Phan Văn Hoa (1886 -1950), tên hiệu là Trọng Tam, người Nhân Thọ, Tứ Xuyên, là Nhị cấp Thượng tướng Lục quân, ông tốt nghiệp Trường Lục quân tốc hành Tứ Xuyên. Mùa hè năm nay, trong một lần nghỉ ngơi tránh nắng ở công viên, một vị trưởng lão tu luyện bên Phật gia đã kể cho mọi người nghe một câu chuyện: Tham hoa háo sắc trong mơ biến thành lợn.
Đó là vào thời kỳ “quân phiệt cát cứ” (các phe nhóm trong quân đội giao tranh hỗn chiến lẫn nhau), Quân trưởng quân phiệt tam quân (lục quân, hải quân, không quân) Tứ Xuyên là Phan Văn Hoa là người vô cùng háo sắc. Trong phủ của ông ta thê thiếp có thể nói là thành đàn. Thường ngày, ông ta ham mê nữ sắc, nhục dục, sớm tối “trăng hoa” bừa bãi, cuộc sống ăn chơi đàng điếm đến mức đồi bại, sa đọa.
Vào một mùa hè năm nọ, trời nắng chói chang, thời tiết nóng nực kéo dài. Buổi tối, sau khi đã cùng vợ “trăng hoa” xong, ông ta ngủ say sưa. Trong giấc mơ, ông nhìn thấy 9 mỹ nữ xinh đẹp tuyệt trần, vẻ ngoài giống như hoa đào, làn da trắng như tuyết, mặc những chiếc áo ngắn tay đủ màu xanh, đỏ, vàng, trắng và một chiếc quần đùi đi tới. Ông ta vừa nhìn thấy, ham muốn liền nổi lên như lửa đốt, muốn chạy lại và ôm lấy họ tán tỉnh.
Chỉ thấy 9 cô nương này đi vào phòng ngủ của ông ta rồi đi quanh một vòng, miệng cười toe toét bước đi, xuyên qua sân nhà, đi ra khỏi cổng chính, ông ta vội vã đuổi theo, 9 cô gái đi trước ông ta nối gót theo sau, đi xuyên qua đường cái, qua một hành lang nhỏ rồi rời khỏi Thành Đô, nhìn thấy 9 cô gái đi thẳng đến một thôn quê có bờ ruộng bao quanh.
Ông ta ở đằng sau gọi to: “9 cô nương xinh đẹp, đi chậm một chút! Tôi là Phan quân trưởng, tôi muốn cưới các cô làm vợ bé! Hãy theo tôi hưởng thụ vinh hoa phú quý.”
9 cô gái không trả lời, cũng không quay đầu nhìn lại. Ông ta vội đi thật nhanh, các cô cũng đi thật nhanh, ông ta đi chậm lại thì các cô cũng đi chậm lại, cứ tiếp tục đi như vậy, đi xuyên vào một rừng trúc, tiến vào một ngôi nhà tranh, rồi ông ta nhìn thấy 9 cô gái đi thẳng vào chuồng lợn, nhao nhao nằm xuống.
Ông ta thầm nghĩ, được, ta cũng nằm xuống. Trong đúng tích tắc ông ta ngả người xuống, chợt nghe thấy một bà lão nói to: “Ông nó ơi, mau dậy đi! Lợn mẹ đẻ con rồi!”, bà vợ cầm đèn đi vòng khẽ đếm: “Chà, 9 con lợn cái, một con lợn đực, tổng cộng là mười con lợn con”. Phan Văn Hoa nghe xong, thầm nghĩ: “Hỏng rồi! Ta sao lại biến thành lợn đực à!”. Liền bám mà trèo lên, vừa khéo cửa chuồng lợn có một cái hố to làm ông ta rơi xuống hố phân kêu “bõm” một tiếng. Ông ta giật mình mà bừng tỉnh, à! hóa ra là “giấc mộng Nam Kha” (ý nói bừng tỉnh dậy thấy chỉ là giấc mơ), giấc mơ này là thật hay là giả đây?
Ngày hôm sau, sau khi ăn sáng, ông ta âm thầm dẫn theo hai quân lính rồi dựa theo hành trình trong mơ mà đi, đi xuyên qua đường cái to, rồi qua ngõ hẻm, đi ra ngoài thành. Đi khoảng bốn dặm nữa, quả nhiên có một ngôi nhà tranh của một gia đình nông dân trong rừng trúc. Trong nhà có một đôi vợ chồng già.
