy, không biết có thể chết lúc nào, tụng kinh như vậy có kịp không?
Hòa thượng đáp:
– Chồng con nếu chẳng giết vô số gà như thế, thì thọ mệnh cũng chưa tận. Sát sinh là giảm thọ mà! Bởi vì vừa rồi con phát lộ ăn năn sám hối tận đáy lòng, nên hiện giờ bệnh chồng con cũng có cơ may chuyển biến. Hãy chí thành sám hối trợ giúp ông nhà tiêu trừ tội chướng. Nếu bản thân chồng con biết thành tâm sám hối, chí thành tụng kinh niệm Phật, nhất định sẽ chuyển nguy thành an. Phải tranh thủ nắm bắt thời cơ còn lại!
Bà Chương vào bệnh viện, thì thấy chồng mình đã có thể ngồi dậy được và đang ngồi trên giường. Hỏi thăm mới biết, ông vừa mới nôn ra ống nhổ hơn hai chén rưỡi đàm mủ. Hơi thở cũng đã thông. Đây là từ hồi bệnh nặng tới giờ lần đầu ông có thể nôn được đàm ra.
Bà Chương vô cùng mừng rỡ, sẵn dịp đem lời Hòa thượng dạy, kể cho chồng nghe. Chồng bà vừa mừng vừa sợ.
Hôm sau cả hai quyết định xuất viện về nhà, họ nói với bệnh viện:
– Dù sao chúng tôi cũng hết thuốc chữa rồi.
Hai vợ chồng làm y theo lời Hòa thượng dạy. Không bao lâu sau, cái ông Chương bị “ung thư phổi suýt chết kia”, đã ra khỏi cửa tử trước sự ngạc nhiên của toàn thôn. Chưa hết, ông còn có thể chạy xe đạp, việc này là đầu đề cho toàn thôn hỏi thăm.
Sau đó, một trân mưa lớn trút xuống làm dột nhà ông. Ông liền trèo lên mái nhà tu bổ chỗ rò rỉ, khiến dân làng kinh ngạc, suýt xoa mãi không thôi.
Trích: Báo ứng hiện đời
Tác giả: Quả Khanh
Hạnh Đoan dịch
Phải Cẩn Thận Khi Giảng Kinh Thuyết Pháp
Bất luận là người xuất gia hay tại gia, khi giảng kinh thuyết pháp cần phải mười phần cẩn thận. Trước khi giảng kinh thuyết pháp, phải ngồi tĩnh tọa năm phút, để tâm an định rồi mới mở cuốn kinh ra, chấp tay hết sức cung kính, đọc tụng kinh văn một lần, sau đó mới giải thích cặn kẽ ý nghĩa trong đó. Nếu mình không hiểu kinh mà cứ miễn cưỡng giải thích thì sẽ không hợp với lý. Do đó khi giảng kinh hoặc thuyết pháp, trước tiên mình phải hiểu rõ danh tướng của Kinh Pháp. Trước hết phải đem kinh văn và nghĩa lý nghiên cứu cho rõ ràng, nếu không thì rất dễ giảng giải sai lầm. Mà sai một ly thì đi một dặm, khiến người nghe kinh đã không lĩnh hội được, lại còn cảm thấy mơ hồ khó hiểu.
Người học Phật Pháp đừng nên tham cho mau, bởi vì đồ ăn nuốt ngốn thì chẳng biết mùi vị, nghĩa là cần phải ăn từ từ, nhai chậm chậm thì mới biết được mùi vị của thức ăn. Tham ăn nhiều rồi nhai không kỹ thì ngược lại chỉ hại mình thôi. Khi giảng kinh hãy chú tâm đến nghĩa lý của kinh, vì nếu giảng sai thì không những chẳng được công đức gì mà còn tạo thêm tội. Có câu: “Y văn giải nghĩa, tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết,” nghĩa là theo văn mà giải nghĩa thì oan cho ba đời Phật, nếu rời kinh một chữ tức là ma nói. Hậu quả rất là nghiêm trọng như vậy, do đó hãy cẩn thận.
Ðối với người nghe kinh thì cũng phải ra sức chăm chú để mà nghe. Bất kể Tăng Ni hay cư sĩ giảng kinh hoặc giảng pháp, giảng hay bạn vẫn chú ý nghe, giảng không hay càng phải chú ý nghe. Mình phải nghiên cứu giảng hay là hay ở chỗ nào, giảng dỡ thì dỡ ở chỗ nào. Giảng hay thì mình phải học hỏi, giảng không hay thì mình phải tìm cách để sửa đổi, bởi đó là cái gương để mình tự soi. Có thái độ như vậy thì mới rèn luyện được con mắt tìm sự thật, gọi là Trạch Pháp Nhãn.
