Niệm Phật cốt yếu là để thoát sanh tử, mà đã vì sanh tử thì nên tự sanh tâm nhàm chán nỗi khổ sanh tử, tự sanh tâm ưa thích sự vui nơi Tây Phương. Có như thế thì hai pháp Tín và Nguyện thường được trọn vẹn.
Lại thêm chí thành, khẩn thiết như con nhớ mẹ thì ba pháp: Phật lực, Pháp lực, tự tâm tín nguyện công đức lực hiển hiện trọn vẹn như mặt trời rực rỡ trên không, dù có sương dày, băng đóng tầng tầng thì cũng chẳng bao lâu sẽ biến mất ngay!
Muốn tâm chẳng tham sự việc bên ngoài chỉ chuyên niệm Phật, người chẳng chuyên muốn cho được chuyên, người chẳng thể niệm muốn cho niệm được, người chưa được nhất tâm muốn họ đắc nhất tâm v.v… cũng chẳng có cách nào áo diệu, lạ lùng, đặc biệt chi cả! Cứ lấy một chữ Chết dán chặt lên trán, cho phủ xuống tận lông mày, tâm thường niệm rằng:
“Tôi tên là… từ vô thỉ cho đến đời hiện tại này đã tạo ác nghiệp vô lượng, vô biên. Giả sử ác nghiệp mà có thể tướng thì mười phương hư không chẳng chứa đựng hết được. Ðời trước có may mắn chi mà nay được thân người, lại được nghe Phật pháp. Nếu chẳng nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì khi một hơi thở không hít vào được nữa, quyết định sẽ phải thọ khổ nơi vạc sôi, lò than, rừng gươm, núi đao nơi địa ngục. Dù thoát được địa ngục, lại đọa trong ngã quỷ, súc sanh. Dù được làm người thì ngu si tạo nghiệp nên lại đọa lạc, trải qua kiếp số nhiều như vi trần luân hồi sáu nẻo, dù muốn xuất ly vẫn chẳng thể được”.
Niệm được như thế, cầu được như trên thì ngay khi đó sẽ tu tập. Vì thế trong kinh nhắc đi, nhắc lại: “Nghĩ khổ địa ngục, phát Bồ Ðề tâm”. Ðấy chính là điều khai thị tối thiết yếu của đấng Ðại Giác Thế Tôn.
Lúc niệm Phật phải thường nghĩ đến lúc chết phải đọa địa ngục thì chẳng khẩn thiết cũng sẽ tự khẩn thiết, chẳng tương ứng cũng tự tương ứng. Dùng cái tâm sợ khổ để niệm Phật chính là pháp mầu bậc nhất để thoát khổ, đó cũng là pháp mầu tùy duyên tiêu nghiệp bậc nhất.
Trích Niệm Phật Pháp Yếu
Trích yếu sách Văn Sao Chánh Tục Tam Biên đại sư Ấn Quang Thánh Lượng thời Dân Quốc
Đừng hưởng hết phước báu
Dân gian có câu: “Phước bất tận thâu, Lộc bất tận hưởng”. Tạm hiểu là: “Khi được phước, được lộc đừng bao giờ hưởng hết một mình, mà nên san sẻ”.
San sẻ bằng cách nào? Có nhiều cách, như bố thí (giúp đỡ người già neo đơn, trẻ em tật nguyền, người gặp hoạn nạn…), phóng sinh, cúng dường tạo phước, làm việc hiếu, việc đạo thì mới bền, nếu không thì dễ bị quả báo. Nên chăm làm phước, chớ ích kỷ hại nhân lợi mình, hại người sẽ được hưởng phúc lành.
Đời sống xã hội hiện đang bị đầu độc bởi thực phẩm bẩn độc hại, ngâm tẩm hóa chất; nhiều cơ sở sản xuất ngang nhiên xả những chất độc hại ra môi trường…Những kẻ vô đạo đức, táng tận lương tâm chỉ vì muốn làm giàu trên nỗi đau khổ của người khác đang hàng ngày, hàng giờ đầu độc đồng bào, gián tiếp phạm tội “sát sinh”, tạo nghiệp bất thiện thì làm sao được phước báu?!
