Nếu niệm Phật mà tâm khó quy nhất thì nên nhiếp tâm niệm khẩn thiết sẽ tự có thể quy nhất. Cách để nhiếp tâm không có gì hơn được chí thành, khẩn thiết; tâm chẳng chí thành thì không cách chi nhiếp nổi!
Nếu đã chí thành mà chưa thuần nhất thì nên thường lắng tai nghe, chẳng luận là niệm ra tiếng hay niệm thầm đều phải là niệm phát xuất từ tâm, tiếng phát xuất từ miệng, âm nhập vào tai; tâm và miệng niệm sao cho rành rẽ rõ ràng, tai nghe sao cho rành rẽ, rõ ràng. Nhiếp tâm như thế thì vọng niệm tự dứt.
Nếu như sóng vọng niệm vẫn còn trào dâng thì dùng cách mười niệm nhớ số, dốc toàn bộ tâm lực vào trong từng câu Phật hiệu, tuy vọng niệm có muốn khởi cũng chẳng có sức. Ðây chính là diệu pháp rốt ráo để nhiếp tâm, càng làm thử càng thấy hiệu nghiệm.
Lúc niệm Phật thì từ một câu đến mười câu sao cho niệm được phân minh, ghi nhớ phân minh. Niệm mười câu xong lại từ một câu niệm đến mười câu, chẳng được niệm đến câu thứ mười hai hay mười ba. Niệm đến đâu, nhớ đến đấy; chẳng được dùng chuỗi để nhớ mà phải dụng tâm nhớ. Nếu thấy niệm suốt mười câu là khó thì chia thành hai hơi: từ câu một đến câu năm và từ câu thứ sáu đến câu thứ mười.
Nếu vẫn chẳng đủ sức thì từ câu một niệm đến câu thứ ba, từ câu thứ tư niệm đến câu thứ sáu, từ câu thứ bảy niệm đến câu thứ mười, tức là ba hơi.
Niệm đến mức rõ ràng, ghi nhớ phân minh, nghe cho rõ ràng, vọng niệm không còn chỗ để bén chân thì nhất tâm bất loạn lâu ngày sẽ tự đạt được.
Nhưng lúc làm lụng nếu khó nhớ số thì cứ khẩn thiết mà niệm suông. Làm xong việc, lại nhiếp tâm nhớ số thì cái tâm lông bông, lăng xăng sẽ tụ về chuyên chú nơi nhất cảnh Phật hiệu.
Nhiếp tâm niệm Phật chắc chắn chẳng phải là chuyện dễ dàng, nhưng trong các pháp nhiếp tâm thì chỉ có mỗi cách xoay trở lại nghe tiếng niệm thật là bậc nhất.
Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Trích yếu sách Văn Sao Chánh Tục Tam Biên đại sư Ấn Quang Thánh Lượng thời Dân Quốc
CẬU BÉ 7 TUỔI ĐƯỢC PHẬT TIẾP DẪN
Vào triều đại nhà Thanh, có đồng tử họ Đinh người ở Thường Thục, hiện lưu trú tại trấn Mai Lý. Năm lên 7 tuổi, bé Đinh thường nghe cha mẹ trì niệm danh hiệu đức Phật, nên mỗi sáng bé cũng niệm Phật.
Chẳng bao lâu, bé có chút bệnh nhẹ. Do đó sáng ấy vẫn còn nằm, bỗng vùng dậy tự nói: Sáng nay đã quên niệm Phật, mình phạm lỗi nặng rồi! Bèn đi rửa tay rửa mặt vào chánh điện lạy Phật, niệm Phật xong, lại ngủ tiếp.
Đến chiều, bé thưa với mẹ rằng: “Con theo đức Phật về phương Tây, xin mẹ chớ buồn rầu nghi nan.” Rồi tiếp tục niệm Phật, được một hồi lâu thì ngất xỉu. Bà mẹ rất đau xót chết đi sống lại. Lại nghe cổ họng của bé Đinh phát ra âm thanh, như muốn nói gì mà không ra tiếng. Đột nhiên bé nói lớn bốn tiếng “Đại từ Đại bi” rồi tắt thở.
Ngày hôm sau nhập liệm, khi bồng bé bỏ vào hòm, toàn thân đều lạnh, chỉ có trên đầu vẫn còn nóng.
Trích Vãng Sanh Cận Nghiệm Lục– Tịnh Độ Thánh Hiền Lục
Nam Mô A Di Đà Phật
https://hoiquanadida.com/guong-vang-sanh/guong-vang-sanh-be-7-tuoi-niem-phat-theo-phat-ve-tay-phuong-5183.html#ixzz6wcBv1NvN