Trạch Pháp Nhãn hay là con mắt nhìn vào sự thật thì từ tu giới, tu định, tu huệ, ba phương diện này mà ra. Giới định huệ mà viên dung vô ngại thì đối với tất cả mọi kinh điển mình tự nhiên hiểu rõ, không hề có một chút nào chướng ngại. Lúc ấy giảng kinh thuyết pháp thì chữ nghĩa tuôn trào, thao thao bất tuyệt. Người xưa giảng kinh, có kẻ giảng đến độ hoa trên trời rơi xuống, sen vàng dưới đất vọt lên. Bạn tuy chưa được cảnh giới như vậy nhưng cũng cần nhạo thuyết vô ngại, giảng kinh không bị chướng ngại.
(Vạn Phật Thánh Thành, ngày 11 tháng 8 năm 1983)
———————————————————————–
Học Gương Người Hiền Mới Là Bậc Dũng Sĩ
Câu đối ngày hôm nay là:
“Kiến hiền tư tề anh dũng sĩ.”
Nghĩa rằng: Thấy người hiền thì hãy nghĩ cách bằng họ mới là bậc anh dũng. Chúng ta phải bắt chước hành vi của các bậc hiền nhân, để làm gương cho mình. Thế nào là người hiền? Người hiền là kẻ có đức độ. Hễ mình gặp người hiền thì nhất định phải làm sao cho bằng vị ấy. Mình phải học hỏi, noi gương của vị đó, phải cần có đạo đức, có phong độ, có học thức như họ vậy. Không phải chỉ suy nghĩ rồi cho qua, mà phải thật sự thực hành, nổ lực học tập. Mỗi cử chỉ hành động của vị đó phải được coi như là khuôn mẫu. Nếu không học hỏi mà chỉ cứ suy nghĩ suông thôi thì không có ích lợi gì. Mình phải chân thật học hỏi thì mới là một dũng sĩ, cũng là một bậc anh hùng, cũng là một vị đại pháp sư.
Bậc anh dũng không phải là kẻ đần độn. Thế nào là đần độn? Nói một cách đơn giản, đần độn có nghĩa là ngu si. Có người nói: “Anh ta là người hiền ư! (chữ hiền trong tiếng Trung Hoa đồng âm với chữ mặn.) Thì anh ta cứ làm người hiền, đâu có liên quan gì với tôi. Anh ta muốn làm người “mặn,” thì tôi muốn làm người lạt.” Những người mà mặn hay lạt không cần biết, tốt hay xấu chẳng hề hay, chẳng qua đều là thứ ăn no chờ chết, chết rồi là xong chuyện. Ðó là tư tưởng của người biếng nhác, vĩnh viễn không có cách gì cất đầu lên được.
(Vô Ngôn Ðường, ngày 13 tháng 8 năm 1983)
A Di Đà Phật. Không biết có phải bài pháp trên là do đạo hữu thuyết hay ai thuyết mà hay thế? Bởi không thấy ghi tên tác giả nên thắc mắc. 😉
Haha khi nào mình thành Phật mới hòng thuyết Pháp bằng đc như vầy 🙂
Bài pháp trên là do Đại lão hòa thượng Thích Tuyên Hóa thuyết giảng nha bạn.
Ngài cũng chính là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện để độ sinh. Chắc bạn có duyên với Bồ Tát nên cảm thấy ưa thích bài pháp đó.
Thành thật xin lỗi, Là do sơ sót của Lăng Nghiêm quên để tên người thuyết, vì trong bài pháp có ghi thuyết tại Vạn Phật Thánh Thành nên mình cứ nghĩ ai cũng biết là Hòa thượng Tuyên Hóa.
Mong đại chúng tha thứ, lần sau LN sẽ ghi rõ ràng danh hiệu của vị giảng thuyết.
A DI ĐÀ PHẬT .