Vậy muốn được phước báu chúng ta phải làm gì?
– Phải tích phước và (tiết) kiệm phước!
Có một ông thầy tướng số nói với tôi rằng: “Phàm những ai giàu sớm mà không biết tạo phước, tích phước thì thường chết sớm, hoặc cuối đời không đâu vào đâu cả!”. Tôi hỏi tại sao? Thầy cười bảo: “Lúc trẻ sung sướng, cái gì trên đời cũng có cũng hưởng hết rồi mà không tạo ra được phước mới thì làm gì mà không chết sớm hoặc cuối đời phải chịu khổ cực!”.
Theo Phật pháp thì đó gọi là tự đánh mất phước báu của mình! Dân gian có câu: “Đại phú do trời, tiểu phú do (chuyên) cần”. Có người sinh ra trong nhung lụa, có người cả đời sống trong khốn khó. Khi sinh ra, con người không thể chọn được mình là người thế nào! Sướng hay khổ, sang hay hèn…, tất cả đều do có được hưởng hay không được hưởng phước báu mà thôi! Phước báu có tuần hoàn, có tăng trưởng và có tiêu diệt! Vậy làm thế nào để có được phước báu và phước báu được tăng trưởng?
Doanh nhân người Mỹ Bill Gates biết làm từ thiện ngay từ khi kiếm được những đồng đô la đầu tiên từ phần mềm máy tính. Khi tài sản của ông chưa thấm vào đâu so với giới tỷ phú Mỹ lúc bấy giờ, Bill đã nổi tiếng với việc năng làm từ thiện, không dùng đồ đắt tiền và không tiệc tùng nhậu nhẹt! Đến nay, tài sản của Bill tăng dần từ vài tỷ lên đến hơn cả trăm tỷ USD! Không một ai vượt qua được Bill trong suốt vài thập niên vừa qua! Và đến nay ông vẫn làm từ thiện đều đều. Ông tỷ phú này biết cách tích phước, biết cho đi để được nhận lại…
Khi xưa Phật dạy con người, muốn được hưởng phước báu dài lâu thì tài sản ta kiếm được phải bằng con đường chân chính, lương thiện và nên chia làm 4 phần sử dụng vào các việc sau đây:
Một phần để sử dụng hàng ngày, sinh hoạt, kinh doanh.
Một phần để dự trữ phòng khi bất trắc.
Một phần để giúp đỡ bà con quyến thuộc, người nhà.
Và một phần để làm từ thiện, công đức.
Như vậy có tới 2 phần là để làm từ thiện, để cho đi. Không biết tay Bill Gates có phải là Phật tử không mà lại làm đúng như vậy. Điều ngược đời là muốn giữ được phước báo thì lại phải cho đi thật nhiều, chứ không giống như quan điểm của đại đa số người đời là anh muốn ôm cả đất, anh muốn ôm cả trời.
Tôi có mấy người bạn họ luôn luôn sẵn sàng làm từ thiện mọi lúc mọi nơi. Nhưng dù rằng còn rất khó khăn trong kinh tế nhưng luôn tự nhủ mỗi năm phải làm từ thiện. Tôi tin rằng trong tương lai họ sẽ thành công, họ sẽ là đại gia, ngay bây giờ, họ đã là đại gia trong lòng tôi. Những người này tại sao gương mặt họ luôn bừng sáng, thanh thản và hạnh phúc đến vậy.
Làm người… sợ nhất là hưởng hết phước báo mà không tạo ra phước mới.
Muốn nhận được thì trước tiên bạn hãy học cách cho đi. Mà không cần có tiền và giàu có mới cho đi và bố thí. Ta không có tiền thì bố thí lời nói, trí tuệ, hành động…!