Ông ta cất tiếng hỏi: “Chào hai cụ! Đêm qua nhà hai người có xảy ra chuyện gì không? “, hai người đều đồng thanh nói: “Không có chuyện gì lớn cả, chỉ là con lợn nhà tôi sinh được mười con lợn con, 9 con lợn cái và một con lợn đực, đáng tiếc là con lợn đực kia bị rơi xuống hố phân chết mất!” Phan Văn Hoa nghe xong, quá kinh hãi, nhìn xung quanh, rõ ràng cảnh tượng giống y hệt trong mơ. Thật là một chuyện kỳ lạ! Ông ta giả bộ giữ bình tĩnh, miệng nói là đến xem xét cuộc sống của nông dân, rồi mang theo lính trở về.
Sau này ông ta nói với một người bạn tri kỷ: “Tôi vì ham mê sắc dục mà trong mơ biến thành lợn, thật là nguy hiểm! Thật quá nguy hiểm! Nếu không phải là bị lăn xuống hố phân, thì tôi chẳng phải đã chết rồi ư!” Trong mơ với thực tế rất khớp nhau, nữ thì biến thành lợn cái, còn nam thì biến thành lợn đực, thật là kỳ lạ, xem ra sắc đẹp là không thể ham mê được!”
Người bạn tri kỷ kia cũng thiện ý mà nói lời thấm thía khuyên bảo ông: “Trong cuốn “Chu Tử trị gia cách ngôn” (hay còn gọi là Chu Tử gia huấn) có dạy: Túng đối như hoa tự ngọc chi mạo, định tồn nhược tỷ nhược muội chi tâm. (ý là: Dù đứng trước người dáng vẻ xinh đẹp như hoa như ngọc, thì nhất định phải giữ tâm như đối với chị gái, em gái).
Nhà hiền triết cổ xưa cũng dạy con người: Phi lễ vật thị, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật thính, phi lễ vật động (ý là: Phàm là nhiễu điều không phải lễ giáo thì không nhìn, không nói, không nghe, không làm).
Phật giáo dạy người không tà dâm, với người lớn tuổi thì phải đối đãi như mẹ, cô bác, đối với người ngang hàng thì phải như chị gái, em gái, còn với trẻ con thì phải đối đãi như con như cháu. Những điều này đều là lời hay dạy con người không phạm tà dâm.
Về phần nam nữ khi đã quang minh chính đại kết hôn lập gia đình rồi, thì đó là việc đứng đắn để duy trì nòi giống, hưng gia hưng quốc. Không thể nói là giống với tà dâm. Tôi khuyên ông đừng đam mê sắc đẹp! Hãy cải tà quy chính làm người tốt.”
Từ đó về sau, Phan Văn Hoa trong cả lời nói và việc làm đều thay đổi. Dừng lại tuyển chọn hay cướp đoạt dân nữ làm thê thiếp, cũng dừng đến thanh lâu kỹ viện mua vui. Ông ta nghe người lương thiện khuyên bảo nên đã thành tâm thành ý sửa chữa, đồng thời còn xin một người viết cho hai câu thơ “Giới dâm” treo ở phòng khách để làm lời răn mình tránh tà dâm:
“Tham hoa háo sắc tội di thiên, chiết phúc đoản thọ khổ vô biên.
Kỳ nam ỷ thiên kình tuệ kiếm, anh hùng định quá mỹ nhân quan!”
Theo secretchina
Mai Trà biên dịch
CÓ NÊN GIÚP NGƯỜI KHÁC ĐƯỢC “CHẾT NHÂN ĐẠO” HAY KHÔNG?
Vậy gặp trường hợp này [chết nhân đạo] thì làm thế nào? Đệ tử Phật chúng ta không thể làm như vậy. Nếu có người nói: “Có phải anh tàn nhẫn quá không? Anh có thể đứng nhìn họ chết đi sống lại, đau không muốn sống, anh lại không giúp họ chích một mũi, kết liễu sớm chút sao?”
Người học Phật chúng ta biết rằng, nhân quả của mỗi người không phải kết thúc bằng việc này. Họ có tội báo ấy thì phải chịu sự đau khổ đó, là bởi vì ác nghiệp quá khứ của họ chiêu cảm, quý vị chích cho họ một mũi để họ chết nhẹ nhàng, quả khổ của họ chưa dứt, quý vị chỉ làm cho họ kết thúc sinh mạng kỳ này sớm hơn, nhưng khổ báo đó của họ đời sau vẫn phải chịu, vậy thì có thể họ phải xuống ba đường ác. Phần nhiều trong trường hợp này, cuối đời, khi chết rất đau khổ đó là hoa báo, hoa báo không tốt, vậy thì quả báo chắc chắn không tốt, kiểu người này đa phần là xuống ba đường ác, nhất là xuống đường địa ngục. Đó không phải là làm cho họ khổ hơn sao?