VỢ CHỒNG DO DUYÊN NỢ MÀ ĐẾN VỚI NHAU
Thanh Viễn tiên sinh có kể một việc cho tôi ( Kỉ Hiểu Lam) như thế này:
Nhà họ Chu có một hầu gái nhỏ, khi đó không đẹp gái lắm. Lớn lên tự dưng dần trở nên thông tuệ, gương mặt ngày càng xinh đẹp hơn. Có lần Chu tiên sinh thấy nàng tính tình có vẻ khác xưa, nên hỏi:
– Nàng không phải là con bé ngày xưa nữa phải không?
Hầu gái đáp:
– Đúng thế.
Vài năm sau, Chu tiên sinh bèn nạp cô hầu gái làm thiếp.
Người thiếp rất biết tính toán, lo toan công việc gia đình. Từ gạo củi dầu muối, cho đến cửa trong ngõ ngoài đều quán xuyết chu tất, kẻ ăn người ở không ai dám qua mặt.
Kẻ nào vẫn không biết điều, tất bị trừng phạt thích đáng ngay. Người thiếp lại rất giỏi trong việc làm giàu, dự liệu mọi chuyện không ai bằng, hàng hóa tích trữ năm trước năm sau bán tất được giá cao.
Cũng vì vậy nhà họ Chu ngày càng thịnh vượng, và Chu tiên sinh càng yêu thương người thiếp hơn. Một hôm, người thiếp hỏi Chu tiên sinh:
– Chàng có biết thiếp là ai không?
Họ Chu cười:
– Nàng điên rồi sao? Sao lại hỏi vậy ?
Người thiếp nói tiếp :
– Thực ra thiếp không phải là người. Thiếp vốn là hồ ly thành tinh. Chàng chín kiếp trước, là một thương gia giàu có, thiếp làm viên thủ quỹ cho chàng. Chàng đối xử với thiếp rất tốt, nhưng thiếp lại biển thủ của chàng hơn ba nghìn lạng bạc. Cho nên khi chết, Diêm Vương bắt thiếp giáng làm kiếp cáo. Thiếp tu luyện mấy trăm năm, may mắn đắc đạo, có thể hóa thành hình người. Nhưng vì vẫn bị ràng buộc bởi lỗi xưa nên không thể thành tiên.
Nhân một dịp thấy con hầu gái của chàng bỏ trốn, thiếp hóa hình giả làm nó để theo chàng trả nợ. Kể cũng đã mười năm, nợ xưa kể cũng đã đền trả đầy đủ. Đây chính là lúc thiếp có thể trở về hình hài xưa để ra đi.
Thiếp ra đi rồi, thân xác sẽ là hồ ly. Chàng hãy sai người đầy tớ trong nhà chôn cất thiếp. Hắn tất sẽ lột thân xác thiếp để lấy bộ da. Chàng đừng trị tội hắn. Hắn bốn kiếp trước chết đói, thiếp khi đó là hồ ly chưa thành đạo, từng gặm thây hắn mà ăn qua cơn đói. Cho nên, hắn có lột da thiếp, cũng là một cách để trả hết ân oán chuyện xưa tiền định.
Nói xong, người thiếp hóa thành một con cáo, ngã gục xuống nền nhà. Rồi xuất hiện hình bóng một cô gái nhỏ nhắn, xinh đẹp bay ra từ miệng hồ ly như một luồng khí, từ từ biến mất không thấy dấu vết gì nữa.
Chu tiên sinh không nỡ nhẫn tâm làm theo lời dặn của người vợ hồ ly, mà tự mình lo liệu việc chôn cất. Nhưng rồi cuối cùng vẫn bị người đầy tớ trong nhà quật trộm mộ lên, lột lấy bộ da đem bán. Chu tiên sinh sau này biết được, mới hiểu ra đó là nhân quả trả vay công bằng, không thế cách gì tránh được. Đành chỉ than vãn âm thầm mà thôi!
(Trích Duyệt Vi Thảo Đường Bút Kí – Kỉ Hiểu Lam. do Lê Văn Đình, Ngô Như Sâm dịch)
Từ xưa đến nay, con người vì miệng tham đã tàn sát không biết bao nhiêu sinh linh, làm cho muôn loài khốn đốn. Từ cá dưới nước, chim trên trời, những loài bò, bay, nhảy đều không thương xót mà giết hại vô tình.
Chúng sanh từ vô lượng kiếp đều đã làm thân bằng quyến thuộc của nhau. Bây giờ ta muốn tìm một chúng sanh nào đó chưa từng là cha là mẹ ta trong quá khứ cũng khó lắm thay. Ta đoạt mạng con gà, con vịt, mà chẳng biết đang cắt tiết mẹ mình. Ta gặm miếng xương heo, xương bò, mà không hay rằng đang nhai thịt xương cha. Đau xót nhường nào!
