Nhàm chán Ta Bà thống khổ, thề quyết thoát ra, bốn năm thiết tha tinh tu Tịnh Độ!
Mến ưa Cực Lạc yên lành, cầu về mãnh liệt, cảm Phật chơn thiệt tự tại vãng sanh!
Chú Lê Văn Sâu, sinh năm 1952, cư ngụ tại số 172, ấp Hòa Thạnh, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ ông Lê Văn Trình, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Thôn. Chú là thứ Út trong gia đình có năm anh em, sinh sống bằng nghề làm ruộng.
Năm 1968 cha của chú mất. Hai người anh và hai người chị đều lập gia thất, đồng ra riêng cất nhà xung quanh, còn chú thì chung sống với mẹ. Kế đó chú làm thêm nghề đưa đò dọc từ Châu Đốc qua Châu Giang.
Tính tình của chú rất có hiếu với mẹ và hòa thuận với các anh chị, nhiệt tình giúp đỡ những người xung quanh.
Đến năm 20 tuổi, một hôm nọ chú thưa với mẹ:
– Thưa mẹ! Con thấy cuộc đời quá giả tạm, mỏng manh, vui ít khổ nhiều, mà sống làm nghề đưa đò lại càng dễ chán. Hơn nữa, vì bạn bè của con đứa nào cũng vậy, mở miệng ra là chửi thề lỗ mãng hung tùng, nên con xin phép mẹ cho con nghỉ để ở nhà. Từ nay trở đi con lo ăn chay, cúng lạy, niệm Phật làm lành, cầu giải thoát cho mình và cứu độ Tổ tông!
Khi được mẹ chấp thuận, từ đó chú dốc hết tâm lực lo tu thân hành thiện. Bao nhiêu y phục chú đều đem đi cho hết, chỉ may hai bộ đồ: một bộ bà ba đen và một bộ vạt mẻ để thay đổi. Chú rất siêng năng tinh tấn hành đạo, mỗi ngày là bốn thời cứ nối tiếp liên tục, hết ngồi niệm Phật thì đi kinh hành hoặc ngồi xem kinh sách, hay chép kinh sách nên thời gian chú ngủ nghỉ rất ít. Thật là sự dụng công dõng mãnh, như đoạn khai thị sau:
“Liên Hoa người muốn được gần,
Phải tu nhanh chóng chớ chần chờ lâu.
Tu nếu nhận là cầu siêu thoát,
Ráng tu đừng ngơ ngác trong tâm;
Nếu tin Thánh trước là phàm,
Thì mình cũng có thể làm Phật Tiên.
Kẻ thành đạo nhờ duyên trước lớn,
Hoặc nhờ tu tinh tấn hiện nay;
Không duyên mà cố tu hoài,
Phật hay Tiên cũng có ngày được nên.
Ai người muốn ngồi trên Sen báu,
Tu phải dùng tâm đạo làm nguồn;
Đạo tâm suông nghiệp đời suông,
Cõi phàm qua Thánh bắt nguồn từ đây.
Tâm là gốc tạo gây vạn sự,
Lành cũng tâm mà dữ cũng tâm;
Đường về tới chốn Lôi Âm,
Tâm tìm khóa mở, tâm tầm lối đi.
Người phải tự chỉ huy tâm ấy,
Khiến tâm đi trong cái quang minh;
Mình không làm chủ được mình,
Khác nào những đám lục bình trôi sông.”
Hàng năm mùa vụ thì chỉ có một đợt, mẹ chú ăn chay không nổi nên đến giờ cơm thì bà đi sang các nhà anh chị để dùng bữa. Hơn nữa chuyện ăn uống của chú lại rất đơn giản thanh đạm, vì vậy chú tận dụng thời gian hết để lo việc tu học, đồng thời chú thường xuyên đóng góp vào các công tác từ thiện xã hội ở địa phương nhà.