Thanh Tùng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 7 năm 2016
XÂY CHÙA TRÊN NGÔI NHÀ XƯA CỦA CHA MẸ – LẬP TỨC CẢM ỨNG TRỜI
Xưa kia Tôn giả Dạ-chu-đa trở về quê cũ, xây dựng Tinh xá Phật nơi nhà xưa của cha mẹ. Vào nửa đêm Tôn giả thấy có trăm nghìn Thiên tử đến cúng Tinh xá. Tôn giả biết được hỏi, Thiên tử nói:
– Tôi là mẹ của ngài, vì nghiệp ác nên đoạ địa ngục, ngày ngài xuất gia thì chúng tôi được sanh lên trời, ngài xây dựng Tinh xá nơi ngôi nhà xưa, lúc đó cung điện tự rúng động, ánh sáng thù thắng bội phần, vì thấy sự việc này đến đến cúng dường.
(Đại tạng kinh tập 51, trang 835, Tam Bảo cảm ứng yếu lược lục, quyển thượng, truyện 46).
“Tôn giả”: là người đã chứng quả A-la-hán trở lên, đã vượt qua hạng phàm phu, tiến vào bậc thánh, thoát khỏi ba cõi, không còn ở trong ngũ hành, vĩnh viễn không bị luân hồi nữa.
“Trở về quê cũ”: Chính là về cố hương, sửa đổi xây dựng căn nhà cha mẹ ở trước đây thành Tinh xá Phật.
“Tinh xá Phật”: chính là nơi ở cùng người học Phật tu hành.
Buổi tối hôm đó có trăm nghìn vị thiên nhân đến cúng dường Tinh xá này, sau khi Tôn giả Dạ-chu-đa biết được liền hỏi: “Ai đó, có nhân duyên gì mà đến đây cúng dường”.
Thiên tử đáp: “Tôi là cha mẹ của ngài, do đời trước tạo nghiệp ác mà đoạ vào địa ngục”.
Thật ra, nếu người không học Phật tu hành đều là ác nhiều thiện ít, không giữ năm giới khó mà được sanh làm người, không đầy đủ mười giới khó mà được sanh lên trời. Có thể nói không có phần ở cõi trời, người; nhất định đoạ vào ba đường ác, thậm chí tội ác sâu nặng, nhất định đoạ vào địa ngục.
“Ngày ngài xuất gia thì chúng tôi được sanh lên trời”: Bản thân họ đã bị đoạ vào địa ngục, hiện tại ra khỏi địa ngục hơn nữa còn được sanh lên thiên đường. Vì nhân duyên gì mà có sự thay đổi hoàn toàn khác biệt vậy? Đó là do Tôn giả Dạ-chu-đa xuất gia. Thật tâm xuất gia có thể độ thoát cha mẹ, không chỉ khiến cho cha mẹ thoát khỏi địa ngục, hơn nữa sanh lên cõi trời, và lại biết ơn, báo ơn mà xuống đến Tinh xá, lạy Phật, cúng dường Tam-bảo, có thể được độ thoát.
Đồng thời lấy phòng ốc, vật để lại của cha mẹ để cúng dường Tam-bảo, khiên cho ánh sáng cung điện ở trên trời sáng gấp bội lần. Có thể biết lấy vật để lại của cha mẹ cúng dường Tam-bảo, hoặc bố thí cho người nghèo khó, làm thiện tích đức, đều có thể độ thoát cha mẹ, hơn nữa cha mẹ đã được siêu độ, càng tăng phước đức hơn nữa.
Đương nhiên nếu cha mẹ không có để lại đồ vật gì, con cái lấy tài sản của mình để bố thí, cúng dường, rồi hồi hướng cho cha mẹ, công đức cũng giống nhau, có thể tiến thêm bước nữa niệm Phật hồi hướng cho cha mẹ, thì càng thù thắng hơn nữa.