Chúng hữu tình, từ con kiến đến con voi, đều có những cảm giác đau đớn, thống khổ đồng với loài người không sai khác. Có chăng là do nhân tốt xấu khác nhau mà sinh ra trong đời hưởng quả khác nhau. Phàm chúng sanh ai cũng có Phật tánh đồng như ta, chẳng qua lên xuống khác nhau trong vòng luân hồi. Ta đời nay may mắn hơn, chẳng những không cứu giúp chúng mà còn lợi dụng thế kẻ mạnh để giết thịt tàn sát ư?
Người đời tự đắc lấy cớ “vật dưỡng nhân”, dùng đạo lý “cá lớn nuốt cá bé” mà tự họ bao biện với nhau để mặc tình tàn sát nhai nuốt vạn loài. Họ nào biết “vật dưỡng nhân” là bịa đặt ra vì lòng tham chứ chẳng phải chân lý gì cả. Người vào rừng gặp hổ thì làm thức ăn cho hổ, người xuống nước gặp cá mập làm mồi cho cá mập, lúc này nếu nói theo cách của lũ người kia thì chẳng phải là “nhân dưỡng vật” hay sao? Đến loài người tự cho mình cao hơn muôn loài, vậy mà còn giữ cái thú tính tàn sát như “cá lớn nuốt cá bé” ư? Thế có khác nào loài cọp beo rắn rết kia? Lục đạo như bánh xe quay, đời nay ta ăn vật, đời sau vật sanh làm người lại ăn ta, chả nhẽ ta muốn mình lăn lộn khổ sở mãi sao?, Khuyên người đời nên lưu tâm mà thống thiết dứt trừ.
Người đời giết hại chúng sanh phần lớn vì miệng tham. Miếng ăn thơm ngon trôi qua cổ họng, chốc lát khoái lạc vừa qua thì vô lượng khổ đau tìm đến. Đáng sao?
Vừa nhìn thấy miếng thịt phải run sợ, coi đó là thuốc độc. Thuốc độc bình thường chỉ hại thân xác, còn miếng thịt kia vừa hại cả thân xác lại vừa tổn đến phước đức. Miếng thịt ấy chất chứa vô lượng độc tố do những nỗi sợ hãi, đau đớn, oán hận vô cùng tận của những động vật lúc bị giết hại.
Mỗi khi ta nhìn thấy miếng thịt, phải quán chiếu đến những kiếp ta làm thú vật mà kinh sợ. Hãy tưởng tượng ta là con vật ấy, đang ở trong chuồng hôi hám bẩn thỉu, bị người lôi đi. Trong lúc nguy cấp ta kêu la thảm thiết đau đớn vô cùng nhưng không ai nghe biết, họ kéo ta lên bàn mổ, bắt đầu quá trình giết hại man rợ. Ta có đau đớn oán hận kẻ làm thịt ta, những kẻ mua thịt ta về ăn uống vui vẻ mà không chút động tâm?… Thật rùng rợn biết bao nhiêu.
Hoặc có thể quán chiếu con vật kia chính là người bà con, cha mẹ ta, họ bị lôi đi, bị hành hạ khổ sở như trên, bị giam cầm, tra tấn, cắt tiết, mổ bụng, vặt lông, nấu nước sôi. Họ rơi nước mắt cầu xin ta thương xót, họ đau đớn kêu gào. Lúc đó thử hỏi ta có dám ăn thịt nữa không. Thật đáng sợ.
Tại sao lại ăn thịt để chuốc lấy vô lượng đau khổ oán hờn? Xưa nay người đời đã chứng kiến biết bao câu chuyện về quả báo ghê rợn của tội sát sanh ăn thịt. Kẻ sát sanh ăn thịt tâm lúc nào cũng canh cánh bất an, lo sợ, vạn sự đều bất lợi không thông. Ngược lại người ăn chay phóng sanh tâm hồn được nhẹ nhàng thanh thản, không sợ bị kết oán thù, mọi việc đều không sợ sệt mà được thông suốt.