Thỉnh thoảng chú có đến chùa Bửu Hòa (cách nhà vài cây số) để gặp gỡ các bạn đạo trao đổi, luận bàn về Phật pháp. Vào thời điểm đó kinh sách rất khan hiếm, vậy mà chú cũng đã sưu tầm mang về nhà tương đối nhiều: những tác phẩm trong bộ Hiển Đạo, kinh Lăng Nghiêm, kinh Vô Lượng Thọ… rồi chú sao chép lại để ngày đêm đọc học tu hành. Sự nỗ lực của chú rất cần mẫn tinh chuyên.
Có những khi đến mùa nước nổi chú thường neo xuồng trước bến rồi ngồi niệm Phật, hoặc trèo lên nóc nhà để ngồi niệm Phật. Người đi qua, kẻ đi lại trông thấy, có người thì khen ngợi chú tu tinh tấn, cũng có kẻ lại nghĩ chú bị chạm dây thần kinh.
Thỉnh thoảng chú cũng thường khuyên mẹ và các anh chị niệm Phật, tu hành. Có lần chú nói với người chị dâu thứ Tư:
– Mình niệm Phật thì phải nhiếp tâm, chí thành mà niệm và cũng phải hồi hướng về Tây Phương. Cũng như cái cây nghiêng về bên nào sẽ ngã về bên ấy… chị niệm Phật nếu mà không hồi hướng thì biết về đâu?
– Cái thân này cũng như chiếc thuyền! Muốn qua sông mà hủy hoại nó thì không được, còn như dung dưỡng nó cũng không được!
Thời gian tu hành trải qua 4 năm. Đến ngày 17 tháng 11 năm 1976, chú đi ruộng trong kênh Đào để thăm lúa. Chiều tối hôm đó chú sang nhà người anh thứ Tư ngồi nói chuyện với nhau, giây lát sau chú nói:
– Anh Tư à! Năm nay làm lúa có lẽ là em không có làm. Anh làm đi!
– Sao mà mày không làm?
– Bây giờ em hỏi thiệt anh nghen? Như Phật cho biết trước ngày vãng sanh anh có dám đi không?
Chú Tư cười, chưa đáp thì chú nói tiếp:
– Chắc chắn là anh không dám đi rồi chứ gì!
Nói xong cả hai đều cười rộ lên… rồi chú trở về bên nhà.
Sáng lại, khoảng 4 giờ mẹ chú không nghe động tịnh gì như thường lệ, bà bật dậy, lên tiếng hỏi, không nghe chú trả lời. Đến gần xem thì phát hiện chú đã tắt hơi, bà liền la lên, con cháu xung quanh chạy qua, thì thấy chú nằm ngửa rất ngay ngắn, hai tay vẫn còn chắp ở giữa ngực.
Khi thắp sáng hương đèn trên các ngôi thờ, người nhà phát hiện một lá thư trên bàn thờ, chiếc đèn đè lên, và bên cạnh là chiếc đồng hồ. Mọi người cùng nhau mở ra xem, thì thấy chú viết:
“NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT.
Thưa má cùng anh chị, con được ơn trên cho biết là hôm nay con được vãng sanh, nhờ lòng chí thành niệm Phật, con không muốn nói trước vì sợ tình ái làm trở ngại sự siêu thoát của mình. Thành khẩn cầu xin má hiểu cõi đời là giả tạm, có hiệp tất có tan, đó là định luật xưa nay mấy ai tránh khỏi, như con được về Cực Lạc thì má cũng vui! Nên con tha thiết cầu mong má nhớ niệm Phật và làm phước nhiều, đó là mục đích cứu cánh để được thoát khỏi cuộc đời đau khổ này. Khi con chết bao nhiêu đồ đạc của con đều để lại hết, chỉ đem theo một bộ mặc trong mình mà thôi, còn cái đồng hồ xin má đưa cho anh Út Khự để làm kỷ niệm, em thiết tha cầu khẩn anh chị thương em, là thay em nuôi má cho được chu toàn, và luôn luôn xem Kinh Giảng để giải nghĩa cho má nghe mà tu. Anh chị nên biết:
Lợi danh vật chất có huờn không,
Thể xác rồi đây cũng hoại vong.