Vì vậy, phương pháp tốt nhất lúc ấy không gì bằng khuyên họ niệm A Di Đà Phật, giúp họ đề khởi chánh niệm, vì họ mà niệm A Di Đà Phật, niệm Quán Thế Âm Bồ-tát, thắp sáng lòng tin của họ, khiến họ có lòng tin cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Có lòng tin đối với Tam Bảo, đối với Phật Bồ-tát, như vậy thật sự có được cảm ứng, Phật Bồ-tát gia trì cho họ, thì có thể khiến sự đau khổ của họ giảm nhẹ, phương pháp này hiệu quả nhất.
– Trích “Bát Quan Trai Giới Giảng Yếu” tập 2, Pháp sư Định Hoằng giảng giải.
Nhờ Chép 3 Dòng Kinh Chết Xuống Âm Phủ Được Diêm Vương Tha Mạng
Trương Chí Đạt, người quận Thiên Thủy, viết chữ rất khéo, nhưng thích đạo Lão, không tin Phật pháp.
Một hôm, ông đến chơi nhà bạn, thấy đang chép kinh Đại Bát Nhã, lại ngỡ là kinh đạo tiên, hỏi:
– Anh viết kinh Lão Tử đó phải không?
Người bạn đùa cợt đáp:
– Phải.
Chí Đạt mừng rỡ, lại giành bút chép vừa được ba hàng, biết chẳng phải kinh đạo tiên, giận dỗi đứng dậy bỏ ra về.
Qua ba năm, Chí Đạt bị bệnh rồi chết, trải qua một đêm bỗng sống lại rơi lệ thương khóc. Hôm sau, ông liền đến nhà bạn cũ, vừa mừng vừa cảm, sám hối tạ lỗi rằng:
– Anh thật là bậc đại thiện tri thức, khiến cho tôi được sống lâu, được phước cõi trời, mà tôi mê lầm không biết, ngày trước lại nổi giận với anh !
Người bạn kinh lạ hỏi:
– Tại sao anh lại nói lời ấy?
Chí Đạt đáp:
– Tôi chết xuống âm ty, vua Diêm La trông thấy quở rằng: “Ngươi là kẻ ngu si, chỉ tin tà kiến, không biết Phật pháp!”. Nói xong, Diêm Vương tra sổ bộ, đọc kể tội ác hơn hai mươi trang giấy. Chỉ còn nửa trang, Diêm vương bỗng chăm chú nhìn xem rồi mỉm cười bảo: “Ngươi có công đức lớn, là đã đến nhà bạn thân chép được ba hàng kinh Đại Bát Nhã, nay ân xá cho ngươi trở về nhân gian, hãy cố gắng thọ trì kinh ấy”.
Thuật xong, ông nói tiếp:
– Nhờ anh mà tôi được hoàn sinh, biết đường lối tu tập chân chính, đó chẳng phải là ân lớn sao?
Hàn huyên giây lát, Chí Đạt liền trở về nhà, xuất tiền mua giấy bút, rồi từ đó ở yên nơi thư phòng, chép được tám bộ kinh Đại Bát Nhã. Chép xong, ông thiết lễ trang nghiêm để cúng dường lên mười phương Chư Phật.
Năm được tám mươi ba tuổi, Chí Đạt không bệnh mà mãn phần. Trước khi chết, ông bảo người nhà rằng:
– Ta thấy nơi thân mình hiện ra đôi cánh, toàn là văn kinh Đại Bát Nhã. Có một ngàn Đức Phật đến rước ta vãng sinh về Tịnh độ.
Nói xong, ngồi chắp tay yên ổn qua đời.
Chưa rõ tên tác giả
Cầu mong cho tất cả chúng sinh, đời đời kiếp kiếp, mãi mãi vĩnh viễn, hoàn toàn hết khổ và giúp được cho tất cả chúng sinh cũng hoàn toàn hết khổ.
Cầu mong cho tất cả chúng sinh, đời đời kiếp kiếp, mãi mãi vĩnh viễn, hoàn toàn an vui hạnh phúc và giúp được cho tất cả chúng sinh cũng hoàn toàn an vui hạnh phúc.