Tội sát sinh ăn thịt thật vô cùng lớn. Từ đây mà suy thì thấy công đức phóng sanh thật vô lượng vô biên. Con vật đang sắp bị đem ra mổ xẻ mà bỗng được cứu thoát, tự do vẫy vùng, thật sung sướng biết bao nhiêu. Nó sẽ ghi ân người cứu nó đời đời kiếp kiếp. Phóng sanh tăng trưởng lòng từ bi, tăng trưởng công đức, thiện căn. Đây cũng là cách để bù đắp lỗi lầm mà ta đã gây ra với chúng sanh trong quá khứ.
Tôi viết những lời tâm can thống thiết trên đây, xin người đời chớ bỏ qua mà hãy lưu tâm, nghiền ngẫm thật kĩ. Nguyện cho nhân loại sớm từ bỏ sự giết hại, ăn thịt.
Xưa nay trong bát canh đầy
Oán sâu như bể, hận thành non cao
Muốn hay nguồn gốc binh đao
Lắng nghe lò mổ,tiếng gào đêm thanh
Nam mô A di đà Phật.
*Mọi sự sao chép bài viết trên, dù là có ghi nguồn hay không ghi nguồn đều được cực lực tán thán, hoan nghênh. Cảm tạ công đức của quý bạn
MỘT NGÀY ĂN CHAY, MỘT KIẾP GIẢM NỢ TRẢ MẠNG
Có kẻ bảo: Heo, dê, cá tôm vốn do trời sanh để nuôi dưỡng con người, ăn chúng nào có mắc tội gì? Đây là do chưa trải qua cảnh đó nên nói rằng như thế, nếu đích thân gánh chịu nỗi khổ của chúng liền sẽ mong được cứu không ngơi chứ còn rảnh đâu để biện bác? Sách Khuyến Giới Lục Loại Biên có chép:
Ông họ Triệu nọ ở Bổ Thành tỉnh Phước Kiến đã kiêng sát sanh từ lâu, vợ ông tàn nhẫn ham ăn thịt. Trước hôm ngày sinh nhật, bà mua khá nhiều sinh vật để giết đãi khách, ông họ Triệu bảo: “Bà muốn chúc thọ lại khiến chúng sanh bị chết, bà yên lòng sao?” Bà vợ bảo: “Toàn là lời nhảm cả, nếu theo như lời Phật pháp, nam nữ chẳng ngủ chung, chẳng giết hại sinh mạng, thì hóa ra mấy mươi năm sau cả thế gian chỉ còn toàn là súc sanh sao?” Ông Triệu biết không có cách nào khuyên giải được, đành phải chịu phép.
Đêm hôm ấy, người vợ mơ thấy đi vào nhà bếp, thấy giếc heo mà chính mình bị biến thành heo, bị giết rồi vẫn còn biết đau, lúc bị cạo lông, phanh bụng, móc ruột, róc chân càng đau khổ không chịu nổi, và khi giết gà vịt…vv. đều thấy chính mình biến thành con vật bị giết, đau đến nổi tỉnh cả ngủ, tâm run thịt giực, từ đó bà phát tâm thả hết những loài vật mình đã mua và ăn chay trường. Người này đời trước có đại thiện căn nên đã cảm được Phật từ gia vị, khiến được đích thân chịu khổ để dứt ác nghiệp, chứ nếu không sẽ đời đời kiếp kiếp nạp thân cho người ăn nuốt để đền nợ.
Những kẻ giết sinh vật ăn thịt trong đời này, nếu có thể đặt mình vào hoàn cảnh của loài vật thì khó gì mà chẳng lập địa hồi đầu? Nếu như nói trời sanh các loại heo dê để nuôi dưỡng con người, thì thử hỏi phải chăng trời sinh ra con người để nuôi dưỡng những loài hổ, sói, muổi rệp ư? Chẳng đáng buồn cười thay.
Lại có một hạng người nói, ta ăn thịt trâu, dê, gà, vịt là muốn độ thoát chúng nó. Trong Hiển giáo chẳng có thuyết này, trong Mật giáo cũng chẳng hề có, nếu quả thật có thần thông như tế điên hòa thượng cũng còn tạm được, chứ nếu không đó chỉ là tà thuyết, khiến người lầm lạc, tự chuốt lấy tội, chỉ hạng người cực vô liêm sĩ mới dám nói thế. Nếu có thể giết chúng để độ, thì cha mẹ tối tôn trọng, vợ con tối thân ái, sao chẳng giết sạch đi để ăn thịt hồng độ cho họ?
(Ấn Quang Đại Sư)