Luyến ái bụi trần thêm lao lý,
Vui, buồn, thương, ghét thảy hoài công.
Mộng tưởng dục trần theo hơi dứt,
Vợ, chồng, con, cháu cũng hết trông
Sự sản thế điền đều bỏ lại,
Cõi đời nào khác bọt dòng sông!
Đó là cái chân lý tuyệt đối, em mong rằng anh chị và mẹ xét cho kỹ, để lo tìm cái trường tồn, vĩnh viễn. Cũng may cho em, chứ không biết tu thì kinh hồn, kinh hồn!
Lê Văn Sâu, hẹn chung vui ở Tịnh Độ.
Mong anh Tư giúp em cho phần mộ có tấm bia giá rẻ nhất, trong bia ghi: ĐẠO LÀ TẤT CẢ, LÊ VĂN SÂU CHI MỘ. Hãy giữ giấy này mà nói chuyện với chánh quyền.”
Trong thời gian này chú không có bệnh hoạn gì cả. Nhằm ngày 18 tháng 11 năm 1976, chú hưởng dương 24 tuổi.
Khuya đêm ấy những người làm đồ tể gần đó thấy ánh sáng thật lớn ở trên nóc nhà của chú. Bà Hai Bộ cũng đồng thấy ánh sáng ấy, bà kể lại với các anh chị của chú rằng:
“Hồi tối tao thấy trên nóc nhà mày một quầng sáng chiếu tia tia, đẹp lắm!”
Cuộc an táng của chú được tiến hành trong ngày, khi nhập liệm gương mặt của chú như một người đang nằm ngủ, các khớp xương đều mềm mại.
Được chứng kiến sự ra đi an lành của chú, rất nhiều người trong thân quyến và lối xóm đã phát tâm ăn chay và tinh tấn niệm Phật tu hành.
(Thuật theo lời bà Nguyễn Thị Khôn, mẹ của chú và cô Lê Thị Hiền chị dâu thứ Tư của chú.)
Trích CHUYỆN VÃNG SANH – Tập II – Phần 3 & 4
Nhóm liên hữu Miền Nam Đất Việt sưu tầm và biên soạn
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính và giới thiệu
Truyện Ngắn SỐNG LẠI
https://www.youtube.com/watch?v=xB7b5wCnVbs&t=342s
Tôi sinh ra tại một tiểu trấn hẻo lánh thuộc tỉnh Giang Tô phố Dương Châu. Lúc nhỏ cuộc sống nhà tôi tương đối khó khăn. Từ lúc có ký ức, tôi nhớ phụ thân mình là một cán bộ công xã. Ông là người hào sảng, nhanh mồm lẹ miệng, thẳng thắn, có nhiều bạn nhậu, nên trong nhà thường có khách đến luôn.
Phụ thân là một cán bộ rượu chè bê tha, khi tôi lên trung học, thì do những mâu thuẫn trong nội bộ cơ quan, ông bị khai trừ, cách chức. Việc này làm ảnh hưởng và thay đổi số mệnh cả nhà chúng tôi.
Do quan lộ bất như ý, nên phụ thân tôi suốt ngày thở vắn than dài, giống như biến thành một người khác vậy, mẹ tôi cũng thành là chỗ cho ông trút giận… Để lấy lại thể diện đã mất, phụ thân chẳng thèm nghe lời mẹ tôi năn nỉ khuyên lơn, ông đi mượn vay thân thuộc, mở một lò hầm than. Không bao lâu lò hầm làm ăn thất bại phải đóng cửa. Phụ thân không những chẳng thu về được một xu, còn khiến gia đinh chúng tôi lâm vào cảnh bần cùng cực điểm. Vì cả nhà phải gánh lấy món nợ kếch xù (một vạn năm ngàn đồng)trên lưng. Vào (năm 1981) thời đó thì đây là một dãy số to kinh khủng.