Cõi trời đều là cảnh giới ánh sáng, cung điện có ánh sáng, thiên nhân cũng có ánh sáng. Dù sanh lên trời rồi nhưng chúng ta có thể làm công đức hồi hướng, cha mẹ ở cõi trời, ánh sáng nơi thân họ càng trở nên rực rỡ hơn, cung điện càng trang nghiêm hơn, sáng rỡ hơn.
Nam-mô A-di-đà Phật!
Pháp sư Huệ Tịnh.
(Trích: Giảng giải Nguyện thứ 18 – trang 681 -> 683)
Kính thưa chư vị Tiền bối! Qua câu chuyện trên con có chút nghi vấn, Tôn giả trong câu chuyện trên đã chứng A La Hán rồi nên đã siêu độ được mẹ ngài lên cõi Trời. Nhưng tại sao Tôn giả Mục Kiền Liên cũng chứng quả đắc thần thông nhưng không thể độ được mẹ của ngài là bà Thanh Đề như trong kinh Vu Lan Bồn mà phải nhờ thần lực của Đức Phật và mười phương Tăng chú nguyện?
Và ngày nay có nhiều người chép kinh cúng dường Phật, sau khi chép xong thì dâng lên Tam bảo( hoặc bàn thờ Phật) cung kính cúng dường rồi sau đó đem đốt thì như vậy có như pháp hay không?
1. Tất cả đều là duyên độ sanh của mỗi người. Mẹ của vị A La Hán nọ có thể nghiệp căn của bà không quá sâu nặng như bà Thanh Đề, vì thế, nên bà dễ độ hơn. Còn bà Thanh Đề nghiệp tội quá sâu nặng: báng Phật, khinh Tăng, tâm sân hận, bỏn sẻn nên phải gánh chịu nghiệp quả nặng nề nơi địa ngục.
2. Tuy nhiên chúng ta không nên hiểu câu chuyện bà Thanh Đề ở góc độ hạn hẹp mà phải hiểu sâu xa hơn: Chuyện bà Thanh Đề mẹ Ngài Mục Kiền Liên chỉ là một biểu pháp, bởi các pháp Phật nói ra phần lớn đều có người thưa, thỉnh. Trường hợp bà Thanh Đề cũng vậy, nhờ ngài Mục Kiền Liên thưa, thỉnh Phật về pháp cứu mẫu thân nơi địa ngục mà Phật nói về pháp sám – báo hiếu mẫu thân tức Kinh Vu Lan Bồn và Sám Vu Lan, giúp cho hậu thế biết được nghiệp nhân, quả báo mà tránh cũng như công đức sinh thành, thâm ân dưỡng dục của cha mẹ và công đức, năng lực không thể nghĩa bàn về pháp độ sanh của chư Phật. Quan trọng hơn nữa là dù nghiệp tội có sâu nặng tới đâu nhưng chỉ cần chúng sanh đó biết hồi đầu, ngay đó liền có thể tái sanh về cảnh giới an lạc.
3. Việc chép kinh pháp cúng dường Phật, sau khi cúng dường xong lại đốt đi thì quả là hiếm có. Kinh pháp của Phật chẳng thể tuỳ tiện đốt huỷ, ngoại trừ quá hư hỏng, mòn cũ tới không thể xử dụng được nữa thì mới được phép thiêu huỷ nhưng cũng phải đúng pháp thì không phải gánh chịu nghiệp huỷ pháp. Trường hợp bạn nói chúng ta cũng phải hết sức thận trọng, chẳng nên nghĩ pháp tôi tự viết chép thì tôi cũng có thể tuỳ tiện thiêu huỷ.
TĐ
DƯƠNG GIA VĨ TRÌ GIỚI PHÓNG SINH
Ông Dương Gia Vĩ, người Kiết An, một sinh viên thời Vạn Lịch triều Minh. Thuở trẻ ông rất ham học, không sách chi là không đọc, nhứt là Kinh sách của Phật giáo. Năm 13 tuổi, ông trì giới bất sát rất nghiêm, dầu là rệp muỗi, cũng không làm tổn hại. Năm 24 tuổi, mang bệnh, ông mơ thấy đến địa phủ ra mắt đức Địa Tạng Bồ Tát nơi điện Minh Dương. Sau khi thức dậy, ông mua chuộc cá chim để thả và thỉnh Tăng đến nhà tụng Kinh niệm Phật.