Nhà tôi căn bản là vô phương đền trả, mẹ tôi càng tiều tụy buồn
rầu khi chứng kiến chồng làm ăn thất bại, đối diện với cảnh nghèo rớt mồng tơi của gia đình, không mong gì có thể ngóc đầu lên…
Trong cơn tuyệt vọng, đã mấy lần mẹ tôi muốn quyên sinh để kết
thúc cuộc đời đau khổ… Nhưng ngoảnh nhìn đám con còn quá thơ dại, bà đành nuốt lệ ráng sống, không nỡ bỏ mặc chúng tôi…
Khi đó bốn mẹ con tôi ôm nhau khóc, vì chẳng biết đường nào đề đi, ngõ nào để sống. Mỗi khi sắp sang xuân, nhà nhà đều hớn hở chuẩn bị mừng năm mới, chỉ riêng nhà chúng tôi là đìu hiu, lại còn phải đóng chặt cửa, trong khi bên ngoài chủ nợ hung hăng hét đòi,cả nhà bị lăng nhục đủ lời, đủ kiểu… càng thấm thìa thế thái nhân tình bạc bẽo…Cha tôi cũng nhân đây mà biến thành người trầm mặc ít lời, buồn phiền khôn nguôi.
Sau đó mẫu thân hiền lành dẫn tôi và anh hai đi đến từng nhà để
cầu xin thông cảm, bà vừa khóc vừa nói: “Tiền thiếu các vị chúng
tôi nhất định sẽ trả, tôi xin dùng tính mạng mình đề đảm bảo”.
Trong cơn gió lạnh, mẹ tôi lệ rơi đầy mặt, còn tôi và anh thống khổ đến nghẹt thở. Lúc đó tôi mới 17 tuổi. Toàn bộ sinh hoạt gia đình đều trút hết vào đôi vai yếu gầy của mẹ tôi.
Sau đó, quốc gia cải cách mở mang chính sách, tôi cũng tham gia công tác, cả nhà chúng tôi đồng tâm hiệp lực dốc sức làm lụng, cuối cùng cũng trả hết nợ và còn để dành được chút ít. Cuộc sống bắt đầu đi lên, tôi vào làm cán bộ ở cơ quan, thế là nếp sinh hoạt phóng túng bắt đầu…
Do tôi nghĩ: “Hồi nhỏ mình nghèo, bây giờ cuộc sống đã tốt lên rồi thì cũng nên hưởng thụ, vui chơi”. Thế là tôi lao mình vào những cuộc ăn chơi đàng điếm, ngày ngày nhậu nhẹt bù khú đến say bét nhè, nhiễm đủ thói hư tật xấu: hút thuốc, uống rượu, bài bạc, sát sinh, tà dâm… tôi còn ăn tươi nuốt sống vật, không ác nào mà không làm, phạm rất nhiều điều tác tệ…Thế là con đường quan lộ bắt đầu không hanh thông (do tôi trác táng và tạo quá nhiều ác nghiệp), không những tôi bị cơ quan giáng chức mà trong gia đình luôn xào xáo, vợ chồng gây cãi um sùm, con cái học tập sa sút cực độ.
Sau khi mất chức, tôi dời nhà đến Vô Dương, mở một tiểu điếm,
duy trì kế sống. Mặt trời mọc rồi lặn, cứ thế ngày qua ngày, cuộc
sống tôi vẫn như xưa, không có gi khởi sắc… tôi bắt đầu thở vắn
than dài, khi nhận ra tình cảnh mình giống hệt phụ thân hồi xưa.
Hôm nọ, ở dưới lầu chúng tôi tỉnh cờ gặp một cư sĩ (nay là sư
huynh), ông kể cho tôi nghe các chuyện về Phật giáo và tặng tôi
cuốn sách “Biển giác thuyền từ” (Giác Hải Từ Hàng) và một cuốn
kinh “Phật thuyết vô lượng thọ”. Vừa vào nhà là tôi nôn nóng mở ra xem liền, hai cuốn sách này thu hết chú tâm của tôi giống như
“nam châm hút sắt”, tôi xem một lèo là hết ngay, lúc này trời cũng đã sáng.
Từ đó, tôi đối với các điển tích Phật giáo rất ưa thích, xem không
rời tay… còn nỗ lực tinh tấn hành theo. Tôi thầm phát nguyện:
“Phật pháp khó nghe nay con đã được nghe, đời này con nhất định nguyện tu sửa cho liễu sinh thoát tử mới thôi”. Kể từ đó tôi theo sư huynh bước vào con đường học Phật. Nhìn thấy tôi thay đổi tốt lên từng ngày, vợ và con tôi cũng ngưỡng mộ, hớn hở gia nhập “hàng ngũ” tu tập theo, cả nhà chúng tôi may mắn biến thành một gia đinh Phật hóa. Tôi và vợ đồng phát nguyện: Từ nay thệ dứt ăn mặn, nguyện ăn chay vĩnh viễn – tôi còn quyết định bỏ hút thuốc…Kỳ lạ là hồi trước tôi cũng từng cai, từng bỏ hút thuốc nhiều lần, nhưng càng bỏ càng thèm. Nhưng lần này lại có thể từ bỏ với tâm tư hết sức nhẹ nhàng thư thái, triệt để dứt khoát… Điều này khiến tôi vừa mừng vừa xúc động: quả là chư Phật Bồ-tát từ bi không bỏ một chúng sinh nào!
Hiện nay, hằng ngày tôi kiên trì tụng kinh, bái Phật, niệm Phật, chép kinh…Mỗi tháng vào mồng một, ngày rằm thì tôi hướng dẫn gia đình đi phóng sinh, làm nhiều việc thiện. Đồng thời còn đối chiếu theo kinh Phật dạy, lo kiểm điểm từng hành vi tạo tác của mình. Tôi thừa biết mình tật tánh nặng nề, nên đã bao lần ở trước Phật rơi nước mắt, thành tâm sám hối, khẩn cầu chư Phật Bồ-tát từ bi gia hộ, tiếp thêm sức mạnh cho tôi sửa đổi thành công, giúp tôi luôn nhận ra lỗi sai kịp thời để dứt khoát từ bỏ không tái phạm lại…
Kể từ sau khi học Phật, suốt mấy năm trì giới hành thiện, số mệnh tôi đà chuyển tốt, có nhiều khách nghe danh, ngưỡng mộ tìm đến bàn việc làm ăn, tới giờ vẫn còn hợp tác. Hiện nay tôi còn mở thêm một chi nhánh, công việc rất phất.
Kề từ lúc ăn chay rồi, huyết áp tôi cũng không cao, chứng mất ngủ cũng hết. Chứng liệt nhẹ nơi mặt cũng dần khỏi. Sức khỏe cả nhà tốt lên rất nhiều. Kể cả cha mẹ già ở viễn phương Dương Châu thân thề cũng khang kiện. Từ lúc học Phật đến nay, người xung quanh mến thương, quý trọng tôi ngày càng nhiều.
Mỗi ngày qua, tâm tôi rất thư thái, trọn ngày làm việc mà không
thấy mệt. Sinh hoạt luôn điều chỉnh tốt: ngủ sớm dậy sớm. Hằng
ngày, hạnh phúc nhất là được ở trước Phật đường, tụng kinh bái
Phật, pháp hĩ sung mãn… Phật pháp thực là càng hiểu, càng thú vị. Con trai tôi cũng thay đổi rất mạnh, ngày xưa tính nó hướng nội, tự kỷ. Nhưng bây giờ nó siêng năng tụng “Kinh Địa Tạng”, không bỏ một ngày nào. Tính vui vẻ, cởi mở vị tha, công việc chúng tôi cũng “tùy theo ước muốn mà tự thành”.