Ít hôm sau ông nói rằng : “Tôi sắp vãng sanh ! Thanh liên hoa hiện ở trước tôi, đó không phải là cảnh Tịnh Độ đấy ư !”. Từ giờ đó trở đi, ông to tiếng niệm Phật suốt ngày đêm. Một đêm nọ, ông bảo người nhà tắt đèn và nói :
– “Tôi luôn ở trong quang minh của Phật, không cần đến đèn”.
Hỏi ông thấy những gì, ông đáp : “Sen báu nở bốn màu”.
Hỏi có thấy Phật chăng, ông đáp : “Thấy Đức A Di Đà Phật hiện thân cao nghìn trượng. Đức Quan Thế Âm cũng hiện thân đồng như Phật. Chỉ chưa thấy đức Đại Thế Chí”.
Dứt lời ông trỗi dậy niệm hương rằng : “Kinh A Di Đà, công đức bất khả thuyết! Bất khả thuyết! Bất khả thuyết! Tôi được vãng sanh bậc thượng phẩm!”. Rồi ông an tường mà mất.
Trích: Vãng Sanh Tập.
Nam Mô A Di Đà Phật,
Con có 1 thắc mắc, kính xin các Thầy, các vị đồng tu giải đáp giúp con ạ.
Luật nhân quả là quy luật bất biến của vũ trụ, vậy khi chúng ta mắc phải sai lầm trong quá khứ và sau đó hàng ngày thành tâm sám hối lỗi lầm, ăn chay, niệm Phật, làm phước thiện như vậy có thay đổi được nhân quả không ạ? Hay gieo nhân nào ắt sẽ gặp quả đó trong tương lai ạ?
Con mong nhận được sự hồi âm của các quý Thầy, quý đồng tu ạ.
A Di Đà Phật
Chào bạn Diệu Vy!
Xin chia sẻ cùng bạn đôi dòng như sau:
“Khi chúng ta mắc phải sai lầm trong quá khứ và sau đó hàng ngày thành tâm sám hối lỗi lầm, ăn chay, niệm Phật, làm phước thiện như vậy có thay đổi được nhân quả không?”
Cũng như bạn đã viết trên: Nhân quả là quy luật bất biến. Viết rõ ràng hơn, nếu có thể thành tâm sám hối, niệm Phật, ăn chay, tu tạo phước thiện, thì ắc sẽ thay đổi được QUẢ hay gọi là CHUYỂN NGHIỆP.
Phật dạy: “Niệm Phật có thể tiêu được trọng tội trong 80 ức kiếp sanh tử”. Trong Vô Lượng Thọ Kinh, Phật nói về bổn nguyện tiếp dẫn về đất Phật của Phật A Di Đà- đây mới chính là phương pháp chuyển nghiệp tối thượng. Vì sao? Thiện- ác nghiệp= chúng sanh, tịnh nghiệp= Phật. Có ác nghiệp thì chúng sanh đến ba đường ác để tiêu. Có thiện nghiệp lại đến ba đường thiện để tiêu. Xét cho cùng chúng ta hàng ngày niệm Phật, tu tạo phước thiện, nếu chẳng cầu sanh về đất Phật, không cầu giải thoát; cho dù ác nghiệp có tiêu trừ, thiện nghiệp đến, lại sanh về cõi thiện, ở cõi thiện “tiêu dùng” hết phước rồi, ác nghiệp vây quanh, lại vào ác đạo. Đây là vòng lần quẩn= lục đạo luân hồi.
Nam Mô A Di Đà Phật
A Di Đà Phật!
Con xin cảm sợ quý đạo hữu đã chia sẻ ạ