Vợ tôi cũng tinh tấn tu hành, cả nhà chúng tôi đều được Phật pháp tẩy gội, sống rất hòa thuận vui vẻ, đồng hưởng hạnh phúc, tự tại. Phật pháp thực kỳ diệu không thể nghĩ lường, là pháp bảo sáng tạo hạnh phúc thần kỳ ở nhân gian. Tôi xin lấy kinh nghiệm bản thân mình làm bằng chứng để chia sẻ và mách cùng quý vị: Hãy tránh ác hành thiện, thường kiểm điểm lỗi sai để “thiện hóa” thân tâm, cẩn trọng răn dè, giữ gìn thân, khẩu, ý trong từng hành vi, hãy phát nguyện nghiêm trì giới luật… không nên tùy tiện phóng dật mà sa vào lưới tà, nghiệp ác…
Tôi mong rằng câu chuyện có thực của minh sẽ khích lệ, giúp ích
thực nhiều cho các vị hữu duyên. Mong các bạn trong những ngày tháng còn sống này, ai cũng phát tâm tinh tấn học Phật, tu hành; tự độ mình, độ người. Mong mọi người đều thoát khỏi phiền não khổ đau, vượt qua biển lớn sinh tử, đến bờ giác thanh tịnh.
Tác giả: Cư sĩ Tịnh Hằng
Người dịch: Hạnh Đoan
GƯƠNG VÃNG SANH]: Chú Sa Di Niệm Phật Biết Trước Ngày Vãng Sanh.
Theo lời Hòa Thượng trưởng lão Huyền Tôn kể rằng, những ngày Hòa Thượng còn ở quê nhà, nơi Tổ đình Thiên Ấn – miền Trung, có một chú sa di tên Diệu Mãn. Thường nhật Chú chỉ làm công việc quét chùa. Chú người hiền lành, ít nói, tánh tình ngồ ngộ. Đặc biệt trong chúng, ai nhờ việc gì đều hoan hỷ làm ngay. Cũng chính vì vậy, chú thường bị quí sư huynh đệ la rầy, sao đang làm việc này lại bỏ đi làm việc kia… Tuy vậy, nhưng lúc nào chú cũng hoan hỷ, không ai thấy chú câu chấp việc gì bao giờ.
Chú Diệu Mãn thường lấy niệm Phật làm công phu tu hành. Ngày ngày, tháng tháng, năm năm… hai thời công phu sáng tối chú gìn giữ đều đặn. Ai làm gì thì làm, mặc người nói ra nói vào điều chi, thậm chí có ai chọc ghẹo, chú cũng hoan hỷ im lặng cười xòa.
Thời gian thấm thoát trôi qua, cho đến một hôm, giữa buổi thọ trai, chú Diệu Mãn đắp y ra tác bạch với Hòa Thượng Bổn Sư và đại chúng, chú chấp tay cung kính thưa: “Bạch Hòa Thượng và đại chúng, con nay xin thành tâm đảnh lễ ân đức của Hòa Thượng và đại chúng đã trưởng dưỡng con cho đến ngày hôm nay, nay thời gian đã đến, con tác bạch xin Hòa Thượng cho phép cho về với Phật”. Đại chúng ngẩn ngơ nhưng bình thường thấy chú Diệu Mãn ngồ ngộ, nên tưởng hôm nay chắc chú ấy cũng giỡn chơi. Hòa Thượng dạy rằng: “Này Diệu Mãn, tiết trời lúc này đang mùa mưa, con về với Phật mùa này cũng ướt át lắm, thôi để 23 tết đưa ông Táo về trời, rồi con hãy đi luôn cho tiện.” Chú Diệu Mãn đáp: “Mô Phật, bạch Thầy, Thầy dạy như vậy, con xin vâng”.
Sau lần tác bạch ấy, đại chúng không nhắc gì thêm về việc ấy nữa. Cứ nghĩ tánh chú ngộ nghĩnh vậy mà. Chú Diệu Mãn trở lại công việc thường ngày, vẫn hoan hỷ, vẫn ngồ ngộ, vẫn quét chùa như ngày nào. Mọi người ai nấy dường như đã quên lời tác bạch của Chú Diệu Mãn hôm nao.
Thời gian thấm thoát trôi qua, đến ngày 23 tháng chạp gần Tết năm đó, giữa cái chộn rộn, xôn xao của những ngày cuối năm, quí huynh đệ đột nhiên thấy Chú Diệu Mãn thần sắc lạ hơn ngày thường, y áo chỉnh tề bước lên hậu Tổ, lễ Tổ xong rồi ngồi thế hoa sen chấp tay niệm Phật. Đại chúng ai nấy đều thấy lạ, và đâu đó trong tâm khảm của mỗi người đều cảm được một điều gì đó rất tôn nghiêm, rất kính cẩn. Tự dưng không ai còn khởi niệm đùa cợt trước thái độ của chú Diệu Mãn trong giờ phút ấy nữa. Chú thưa với đại chúng rằng : “Nhờ chư huynh đệ hoan hỷ thỉnh Hòa Thượng từ bi lên tụng cho Diệu Mãn thời Kinh tiếp dẫn”.
Quí Thầy hấp tấp chạy mau xuống thưa với Ôn Hòa Thượng, thỉnh Ôn lên hậu Tổ. Khi Ôn đã lên tới, chú Diệu Mãn chấp tay cung kính thưa: “Bạch Thầy, hồi trong năm con đã bạch Thầy cho con về với Phật, Thầy dạy lúc đó trời mưa quá không tiện đi, đợi cuối năm hãy đi. Nay đã là ngày 23 tháng Chạp, thời giờ đã đến. Con xin Thầy cùng đại chúng từ bi tụng Kinh tiếp dẫn cho con.”
Thời gian không gian lúc ấy dường như ngừng lại, mọi người từ Hòa Thượng xuống tất cả huynh đệ, tâm trạng ai ai cũng tràn đầy cảm xúc khó tả. Hòa Thượng xướng bản Kinh A Di Đà, đại chúng cùng hòa theo. Chú Diệu Mãn vẫn chấp tay an tọa nơi đó. Tụng xong bản Kinh, Hòa Thượng đến xem thì thấy Chú đã an tịnh ra đi tự lúc nào !
Chú Diệu Mãn đã an tường ra đi, ra đi biết trước giờ khắc. Ra đi giữa sự tiếp dẫn của Hòa Thượng Bổn Sư và các sư huynh, sư đệ. Ra đi giữa bổn nguyện trong Kinh A Di Đà, ra đi có định hướng. Ôi, Phật Pháp thật nhiệm mầu làm sao !
Chú Diệu Mãn ra đi nay đã hơn 70 năm, nếu đại chúng chưa đủ duyên lành, thì ngày nay tấm gương nhất tâm tu trì ấy, thế hệ mai sau đâu dễ gì được nghe Hòa Thượng trưởng lão Huyền Tôn kể lại. Chúng con xin thành tâm cảm niệm ân đức Hòa Thượng đã kể lại những mẫu chuyện chuyên tu chuyên hành như vậy, để đàn hậu tấn chúng con càng thêm vững bước trên con đường chấm dứt sinh tử luân hồi.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Tỳ kheo ni Thích Nữ Giác Anh (Trích Giữ Tâm Một Chỗ, Việc Gì Cũng Xong)